Phần 4 - Chương 18: Nhân Quả Thế Gian - Tu tập từ tâm
-
Luận Về Nhân Quả
- Vân Họa , Thích Chân Quang
- 1886 chữ
- 2020-05-09 03:59:11
Số từ: 1879
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo
Nguồn: sachvui.com
(Trích Tăng Chi Bộ kinh 3a, tr 146)
TỪ:
Như vầy tôi nghe, một thời Thế Tôn trú ở Sàvathi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỳ kheo.
Này các Tỳ kheo!
Thưa vâng, bạch Thế Tôn!
Với Từ tâm giải thoát, này các Tỳ kheo! Được sử dụng, được tu tập, được làm sung mãn, được làm như cỗ xe được làm như căn cứ địa, được tùy trú, được tích tập, được khéo tác thành, sự chờ đợi là tám lợi ích. Thế nào là tám?
Ngủ được an lạc, dậy được an lạc, không thấy ác mộng, được người ái mộ, được phi nhân ái mộ, chư thiên hộ trì, lửa hay thuốc độc hay kiếm không gia hại, nếu không thông đạt thượng vị sẽ đạt được Phạm thiên giới. Với Từ tâm giải thoát... sự chờ đợi là có tám lợi ích này.
Ai tu tập Từ tâm
Vô lượng, thường ức niệm
Các kiết sử yếu dần
Thấy được sanh y diệt
Với tâm không ác độc
Từ mẫn một chúng sinh
Do vậy vị ấy thành
Bậc thuần nhất chí thiện
Với tâm ý từ mẫn
Đối với mọi chúng sinh
Bậc Thánh khéo thực hiện
Nhiều công đức tốt lành
Sau khi đã chinh phục
Rất đông đảo loài người
Các ẩn sĩ, vua chúa
Theo nghi lễ tế tự
Lễ tế ngựa tế người
Lễ uống nước thắng trận
Lễ ném cầu may rủi
Lễ rút lui khóa cửa
Không được phần mười sáu
Bậc khéo tu Từ tâm
Như ánh sáng mặt trăng
Đối với các quần sanh
Không giết, không bảo giết
Không thắng, không bảo thắng
Từ tâm mọi chúng sinh
Không hận thù với ai.
NHẬN XÉT:
Phật cho biết nếu người tu tập Từ tâm một cách thuần thục sẽ đạt được tám lợi ích. Trước hết chúng ta định nghĩa Từ tâm là gì.
Từ tâm là lòng thương yêu không điều kiện. Thông thường chúng ta thương yêu ai vì người đó có sự tương quan nào với mình. Hoặc họ là cha, là mẹ, là anh chị, bà con, thân quyến,... hoặc họ là bạn bè đối xử ưu ái với mình, và đậm đà tha thiết hơn cả nếu họ là tình nhân hay vợ chồng với mình. Lòng thương yêu của chúng sinh được chi phối thúc đẩy bởi nghiệp nó có điều kiện hẳn hoi. Chúng ta thương yêu cha mẹ vì người đã nuôi nấng sinh dưỡng săn sóc cho chúng ta từ thơ ấu, và có khi còn để lại cả gia tài sự sản về sau. Chúng ta thương yêu bạn bè vì họ đáp ứng những nhu cầu giao tiếp vui chơi, đỡ đần qua lại với chúng ta; chúng ta thương yêu tình nhân vì họ đem lại cho chúng ta khoái lạc của nhục dục; chúng ta thương yêu con cái vì chúng nó là sự kéo dài hình ảnh, tên tuổi, dòng họ của chúng ta ở lại với cuộc đời khi chúng ta đã nhắm mắt.
