Chương 19


Số từ: 3412
Dịch giả: Đặng Phi Bằng
Đánh máy: Tumbleweed
Nguồn: Nhà xuất bản Phương Đông
Trong ánh sáng chạng vạng, Lucia Santa ngồi im lìm như cái bóng bên bàn bếp. Bà mong đủ sức xuống đường, ngồi hóng mát.
Chẳng hiểu vì sao, suốt ngày hôm nay tinh thần bà uể oải, chẳng thiết tha gì với cuộc đời. Ngồi trong bóng tối nhà bếp, trốn tránh tất tật, như điếc như mù với tất cả những gì bà từng thương yêu, trìu mến, chỉ ước sao chìm vào giấc ngủ êm đềm, không mảy may mộng mị.
Nhưng làm sao ngủ yên, khi còn bao công việc phải lo toan: Sal và Lena đang chơi đùa dưới phố, thằng Gino lang thang khắp nơi như con thú hoang, Vincent ngủ li bì trong phòng của Octavia, phải chờ gọi nó dậy, lo cho nó ăn để đi làm ca tối. Mấy đứa cháu nội chờ bà ru ngủ. Con vợ thằng Larry thì ốm đau quặt quẹo, cay đắng vì chồng, phải pha cho nó ly cà phê nóng, an ủi bảo ban cho nó biết, phận đàn bà ai cũng như ai, đèo bòng chồng con rồi là khổ, là hết mộng với mơ.
Gục đầu trên cái khăn trải bàn mát lạnh, bà chìm vào giấc ngủ, nhưng thể xác đây yên nghỉ, tâm trí thì không. Bà cảm thấy đau khổ còn hơn khi thức. Bà lặng lẽ khóc thầm.
Nước Mỹ ôi nước Mỹ, máu thịt, xương cốt lớn lên trên đất nước này sao trở thành xa lạ vậy? mình nói, con mình không hiểu. Con mình khóc, mình chẳng hiểu vì sao. Như tại sao thằng Vincenzo khờ khạo phải tấm tức khóc, nước mắt ướt đẫm trên đôi má xanh hàm râu quai nón. Bà đã phải ngồi xuống bên giường, hốt hoảng lay gọi nó, như một đứa trẻ con. Nó làm việc, kiếm được miếng ăn, có một gia đình, một mái ấm, một cái giường để nghỉ ngơi, vậy mà nó bảo "Con không có bạn", nghĩa là sao?
Khổ con tôi, con ước mơ gì trong đời? sống như vầy chưa đủ sao? Khốn khổ cho con, ba con chết từ khi con chưa mở mắt chào đời, vậy mà bóng ma ông ấy vẫn mãi mãi làm u ám đời con. Hãy sống chỉ vì chị em con, rồi đây con sẽ lấy vợ, có con, ngày tháng thoi đưa, con già đi, tất cả như một giấc mơ giống như lúc này mẹ đang mơ vậy.
Octavia và Vincent, hai đứa con ngoan nhất của bà, cả hai đều không hạnh phúc. Tại sao lại có thể như vậy được, trong khi hai thằng đểu, Lorenzo và Gino, cười cợt giả dối, giấu giếm niềm vui riêng, sống phây phây trong đời. Chúa ở đâu? Công lý ở đâu? Ôi, nhưng rồi chúng chẳng tránh nổi số mệnh đâu, đau khổ chẳng chừa ai bao giờ. Tuy vậy, chúng cũng là con bà, cho nên bà căm ghét những mụ ngồi lê kháo nhau rằng thằng Lorenzo nhà bà nhập băng đảng trộm cắp, sát nhân.
Không, bà biết. Lorenzo chẳng bao giờ trở thành một người đàn ông thực sự như những ông cha gốc nông dân trong khu phố này, hay như ông ngoại nó ở quê nhà. Người đàn ông thực sự là người chồng, người cha bảo vệ được vợ con, kiếm được miếng ăn cho cả gia đình, là tạo hoá trong thế giới của riêng mình, là phải chấp nhận cuộc đời và số phận, là nền tảng vững chắc cho gia đình của anh ta. Thằng con này của bà chẳng bao giờ được vậy. Nhưng bà đã hết bổn phận với nó. Nó thực sự không còn là một phần đời của bà nữa.
Một con quái vật chập chờn ẩn hiện trong giấc mơ của bà. Bà cố thức tỉnh trước khi con quái vật hiện nguyên hình. Trong mơ, bà biết mình đang ngồi trong bếp, nhưng rồi bà lại thấy mình đang xách ghế đẩu xuống dưới đường. Và rồi con quái vật hiện nguyên hình.
