Quyển 4 - Chương 11: Tháng chín hoa trà rợp lối đi
-
Hậu Cung Chân Hoàn Truyện
- Lưu Liễm Tử
- 3292 chữ
- 2020-05-09 12:17:36
Số từ: 3287
Nguồn: truyenfull
Cạnh dòng sông, từng làn gió núi thổi vào lùm cây làm phát ra những tiếng xào xạc nghe như tiếng sóng. Giữa buổi chiều thu ấm áp, tôi như một bông hoa vươn mình vui vẻ tắm dưới ánh dương, tâm trạng thoải mái mà nhẹ nhõm. Loáng thoáng có tiếng hát từ đâu đó vẳng lại, dường như có người đang ngâm nga một khúc dân ca. Tôi liếc mắt nhìn Huyền Thanh đang đứng kề vai với mình, thấy y khẽ nở một nụ cười mỉm, nghiêng đầu lắng nghe, biết là y cũng đã nghe thấy.
Phía đằng xa vang lại một tiếng ca êm dịu, tuy ở cách khá xa nhưng lời ca vẫn hết sức trong trẻo, rõ ràng, phần nội dung tôi có thể nghe rõ được.
Em nay đối với tình lang, tình càng thấm thía dạ càng ngẩn ngơ. Nhớ ai nhớ đến bao giờ? Ngày ngày tựa cửa trông chờ tình lang. Tình lang ơi hỡi tình lang, lòng này thắm thiết xin chàng chớ quên…
Tiếng ca càng lúc càng tới gần, nghe giọng hát thì hình như còn có chút non nớt của một cô bé nhưng lại hết sức trong trẻo, vui tươi. Tôi thấy Huyền Thanh đang mím chặt môi, vẻ như trầm tư suy nghĩ, đôi mắt trong veo lướt qua bụi lau sậy đang đung đưa nhè nhẹ, lại lướt qua những dãy núi xanh biếc trập trùng cùng dòng sông sóng nước dịu êm, sau đó chậm rãi nở một nụ cười mỉm dịu dàng, tựa một bé trai bị người ta vạch trần tâm sự, nét cười ấy mang theo một chút ngượng ngùng, từ từ lan tỏa trên khóe môi y.
Tôi cúi xuống, vừa khéo nhìn thấy chiếc bóng cao lớn, hiên ngang của y đang phủ lên cái bóng yếu đuối, cô độc của tôi trên mặt nước.
Trái tim tôi giật thót, chợt nhìn thấy phía không xa có một thiếu nữ đang hát khúc hát vừa rồi, tay khua mái chèo nhè nhẹ, loáng cái đã chèo thuyền tới gần. Thiếu nữ ấy tuổi chừng mười bốn, mười lăm, mặc một bộ quần áo may bằng vải hoa xanh, trên đầu tết một bím tóc thật lớn, đuôi bím tóc buộc bằng sợi đây đỏ, đang ca hát hết sức vui vẻ. Vóc người cô bé còn chưa phát triển hết, vẻ non nớt vẫn còn lộ rõ, khuôn mặt còn hơi xanh xao, duy có đôi mắt là to tròn hết sức linh động, khiến người ta vừa nhìn đã sinh lòng yêu thích.
Huyền Thanh cất tiếng gọi:
Cô nương, thuyền này của cô có chở khách không?
Thiếu nữ chèo thuyền đó đáp lại bằng giọng trong trẻo, ngọt ngào:
Tất nhiên là có rồi! Công tử muốn qua sông sao?
Huyền Thanh chắp tay mỉm cười, nói với tôi:
Trên đỉnh Phiêu Miểu phía trước có biệt viện Thanh Lương Đài của ta, trong một tháng ta thường ở lại đó khoảng mười ngày, bây giờ nhờ vị cô nương này chở ta tới đó cũng tốt.
Tôi không kìm được hỏi:
Vậy còn Ngự Phong thì sao?
Y cười đáp:
Ngự Phong là ngựa già, biết rõ đường tới Thanh Lương Đài, đợi sau khi ăn uống no say, nó sẽ tự khắc tới đó.
Tôi thoáng suy nghĩ, cười nói:
Vậy, xin chúc Vương gia thuận buồm xuôi gió.
Y cười hà hà một tiếng, ống tay áo rộng bị gió thổi nhè nhẹ tung bay, phong thái vô cùng tiêu sái. Y chăm chú nhìn tôi khẽ nói:
Nương tử có bằng lòng tiễn Thanh một đoạn, nhân tiện ngắm cảnh sắc ven sông không?
