Số từ: 5238
Quyển 2: Biến cố ở trường Đămri
Nguồn: NXB Trẻ
Bọn Kăply ngồi chết gí trên những bậc thềm dọc đường Brabun, mặt đờ ra. Tin tức mà Suku vừa đem về khiến tụi nó choáng váng như vừa ủi đầu vô gốc cây.
– Thiệt không thể tin nổi! – Lâu thật lâu, Êmê mới rên lên, giọng chưa hết bàng hoàng.
– Nhưng tại sao lại như thế nhỉ? – Păng Ting ngô nghê nói, căn cứ vào ý nghĩ mơ mồ của câu hỏi có cảm tưởng chính nó cũng không biết nó đang định nói gì.
– Có gì khó hiểu đâu, Êmê. – Nguyên hít vào một hơi, cố tỏ ra là người đầu tiên trấn tĩnh – Hôm trước em bảo sở dĩ mọi người đều tin Tam là quái nhân bởi vì từ khi nó đặt chân vào trường Đămri thỉnh thoảng lại xảy ra những chuyện kỳ là ở những lớp nó theo học, đúng không?
– Ờ…
Êmê lơ đãng đáp, mắt vẫn nhìn vào một điểm vô hình nào đó lơ lửng trước mặt.
Nguyên khẽ liếc khuôn mặt rất chi là xa vắng của Êmê, tự tin tiếp:
– Nhưng mọi người lại quên rằng Bolobala luôn luôn học cùng lớp với Tam. Do đó, nếu bảo Bolobala là thủ phạm của những vụ chơi khăm đó thì cũng không có gì là quá xa sự thật. Theo như những gì anh tận mắt chứng kiến trong thời gian qua thì rõ ràng lúc mấy đứa cà chớn như Amara hay Steng bị nguyền cho á khẩu hay té dộng đầu xuống đất, Bolobala đều có mặt ở đó.
– Anh K’Brăk. – Êmê khẽ kêu – Tam bị cho là quái nhân còn vì nó hay lầm bầm một cách đáng ngờ. Bolobala không có cái tật kỳ quái đó.
– Không phải đâu, chị Êmê. – Lần này chính Suku lên tiếng trả lời thay Nguyên. Nó lúc lắc món tóc xanh rêu trước trán và nặn ra một nụ cười méo mó – Những tiếng lầm bầm của anh Tam không phải là câu rủa. Đó là những câu gì lạ lắm, nghe như những câu thơ.
Trước những ánh mắt hau háu chĩa vô mặt mình, Suku háo hức thuật lại những gì nó phải mạo hiểm đến suýt bị Tam tóm cổ mới nghe lỏm được.
– Đúng là không phải lời nguyền rồi. – K’Tub bô bô ngay khi Suku vừa dứt lời – Nguyền rủa gì mà lại có quần áo, xà lách tùm lum ở trỏng.
– Ờ, thằng Tam này kể ra cũng khó hiểu thiệt. – Nguyên tặc lưỡi nói, có vẻ như nó phải dùng đến khối lượng lớn can đảm để thừa nhận có những điều nó cũng hoàn toàn mù tịt y như mấy đứa kia.
Păng Ting nói trong mơ màng:
– Hổng lẽ Bolobala mới thực sự là quái nhân?
– Tao chỉ thắc mắc một điều, K’Brăk. – Kăply thình lình vọt miệng – Hôm đối mặt với Baltalon, chính tai tao nghe thấy có ai đó buột ra lời rủa thầm
Cho mày té bật ngửa ra đi!
và ngay lập tức Bolobala ngã lăn ra. Nếu Bolobala đúng là quái nhân thì tại sao nó lại lãnh đủ lời nguyền của chính mình?
Trừ Suku, những đứa còn lại đều có mặt lúc Bolobala bị ngã chổng gọng trên cỏ và đến lúc này tụi nó mới biết cú ngã đó là do tác động của lời nguyền bí mật. Bây giờ nghe Kăply nhắc lại, tất cả bộ mặt đều thừ ra.
Bọn trẻ nghĩ lâu thiệt lâu, và căn cứ vào những đôi môi mím mỗi lúc một chặt và những ngón tay không ngớt co ra duỗi vào kia có thể tin chắc rằng tụi nó có suy nghĩ đến lúc đầu óc tan chảy ra cũng chẳng lần được chút xíu manh mối nào.
