Phần 4 - Chương 19: Nhân Quả Thế Gian - Khinh bỉ
-
Luận Về Nhân Quả
- Vân Họa , Thích Chân Quang
- 1349 chữ
- 2020-05-09 03:59:09
Số từ: 1340
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo
Nguồn: sachvui.com
(Trích pháp cú truyện trích, tr 81)
Một người mang bệnh cùi, bị mọi người ghê tởm xa lánh, nghe oai danh của Đức Phật đại từ, ông tìm đến. Trong một thời nghe pháp, ông đắc quả Tu Đà Hoàn. Nhưng bất hạnh thay, lúc trở về, ông bị một con ngựa húc vào người và ngã ra chết. Các Tỳ Kheo đem chuyện này hỏi Đức Phật và được giải thích rằng. Vị ấy mang bệnh cùi vì trong một tiền kiếp đã có lần nhổ nước miếng vào một vị Phật độc giác, bị ngựa húc chết vì đã giết một cô gái giang hồ.
NHẬN XÉT:
Vào đầu thế kỷ này, bên Mỹ xuất hiện một bác sĩ kỳ lạ, làm chấn động dư luận trong một lúc lâu, đó là bác sĩ Edgar Casey. Edgar Casey tốt nghiệp bằng cấp Tây y hẵn hòi, nhưng ít khi ông chẩn đoán nguyên nhân bênh tật bằng những phương pháp của y học hiện đại, trái lại, ông đã tìm nguyên nhân bệnh tật bằng cách nhập định dùng thần nhãn truy tìm ác nghiệp trong quá khứ của bệnh nhân. Ông là người theo Kitô giáo nhưng có khả năng tâm linh phi thường như những đạo sĩ Ấn độ. Ông có thể soi thấu những tác nghiệp rất xa của người khác từ những đời sống cách đây hằng vạn năm. Những điều ông tìm thấy có vẻ xa lạ với người Kitô giáo, nhưng lại rất gần gũi với tín đồ Ấn độ và Phật giáo. Những nguyên nhân của bệnh hoạn luôn luôn xuất phát từ một ác nghiệp trong quá khứ. Người thiếu máu vì đã từng dự vào chiến trận làm đổ máu nhiều người. Người mù mắt vì đã từng dùi thủng mắt của những tội nhân. Người mắc bệnh đồng tính (homosexual) vì đã từng vẽ tranh hài hước châm biếm những kẻ đồng tính khác (theo Many mansions, Edgar Casey). Người không đứng được vì phá đường tháo cầu nơi công cộng. Người bị phỏng vì từng trụng luộc chúng sinh... Nói chung những đau đớn về bệnh hoạn mà chúng ta phải chịu đựng đều là phản ánh những đau khổ mà chúng ta đã gây ra cho kẻ khác, vật khác.
E. Casey không đề cập tới điạ ngục và thiên đường, súc sinh hay ngạ quỷ, ông chỉ nói tới những kiếp làm người. Có lẽ ông ngại nói quá rộng về siêu hình chưa thích hợp với người Tây phương Thiên chúa giáo. Ông đã soi kiếp cho hai mươi lăm ngàn trường hợp và mỗi trường hợp đều lưu lại hồ sơ. Nếu có điều kiện, bạn nên tìm đọc trực tiếp các tài liệu này, và sẽ tìm thấy nhiều kinh nghiệm về đường đi của Nhân Quả Nghiệp báo. Sau khi tìm thấy nguyên nhân của những bệnh, E. Casey đều khuyên bệnh nhân thay đổi gạn lọc nội tâm mình cho thuần thiện, yêu thương và giúp đỡ mọi người. Công đức của thiện tâm và phước lực của thiện nghiệp sẽ thay đổi tình trạng sức khỏe của họ khả quan hơn. Quả nhiên khi làm theo lời khuyên này, bệnh hoạn của họ đều chuyển biến. Nhưng ông cũng cho biết bệnh nào có thể hết hẳn và bệnh nào không thể hết hẳn dù có cố gắng gia tăng phước nghiệp trong hiện tại, bởi vì định nghiệp quá nặng.
Riêng người bệnh cùi được dẫn ra trong đây đã bắt đầu bằng một nguyên nhân tâm lý: Khinh bỉ một vị Phật độc giác bằng hành vi nhổ nước bọt vào vị này.
