Quyển 4 - Chương 12: Ơn mẹ cha


Số từ: 6667
Nguồn: truyenfull
Đến đêm, tôi đặc biệt dặn dò Cận Tịch phải thắp cả đèn dầu và nến, khoác lên người một chiếc áo ngoài, tinh thần phấn chấn chuẩn bị cắt vải may vá. Thế nhưng vừa mới đưa nhát kéo đầu tiên, tôi đã sinh lòng do dự, ngẩn ngơ suốt một hồi lâu.
Cận Tịch nói:
Nương tử xưa nay vốn chẳng thua ai về tài may vá, sao lúc này lại do dự không cắt nổi một nhát kéo như vậy?

Tôi thoáng ngượng ngùng, đáp:
Ta chỉ sợ mình chẳng may cắt nhầm rồi không thể may cho Lung Nguyệt một chiếc áo đẹp nhất.

Cận Tịch cười, nói:
Nương tử là mẹ ruột của Công chúa, chiếc áo do người tự tay may vốn đã là đẹp nhất rồi, người cứ yên tâm mà làm đi thôi.

Tôi chà nhẹ cây kim lên đầu, mỉm cười nói:
Có lẽ người làm mẹ nào cũng từng có tâm trạng như ta bây giờ.

Vừa khéo lúc này Hoán Bích đã giặt xong chỗ quần áo của ngày hôm nay, bước vào với thần sắc uể oải, nhìn thấy trên bàn có đặt mấy miếng vải màu sắc sặc sỡ, không kìm được tò mò hỏi:
Hôm nay Phương Nhược cô cô mới tới sao? Trước đây đều không phải ngày này mà
, rồi lại hỏi:
Lần này sao Phương Nhược cô cô lại đưa vải tới thế?

Bình thường khi Phương Nhược tới thăm tôi chỉ đưa tới một ít đồ điểm tâm hoặc đồ dùng thường ngày, chưa từng đưa vải tới, mà tôi cũng chỉ mang theo mấy bộ đồ cũ bên người, đều là đồ của tôi từ trước khi vào cung, quãng thời gian gần đây chưa từng mặc lại lần nào. Tôi tu hành trong chùa, để tránh bị chú ý nên tuy còn để tóc nhưng cũng giống như các ni cô bình thường, chỉ mặc loại áo nhà chùa màu xám.
Tôi đang tập trung tinh thần vào việc may vá, tiện miệng đáp:
Là vải Lục Vương gia đưa tới để ta may quần áo cho Lung Nguyệt.

Hoán Bích lộ rõ vẻ vừa ngạc nhiên vừa vui mừng.
Vương gia đã về rồi sao? Về lúc nào vậy?


Ba ngày trước.
Tôi đáp:
Chắc là về rất vội, trông dáng vẻ bụi bặm phong trần lắm.

Hoán Bích chăm chú nhìn cuộn tranh mà tôi đã mở sẵn bên cạnh, giọng nói thấp thoáng nét mừng vui:
Đứa bé này là Lung Nguyệt Công chúa của chúng ta sao?

Cận Tịch cũng vui vẻ nói:
Đúng thế, trông đáng yêu quá chừng, đôi mắt này giống hệt mắt nương tử.

Ánh mắt tôi cũng bị thu hút qua đó, lại chăm chú nhìn một hồi lâu.
Kính Phi trông đẫy đà hơn một chút, chắc thời gian vừa qua sống rất thoải mái, đáng tiếc My Trang lại gầy đi!

Cận Tịch ghé đến bên cạnh, nói:
Cũng không rõ ràng lắm, kỳ thực từ sau khi bị cấm túc, Thẩm Tiệp dư chưa bao giờ hoàn toàn khỏe mạnh trở lại, cũng thực khổ cho cô ấy.

Hoán Bích khẽ nói:
Những nhân vật trong bức họa này sống động như thật, trình độ của người vẽ quả không tầm thường.

Tôi đưa mắt liếc qua, mỉm cười, nói:
Vương gia vốn nổi tiếng tài năng, trước đây, ta chỉ cho rằng y thi thư thông thuộc, cưỡi ngựa rất giỏi, không ngờ ngay đến việc vẽ tranh cũng là sở trường của y.

Hoán Bích thoáng ngạc nhiên, ngay sau đó đã lại mỉm cười bình thản.
Vương gia quả là có lòng.
Sau đó, nàng ta không nói gì thêm, xoay người ra ngoài lấy nước.
Trong chiếc bình sứ trên bàn có cắm một bó hoa lau, tôi hái chúng bên bờ sông lúc quay về, không có mùi hương cũng không có màu sắc đẹp đẽ, chỉ nằm lặng lẽ trong bình, thoáng nhìn qua đã thấy yên bình, thoải mái.
Cứ thế, mỗi đêm tôi đều thắp đèn may quần áo, rốt cuộc hai ngày trước sinh nhật của Lung Nguyệt, tôi đã may xong tất thảy mọi thứ. Mỗi món đồ tôi đều may theo kích thước mà Huyền Thanh đưa, gồm hai chiếc áo yếm may bằng vải gấm màu đỏ, lần lượt thêu hình bướm vờn hoa mẫu đơn và rồng phượng ngũ sắc; một chiếc váy dài màu xanh biếc may bằng gấm đoạn; một bộ quần áo bông thêu hoa mặc trong mùa đông; một bộ đồ mặc mùa thu may bằng vải gấm in hoa; còn một bộ xiêm y may bằng gấm Thục kẻ ô để Lung Nguyệt mặc dịp thôi nôi, dù rằng nó chưa chắc đã mặc; ngoài ra còn có mấy đôi tất và khăn quàng cổ may bằng vải đoạn màu tím.
Tôi cầm từng thứ lên ngắm nghía kĩ càng, xem có chỗ nào bị lỗi không, chỉ sợ có sợi chỉ thừa nào đó làm tổn thương đến làn da non nớt của Lung Nguyệt.
Sau khi tôi may xong, cả Hoán Bích và Cận Tịch đều hết sức mừng rỡ. Hoán Bích lo lắng nói:
Mấy món đồ này đều rất đẹp nhưng tiểu thư phải làm thế nào mới đưa được chúng vào cung đây? Thực là đau đầu!

