CHƯƠNG 52


Số từ: 3605
Nguyên tác: Let The Day Perish
Dịch giả: Đắc Lê & Hoàng Túy
NXB Văn Học
Nguồn: Sưu tầm
Sáng hôm đó tiết trời ấm áp. Trong phòng xử án không khí ngột ngạt. Entơni cùng với các ông Tơnơ và Hilơ bước vào. Mắt anh quen với ánh nắng rực rỡ bên ngoài nên thấy gian phòng như lờ mờ và âm u. Công chúng ngồi chật ních hết hàng ghế này đến hàng ghế khác, những chỗ trống sát tường người đứng đông nghịt. Anh đợi ở gần vành móng ngựa, còn ông Tơnơ ngồi ở chỗ dành cho luật sư. Khi ông Xtêphơn, chánh án toà án tối cao, mặc áo thụng đỏ rủ xuống từ cửa dành riêng cho chánh án bước vào, không khí khích động tăng lên. Người tuỳ phái luôn miệng hét to:
Giữ im lặng ở trong toà
để ngăn những tiếng bàn tán ầm ĩ của các bà tò mò thuộc giới thượng lưu và của cả đám đông đàn ông nữa. Điều đáng ngạc nhiên là có rất nhiều nhà kinh doanh
bận rộn
đã tìm ra thì giờ vào tháng Mười một, ngay trước mùa Nôen, để tới toà án.
Cái tin viên chánh án Xtêphơn ngồi xử vụ này không được Entơni hoặc các đại diện pháp lí của anh hoan nghênh lắm.
Ông Xtêphơn có cái mũi như mỏ diều hâu, bộ mặt dài và hơi nghiêng, như của một người khổ hạnh, là một người nhiệt tâm đi lễ nhà thờ. Ông ta không tán thành tất cả những chuyện vô luân thất đức, và khét tiếng là tuyên án khắt khe.
Luật sư Evơn Bleơ, đại diện cho ông chưởng lí, giữ nhiệm vụ công tố, đứng dậy. Là một người trẻ hơn ông Tơnơ rất nhiều, ông Bleơ béo lùn, có cái mũi núng nính và hai hàng lông mày rậm.
- Thưa ngài chánh án tối cao, tôi đảm nhiệm vụ án Rêc kiện Grantơ, – ông Bleơ nói, đưa hai tay lên vai, sửa lại chiếc áo thụng đen. Ông ta nói nhanh, khác với cách nói chậm rãi và âm vang của ông Tơnơ.
Entơni bước lên, vào trước vành móng ngựa. Khắp mọi chỗ, người ta đều vặn vẹo rướn nhìn anh. Trong khi viên lục sự đọc bản cáo trạng, Entơni đứng bất động. Anh đang phải đứng nghe người ta ghép mình vào tội cố sát ngay tại ở đây, trong toà án này, là nơi mà anh quen biết các viên lục sự, thư kí tốc kí và các viên chức khác. Đối với anh, điều đó quả thật lố bịch.
Trả lời câu hỏi thông lệ về ý kiến của anh đối với lời buộc tội, anh nói, giọng bình thản và cân nhắc:
- Tôi vô tội, thưa ngài chánh án tối cao.
Ngay tức khắc, ông Tơnơ đứng thẳng người lên. Ông chắc chắn là một người gây được ấn tượng, đặc biệt trong chiếc áo thụng đen của một
luật sư quốc gia
. Ông nói, tay cầm chiếc kính gọng đồi mồi của mình.
- Mong ngài chánh án tối cao vui lòng, tôi đứng ra bào chữa cho bị cáo. Tôi xin toà coi việc nộp bảo lãnh cho bị cáo vẫn có hiệu lực trong phiên toà này. Tôi cũng muốn xin phép quý toà để bị cáo được ngồi ngay trước mặt tôi. Có một số điểm tôi muốn được thỉnh thoảng bàn bạc với bị cáo.