Rốt cuộc đứa lên tiếng lại là đứa không có mặt trong lúc đó.
– Em hiểu rồi, anh K’Brêt. – Suku đong đưa đôi mắt sáng như sao, hớn hở nói – Nếu em đoán không sai, có lẽ Bolobala dùng lời nguyền rủa đó để đối phó với Baltalon và bị hiệu ứng phản nguyền.
– Hiệu ứng phản nguyền là cái con khỉ gì vậy, mày? – K’Tub nhăn nhó nhìn Suku – Chị Bolobala học hành đàng hoàng chứ đâu có lôm côm như mày mà bị thần chú của chính mình đánh trúng.
– Theo tao hiểu, lời nguyền rủa thầm chỉ có hiệu nghiệm với những ai có năng lượng pháp thuật tương đương hoặc thấp hơn mình. – Suku nghiêm trang giải thích, phớt lờ sự châm chọc của bạn và đã bắt đầu có vẻ giống ai đó trong đội ngũ giáo sư trường Đămri – Nếu bất cẩn đem ra đối phó với người có năng lượng pháp thuật cao hơn mình, lời nguyền sẽ văng ngược lại, đánh vào chính mình. Hiện tượng đó gọi là hiệu ứng phản nguyền.
Păng Ting nhíu mày:
– Hổng lẽ Bolobala không biết điều đó?
– Chắc chắn là chị Bolobala biết. – Suku nhún vai – Nhưng có lẽ trước hoàn cảnh quá bức bách của ngày hôm đó, chỉ đành phải liều.
Một bầu không khí sững sờ chạy quanh những gương mặt sau câu nói của Suku. Trong một thoáng, bọn trẻ tưởng như nghe rõ những ý nghĩ trong đầu nhau.
– Tại sao lại thế nhỉ? – Êmê chớp chớp mắt, giọng xốn xang – Tại sao hai đứa nó phải giấu diếm khổ sở như vậy chứ?
– Phải giấu chứ, chị Êmê. – Suku ngọ nguậy đầu như để cho dễ thở – Sinh ra là quái nhân đâu phải là chuyện hay ho gì.
Đang nói, Suku bật reo lên:
– Chậc, em nhớ rồi. Trời đất, chuyện đơn giản như vậy mà lâu nay em không để ý. Đúng, chị Bolobala đúng là quái nhân một trăm phần trăm rồi.
Suku ngừng một lúc như để sàng lọc lại trí nhớ:
– Năng lực nguyền rủa thầm vốn là một dị chứng di truyền theo dòng họ, cứ cách ba đời thì xuất hiện một lần. Theo cuốn Một trăm vụ án oan trong lịch sử của Đam San, một tác phẩm được in ra cách đây 150 năm và sau đó bị Hội đồng Lang Biang tịch thu gần như toàn bộ thì Bolobolo, ông cố của Bolobala cũng là một quái nhân, sau này chịu không nổi thành kiến của dư luận phải bỏ vào rừng sống. Còn quái nhân Bolo Akô, ông tổ sáu đời của Bolobala thì nghiêng hẳn về phe Hắc Ám, theo phò trùm Bajaraka Đầu Bự.
Suku chép miệng:
– Thiệt tình mà nói thì những người đàng hoàng chẳng ai muốn thú nhận mình là quái nhân hết. Ông Bolorađam giấu nhẹm chuyện đó là điều chẳng có gì khó hiểu.
– Bolorađam có thể gạt được mọi người nhưng dù sao thì ổng cũng không thể qua mắt được thầy N’Trang Long, Suku à. – Nguyên thở ra một hơi dài – Theo như cách nói úp mở của thầy N’Trang Long hồi sáng nay với Bolorađam giữa sân trường thì hình như thầy đã biết tỏng sự thật về Bolobala, chỉ có điều thầy không muốn quậy tùm lum ra thôi.
– Ờ, phải rồi. – Păng Ting vỗ tay lên trán – Hèn gì lúc thầy N’Trang Long nói câu
xưa nay tôi vẫn thán phục cái biệt tài giữ bí mật của ông
, em thấy mặt ông Bolorađam tái hẳn đi. Ra là vậy.
