Chương 4 - 1
-
Lễ tế mùa xuân
- Lục Thu Trà
- 6761 chữ
- 2020-05-09 04:18:20
Số từ: 6771
Người dịch: Mỹ Linh
Phát hành: Pavicobooks
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Văn học
Biết cần phải chết chừ, lữa lần chi lâu!
Nhắn người quân tử chừ, nghìn đời về sau:
Cùng loài người chúng ta chừ, họa là thương nhau!
Trích trong bài thơ Cửu chương - Hoài sa,
người ta cho rằng đây là tác phẩm Khuất Nguyên sáng tác trước khi trầm mình dưới sông, là thơ tuyệt mệnh của ông. Bản dịch của Nhượng Tống.
--1--
Mấy ngày qua đã xảy ra ba vụ án mạng, người chết lần lượt là Chung phu nhân, Bạch tiên sinh và Quan Giang Ly. Mà theo di ngôn của Quan Giang Ly thì hiện giờ huynh muội Chung thị cũng đang gặp nguy hiểm. Bởi vậy nhất định phải mau chóng ngăn cản hung án tiếp tục xảy ra. Trước mắt trở ngại lớn nhất trong suy luận chính là vụ án mạng của Chung phu nhân. Bởi vì hung thủ đã biến mất trước mắt của tất cả mọi người.
Dựa theo vết máu trên cỏ trước cửa nhà kho thì có thể suy luận được thời gian xảy ra hung án. Khi ta và Lộ Thân đi qua đó tới bên suối, bãi cỏ còn chưa có vết máu. Khi Quan Giang Ly và Chung Hội Vũ đi qua đó cũng không thấy có gì bất thường. Mà ngay khi bọn họ đi qua, chỉ có một con đường để hung thủ thoát thân, và con đường ấy lại được Chung Triển Thi và Quan Nhã Anh giám thị - tức là, từ lúc đó, hung thủ đã không có cơ hội rời khỏi hiện trường.
Vậy thì chúng ta hãy thay đổi lối tư duy, phải chăng trước khi Quan Giang Ly và Chung Hội Vũ đi qua bãi cỏ kia thì hung thủ đã rời đi từ lối vào hẻm núi rồi? Nói theo cách khác, hung án xảy ra sớm hơn một chút. Ta vốn tưởng rằng điều này là không thể, nhưng sau khi nghe Lộ Thân thuật lại di ngôn của Quan Giang Ly, cuối cùng ta cũng hiểu ra chân tướng của sự việc. Nhưng trước khi đưa ra lời giải đáp, ta muốn xác nhận một chuyện với Hội Vũ trước.
Vu Lăng quân muốn hỏi điều gì?
Hội Vũ muội muội, ta hỏi câu này không hề óc ác ý, bởi vậy mong muội không cần kiêng kỵ gì cả. Kỳ thực sau khi vụ án xảy ra, ta đã lờ mờ đoán được - Hội Vũ, xin hãy thành thật trả lời ta, muội không thể phân biệt được màu đỏ và màu xanh lục đúng không?
Muội…
Sở dĩ ta nghĩ tới điểm này, là bởi ‘một phản ứng khác thường’ của muội vào ngày hôm ấy. Sau khi ta và Lộ Thân phát hiện thi thể, muội và Giang Ly cũng chạy tới trước cửa. Khi đó, muội đứng ở cạnh bãi cỏ nhưng lại hỏi ta một câu - muội nói:
Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?
Giờ ngẫm lại đây đúng là một câu hỏi kỳ lạ. Giả sử muội nhìn thấy vết máu trên bãi cỏ thì hẳn là sẽ không hỏi như vậy đúng không? Hơn nữa với tính cách của muội, nếu nhìn thấy vết máu thì phải hoảng sợ mới đúng. Nhưng muội lại hỏi như vậy, ta đành suy đoán là muội không thể phân biệt được màu đỏ và màu xanh, nên khi đó muội mới không chú ý tới vết máu trên bãi cỏ.
Đúng, muội không thể phân biệt được hai loại màu sắc này.
Thế nên giả sử lần đầu tiên muội và Giang Ly đi qua bãi cỏ, nơi đó đã có vết máu, muội cũng sẽ không chú ý tới nó, đúng không?
Nhưng khi ấy, Giang Ly tỷ cũng…
Khoan đã Quỳ.
Lộ Thân không khỏi lên tiếng,
Lúc đó Giang Ly tỷ phải thấy vết máu rồi mới đúng. Ta và tỷ ấy sống bên nhau nhiều năm như vậy, chưa từng phát hiện tỷ ấy có vấn đề gì trong việc nhận biết màu sắc. Thế nên giả thiết của ngươi vốn không thể thành lập.
Chỉ là sự bất thường trong việc nhận biết màu sắc mà thôi, nếu cố gắng che giấu thì người thân sớm chiều ở chung cũng chưa chắc đã phát hiện được.
Quỳ nói,
Sau đây ta sẽ chứng minh cho ngươi thấy, Quan Giang Ly quá cố chắc chắn cũng không phân biệt được màu đỏ và màu xanh. Ngoài ra, ta cũng sẽ giải thích cho ngươi lý do tại sao các nàng ấy không thể phân biệt được hai màu sắc này.
Vô lý, đúng là vô lý đến cùng cực! Quỳ, ngươi bệnh quá nặng rồi, không gặp được những danh y như Du Phụ, Biển Thước thật đúng là bất hạnh!
Lộ Thân, xin hãy kiên nhẫn nghe ta nói tiếp. Ta làm vậy cũng chỉ để ngăn cản hung án tiếp tục xảy ra. Nếu ngươi không thể đưa ra ý kiến nào có giá trị thì hãy tạm thời ngậm miệng lại đi.
