13.


Số từ: 2850
Nguyễn Thị Hương Thảo dịch
C.ty Nhã Nam phát hành
Nhà xuất bản Hội nhà văn
Cô Pammi sống ở Pitampura, một khu người Punjab giàu có. Mỗi một làn đường ở vùng này có nhiều đá hoa cương hơn cả Taj Mahal. Tất cả các đường phố đều dậy mùi cà chua nấu với paneer. Chúng tôi đi xe tuk tuk bởi vì bố tôi không bao giờ cho phép đi xe ca. Mẹ tôi bảo tài xế tuk tuk dừng xe cách một vài nhà. Chúng tôi không thể nói với cô Pammi rằng chúng tôi không tới bằng xe ca.

Ông ấy có một cuộc hẹn, ông ấy thả chúng tôi ở bên ngoài và đi rồi,
mẹ nói khi cô Pammi ra cửa đón chúng tôi.

Ít ra thì anh ấy cũng vào uống một chút nước mát đã chứ,
cô Pammi nói và đưa chúng tôi vào. Trọng lượng của cô Pammi xấp xỉ với thập kỷ mà cô đang sống, và mối tương quan đó đã tiếp diễn tới thập kỷ chín mươi hiện tại. Cô Pammi từng là hoa hậu Chandigarh ba mươi bảy năm trước. Một thương gia giàu có đã nhanh chóng chộp lấy cô chẳng bao lâu sau khi cô đăng quang và cho cô một cuộc sống thừa mứa những tiện nghi và thừa mứa cả calo. Giờ cô đã nặng hơn cả tổng trọng lượng của một cô hoa hậu và hai á hậu cộng lại.
Chúng tôi bước tới bậc thang ngũ cấp để lên phòng khách của họ. Cô Pammi leo lên khó nhọc.
Đầu gối của tôi,
cô lẩm bẩm khi bước lên bậc cuối cùng.

Dạo này cô có hay đi tập buổi sáng không?
mẹ tôi hỏi.

Đi đâu được chứ, chị Kavita, nóng lắm. Với lại, buổi sáng tôi có satsang[18], ngồi đi,
cô Pammi nói rồi bảo người giúp việc đi lấy khus sharbat[19].
Chúng tôi chìm vào một chiếc xô pha nhung đỏ có đế mút dày chừng sáu mươi phân.

Thực ra, chỉ cần cô đi bộ tới chỗ satsang cũng là tập thể dục rồi,
mẹ tôi nói.

Sáu chiếc xe, trời ạ. Lái xe thì ngồi không. Sao lại phải đi bộ?
cô Pammi hỏi lại. Cô vừa thể hiện một tuyệt kỹ của người Punjab - khoe khoang sự giàu sang của mình trong một cuộc nói chuyện vô thưởng vô phạt.
Mẹ tôi quay sang tôi và nhắc lại lời nhận xét của cô.
Sáu chiếc xe? Krish, con nghe đấy, họ có sáu chiếc xe.

Tôi không biết phải đáp lại thế nào. Có lẽ tôi nên vỗ tay hoan hô chăng?
Là xe loại gì ạ?
tôi hỏi, chỉ bởi vì họ vẫn đang chằm chặp nhìn tôi.

Cô chẳng biết nữa. Chồng cô biết đấy. Mới tuần rồi ông ấy mua một chiếc Honda.


Bao nhiêu tiền vậy?
mẹ tôi hỏi. Khuyến khích một người đang phô trương sự giàu có của mình khoe khoang thêm chút nữa là hành động gần như được người Punjab coi là nhã nhặn.

Bảy trăm nghìn rupi, cộng với ba mươi nghìn để thay đổi hệ thống stereo nữa,
cô Pammi nói.

Chà!
mẹ tôi nói.
Cháu nhà tôi cũng làm ở Citibank, bốn trăm nghìn rupi mỗi năm.