"Mày giống y ba mày!" vậy là bà lại thấy đôi mắt phản kháng của thằng con yêu quý nhất. Dù nó đã ra khỏi nha,` bà vẫn như thấy đôi mắt nghiêm nghị của Gino. Nhưng nó không bao giờ nuôi lòng thù oán, chỉ hôm sau nó lại cư xử như không có chuyện gì xảy ra.
Đôi mắt như một lời nguyền rủa. Giống y như ba nó. Cũng một màu xanh lấp lánh trong bóng tối, bộ mặt dân Địa Trung Hải, cũng xa cách, ít lời, không quan tâm gì tới người ruột thịt gần gũi. Nó như ba nó, là kẻ thù của bà, bà mơ thấy trả thù những tội lỗi của nó đối với bà, nó đối với bà như người xa lạ, chưa bao giờ biết vâng lời. Nó làm đau lòng bà. Bà phải cho nó biết trường đời ra sao. Nó là ai mà lêu lổng suốt đêm ngoài đường phố, suốt ngày trong công viên trong khi thằng anh Vincenzo làm mửa mật để kiếm ăn? Mười tám tuổi rồi, không thể rong chơi mãi như trẻ con.
Trong mơ, bà nghe con quái vật cất tiếng cười. Những lỗi lầm nhỏ mọn đó là gì nào? Ngay tại quê nhà của bà, cũng có những thằng con mất dạy, lười biếng, ích kỷ. Vậy mà bà lại kết án nó vì những tội mà bà chưa bao giờ răn đe, khiển trách nó. Bà kết tội nó ngay cả những điều nó chưa từng trải, như nhìn mặt cha lần cuối, trước khi hình hài ông vùi sâu vào lòng đất. Vậy mà trong mơ, bà gào la nguyền rủa nó sa tận đáy địa ngục đời đời.
Ánh đèn sáng tràn vào tới bếp, bà nghe có tiếng chân đến gần cửa. Lucia cố tỉnh lại, trước khi bật ra những lời nguyền rủa.
Ngẩng đầu lên thấy con gái đứng trước mặt, bà nhẹ cả người .
Octavia cười hỏi:
- Mẹ mê gì mà khiếp vậy? từ lầu hai con đã nghe tiếng mẹ ú ớ rên rẩm.
Bà mẹ thở dài:
- Pha cà phê đi. Tối nay tao chẳng đi đâu hết.
Bao nhiêu đêm hai mẹ con đã từng ngồi bên nhau trong căn bếp này rồi? cùng nhau lắng nghe tiếng thở đều đều của lũ trẻ bên phòng ngủ? Từ những ngày xa xưa ấy, thằng Gino đã là đứa gây bao phiền nhiễu, mỗi lần bị la mắng lại chui trốn dưới gầm bàn. Tất cả mọi thứ quanh đây đều thân quen với Octavia. Cái kệ để ủi quần áo kê nơi góc nhà, cái radio to đùng, hình dạng như một nhà thờ, cái bàn viết nhỏ, với những ngăn kéo lỉnh kỉnh đủ thứ cốc tách, khăn lua, khuy nút…Octavia đã nhớ nơi này biết bao. Đây là nơi sinh hoạt, chuyện trò, ăn uống của cả gia đình. Trong căn hộ của cô, bàn kiểu mới, ghế mạ kền, chậu rửa chén trắng nõn. Nhưng nơi đây mới chính là một phần đời của cô. Sau mỗi bữa ăn, căn bếp này như một bãi chiến trường với nồi soong, chén đĩa dính đầy dầu mỡ, sốt cà, đủ để có thể chất đầy một cái bồn tắm.
Nhìn mẹ ngồi lặng lẽ, từ vẻ mặt đến thân hình tròn trĩnh của bà đều toát ra vẻ chán chường, làm Octavia phát sợ. Nhưng cô cũng biết, chỉ sáng ngày mai mẹ cô lại tươi roi rói. Cô hỏi:
- Mẹ không được khoẻ hả? con mời bác sĩ nhé?
Đắn đo mãi, bà mẹ mới kéo dài giọng rất kịch:
- Vâng, tôi phát bệnh vì con cái, vì cái kiếp chẳng ra gì của tôi!
Octavia cười cười:
- Mẹ có biết là con nhớ cái giọng chua chát, mỉa mai ấy lắm không? Nhớ giọng mẹ chửi con suốt…
- Chẳng bao giờ mẹ chửi con. Con là đứa con ngoan nhất nhà. Phải chi mấy thằng quỷ sứ kia được như con.