Tôi nhìn mấy bộ quần áo đó không rời mắt, tươi cười đáp:
Ngày mai Vương gia sẽ đến đây lấy.

Hoán Bích buột miệng hỏi:
Tiểu thư một mình đi gặp Vương gia sao?
, suy nghĩ một chút, lại nói tiếp:
Bên cạnh Vương gia có một người hầu tùy thân tên A Tấn, nô tỳ từng quen biết từ hồi ở trong cung, đã lâu lắm không gặp rồi, chẳng rõ bây giờ y có khỏe không nữa.

Tôi mỉm cười chỉnh sửa lại rồi cẩn thận bỏ tất cả những thứ quần áo, khăn tất ấy vào trong bọc, nói:
Ta không biết người đó, có điều nếu muội muốn đi, ngày mai cứ đi cùng ta cũng được.

Hoán Bích tươi cười, nói:
Tiểu thư đã nói như vậy, nô tỳ tất nhiên phải đi chứ!
, sau đó lại cất giọng xót xa:
Hôm nay tiểu thư phải ngủ sớm đấy, mấy ngày vừa qua tiểu thư dốc lòng may quần áo cho Công chúa đã chẳng được ngủ ngon, đôi mắt thâm quầng rồi kìa, thân thể chắc cũng rất mệt, hôm nay nhớ ngủ sớm một chút nhé!

Tôi ngáp dài một cái, cười nói:
Muội nói đúng lắm, có điều vì Lung Nguyệt, dù phải chịu khổ thế nào ta cũng cam lòng.

Buổi trưa hôm sau, tôi tìm dịp rảnh rỗi tới bên bờ sông như ước hẹn. Khi tôi tới nơi thì Huyền Thanh đã ở đó rồi, lần này đi theo y quả nhiên có một người hầu, tuổi chỉ khoảng trên dưới hai mươi, vừa nhìn đã biết là người mẫn cán, tính cách cũng đôn hậu.
Hoán Bích nhìn thấy y từ xa liền vẫy tay gọi:
A Tấn!

A Tấn nhìn thấy Hoán Bích cũng lộ rõ vẻ vui mừng, cười nói:
Lâu lắm không gặp Hoán Bích cô nương rồi, cứ ngỡ sống trong chùa Cam Lộ phải ăn uống kham khổ, không ngờ cô nương càng ngày càng xinh đẹp.

Hoán Bích khẽ phỉ phui một tiếng, đưa tay làm bộ định đánh y.
Càng ngày càng lẻo mép hơn rồi, đúng là đáng ghét!

Huyền Thanh thấy bọn họ cười đùa với nhau, liền nói với tôi:
Đây là A Tấn, tùy tùng theo ta từ nhỏ.

A Tấn nhìn thấy tôi, vội khom người thỉnh an:
Trước đây ở trong cung chưa được thỉnh an nương tử lần nào, nay xin bổ sung cả thể
, rồi lại cười, nói tiếp:
Trước đây, nô tài thường nghe Vương gia khen nương tử đẹp thế nào, tốt thế nào, cứ ngỡ là ngài nói quá, nay được gặp mới biết tuy Vương gia mồm miệng lợi hại nhưng so với nương tử thật sự ở bên ngoài, lời kể rốt cuộc vẫn có chỗ không bằng, thực chẳng rõ là vì nguyên nhân gì.

Hoán Bích đứng bên cạnh nghe thấy thế thì cười không khép được miệng, lát sau mới nói:
Tiểu thư đừng nghe lời y. A Tấn ỷ được Vương gia sủng ái, mồm mép láu lỉnh lắm!

A Tấn đưa tay chống nạnh, ngẩng đầu nói:
Nghe Hoán Bích cô nương nói kìa, vừa rồi nô tài có nói sai sao? Ở đâu lại có thị tỳ nói chủ nhân của mình không tốt nhỉ, đúng là chưa từng nghe nói bao giờ.

Hoán Bích vừa nôn nóng vừa tức giận, hậm hực giậm chân. Huyền Thanh vừa cười vừa cốc đầu A Tấn một cái thật mạnh.
Càng ngày càng thích nói linh tinh.

Tôi tươi cười rạng rỡ đưa bọc quần áo cho Huyền Thanh, nói một tiếng
cám ơn
, rồi lại quay sang nói với A Tấn:
Hoán Bích vì đoán ngươi sẽ tới nên mới xin ta cho theo tới đây, chẳng ngờ vừa mới gặp mặt, ngươi đã chọc cho muội ấy tức giận.

A Tấn vội vàng nhận lỗi:
Nô tài không hề biết việc này, như vậy xem ra lần này là nô tài không đúng rồi
, sau đó lại quay sang kéo mép áo Hoán Bích, nói:
Là ta không hiểu chuyện, hảo tỷ tỷ xin hãy tha cho ta lần này đi.

Hoán Bích gạt mạnh tay y ra, thẹn đỏ mặt nói:
Vương gia cũng đang ở đây mà, sao không dạy dỗ A Tấn một chút, để y càng ngày càng càn quấy
, rồi lại nói:
Chỗ quần áo này tiểu thư phải tốn rất nhiều công sức mới làm xong, phiền Vương gia đưa vào cung giúp.