Viên chánh án chấp nhận cả hai yêu cầu đó. Trong không khí im lặng bị nén lại, Entơni rời vành móng ngựa, đến ngồi cạnh luật sư của mình.
Viên lục sự bắt đầu rút ra những mảnh giấy nhỏ ở một chiếc hộp. Mỗi khi rút ra một mảnh giấy, ông ta đọc to tên của một viên bồi thẩm. Để đáp lại, người này tiếp người khác, các viên bồi thẩm, đi vào chỗ dành cho đoàn bồi thẩm.
- Piê Van Reenen, – viên lục sự xướng to, đọc ở mảnh giấy nhỏ thứ tư.
Nghe đọc tên đó, Entơni ngước lên ngạc nhiên. Một người to lớn bè bè từ đám đông trong toà án ì ạch bước về phía chỗ ngồi của đoàn bồi thẩm. Entơni nhận ra ông ta ngay, vội thì thầm với ông Tơnơ. Ông Tơnơ lập tức đứng dậy nói:
- Tôi không tán thành vị này.
- Mời trở về, – viên lục sự nó, con người to béo ấy bối rối quay lại và rút lui. Entơni nghĩ thầm, thật may mắn là luật pháp cho phép một bị cáo được phản đối bất kì ba người nào trong danh sách đoàn bồi thẩm, không cần đưa ra lí do gì cả. Anh không muốn nói cho toà án biết mình phản đối viên bồi thẩm này vì biết rõ ông ta là người có thiên kiến màu da.
Chín người được giao trách nhiệm tuyên án đang tuyên thệ.
Entơni chăm chú nhìn mặt họ. Họ là một nhóm người ô hợp kì cục, từ một người to bè bè, còn khá trẻ, với nước da sạm, ngồi ở cuối hàng ghế trước cho tới ông già ngồi ở hàng sau, có hai má căng ra ngang hai lưỡng quyền giống như giấy da khô, mồm đang nuốt nuốt tựa như đang nhai lại bữa điểm tâm của mình; đầu ông ta tròn, và trắng hếu; dường như nhựa sống từ cơ thể ông đã bị ép kiệt từ lâu. Entơni nóng lòng tìm kiếm các dấu vết sự hiểu biết trong những người đang ngồi đó, nhưng dù sao anh vẫn không gạt bỏ được cái cảm giác rằng trong chín bộ mặt đó đều mang nặng những thiên kiến chống lại người da màu ở Nam Phi.
Nhân chứng đầu tiên ra khai trước toà là một người vẽ sơ đồ kiêm nhiếp ảnh của cảnh sát. Anh ta cung cấp cho toà bản sơ đồ và một tấm ảnh chụp phía bên trong căn buồng Entơni.
Rồi bác sĩ Mơnrô bước vào chỗ ghế nhân chứng. Ông kể lại trước toà đã được gọi tới gian buồng đó vào khoảng một giờ rưỡi sáng Chủ nhật như thế nào. Ông tả lại vết thương và nói là đã thấy cần thiết phải chuyển người quá cố tới ngay bệnh viện bằng xe cấp cứu.
- Bị cáo có kể cho ông biết, – ông Bleơ hỏi, – chuyện gì đã xảy ra không?
- Có. Ông ấy giải thích vắn tắt rằng người quá cố đã vào phòng ông ấy trong khi đang say rượu, nhấc một chiếc ghế đẩu lên và tấn công ông ấy dữ dội; rằng để tự vệ, ông ấy đã đấm vào cằm người quá cố, và khi đó người quá cố ngã đập đầu xuống chiếc lá chắn lò sưởi.
- Đến bệnh viện thì thế nào?
- Tôi lấy làm tiếc là không thể cứu được nạn nhân. Quá bảy giờ một tí, ông ta đã chết.
- Nguyên nhân chết, thưa ông bác sĩ?
- Nứt sọ, kết hợp với chảy máu não.