- Mẹ làm như các em hư hỏng lắm đấy. Tuần nào Larry cũng đưa tiền cho mẹ. Thằng Vincent lĩnh lương về, đưa nguyên cả phong bì. Gino và hai đứa bé không gây rắc rối gì. Chúa ơi, mẹ còn muốn gì nữa chứ?
Bà mẹ ngồi thẳng lên, bao chán chường, mệt mỏi tan biến hết. Giọng bà run lên như sẵn sàng cho một trận khẩu chiến, một kiểu đối thoại thú vị nhất đời bà. Bà véo von mỉa mai bằng tiếng mẹ đẻ, chỉ có cái ngôn ngữ dễ thương này, chửi mới sướng miệng:
- Thằng Lorenzo, thằng con trai lớn nhất nhà đấy, thí cho tao mỗi tuần mười đô để nuôi lũ em mồ côi cha, trong khi nó đem cả đống tiền kiếm được ở nghiệp đoàn mà đổ vào miệng mấy con đĩ non. Có ngày con vợ nó giết nó chết. Có ra toà tao cũng không thèm nói nửa lời bênh vực nó đâu.
Octavia hô hố cười:
- Cậu quý tử Lorenzo của mẹ ấy à? Thôi mẹ ơi, mẹ vờ vịt tài thật đấy. Tối nay, nó lên đưa cho mẹ mười đô la, nói nhăng nói cuội mấy câu, mẹ lại tiếp nó như ông hoàng. Giống như mấy con ranh kia lăn vào háng nó vậy.
- Tao tưởng lấy chồng rồi, cái miệng mày đỡ bẩn hơn chứ.
Octavia đỏ bừng cả mặt. Bà mẹ hả dạ, con gái bà bề ngoài táo tợn như Mỹ, nhưng trong xương tuỷ nó vẫn là một đứa con gái Ý.
Có tiếng chân trong phòng. Rồi Vincent bước vào bếp, mặt còn ngái ngủ. Nó vẫn mặc quần và áo thun. Trông nó đã ra dáng một thanh niên, nhưng người thấp, rắn chắc, không một chút thịt thừa. Mặt sạm đen, cái nhìn mệt mỏi, râu quai nón rậm rì. Với khuôn mặt đầy góc cạnh, môi dày, mũi to, đáng lẽ trông nó rất ngầu, tàn bạo, nhưng đôi mắt đen to rụt rè, nhút nhát, và nó lại hiếm khi cười. Điều Octavia lo nhất là tính nết nó thay đổi. Trước đây, nó là một thằng dễ thương, đàng hoàng, tử tế, hay giúp đỡ mọi người, suy nghĩ thật đơn giản. Nhưng bây giờ, tuy nó vẫn vâng lời mẹ, không nề hà khi giúp đỡ ai, nhưng tiếp sau đó là những lời cay đắng, nhạo báng. Cô mong thà nó chửi thề, nói tục còn hơn. Cô vừa lo cho em, vừa bực mình với nó. Nó là một thằng bất mãn. Cô mỉm cười chua chát nghĩ, còn tất cả nhà mình không thất vọng, bất mãn sao? Cô nghĩ đến chồng đang ở một mình trong căn hộ ở Bronx, đọc, viết và chờ đợi cô.
Vincent càu nhàu bằng cái giọng ồm ồm của đàn ông tuy vẫn còn hơi hướm trẻ con:
- Sao mẹ không đánh thức con? Con đã nói con phải ra ngoài mà. Nếu gọi đi làm thì mẹ gọi ngay rồi đấy.
Octavia gắt:
- Mẹ ngủ gật kia kìa. Trông nom lũ quỷ sứ chúng mày sướng lắm đấy.
Bà mẹ lên tiếng ngay:
- Sao mày lại mắng em. Nó làm việc cả tuần, thỉnh thoảng mới gặp chị, vậy mà còn mắng mỏ. Ngồi uống cà phê, ăn một chút gì đi đã. Để xem chị con có nói được câu nào ngọt ngào không?
- Mẹ đóng kịch hay thật đấy…
Octavia giận dữ nói, nhưng chợt thấy nét mặt Vincent, cô nín bặt. Lúc nghe mẹ bênh nó, trách chị, Vincent hài lòng ra mặt, nhưng nghe tiếng cười của Octavia, nó chợt nhận ra nó chỉ là trò hề của hai người. Vincent chua chát nghĩ, mình dễ bị dụ thật. Rồi nó cười hì hì với mẹ và chị.