Quỳ nói,
Nhưng bắt đầu từ bây giờ, ta không thể không đưa ra một số vấn đề nhìn như không liên quan gì đến chuyện này, nếu không người ngốc nghếch như Lộ Thân không thể nào hiểu được ý định của ta. Vấn đề sau đây ta mong sẽ được Triển Thi hồi đáp - Lúc hấp hối, Giang Ly đã nói, ‘Lễ tế lần này không giống trước kia’, bởi vậy ta muốn hỏi huynh, rốt cuộc lễ tế lần này có điểm gì khác với trước kia?
Ta không hiểu ý ngươi.
Chung Triển Thi đánh trống lảng.
Sao huynh lại không hiểu ý ta chứ?
Quỳ tiếp tục truy hỏi,
Trước đây vị thần được tế bái trong lễ tế luôn là Đông Hoàng Thái Nhất, nhưng lần này vị thần được tế bái hình như không giống trước kia. Vậy ta hỏi huynh thế này nhé, vị thần mà Chung phu nhân định tế bái lần này không phải Đông Hoàng Thái Nhất mà là Đông Quân đúng không?
Thế thì sao nào?
Chung Triển Thi hỏi vặn lại, nhưng thực tế hắn đã trả lời câu hỏi của Quỳ.
Quả nhiên ta đoán không lầm.
Đúng là vậy ư?
Quan Vô Dật quay sang chất vấn Chung Triển Thi,
Tại sao ta lại không biết gì cả. Khoa Nhi, tại sao Khoa Nhi muội ấy phải làm như vậy?
Mẫu thân luôn tin rằng, Thái Nhất là một vị thần ngoại lai, còn Đông Quân mới là vị thần chỉ thuộc về đất Sở, là vị thần mà người Sở thực sự nên tôn thờ. Bởi vậy mẫu thân cho rằng nên khôi phục việc tế bái Đông Quân.
Hoang đường! Thảo nào lại có tai họa như vậy giáng xuống!
Quan Vô Dật giận dữ quay người đối mặt với Quỳ, hỏi:
Làm thế nào mà Vu Lăng quân nhận ra được?
Ngài không nhận ra thật ư?
Quỳ giải thích,
Ta thấy có đủ loại dấu hiệu chứng tỏ vị thần được tế bái lần này là Đông Quân. Ngay trong bữa tiệc vào tối hôm trước, Chung phu nhân đã nói rõ quan điểm của mình, nhưng hình như mọi người đều không lưu tâm. Bà ấy nói,’Thực ra từ xưa tới nay, Đông Quân luôn là một bị thần lệ thuộc, được tế bái cùng với Đông Hoàng Thái Nhất, nhưng sau khi đọc kỹ Cửu ca
, ta cũng cho rằng lẽ ra địa vị của ngài ấy phải đặc biệt hơn một chút.’ Bà ây còn nói, ‘Có lẽ từ thuở ban sơ, Đông Quân đã từng được thờ phụng như Chủ thần.
Bà ấy đã dựa theo bài thơ Đông Quân
trong Cửu ca
để đưa ra những kết luận trên. Kết hợp với ghi chép trong Cửu ca,
những hành động của Chung phu nhân trước khi bị sát hại cũng được giải thích một cách hợp lý - Thực ra bà ấy đang chuẩn bị tế bái Đông Quân.
Đầu tiên là nhạc cụ. Chung phu nhân từng chỉ ra rằng, ‘Theo ghi chép của Cửu ca
thì khi tế bái Đông Hoàng Thái Nhất chỉ dùng đến trống, khèn, đàn sắt. Còn khi tế bái Đông Quân thì lại dùng đến năm loại nhạc cụ: đàn sắt, trống, chuông, sáo, khèn.’ Điều này có thể giải thích hai vấn đề: Thứ nhất, tại sao Chung phu nhân lại đi xem thử dàn chuông cổ mà không ai động đến trong nhiều năm ở nhà kho; thứ hai, tại sao bà ấy lại phải mang một cây sáo lỗ về đây - Bởi vì ngày xưa tế bái Đông Hoàng Thái Nhất thì không cần dùng tới hai loại nhạc cụ ấy, nhưng lần này bà ấy định tế bái Đông Quân theo ghi chép trong Cửu ca
, nên nhất định phải chuẩn bị chúng từ trước.
Chưa hết, còn bộ y phục trên màu xanh dưới màu trắng trong số di vật của bà ấy. Theo lời Chung Hội Vũ thì bộ y phục này ‘mới may xong trước khi xuất phát từ Trường An tới đây’, hơn nữa Chung phu nhân còn chưa mặc bao giờ. Nhưng trước ngày bị sát hại, bà ấy lại cố ý lấy bộ y phục này ra khỏi hành lý. Theo suy đoán của ta thì bộ y phục này thực ra lễ phục dùng trong lễ tế. Trong bài Đông Quân
thuộc Cửu ca
có một câu: ‘Áo mây xanh a xiêm ráng bạc’
, e là Chung phu nhân đã dựa theo câu thơ này để suy ra lễ phục khi tế bái Đông Quân phải là trên màu xanh dưới màu trắng. Bộ y phục này hẳn sẽ được Vu nữ mặc vào khi tế bái thần linh, ta nghĩ, Vu nữ ấy chính là Quan Giang Ly. Bởi vì vào đêm mà Chung phu nhân lấy ra bộ quần áo ấy, ta và Lộ Thân đã nhìn thấy bức thư mà Quan Giang Ly và Chung Triển Thi trao đổi với nhau tại nơi ở của Quan Giang Ly…
Chuyện này, xin đừng nên nói ra.
