Phần 5 - Chương 4: Nhân Quả Xuất Thế Gian - Thối thất Đạo Quả


Số từ: 1528
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo
Nguồn: sachvui.com
(Trích sử 33 vị Tổ Thiền Tông, tr. 111)
Tổ Xà Dạ Đa (Lajarta) thống lãnh đồ chúng du hóa các nước, lần lượt đến thành La Duyệt, gặp số tăng chúng học đạo với sự lãnh đạo của Ngài Bà Tu Bàn Đầu (Vasubandhu). Ngài Bàn Đầu tu khổ hạnh rất chuyên cần vất vả. Tổ biết nhân duyên, muốn khai thị nên nói lời chê bai sự tu hành của Ngài. Cuối cùng qua một bài kệ, Ngài ngộ đạo, trình kệ tán thán Tổ. Tổ hỏi:

Ta nói trái ý ông, tâm ông được chẳng động chăng?

Bàn Đầu thưa:

Đâu dám động tâm. Con nhớ bảy đời về trước sanh cõi an lạc, vì mộ đạo nên thờ trí giả Nguyệt Tịnh làm thầy.Thầy Nguyệt Tịnh dạy con:
Không bao lâu nữa, ngươi sẽ chứng quả Tư Đà Hàm, nên siêng năng tinh tiến. Phàm tu hành như trèo lên cao, phải cố gắng tiến dần lên không cho sụt xuống. Nếu lở có sụt, muốn trèo lên lại cũng khó
. Lúc đó con đã 80 tuổi, nương gậy mới có thể đi được. Khi ấy gặp Bồ Tát Đại Quang Minh xuất thế, con muốn đến lễ Ngài, bèn đi đến Tinh Xá, lễ bái xong trở về chợt gặp thầy Nguyệt Tịnh quở trách:
Dốt quá, tại sao ông lại khinh cha trọng con? Hôm trước ta thấy ông sắp được chứng quả, hôm nay đã mất
. Con nghe ngơ ngác cầu xin Thầy Nguyệt Tịnh chỉ lỗi. Thầy Nguyệt Tịnh dạy:
Vừa rồi ngươi đến đảnh lễ Bồ Tát Đại Quang Minh, tại sao lại dựng cây gậy vào mặt Phật vẽ trên vách, ngươi do lỗi này nên sụt quả vị
. Con nhớ kỹ lại, thật đúng như lời thầy Nguyệt Tịnh quở. Từ đó về sau, phàm có nghe lời nào chẳng dám không tin
...
NHẬN XÉT:
Chúng ta không tìm thấy nước An Lạc là chỗ nào và Bồ Tát Đại Quang Minh là ai, chỉ biết rằng bảy đời trước Ngài Vasubandhu ở trong một xứ sở có Phật giáo. Có lẽ Ngài gặp Phật Pháp đã đứng tuổi nên đến tám mươi mới được hứa khả sắp chứng Tư Đà Hàm. Tiếc thay, do một hành vi sơ xuất bất kính nơi hình tượng Phật bằng cách dựng cây gậy vào đấy nên Ngài tổn phước, đạo quả sắp đến liền biến mất.
Qua câu chuyện này chúng ta thấy tội và phước ảnh hưởng rất lớn đến đạo quả, không phải là chuyện tầm thường. Nếu ngài Khandasumana thành tựu Niết Bàn bởi hành vi cúng hoa cung kính nơi tháp Phật thì tiền thân Ngài Vasubandhu đã thối thất đạo quả bởi hành vi tựa gậy có vẻ bất kính nơi hình tượng Phật. Sự bất kính đối với thánh tượng, tháp miếu khiến cho một người sắp chứng đạo quả bị thối thất, còn nói gì đến việc bất kính đối với thánh thể của bậc giác ngộ khi còn tại thế.
Trong giới và luật của người xuất gia có răn chế rất kỹ lưỡng những hành vi tỏ vẻ bất kính nơi thánh tượng và tháp miếu. Chúng ta không được tiểu đại; không được khạc nhổ; vất rác rưởi xung quanh tháp miếu và thánh tượng. Không nên đội nón đi ngang tượng tháp; nên khẻ cúi đầu khi đi ngang tượng tháp; không nên ngồi nằm đưa chân về tượng tháp; không nên ăn mặc hở hang nơi tượng tháp; không nên bài trí thánh tượng quá thấp; nên giữ oai nghi nghiêm chỉnh nơi tượng tháp. Nói chung chúng ta phải thể hiện sự kính trọng nơi tượng tháp, dè dặt những hành vi vô lễ đối với nơi tượng tháp để giữ gìn phước đức trợ giúp cho sự tu hành về sau.
Ngoài tội do sự bất kính đối với tượng tháp, kinh điển, còn có những tội thuộc về thế gian cũng khiến ngăn trở đạo quả. Trong lần đầu đến gặp Đức Phật, Vua Ajatasattu (A Xà Thế) đã được Đức Phật ưu ái dành cho một thời pháp dài (Kinh Sa Môn Quả) sau khi ông đảnh lễ lui ra, Đức Phật nói với chúng Tý Kheo rằng:

Này các Tỳ Kheo, tâm của vị vua ấy rất ăn năn, tâm của vị vua ấy rất hối quá. Nếu vị Vua ấy không hại mạng của Vua cha, một vị vua rất chân chánh, thì ngay tại chỗ này, vua ấy đã chứng được pháp nhãn không triền cấu, không cấu uế.