- Cảm ơn bác sĩ.
- Người quá cố là một người tương đối nặng cân chứ, thưa bác sĩ? – Ông Tơnơ hỏi, bắt đầu thẩm vấn.
- Tôi cho rằng ông ta nặng gần 90 cân.
- Trọng lượng của người quá cố làm cho ông ấy ngã mạnh hơn nhiều so với một người nhẹ cân hơn chứ?
- Vâng.
- Ông có thể cho biết lúc đó ông ta say hay tỉnh không?
- Hơi thở ông ta sặc mùi rượu.
- Nếu là say rượu, ông ấy sẽ còn ngã mạnh hơn lúc bình thường nữa chứ? Ông ấy
không thể kìm lại cái ngã, có phải không?
- Nếu ông ta không say rượu thì hầu như không ngã mạnh đến thế.
- Bị cáo… có giúp đỡ ông khi ông tới gian buồng đó không?
- Rõ ràng có. Ông ấy có vẻ thực sự lo lắng về tình trạng nạn nhân.
Ông Tơnơ đưa mắt nhanh nhìn đoàn bồi thẩm, và gật đầu với vẻ đầy ý nghĩa.
Sau mấy câu hỏi phụ, cuối cùng ông ta bảo:
- Tôi xin ông hãy kết luận cho là không có gì, tôi định nói không có những vết tích, hoặc bất cứ cái gì đại loại như thế, chứng tỏ có một sự tấn công nào nhằm vào người quá cố.
- Phải.
- Vết tích duy nhất có phải là vết thâm tím ở trên trán, chỗ đập vào lá chắn không?
- Không, có một miếng băng dính ở cằm.
- Có cái gì ở bên dưới miếng băng dính đó?
- Một vết sứt. Trông như một vết sứt do cạo râu.
- Ông có chắc rằng đó là tất cả những cái trông thấy ở cằm không?
- Ông định nói gì?
- Có lẽ không có một bằng chứng nào về một cú đấm vào hàm chăng?
Bác sĩ nghĩ ngợi một lát, rồi nói:
- Tôi có nhận thấy miếng băng dính ấy bị lệch một chút. Nó không đúng ở bên trên vết sứt, trông nó như bị ố một chút, nếu tôi có thể dùng từ đó, bị ố một chút ở bên cạnh. Vết sứt đó cũng hơi rướm máu.
- Không có vết thâm tím ở cả hai vai?
- Phải.
- Ông đã tìm kiếm xem có những vết thâm tím đó?
- Phải.
- Tại sao? Vì có lời khai của người quá cố chăng?
- Phải. Tôi biết người quá cố khai rằng ông Grantơ cầm chiếc ghế đẩu lên, giáng nó vào ngang vai ông ta, bởi vậy tôi đặc biệt xem xét ở hai vai.
- Ông định nói, – ông Tơnơ nói, mắt cứ nhìn đoàn bồi thẩm, – tới phần này trong lời khai của người quá cố:
Vừa nhìn thấy tôi, Grantơ tức khắc cầm một chiếc ghế đẩu lên, lao vào tôi. Hắn nhằm giáng chiếc ghế đẩu vào đầu tôi… nhưng tôi tóm chặt được và nắm lấy một lát. Hắn vặn cho chiếc ghế tuột khỏi tay tôi, và lần này giáng vào vai tôi. Tôi ngã xuống, đầu đụng vào vật gì cứng
, có phải không?
- Phải, tôi biết đoạn đó, cho nên tôi xem xét ở hai vai, nhưng không thấy vết tích nào ở đó cả.
- Không hề có vết tích nào cả?
- Phải.
Nhân chứng tiếp theo là bác sĩ Bơnit, một người trạc tuổi trung niên, gầy, nói hơi lắp, nhưng không khó nghe.