Kăply phủi quần đứng lên:
– Chúng ta về đi thôi. Mọi chuyện như vậy là quá rõ ràng rồi. Thầy Haifai đinh ninh rằng thằng Tam là quái nhân nên lúc nào cũng đòi đuổi cổ nó ra khỏi trường, trong khi đó thầy N’Trang Long không thèm nhúc nhích gì hết bởi vì thầy biết Tam không phải là quái nhân. Vô cùng đơn giản!
– Nếu Tam có là quái nhân thì chắc chắn thầy N’Trang Long cũng không đụng đến nó đâu, K’Brêt. – Nguyên xốc cặp đứng dậy và quay sang bạn, khịt mũi nói – Bằng chứng là thầy vẫn để yên cho Bolobala học hành.
Êmê nhìn Nguyên bằng ánh mắt âu yếm:
– Anh nói đúng quá, anh K’Brăk. Em cũng cho rằng thầy hiệu trưởng không phải là người hẹp hòi. Hừm, quái nhân thì sao chứ? Chẳng qua đó là số phận. Đâu có ai chọn cửa mà sinh, đúng không?
Bọn trẻ rào rào đứng lên và trên cái nền âm thanh xào xạc của những vạt áo cọ quẹt vào nhau nổi lên tiếng làu bàu ghen tỵ của Kăply:
– Với Êmê thì lúc nào K’Brăk chẳng đúng!
Như không nghe thấy Kăply, Êmê quay nhìn từng đứa, nghiêm mặt căn dặn, cái mũi hếch của nó lúc này trông rất giống ngón tay của viên sĩ quan chỉ huy:
– Bí mật ngày hôm nay chúng ta phải tuyệt đối giữ kín đấy nhé.
– Tại sao vậy, chị Êmê? – K’Tub thắc mắc.
– Còn tại sao nữa. Nếu thầy N’Trang Long mà còn làm ngơ thì chẳng việc gì chúng ta phải hét ầm lên cho thiên hạ biết.
– Trong vụ này, em thấy tội nhất là anh Tam đó. – K’Tub chép miệng cảm khái – Đội lốt quái nhân cho mọi người sợ hãi, xa lánh thiệt là khổ tâm hết sức chứ đâu phải chuyện chơi.
– Chẳng hiểu Tam cầu cạnh cha con Bolobala chuyện gì mà phải cực khổ ghê vậy há? – Păng Ting bâng khuâng buột miệng.
– Em đã kể cho chị nghe rồi mà, chị Păng Ting. – Suku nói – Hình như ba của anh Tam đang bị giam cầm ở thung lũng Plei Mo. Ảnh nhận lời đóng vai quái nhân thay cho Bolobala, đổi lại cha con Bolobala sẽ giúp giải thoát ba ảnh khỏi tay sứ giả thứ hai của trùm Bastu.
– Cỡ như ông Bolorađam làm sao có thể đối phó với sứ giả của trùm Bastu được chớ. – Păng Ting
xì
một tiếng – Thiệt là ảo tưởng!
Suku chớp mắt:
– Có lẽ anh Tam muốn tận dụng khả năng nguyền rủa thầm của chị Bolobala trong vụ này.
– Chẳng ăn thua gì đâu, Suku. – K’Tub cố đưa ra nhận xét để chứng tỏ nó đủ thông minh để tham gia câu chuyện – Khi nãy mày chẳng bảo lời nguyền rủa thầm chẳng có tác dụng gì trước đối phương có năng lượng pháp thuật cao hơn mình là gì!
– Ừ, thế mới căng! – Suku gật đầu, lâu lắm nó mới đồng ý với K’Tub một lần làm thằng này sướng mê – Đó là chưa kể hiện nay chị Bolobala đang gặp nạn. Anh Tam đã giấu nhẹm ông Bolorađam chuyện này và tao thấy hình như ảnh có ý muốn hủy hợp đồng với ổng.
– Sứ giả thứ hai của trùm Bastu là ai vậy, Suku? – Nguyên nãy giờ vẫn chìm vào cõi suy tư, bỗng đột ngột hỏi, nó nhìn thằng oắt bằng ánh mắt chờ đợi, như thể Suku đang cất giấu bản khai lý lịch của các sứ giả Hắc Ám trong túi áo.
– Em không biết, anh K’Brăk.
Câu trả lời của Suku quả tình là nằm ngoài tiên liệu của Nguyên. Nó nhìn sững thằng oắt, chẳng có chút cảm giác gì là đã nghe thấy câu trả lời:
– Em nói sao?
