Chương 121: Trước khi trời sáng (Phần 1)
-
Đế Quốc Thiên Phong
- Duyên Phận
- 2433 chữ
- 2019-03-09 09:39:39
Nhu cầu về lương thực của mọi người sẽ không vì giá cả lên hay xuống mà tăng hoặc giảm theo, bởi vì con người cần phải ăn, không ăn thì đói chết. Cho nên thông qua điều chỉnh giá cả để khống chế việc cung ứng lương thực, không phải là thông qua giảm bớt nhu cầu mua của đối phương để hạn chế tiêu thụ, mà là thông qua việc nâng cao giá cả vượt qua sức mua của đối phương mới có thể hạn chế tiêu thụ. Chỉ có xác định trên cơ sở sức mua của dân chúng không đạt tới giá lương thực, mới có thể làm xuất hiện sự cân bằng ngắn ngủi giữa cung và cầu. Mà cái giá phải trả cho sự cân bằng này, chính là rất nhiều dân chúng không có khả năng mua lương thực mà chết đói.
Sự hạn chế của thời đại khiến cho xã hội phong kiến thiếu một hệ thống khống chế lương thực có hiệu suất cao. Lượng lương thực tồn trữ trong quốc khố hoàn toàn không đủ để bù đắp sự thiếu thốn lương thực lên cao tới hai mươi phần trăm. Vì thế, giá cả trở thành đòn bẩy duy nhất để khống chế, dưới tình huống thiếu thốn lương thực trầm trọng, giá cả lương thực tăng cao sẽ là thực tế hết sức rõ ràng.
Nhạc Thanh Âm chèn ép tất cả các tiền trang, chẳng những khiến cho quan phủ Đế quốc Kinh Hồng không có tiền mua lương thực từ nước ngoài, đồng thời cũng tiến thêm một bước khiến cho kinh tế xã hội hỗn loạn, khiến cho giá lương tăng kịch liệt với tốc độ như quả cầu tuyết lăn trên núi tuyết, từ đó khiến cho giá cả khắp cả nước tăng cao. Mọi người sẽ phát hiện ra, một quốc gia từng hùng mạnh phồn vinh, đối mặt với một tai họa lớn lao như vậy, hoàn toàn không có cách nào chống đỡ.
Rất nhiều thương hội sẽ đầu cơ tích trữ lương thực, đợi giá cao mới bán, rất nhiều dân chúng thiếu thốn lương thực, hỗn loạn lan ra như bệnh dịch khắp nơi trên cả nước. Quan phủ Đế quốc Kinh Hồng không có tiền sử dụng, ắt dẫn tới nguy cơ đáng sợ nhất cho nền thống trị của Đế quốc Kinh Hồng từ trước tới nay. Người Đế quốc Kinh Hồng vốn ở miền Nam khí hậu ôn hòa, tự cấp tự túc đã lâu, chẳng những không ngờ tới thiên tai mà còn không ngờ tới tai họa do con người gây nên. Mà lần này đây, Thiển Thủy Thanh muốn gây ra cho bọn họ một tai họa ngập đầu.
Thời đại phong kiến vốn thiếu thốn cơ chế ứng phó kịp thời và hữu hiệu, đối với dạng tai họa như vậy hoàn toàn không thể chống đỡ. Hơn nữa Thiết Huyết Trấn lựa chọn thời cơ hành động vô cùng chuẩn xác, mùa Đông này, người Đế quốc Kinh Hồng nhất định hết sức gian nan.
Nghĩ tới đây, Nghiêm Chân Bình lo lắng bồn chồn tới mức ngồi không yên.
Y đứng phắt dậy:
- Ta muốn viết cho Liêm Vương một phong thư, xin hắn bất kể thế nào cũng phải thuyết phục bệ hạ và Thái tử điện hạ thả cho Thiết Huyết Trấn về nước. Ta hy vọng các người cũng có thể viết một phong thư cho Thiển Thủy Thanh, xin hắn tạm hoãn hành động lần này, có được không?