Huyền Thanh khẽ nở nụ cười mỉm.
Tất nhiên không vấn đề gì.

Tôi lại lấy từ trong bọc đồ ra một quả cầu vải màu đỏ, bên dưới treo hai chiếc chuông bạc, liên tục phát ra những tiếng đinh đang, tươi cười nói:
Thứ này là dành cho Ngự Phong, Vương gia đeo vào cho nó đi.

Huyền Thanh cố ý cau mày, nói:
Qua việc này có thể thấy trong lòng nương tử, Thanh còn không so được với Ngự Phong. Nương tử có quà cho Ngự Phong nhưng lại chẳng có gì cho ta cả.

Tôi mím môi cười, nói:
Lần trước không phải Vương gia đã nói rồi sao? Ngự Phong đã học được hết điểm xấu của Vương gia rồi, như vậy ta tặng quà cho Ngự Phong cũng giống như tặng quà cho Vương gia vậy.

Nói cười được một lát, A Tấn chợt cất tiếng:
Chúng ta còn phải đi thăm lão Thái phi nữa đấy!

Sau đó, chúng tôi nhanh chóng từ biệt nhau.
Về đến phòng, Phương Nhược sớm đã chờ tôi ở đó, thấy tôi quay về liền vội mỉm cười, đứng dậy.
Nương tử về rồi. Vì bận chuẩn bị lễ thôi nôi cho Công chúa, ta mới đến muộn mất hai ngày.

Tôi khẽ nói:
Không sao, mời cô cô ngồi.

Phương Nhược y lời ngồi xuống, ngắm nhìn tôi một lát, cười nói:
Hôm nay trông nương tử khí sắc tốt quá, vừa rồi đã đi dạo ở đâu sao?

Hoán Bích rót trà đưa tới, đáp thay:
Tiểu thư thấy hôm nay thời tiết khá tốt, liền ra ngoài đi dạo loanh quanh một chút thôi.

Thế rồi Phương Nhược liền chọn mấy việc liên quan tới lễ thôi nôi của Lung Nguyệt mà kể lại, chẳng hạn như phủ Nội vụ chuẩn bị thế nào, buổi lễ sẽ cử hành ra sao, các phi tần định tặng lễ vật gì.
Lễ vật của các nương nương tiểu chủ khác thì không có gì, chỉ toàn là gậy như ý, khóa vàng hoặc là nguyên bảo. Duy có Từ Tài nhân là đặc biệt nhất, chuẩn bị hẳn một bức tượng Quan Âm làm bằng bạch ngọc, đúng là rất có lòng.
Dừng một chút, bà ta lại nói tiếp:
Nương tử tu hành trong chùa Cam Lộ, tất nhiên không thể ở bên chăm sóc Công chúa, Từ Tài nhân tặng một bức tượng Quan Âm bạch ngọc như vậy, thứ nhất là thể hiện rằng lòng yêu con gái của nương tử tựa như sự từ bi phổ độ chúng sinh của Quan Âm, chưa từng ngừng nghỉ bao giờ, trong đó tất nhiên cũng có ý nói tới Kính Phi nương nương; thứ hai còn là để cầu phúc cho Công chúa. Bức tượng Quan Âm bạch ngọc ấy khá quý giá, Từ Tài nhân gia cảnh bình thường, hẳn đã phải hao phí không ít tâm sức.

Tôi thấy Phương Nhược chỉ nói tới một mình Từ Tài nhân, hiểu rằng nàng ta rất yêu quý Lung Nguyệt, không kìm được hỏi:
Từ Tài nhân là ai?

Phương Nhược mỉm cười, đáp:
Từ Tài nhân họ Từ, khuê danh Yến Nghi, vào cung trong đợt tuyển tú dịp này năm ngoái. Ban đầu cô ấy được phong làm thái nữ, bây giờ đã là tài nhân rồi.

Tôi thoáng trầm ngâm.
Từ Tài nhân rất đắc sủng sao?

Phương Nhược lắc đầu, đáp:
Ban đầu thì còn tốt nhưng bây giờ không đắc sủng lắm, cũng có thể nói là trầm lặng, không ai biết tới. Hiện giờ nổi bật nhất trong cung vẫn là An Dung hoa và Quản Thuận nghi… cũng chính là An Phương nghi và Kỳ Tần khi trước, ngoài ra chỉ có Khánh Quý nhân, Xương Tần và Dương Lương đệ là đang đắc sủng, ba người này cũng đều mới vào cung. Đặc biệt nhất phải kể đến Xương Tần Hồ thị, vị Xương Tần này không vào cung với thân phận tú nữ, mà được Hoàng thượng đích thân nhìn trúng trong bữa tiệc cung đình. Thân mẫu cô ta là con gái nhỏ của Vũ Dương Công chúa – em gái của Thái tông, cũng chính là Tấn Khang Quận chúa bây giờ. Tuy là nhà chồng của Tấn Khang Quận chúa đã suy bại nhưng tính ra vẫn là thân thích của hoàng gia. Hơn nữa, Xương Tần thực sự rất xinh đẹp, khi mới vào cung còn được Thái hậu đặc biệt triệu kiến.

Tôi nắm chặt bàn tay, cười lạnh một tiếng:
Chúc mừng An Dung hoa và Quản Thuận nghi, lại được tấn phong rồi.