Suku vén mớ tóc lòa xòa sắp sửa chọc vào mắt, lắc đầu đáp:
– Từ xưa tới nay, các thủ lĩnh Hắc Ám không đặt ra chức vị sứ giả. Chỉ gần đây, chính xác là từ sau khi tấn công thành công lâu đài K’Rahlan, trùm Bastu mới đặt ra chức vị này, vì vậy tên tuổi và vai trò của các sứ giả Hắc Ám không hề có trong bất cứ cuốn sách nào.
Nguyên cắn môi:
– Nhưng chúng ta đã từng biết Badd, Baltalon và Buriăk.
– Vì chúng là những sát thủ hoạt động công khai và đã từng thực hiện nhiều vụ chấn động xứ Lang Biang. Nhờ vậy mà mọi người mới biết được đó là sứ giả thứ nhất, thứ ba và thứ năm. Riêng Baltalon, trước khi về đầu dưới trướng Bastu, hắn đã rất nổi tiếng.
Suku lại đưa tay vén tóc, làm như những lọn tóc mềm mại trước trán vẫn hay che khuất trí nhớ của nó:
– Dù sao thì em cũng biết được tên của hai sứ giả còn lại. Một người là Basil – anh trai của Buriăk, chỉ không biết ai là sứ giả thứ hai, ai là sứ giả thứ tư thôi.
– Vậy thì Basil là sứ giả thứ hai, cũng là kẻ giam cầm ba của Tam. – Nguyên tỉnh queo nói, giọng không có vẻ gì là đang đùa.
– Anh nói sao?
Suku há hốc miệng kinh ngạc. Những đứa khác cũng tò mò xoáy mắt vào mặt Nguyên như thể đoán xem nó bắt đầu lên cơn cà rỡn từ lúc nào.
– Anh chỉ phỏng đoán thôi, Suku à. – Nguyên xòe rộng hai bàn tay ra trước mặt như muốn bảo tụi bạn hãy bình tĩnh nghe nó nói, rồi hồi hộp cất tiếng – Trong một tiết học Giải mộng trước đây, Tam từng nói với vợ thầy Haifai là nó đã nằm mơ thấy con basilic khiến bả chửi nó tơi bời. Em nghĩ đi, giữa hai từ Basil và basilic có liên quan gì với nhau không?
– Basilic tức là con rắn vipe…
Đang lẩm bẩm, Suku bất thình lình ré lên khiến tụi bạn nó giật bắn:
– Đúng rồi! Cái nhìn của con rắn vipe có khả năng biến bất cứ ai thành đá. Như vậy là đúng rồi! Đúng rồi!
Suku vừa hét vừa nhảy tưng tưng khiến K’Tub phải quờ tay tóm chặt lấy nó.
Suku phấn khích đến mức ra sức giãy giụa để chồm nửa người tới trước nói bô bô, mặc kệ phần hông vẫn còn kẹt trong vòng tay của K’Tub:
– Bây giờ thì em mới hiểu tại sao ông Bolorađam bảo thung lũng Plei Mo giống như phòng triển lãm của các điêu khắc gia. Plei Mo là sào huyệt của Basil và chính các nạn nhân của con basilic đã tạo nên cái vườn tượng quái gở đó. Họ đã bị con basilic biến thành đá, và ba của anh Tam chắc chắn là một trong số đó.
Êmê rùng mình:
– Như vậy vũ khí giết người của sứ giả Basil chính là con basilic?
– Chứ còn gì nữa! Có lẽ hắn đã nuôi và huấn luyện con vật kinh tởm này từ rất lâu rồi, nếu không hắn đã không có cái tên đó.
Kăply nói mà mặt xanh dờn, thậm chí sau khi vọt miệng nó vội ngoảnh đầu nhìn dáo dác như thể con basilic đang bò quanh quẩn đâu đó.
K’Tub vội buông Suku ra để chặn tay lên ngực cho trái tim khỏi vọt ra ngoài, môi mấp máy:
– So với con basilic của Basil, con Boumboum của Baltalon hóa ra dễ thương hơn nhiều.
Nguyên cố rặn ra một câu hỏi để trấn áp nỗi ám ảnh về con basilic:
– Hổng lẽ những nạn nhân của… của… còn cứu được sao, Suku?