Với một người không phải dân Punjab, lời nhận xét của mẹ tôi có thể bị coi là không liên quan. Với một người Punjab, đó là một sự nối tiếp hoàn hảo. Suy cho cùng thì chúng tôi đều đang nói chuyện về hàng trăm nghìn.

Tốt. Con trai chị giờ sáng láng rồi,
cô ấy nói.
Tôi đoán cứ giàu lên thì tức là sáng láng, bởi vì cô ấy đã không hỏi IQ của tôi.

Thượng đế phù hộ cô, Pammi,
mẹ tôi nói.

Không, không,
cô Pammi nói, ánh mắt hau háu như thể cô đang hình dung mình có được công việc của tôi.
Chúng tôi cười với nhau thêm một phút nữa, đoạn cô Pammi lại cất lời.
Hoa quả khô nhé?


Thôi, thôi, cô Pammi, cần gì phải bày vẽ thế chứ?
mẹ tôi gạt đi.

Rani, lấy hạt điều và chỗ quả chà là Dubai đó ra đây,
cô Pammi gào lên. Mẹ tôi khẽ gật đầu cảm kích những thứ hoa quả nhập ngoại đó.

Dolly của chúng ta đâu rồi?
mẹ tôi hỏi, tự nhận người được thừa kế ba trạm xăng là
của mình
mà không hề do dự.

Xuống đây nào, Dolly!
cô Pammi gọi thật to để có thể xuyên lên tầng trên của tòa biệt thự được dựng nên từ xăng dầu này.
Những người phục vụ được triệu đến để gọi Dolly xuống tầng.

Nó tắm thì cả ngày mới xong,
cô Pammi nói bằng giọng làm ra vẻ giận dữ trong khi cô bốc một nắm hạt điều và ấn vào tay tôi.

Đừng ngăn cản con gái chúng ta làm đẹp mà, cô Pammi,
mẹ tôi nói. Tuyệt, Dolly đã là của chúng tôi.

Không biết nó sẽ thành con dâu nhà ai đây? Chúng tôi chỉ có hai đứa con gái, tất cả mọi thứ là của chúng,
cô Pammi nói và dang rộng hai cánh tay để chỉ tất cả mọi thứ. Đúng vậy, những chiếc xô pha, những chiếc bàn uống nước bằng cẩm thạch trông đáng sợ, những rèm cửa, những chiếc quạt, những cái điều hòa nhiệt độ - tất cả mọi thứ đều thuộc về hai cô con gái và chồng tương lai của họ. Phải nói rằng, trong một tích tắc, ý nghĩ được thừa hưởng một nửa cơ ngơi này làm tôi băn khoăn liệu có phải mẹ đã đúng chăng. Nhưng trong tích tắc tiếp theo ý nghĩ sẽ mất Ananya đến với tôi. Không, tôi sẽ không từ bỏ Ananya để lấy tất cả hạt điều và tiền bạc trên thế giới này. Giá mà cô Pammi cho phép tôi sống trong căn nhà này cùng với Ananya.
Dolly bước nhanh xuống cầu thang và mùi nước hoa của cô thoảng tới chỗ chúng tôi ba giây trước khi cô tới.
Cháu chào bác,
Dolly nói và bước tới ôm siết mẹ tôi.

Con gái của chúng ta mới xinh đẹp làm sao!
mẹ tôi cảm thán.
Dolly và tôi chào hỏi nhau bằng những cái gật đầu khe khẽ. Cô mặc một bộ slawar kameez màu rượu vang đỏ với những đường sọc vàng chạy từ trên xuống. Cô trắng một cách khác thường, và mẹ tôi đã đúng; cô làm tôi nghĩ đến sữa. Bụng cô hơi lộ, dù rằng cô không béo. Ngực cô cũng đầy hệt như cô Pammi, khiến tôi băn khoăn làm cách nào những người phụ nữ này có thể cho con bú mà không khiến chúng ngạt thở.