Dạ Oanh và Bát Xích thoáng nhìn nhau, Bát Xích gật đầu:
- Ông có thể khuyên Liêm Vương ra mặt thuyết phục Lương Khâu Húc, nhưng trước khi quân ta hành động, ông không thể tiết lộ nội tình việc này. Nếu người Đế quốc Kinh Hồng vẫn không đồng ý thả cho Thiết Huyết Trấn về nước, vậy cũng chỉ còn có một con đường chết chung với địch mà thôi.
Nghiêm Chân Bình gật đầu bất đắc dĩ:
- Ta chỉ làm hết sức mình, còn lại phải nghe theo mệnh trời vậy, nếu trời muốn Đế quốc Kinh Hồng ta diệt vong, vậy ta không còn gì để nói.
Bát Xích lạnh lùng nói:
- Nếu ông trời không diệt Thiết Huyết Trấn ta, cũng không diệt Đế quốc Kinh Hồng các người, vậy Nghiêm đại nhân, ta hy vọng ông có thể quy thuận Đế quốc Thiên Phong ta, coi như là thù lao cho việc ta cho phép ông viết phong thư này, ông nghĩ sao?
Nghiêm Chân Bình thở dài một tiếng:
- Nếu Thiển Thủy Thanh có thể thủ hạ lưu tình, khiến cho người vô tội Đế quốc Kinh Hồng ta chết ít hơn một chút, ta có thể cân nhắc chuyện này.
- Nghiêm đại nhân, chỉ cần Lương Khâu Húc chịu thả Thiết Huyết Trấn ta về nước, chúng ta bằng lòng bổ sung một số lương thực cho Đế quốc Kinh Hồng, để giúp Đế quốc Kinh Hồng ổn định loạn cục. Chuyện này, Quỷ Bát Xích ta có thể cam đoan với ông!
- Nếu là như vậy, Nghiêm Chân Bình ta đại diện cho dân chúng Đế quốc Kinh Hồng cảm tạ Quỷ công tử. Từ nay về sau, Nghiêm Chân Bình nguyện đi theo làm tùy tùng cho Quỷ công tử, mặc tình sai khiến!
Nghiêm Chân Bình khom người vái Bát Xích một vái.
Bát Xích vui vẻ bật cười.
o0o
Thành Hỏa Vân
Ban đêm, thị vệ trong phủ Tổng đốc đều đã rút lui.
Nghiêm Chân Bình đang xem sách, Bát Xích tập viết chữ, Dạ Oanh bắt đầu học tập nữ công. Mặc dù tất cả mọi người không ra khỏi thư phòng, nhưng có một số việc đang vô tình xảy ra biến hóa.
Hiện tại Nghiêm Chân Bình đã chính thức bắt đầu dạy Bát Xích một ít kiến thức trong sách vở, mà không cần nó phải thắng cờ mới được.
- Thành Bá Nghiệp vẫn chưa có tin tức gì sao?
Bát Xích vừa tập viết theo chữ mẫu vừa hỏi.
- Làm việc gì cũng phải nghiêm túc, không được phân tâm, hãy chăm chú viết chữ đi!
Nghiêm Chân Bình đáp.
Bát Xích thè lưỡi:
- Làm quân nhân thì có liên quan gì tới viết chữ vậy?
- Tu thân dưỡng tính, hun đúc tính tình. Chinh chiến sa trường, nhiệt huyết trào sôi, nếu muốn ung dung trấn định ở giữa trăm vạn đại quân, chỉ huy hiệu quả, trước tiên phải có một trái tim giữ được bình tĩnh vào bất cứ lúc nào. Hiện tại tuổi ngươi còn nhỏ, tự cho rằng vấn đề lớn nhất của chính mình là kinh nghiệm không đủ, uy danh không đủ, thật ra vấn đề lớn nhất của ngươi chính là tâm tính bồn chồn nóng nảy, thiếu tính nhẫn nại. Đây là bệnh chung của trẻ con, phải tập luyện một số công phu để rèn luyện bản thân mình, như vậy mới có lợi cho ngươi.
- Ừ!
