Để hội nhập không chỉ là khẩu hiệu để hô hào


Số từ: 920
Tác giả: Tuệ Nghi
Nhà xuất bản: NXB Hà Nội
-----
Nguồn sưu tầm: D.Đ. Lê Quý Đôn
Chưa bao giờ từ "hội nhập" được nhắc đến nhiều như những năm gần đây, người ta nói về hội nhập như một sự kiện sang chảnh mà nếu như ai không nhắc đến thì người đấy không..."hội nhập". Nhưng, có những điều tưởng chừng như rất cơ bản, rất nhỏ nhặt trong giao tiếp ứng xử hằng ngày mà nếu bạn vô tình vấp phải thì rất khó lòng có thể ăn khớp được với tiến trình hội nhập mà bạn mong muốn. Một trong những bước quan trọng của hội nhập đó chính là hội nhập tác phong.
1. Làm sale qua điện thoại, tối kỵ nhất việc vừa gửi thông tin cho khách hàng qua email đã dội bom tin nhắn: "Sao rồi chị? Sao rồi chị? Chị thấy được không?" Vâng, chị thấy ghét. Ghét cách em hỏi nên chị ghét luôn cả sản phẩm em chào, không mua. Okie? Hãy nhấc máy lên và gọi cho khách hàng, có đầu có cuối, hãy thể hiện mình là một người làm sale chuyên nghiệp vì qua điện thoại chúng ta đang tạo cho khách hàng sự an tâm, họ an tâm thì họ mới bắt đầu tìm hiểu sâu về sản phẩm và cơ hội chốt sale mới cao. Một khi làm khách hàng khó chịu và bất an, cơ hội tiếp cận họ lần 2 của bạn là bằng 0.
2. Đã ngồi vào bàn đàm phán song phương, tam phương, tứ phương hay thập phương thì đối phương đều là đối tác của bạn. Nhiều người chọn chiến thuật phủ đầu, ghìm đối tác xuống để mình đứng lên, đó gọi là thích trên cơ. Điều đó khiến đối tác của bạn nếu có lỡ hợp tác rồi thì cũng chỉ được một lần, không có lần hai, nếu họ có dự án béo bở hơn họ sẽ dành cơ hội cho một đối tác mới có sự tôn trọng và biết chơi công bằng. Đã là quan hệ hợp tác thì đừng bao giờ cố trên cơ người khác. Biết người biết ta thì mới trăm trận trăm thắng.
3. Ngày nay, ngoài email, fax, skype và điện thoại thì người ta còn sử dụng nhiều công cụ liên lạc khác để trao đổi công việc với nhau. Trong đó có tin nhắn Facebook, iMess... Và những công cụ giao tiếp đó có một đặc điểm đáng ghét là sẽ báo "đã xem" khi người nhận đọc tin nhắn. Trong quan hệ thông thường, "đã xem" nhưng không trả lời đã là hành vi gây ức chế tột cùng. Vậy thử nhìn nhận trong quan hệ công việc, hành vi này gây phẫn nộ cho đối phương đến thế nào? Nó thể hiện sự thiếu tôn trọng, thiếu tập trung, thiếu nghiêm túc trong vấn đề đang trao đổi. Nó giết chết các mối quan hệ và bít luôn các cơ hội hợp tác trong tương lai gần. Nếu bạn quá bận hoặc việc đó cần nhiều thời gian suy nghĩ, hãy để lại tin nhắn cảm ơn và lời hẹn phản hồi sau.
4. Đừng tính toán một cách chi li. Một cuối tuần nọ, tôi đi ăn ở một tiệm sushi mà tôi chưa thử bao giờ. Mọi thứ đều ổn cho đến khi tôi hỏi xin một chén nước sốt terayaki và được nhân viên hồi đáp là cái đó không thể cho thêm được. Tôi tất nhiên tôn trọng quy tắc của nhà hàng nhưng thầm nghĩ tại sao làm F&B phân khúc cao cấp lại đi tính toán với khách hàng đến chén nước chấm? Với suy nghĩ cá nhân, có lẽ tôi sẽ lại trung thành với các tiệm ăn cũ và không chọn ở tiệm này nữa. Có một lần khác, tôi lại đi ăn bánh xèo cuốn rau ở một quán bình dân trong hẻm, quán này luôn rất đông. Đọc một số review trên các website ăn uống thì một trong những điều thực khách đánh giá cao ở quán đó là thái độ xởi lởi của chị chủ, ai xin thêm rau chị cho luôn cả rổ dù rằng thời buổi rau đắt gần bằng thịt. Trong cuộc sống hay công việc cũng thế, đừng chi li, người ta bảo xởi lởi trời cho, bạn đừng xởi lởi đến mức để bản thân bị lợi dụng nhưng cũng đừng chi li đến mực cọng tăm cũng tính toán thiệt hơn.
5. Khá nhiều nhân viên mà tôi phỏng vấn khi được hỏi về công việc cũ, họ than phiền công việc đó quá vất vả, quá khó khăn, quá áp lực. Tôi hỏi: "Vậy bạn muốn công ty thuê bạn về để làm gì thì bạn sẽ không than phiền?"
Nếu ai cũng có tư duy ngại vất vả, ngại nhiều việc, không muốn cống hiến và chỉ muốn hưởng thụ rồi đòi hỏi đãi ngộ cao thì hãy một lần nhìn nhận xem sếp, cấp trên của bạn vất vả bao nhiêu lần để lèo lái công ty, để kiếm tiền trả lương cho bạn? Hãy làm việc bằng lương tâm, bằng tinh thần trách nhiệm cao và có ý chí thì không một công ty nào muốn mất một nhân viên như vậy, tự khắc họ sẽ biết phải đãi ngộ cho bạn thế nào. Muốn được ăn chiếc bánh to, thì trước hết bạn phải làm cho cấp trên nhìn thấy được rằng bạn xứng đáng với chiếc bánh đó.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Cứ bình tĩnh! (Keep Calm).