– Em không rõ lắm, anh K’Brăk. – Suku trầm ngâm đáp – Theo truyền thuyết thì khi con basilic chết đi, những nạn nhân của nó sẽ trở lại bình thường. Nhưng xưa nay em chưa nghe nói đã có ai giết được một con basilic. Thậm chí đến gần nó là điều không thể.
Câu chuyện về sứ giả thứ hai của trùm Bastu gần như choáng gần hết tâm trí của bọn trẻ suốt dọc đường về nhà. Cả bọn nặng nhọc lê bước dưới cái nắng chói chang, lòng trĩu nặng, thấy cảnh vật lẫn bầu trời tự dưng xám ngắt đi trong mắt.
Chỉ đến khi chia tay Suku và Păng Ting trước cổng lâu đài K’Rahlan, Kăply mới sực nhớ ra một điều đáng sợ. Đáng sợ đến mức khi nó vừa nói xong, mọi đôi chân đều như muốn sụm xuống:
– Ủa, thế còn Bolobala? Nếu không phải Tam thì ai đã hãm hại nó?
oOo
Trưa hôm đó, bọn Kăply bị chửi một trận te tua. Cả bọn ngồi ngục đầu quanh bàn ăn nghe bà Êmô chì chiết:
– Tại sao giờ này tụi con mới mò về? Ta phải nói với tụi con mấy trăm lần nữa tụi con mới chịu nhớ cho hả?
Nói một hồi, cơn giận của bà không những không hạ xuống mà còn ngược lại còn bốc lên hừng hực. Mặt sưng lên, bà tức đến mức không thở được, phải khìn khịt bằng mũi:
– Con tưởng sau khi Baltalon chết đi thì con đã thực sự an toàn rồi sao, K’Brăk?
– Dạ, con không nghĩ như thế, thưa dì.
Nguyên ngước bộ mặt đầy tội lỗi lên, lí nhí đáp, hi vọng sự phục thiện của mình sẽ tưới mát phần nào ngọn hỏa diệm sơn đang cựa quậy dữ dội trong lòng bà Êmô.
Quả nhiên, giọng bà có dịu xuống chút đỉnh:
– Hổng lẽ các con không hiểu là ta và cậu K’Tul rất lo cho tụi con…
Ông K’Tul ngồi đằng góc bàn quen thuộc, gần như quấn kín mặt bằng tờ Tin nhanh N, S & D, nghe nhắc đến tên mình, chỉ khẽ
hừ
một tiếng sau tờ báo rồi tiếp tục chúi mũi vào ba thứ tin tức vớ vẩn có vẻ đang làm ông khoái chí ghê gớm.
– Mẹ ơi, tụi con hiểu mà. – Êmê cất giọng nũng nịu – Tại sáng nay ba của bạn Bolobala vô trường làm lùm xùm nên tụi con về trễ…
– Là chuyện gì? – Bà Êmô nheo mắt nhìn con gái qua làn khói không ngừng bốc lên từ tô canh trước mặt.
– À, cũng chẳng có gì quan trọng. – Êmê ngập ngừng khẽ liếc Nguyên một cái như hội ý rồi nói tiếp – Bạn ấy đi công tác cho nhà trường mà gia đình không biết. Cho nên ông Bolorađam mới tìm.
– Các con cứ về trễ như thế này mãi, có ngày ta cũng xộc vô trường làm ầm ĩ lên đấy.
Bà Êmô vớ ngay lấy cơ hội để hù dọa bọn trẻ và sung sướng với sự nhanh nhạy này của mình, hoàn toàn không biết tụi nhóc đang sung sướng hơn gấp mười lần khi thấy bà chỉ lo trút giận mà không vặn vẹo gì về chuyện công tác công tiếc cực kỳ phi lý của con nhỏ Bolobala.
Nhưng ngay lúc đó, bọn trẻ lâu đài K’Rahlan không hề biết đó là buổi trưa bình yên cuối cùng của mình.
Trưa hôm sau, vừa ngồi xuống ghế, tụi nó đã cảm nhận thấy bầu không khí khác lạ đang phủ quanh bàn ăn.