Phương Nhược hờ hững nói:
Quả là như vậy, chỉ trong một năm mà An Dung hoa liên tục được tấn phong, đúng là phong quang vô hạn.
Dừng một chút, bà ta lại nói tiếp rành rọt từng từ:
Huống chi bây giờ, Xương Tần đã có thai rồi.

Tôi bất giác cả kinh, hơi nheo mắt.
Xương Tần có thai rồi?
Ngay sau đó lập tức ý thức được rằng mình thất thố, tôi dần bình tĩnh trở lại, thử thăm dò:
Xương Tần có thân phận cao quý, hết sức bất phàm, có thai tất nhiên là việc tốt, sau này nếu sinh được công chúa hay hoàng tử, nhất định sẽ càng hiển hách.

Phương Nhược ngẩn ra, ngay sau đó đã hiểu được ý của tôi, bèn chậm rãi nói:
Nương tử yên tâm, Lung Nguyệt Công chúa tự khắc có người bảo bọc. Còn về cái thai của Xương Tần tiểu chủ, Hoàng thượng tất nhiên sẽ chú ý tới, không chỉ như vậy, tất cả mọi người trong cung cũng đều để tâm tới việc này, ngay cả mẹ ruột của Xương Tần tiểu chủ là Tấn Khang Quận chúa cũng thường xuyên vào cung chăm nom đấy!

Tôi chậm rãi nhắm mắt lại, cất giọng đầy ý vị sâu xa:
Đã được xem trọng như vậy, cái thai của Xương Tần nhất định sẽ không gặp vấn đề gì.

Phương Nhược ngẩng đầu nhìn trời, cười hờ hững, nói:
Điều này thì ai mà biết được. Chỉ bởi vì Xương Tần có thai, Hoàng thượng đã ba, bốn ngày liền không đi thăm Công chúa rồi, có điều, trong buổi lễ thôi nôi của Công chúa, Hoàng thượng nhất định sẽ tới.


Đây là việc nằm trong ý liệu, có điều, đợi sau khi đứa bé của Xương Tần ra đời, Lung Nguyệt sẽ bị ghẻ lạnh.
Tôi buồn bã thở dài.
Đứa con gái không có mẹ ruột ở bên, lúc nào cũng phải chịu thiệt thòi.

Phương Nhược tỏ ý không tán đồng, nói:
Ôn Nghi Công chúa được Đoan Phi nương nương nuôi nấng, Thục Hòa Công chúa có mẹ ruột là Hân Quý tần, vậy mà sự đãi ngộ của Thục Hòa Công chúa lại có phần kém Ôn Nghi Công chúa, và cả hai vị Công chúa đều không được Hoàng thượng yêu quý bằng Lung Nguyệt Công chúa.


Có điều…
Đôi hàng lông mày của tôi dần cau lại.
Mẹ ruột của Lung Nguyệt là người bị Hoàng đế căm ghét. Do đó, thứ duy nhất mà Lung Nguyệt có thể dựa vào trong cung chính là sự yêu thương của phụ hoàng nó, chỉ khi nào sự yêu thương ấy không giảm bớt, nó mới có thể sống yên ổn trong cung.

Kỳ thực, ở trong cung, các phi tần tranh đoạt sự sủng ái của Hoàng đế là để bảo vệ bản thân mình, các con cái của hoàng đế cũng có khác gì đâu. Hoàng tử thì còn có thể dựa vào sự phấn đấu của bản thân để vươn lên, nhưng còn công chúa, tiền đồ và tao ngộ cả đời đều phải trông chờ vào sự thương yêu của phụ hoàng.
Tôi đưa tay chống cằm, trầm tư suy nghĩ, mấy bông cúc vàng tươi cắm trong phòng tỏa mùi hương hơi hăng tựa như mùi thuốc, khiến đầu óc người ta tỉnh táo hơn. Tôi chậm rãi mở mắt ra, nở một nụ cười cực kì điềm đạm, nói:
Di vật của Thuần Nguyên Hoàng hậu, bây giờ đang do ai bảo quản?

Phương Nhược vạch từng ngón tay ra, vừa suy nghĩ vừa nói:
Những thứ quần áo hoặc đồ trang sức mà Thuần Nguyên Hoàng hậu yêu quý nhất đều ở chỗ Hoàng thượng, còn lại thì là do Hoàng hậu bảo quản, chỗ Thái hậu cũng có một ít.


Vậy khi còn tại thế, Thuần Nguyên Hoàng hậu có thích thứ đồ trang sức nào kiểu như vòng đeo cổ không?

Phương Nhược tập trung suy nghĩ một lát rồi mới đáp:
Có. Nô tỳ nhớ Thuần Nguyên Hoàng hậu có một chiếc vòng ngọc phù dung được điêu khắc thành từ ngọc Dương Chi, ở chính giữa là một bông phù dung trắng tinh thuần khiết, hai bên phải trái đều là những cành lá nối liền với nhau, do chín miếng ngọc xanh điêu khắc thành. Lúc sinh tiền, Thuần Nguyên Hoàng hậu hết sức yêu thích chiếc vòng này, hình như nó là do Hoàng thượng chính tay ban tặng trong ngày đại hôn.


Vậy, nếu muốn điêu khắc một chiếc vòng tương tự như thế, đại khái cần khoảng bao lâu?

Phương Nhược suy nghĩ một chút rồi nói:
Ngọc Dương Chi thuần khiết vốn đã khó tìm, dù có tìm được, muốn chế thành ít ra cũng cần nửa tháng mới xong.