Tôi hơi do dự nhưng nghĩ tới những việc mà y đã làm cho mình, rốt cuộc không đành lòng cự tuyệt:
Cũng được!
Thế rồi Huyền Thanh bèn cầm lấy bọc đồ trên lưng ngựa, tung người nhảy lên chiếc thuyền nhỏ của thiếu nữ, lại kéo tôi xuống thuyền. Đó vốn là một động tác rất bình thường nhưng khi ngón tay chạm vào lòng bàn tay y, tôi cảm thấy tay y rất ấm áp và khô ráo, những mạch máu dưới làn da đang nhẹ nhàng máy động. Còn bàn tay tôi, lúc này lại đang lạnh giá và ẩm ướt.
Tôi và y một người ngồi ở đầu thuyền, một người ngồi ở đuôi thuyền, nữ tử chèo thuyền thấy vậy liền không vui, nói:
Hai người vốn quen biết nhau, một người ngồi đầu thuyền, một người ngồi cuối thuyền thế này, đợi lát nữa nói chuyện với nhau, ta đứng giữa sẽ khó xử lắm.
Huyền Thanh bật cười, nói:
Cô nương nói phải lắm! Vậy giờ tại hạ tới đuôi thuyền, nương tử không có ý kiến gì chứ?
Nương tử?
Thiếu nữ đó đưa mắt nhìn bộ đồ ni cô trên người tôi, tò mò hỏi:
Trông bộ dạng cô thì rõ ràng là ni cô trong chùa Cam Lộ, sao y lại gọi cô là nương tử thế?
Tôi thoáng ngượng ngùng, đành nói:
Ta là người để tóc tu hành.
Thiếu nữ đó khẽ
ồ
một tiếng, giật mình hiểu ra, vỗ tay nói:
Đúng rồi, mẹ ta là người xuất gia, do đó mọi người đều gọi bà ấy là ni cô hoặc gọi pháp hiệu Mạc Ngôn. Còn cô thì chỉ là người để tóc tu hành.
Tôi có chút kinh ngạc, nhìn thiếu nữ đó, hỏi:
Mạc Ngôn là mẹ cô sao?
Rồi lại nhìn kĩ một chút, thiếu nữ này tuy cơ thể còn chưa phát triển hoàn toàn nhưng những đường nét trên khuôn mặt thì giống hệt Mạc Ngôn.
Thiếu nữ đó khẽ gật đầu, mừng rỡ nói:
Đúng thế, cô biết mẹ ta sao?
Tôi gật đầu, đáp:
Bà ấy từng chiếu cố cho ta rất nhiều.
Thiếu nữ ngưng tay chèo, tò mò nhìn tôi, hỏi:
Mẹ ta nói có một ni cô tên là Mạc Sầu, thân thế rất thê thảm, đáng thương, chính là nói tới cô đúng không?
Tôi không biết phải trả lời thế nào, thoáng cảm thấy lúng túng, thiếu nữ đó đã lại nói tiếp:
Ta thấy cô mặt mày vàng vọt, nhất định là ăn không được no, ngủ không được yên, chẳng trách mẹ ta lại nói cô đáng thương.
Tâm tư của thiếu nữ hết sức đơn thuần, cho rằng ăn không được no, ngủ không được yên đã là điều đáng thương nhất. Cô bé đâu biết trên thế gian này còn vô số những nỗi đau khổ khác khó mà miêu tả bằng lời.
Thế nhưng Mạc Ngôn nói tôi đáng thương thì quả đúng là sự thực. Bà ta tuy cũng ở trong cửa Phật nhưng có con gái ở gần bên cạnh, thường xuyên có thể gặp gỡ. Đâu giống như tôi, ngoài bức tranh trong tay ra, đời này kiếp này e là chẳng còn cơ hội gặp lại đứa con gái duy nhất nữa, cũng chẳng thể nghe tiếng nó khóc, cười, hai bên như người xa lạ.
Thiếu nữ nói xong thì không suy nghĩ nhiều thêm. Lại tiếp tục chèo thuyền. Nhưng lúc này tôi đã bị khơi dậy nỗi sầu muộn trong tim, khó mà bình tâm lại được.
Huyền Thanh ngồi bên tôi, khẽ cất tiếng hỏi:
Mẹ của cô ấy có phải là người vừa cùng lau sàn với nàng không?
Tôi khẽ gật đầu coi như trả lời. Vẻ ưu sầu sau nháy mắt đã bao trùm lên đôi mắt vốn luôn ôn hòa kia, y nhẹ nhàng cất tiếng:
Nàng gầy đi nhiều quá, hôm nay ta thấy nàng phải lau sàn vất vả, ngày nào nàng cũng phải làm việc nặng như thế sao?