Bà Êmô không nói cười như thường lệ, cũng không nhìn bọn trẻ, cứ lặng lẽ xê dịch các thứ bát đĩa trên bàn một cách không cần thiết, công việc lẽ ra là của thằng Đam Pao và con nhỏ Chơleng. Như thể hòa vào vẻ bất thường của bà Êmô, ông K’Tul cũng không buồn làm cái chuyện mà ông đặc biệt ưa thích là nấp kín sau tờ báo, chỉ thò đầu ra chừng nào ông sực nhớ không chỉ có mình ông trên bàn ăn. Bữa nay, bọn trẻ thấy ông ngồi chống tay lên cằm, xấp báo nằm bên cùi chỏ, chiếc khăn rằn lệch một bên vai và bộ ria con kiến trên môi ông không ngừng nhúc nhích như thể ông đang nhai một thứ gì đó dai nhách.
Ông K’Tul và bà Êmô cứ lầm lì cả buổi như vậy, thỉnh thoảng lại kín đáo liếc nhau và khi bắt gặp những cử chỉ lạ lùng đó, thiệt sự là bọn Kăply chẳng còn bụng dạ đâu mà nghĩ đến các món ăn hấp dẫn trước mặt.
Bắt chước hai người lớn, bọn chúng cũng chĩa những ánh mắt dò hỏi vào mặt nhau, trong một tâm trạng phập phồng chờ đợi mặc dù tụi nó cũng không rõ là chờ đợi điều gì.
– Ăn đi!
Mãi một lúc, như nhận ra bữa ăn không thể không bắt đầu, ông K’Tul thốt một câu cộc lốc, rồi không nhìn ai, ông cầm chiếc muỗng cán dài lên, vẻ nặng nề cứ như thể ông đang nhấc một cái rìu. Nhưng đến lúc sắp thọc chiếc muỗng vào tô canh thì ông bất thần đặt nó xuống bàn kêu đánh
cộc
một tiếng khiến bọn Kăply giật nảy người tưởng ai vừa ném đá vào giữa bàn ăn.
K’Tul hí hửng chuẩn bị thọc nĩa vào đĩa mì xào bỗng rụt phắt tay lại, ngơ ngác ngó quanh.
– Hừm. Thiệt ra thì tụi con đã giấu ta và dì Êmô những chuyện gì? – Ông K’Tul xoáy mắt vào bọn trẻ, gằn giọng hỏi, gương mặt ốm và dài đột ngột đanh lại.
Trong khi những đứa khác đực mặt ra, cố hiểu thấu câu hỏi của ông K’Tul thì K’Tub đã láu táu hỏi lại:
– Ba nói gì vậy, ba?
– Tụi con đừng vờ vịt. – Mặt ông K’Tul vẫn sa sầm – Chuyện gì đã xảy ra trong trường Đămri mấy ngày nay?
– Có gì đâu, cậu K’Tul. – Êmê ngước chiếc mũi hếch trông rất chi là ngây thơ – Hổng có chuyện gì hết á.
– Êmê! – Bà Êmô nạt – Con không được nói dối. Con nhỏ Bolobala đã biến đi đâu hai ngày nay ngay trước mũi các giáo sư?
– Bolobala biến đi đâu á? – Êmê mở to mắt.
Bà Êmô có vẻ muốn nổi điên trước câu hỏi mà bà cho là cực kỳ thừa thãi của cô con gái:
– Êmê, bây giờ là lúc ta hỏi con chứ không phải con hỏi ta. Bolobala đã đi đâu, con nói thiệt đi! Chuyện tồi tệ gì đang xảy ra?
– Hôm qua Êmê đã nói rồi mà, dì. – Thấy không khí càng lúc càng căng thẳng, Nguyên nuốt nước bọt, ấp úng lên tiếng đáp thay Êmê – Bolobala đang đi công tác cho nhà trường…
– Láo toét! – Ông K’Tul gầm lên từ đằng sau tô canh ở đầu bàn, mạnh đến mức thổi bay luôn mấy cọng rau của đĩa xà lách kế bên – Đúng là giọng điệu dối trá của bọn Lang Biang.
Bọn Kăply ngớ ra, hổng biết ông K’Tul mắc chứng gì mà lôi cả xứ Lang Biang ra xài xể và khi nói như vậy trông ông rất giận dữ.
– À, ta muốn nói đến ban biên tập tờ Lang Biang hằng ngày.
