Chương 2.5
-
Kiến
- Bernard Werber
- 3319 chữ
- 2020-02-02 07:00:42
Dịch giả: Lê Thu Hằng
C.ty Nhã Nam phát hành
Nhà xuất bản Văn học
Con 56, nó còn nguyên vẹn. Nó nhảy từ cành này sang cành khác hoàn toàn chú ý để không bị ngã và không làm hỏng bộ cánh mảnh dẻ của mình.
Một kiến chị đi bên cạnh nó bảo tiếp xúc râu. Nó tự hỏi những con kiến đực sinh sản mà người ta nhắc đến nhiều này có thể là gì. Một thứ ong đực hay ruồi?
56 không trả lời. Nó nghĩ tới con 327, tới ẩn ngữ
vũ khí bí mật
. Tất cả đã kết thúc. Không còn nhóm làm việc nữa. Dù thế nào thì cũng là như thế đối với hai con hữu tính. Mọi việc từ giờ nằm trong vuốt của 103 683.
Nó luyến tiếc nhớ lại mọi việc.
Con đực chạy trốn ập đến phòng nó… không có thông hành!
Lần trao đổi tuyệt đối đầu tiên của chúng.
Cuộc gặp gỡ với 103 683.
Những kẻ sát nhân mùi đá.
Bỏ chạy ở những nơi tận cùng của Tổ.
Chỗ trốn đầy xác những người lẽ ra có thể thuộc
đội quân
của chúng.
Con sâu độc lomechuse.
Lối đi bí mật trong đá granit…
Vẫn bước đi, nó lật đi lật lại những kỷ niệm và cho là mình được ưu đãi. Không ai trong số chị em nó đã từng trải qua những cuộc phiêu lưu như thế, thậm chí trước cả khi rời Tổ.
Những kẻ sát nhân mùi đá… Con sâu độc lomechuse… Lối đi bí mật trong đá granit…
Liên quan tới nhiều cá nhân đến thế, sự điên rồ chẳng thể giải thích được gì. Lính đánh thuê làm gián điệp cho bọn mối? Không, rõ ràng là không ăn nhập gì, không thể có nhiều đến chừng đó, không được tổ chức tốt như thế.
Dù sao cũng còn lại một điểm chẳng khớp với gì hết: tại sao có dự trữ lương thực dưới đáy Tổ? Để nuôi gián điệp? Không, chỗ đó phải vỗ béo được hàng triệu người… Chúng không thể nào có đến hàng triệu.
Và con sâu độc lomechuse kỳ dị nữa. Đó là một con vật sống trên mặt đất. Không thể nào tự nó xuống dưới tầng - 50 được. Người ta phải chuyển nó xuống. Nhưng ngay khi người ta lại gần con côn trùng này, người ta bị hơi của nó lôi cuốn. Vì thế phải có một nhóm khá khỏe, để bọc con quái vật vào lá mềm và bí mật chuyển nó xuống tận dưới.
Càng nghĩ, nó càng hiểu là việc đó đòi hỏi rất nhiều phương tiện. Và thực ra, khi xem xét trực diện mọi chuyện, tất cả xảy ra như thể một phần của Bầy có một bí mật, mà họ kịch liệt bảo vệ ngay cả với chị em ruột của mình.
Những tiếp xúc xa lạ khoan xoáy đầu nó. Nó dừng lại. Đồng loại tưởng nó yếu đi vì cảm xúc trước khi bay giao phối. Điều đó thỉnh thoảng cũng xảy ra, những con hữu tính rất nhạy cảm. Nó kéo râu mình vào miệng. Nó lặp đi lặp lại rất nhanh: đội thám hiểm đầu tiên bị tiêu diệt, vũ khí bí mật, ba mươi lính bị giết, con sâu độc lomechuse, lối đi bí mật trong lòng đá granit, dự trữ thức ăn…
Xong rồi, khốn khổ, nó đã hiểu! Nó quay ngược đầu. Miễn là đừng quá muộn!
GIÁO DỤC: Giáo dục ở kiến được thực hiện theo những bước sau.
- Từ ngày đầu đến ngày thứ mười, đa số kiến non chăm sóc kiến chúa đẻ trứng. Chúng chăm chút nó, liếm nó, vuốt ve nó. Đổi lại, kiến chúa bôi cho chúng thứ nước dãi dinh dưỡng và khử trùng của mình.