Tình thương có điều kiện như thế, bị chi phối bởi nghiệp như thế luôn luôn kéo theo ô nhiễm, bất an và phiền động. Nó luôn luôn đòi hỏi sự đáp ứng trở về cho tự ngã. Nếu không được đáp ứng trở lại, tình thương sẽ biến mất và đôi khi sẽ được thay thế với thù hận. Lịch sử đã chứng minh và tiểu thuyết đã diễn tả khá nhiều về loại tình thương có điều kiện này với kết quả sau cùng là sự chiếm chỗ của thù hận. Tình thương có điều kiện ràng buộc nhau, là sự đòi hỏi nhau. Cha mẹ thương con cũng vẫn đòi hỏi một sự hiếu để trở lại, con thương cha mẹ cũng vẫn đòi hỏi sự chăm sóc chu đáo. Vợ chồng thương nhau cũng vẫn đòi hỏi sự cung phụng về xác thịt. Có khi chỉ vì không thỏa mãn nhục dục, họ sẵn sàng ngoại tình và bỏ nhau. Tình thương yêu như thế không phải là Từ tâm được Phật tán thán.
1 Muốn biết Từ tâm này là gì, bạn hãy hướng tâm đến bất cứ một chúng sinh nào, không có chút liên quan gì với mình và tác ý khởi lên lòng yêu mến đối với chúng sinh đó. Trong lòng yêu mến hướng về chúng sinh đó, bạn không nghe lòng mình đòi hỏi nơi họ bất cứ sự đáp ứng nào, cũng không cần họ biết rằng bạn đang thương mến họ. Chỉ một sự thương yêu trìu mến, ưu ái, chứa chan thắm thiết của bạn dành cho họ một cách thuần khiết vô nhiễm mà thôi.
2 Rồi bạn hướng tâm đến những người quen biết trong cuộc đời mà từ lâu bạn vẫn phớt lờ đối xử hời hợt với họ, để chan rãi lòng thương mến với họ.
3 Rồi bạn hướng tâm đến từng người từ lâu ác cảm với bạn, hoặc đã mưu hại bạn. Phải khởi tâm họ chân thành bình đẳng như những chúng sinh khác. Thoạt đầu bạn sẽ nghe tình thương mới này đụng chạm với niềm thù hận bấy lâu, nhưng sau giây phút tỉnh giác, niềm thù hận cũ sẽ tan để nhường chỗ cho tình thương ngự trị.
4 Rồi bạn hướng tâm đến những thú vật lớn, những côn trùng nhỏ, những ngạ quỷ vô hình, những chúng sinh ở địa ngục. Khi khởi tâm thương mến những chúng sinh bất hạnh này, liền đó có niềm xót xa thương hại kèm theo. Từ đã sinh ra bi. Thương yêu đã sinh ra thương xót.
Từ là thương yêu mọi loài một cách bình đẳng không điều kiện.
Bi là thương xót khi thấy chúng sinh đau khổ.
5 Rồi bạn lại tâm nguyện rằng bất cứ nơi nào có sự hiện diện của chúng sinh, nơi đó có tình thương của bạn ban phát. Bỗng nhiên một cách không cố ý, bạn thấy lòng từ bi của mình trùm phủ vô hạn trong pháp giới.
Nếu mới ban đầu chúng ta quán tưởng Từ tâm trùm khắp vô lượng, Từ tâm này chỉ có chiều rộng mà không có chiều sâu. Phải đi qua năm giai đoạn vừa kể, Từ tâm đó mới có đầy đủ bề sâu và bề rộng.
Thường xuyên chan rãi lòng thương yêu như vậy – tu tập Từ tâm – cho đến thuần thục, sung mãn như cổ xe, như căn cứ địa, người này thành tựu tám lợi ích.
– Ngủ, thức thì được yên vui, không có ác mộng.
– Được người yêu mến, phi nhơn ái mộ.
Điều này dễ hiểu vì Từ tâm lan tỏa tự nhiên cảm ứng với tâm chúng sinh nhất là các loài phi nhân thấy được tâm người, chúng sẽ mến mộ người nào có Từ tâm lan tỏa như vậy.
– Được chư thiên độ trì.
Những thiên tử là những vị đã từng vun bồi Từ tâm nhiều đời, tích lũy thiện căn nhiều kiếp nên rất quí mến những chúng sinh đi theo con đường cao cả này. Với năng lực của thiên giới họ sẽ thủ hộ gìn giữ ai tu tập Từ tâm thoát khỏi những chướng nạn trên đường tu, bảo vệ sự tu tập vị này đến viên mãn.