Như đọc được vẻ ngơ ngác trên mặt bọn trẻ, ông K’Tul cầm tờ báo trong xấp báo cạnh cùi chỏ vung lên.
– Trong này nè. – Ông lườm tờ báo trên tay với vẻ khinh khỉnh – Tay phóng viên Y Riêng chết tiệt nào đó cũng nói y như vậy. Là bà con yên tâm, hổng có chuyện gì hết.
– Bộ họ nói vậy không đúng hả ba? – K’Tub ngứa ngáy vọt miệng.
– Làm sao mà đúng được chớ! – Ông K’Tul dằn mạnh tờ Lang Biang hằng ngày xuống bàn như muốn cho nó tan thành cám quách cho rồi – Toàn là lếu láo. Hừm, ta còn lạ gì tay tổng biên tập Kan Blao. Trước đây ta tưởng Kan Blao là tay khá nên quanh năm chỉ chúi mũi vào tờ báo nhăng nhít của hắn, hổng thèm đọc tờ nào khác.
– Nhưng bố K’Tul ơi, – Kăply hắng giọng, cố làm cho ông K’Tul và bà Êmô tin là Bolobala không gặp chuyện gì bất trắc hết, mặc dù chính nó cũng không hiểu tại sao nó lại muốn nói như vậy – chính thầy N’Trang Long đã…
– N’Trang Long không phải là người có thể tin cậy được. – Ông K’Tul chẹn ngang họng Kăply bằng giọng nóng nảy – Trong vụ này ta tin là lão đang ra sức bưng bít chuyện gì đó.
Thấy bọn trẻ có vẻ bất bình trước việc thầy hiệu trưởng đáng kính của tụi nó bị mang ra vùi dập, ông K’Tul nhặt một tờ báo khác dưới cùi chỏ, ném vù ra phía trước:
– Tụi con đọc đi!
Tờ báo bay từ đầu bàn bên này qua đầu bàn bên kia im ru như thể một miếng sành và đáp ngay chóc xuống khoảng trống giữa Nguyên và Êmê, không vang lên một tiếng sột soạt nhỏ.
Kăply và K’Tub lập tức châu đầu lại. Và chỉ cần nhìn thoáng qua màu sắc lòe loẹt của trang bìa, trừ Nguyên và Kăply, hai đứa còn lại biết ngay đó là tờ Tin nhanh N, S & D. Ngay dưới măng-sết tờ báo, một cái tin ba cột chạy hàng tít to đùng và đỏ lòm như máu:
MỘT HỌC SINH TRƯỜNG ĐĂMRI MẤT TÍCH
Theo tin phóng viên bản báo vừa nhận được, ngày hôm qua Bolobala, một nữ học sinh lớp Cao cấp 2 trường Đămri đã mất tích không rõ nguyên nhân. Trước đó một ngày, cô vẫn đi học bình thường nhưng tối hôm đó đã không về nhà như thường lệ. Sáng hôm qua, ông Bolorađam đã vào tận trường để chất vấn về trường hợp của con mình và được pháp sư N’Trang Long, hiệu trưởng trường Đămri giải thích Bolobala đang được cử đi công cán cho nhà trường. Điều đáng ngạc nhiên là không một giáo viên nào trong trường biết được Bolobala đang thực hiện công tác gì, và chuyện một học sinh buộc phải nghỉ học để làm nhiệm vụ của ban giám hiệu là một sự vi phạm nghiêm trọng quy chế giáo dục.
Nhưng theo chúng tôi, vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu những lời giải thích của ông N’Trang Long được chứng minh là không thỏa đáng. Đã có nhiều dấu hiệu cho thấy trường Đămri đang rơi vào tình trạng lộn xộn và ông N’Trang Long có vẻ không đủ khả năng để kiểm soát được tình hình.
Phóng viên bản báo sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin tới quý bạn đọc những phát hiện mới, chắc chắn là đầy bất ngờ.
Bọn Kăply dựng tóc gáy khi đọc xong mẩu tin. Tờ Tin nhanh N, S & D cố ra vẻ tường thuật bằng giọng khách quan nhưng tụi nó vẫn nhận ra rành rành ác ý của tờ báo này đối với thầy N’Trang Long ẩn sau những câu chữ. Nhưng điều khiến tụi nó phát hoảng là không biết bằng cách nào mà tờ báo này nắm tin rất chính xác, cứ như thể tòa soạn báo đặt ngay trong trường.