- Từ ngày thứ mười một đến ngày thứ hai mươi, kiến thợ nhận quyền chăm sóc những cái kén.
- Từ ngày thứ hai mươi mốt đến ngày thứ ba mươi, chúng coi sóc và nuôi những ấu trùng út ít.
- Từ ngày thứ ba mươi mốt đến ngày thứ bốn mươi, chúng chuyên chú vào việc nhà và đường sá, đồng thời tiếp tục chăm sóc kiến chúa và những con nhộng.
- Ngày thứ bốn mươi là một ngày quan trọng. Được cho là có đủ kinh nghiệm, kiến thợ có quyền ra khỏi Tổ.
- Từ ngày thứ bốn mươi đến ngày thứ năm mươi, chúng làm bảo vệ và vắt sữa rệp.
- Từ ngày thứ năm mươi đến ngày cuối cùng của cuộc đời chúng, chúng có thể được làm một công việc lý thú nhất đối với một con kiến thành thị: đi săn và thám hiểm những vùng đất xa lạ.
Chú thích: ngay ngày thứ mười một, kiến hữu tính không bị bắt làm việc nữa. Chúng thường là những kẻ nhàn rỗi nhất, bị bắt ở lại trong khu của mình cho tới ngày bay giao phối.
Edmond Wells,
Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối.
Con 327 cũng chuẩn bị. Trong tầm râu của nó, những con đực khác chỉ nói về những con cái. Rất ít con đã được nhìn thấy. Hoặc là những lần nhìn trộm ở ngoài hành lang của Cấm Thành. Nhiều con ảo tưởng. Chúng hình dung ra con cái với những mùi kích thích, khêu gợi đê mê.
Một trong số các hoàng tử khăng khăng đã từng trao đổi dinh dưỡng với một con cái. Mật của nó có mùi nhựa cây bulô, hoóc môn sinh dục của nó tỏa những mùi có thể so sánh với mùi của cây thủy tiên bấc bị cắt.
Những người khác thầm ghen tị với nó.
Còn 327, nó đã thật sự được nếm mật của một con cái (và một con cái mới đẹp làm sao!) biết là vị đó chẳng có gì khác với mật của kiến thợ hay kiến bình chứa. Thế nhưng, nó không muốn xen vào cuộc nói chuyện.
Một ý nghĩ ranh mãnh lướt qua tâm trí nó. Nó rất muốn cho con cái 56 tinh trùng cần thiết để xây dựng Tổ tương lai của con cái. Giá như nó có thể tìm lại con cái… Tiếc là chúng đã không nghĩ đến chuyện đưa ra một pheromon nhận dạng để gặp lại nhau trong đám đông.
Khi con 56 tới được phòng kiến đực, đúng là ngạc nhiên hoàn toàn. Tới đây là trái lại mọi quy định của Bầy. Các con đực và cái chỉ được gặp nhau lần đầu vào lúc bay giao phối. Tại đây, người ta không phải đang ở nhà kiến lùn. Người ta không giao phối ở hành lang.
Những chàng hoàng tử vô cùng muốn biết thế nào là một con cái, giờ bất động. Chúng cùng nhau tỏa những mùi phản đối báo hiệu là con cái không nên ở lại trong căn phòng này.
Dù thế con cái vẫn tiếp tục tiến đến giữa đám đông đang rộn rã chuẩn bị. Nó xô mọi người, phân tán tứ tung pheromon của mình.
327! 327! Anh ở đâu, 327?
Các hoàng tử chẳng thấy ngại nói với nó người ta không chọn cho mình con đực giao phối bằng cách ấy! Nó phải kiên nhẫn, tin vào ngẫu nhiên. Một chút ngượng ngùng…
Thế nhưng, cuối cùng con cái cũng tìm được bạn của mình. Nó đã chết. Đầu nó bị cắt gọn bởi một cú răng.
