Phần 5 - Chương 5: Nhân Quả Xuất Thế Gian - Quả vị Dự Lưu


Số từ: 2099
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo
Nguồn: sachvui.com
(Trích Tương Ưng Bộ kinh 5, tr 398)
Lúc bấy giờ Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavathu, khu vườn cây bàng.
Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y cầm bát, đi đến nhà của Thích nữ Kàligodhà và ngồi trên chỗ đã soạn sẵn.
Rồi Thích Nữ Kàligodhà đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Thế Tôn bảo với Thích nữ Kàligodhà:

Thành tựu bốn pháp, này Godhà, vị nữ Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng đạo quả giác ngộ. Thế nào là bốn?

Ở đây, này Godha, vị nữ thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Đức Phật: Đây là Thế Tôn, bậc Alahán, Chánh đẳng giác, bậc Minh hạnh túc, Thiện thệ, Hiểu biết thế gian, bậc Vô thượng, bậc Điều ngự những ai đáng được điều ngự, bậc Đạo sư loài trời và loài người, Phật Thế Tôn.

Vị ấy có lòng tin bất động đối với pháp. Pháp do Thế tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, chỉ được người thấy tự mình giác hiểu.

Vị ấy có thành tựu lòng tin bất động đối với chúng Tăng. Diệu hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Trực hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Ứng lý hạnh là đệ tử của Thế Tôn. Chơn chánh hạnh là đệ tử của Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám chúng đệ tử của Thế Tôn là đáng cung kính, đáng cúng dường, đáng tôn trọng, đáng được chấp tay, là phước điền vô thượng ở đời.
(
Vị ấy thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính, không bị phá hoại, không bị đâm cắt, không bị vết dơ, không bị ái nhiễm, đem lại giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến Thiền Định.
)

Vị này trú ở gia đình, tâm thoát khỏi cấu uế của xan tham, bố thí dễ dàng, bàn tay rộng mở, thích thú từ bỏ, đáp ứng điều yêu cầu, thích thú chia xẻ vật bố thí, không có đôi bàn tay nắm lại.


Này Godhà, thành tựu bốn (hoặc năm) pháp này, một nữ thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không bị thối đọa, quyết chắc chứng quả Bồ đề


Bốn (hoặc năm) Dự Lưu phần được Thế Tôn thuyết giảng này, bạch Thế Tôn, chúng đều có trong con. Con thực hiện đầy đủ những pháp này. Bạch Thế Tôn. Con thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Phật, Thế Tôn,... đối với Pháp... đối với chúng Tăng....Phàm những vật gì của gia đình dành cho việc bố thí, tất cả đều được phân phát cho những người có giới và những người làm thiện!


Lợi đắc thay cho ngươi, này Godha! Thật khéo lợi đắc thay cho ngươi, này Godha! Godha, ngươi đã tuyên bố về Dự lưu quả

NHẬN XÉT:
Dự lưu nghĩa là dự vào dòng Thánh. Đây là tầng bậc Thánh đầu tiên của bốn Thánh vị giải thoát. Người đến được quả vị này sẽ không còn thối đọa vào ba ác đạo, sẽ tăng tiến mãi cho đến khi chứng đạo quả Niết Bàn Alahán.
Hệ thống Bắc Tông, Ahàm cho quả Dự Lưu là Thất Lai, bảy lần tái sinh cõi người sẽ chứng Alahán. Hệ Nam Tông Nikaya không kỳ hạn thời gian, chỉ định nghĩa rằng:

Không còn đọa ác đạo, nhất định đi đến giải thoát

Và sự thật thì hệ Nam Tông Nikaya đúng hơn. Có người chứng quả Dự Lưu từ thời Đức Phật rồi mãi đến nay, qua rất nhiều lần tái sinh, vẫn chưa chứng Alahán. Có người còn phải đi mãi đến đời Phật Di lặc sau mới chứng Alahán. Nhưng cũng có người chứng quả Dự Lưu xong rồi chứng Alahán không bao lâu. Tùy nhân duyên và sức tinh tấn của mỗi người.
Nói đến quả vị là nói đến trình độ của tâm linh. Phải ở mức độ tâm linh nào đó một vị mới được gọi là Tu Đà Hoàn. Mức độ đó, ở bài kinh khác, Phật gọi là được Pháp nhãn thanh tịnh, không trần cấu. Nhưng ở bài kinh này, Phật đưa ra bốn (hoặc năm) biểu hiện bên ngoài để đánh giá một người đã vào quả vị Dự Lưu. Những quả vị này xuất phát từ một sở đắc tâm linh thật sự, không phải xuất phát từ hình thức hời hợt bên ngoài. Do có sở đắc tâm linh đó, vị này tin được Đức Phật là Đấng Chánh Đẳng Giác. Thật vậy, ai cũng cúi đầu đảnh lễ dưới chân Đức Phật, nhưng niềm kính tin vẫn khác nhau. Người chưa đạt được lợi ích thiết thực của tâm linh sẽ có một mức độ kính tin vừa phải. Chỉ có người đạt được lợi ích thiết thực mới có niềm kính tin Đức Phật một cách trọn vẹn vì thấy rằng quả thật chỉ có Đấng giác ngộ tối thắng trên đời mới đem đến ích lợi vi diệu của sự giải thoát vượt hơn mọi trò vui cấu uế của thế gian.
Lại nữa, sở đắc tâm linh khiến cho vị này nhận thấy rằng lời dạy của Thế Tôn không hứa hẹn một viễn ảnh mơ hồ nào, rất là thiết thực trong từng phút giây hiện tại, đến để thấy biết chứ không phải tin suông, và người có trí đều có thể giác hiểu không khác nhau dù họ ở khác nhau mọi thời và mọi xứ.
Từ chỗ an lạc của mình, vị này tin được rằng chúng Tăng theo sự hướng dẫn của Thế Tôn đã đạt quả vị theo bốn đôi tám chúng đều là những bậc có đức hạnh thanh tịnh, chơn chánh, chất trực, đúng pháp, là phước điền vô thượng cho chúng sinh gieo trồng thiện căn lên đó. Thật vậy, người gian trá thì hay nghi ngờ kẻ khác, người nói dối thì ít tin lời của ai, tâm lý khách quan là như vậy. Còn người chân thật thì dễ tin. Chúng ta vẫn thường suy bụng ta ra bụng người. Bồ Tát Thường Bất Khinh sau khi đốn ngộ được tri kiến Phật, tự thấy ai cũng có Phật tánh, nếu khéo tu tập đều có thể trở thành Phật, nên Ngài có niềm tin tưởng mãnh liệt rằng:

Tôi không dám khinh các Ngài vì các Ngài đều sẽ thành Phật.
(Kinh Pháp Hoa)
Trong một đoạn văn đăng trên báo giác ngộ, sư cô Thuần Chánh diễn tả ý này rất khéo rằng thuở nhỏ cô không tin ai vì chính cô thường hay qua mặt người lớn. Sau này lớn lên, một lần người chị nhờ cô lấy giùm cuốn nhật ký và dặn đừng xem. Cô giữ lời hứa, trao tập nhật ký cho người chị với đôi mắt nhìn thẳng không hổ thẹn
Từ đó tôi tin cuộc đời
.
Khi chính mình được pháp nhãn thanh tịnh, những tham, sân bắt đầu được kiểm soát (chứ chưa hết) vị này tin nơi chính mình và tin những vị có thực hành như mình hoặc hơn mình rằng họ cũng là những người thanh tịnh trong giới đức. Còn tâm trạng hồ nghi đủ thứ phải biết nó được xuất phát từ nội tâm phiền động bất an.
Lại nữa, sở đắc tâm linh này đủ để vị ấy phân biệt thiện ác rõ ràng, thấy được sự cần thiết của giới cấm và kỹ lưỡng gìn giữ. Thật ra không phải ngoại đạo không có sở đắc tâm linh, nhưng sở đắc của họ không đủ và không đúng khiến cho họ xem thường giới luật. Họ thường tự cho dù có phá giới vẫn không lay động đến chỗ tâm chứng của họ. Quan niệm này giúp chúng ta không lẫn lộn giữa ngoại đạo và đạo Phật. Vị Dự lưu này giữ đủ những giới mà chư Thánh ái kính, giữ một cách hoàn hảo không tỳ vết vì thấy ích lợi của nó rõ ràng. Do thành tựu giới pháp nên vị này vĩnh viễn không đọa vào ác đạo và đủ công đức để tiến sâu vào Thiền Định.
Lại nữa, mức độ tâm linh của vị Dự Lưu khiến vị này xa rời tâm bỏn xẻn, chất chứa, ích kỷ, trở nên rộng rãi, khoáng đạt, cởi mở và vị tha. Vị này thấy rõ tính cách tạm bợ của thế gian, tài vật không còn đáng quí như trước khi mà niềm vui của tâm bắt đầu tỏa sáng. Do không còn ích kỷ, không còn xem nặng tài vật, vị này bỗng nhiên mở rộng bàn tay,
không có đôi bàn tay nắm lại
. Không thể nào tưởng tượng một bậc Thánh thiện lại không thuần thục trong hành vi bố thí. Bố thí là phước nghiệp của thế gian, cũng là công đức xuất thế gian, và cũng là mật hạnh của Bồ Tát đạo. Bố thí là cánh cửa mở ra khỏi ngục tù tam giới. Do sự khoáng đạt của tâm nên vị Dự Lưu dễ dàng bố thí, nhưng cũng chính hành vi bố thí – buông xả – này giúp cho vị ấy sớm buông xả những vọng chấp trong tâm. Người bỏn xẻn, không xả tài vật một cách khó khăn cũng là người buông xả vọng tưởng một cách cực khổ.
Năm điều trên – kính Phật, tin Pháp, tin Tăng, trì giới và bố thí – là năm biểu hiện của một vị đã vào quả Dự Lưu, là năm tia sáng xuất phát từ Pháp nhãn thanh tịnh không trần cấu.
Nhưng đặc điểm nào đã khiến cho một người đã có sở đắc tâm linh như vậy phải trở lại nhiều lần (Tu Đà Hoàn) hoặc một lần (Tư Đà Hàm) hoặc không trở lại cõi người (A Na Hàm) hoặc ngay đây được Niết Bàn viên mãn (Alahán)?
Chúng ta có thể tự xem nhân ra sao sẽ đưa đến quả vị như vậy.
Không phải được Pháp nhãn rồi là trần cấu hoàn toàn không còn rơi vào tâm. Trần cảnh rơi vào tâm có nghĩa là những hình ảnh còn đọng lại kéo dài trong tâm, nhưng cũng có nghĩa là mắt tai có phần nào chú ý khi nhìn, khi lắng nghe. Khi nhìn, khi nghe chúng ta còn có chút phần chú ý mà chưa thể hoàn toàn bình thản lạnh nhạt thì phải biết rằng duyên với trần gian này chưa hết. Chúng ta còn thấy trần gian có phần quan trọng. Nhân như thế là kết quả là sự còn trở lại trần gian của chúng ta. Bậc A Na Hàm thì cắt hẳn duyên với trần cảnh, tâm tại tâm, cảnh tại cảnh, cảnh không đến tâm, tâm không đến cảnh. Nhân như thế là kết quả là sự không còn trở lại trần gian này nữa.
Riêng bậc Alahán thì siêu thoát hẳn cả tâm và cảnh, trần gian không còn là chỗ để đắm luyến hay rời bỏ, sở đắc chấm dứt, thật sự vô ngã, mà thật sự vô ngã tức là tâm vị tha viên mãn hiện bày. Vị này thành tựu đại bi tâm và diệu thắng trí. Tam giới không còn ràng buộc được nữa, trừ phi vị này khởi nguyện lực vào sanh tử hóa độ chúng sinh.
Chúng ta cũng nên biết vô ngã cũng chính là vô pháp. Ngã và pháp do đối nhau mà lập, ngã không thì pháp cũng mất. Nếu ai nói, tuy vô ngã mà vẫn còn pháp, phải biết là không đúng. Pháp còn thì ngã còn. Ngã hoàn toàn hết thì pháp hoàn toàn không.
Ở một định nghĩa khác của hệ phái Bắc Tông, quả vị Dự Lưu được xem là phá xong ba kiết sử: giới thủ, nghi và thân kiến.
– Giới thủ là giữ giới mà tách rời giới khỏi ý nghĩa giải thoát, nên trở thành cố chấp kỳ lạ. Còn một định nghĩa khác là chấp vào sự kiêng cử của ngoại đạo.
– Nghi là chưa trọn tin Tam Bảo.
– Thân kiến là ích kỷ.
Người vào quả vị Dự Lưu có cuộc sống rất vị tha từ ái mặc dù chưa chấm dứt được các phiền não ái nhiễm khác.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Luận Về Nhân Quả.