Tôi bẻ lấy một bông cúc, chậm rãi ngắt từng cánh hoa, đôi chút dịch thể màu vàng nhạt dính vào lòng bàn tay tôi, tỏa ra mùi thơm thoang thoảng.
Nếu chỉ dùng loại ngọc trắng bình thường để điêu khắc một bông hải đường bốn cánh tương tự phù dung, cành lá thì dùng ngọc phỉ thúy thứ phẩm, liệu cần thời gian bao lâu? Ta chỉ cần hao hao giống, không yêu cầu giống hoàn toàn.


Cho dù dùng vật liệu bình thường, lại điêu khắc theo lối đơn giản nhất, cũng cần ba, bốn ngày mới có thể hoàn thành được.

Tôi đứng dậy, mở hộp châu ngọc phủ đầy bụi, lấy từ bên trong ra những món đồ trang sức mà mình đã lâu không dùng tới, giao hết vào tay Phương Nhược, khẩn khoản nói:
Lung Nguyệt là đứa con gái duy nhất của ta, bây giờ nó sắp tròn một tuổi, ta là người làm mẹ, chỉ biết làm hết những điều có thể thôi. Xin cô cô hãy giúp ta cầm mấy thứ này tới phủ Nội vụ nhờ những người thợ ở đó làm nhanh giúp ta một chiếc vòng cổ như ta vừa nói, để Lung Nguyệt có thể đeo trong dịp thôi nôi, đây cũng coi như một chút tâm ý của người làm mẹ này.

Phương Nhược nhìn tôi bằng ánh mắt thấu hiểu, hồi lâu sau liền buông tiếng thở dài, giữ tay tôi lại.
Nương tử ở bên ngoài, đồ đạc cũng chẳng còn lại bao nhiêu, mời thợ không cần tiêu tốn nhiều như vậy.
Bà ta tiện tay cầm lấy một chiếc vòng ngọc phỉ thúy, nói:
Chỉ cái này cũng đủ rồi. Nương tử yên tâm, nô tỳ sẽ cố hết sức.

Tôi dặn dò thêm:
Ta vì mặc nhầm quần áo cũ của Thuần Nguyên Hoàng hậu mà mang tội, hy vọng Lung Nguyệt đừng giẫm lên vết xe đổ của ta.

Phương Nhược vỗ nhẹ lên bàn tay tôi tỏ ý an ủi, nói:
Nương tử yên tâm, nô tỳ hiểu mà!

Tôi đứng tựa người vào cánh cửa, dùng ánh mắt tiễn Phương Nhược quay về. Thấy bóng dáng bà ta dần biến mất giữa ánh hoàng hôn mờ mịt, sự lưu luyến trong lòng tôi bất giác càng nồng đậm hơn.
Khi Phương Nhược tới đây lần nữa thì đã là một tháng sau. Theo lệ thường, bà ta nhận lấy chỗ kinh Phật mà tôi vừa chép xong, cười tủm tỉm, nói:
Nghe Thái hậu nói chữ của nương tử đã đẹp hơn nhiều rồi, chỉ là thiếu một chút sức sống, có lẽ vì đọc nhiều kinh Phật quá, tính tình nương tử trở nên quá mức điềm đạm.

Tôi nói:
Bản lĩnh nhìn chữ đoán người của Thái hậu quả là phi phàm.

Phương Nhược mỉm cười, nói:
Xương Tần có thai được ba tháng rồi, cái bụng cũng đã hơi nhô lên.

Tôi hờ hững
ừm
một tiếng, chậm rãi lần tràng hạt trong tay, tỏ ra chẳng mấy để tâm tới việc này.
Ai mà chưa từng có thai, việc này thì liên quan gì tới ta chứ?

Phương Nhược nói:
Việc này quả thực không liên quan gì tới nương tử, chỉ là cứ ngỡ cái thai của Xương Tần sẽ chia sẻ bớt sự quan tâm của Hoàng thượng tới mấy vị công chúa và hoàng tử, nhưng bây giờ người khác thế nào chúng ta tạm chưa nói tới, còn Lung Nguyệt Công chúa thì đắc sủng vô cùng, không ai có thể so sánh được.

Tôi mỉm cười, lật mở trang kế tiếp của cuốn Lăng Nghiêm kinh, khẽ nói:
Thực đã làm phiền Phương Nhược cô cô rồi!


Nô tỳ chẳng qua chỉ làm theo sự dặn dò của nương tử mà thôi. Sau việc lần này, ngay đến Kính Phi nương nương cũng thán phục không thôi.
Phương Nhược chậm rãi kể lại:
Ngày mùng Sáu tháng Mười là ngày sinh của Công chúa, lễ thôi nôi được tổ chức ở Trọng Hoa điện, khách chủ đều vui cả. Công chúa mặc một chiếc áo kẻ ô may bằng gấm Thục, đáng yêu vô cùng, được Kính Phi nương nương bế ngồi phía bên trái Hoàng thượng. Khi Hoàng thượng bế Công chúa thì nhìn thấy chiếc vòng ngọc mà Công chúa đeo trên cổ. Việc này vốn khá mạo hiểm, ban đầu Kính Phi nương nương đã do dự suốt một hồi lâu, sợ Công chúa giẫm vào vết xe đổ của nương tử thì mang họa. Nô tỳ đã phải khuyên nhủ hết lòng, lại kể ra mưu trí của nương tử ngày trước, Kính Phi nương nương mới chịu nghe theo. Lúc Hoàng thượng nhìn về phía chiếc vòng ngọc kia, chắc Kính Phi nương nương đã hồi hộp vô cùng. Ai ngờ Hoàng thượng chỉ ngẩn ngơ nhìn một lát, nói là rất quen mắt nhưng không hề tức giận, chỉ hỏi Kính Phi nương nương chiếc vòng này là ở đâu ra. Kính Phi liền trả lời rằng hai ngày trước, khi chuẩn bị đồ trang sức cho Công chúa, phát hiện Công chúa còn chưa có vòng đeo cổ mới vội vã bảo phủ Nội vụ làm một chiếc. Nương tử biết đấy, khi Kính Phi nương nương vào cung thì Thuần Nguyên Hoàng hậu đã qua đời, Kính Phi nương nương tất nhiên chưa từng nhìn thấy di vật của Thuần Nguyên Hoàng hậu, mà chiếc vòng ấy chế tác cũng đơn giản, nhìn xa thì mới thấy hơi giống chiếc của Thuần Nguyên Hoàng hậu, còn nhìn gần thì khác hẳn. Hoàng thượng tất nhiên không nghi ngờ gì Kính Phi nương nương, chỉ cho rằng là trùng hợp mà thôi. Sau đó người liền sai Lý Trường đi lấy chiếc vòng kia của Thuần Nguyên Hoàng hậu tới, ban tặng cho Công chúa, còn đích thân giúp Công chúa đeo lên cổ. Mãi tới lúc ấy nô tỳ mới dám thở phào một hơi.