Tôi khẽ lắc đầu, đáp ngắn gọn:
Không.
Thiếu nữ kia đứng bên cạnh nói chen vào:
Cô nói là lau sàn trong đại điện sao? Đó là công việc để phạt người ta khi làm sai chuyện gì, vất vả lắm. Mẹ ta có kể, nơi đó phải lau mất nửa ngày trời, lau xong xương cốt toàn thân đều như rã rời
, sau đó lại liếc qua Huyền Thanh.
Ta nghe mẹ ta nói, Mạc Sầu là người mới tới, đám ni cô kia thường xuyên ức hiếp cô ấy, mỗi ngày đều bắt cô ấy phải đi cắt cỏ và giặt rất nhiều quần áo, vất vả vô cùng.
Huyền Thanh nhìn tôi bằng ánh mắt đầy vẻ xót thương.
Tại sao không nói với ta? Tại sao không có người nào giúp nàng chủ trì công đạo, để nàng bị ức hiếp thế này?
Tôi cúi đầu, tâm trạng dần trở nên bình tĩnh.
Là ta cam tâm tình nguyện.
Sau đó lại thản nhiên ngước mắt nhìn y.
Sống trong chùa Cam Lộ tuy vất vả nhưng không còn những sự minh tranh ám đấu, ta vì chán ghét cuộc sống trong cung nên mới tình nguyện đi tu hành. Huống chi…
Tôi khẽ nói:
Một khi thân thể mỏi mệt, ta sẽ không còn tâm tư suy nghĩ tới những nỗi đau khổ trước đây nữa. Do đó, ta cam lòng như vậy.
Trong mắt Huyền Thanh ánh lên những tia thấu hiểu, kèm với đó là sự đau đớn cố kìm nén, tựa một phiến lá cây hay thứ gì đó giữa tảng hổ phách long lanh. Ở khoảng cách rất gần, tôi đột nhiên phát giác, đôi mắt của y không có màu đen bình thường, mà hơi nhạt hơn một chút, mang theo đôi nét ôn hòa ấm áp của hổ phách.
Y nói:
Có thể tìm được sự bình tĩnh như thế trong nỗi vất vả, ấy cũng là điều tốt. Nhưng đáng sợ nhất là bị lún sâu vào đó, không tự rút mình ra được.
Một làn gió thổi qua mái tóc tôi, mang tới cảm giác hơi ngứa ngáy. Tôi ngẩng đầu, nhìn bầu trời xanh biếc, mỉm cười nói:
Hiểu được thì rất dễ nhưng muốn làm được, quả thực khó vô cùng.
Vậy…
Những tia nắng nhuốm màu non nước chiếu lên khuôn mặt Huyền Thanh, càng làm tôn lên những đường nét mềm mại, y ôn tồn nói:
Lúc này hãy cùng ngồi với nhau ở đây, ngắm mây trên trời, nhẹ nhàng trò chuyện, hoặc chỉ lặng im thôi, hưởng thụ sự bình yên trong khoảnh khắc ngắn ngủi này.
Cùng ngồi với nhau ở đây, ngắm mây trên trời, nhẹ nhàng trò chuyện, hoặc chỉ lặng im…
Tôi thấp giọng lẩm bẩm.
Phải!
Giọng y chắc nịch mà hiền hòa, tựa như một làn gió mềm mại mang theo đầy hơi nước bốc lên từ dưới lòng sông.
Lúc này, ta chỉ muốn cùng nàng như vậy.
Tôi lẳng lặng cụp đôi hàng mi, sự bình tĩnh và hoang mang trong lòng đan xen, tựa như những gợn nước lăn tăn trên mặt hồ, dần trở nên bình lặng. Vô số tia nắng rạng rỡ phản chiếu từ dưới nước lên thuyền, tự đáy lòng tôi thầm thở dài cảm thán, nếu quãng đời về sau của tôi có thể thường xuyên bình lặng như khoảnh khắc này đây, lại có một phương hướng về kết quả cố định như dòng nước chảy về đông này, vậy thì thực tốt biết mấy.
Tôi và y ngồi im lặng bên nhau, cùng nhìn về một khoảng đất trời, trong lòng tràn ngập sự bình yên.
Thiếu nữ chèo thuyền cất tiếng cười vang như chuông bạc.
Cổ nhân nói đúng lắm, tu mười năm mới được ngồi chung thuyền, tu trăm năm mới được nằm chung gối. Hai người đã ngồi chung thuyền với nhau rồi, sao lại không trò chuyện gì thế? Ta mặc kệ hai người, giờ ta hát đây, hai người đừng chê ta hát khó nghe nhé!