Ba mẹ con vừa uống cà phê vừa tán gẫu trong không khí gia đình đầm ấm, dù là những chuyện chán phèo, lặp đi lặp lại nhiều lần, nhưng vẫn làm họ cảm thấy gắn bó gần gũi nhau hơn.
Nhìn vẻ mặt buồn rầu của em rạng rỡ hẳn lên, Octavia nhớ lại cái tính vốn hiền lành dễ thương của nó. Nó cười cợt chọc ghẹo công việc làm cai của Octavia ở hiệu may. Nó đem cả những công việc nó làm bên đường sắt ra để khôi hài. Cô nhận thấy, em trai cô đã nhớ cô xiết bao, cuộc hôn nhân của cô đã làm xáo trộn nếp sống gia đình đến thế nào. Để được gì cơ chứ? Cô có hạnh phúc không? Không, ở bên chồng, cô không có cái hạnh phúc như lúc này ở bên mẹ và em. Hạnh phúc khi nhìn đôi mắt cô đơn buồn thảm của em ngời sáng. Đáng lẽ cô đã phải làm nhiều điều cho nó, nhưng chưa làm được gì. Cô là người ngùn ngụt nhiệt tịnh lại gặp anh chồng quá dịu dàng. May là chưa có con cái gì. Vợ chồng cô cố phấn đấu vượt qua cảnh túng nghèo. Có lẽ rồi đây cô sẽ có hạnh phúc.
Khi Vincent thay quần áo, mẹ và chị nhìn nó âu yếm. Cả hai đều tưởng đến cái cảnh nó bước xuống đường là có bạn bè, con gái vây quanh.
Vincent mặc bộ đồ nỉ xanh, cà vạt lụa hoa văn hai màu xanh đỏ. Nó thấm tóc ướt nước, rẽ ngôi giữa, chẻ hai mái tóc đen dày.
Octavia trêu em:
- Con bé nào vậy? Sao không đưa về nhà?
Mẹ nó cũng cười cười:
- Mẹ chỉ mong sao mày kiếm được con bé nào người Ý mình, ngoan ngoãn, chứ đừng dính vào mấy con bé Ái Nhĩ Lan lêu lổng là được rồi.
Vincent cười khoái trá, cứ như lúc nào nó cũng có cả đống con gái mê mệt nó. Nhưng vừa thắt cà vạt, vừa nhìn nụ cười giả tạo của nó trong gương, Vincent lại cảm thấy chán nản, buồn rầu.
Nó đã quen với những lời tâng bốc của gia đình "Ông tướng này ngầm ngầm vậy mà gớm lắm đấy, phải coi chừng. Trời mới biết, quanh đây tướng này có mấy bồ".
Nhưng Chúa ôi, quần quật từ bốn giờ chiều đến nửa đêm, suốt từ thứ ba đến hết ngày chủ nhật. Bồ bịch ở đâu? Thật ra nó không có thằng bạn nào cùng trang lứa. Bốn năm trời loanh quanh với toàn đồng nghiệp trong văn phòng vận tải thue. Vincent bực dọc bước vội ra khỏi nhà.
- Khuya rồi con còn đi đâu? Làm gì? Hiền lành thế chơi với đứa nào rồi cũng bị bắt nạt thôi.
Người mẹ thở dài ca cẩm. Octavia vớ quyển sách trước mặt, ước gì ngả lưng ngay xuống giường. Nhưng cô cũng biết trong căn hộ yên tĩnh, sạch sẽ ở Bronx, chồng cô sẽ không ngủ cho đến khi cô trở về. Anh ta sẽ hết đọc lại viết trong căn phòng có màn che với ánh sáng êm dịu, thảm trải sàn. Và anh sẽ đón cô bằng nụ hôn dịu dàng, hỏi "Em về thăm nhà vui chứ?"
Bà mẹ lên tiếng:
- Có về thì về đi, khuya rồi. Thấy mày về qua đường hầm ban đêm tao hãi quá. Lảng vảng toàn lũ bất lương.
- Còn sớm mà. Con lo cho mẹ quá. Có lẽ con phải đến ở đây mấy ngày coi chừng lũ trẻ, để mẹ nghỉ ngơi.
- Coi chừng chồng cô ấy, kẻo rồi lại khổ như tôi.
- Thì con dọn về ở với mẹ là cùng chứ gì.
Bà nhìn cô lom lom, không xem đó là câu nói đùa:
- Mày làm mẹ thức dậy giữa lúc đang mơ khiếp quá. Trong mơ, mẹ rủa thằng khốn Gino y như lúc thức vậy.
- Quên những chuyện ấy đi, mẹ.