Nghiêm Chân Bình mỉm cười, tiểu quỷ này có ưu điểm lớn nhất là khiêm tốn học hỏi, chỉ cần người ta nói rằng làm như vậy sẽ có lợi cho nó, nó liền ngoan ngoãn làm theo.
Kẻ từng ám sát, giờ trở thành học trò của kẻ bị ám sát, cũng có thể coi là chuyện lạ đời.
Vừa viết xong một bản Thương văn tự, Bát Xích mang lại cho Nghiêm Chân Bình, cung kính chờ nghe bình phẩm. Nghiêm Chân Bình không thèm nhìn tới, để sang một bên:
- Đọc thuộc lòng một lần nội dung những gì ngươi vừa viết!
- Ủa?
Bát Xích choáng váng:
- Vừa rồi ông chỉ bảo ta tập viết, không bảo ta học thuộc kia mà?
Nghiêm Chân Bình mỉm cười:
- Thương văn tự là tác phẩm mới sáng tác của Thừa tướng Đế quốc Kinh Hồng Ích Tử Khiêm vào đầu năm nay. Người này tuy có chút cổ hủ háo sắc, nhưng vẫn có năng lực và hiểu biết. Ta cho ngươi tập viết chữ của lão, không chỉ muốn ngươi học tập thư pháp của lão, quan trọng hơn còn muốn cho ngươi hiểu được một số tư tưởng chính trị của lão. Tuy rằng ta và ngươi có quan điểm bất đồng, nhưng có rất nhiều lúc, nguyên nhân chính là vì quan điểm bất đồng, mới tránh được những tư tưởng hẹp hòi ảnh hưởng làm cho cá nhân sai lệch. Cho nên ngươi càng phải thu thập tất cả sở trường của mọi nhà, bổ sung cho sở đoản của mình. Tuy rằng sư phụ của ngươi không phải là một sư phụ tốt, nhưng có một câu hắn nói đúng mà ta rất thích. Đó là câu:
Nếu đồ đệ không thể vượt hơn sư phụ, đó là sỉ nhục của sư phụ!
Bởi vậy, ta mới đưa bản Thương văn tự này cho ngươi tập viết. Nhưng ngươi chỉ tập viết theo nét chữ, mà coi thường ý văn trong đó, vậy có thể nói rằng, ngươi chỉ chú ý đến bề ngoài mà xem nhẹ đạo lý bên trong, chính là điều tối kỵ. Ta không bảo ngươi chú ý đến nội dung thì ngươi không xem, vậy có được không? Kẻ học trò, quan trọng nhất là phải học không biết mệt, nắm bắt tất cả cơ hội, cần cù cầu học. Thầy dạy một, trò hiểu được ba, như vậy mới có thể có thành tựu!
- Dạ, ta đã hiểu, nếu là như vậy, ta sẽ viết lại lần nữa!
Trong lần viết tiếp theo, Nghiêm Chân Bình cũng giảng giải cho nó về ý nghĩa của bản Thương văn tự này. Bản Thương văn tự này là do Ích Tử Khiêm viết ra hồi đầu năm nay, luận bàn về việc triều đình coi trọng nông nghiệp mà hạn chế thương nghiệp. Lúc ấy Đế quốc Kinh Hồng càng ngày càng chịu sự kích thích về việc khuếch đại kinh doanh làm giàu của người Công quốc Thánh Uy Nhĩ, cho nên muốn tiến một bước mở rộng và phát triển thương nghiệp trong nước, cho nên có kẻ đề xuất với triều đình việc coi trọng địa vị của nông nghiệp và thương nghiệp ngang nhau, để kích thích nền kinh tế trong nước phát triển.
Ích Tử Khiêm phản đối kịch liệt đề xuất này, cho rằng hại nhiều hơn lợi, cũng viết ra bản Thương văn tự này. Mặc dù văn chương có sự giới hạn rất lớn về thời đại, nhưng từ đó chúng ta cũng có thể thấy được, vì nguyên nhân gì mà các chính trị gia thời cổ đại cực lực phản đối bình đẳng nông nghiệp và thương nghiệp, đưa ra quyết sách chính trị trọng nông khinh thương.
