Giàu, nghèo không phải yếu tố quyết định bản lĩnh của một người đàn ông
-
Cứ bình tĩnh! (Keep Calm)
- Tuệ Nghi
- 1450 chữ
- 2020-05-09 01:19:59
Số từ: 1431
Tác giả: Tuệ Nghi
Nhà xuất bản: NXB Hà Nội
-----
Nguồn sưu tầm: D.Đ. Lê Quý Đôn
Cách đây hơn một tuần, trên chuyến bay đêm từ Hà Nội về Sài Gòn, ở khoang phổ thông, tôi ngồi cạnh một chàng trai. Ban đầu, vì mệt cũng như vì thói quen, tôi đeo headphone và không chú ý xung quanh. Nhưng khi máy bay bắt đầu lăn từ từ ra đường băng, tôi chợt thấy anh chàng loay hoay tỏ ra khá bối rối khi tiếp viên nhắc hành khách cài dây an toàn trên loa. Tôi quay sang giúp, phải mất gần năm giây để anh chàng hết bối rối và ngại ngùng cảm ơn tôi kèm theo lời giải thích: "Em lần đầu đi máy bay chị ạ, cái này lạ quá!" Tôi cười, thay cho câu: "Không sao đâu, ổn rồi."
Máy bay cất cánh, chàng trai cứ bấu chặt lấy tay vịn, tỏ ra hết sức căng thẳng. Khi độ cao ổn định, tôi lại cắm headphone để nghe nốt bản Les Valves De Vienne còn đang nghe dở. Chàng trai bắt đầu xoay ngang xoay dọc, hết ngắm nghía ngoài cửa sổ lại lật lật mấy tở tạp chí, tờ hướng dẫn an toàn bay, giở cả túi nôn để xem một cách lạ lẫm, thỉnh thoảng thở dài sốt ruột. Được một lúc, dường như hết kiên nhẫn, thấy tôi vừa nhìn sang, anh chàng lập tức bắt chuyện: "Em lần đầu đi máy bay, lần đầu vào Nam, em đi tìm vợ em chị ạ" Cảm nhận được anh chàng này đang muốn nói chuyện, muốn tâm sự điều gì đó, bất giác tôi tháo headphone ra. Câu chuyện cứ thế tuôn ra, mải miết, tôi nghe còn cậu ấy thì kể, thỉnh thoảng tôi gật đầu mỉm cười để cậu ấy hiểu rằng tôi đang nghe rất chăm chú và đồng cảm với câu chuyện của mình.
Xin tạm gọi chàng trai này là Cường, mặc dù tôi đã xin phép cậu ấy trước khi viết lại câu chuyện này, nhưng tôi vẫn muốn thay một cái tên khác để đảm bảo sự riêng tư cho nhân vật.
Cường và vợ cậu ấy cùng lớn lên tại một làng quê nghèo ở Lai Châu. Như bao đôi trẻ khác, yêu nhau đều mong về chung một nhà, cùng nhau xây dựng tổ ấm, nhưng cô gái muốn xuống Hà Nội học xong cao đẳng rồi mới về cưới. Cường chấp nhận, theo vợ xuống Hà Nội, ban đầu xin vào làm phục vụ nhưng vì cục mịch vụng về quá nên chỉ sau mấy tuần đã bị đuổi, cậu chuyển sang làm đủ nghề từ bốc vác, chở hàng thuê, có dạo còn làm thợ thông tắc và phụ xe hút bể phốt.
"Chị biết không, hôm mua được cho vợ tấm áo sơ mi mới, người em còn hôi như con cú vì mới đi hút phốt xong. Nhưng thấy cô ấy mặc áo đi học, em vui lắm chị à, em hạnh phúc lắm. Em không thấy mệt nhọc gì nữa, chỉ muốn cố gắng làm thật nhiều tiền để lo cho vợ, để vợ yên tâm học hành. Dù chưa cưới nhưng em xem cô ấy là vợ của em rồi, chỉ cần cô ấy được đầy đủ, em vất vả sao cũng được." - Cường nói với tôi như thế, nói đến đâu mắt cậu sáng bừng lên đến đó, tôi cảm nhận được tình yêu vô bờ mà Cường dành cho người phụ nữ của mình.
Học được tầm hơn một năm, cô gái bỗng dưng bảo lưu và xin phép Cường vào Nam đi làm kiếm thêm tiền. Lý do cô ấy đưa ra là nhìn cậu vất vả vì mình, cô ấy không chịu đựng được, hãy để cô ấy vào Nam đi làm, tích cóp một số vốn nhỏ rồi trở về, hai người sẽ cưới nhau, sinh con, sống những ngày tháng êm đềm suốt cuộc đời còn lại. Cường đương nhiên là không đồng ý, cậu bảo vợ rằng: "Anh có thể lo cho em được, nếu tiền học phí tăng thì anh lại đi làm thêm việc khác nữa, anh sẽ xin thêm việc để làm, để có thêm tiền, nhưng anh xin em đừng đi."