Chung Triển Thi tái mặt cầu xin.
Để ngăn cản hung án tiếp tục xảy ra, ta nhất định phải nói tiếp. Thư từ qua lại của họ được viết trên một tấm thẻ tre. Chung Triển Thi viết cho Quan Giang Ly là: ‘Lục hề y hề, lục y hoàng lý. Tâm chi ưu hĩ, hạt duy kỳ dĩ.’
Còn Giang Ly hồi âm là: ‘Thanh thanh tử khâm, du du ngã tâm. Túng ngã bất vãng, tử ninh bất tự âm.’
Đây đều là nhưng câu thơ trong Kinh Thi
, nhưng bọn họ viết vậy không liên quan gì đến nghĩa đen trong Kinh Thi
, mà chỉ dùng Kinh Thi
để chuyển tải một loại ám hiệu nào đó.
Xin đừng nói tiếp nữa…
‘Lục hề y hề’
và ‘Thanh thanh tử khâm’
đều để chỉ bộ y phục phần trên màu xanh phần dưới màu trắng, Chung Triển Thi viết hai câu thơ ấy, thực ra là đang hỏi Quan Giang Ly có đồng ý mặc nó trong lễ tế hay không. Mà hai câu thơ Quan Giang Ly hồi âm tỏ vẻ đồng ý, cho đối phương biết bản thân cũng tôn thờ Đông Quân, bởi vậy chấp nhận mặc bộ y phục đó để tham gia tế bái.
Quỳ nói rồi đưa mắt nhìn Chung Triển Thi đã lộ vẻ dữ dằn.
Ta nói có đúng không?
Đúng.
Nhưng Vu Lăng Quỳ, những điều ngươi nói có liên quan gị đến khả năng nhận biết màu sắc của Giang Ly tỷ?
Lộ Thân hỏi một câu sắc bén.
Khi nãy ta đã đưa ra một kết luận đấy thôi - Giang Ly tôn thờ Đông Quân. Xin ngươi hãy nhớ kỹ kết luận này, lát nữa khi ta trình bày về khả năng nhận biết màu của Giang Ly thì sẽ dùng đến nó.
Sau đó Quỳ nói tiếp,
Đồng thời ta còn biết một chuyện, đó là Quan Giang Ly và Chung Hội Vũ đều từng tiếp xúc với ‘học thuyết Ngũ Hành’.
Đó là…
Chung Hội Vũ nghi hoặc hỏi.
Tương truyền rằng học thuyết Ngũ Hành là một bộ lý luận mà Thiên Đế trao tặng cho Hạ Vũ(1), từng do thứ huynh của Thương Trụ vương(2) là Vi Tử Khải truyền thụ cho Chu Vũ vương(3). Sau này nội dung truyền thụ được chỉnh lý thành thiên Hồng phạm
trong Thượng Thư
(4). Tiếp đó, dựa trên cơ sở của Hồng phạm,
các học giả thời Xuân Thu Chiến Quốc và các kinh sư của bản triều đã bổ sung vào học thuyết Ngũ Hành, dần dần hình thành một hệ thống phức tạp và vĩ đại. Hiện nay mối quan hệ tương sinh tương khắc giữa kim, mộc, thủy, hỏa, thổ đã trở thành thường thức. Mà phương hướng, mùa, màu sắc, âm luật, mùi vị, nội tạng, đức hạnh, khí tượng, thiên tai tương ứng với chúng cũng dần được người ta hiểu rõ. Thứ có liên quan đến sự việc lần này chính là ‘mộc’. Phương hướng tương ứng với mộc là phương Đông, mùa tương ứng là mùa xuân, màu sắc tương ứng là màu xanh. Chữ ‘xanh’ này có lúc chỉ màu xanh lam, có lúc chỉ màu xanh lục, đôi khi lại chỉ màu xanh đen, ta nghĩ ở đây nên được hiểu là màu xanh lục. Bởi vì màu sắc tương ứng với ‘thủy’ là màu đen nên chữ ‘xanh’ ở đây không thể chỉ màu xanh đen được. Mà nếu xanh là màu tương ứng với ‘mộc’, dường như cây cối rất ít khi có màu xanh lam. Bởi vậy nên hiểu ‘xanh’ ở đây thành màu xanh lục là hợp lý nhất.
(1) Thường được gọi là Đại Vũ, là một vị vua huyền thoại ở Trung Quốc thời cổ đại.
(2) Vị vua cuối cùng đời nhà Thương của lịch sửa Trung Quốc.
(3) Tên thật là Cơ Phát, là vị Quân chủ sáng lập triều đại nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc.
(4) Tức Kinh Thư, là một bộ phận trong bộ sách Ngũ Kinh của Trung Quốc, ghi lại các truyền thuyết, biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử. Khổng Tử san định lại để các ông vua đời sau nên theo gương các minh quân như Nghiêu, Thuấn chứ đừng tàn bạo như Kiệt, Trụ.
Nhưng Vu Lăng tỷ tỷ, muội… chưa từng tiếp xúc với học thuyết này.
Chung Hội Vũ ngắt lời Quỳ.
Không, muội đã tiếp xúc rồi, chẳng qua chính muội không ý thức được mà thôi.
Vu Lăng Quỳ, ngươi dựa vào đâu mà suy đoán như vậy?
Lộ Thân hỏi.