Phàm là một quốc gia phát triển, bất kể thay đổi như thế nào, đại khái đều phải đi qua quá trình từ cơ sở xã hội nông nghiệp phát triển lên thể chế pha lẫn chính trị và kinh tế. Trong đó, càng là quốc gia phát đạt, nông nghiệp chiếm tỷ lệ càng nhỏ trong tổng sản lượng kinh tế quốc dân. Càng có nhiều thành viên góp phần phát triển công thương nghiệp, càng thôi thúc mạnh mẽ phát triển kinh tế, khiến cho thu nhập quốc gia tăng trưởng, quốc khố dồi dào. Cho dù là dưới thể chế của xã hội phong kiến từ xưa, nhận thức này vẫn tồn tại. Nhưng điểm khác nhau chính là, sự quan liêu của thể chế phong kiến sở dĩ không coi trọng thương nghiệp, chủ yếu là do hành vi mang tính xu lợi, sẽ đưa tới chuyện rất nhiều ngành sản xuất nông nghiệp bị bỏ phế. Mà nông nghiệp là nền sản xuất cơ sở bảo đảm cho sự tồn tại của một quốc gia, tuyệt đối không được để dao động, bởi vậy trong rất nhiều cải cách của thế hệ sau, mọi người phát hiện ra hệ thống công thương nghiệp phát triển hết sức bồng bột, đưa tới chuyện nền sản xuất nông nghiệp tuột dốc tạm thời, khiến cho dân chúng bắt tay vào nền sản xuất khác, rất nhiều đồng ruộng vì vậy mà bị bỏ hoang. Quốc gia sống nhờ vào nền sản xuất nông nghiệp sẽ gặp phải thách thức rất lớn, trước khi giải quyết được vấn đề này, bọn họ chỉ có thể sử dụng biện pháp trọng nông khinh thương để bảo đảm tính ổn định cho nông nghiệp.
Không thể dùng tiền tài khiến cho cả nông nghiệp và thương nghiệp đều bình đẳng, bọn họ chỉ có thể chi phối về phương diện địa vị, khiến cho kẻ tham gia nền sản xuất nông nghiệp có địa vị cao hơn thương nhân, để tránh cho nền sản xuất nông nghiệp trở nên suy yếu.
Bởi vậy rất nhiều người nghĩ rằng, trọng nông khinh thương là một hành vi ngu xuẩn, thiếu tầm nhìn xa của kẻ đưa ra quyết sách chính trị lúc ấy. Nhưng sự thật là, dưới điều kiện nền sản xuất không đủ độ phát triển, lại thừa nhân lực, đó là điều kiện duy nhất để đảm bảo tính ổn định cho nền tảng nông nghiệp, bất kể thế nào cũng không thể coi thường.
Cũng vì như vậy, ở thời đại phong kiến đại Đế quốc, thường hay có một hiện tượng kỳ quái: rõ ràng là chế độ xã hội trọng nông khinh thương, nhưng do thương nghiệp đa dạng hóa, của cải mọi người tăng lên, các thương nhân giàu có hoàn toàn có tư cách thoát khỏi vòng lẩn quẩn về địa vị này, thông qua số tiền của khổng lồ trong tay, thao túng nền chính trị quốc gia lúc đó, cũng để giành lợi ích cho mình. Nhưng sự thật cũng là, các thương nhân dùng tiền của mua lấy chức quan cũng không phản đối cách nghĩ trọng nông kinh thương, để tránh cho nền tảng quốc gia dao động.
Trong chuyện này, nông nghiệp là trụ cột căn bản, kinh tế là mắt xích lôi kéo nông nghiệp phát triển, nếu nói kinh tế xuất hiện vấn đề, vậy sợi xích này chẳng khác nào sinh ra rỉ sét. Mà nông nghiệp xuất hiện vấn đề, như vậy cây cột căn bản sẽ sụp đổ. Một khi cả hai phương diện nền tảng này cùng xuất hiện vấn đề trọng đại, toàn bộ quốc gia sẽ ngã nghiêng rồi dần dần lật úp, cuối cùng đi tới chỗ diệt vong.