- Không bao giờ mẹ quên được. Ba nó vùi trong lòng đất, mà nó không có được một giọt nước mắt. Ôngấy khổ cực, vất vả, mà nào có được hưởng gì. Vậy mà cô còn không để cho tôi chửi, tôi đánh cho thằng ranh bất hiếu một trận. Nó có bao giờ hiểu thấu nỗi khổ của người khác đâu. Không thấy nó hôm ấy, tôi lại cứ sợ nó hoá rồ như ba nó. Vậy mà nó nhơn nhơn về, chẳng nói năng gì. Tôi thật là phải ngậm đắng nuốt cay. Đúng là quái vật, chó má! Nó làm thiên hạ khinh nó đã đành, mà còn khinh cả ba nó nữa chớ. Vậy mà thản nhiên ăn, uống, ngủ nghê, không biết nhục là gì. Trong mơ, tôi rủa nó, tôi thấy nó nằm chết trong cái quan tài của ông ấy.
Octavia giận dữ nhăn nhó:
- Thối, thối không chịu nổi. Con ghét ông ấy, con cũng đi đưa đám đấy thôi. Thì có sao nào? Suốt đám tang mẹ có giọt nước mắt nào không? Suốt năm qua mẹ có đến nhà thương thăm ông ấy lần nào không?
Hai mẹ con lại im lặng uống cà phê. Một lát sau, Octavia bảo:
- thằng Gino rồi sẽ ổn, không chừng nó còn nên người nữa đấy.
bà mẹ phì cười khinh bỉ:
- Vâng, phải, trở nên thằng lười biếng, thằng tội phạm giết người. Chỉ một điều không bao giờ nó nên được. Nên người. Người đàn ông làm ăn lương thiện, đem đồng lương về cho gia đình.
- Thấy chưa? Mẹ giận nó chỉ vì nó không chịu đi làm thêm sau giờ học. Vì nó là đứa duy nhất trong nhà này mẹ không điều khiển nổi.
- Tao là mẹ nó, không dạy dỗ, điều khiển nó thì còn ai? Hay mày cũng một duộc với nó, không cần ai răn đe dạy bảo hết. Để nó ăn bám đến suốt đời à? Lúc đụng những khó khăn cay đắng trong đời, làm sao xoay trở? Nó hy vọng hão huyền nhiều quá. Ở tuổi nó tao cũng vậy, nên giờ mới khổ. Cứ trông đời tao mà học, không phải học người ngoài.
- Bây giờ khác rồi mẹ ơi. Mẹ kèm cặp thằng Larry khư khư như thế, mà nó gây cho mẹ bao nhiêu lo nghĩ, bây giờ nó trở thành thằng gangster đi thu tiền cho cái công đoàn dỏm rồi.
- Cô đang nói gì vậy? Bảo nó đập mấy thằng em trong nhà còn không dám, gangster gì cái thằng nhát như thỏ ấy?
- Nhiều lúc mẹ khôn ngoan vậy, sao mẹ có thể ngu ngơ không thấy nhỉ?
Bà lặng lẽ nhấm nháp cà phê, rồi thủng thẳng bảo:
- Ôi dào, tôi lo hết bổn phận với nó rồi. Mặc xác. Bây giờ Gino mới là đứa làm tôi đau đầu. Này, nghe chuyện này chưa? Công việc bên hiệu thuốc quá ngon lành, thằng mãnh làm được đúng hai ngày. Người khác gắn bó với công việc năm mươi năm, con tôi làm được hai ngày, trời ạ.
Octavia phì cười:
- Nó tự nghỉ hay bị đuổi?
- Chuyện vậy mà cô còn cười được à? Người ta quẳng nó ra khỏi cửa. Đi học về, nó đi đá bóng chán chê rồi mới vác xác đến chỗ làm. Mà nó thừa biết giờ đó người ta đã đóng cửa hàng rồi.
- Để con nói chuyện với nó. Mấy giờ nó về?
- Ai biết. Ông hoàng muốn đi là đi, muốn về là về. Này, nhưng con có biết chúng nó làm gì trong cái câu lạc bộ phải gió ấy không? Mẹ dòm qua cửa sổ, thấy thằng ranh nhà mình ngồi trên cầu thang, nói thôi là nói. Còn hơn cả mấy mụ già ngồi lê.
- Con cũng chẳng biết.
Cô thở dài trả lời, sửa soạn ra về. Bà mẹ lau dọn bàn. Không ôm hôn, tạm biệt gì hết, cứ như cô đi có việc, lát lại về.
Rồi bà ra cửa sổ nhìn theo con gái, cho đến khi cô rẽ về phía đường hầm.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Đất khách quê người.