Những hạt châu tròn lẳn chậm rãi lướt đi trên đầu ngón tay tôi, tuần hoàn liên tục. Tôi nhắm hai mắt lại, ngửi mùi đàn hương trong phòng, khẽ nói:
Công chúa còn nhỏ tuổi, vẫn chưa biết gì, cho dù là một thứ đồ giống hệt, Hoàng thượng cũng sẽ không cho rằng Công chúa cố ý mạo phạm. Làm một vật có phần tương tự như thế, thứ nhất là để Kính Phi không bị liên lụy, thứ hai là biến việc hữu ý thành vô tâm, khiến Hoàng thượng càng dễ dàng tin tưởng hơn, ngay đến Hoàng hậu cũng không nghi ngờ gì.


Sau việc này, ngay đến Kinh Phi nương nương cũng nói, có được chiếc vòng ngọc phù dung này của Thuần Nguyên Hoàng hậu, Công chúa giống như có thêm bùa hộ mệnh vậy.

Tôi hỏi:
Vậy ở trước mặt Hoàng thượng, Kính Phi nương nương xưng hô với Công chúa thế nào?

Phương Nhược hơi cúi thấp đầu, thấp giọng đáp:
Ở chỗ có người thì gọi là Lung Nguyệt, còn khi ở riêng với Hoàng thượng thì gọi khuê danh Oản Oản của Công chúa.

Tôi gật đầu, mỉm cười.
Kính Phi là người thông minh, hiểu rất rõ cách tự bảo vệ mình. Giao Công chúa cho nàng ấy nuôi dưỡng, ta rất yên tâm. Phiền cô cô khi quay về hãy dặn Kính Phi một câu, chiếc vòng ngọc phù dung ấy nên cất vào một chỗ, nếu để Công chúa thường xuyên đeo trên người, có thể sẽ gặp phải những rắc rối không cần thiết.


Nô tỳ hiểu
Phương Nhược nở nụ cười hiền dịu.
Nương tử từ chỗ mình sẩy chân học được cách biến thua thành thắng, giúp Công chúa thu được rất nhiều lợi ích. Qua việc này có thể thấy tâm trí nương tử không hề vì đắm chìm trong Phật pháp mà trở nên trì trệ, đầu óc ngược lại còn có vẻ chu toàn hơn.

Tôi hờ hững nói:
Cô cô nói đùa rồi, ta chỉ là một kẻ thua trận, còn dám nói gì tới mưu trí nữa. Chẳng qua là ngã một keo, leo một nấc, ta có thể giúp được con gái mình chỗ nào thì cố gắng giúp chỗ đó mà thôi!

Phương Nhược khoan khoái nói:
Qua chiếc vòng ngọc phù dung này, đủ thấy địa vị của Công chúa trong lòng Hoàng thượng, dù sau này Xương Tần có mẹ tròn con vuông, đứa bé sắp ra đời kia cũng khó mà uy hiếp tới Công chúa được.

Trong lòng tôi cũng trào dâng một tia mừng rỡ, mỉm cười khẽ than:
Nuôi con tới trăm tuổi thì có đến chín mươi chín năm lo lắng, làm gì có lúc nào thật sự yên tâm. Dù sau này Lung Nguyệt được gả chồng, ta cũng sẽ lo lắng không biết phò mã liệu có thật lòng thật dạ với nó không.
Thoáng suy nghĩ một chút, tôi lại hỏi Phương Nhược:
Có một việc ta luôn muốn hỏi cô cô. Đoan Phi là con gái của danh tướng Tề Bất Trì, vừa vào cung đã thành quý tần; Hoa Phi có chỗ dựa là Nhữ Nam Vương, mới tiến cung đã được phong làm Hoa Tần; Hoàng hậu năm xưa càng chẳng cần phải nói, là biểu tỷ của Hoàng thượng, cháu gái của Thái hậu, mới vào cung đã được tôn làm Nhàn Phi. Nhưng Xương Tần là con gái của Tấn Khang Quận chúa, có quan hệ thân thích với hoàng gia, tại sao khi vào cung lại chỉ có danh phận quý nhân, bây giờ có thai rồi cũng chỉ được phong làm tần?