Đơn giản thôi, chính là bài hát Thanh Dương. Thanh Dương
là một trong mười chín bài hát tế lễ, là bài hát miêu tả mùa xuân, với câu cuối cùng là ‘Duy xuân chi kỳ’
. Trong số các bài hát tế lễ còn có ba bài khác lần lượt tương ứng với ba mùa hạ, thu, đông. Tương ứng với hạ là bài Chu Minh
, tương ứng với đông là bài Huyền Minh
. Trong học thuyết Ngũ Hành, ‘hỏa’ tương ứng với mùa hạ, màu sắc là màu đỏ; còn ‘thủy’ tương ứng với mùa đông và màu đen. Hội Vũ muội muội, ta nói tới chắc muội cũng hiểu rồi, những bài hát tế lễ vốn được sáng tác dựa trên học thuyết Ngũ Hành, bởi vì hát Thanh Dương
nên muội đã vô tình được tiếp xúc với học thuyết này. Mà sáng hôm qua khi ở bên suối, muội nói với ta rằng ‘Giang Ly tỷ cũng biết hát bài đó’, cho nên có thể suy ra Giang Ly tỷ cũng từng tiếp xúc với học thuyết Ngũ Hành.’
Vậy rốt cuộc điều này có liên quan gì đến khả năng phân biệt màu sắc của Giang Ly tỷ?
Có liên quan. Sau đây ta sẽ lập luận về vấn đề này - Tất cả những người tôn thờ Đông Quân và từng tiếp xúc với học thuyết Ngũ Hành nhất định sẽ biến thành người mù hai màu đỏ, xanh.
Lý luận quái quỷ gì thế này? Vu Lăng Quỳ, ngươi đã bệnh đến hết thuốc chữa rồi!
Được rồi, xin hãy để ta nói hết, nếu ngươi có giả thuyết ổn hơn thì ta cũng sẵn sàng lắng nghe, nhưng ta luôn cho rằng, với tri thức của ngươi thì vốn chẳng thể đưa ra kết luận gì hết. Bây giờ ta sẽ trả lời câu hỏi của ngươi, tuy có lẽ nó không phải một câu hỏi. Ngươi hỏi ta ‘Lý luận quái quỷ gì thế này’, vậy ta nói cho ngươi biết, suy nghĩ của ta là thế này…
Quỳ trầm tư một thoáng rồi nói tiếp,
Như vậy đi, ngươi trả lời một câu hỏi của ta trước, sau đó ta sẽ nói tiếp. Ta hỏi ngươi, Mặt trời có màu gì?
Gì cơ?
Tuy bây giờ không nhìn thấy nhưng ngươi đã sống lâu như vậy, kiểu gì cũng phải thấy Mặt trời rồi chứ. Nếu câu hỏi này ngươi cũng không trả lời được thì xin ngươi sớm hãy nhảy sông tự vẫn đi thôi.
Màu trắng!
Lộ Thân giận giữ trả lời, suy nghĩ một thoáng lại nói thêm:
Thỉnh thoảng cũng có màu đỏ…
Tốt lắm, vậy ‘Đông Quân’ là một vị thần thế nào?
Ngươi chỉ cần ta trả lời một câu hỏi, khi nãy ta đã trả lời rồi. Bây giờ xin hãy cho ta được giữ im lặng.
Đông Quân là thần Mặt trời.
Quỳ trả lời câu hỏi của chính mình, rồi nói tiếp,
Trong bài Đông Quân
thuộc Cửu ca
có nói khi tế bái Đông Quân thì phải mặc ‘áo mây xanh, xiêm ráng bạc’
. Bởi vì đôi khi nhìn mặt trời có màu trắng nên khi tế bái mặc y phục trắng là cực kỳ hợp lý. Nhưng tại sao phải mặc ‘áo mây xanh’ đây? Lộ Thân không thấy kỳ lạ ư?
Ta nghĩ, vì Khuất Nguyên đã chịu ảnh hưởng của học thuyết Ngũ Hành nên mới viết như vậy trong Cửu ca
. Nói thế chắc ngươi cũng hiểu rồi. Cái tên ‘Đông Quân’ này khiến Khuất Nguyên liên tưởng đến ‘mộc’ trong học thuyết Ngũ Hành. Mà trong học thuyết Ngũ Hành thì mộc tương ứng với phía Đông, lại tương ứng với màu xanh, bởi vậy Đông Quân - vị thần Mặt trời đã được khoác lên màu sắc mới - Màu xanh.
Bởi vậy ta đưa ra suy luận thế này: Tất cả những người tôn thờ Đông Quân và đã từng tiếp xúc với học thuyết Ngũ Hành nhất định đều không thể phân biệt được hai màu đỏ và xanh lục.
Ta đoán rằng, khi bọn nhìn thất Mặt trời thì sẽ coi Mặt trời thành Đông Quân, lại nghĩ đến màu sắc tương ứng với phương Đông, bởi vậy trong mắt họ thì Mặt trời sẽ biến thành xanh lục. Tiếp đó họ sẽ nhìn tất cả màu đỏ thành màu xanh lục. Chung Hội Vũ là như vậy, mà Quan Giang Ly quá cố hẳn cũng như thế.
Ngươi không được sỉ nhục tỷ tỷ của ta!
Lộ Thân nắm lấy vạt áo của Quỳ, đẩy nàng vào tường.
Lần trước khi ta định đánh ngươi thì bị Giang Ly tỷ ngăn lại. Nhưng giờ Giang Ly tỷ đã mất rồi, không ai có thể ngăn ta nữa. Vu Lăng Quỳ, nếu bây giờ ngươi biến mất khỏi tầm mắt ta thì có lẽ ta sẽ dừng tay. Cửa ở đằng kia, ngươi có thể rời khỏi Vân Mộng sau khi mưa tạnh, nhưng xin đừng bao giờ xuất hiện trước mắt ta nữa.