Tu mười năm mới được ngồi chung thuyền, tu trăm năm mới được nằm chung gối.
Tôi bất giác sững người, trước đây tôi đã từng nghe nói tới những điều này rất nhiều lần, cũng chẳng mấy để tâm, thỉnh thoảng còn mang ra trêu người khác, thế nhưng lúc này đột nhiên nghe thấy, liền giống như tham thiền, cúi đầu tỉ mỉ ngẫm nghĩ ý tứ bên trong, tựa như giữa màn đêm tối đen mờ mịt bỗng bắt gặp ánh sáng lóe lên ở phía chân trời. Trong khoảnh khắc hết sức ngắn ngủi đó, rõ ràng có thứ gì đó sáng rực lên, nhưng khung cảnh thì vẫn đen tối mờ mịt, chẳng thể nhìn rõ thứ gì.
Tôi lén đưa mắt nhìn Huyền Thanh, thấy y cũng lặng lẽ cúi đầu, dường như đang suy nghĩ vấn đề gì đó, nét mặt thấp thoáng nét mừng vui, nhưng không mấy rõ ràng, rồi giọng nói của y chậm rãi vang lên:
Nói như vậy, ta và nương tử từng ngồi cùng thuyền với nhau hai lần, tức là kiếp trước đã tu hành được hai mươi năm rồi.
Tôi ngoảnh đầu qua một bên, nhìn mặt sông lăn tăn gợn sóng, nước sông tháng Chín cũng đã hơi lạnh, sự lạnh lẽo chầm chậm ngấm vào da thịt. Tôi khẽ nói:
Vương gia lại nói đùa rồi!
Thiếu nữ kia vẫn ngẩng cao đầu, hát đi hát lại bài hát vừa nãy. Nhưng cô bé dù sao cũng hãy còn nhỏ, không hiểu được ý vị bên trong, do đó trong lời ca chỉ toàn là tâm trạng vui mừng, khoan khoái, không có lấy nửa phần tương tư hay tình cảm nồng nàn.
Giữa mối tâm tư nặng nề, tôi kỳ thực cũng không rõ mình tốt cuộc đang nghĩ gì, muốn nghĩ gì, đầu óc hết sức mông muội. Chỉ là trong sự mông muội ấy, tôi chợt nhớ ra rõ ràng, ngoại trừ mấy tháng triền miên hồi mới yêu đương, tôi chẳng khi nào ngày ngày tựa cửa trông chờ Huyền Lăng cả.
Đỉnh Phiêu Miểu vốn ở rất gần với đỉnh Lăng Vân, nơi tọa lạc của chùa Cam Lộ, do đó chẳng bao lâu sau, chúng tôi đã tới nơi.
Huyền Thanh nhảy lên bờ, chỉ tay về phía tòa kiến trúc trên đỉnh núi.
Nơi này chính là Thanh Lương Đài, sau này nếu nương tử có việc gì cần giúp đỡ, cứ sai người tới Thanh Lương Đài là được. Thanh nhất định sẽ cố hết sức.
Tôi mỉm cười, khom người nói:
Đa tạ! Được nhìn thấy tranh vẽ Lung Nguyệt là ta đã cảm kích bất tận rồi, không còn mong cầu gì hơn.
Thân thể Huyền Thanh được bao trùm giữa cảnh sắc nước non, lại càng toát ra vẻ xuất trần, thoát tục.
Ta nói như vậy kỳ thực còn vì có chuyện muốn nhờ nương tử giúp đỡ, mùng Sáu tháng sau là ngày thôi nôi của Lung Nguyệt, có việc này nương tử nhất định phải giúp Thanh một tay.
Tôi hơi ngạc nhiên hỏi:
Chuyện gì vậy?
Y lấy từ trong bọc đồ ra rất nhiều thứ vải, có vải đoạn màu tím, vải gấm màu đỏ, vải lụa màu xanh biếc, muôn màu muôn vẻ, rồi đưa hết cho tôi. Thấy tôi tỏ vẻ khó hiểu, Huyền Thanh mỉm cười giải thích:
Mùng Sáu tháng sau là ngày thôi nôi của Lung Nguyệt, ta thân là thúc thúc của nó, tất nhiên phải tặng ít quần áo làm quà, đáng tiếc thợ may trong Thanh Hà Vương phủ tay nghề kém lắm, đành phiền nương tử giúp đỡ thôi.