Phương Nhược thoáng suy nghĩ rồi trầm ngâm đáp:
Khi Hoàng thượng vừa mới đăng cơ, cả hậu cung và triều đình đều chưa ổn định, do đó cần phải lập mấy vị phi tử có địa vị thật cao. Bây giờ hậu cung về cơ bản đã đi vào quy củ, dù Xương Tần có đắc sủng đến mấy thì cũng phải tiến dần từng bước từ thấp đến cao. Vì việc này, khi tới thỉnh an Thái hậu, Tấn Khang Quận chúa đã từng không ít lần than vãn. Thế nhưng Tấn Khang Quận chúa cũng thật quá hồ đồ.
Phương Nhược lắc đầu, nói:
Bây giờ hậu cung là do Hoàng hậu chủ trì đại cuộc, thân thể Thái hậu không khỏe lắm, đâu còn có thể một lời chín đỉnh như năm xưa được.


Vậy quan hệ của Xương Tần với các phi tần ở hậu cung thế nào? Có đặc biệt thân thiết với ai không?


Dạ không.
Phương Nhược không chút nghĩ ngợi đáp ngay.
Xương Tần thân phận tôn quý, xưa nay luôn tự thị rất cao, không mấy khi qua lại với người khác, luôn độc lai độc vãng. Ngoài Hoàng hậu, Đoan Phi và Kính Phi ra, những người khác, cô ta đều không để ý tới.

Tôi đưa tay khẽ vuốt chiếc cằm ngày một gầy guộc của mình, trầm giọng hỏi:
Vậy với An Lăng Dung thì sao?

Phương Nhược chẳng buồn nhướng mày lên, nói:
Xương Tần mắt cao quá trán, sao thèm để ý đến An Dung hoa. An Dung hoa tuy có tước vị cao hơn Xương Tần nhưng cư xử với Xương Tần lại vô cùng cung kính, không dám ra vẻ kẻ cả chút nào.

Tôi cười lạnh, nói:
An Lăng Dung vốn chẳng có căn cơ gì trong hậu cung, trước mặt Xương Tần tất nhiên phải nhún mình rồi. Có điều, chỉ cần Xương Tần và An Lăng Dung không chung một giuộc, ta cũng không có gì phải lo lắng nữa.

Phương Nhược nghe thấy vậy thì trầm ngâm một lát, sau đó liền đứng dậy cáo từ:
Nương tử đã không có gì để lo lắng, như vậy nô tỳ cũng yên tâm hơn rồi.

Giữa vùng núi vắng mênh mang, mùa đông thường tới rất sớm. Như lệ thường, mùa đông năm nay lại tới giữa những chiếc lá cây rơi lả tả. Huyền Thanh cứ cố định mỗi tháng đến thăm tôi một, hai lần, để tránh bị nghi ngờ, cũng để tránh cho tôi khỏi gặp khó khăn với những lời đồn thổi, y thường xuyên đợi tôi bên bờ sông dưới chân núi khi tôi ra ngoài giặt giũ hoặc đi cắt cỏ.
Ban đầu, thường là y bảo A Tấn đi nói với Hoán Bích thời gian y tới, sau đó đợi tôi ra ngoài gặp y. Dần dần, có lẽ là do hiểu nhau, tôi thường xuyên cảm giác được khi nào thì y sẽ tới, thế là bèn ra ngoài, những lúc đó, y đều chờ tôi sẵn bên bờ sông rồi.
Thỉnh thoảng tôi hỏi tới việc này, y chỉ cười, đáp:
Ta thường xuyên rảnh rỗi không có việc gì làm, bèn đi lại loanh quanh bên bờ sông, đi lại nhiều rồi, tất nhiên biết được khi nào thì nương tử sẽ đi qua đây.
Nụ cười của y điềm đạm như làn gió, cắt ngang qua mặt sông, làm mặ nước nhẹ nhàng lay động.
Cũng có thể nói, ta thật sự thích chờ ở đây, nếu chờ được người mà mình muốn gặp thì thật sự là một niềm vui lớn vô cùng, còn có thể cảm thán sự diệu kỳ của duyên phận nữa.

Tôi khẽ cười trước gió.
Nói thực lòng, trong chuyện tình cảm nam nữ, ta không hề tin vào duyên phận. Xưa nay ta luôn nghĩ chỉ những người yếu đuối, không chịu cố gắng tranh thủ mới dùng hai chữ duyên phận để làm cái cớ, khi nào thân mật thì nói là duyện phận sâu dày, còn khi muốn kết thúc mối tình thì nói là duyên phận đã hết.

Huyền Thanh cười tủm tỉm, nói:
Nương tử cứ luôn khiến người ta phải sáng mắt lên như thế đấy, từng lời nói đều ẩn chứa chân lý sâu xa.


Vương gia quá khen rồi!
Tôi nhìn về phía con thuyền đang dập dềnh trên sóng nước đằng xa, khẽ nói:
Có lẽ tới ngày nào thật sự không còn đường để đi nữa, ta mới chịu nói rằng, duyên phận đã hết rồi.

Huyền Thanh chậm rãi nói, khuôn mặt đầy vẻ ung dung, điềm đạm:
Nếu là trước đây, khi nương tử còn đắc ý, nương tử nói ra những lời này Thanh sẽ không hề cảm thấy lạ. Nhưng bây giờ nương tử đã theo Phật Tổ tu hành, chẳng lẽ vẫn chưa tin vào duyên phận sao?


Phải.
Tôi hơi chỉnh lại vạt áo, nơi nội tâm trong veo và bình lặng.
Dù đã vào nơi cửa Phật, ta vẫn kiên trì với lòng tin của mình. Huống chi Phật Pháp tinh thông, ta cũng chưa từng hiểu được hết, chỉ mong Phật Pháp có thể làm lòng người yên ổn mà thôi. Còn về cái thuyết duyên phận, ta cảm thấy việc là ở người, sum vầy hay ly tán đều như thế cả, không cần thiết phải lấy hai chữ duyên phận ra làm cái cớ.