Ta không thể để mặc hung án tiếp tục xảy ra.
Vậy bây giờ ta sẽ giết ngươi.
Ta vừa lập luận rồi đấy, Quan Giang Ly và Chung Hội Vũ đều không thể phân biệt hai màu đỏ và xanh. Nên quay về giả thiết ban đầu của ta.
Quỳ phớt lờ lời lẽ và đôi tay của Lộ Thân, nói tiếp,
Thời gian xảy ra hung án còn sớm hơn chúng ta tưởng, sau khi ta và Lộ Thân đi qua bãi cỏ kia, trước khi Quan Giang Ly và Chung Hội Vũ đi qua đó thì Chung phu nhân đã bị sát hại. Khi ấy lối vào hẻm núi vẫn chưa có ai giám thị, hung thủ có thể dễ dàng trốn thoát. Vậy rốt cuộc ai là người có thể sát hại Chung phu nhân?
Hôm qua ngươi đã nói rồi, không ai có khả năng phạm tội một mình. Khi ấy phụ thân đang ở cạnh Bạch tiên sinh, mẫu thân đang ở cùng người hầu trong nhà, biểu ca và biểu muội đang ở cùng nhau, Giang Ly tỷ ở bên Nhã Anh tỷ, ta ở cùng ngươi… À, quả thực có người gây án được, đây đúng là hung thủ mà chúng ta không ngời tới. Ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha…
Lộ Thân cười to như người mất trí, bất giác buông vạt áo Quỳ ra.
Quả nhiên em lại bị nghi ngờ…
Tiểu Hưu than thở.
Tiểu Hưu không có động cơ.
Quỳ vừa sửa lại vạt áo xộc xệch vừa nói,
Thực ra bây giờ chúng ta chỉ cần bắt đầu từ động cơ giết người là có thể dễ dàng tìm ra hung thủ.
Ngươi không phải là hung thủ, làm sao biết được động cơ của hung thủ?
Lộ Thân dùng kiểu câu hỏi Trang tử
, đổi giọng nói:
Không, ta vẫn cho rằng ngươi chính là hung thủ giết người. Vậy nên ngươi mau nói cho mọi người biết động cơ sát hại người thân của ta đi, nếu lý do đủ buồn bã đau thương, có lẽ nhà chúng ta sẽ cho ngươi chết toàn thây.
Nam Hoa kinh hay còn gọi là Trang tử là cuốn sách triết học nổi tiếng thường được cho là của Trang Châu thời Chiến Quốc viết. Trong đó có câu: Ngươi không phải cá, sao biết được niềm vui của cá? - Hàm ý rằng chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ mọi chuyện, người ngoài cuộc không thể phỏng đoán được.
Giờ không phải là lúc nói đùa.
Ta không nói đùa.
Dù sao nếu ta nói tiếp thì Lộ Thân ngươi tự lo liệu đi.
Quỳ nói với vẻ bất đắc dĩ,
Thực ra động cơ giết người đã bày ra trước mắt chúng ta, chẳng qua ngươi làm như không thấy mà thôi. Di ngôn của Giang Ly đã nói quá rõ ràng - Lúc hấp hối, sau khi nói câu ‘Lễ tế lần này không giống trước kia’, tỷ ấy lại nói một câu ‘Bởi vậy cô mới bị giết’, tức là dưới cái nhìn của tỷ ấy, vì đối tượng tế bái thay đổi nên những vụ giết người mới xảy ra.
Thế nên?
Hay nói theo cách khác, hung thủ của những vụ án này là một kẻ tôn thờ Đông Hoàng Thái Nhất đến điên cuồng, không thể chấp nhận việc mấy người Chung phu nhân tự ý thay đổi đối tượng tế bái thành Đông Quân, cho nên mới bắt đầu giết người. Trong mắt hung thủ, Chung phu nhân và Quan Giang Ly đều là những kẻ dị đoan cần bị loại trừ, là những kẻ phản bội tín ngưỡng của người Sở, bởi vậy hung thủ mới sát hại lại bọn họ. Bên cạnh đó, huynh muội Chung thị tham dự vào kế hoạch cũng là mục tiêu mà kẻ đó định sát hại. Vậy ai sẽ là người có động cơ như thế đây?
Ai cũng có thể mà.
Vậy ta hỏi một câu khác, Bạch tiên sinh không liên quan gì đến lễ tế lần này, tại sao ông ấy cũng bị sát hại? Hơn nữa, rốt cuộc hai chữ ‘Tử khâm’ mà ông ấy viết trên đất có nghĩa là gì? Tại sao ông ấy không viết hẳn họ tên của hung thủ?
Ai biết được!
Lộ Thân, để ta cho ngươi biết nhé, Bạch tiên sinh bị diệt khẩu, bởi vì khi Chung phu nhân bị giết, ông ấy đã nói dối giúp kẻ khác, nên sau đó ông ấy mới bị kẻ kia sát hại. Mà khi bị hại, ông ấy không thể viết ra họ tên của hung thủ, vì dù ông ấy có viết đi chăng nữa thì chúng ta cũng sẽ không tin người kia chính là hung thủ, ngược lại sẽ nghi ngờ ông ấy tự sát vì muốn đổ tội cho người kia. Ta nói tới đây mà ngươi vẫn chưa hiểu ư, hung thủ chính là…
Im đi!
Thực ra Lộ Thân đã hiểu rồi.
Hung thủ chính là phụ thân ngươi, tộc trưởng gia tộc họ Quan - Quan Vô Dật!