CHẾ ĐỘ CỰC QUYỀN: Con người quan tâm đến kiến, vì người ta nghĩ rằng kiến đã có thể tạo ra được một chế độ cực quyền tuyệt vời. Đúng là từ bên ngoài, người ta có cảm tưởng trong tổ kiến mọi cá thể đều làm việc, mọi cá thể đều vâng lời, mọi cá thể đều sẵn sàng hy sinh, mọi cá thể đều giống nhau. Và hiện giờ mọi hệ thống cực quyền của con người đã thất bại hết…
Thế là người ta nghĩ tới chuyện bắt chước loài côn trùng sống thành đàn (biểu tượng của Napoléon không phải là con ong sao?). Các pheromon làm tràn ngập tổ kiến một thông tin chung, đó là truyền hình Trái đất ngày nay. Con người tin rằng, bằng cách cho đi tất cả những điều mà theo anh ta là tốt nhất, một ngày kia con người sẽ đạt được nhân tính hoàn thiện.
Đó không phải là chiều hướng của mọi vật.
Thiên nhiên, dù Darwin có nghĩ thế nào thì nghĩ, cũng không tiến hóa theo chiều hướng dành ưu thế cho những điều tốt nhất (vả lại theo những tiêu chí nào?).
Thiên nhiên lấy sức mạnh của mình trong sự đa dạng. Nó phải có những người tốt, người độc ác, người điên, người tuyệt vọng, người khỏe mạnh, người ốm liệt giường, người gù, người sứt môi, người vui vẻ, người buồn rầu, người thông minh, người ngu ngốc, người ích kỷ, người rộng lượng, người nhỏ bé, người cao lớn, người da đen, người da vàng, người da đỏ, người da trắng… Nó phải có tất cả các tôn giáo, tất cả các triết lý, mọi sự cuồng tín, mọi sự minh triết… Mối nguy hiểm duy nhất là một loài nào đó trong số những loài này bị một loài khác loại trừ.
Người ta đã thấy những cánh đồng ngô nhân tạo do con người nghĩ ra và được tạo nên từ những cặp sinh đôi của bắp tốt nhất (loại bắp cần ít nước hơn, loại chống chọi tốt nhất với thời kỳ băng giá, loại cho hạt đẹp nhất) đùng một cái chết hết chỉ vì chút bệnh tật. Trong khi đó những cánh đồng ngô dại, gồm nhiều gốc khác nhau mà mỗi loại có những đặc thù, điểm yếu, điểm dị thường của mình, luôn tìm ra được cách chống đỡ dịch bệnh.
Thiên nhiên căm thù sự đồng đều và thích sự đa dạng. Có lẽ chính ở đó mà sự tài tình của nó được nhận thấy rõ.
Edmond Wells,
Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối.
Nó quay lại mái vòm, bước chân nặng nề. Ở một hành lang gần khuê phòng, mắt đơn hồng ngoại giúp nó nhận ra hai hình bóng. Đó là bọn sát nhân mùi đá! Có con béo và con nhỏ đi khập khiễng!
Trong khi chúng tiến thẳng đến nó, 56 vỗ cánh vù vù và nhảy lên cổ con thọt. Nhưng chúng nhanh chóng làm nó bất động. Tuy nhiên, thay vì hành quyết nó, chúng bắt nó tiếp xúc râu.
Con cái đang giận dữ. Nó hỏi chúng tại sao giết con 327, vì dù sao con đực cũng sẽ chết khi bay giao phối. Tại sao chúng lại giết nó!
Hai kẻ sát nhân cố thuyết phục nó. Theo chúng, nhiều việc không thể chờ đợi được. Và dù có phải trả giá thế nào. Có những nhiệm vụ bị đánh giá là xấu, những hành động bị cho là tồi mà vẫn phải hoàn thành nếu người ta muốn Bầy tiếp tục hoạt động một cách bình thường. Không được ngây thơ… sự thống nhất của Bel-o-kan, đó mới là điều xứng đáng. Và nếu điều đó trở nên cần thiết, sẽ chấp nhận được thôi!
Thế thì, chúng không phải là gián điệp sao?
Không, chúng không phải gián điệp. Thậm chí chúng còn khăng khăng là… những người bảo vệ cốt yếu cho an ninh và sức khỏe của Bầy.