Hồi này con đang làm gì, Dolly?
mẹ tôi hỏi.

Cháu tốt nghiệp đại học từ xa rồi, bác ạ.


Nói cả chuyện con đang theo học một khóa vi tính nữa
cô Pammi nói và quay sang mẹ tôi,
Tôi lấy thêm đồ ăn nhé?

Dolly cố nói điều gì đó nhưng bị lờ đi vì chúng tôi đã chuyển sang chủ đề thú vị hơn, đó là đồ ăn.

Thôi đừng, cô Pammi. Thế này là được rồi,
mẹ tôi nói, hiển nhiên là đang khiêu khích để cô mang ra nhiều hơn cho chúng tôi.

Chị nói gì thế? Mẹ con chị không đến đúng bữa, bởi vậy tôi chỉ mang vài thứ đồ ăn nhẹ thôi mà. Raju, lấy đồ ăn đi. Mang cả chutney[20] xanh và đỏ nhé!
cô hét lên với người phục vụ. Raju và một người giúp việc khác mang ra một khay lớn bánh gối, jalebi[21] chole bhature[22], bánh sữa, kachori[23], và, tất nhiên rồi, chutney xanh và đỏ. Hai mươi nghìn calo đang được bày ra trên bàn.

Cô đừng bày vẽ thế chứ!
mẹ tôi nói trong khi ra hiệu cho người phục vụ chuyển jalebi tới.

Có gì đâu chị, ăn cho vui miệng thôi. Lúc nào chị tới ăn tối nhé.

Tôi cảm giác mình sẽ giống như một thằng đần nếu như không bắt chuyện với Dolly lúc này.

Em đang học khóa vi tính về gì vậy?


Microsoft Word, PowerPoint, Email, em chẳng biết nữa, mới bắt đầu thôi. Có vẻ khá là công nghệ cao.


Chính thế, có vẻ là một chương trình học khó đấy,
tôi nói, và ngay lập tức cảm thấy tội lỗi vì sự mỉa mai của mình.

Mấy đứa bạn em đang học nên em mới học cùng. Nếu quá khó thì thôi em bỏ. Anh có biết những thứ đó không?


Cũng biết chút ít,
tôi nói.
Mẹ tôi và cô Pammi đã ngừng nói kể từ khi Dolly và tôi bắt đầu câu chuyện. Dolly và tôi im phắc khi nhận ra họ đang nhìn chúng tôi.

Không sao. Cứ nói chuyện đi,
mẹ tôi tươi cười và nhìn cô Pammi. Hai người bọn họ kín đáo cười với nhau. Họ nháy mắt với nhau rồi chắp tay và nhìn lên trời để tạ ơn Thượng đế.
Dolly nhìn mẹ tôi và cười.
Bác uống trà nhé?
cô hỏi.

Không, con ạ, ai lại bắt con gái phải động tay động chân cơ chứ,
mẹ tôi nói.
Động tay động chân
trong tình huống này tức là gọi người phục vụ.

Raju, lấy trà,
Dolly ráng sức gọi và nhận được cái nhìn trìu mến của mẹ tôi. Sao mẹ không thể cho Ananya một cái nhìn, chỉ một cái nhìn như thế thôi?

Uống trà không con?
cô Pammi hỏi tôi. Tôi lắc đầu.
Thanh niên thường uống cà phê, cô biết mà. Vậy để lấy cà phê nhé? Mà gượm đã, cái chỗ mới đó ở District Centre là gì ấy nhỉ, Dolly? Chỗ người ta bán loại cà phê đắt tiền đó? Barsaat à?


Barista, mẹ ạ.
Dolly chuyển sang giọng Anh rõ hơn khi được yêu cầu miêu tả thứ gì đó thời thượng.

Đúng rồi, chính nó. Lấy xe Honda đưa anh ấy tới đó. Chị thấy không, thực ra chúng ta cũng khá hiện đại đấy,
cô nói với mẹ tôi.