Vì quá kinh sợ, nhất thời Lộ Thân không thể phản bác hay chửi rủa đối phương mà chỉ đờ đẫn nhìn Quỳ. Nàng vốn cho rằng một loại suy luận trước đó của Quỳ đều là bịa đặt, nên dù lúc này Quỳ có đưa ra kết luận gì chăng nữa thì nàng cũng chẳng bận tâm. Nhưng bây giờ nàng không thể không bận tâm, vì dẫu sao hung thủ mà Quỳ xác định lại chính là cha nàng…
Vu Lăng quân, ngươi đang nghiêm túc ư?
Quan Vô Dật lên tiếng,
Ngươi nên biết là vu cáo chủ nhân trong nhà người khác sẽ phải trả giá thế nào.
Ta không có ác ý với ngài mà chỉ đưa ra kết luận từ các chứng cứ có sẵn thôi.
Quỳ bình tĩnh đáp,
Chỉ ngài mới có lý do sát hại Bạch Chỉ Thủy, cũng chỉ khi hung thủ là ngài thì ông ấy mới không thể viết thẳng tên của hung thủ. Ông ấy viết ra hai chữ ‘Tử khâm’ với hy vọng chúng ta có thể dựa theo gợi ý ấy mà phát hiện ra đối tượng tế bái lần này thực ra là Đông Quân, vậy thì mọi câu đố đều có lời giải, thân phận của hung thủ cũng lộ ra rõ ràng.
Vậy cũng quá gượng ép.
Cuối cùng Lộ Thân cũng bình tĩnh lại sau cơn hoảng hốt, bắt đầu phản kích,
Toàn bộ suy luận của ngươi đều chỉ là vọng tưởng hão huyền. Liệu Giang Ly tỷ có thể phân biệt màu đỏ và màu xanh hay không, bây giờ không thể xác định được nữa. Tại sao Bạch tiên sinh lại viết hai chữ ‘Tử khâm’, có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết được. Ngươi toàn lấy những việc không thể kiểm chứng để làm chứng cứ, sao có thể khiến người khác tin phục được đây?
Ngay từ đầu ta cũng không mong có thể làm ai tin phục. Ta đã nói rồi, sở dĩ ta muốn đưa suy luận như vậy, chỉ hy vọng có thể ngăn cản hung án tiếp tục xảy ra. Vậy nên dù không có bất kỳ chứng cứ nào, ta cũng phải nói ra bằng được. Dù sao, giả thiết này có tồn tại, mà Quan Vô Dật thực sự có thể là hung thủ. Theo như di ngôn của Quan Giang Ly, hiện giờ huynh muội Chung thị đang gặp nguy hiểm, bởi vậy ta hy vọng sau khi nghe suy luận của ta, bọn họ có thể đề cao cảnh giác với người rất có thể là hung thủ - Quan Vô Dật. Mục đích của ta chỉ có vậy thôi. Còn liệu có đắc tội tộc trưởng gia tộc này hay không, ta cũng chẳng bận tâm. Dù sao ta sẽ mau chóng rời khỏi Vân Mộng, nơi này đã không còn thứ gì đáng để ta lưu luyến.
Lộ Thân, sao ngươi vẫn không hiểu, ta ở lại đây chỉ vì ngươi mà thôi. Nếu ngươi đối xử với ta như vậy, ta đành rời đi - Quỳ thầm than thở, nhưng cuối cùng thiếu nữ trước mắt cũng không hiểu được tấm lòng của nàng.
Lúc này, trong ánh mắt khi nhìn Quỳ của Lộ Thân, đã không có tình cảm gì khác mà chỉ còn lại sự thù hận.
Thực ra buổi chiều, Quỳ vốn định động tay động chân như ngày thường để dạy bảo Tiểu Hưu lười biếng một phen, sau đó lại từ từ an ủi Tiểu Hưu, cho Tiểu Hưu được thay quần áo sạch sẽ hoặc giúp Tiểu Hưu gột rửa tóc dính bùn bẩn. Nhưng khi ấy Tiểu Hưu lại mất bình tĩnh, bắt đầu nói ra cái lý thuyết
đạo đức nô lệ
, thế là nàng liền không thể kiềm chế mà ra tay quá nặng.
Quỳ thầm mong Tiểu Hưu ngày càng có chủ kiến hơn, có thể phản kháng lại mình. Vậy nên Quỳ mới bảo Tiểu Hưu đọc Luận ngữ
hay Hiếu kinh
. Hiếu kinh
đã ghi lại lời bàn của Khổng Tử:
Khi gặp những chuyện bất nghĩa, nếu do cha gây nên, phận làm con không thể không khuyên can cha; nếu do vua gây nên, phận bề tôi không thể không can gián vua.
Trong Luận ngữ
cũng viết rằng:
Vua lấy lễ để sai khiến bề tôi, bề tôi lấy lòng trung để thờ vua
Quỳ hy vọng
Tiểu Hưu có thể nhận ra rằng đôi khi mình đã quá nghiêm khắc với nàng, điều đó cũng không hợp với phép tắc, Tiểu Hưu cần phải phản kháng ở mức độ thích hợp. Nêu Tiểu Hưu chủ động cầu xin minh đừng làm vậy nữa, Quỳ nhất định sẽ dừng tay.
Theo bản dịch của Huỳnh Chương Hưng.
Tiếc rằng kể cả làm tỳ nữ thì Tiểu Hưu cũng quá vâng lời, còn chẳng biết xin tha thứ chứ đừng nói là phản kháng chủ nhân. Tuy Quỳ rất ỷ lại vào Tiểu Hưu nhưng cũng rất ghét sự vâng lời vô điều kiện của nàng, bởi vậy Tiểu Hưu càng ngoan ngoãn thì Quỳ càng ức hiếp nàng.