Nhưng chiến dịch làm ồn ào quanh vụ Bolobala của tờ Tin nhanh N, S & D chưa dừng lại ở đó. Ngay bên cạnh mẩu tin giật gân là mục Phỏng vấn nhanh chạy gần như suốt chiều dài trang nhất dành cho thầy trò trường Đămri mà đa số những câu trả lời toàn bất lợi cho thầy N’Trang Long:
– Giáo sư Đi Pri: Xin lỗi, tôi không rõ lắm về nhiệm vụ hiện nay của Bolobala.
– Giáo sư Cafeli Chil: Tôi không được thông báo. Trong cuộc họp hội đồng giáo viên mới nhất, tôi không nghe ngài hiệu trưởng nói gì về chuyện này.
– Giáo sư Hailixiro: Xin lỗi, tôi không thể nói gì trong lúc này khi chưa thực sự hiểu rõ mọi chuyện. Tuy nhiên tôi sẽ đóng góp hết sức mình để củng cố sự lành mạnh, thân thiện và tin cậy của môi trường sư phạm.
– Giáo sư Haifai: Xin lỗi, tôi không thể nhận xét gì trong lúc này.
– Học sinh Hailibato: Sáng hôm qua, tôi còn thấy bạn Bolobala học tiết các loại thần chú bị cấm. Sáng hôm nay tôi không thấy bạn ấy đâu.
– Học sinh Lung: Tôi nghĩ bạn ấy đang làm chuyện gì đó rất quan trọng. Thầy hiệu trưởng đã nói như vậy.
– Học sinh Amara: Suốt nhiều năm nay tôi không nhớ bạn Bolobala có nghỉ học bữa nào chưa. Hình như đây là lần đầu tiên. Tôi rất lấy làm lạ.
– Học sinh Tam: Tôi xin phép được không bình luận về chuyện không thuộc phạm vi của tôi.
– Học sinh Y Đê: Ý kiến của bạn Amara cũng đúng là ý kiến của tôi.
Đối với ông K’Tul, có vẻ cuộc đời không có khoảnh khắc nào đáng sống hơn là lúc khoái trá ngắm bộ mặt thần ra của bọn Kăply sau khi đọc xong loạt bài gây chấn động tờ Tin nhanh N, S & D.
– Thế nào, các con? – Ông hất hàm, mặt rạng ra từng phân vuông – Các con sẽ không bảo là ta nói oan cho thầy hiệu trưởng của các con chứ hả?
– Cậu K’Tul ơi. – Êmê kêu lên đầy bức xúc – Dẫu sao thì cũng chẳng có gì rõ ràng trong những tờ báo này hết. Tất cả chỉ là suy đoán thôi mà.
– Rồi con sẽ thấy, Êmê à. – Đôi mắt ông K’Tul lấp lánh một cách đáng ngại – Ta tin tờ Tin nhanh N, S & D sẽ xóa nhòa khoảng cách giữa suy đoán và sự thật trong một ngày gần nhất. Ta cũng không ngờ Ama Đliê là một tay làm báo rất bợm. Dĩ nhiên hiện này chưa có thể kết luận gì nhưng vụ Bolobala phải nói là một vụ mờ ám chưa từng thấy.
– Nhưng cậu K’Tul ơi…
Êmê lại cất tiếng nhưng lần này bà Êmô đã không để cho nó nói hết câu:
– Im đi, Êmê.
Bà trừng mắt nhìn Êmê, và chiếc mũi hếch của bà trông còn nguy hiểm gấp mấy lần so với chiếc mũi hếch của cô con gái, y như đại liên so với súng lục:
– Dù Bolobala biến mất theo cách nào đi nữa thì khi xảy ra một chuyện động trời như vậy tụi con phải báo lại cho ta và cậu K’Tul biết. Và trong khi chờ đợi cho mọi chuyện trở nên minh bạch, ta nhắc lại một lần nữa, tụi con không được phép tùy tiện la cà như hôm qua, nhớ chưa?
Bà hỏi Êmê nhưng ánh mắt nghiêm nghị lại quét dọc bàn khiến Nguyên, Kăply và K’Tub nghe mặt mình nóng ran và tất cả đồng loạt cúi gục đầu lí nhí:
– Dạ nhớ.