Anh thích mấy bộ này chứ?
cô hỏi và mở túi ra.

Đẹp lắm,
tôi nói khi chúng tôi bước vào Barista. Điều hòa nhiệt độ và tiếng nhạc du dương làm dịu ánh mặt trời chói chang bốn mươi độ bên ngoài.

Một cà phê đá kem,
Dolly nói.
Anh dùng gì?

Tôi gọi y như thế và chúng tôi ngồi xuống ghế, cách xa nhau nhất có thể. Chúng tôi ngồi lặng thinh xem kênh ca nhạc trên chiếc ti vi trước mặt.

Em chưa bao giờ nói chuyện với ai học IIT,
sau một lúc cô nói.

Thế thì em cũng không có gì nhiều để tiếc đâu,
tôi nói.
Cô ngồi dịch lại một chút. Túi quần áo của cô rơi xuống. Cô nhặt nó lên.

Em xin lỗi, em hay hồi hộp trước những người hiểu biết công nghệ,
cô nói.

Đừng thế,
tôi nói.
Em uống cà phê đi.


Anh có bạn gái hả? Người Nam Ấn à?


Gì thế?
tôi nhảy dựng lên.
Ai đã bảo em thế?


Chị Kittu nói với em,
cô nói.
Kittu là chị họ của tôi và là con gái bác Shipra. Bố Kittu là anh họ cô Pammi. Xét theo một khía cạnh nào đó, Dolly là em họ đời thứ ba hay thứ tư của tôi, dù rằng chúng tôi chẳng có quan hệ máu mủ gì.

Kittu? Sao chị ấy lại biết?


Hẳn là bác Shipra đã nói với chị ấy. Và chắc mẹ anh đã nói với bác Shipra.


Và giờ toàn thể họ hàng đã biết,
tôi đoán.

Chắc thế?


Thế em còn biết gì về cô ấy nữa?


Chẳng gì cả,
Dolly nói và liếc mắt nhìn quanh.

Kể với anh đi.


Ồ, có một vài điều. Rằng cô ấy rất táo bạo, thông minh và cô ấy hoàn toàn kiểm soát anh. Nhưng tất cả các cô gái Nam Ấn đều như vậy à?


Em có biết cô gái Nam Ấn nào không?


Không,
Dolly nói và xoay chiếc ống hút.
Em xin lỗi, em đã không muốn nói với anh điều đó. Anh chị nghiêm túc hay chỉ là thoảng qua vậy thôi?

Tôi cố nén sự bực dọc.
Còn em thì sao? Em có bạn trai không?


Không, không. Chưa bao giờ,
cô thề thốt.

Kể cả thoảng qua cũng không sao?

Cô nhìn tôi. Tôi cười để cho thấy sự thân thiện.

Chỉ có một anh chàng kiều dân thôi. Làm ơn đừng nói với mẹ em. Hoặc mẹ anh, hay thậm chí cả chị Kittu.


Anh sẽ không nói đâu.


Anh ấy gửi cho em một con gấu ôm trong ngày Valentine.


Đáng yêu đấy,
tôi nói.

Anh đã hôn ai bao giờ chưa?
cô hỏi.
Chẳng hạn như cô gái Nam Ấn đó.

Tôi cố nghĩ xem làm thế nào cho cô câu trả lời mà không phải nói ra sự thật, rằng tôi đã làm tình với Ananya trong một căn phòng ký túc xá bé tẹo trong vòng hai năm.

Chưa,
tôi nói.

OK, bởi vì anh chàng này cứ đòi em hôn anh ấy. Nhưng em không muốn có bầu.


Em gặp anh ta như thế nào?


Đó là một câu chuyện rất ngọt ngào. Một hôm anh ấy gọi nhầm vào số máy nhà em. Và bọn em bắt đầu nói chuyện với nhau từ đó. Em chỉ mới gặp anh ấy một lần.