Huyền Thanh vỗ tay cười, nói:
Thanh cứ ngỡ tính tình của nương tử đã hoàn toàn bị kinh Phật làm mềm đi, không ngờ vẫn còn một mặt thế này. Những lời vừa rồi của nương tử thực chẳng có vẻ gì của một người xuất gia.

Hai bờ má thoáng ửng hồng, tôi rất nhanh đã cười, nói:
Tuy gần đây thường xuyên tiếp xúc nhưng dù sao ta cũng mới nghiên cứu kinh Phật được hơn một năm thôi, những chỗ bác đại tinh thâm còn chưa thể lĩnh ngộ, đã khiến Vương gia chê cười rồi.

Chúng tôi cứ thỉnh thoảng trò chuyện vài câu như vậy, y không hề nhắc tới nhi nữ tư tình, khiến một chút tâm tư thấp thỏm của tôi dần tan biến.
Ngoài dịp cứ hai tháng một lần đưa tranh của Lung Nguyệt tới, phần lớn thời gian gặp gỡ, tôi và y đều trò chuyện với nhau về Phật pháp hay thi từ, thỉnh thoảng không có gì để nói thì chỉ ngồi cùng nhau ngắm cảnh. Cũng có lúc y tìm được cuốn sách hay nào đó, liền đem tặng cho tôi. Nếu khi nào không tiện gặp mặt, y sẽ bảo A Tấn nhân lúc Hoán Bích ra ngoài mà nhờ giao lại cho tôi. Cuộc sống trong chùa Cam Lộ vẫn luôn khô khan và cô độc, chỉ có những cuốn kinh văn và công việc hằng ngày, thỉnh thoảng trò chuyện với y là dịp mà tôi vui vẻ nhất, qua đó mà còn nhớ được một số bài thơ, bài từ thuở xưa, đây có lẽ là chút lạc thú duy nhất của tôi trong quãng đời tẻ nhạt còn lại.
Những ngày tháng ở chùa Cam Lộ, tâm trạng tôi luôn tràn ngập sự tuyệt vọng và oán hận nặng nề, vô số chuyện cũ hoặc tươi đẹp hoặc u ám không ngừng xuất hiện trước mắt tôi. Tôi vẫn luôn cố gắng quên chúng đi, nhưng mỗi lần màn đêm buông xuống, những ngọn gió bên ngoài cửa sổ đều như than như khóc, kết hợp với những dòng ký ức ùa về, đè nặng lên trái tim tôi, hủy hoại tôi một cách tàn nhẫn mà dữ dội.
Thế nhưng mỗi lần tới trước mặt y, tôi lại luôn giữ được tâm trạng bình lặng, bình lặng tựa mặt nước hồ thu lấp lánh những ánh dương ấm áp.
Hoán Bích thường không yên tâm để tôi và Huyền Thanh ở riêng với nhau, sợ lại xuất hiện những lời đồn thổi như lần trước, thế là lần nào cũng đòi đi theo, nhưng thấy tôi và y chỉ tán gẫu bình thường, liền đứng ra phía xa, trò chuyện với A Tấn đôi câu.
Cứ thế, chúng tôi lẳng lặng qua lại với nhau, hết sức thanh bạch.
Mãi đến rất nhiều ngày sau, đã khá lâu rồi không thấy y tới, khi đi ngang qua dòng sông bên dưới chùa Cam Lộ, nghe thấy tiếng chim hót véo von, cảm nhận sự mềm mại và đắm đuối đặc biệt của làn gió trong dịp giao mùa xuân hạ, lại ngửi mùi thơm thoang thoảng của cỏ cây xung quanh, tôi đột nhiên ý thức được, Huyền Thanh đã hai tháng không tới đây rồi, dưới chân núi chỉ còn lại dòng sông vẫn lững lờ chảy mãi, A Nô vẫn tiếp tục hát khúc hát mà tôi từng nghe thấy trong lần đầu gặp mặt.
Em nay đối với tình lang, tình càng thấm thía dạ càng ngẩn ngơ. Nhớ ai nhớ đến bao giờ? Ngày ngày tựa cửa trông chờ tình lang. Tình lang ơi hỡi tình lang, lòng này thắm thiết xin chàng chớ quên…
Tiếng ca của A Nô cao vút mà khoan khoái, lúc nào cũng hết sức vui tươi.
Có lúc tôi không hiểu, liền hỏi cô bé:
A Nô, ngươi có biết ý nghĩa của khúc hát này không?

A Nô tươi cười rạng rỡ, đáp:
Tất nhiên là biết chứ!

Tôi cười, thở dài:
Khúc hát này nói về tình cảm nam nữ, ngươi tuy rằng biết nhưng lại chẳng hát ra được chút tình ý nào.

A Nô ngẩng cao đầu, tỏ ý không tán đồng, bàn tay mân mê bím tóc, tươi cười nói:
Biết được thì sao? Không hát ra được thì sao? Trên thế gian này có rất nhiều chuyện bản thân rõ ràng biết là không thể làm được. Huống chi ta còn chưa có người trong lòng, không hát ra được tình cảm nam nữ thì có gì là kỳ lạ đâu.

Tôi vẫn tiếp tục nghe khúc tình ca đó bằng giọng hát vui vẻ của A Nô, trong lòng chợt trào dâng nỗi cô độc tột cùng. Bên cạnh tôi, Hoán Bích cũng thở dài, nói:
Vương gia đã lâu lắm rồi không tới, đến một người để nói chuyện cũng không còn nữa rồi.
Nghe giọng của cô nàng cũng đầy vẻ cô đơn.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Hậu Cung Chân Hoàn Truyện.