Phật Độc giác là những vị ra đời không gặp Phật, không gặp thiện tri thức, nhưng có sức huân tu từ quá khứ rất mãnh liệt và thuần thục, đời này đủ sức tự tu được viên mãn đạo quả Niết Bàn. Nơi quả vị Niết Bàn này không sai khác với các vị Alahán, vô minh lậu hoặc đều hết sạch, tam minh lục thông đều thành tựu, không còn một sức mạnh nào lôi kéo vị này vào tam giới trừ khi chính vị này tự nguyện trở lại để giáo hóa chúng sinh. Nhưng vị Độc giác Phật được tán thán nhiều hơn bởi không cần sự hướng dẫn như Thanh văn, Alahán. Công đức quá khứ đủ để vị này tự đi một mình.
Hành vi phỉ nhổ vào vị Độc giác Phật sẽ đưa đến quả báo năm trăm đời mang bệnh hủi. Bệnh hủi là loại bệnh làm mọi người ghê tởm lánh xa. Ghê tởm vì sợ lây và ghê tởm vì sự lở lói kỳ dị của nó.
Ghê tởm xa lánh là hình thức của sự khinh bỉ, tột độ của sự khinh bỉ. Sự khinh bỉ bậc thánh thiện đã đem lại quả báo ghê tởm xa lánh cho kẻ này. Nếu khinh bỉ người phàm phu, quả báo chỉ bị thấp hèn khinh bỉ trở lại, không đến nổi bị bệnh cùi, bị mọi người ghê tởm xa lánh như thế.
Có khi chúng ta không khinh bỉ phỉ nhổ bậc thánh, nhưng vì sự tự kiêu nơi dòng tộc, gia thế, danh vọng, chúng ta suốt đời khinh bỉ những tầng lớp khác, đối xử hất hủi tệ bạc với những giai cấp khác. Quả báo cũng tương tự sẽ xảy đến bằng sự nghèo khó thấp hèn, bệnh hoạn lở lói, nứt nẻ, hôi hám để mọi người phải ghê tởm lánh xa.
Muốn hóa giải ác nghiệp này, chúng ta phải hướng tâm về Đức Phật mà khởi lên niềm tôn kính vô biên. Lần lượt chúng ta hướng tâm về chư vị Bồ tát Alahán với tâm tôn kính tột độ như vậy. Chúng ta lại tâm nguyện cung kính thương yêu đối với tất cả chúng sinh. Mỗi khi nhìn thấy bất cứ ai trong ngày, đều phát khởi niềm cung kính đến với họ. Hạnh tu này gọi là phổ kỉnh, cung kính tất cả. Khi hạnh phổ kỉnh này thuần thục, tâm cung kính sung mãn thì ác nghiệp của sự khinh bỉ bắt đầu bị đẩy lui. Bệnh hoạn sẽ chuyển biến dần để đi đến bình phục.
Hạnh phổ kỉnh cũng giống như từ bi, phải bắt đầu bằng sự tự kỷ ám thị rồi dần dần mới thuần thục trở thành suối nguồn tuôn trào tự nhiên vô tận. Khi ngồi nơi vắng vẻ, tâm chúng ta tự nhắc nhở rằng.
Tất cả mọi chúng sinh đều là những người tôi thương yêu và kính trọng
.
Hoặc khi đi vào nơi đông người, nơi thưa người, nhìn thấy họ, chúng ta liền khởi tâm rằng.
Đây là những người tôi hết lòng thương yêu và kính trọng
Phải thường xuyên huân tập nhắc nhở như vậy mãi, chúng ta sẽ thành tựu hạnh phổ kỉnh và từ bi.
Vì đã giết một cô gái giang hồ nên đời này bị ngựa húc chết. Điều này dễ hiểu, và có thể chính con ngựa đó là hậu thân của cô gái giang hồ nào chăng?
Tuy nhiên, do một duyên đặt biệt nào không được Thế Tôn giải thích, ông gặp Thế Tôn để được chứng quả Tu Đà Hoàn. Ở quả vị Tu Đà Hoàn này, một chúng sinh không còn đọa vào ba ác đạo nữa, hoặc họ sinh thiên, hoặc họ sinh làm người, miễn sao qua vài nghìn năm.Có thể cả vạn năm nhiều lần sinh lại cõi người, sẽ chứng Niết Bàn viên mãn. Dĩ nhiên không phải vô cớ ông được nhân duyên ngộ đạo như thế. Nếu không nhờ sự hóa khéo léo nào đó, nếu ông không hối cải tha thiết từ hành vi khinh bỉ kia, nếu ông đã không qui hướng một vị thánh nào, thì đời này ông không thể gặp Phật nghe pháp và lọt vào dòng thánh (Nhập lưu).