– Lửa, thuốc độc, đao kiếm không gia hại. Thuốc độc đây bao gồm những độc trùng như rắn, rết, bò cạp... Những hiểm nạn trên đây cảm ứng với tâm ác độc, không cảm ứng với Từ tâm. Có thể trong quá khứ vị này đã từng tạo nghiệp đáng bị quả báo lửa, đao, độc dược, nhưng với đời này tu tập Từ tâm thuần thục, quả báo kia được hóa giải qua hình thức khác nhẹ hơn.
– Nếu không chứng quả Thánh sẽ sinh về cõi trời phạm thiên.
Cõi trời phạm thiên dành cho những chúng sinh tu tập sung mãn Từ tâm và giữ gìn phạm hạnh, đồng thời có sở đắc trong Thiền Định.
– Tu tập Từ tâm trợ giúp rất nhiều cho Thiền Định giải thoát.
Các kiết sử yếu dần
Thấy được sanh y diệt
Tu tập Từ tâm có công năng phá dần các kiết sử che tâm. Kiết sử tan đến đâu, Thánh vị tăng đến đó, cho đến tận cùng thì sanh y đều chấm dứt, được viên mãn Niết Bàn.
Thể Niết Bàn là thể của Đại bi (Kinh Đại Bát Niết Bàn, hệ Phật giáo phát triển). Thế nên ai gieo nhân đại bi sẽ được quả Niết Bàn. Và khi đã thành tựu Niết Bàn tức là viên mãn Đại bi và thắng trí, vị này sẽ ra vào tam giới hóa độ chúng sinh mà không ai thấy được dấu vết.
Vì sao tu tập Từ tâm có công đức như vậy?
Như chúng ta đã phân biệt giữa phước và đức.
Phước là do lợi ích chúng sinh.
Đức là do cái tốt của tự tâm.
Tu tập Từ tâm tức là tăng trưởng đức bên trong. Đức là cội gốc vững bền cho mọi phước nghiệp bên ngoài, là vốn liếng để tựu thành vô lượng công hạnh khác. Người thuần thục Từ tâm là người đã có sẵn kho tàng vô giá, công đức của Từ tâm đủ sức phá tan dần các kiết sử, trợ duyên lớn lao cho Thiền Định giải thoát.
Trong Pháp Cú truyện tích có thuật, một số Tỳ Kheo ở trong rừng tu tập bị các thần cây phá phách không yên. Phật dạy các vị khởi Từ tâm đối với chúng sinh. Sau đó, chư thiên đã hộ trì sự yên ổn cho các vị tiến tu.
Lòng Từ cảm ứng sự hỗ trợ của chư thiên, hiệu quả hơn lời cầu nguyện từ một tâm hồn ích kỷ. Kẻ ích kỷ muốn được sự hỗ trợ của chư thiên bằng lời cầu nguyện, vẫn không thành tựu bằng một người chan rãi Từ tâm cho tất cả chúng sinh.
Bởi hai cách thức, một người sẽ giúp đỡ kẻ khác.
Hoặc do lý trí phân biệt thiện ác, nên người này cố gắng làm điều thiện, tránh điều ác.
Hoặc do Từ tâm thương yêu chúng sinh, nên người này cố gắng hy sinh giúp đỡ cho kẻ khác.
Nhưng trong hai trường hợp tác thiện như vậy, một do lý trí, một do Từ tâm, thì hành vi bởi Từ tâm vẫn làm tươi mát lòng người hơn cả. Chúng ta không phủ nhận vai trò quan trọng của lý trí trong việc phân biệt thiện ác, nhưng cũng cần có Từ tâm như dòng suối trong mát mùa hè, như tia nắng ấm áp mùa xuân một cách tự nhiên thoải mái. Người thuần lý trí sẽ đối xử tốt với mọi người nhưng vẫn có vẽ khô khan cứng cỏi. Còn người thuần thục Từ tâm sẽ đối xử tốt với tất cả mọi người trong vẻ bao dung ưu ái, và ai cũng thích trường hợp thứ hai này.