Cô công chúa hét lên các pheromon tức giận. Vì 327 nguy hiểm cho an toàn của Bầy? Đúng, hai kẻ giết người trả lời. Một ngày nào đó, nó sẽ hiểu, giờ thì nó còn trẻ…
Hiểu, hiểu gì? Hiểu rằng có những kẻ sát nhân siêu tổ chức ngay trong Tổ, và chúng cho là cứu Tổ bằng cách thủ tiêu những con đực
đã thấy những điều quyết định với sự sống còn của Bầy
.
Con thọt hạ cố giải thích rõ. Điều nổi bật trong lời nói của nó là những chiến binh mùi đá là
lính chống stress xấu
. Có những loại stress tốt làm Bầy phát triển và chiến đấu. Và có những stress xấu làm cho Bầy tự hủy diệt…
Tất cả các thông tin không phải đều tốt để nghe. Một số thông tin gây kinh hoàng
trừu tượng
, mà chưa có giải pháp. Dó đó, Bầy lo lắng, nhưng bị ức chế, không thể phản ứng lại…
Như thế rất xấu cho tất cả mọi người. Bầy bắt đầu sản xuất những độc tố đầu độc nó. Sự sống còn
lâu dài
của Bầy quan trọng hơn sự hiểu biết thực tế
ngắn hạn
. Nếu một con mắt đã thấy điều gì mà đầu não biết là nguy hiểm cho phần còn lại của cơ thể, tốt hơn hết là đầu não nên móc con mắt đó...
Con béo tiếp lời con thọt để tóm tắt những lời thông thái này:
Chúng ta đã móc mắt,
Chúng ta đã cắt tác nhân kích thích thần kinh,
Chúng ta đã ngăn sự kinh hoàng.
Những chiếc râu nhấn mạnh, chỉ rõ là tất cả mọi cơ thể đều được trang bị loại cơ chế an toàn song song này. Những con không có sẽ chết vì sợ hãi hoặc tự sát để không phải đối đầu với thực tế kinh hoàng.
56 khá ngạc nhiên nhưng không lúng túng. Đúng là pheromon giả dối! Nếu chúng muốn giấu sự tồn tại của vũ khí bí mật, thì dù sao cũng quá muộn rồi. Mọi người đều biết rằng La-chola-kan là nạn nhân trước tiên của nó, cho dù về mặt công nghệ, bí ẩn vẫn còn nguyên…
Hai con chiến binh, vẫn bình tĩnh, không hề nới lỏng chân đang ghì chặt con cái. Đối với La-chola-kan, mọi người đã quên; chiến thắng đã giảm bớt sự tò mò. Hơn nữa, chỉ cần hít mạnh trong hành lang, không có chút mùi độc tố nào cả. Toàn Bầy yên bình trong ngày trước lễ Hồi sinh này.
Vậy thì chúng muốn gì ở nó? Tại sao chúng kẹp đầu nó thế này?
Trong lúc đuổi bắt ở những tầng dưới, con thọt đã phát hiện ra con kiến thứ ba. Một chiến binh. Số nhận dạng của nó là gì?
Đó là lý do tại sao chúng không giết nó ngay lập tức! Giả vờ trả lời, con cái cắm sâu hai đầu râu của mình vào mắt con béo. Bị mù bẩm sinh cũng không ngăn nó cảm thấy cực kỳ đau được. Về phần con thọt, sững sờ, nó buông lỏng gần hết các chân.
Con cái chạy và bay để chuồn đi nhanh hơn. Cánh của nó làm cuốn lên một đám mây bụi đánh lạc hướng những kẻ đuổi theo nó. Nhanh lên, nó phải đến được mái vòm.
Nó vừa suýt chết. Bây giờ nó sẽ bắt đầu một cuộc sống khác.
Trích diễn văn kiến nghị chống tổ kiến đồ chơi, do Edmond Wells đọc trước ban điều tra của Quốc hội:
Hôm qua, tôi thấy trong các cửa hàng loại đồ chơi mới này để tặng cho trẻ em vào dịp Noel. Đó là những hộp bằng nhựa trong suốt, đầy đất với sáu trăm con kiến bên trong và đảm bảo là có một kiến chúa đẻ trứng.
Người ta thấy chúng làm việc, đào, chạy.
Đối với một đứa trẻ, thật quyến rũ. Như thể người ta tặng cho nó một thành phố. Ngoại trừ việc những người dân đều tí hon. Như là hàng trăm con búp bê nhỏ di động và có quyền tự do.