- Tôi là phụ tá nghiên cứu bệnh học ở Kêp Tao, – bác sĩ Bơnit trả lời ông Bleơ. Rồi bắt đầu kể tỉ mỉ về kết quả khám nghiệm tử thi do ông đảm nhiệm. Ông xác nhận nguyên nhân cái chết như bác sĩ Mơnrô đã mô tả và được ghi vào trong biên bản chính thức về cuộc mổ xác khám nghiệm của ông.
- Có một vết nứt ở sọ kèm theo chảy máu dưới hai bên màng cứng, – ông đọc to, rồi mô tả chi tiết bản chất và mức độ vết nứt.
- Ông có khám nghiệm mô não để tìm chất rượu không? – Ông Tơnơ hỏi.
- Có.
- Ông tìm thấy nồng độ bao nhiêu?
- 0,15 grên(1) trong 100 phân khối.
- Theo tôi hiểu, con số đó chứng tỏ người quá cố đã tiêu thụ một lượng rượu đủ để bị tác động của rượu?
- Một nồng độ 0,15 grên hoặc cao hơn thì được coi là đủ tác động đối với một người trung bình. Nhưng không thể thấp hơn nữa.
- Vậy theo tiêu chuẩn trung bình, ông cho rằng người quá cố bị tác động của rượu, phải không?
- Phải… hẳn là thế.
- Có rượu trong dạ dày không?
- Có, nhưng đấy chỉ là bằng chứng tỏ rõ ông ta đã uống rượu mạnh…, chứ không chứng tỏ ông ta bị tác động của rượu.
- Đúng, nhưng có phải kết luận trên đã được ông rút ra từ việc phân tích mô não không?
- Phải. - 0,15 grên, – ông Bleơ lại thẩm vấn, – tức là cái ngưỡng, nếu tôi được phép dùng từ này, có phải không nhỉ? Tức là cứ dưới mức đó thì, theo lời ông, không đủ để kết luận một người bị tác động của rượu, có phải không?
- Phải… phải là 0,15 hoặc lớn hơn.
- Vậy nếu là 0,15, thì còn có nghi ngờ?
- Không, tôi nói rằng ông ta bị tác động của rượu… là ở người trung bình.
- Còn trong trường hợp một người nghiện rượu nặng?
- Ông Bleơ, – viên chánh án ngắt lời, – ông có chứng cớ gì về sự nghiện rượu của người quá cố không, có chứng cớ gì không?
- Không, thưa ngài chánh án tối cao.
- Vậy tại sao ông đi vào vấn đề đó?
- Vâng, xin tuỳ ngài chánh án tối cao.
Khi ông Bleơ tiếp tục gợi ý một số chuyên gia y học đã coi 0,15 grên là con số quá thấp, thì ông Tơnơ phản đối, với lí do là toà án đã mời ông Bơnit thì phải chấp nhận những câu trả lời của ông ấy.
Hạ sĩ Clopơ, nhân chứng kế tiếp, kể trước toà về việc mình được gọi đến gian buồng đó, giảng giải về tình trạng đồ đạc mình thấy và chúng được xếp đặt như thế nào. Ông ta luôn luôn nhắc tới bản sơ đồ đã được vẽ, cũng như tấm ảnh đã chụp.
- Trong phòng có cái gì, vật gì hoặc những vật gì làm ông chú ý đặc biệt không? – Ông Bleơ hỏi.
- Có. Ông cảnh sát Brinhcơ và tôi thấy mấy đầu mẩu thuốc lá có dính vết son môi nằm trong gạt tàn.
Hạ sĩ Clopơ xác nhận cái gạt tàn cùng với những thứ chứa trong đúng là tang vật. Tang vật đó được chuyền tay qua các viên bồi thẩm, họ xem chăm chú mấy đầu mẩu thuốc lá, và thì thầm với nhau.
- Ông có hạch vấn bị cáo về những cái này không?
- Ông cảnh sát Brinhcơ đã làm như vậy. Ông ấy bảo bị cáo hẳn đã tiếp một người đàn bà trẻ ở nhà.