Y nói rất tự nhiên và khách sáo, tôi nghe mà xiết nỗi mừng vui, cơ hồ không thể tin nổi, đôi tay thì vì kích động mà không ngừng run lẩy bẩy, vội hỏi:
Thật thế sao? Ta có thể tự tay may quần áo cho Lung Nguyệt sao?
Trong câu trả lời bình thản của y toát ra một vẻ chắc nịch:
Nàng là mẫu thân của Lung Nguyệt, quần áo nàng may tất nhiên là hợp với nó nhất rồi. Mà Lung Nguyệt là con gái nàng, nếu có thể mặc quần áo nàng tự tay may, nhất định cũng sẽ rất thích.
Tôi vô cùng cảm kích, do dự hỏi:
Nhưng các vương côngý tộc ắt sẽ đưa tới rất nhiều quần áo làm quà mừng, quần áo ta may liệu Lung Nguyệt có được mặc không?
Trong mắt ánh lên những tia dịu dàng ấm áp, Huyền Thanh mỉm cười, nói:
Điều này thì nàng yên tâm, ta đã nói với Kính Phi rồi, trong ngày thôi nôi, Lung Nguyệt nhất định sẽ mặc quần áo mà nàng may.
Sau đó y lại lấy từ trong tay áo ra một mảnh giấy nhỏ, nói:
Trên này có ghi lại cỡ người của Lung Nguyệt, hai ngày trước lễ thôi nôi, ta sẽ đích thân đến lấy quần áo, vẫn sẽ đợi nương tử ở chỗ này.
Thoáng ngừng lại một chút, y ôn tồn nói tiếp:
Mọi việc xin phiền nương tử, đến lúc đó Thanh tặng quà vào cung chẳng qua là mượn hoa dâng Phật mà thôi.
Tôi cẩn thận ôm lấy những loại vải kia vào lòng, tựa như đang ôm Lung Nguyệt bé bỏng của tôi, vô cùng kích động.
Huyền Thanh ngoảnh đầu qua, hỏi thiếu nữ kia:
Xin hỏi, ta nên xưng hô với cô nương thế nào đây?
A Nô.
Thiếu nữ nở nụ cười tươi, đáp:
Mọi người ở đây đều gọi ta là A Nô.
Huyền Thanh khẽ mỉm cười, móc ra một ít bạc vụn, đặt vào tay A Nô.
Vậy, A Nô, phiền cô nương đưa vị nương tử đây quay về đi.
A Nô gật đầu, dùng sức đẩy mạnh cây sào trúc. Tôi ngoảnh đầu nhìn lại, Huyền Thanh vẫn đứng lặng lẽ trên bờ, bóng hình càng lúc càng xa rồi dần biến mất hẳn.
Khi tôi quay về, Mạc Ngôn vừa khéo cũng đang ở phòng tôi, bà ta khẽ cất tiếng hỏi:
Sao lại ra ngoài lâu thế? May mà đám người Tịnh Bạch không phát hiện ra, ta đã giúp cô lau sạch Cẩn Thân điện rồi.
Sau đó lại hơi cau mày hỏi tiếp:
Sao cô lại theo một nam nhân ra ngoài lâu thế?
Tôi xúc động nói:
Cảm ơn bà!
, sau đó lại thấp giọng nói tiếp:
Người đó là thúc thúc của con gái ta.
Mạc Ngôn khẽ
ồ
một tiếng, lập tức lộ vẻ thấu hiểu, không hỏi han gì thêm. Tôi mỉm cười, nói:
Hôm nay ta vừa gặp con gái A Nô của bà đấy!
Bà ta bất giác
a
lên một tiếng, thoáng ngượng ngùng, lại có chút đắc ý:
Đã sắp trổ mã thành một vị đại cô nương rồi, vậy mà vẫn phải ở bên ngoài chèo thuyền mưu sinh, có điều tay làm hàm nhai cũng tốt.
Tôi cười, nói:
Chừng hai năm nữa thôi là bà phải tính đến chuyện tìm nhà thông gia rồi.
Mạc Ngôn nghiêm mặt nói:
Con gái ta chẳng cần gả cho lũ nam nhân thối tha để bị chà đạp, cứ sống một đời thanh tịnh là được rồi.
Tôi ngạc nhiên nói:
Tuy bà nghĩ như vậy đành nhưng A Nô đang tuổi thanh xuân, nó chưa chắc đã chịu đâu.
Mạc Ngôn khẽ lắc đầu, nói:
Về mặt này, con gái ta nhìn còn thấu triệt hơn ta nhiều.
Tôi và bà ta trò chuyện thêm vài câu, sau đó liền nói lời từ biệt.