Nhưng những suy nghĩ của Quỳ, Lộ Thân không thể biết, cũng không thể hiểu được.
Suy đoán của Vu Lăng quân có cái lý của riêng nó.
Nhã Anh gối lên đầu gối Chung Triển Thi mở mắt ra, thong thả nói,
Tổ tiên nhà họ Quan đúng là có người không thể phân biệt được hai màu đỏ, xanh. Phải rồi, Hội Vũ, khả năng nhận biết màu sắc của phụ thân muội cũng khác hẳn người thường đúng không?
À… Đúng vậy.
Trong Biển Thước ngoại kinh
có viết, chướng ngại trong khả năng nhận biết màu sắc có liên quan đến huyết thống, thường do phụ thân truyền lại cho con gái. Nhưng với điều kiện là mẫu thân cũng mắc bệnh mù màu hoặc trên người có ‘dấu hiệu tiềm ẩn’ của bệnh mù màu. Hiện giờ chúng ta vẫn chưa hiểu rõ về nguyên lý hoạt động của ‘dấu hiệu tiềm ẩn’ này, nhưng có thể xác định rằng, trong gia tộc của nữ nhân ‘có dấu hiệu tiềm ẩn’ thường có người mù màu đỏ, xanh. Thế nên theo lý thuyết thì nếu Hội Vũ mắc bệnh mù màu, cô cũng có thể mắc bệnh mù màu hoặc có ‘dấu hiệu tiềm ẩn’, vậy thì Giang Ly đúng là có thể không phân biệt được hai màu đỏ, xanh.
Nhã Anh tỷ, sao tỷ có thể hùa theo lời của loại người này!
Có điều trong Biển Thước ngoại kinh
đã nhấn mạnh rằng, nếu con gái không thể phân biệt hai màu đỏ, xanh thì chắc chắn cha ruột cũng mắc bệnh này. Bởi vậy tuy Giang Ly không còn nữa nhưng chúng ta vẫn có biện pháp phán đoán khả năng nhận biết màu sắc của tỷ ấy. Tức là giả sử thúc phụ không có chướng ngại trong khả năng nhận biết màu sắc thì khả năng nhận biết màu sắc của Giang Ly chắc chắn cũng bình thường.
Chú, em của cha - ở đây chỉ Quan Vô Dật.
Nhã Anh bình tĩnh trần thuật.
Ra là như vậy. Xem ra học thức của ta trên phương diện này vẫn còn chưa đủ. Nhưng Nhã Anh à, ta nghĩ thúc phụ của tỷ cũng không thể phân biệt được hai màu sắc này, nên sau khi hành hung ông ấy mới không dọn sạch vết máu trên bãi cỏ - Có thể ông ấy vốn không hề chú ý tới vết máu.
Có thật là như vậy không?
Bấy giờ Quỳ mới nhớ lại, khi đến hiện trường, Quan Vô Dật luôn cố gắng tránh khỏi vết máu trên bãi cỏ. Nàng buồn bã lắc đầu, như đang thừa nhận thất bại của bản thân.
Xem ra cuối cùng Vu Lăng quân cũng nhớ ra rồi. Ta có thể cam đoan thúc phụ nhất định có thể phân rõ hai màu sắc này, bởi vậy Giang Ly cũng có thể. Nên tóm lại suy luận của ngươi không thể thành lập. Huống chi suy luận của ngươi đều dựa trên mối liên hệ tất yếu giữa Đông Quân và chướng ngại trong khả năng nhận biết màu sắc. Ta đã phá tan căn cứ của ngươi bằng Biển Thước ngoại kinh
, bởi vậy giả thiết của ngươi cũng không thể thành lập.
Nhưng ngoại trừ huyết thống, có lẽ kiểu chướng ngại nhận biết màu sắc này cũng có nguyên do khác chứ? Tỷ chỉ nói tới vấn đề trong phạm trù sinh lý, còn ta thì hoàn toàn căn cứ vào phạm trù tín ngưỡng. Nhã Anh, tỷ cũng không thực sự chứng minh được ta sai.
Thật ư? Vậy thế này đi, chúng ta lại tìm một người vừa tôn thờ Đông Quân vừa từng tiếp xúc với học thuyết Ngũ Hành, thử xem người đó có mắc loại bệnh như ngươi miêu tả hay không?
Tìm ở đâu bây giờ?
Vu Lăng quân, hình như ngươi đã quên, trước mặt ngươi có một người như vậy. Ta cũng tôn thờ Đông Quân, hơn nữa còn học lễ cổ, nhất định phải từng tiếp xúc với học thuyết Ngũ Hành. Bởi vậy đây cũng không phải chuyện không thể kiểm chứng, chỉ cần kiểm tra khả năng nhận biết màu sắc của ta, là có thể chứng tỏ giả thiết của ngươi có thể thành lập hay không.
… Vậy kết luận là?
Ta có thể phân biệt hai màu sắc này. Chắc chắn suy luận của ngươi đã sai lầm.