Họ tranh luận kịch liệt, cãi nhau sống chết rồi cuối cùng cô gái cũng lên tàu vào Nam, bỏ ngoài tai mọi lời khuyên nhủ của cậu.
"Hôm ấy mưa to chị ạ, em đi làm về phòng trọ không thấy vợ đâu, quần áo vợ dọn đi cả. Gọi vợ không nghe, em cuống cuồng ra ga chẳng kịp mặc áo mưa. Tàu chạy từ lâu rồi, em cứ đứng dưới trời mưa như thế cho đến hết đêm."
Cậu bảo những ngày đầu tiên, vừa giận vừa nhớ vợ điên cuồng. Tháng đầu tiên cô ấy gọi về, vẫn là tiếng thổn thức nhưng giờ đây không phải là trên đôi vai của chồng mà là giữa một phương trời lạ. Nơi đó có nỗi nhớ nhung da diết, còn nơi này chỉ có tiếng thở dài suốt những đêm thâu.
Xứ lạ quê người kiếm đồng tiền nào có dễ dàng gì. Nhiều lần Cường khắc khoải qua điện thoại: "Mình về với anh đi, anh nuôi mình. Đi làm gì. Về đi em." Nhưng bên kia chỉ là tiếng nấc, rồi gác máy. Thời gian sau đó, vơi dần, vơi dần rồi vợ Cường không gọi về nữa.
"Em không chịu nổi chị ạ. Em lao vào làm ngày làm đêm để dành dụm tiền vào Nam tìm vợ, đưa cô ấy về. Chắc không ở Hà Nội nữa mà về quê, làm gì cũng được, nhà em vẫn còn mấy sào đất, chỉ cần vợ chồng có nhau thì vất vả một chút từ từ cũng khá, chị thấy có đúng không?" - Tôi gật đầu. Cường lại cười, nụ cười của hy vọng. Cường lôi từ trong chiếc túi vải dù một chiếc kẹp tóc đính đá trắng rất đẹp, khoe với tôi: "Em mua cho vợ, cô ấy thích lâu rồi chị ạ." Tôi chưa kịp sờ vào, Cường đã cất vội vào túi vải dù, ôm khư khư như sợ mất. Chốc chốc lại nhìn ra cửa sổ, ngoài trời tối đen như mực.
Máy bay hạ độ cao, Cường cứ nhấp nhổm không yên, tôi bất giác nghĩ ngợi rồi hỏi một câu hơi vô duyên: "Nếu vợ em không về cùng thì sao?" Cường quay lại nhìn tôi, mặt méo xệch đi: "Thì em ở lại trong Nam luôn, tiếp tục đi xin việc làm để kiếm tiền lo cho cô ấy, tích cóp đủ chắc cô ấy sẽ về thôi chị à. Em sẽ không bỏ cuộc, vợ em mà chị, có thế nào cũng là vợ em, em không bỏ vợ em một mình ở xứ lạ quê người đâu."
Đáp xuống Tân Sơn Nhất, trước khi rời đi, còn bao nhiêu tiền mặt tôi dúi vội hết cho Cường: "Này, làm lộ phí mà đi tìm vợ, tìm được thì báo cho chị một tiếng để chị mừng. Số của chị đây, muốn ở lại thì chị xem có việc gì phù hợp chị xin cho. Cố lên nhé!" Cường nằng nặc không lấy nhưng tôi xuống máy bay luôn không đợi cho cậu nói thêm gì. Tôi không rõ vì lý do gì tôi lại làm vậy, có lẽ vì ngưỡng mộ chàng trai này quá. Giữa cuộc sống ngày một nhiễu nhương, câu chuyện của cậu ấy và vợ làm tôi tin rằng tình yêu là thứ vẫn còn tồn tại. Chúng ta cho rằng chúng ta sống ngày một hiện đại hơn, văn minh hơn, thỉnh thoảng nhiều người còn chê bai người này người khác là nghèo, là quê mùa. Nhưng thật sự, trái tim họ lành lặn và đáng trân quý hơn những kẻ ngày ngày hào nhoáng nhưng từ lâu đã quên mất như thế nào mới là yêu, như thế nào mới là đàn ông và như thế nào mới là một chỗ dựa cho người phụ nữ của đời mình.
Chốn hoa lệ này có lẽ không dành cho họ. Nơi dành cho họ là mảnh đất họ sinh ra, có vườn cây, có con gà con lợn, có khói bếp mỗi chiều, có tiếng cười chứ không phải những giọt nước mắt, rồi mai này sẽ có thêm tiếng gọi bố ơi, mẹ ơi của một đàn con.
Nghèo, nhưng mà đầm ấm.
Nghèo, nhưng họ biết cách yêu nhau.