Thú thực, bản thân tôi cũng có những tổ kiến như thế. Đơn giản là vì trong khuôn khổ công việc của nhà sinh học, tôi tự nghiên cứu chúng. Tôi đặt chúng trong những bể cá được bịt kín bằng các tông thoáng khí.
Tuy nhiên, mỗi lần đứng trước tổ kiến của mình, tôi đều có một cảm giác kỳ lạ. Như là tôi có quyền tuyệt đối trong thế giới của chúng. Cứ như tôi là Thượng đế của chúng…
Nếu tôi muốn không cho chúng ăn, kiến của tôi sẽ chết hết; nếu tôi hứng lên làm mưa, tôi chỉ cần đổ vào bình tưới một lượng tương đương với một cốc nước và tưới lên tổ của chúng; nếu tôi quyết định tăng nhiệt độ xung quanh chúng, tôi chỉ cần đặt chúng lên lò sưởi; nếu tôi muốn bắt cóc một con để nghiên cứu nó dưới kính hiển vi, tôi chỉ cần lấy nhíp và thọc nó vào bể cá; và nếu tôi nảy hứng giết chúng, sẽ chẳng có sự phản kháng nào. Chúng còn không hiểu được chuyện gì xảy ra với mình.
Tôi đã nói với các Ngài điều này, đó là một quyền lực thái quá mà chúng ta có đối với những con vật này, duy chỉ vì hình dáng chúng nhỏ bé.
Tôi, tôi không lạm dụng điều đó. Nhưng tôi hình dung một đứa trẻ… nó cũng thế, nó có thể gây ra những việc như thế cho chúng.
Đôi khi tôi có một ý nghĩ ngốc nghếch. Khi nhìn những tổ cát này, tôi tự nhủ: và nếu đó là tổ của chúng ta? Nếu chúng ta cũng bị nhốt trong một cái bể cá nhà tù nào đó và bị một loài khổng lồ khác giám sát?
Nếu như Adam và Eva là hai vật thí nghiệm được đặt trong một bối cảnh nhân tạo, để ‘xem’ sao?
Nếu như tội đuổi khỏi thiên đàng mà Kinh thánh nói tới chỉ là một sự thay đổi bể cá nhà tù?
Nếu như trận Đại hồng thủy, sau chót, chỉ là một cốc nước mà một ông Chúa lơ là hay tò mò rót vào?
Không thể thế được, các ngài sẽ nói với tôi như thế? Ai mà biết được… Sự khác nhau duy nhất có thể là những con kiến của tôi bị giữ lại bởi các thành bể bằng kính và chúng ta được giữ lại bởi một lực vật lý: lực hút Trái đất!
Thế nhưng, những con kiến của tôi rạch được tấm bìa, nhiều con đã trốn thoát. Còn chúng ta, chúng ta đã phóng được tên lửa ra khỏi lực hấp dẫn.
Trở lại với tổ kiến trong bể cá. Như vừa rồi tôi đã nói với các ngài, tôi là một ông thánh cao thượng, khoan dung, và thậm chí hơi mê tín. Thế nên tôi không bao giờ làm bề tôi của mình đau đớn. Tôi không làm với chúng điều mà tôi không thích người ta làm với mình.
Nhưng hàng nghìn tổ kiến bán vào dịp Noel sẽ biến những đứa trẻ thành chừng đó các ông thánh con. Liệu chúng có cao thượng và khoan dung như tôi không?
Chắc chắn, phần lớn chúng sẽ hiểu rằng mình đang chịu trách nhiệm về một thành phố và điều đó cho chúng quyền nhưng cũng bao gồm cả những nghĩa vụ thần thánh: nuôi lũ kiến, cho chúng ở nhiệt độ chuẩn, không vì ý thích mà giết chúng.
Tuy nhiên, những đứa trẻ, và tôi đặc biệt nghĩ tới những trẻ còn rất nhỏ chưa có trách nhiệm, chịu nhiều điều phiền lòng: học kém, bố mẹ cãi nhau, đánh nhau với bạn. Trong một lúc giận dữ, chúng rất có thể quên nghĩa vụ ‘thánh trẻ’ của mình, và tôi không dám hình dung số phận của những kẻ ‘bị trị’…