Em hẹn hò với một anh chàng gọi nhầm số điện thoại sao?


Anh ấy chưa phải là bạn trai của em. Nhưng anh biết không, em có một bà chị họ ở Ludhiana, chị ấy đã cưới anh chàng gọi nhầm vào số của chị ấy đấy. Bây giờ họ có hai con rồi.


Chà,
tôi nói. Tôi tự hỏi mình có nên nuốt ực cốc cà phê cho xong để chúng tôi có thể ra về nhanh hơn không.

Anh có thích em không?
Dolly hỏi.

Gì cơ?


Anh biết vì sao chúng mình lại được bảo tới đây, phải không? Để lửa gần rơm rồi bén.


Dolly, anh không thể cưới ai khác ngoài Ananya.


Ồ, vậy ra đó là tên cô ấy. Tên đẹp thật.


Cảm ơn em, cô ấy cũng đẹp như cái tên vậy. Và anh cũng có liên quan. Anh xin lỗi vì đã để mẹ anh lôi vào chuyện này.


Nhưng anh nói là còn chưa từng hôn cô ấy mà.


Anh nói dối đấy. Bọn anh đã ở với nhau suốt hai năm. Nhưng em đừng nói với ai điều này nhé.


Ở cùng nhau ư?
Lông mày cô nhướng lên.
Như là cùng nhau á? Ý anh là, hai người đã làm mọi chuyện?


Điều đó không quan trọng. Anh chỉ kể với em để em đừng buồn nếu anh không quan tâm nhiều đến em thôi.


Hai năm? Cô ấy không có bầu sao?


Dolly, thôi nào. Cảm ơn em vì cà phê.


Em có thể làm anh quên cô ấy,
Dolly nói và xõa mái tóc dài chấm hông của cô.

Gì cơ?


Em biết đàn ông muốn gì.


Em không biết đâu. Và gắng mà tránh xa những cuộc gọi nhầm số.

Chúng tôi rời Barista và trở về trên chiếc Honda rộng rãi. Tôi nhận ra rằng chiếc Honda này có thể là của tôi, chỉ cần tôi không tin vào những thứ ngu ngốc như tình yêu.

Em phải nói gì với mẹ em đây?
Dolly hỏi.

Cứ nói em không thích anh.


Tại sao? Mẹ em sẽ hỏi thế.


Dìm hàng một anh chàng IIT dễ thôi mà. Cứ nói anh mọt sách, buồn chán, háo sắc, gì cũng được,
tôi nói.

Mẹ em sẽ không hiểu những điều đó đâu,
Dolly nói.

OK, thế thì nói với mẹ em rằng Krish không định làm ở ngân hàng mãi. Vài năm nữa anh ấy sẽ bỏ việc để trở thành một nhà văn.


Một nhà văn ư?


Đúng thế.


Anh quá công nghệ cao đối với em,
cô nói khi chúng tôi về đến nhà cô.
= =
• Chú thích •
[18] Satsang: hình thức thiền hoặc yoga, nghe giảng về nhân sinh quan.
[19] Khus sharbat: đồ uống được chiết xuất từ rễ cây khus, một loài thực vật giống như cỏ.
[20] Chutney: một loại xốt đặc làm từ hoa quả, giấm, đường và gia vị, có nguồn gốc và phổ biến ở Ấn Độ.
[21] Jalebi: một loại bánh ngọt có hình như chiếc vòng hoặc sợi mì. Bánh được làm từ bột ủ lên men chiên vàng với bơ và được rưới một lớp xi rô đường.
[22] Chole bhature: món ăn kết hợp giữa đậu xốt gà cay (chole) và bánh mì rán (bhatoora)
[23] Kachori: một loại bánh tròn, dẹt, làm bằng bột mì nhồi đậu và các loại gia vị.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Khi yêu cần nhiều dũng cảm.