- Bị cáo đã nói gì?
- Bị cáo trả lời là không phải, ông ấy lúc đó chỉ ở nhà một mình, còn người bạn gái thì đã ở đấy trước bữa ăn chiều, vào khoảng sáu giờ. Rồi tôi bước tới bàn làm việc. Trên đó có hai cái tách cùng với đĩa lót. Mỗi tách có cặn nước trà. Những tách và đĩa đó đây này. – Hạ sĩ Clôpơ giơ mấy chiếc tách và đĩa lên.
– Cũng có mấy đĩa ăn nữa, một hộp đồ hộp đã mở và vài miếng bánh mì. Tôi đã hỏi ông Grantơ xem những thứ này có liên quan tới người đàn bà trẻ ấy hay không.
- Ông ấy bảo thế nào?
- Ông ấy bảo có. Thoạt tiên, ông ấy nói là từ trước bữa ăn chiều không động đến những thứ đó. Thế là tôi sờ vào chiếc ấm trà bằng gốm, nó còn âm ấm. Chiếc ấm này đây.
Tang vật này được chuyền tay trong đoàn bồi thẩm. – Tôi bảo ông cảnh sát Brinhcơ cũng sờ xem, ông ta cũng thấy như vậy, rồi tôi mời bị cáo sờ thử. Ông ấy làm theo. Tôi yêu cầu bị cáo giải thích. bị cáo ngập ngừng và hình như rất lúng túng. Rồi ông ấy nói:
Ồ, tôi rối tung cả lên vì cái chuyện này, tôi quên khuấy mất. Tôi vừa mới pha cho mình một tách trà xong. Còn tách kia không đụng đến kể từ trước bữa ăn tối
. Ông ấy nói như thế sau khi tôi yêu cầu ông ấy tự tay sờ vào chiếc ấm trà. Trước khi tôi nói cái ấm còn âm ấm, tôi có hỏi rất rõ ràng là ông ấy có định nói rằng nó không được dùng tới kể từ trước bữa ăn chiều có phải không. Ông ấy gật đầu. Chỉ đến khi ông ấy chịu là ấm trà còn ấm, hay đúng hơn là chỉ đến khi không phủ nhận được nữa, ông ấy mới khai ra điều nói trên.
Bây giờ, đến lượt ông Bleơ nhìn đoàn bồi thẩm một cách có dụng ý.
Đưa tay vuốt mặt và nhìn khắp phòng xử án, ông Bleơ mím môi thành một vệt mỏng, đầy ý nghĩa. Một số viên bồi thẩm chụm đầu với nhau, và lại có những tiếng thì thầm.
Entơni liếc nhìn khuôn mặt của Gin để xem bằng chứng này tác động ra sao. Dù cô ta ngồi hơi xa, anh cũng thấy những khớp đốt ngón tay của Gin trắng bệch vì bám chặt vào cái bàn trước mặt. Anh quá lo lắng về phản ứng của Gin nên hầu như không nghe thấy tiếng người tuỳ phái hét to ở phía dưới:
Giữ im lặng trong toà
để đối phó với những tiếng ồn ào đột nhiên nổi lên. - Bị cáo có cho biết người bạn gái đó của ông ta là ai và ai đã ở đấy trước bữa ăn chiều không?
- Chúng tôi có yêu cầu ông ấy cho chúng tôi biết tên người đàn bà đó, nhưng bị cáo từ chối.
- Giữ im lặng trong toà! – Người tuỳ phái lại kêu to.
Trong một lát, ánh mắt Gin bắt gặp ánh mắt Entơni. Ánh mắt Gin lộ vẻ kinh hoàng. Ánh mắt ấy như muốn hỏi: anh ta đã nói dối chăng? Hay thực sự có một người con gái khác nào đó trong cuộc đời Entơni như Gin đã nghi ngờ? Những khớp đốt ngón tay của Gin trắng bệch hơn, cô ta cụp mắt xuống, ngoảnh đi.