Nhã Anh trả lời,
Hơn nữa Vu Lăng quân à, đừng nói ‘Nơi này đã không còn thứ gì đáng để lưu luyến’, Lộ Thân vẫn còn sống, tuy lúc này các ngươi đang giận nhau, nhưng biết đâu mấy hôm nữa các ngươi lại làm lành. Với ta mà nói, sợ rằng thế gian này đã không còn người nào, chuyện gì khiến ta chờ mong. Ký Y tỷ mất rồi, Giang Ly tỷ cũng qua đời, mà ta lại vẫn còn sống. Lộ Thân, thực ra bây giờ tỷ rất hâm mộ muội, nhưng muội hoàn toàn không biết quý trọng những gì mình đang có. Điều này khiến tỷ cực kỳ thất vọng. Vu Lăng quân, trước khi hai người làm lành, ta không cho phép ngươi rời đi. Ta nghe Triển Thi ca nói rằng, cô muốn giao Lộ Thân cho ngươi. Giờ đó đã là di nguyện của cô, chắc thúc phụ sẽ không phản đối nữa đâu?
Nhã Anh tỷ, tỷ không thấy nàng ta vừa…
Tỷ tin Vu Lăng quân không có ác ý. Lộ Thân, đừng tùy hứng nữa. Giờ tỷ rất hối hận, nếu vui vẻ ở bên Giang Ly sớm hơn mấy năm thì tốt biết bao. Nhưng hiện tại tất cả đều đã muộn rồi.
Từ giọng điệu của Quan Nhã Anh, có thể nhận ra trái tim nàng đã chết rồi. Sợ là nàng không gượng dậy được mà tạ thế khi tuổi còn xanh, giống như hai vị đường tỷ. Quỳ thấy vô cùng bi ai, lại biết bản thân không thể ngăn cản chuyện đó xảy ra, nàng giấu đi nỗi niềm, khỏa lấp tiếng thở dài bằng hơi thở nặng nề. Thế rồi, Quỳ lại bắt đầu lo cho Lộ Thân, sợ rằng vì mình mà Lộ Thân trở nên lạnh lùng, đa nghi, cũng sợ nàng vội quyết định chuyện tương lai khi đang giận dỗi.
Nhưng chuyện đã nói tới nước này, dù sao Quỳ cũng phải cân nhắc cho tình cảnh của mình.
Liệu bản thân có thể một mình rời khỏi Vân Mộng trạch một cách an toàn không? Quỳ nhìn màn mưa ngoài cửa, lại bắt đầu phiền muộn: Không có người dẫn đường, liệu nàng có thể băng qua núi rừng đầy nguy hiểm để về kinh thành hay không? Nàng hơi hối hận vì hôm nay đã hiếu thắng nói mình sẽ lập tức rời đi nơi này.
Lộ Thân, sau khi ra đi rồi, xin hãy chăm sóc Tiểu Hưu.
Quỳ rầu rĩ nói,
Ta muốn giao em ấy cho ngươi, ta mong khi ở bên ngươi, em ấy sẽ giống một người bình thường hơn, vì ngươi rất bình thường, chính là tấm gương để em ấy noi theo. Ta cũng hy vọng khi không có em ấy ở bên, ta sẽ thay đổi. Nhã Anh tỷ tỷ, cảm ơn tỷ đã lo cho ta và Lộ Thân, kỳ thực ta còn lo cho tỷ hơn. Với tỷ mà nói thì Vân Mộng trạch chứa đầy ký ức đau thương, sợ rằng nếu tỷ tiếp tục sống ở đây thì khó tránh hằng ngày đắm chìm trong nỗi bi ai, lâu ngày thân thể của tỷ không thể chịu được. Nếu có thể, ta muốn tỷ trở về thành Trường An với ta. Hôm trước ta có nghe Giang Ly tỷ tỷ nói, tỷ và Giang Ly tỷ vẫn đang tìm cách thoát khỏi cuộc sống bình thường. Giang Ly tỷ đã qua đời, nhưng ít nhất mong tỷ hãy hoàn thành di nguyện của tỷ ấy. Ở Trường An sẽ có nhiều cơ hội để thoàn thành mong muốn của hai người. Nếu tỷ không muốn phụ lòng của Giang Ly tỷ thì xin hãy thử cân nhắc đề nghị của ta. Không cần trả lời ngay lập tức. Hôm nay đã muộn rồi, ta không thể đi khỏi đây. Nếu tỷ đồng ý, xin hãy thu xếp đồ đạc, sáng mai chúng ta sẽ lên đường.
Đây là phương án tốt nhất mà Quỳ có thể nghĩ ra.
Tiểu thư, em…
Tiểu Hưu, ta biết em định nói gì… Hôm nay em hãy theo ta một đêm cuối cùng đi. Bắt đầu từ ngày mai, chúng ta không còn là chủ tớ nữa. Hãy vui vẻ sống bên Lộ Thân, ta mong em có thể trở thành người như nàng ấy.
Ta sẽ thử cân nhắc, Vu Lăng quân. Đương nhiên sẽ có người hoàn thành mộng tưởng của Giang Ly, chỉ là e rằng người ấy không phải ta, mà là ngươi.
Nhã Anh không nói hết, mà nhắm mắt lại một lần nữa.
Hôm nay ta đã mạo phạm nhiều, mong chư vị đừng ghi hận ta. Ta rất thương tiếc về chuyện của Giang Ly, tuy mới gặp Giang Ly không lâu, nhưng tỷ ấy là hình tượng nữ giới lý tưởng trong lòng ta, ta cũng muốn trở thành người như vậy. Triển Thi, Hội Vũ, mong các ngươi bảo trọng, xin hãy đề phòng hung thủ. Ta chỉ muốn nói nhiêu đó thôi, về sau có lẽ ta sẽ không xuất hiện trước mặt mọi người nữa. Cáo từ.
Dứt lời Quỳ quay người rời khỏi phòng khách, bước vào trong màn mưa. Tiểu Hưu đi theo nàng.
Đây là đêm cuối chủ tớ các nàng ở bên nhau, cũng là thời điềm bi kịch bước vào chương kết.