Như thế tội giết cha đã đánh mất cơ hội chứng đạo quả Tu Đà Hoàn của Vua A Xà Thế.
Chúng ta đã biết pháp nhãn khai mở do triền cái tan vỡ, mà triền cái là duyên hợp giữa si mê và tội lỗi. Muốn triền cái tan vỡ phải do công năng đối trị của trí tuệ và phứơc đức. Trí tuệ đối trị si mê, phước đức đối trị tội lỗi. Đủ hai điều kiện này, triền cái sụp đỗ, cõi tâm mở ra thênh thang khoáng đạt sáng tỏ. Người thường tạo tội tức là triền cái tham dục và sân nhuế được duy trì củng cố. Sự giết hại vua cha của A Xà Thế xuất phát bởi lòng tham địa vị quá độ và tâm địa ác độc thù hận. Bởi hai triền cái này kiên cố nên dù được Thế Tôn đánh thức trí tuệ, nó vẫn không tan để cho vua chứng đạt Pháp nhãn Tu Đà Hoàn ngay lúc ấy. Chúng ta cũng dễ thấy người thường tạo nghiệp nhiều quá rất khó tiến tu Thiền Định, vì triền cái hiện hữu tức là hôn trầm tán loạn hiện hữu. Thế nên trong phần nói về tu tập Từ tâm Đức Phật cho biết với phương pháp quán tưởng phát triển Từ tâm trợ giúp rất nhiều cho Thiền Định giải thoát là ý này. Khi Từ tâm được khởi xuất, được duy trì, được thắp sáng thì tham dục và sân nhuế bị đẩy lùi và tiêu diệt. Tham dục và sân nhuế vắng bóng thì ba triền cái còn lại hôn trầm, trạo cử, nghi – rất dễ bị phá vỡ bởi sức quán chiếu của trí tuệ. Nếu vừa tu tập Từ tâm vừa làm lợi ích chúng sinh THEO CHÁNH PHÁP thì phước đức đủ để đối trị với tội lỗi quá khứ, người này chỉ còn tiến hành dụng công thiền quán để đi hết con đường còn lại.
Nhưng trường hợp Angulimala thì thế nào, một kẻ mượn tạm ngón tay út gần nghìn người bộ hành, tại sao lại chứng được Niết Bàn viên mãn của Alahán?
Dĩ nhiên chỉ dựa vào những sự kiện trong một đời thì không thể đánh giá Nghiệp báo Nhân Quả của một người. Chúng ta không nghe nhắc đến những công hạnh quá khứ của Tôn Giả Angulimala chỉ biết về tôn giả với những nét trong đời cuối cùng ấy như sau.
Thuở chưa gặp Phật, Tôn Giả theo học đạo với một người Bà La Môn. Tôn giả là người đệ tử thông minh, nghiêm nghị, giới hạnh đầy đủ, dung mạo đẹp đẽ khôi ngô, và những yếu tố này đã làm thổn thức trái tim người vợ của ông thầy. Sau một lần gạ gẫm tỏ tình và bị từ chối dứt khoát, tự ái bị va chạm nặng nề, lòng say mê biến thành niềm thù hận, bà thỏ thẻ với chồng rằng Angulimala đã lén tán tỉnh bà và bị cự tuyệt. Bà yêu cầu chồng đừng nóng nảy tỏ thái độ và kêu la chất vấn, hãy tương kế tựu kế đưa Angulimala vào cực hình và tù tội. Ông thầy Bà La Môn giận tím gan nhưng nén xuống, ân cần gọi chàng đến khen ngợi đủ điều.Cuối cùng ông cho biết có một bí quyết tu tập mầu nhiệm cần phải truyền dạy cho Angulimala nếu chàng tìm đâu được một ngàn ngón tay út bên phải. Nghe nói chàng choáng váng, nhưng ông thầy đã trấn an, giải thích, hứa hẹn mọi việc tốt đẹp vinh quang của bí quyết về sau để thúc đẩy chàng hành động. Tà kiến còn vây phủ, chánh kiến chưa trổi dậy, tâm mến đạo tha thiết, và thế là Angulimala vâng lời cầm gươm ra đi. Phần sau câu chuyện rất cảm động mà có lẽ ai cũng đã biết qua.
Như thế Angulimala hoàn toàn không phải là người ác độc, chỉ vì lòng mến đạo quá tha thiết nên Tôn Giả đã trở thành tên tướng cướp kỳ cục, không lấy bất cứ tài vật nào, chỉ xin đỡ ngón tay út bên phải của kẻ lữ hành nào đi ngang, kết thành xâu chuỗi đeo quanh cổ. Tôn giả đã trả báo rất nhẹ trong một lần đi khất thực, và tâm thiết tha mến đạo đã đưa Tôn giả đến giây phút vinh quang khi mọi vô minh lậu hoặc hoàn toàn chấm dứt.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Luận Về Nhân Quả.