Entơni nhận ra rằng nếu mình không trót dại nói với cảnh sát khi họ mới tới là các đồ dùng ấy không được đụng đến từ trước bữa ăn chiều, thì sẽ không gây ra không khí nghi ngờ này. Giá mà trước khi viên hạ sĩ cùng với viên cảnh sát xem xét chiếc ấm trà, anh đã nói ra rằng chính anh vừa mới uống tách trà đó! Nhưng khi đó anh quên bẵng đi mất là chiếc ấm trà có thể vẫn còn âm ấm. Nào có ai nghĩ đến chiếc đó? Anh đã lỡ lời một cách quá tai hại.
- Ông có lấy cung bị cáo không? Ông hạ sĩ? – Ông Bleơ hỏi.
- Có.
- Lời cung khai đó là tự nguyện?
- Hoàn toàn như vậy.
- Bị cáo đầu óc có tỉnh táo không?
- Có.
- Hãy đọc lại lời khai đó!
- Lời khai đó như sau:
Tôi vừa đi xem biểu diễn balê về tới nhà, còn đang lăng xăng trong phòng, thì rất ngạc nhiên, thấy Henri Bôdơmen bước vào. Ông ta lảo đảo như say rượu. Bôdơmen cầm một chiếc ghế đẩu lên và đột ngột tấn công tôi một cách dữ dội, tuy ông ta không hề bị khiêu khích gì cả. Để tự vệ, tôi đấm nhanh vào cằm, làm ông ta ngã xuống, đầu đập vào cái núm nhọn ở lá chắn lò sưởi. Tôi gọi điện ngay cho bác sĩ Mơnrô. Rồi tôi gọi điện cho cảnh sát. Trong khi chờ bác sĩ tới, tôi làm những việc có thể làm được để giúp người bị thương. Khi bác sĩ tới, bác sĩ bảo tôi điện gọi xe cấp cứu, tôi làm theo. Bôdơmen bất tỉnh từ lúc đầu đập vào lá chắn lò sưởi. Ông ta đã được chuyển tới bệnh viện
.
Ông Bleơ chỉ một chiếc ghế đẩu đứng giữa các tang vật khác ở chỗ ngồi của các luật sư. Theo yêu cầu của ông, một người tuỳ phái cầm chiếc ghế đẩu giơ lên.
- Có phải đó là chiếc ghế đẩu được nói đến không?
- Phải. Sau đó, khi bị cáo đã kí vào lời khai, tôi hỏi ông ấy chiếc ghế đẩu nào. Ông ấy chỉ chiếc ghế này.
- Và rồi?
- Tôi nói dấu tay người quá cố hẳn phải in ở chỗ nào đó trên chiếc ghế. Bị cáo tán thành như vậy, và bảo chúng tôi cũng sẽ tìm thấy dấu tay của ông ấy nữa. Thế là tôi hỏi sao lại thế? Bị cáo bảo là khi ông ấy đấm người quá cố, người đó tuột tay làm tung chiếc ghế ra và bị cáo đã nắm được.
- Bị cáo có giải thích lí do ông ta đã không nói điều đó sớm hơn… trong lời khai đã được ghi lại của ông ta không?
- Không.
- Ông có chuyển chiếc ghế đẩu này để tìm các dấu tay không?
- Có.
- Ông hạ sĩ, xin cho hỏi thêm một câu nữa… khi ông đến, ông có nhìn thấy một chiếc ôtô nhỏ, hai chỗ ngồi, màu đỏ để ở ngoài cổng ngôi nhà đó không?
- Trong phố ấy không có chiếc ôtô nào cả.
- Còn khi ông ra về?
- Cũng không có.
Ông Bleơ ngồi xuống.
(1) Grên (grain): đơn vị đo trọng lượng, bằng 0,0648 g.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Hãy Để Ngày Ấy Lụi Tàn.