Phần 5 - Chương 3: Nhân Quả Xuất Thế Gian - Cúng hoa tháp Phật


Số từ: 999
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo
Nguồn: sachvui.com
(Trích Trưởng Lão Tăng Kệ, tr 65)
Khandasumana
Trong thời Đức Phật tại thế, Ngài tái sinh trong gia đình của vua Malla, làm vị hoàng tử. Ngài được đặt tên là Khandasumana. (Bông lài), vì khi Ngài sanh, bông lài quanh vườn trổ hoa rực rỡ thơm ngát. Lớn lên, Ngài tìm đến Đức Phật thuyết pháp tại rừng xoài của Cunda ở Rava, bèn xuất gia và chứng được sáu trí thánh. Với túc mạng minh, Ngài nhớ đến công đức quá khứ khi cúng một nhánh bông lài tại tháp của Đức Phật Kassapa. Trong khi tất cả bông hái được đều thuộc về của Vua. Nhận thấy bởi hành động này giúp Ngài chứng được quả Niết Bàn, Ngài nói lên bài kệ như sau:

Do một bông từ bỏ
Được hưởng tám ức năm
Sống trong cảnh cõi trời
Còn số năm còn lại
Ta được sống tịch tịnh

NHẬN XÉT:
Khi nói đến đạo quả thành tựu, ai cũng thấy ngay bởi do sự tinh tấn tu tập mạnh mẽ trước đó. Bát chánh đạo là đường đưa đến Niết Bàn, Tứ Thiền Cửu Định là phương tiện cốt lỏi, Thất giác chi là những giai đoạn cần thiết. Nhưng nguyên nhân nào đã đưa đến sự khát khao giải thoát để rồi từ sự khát khao này vị Tỳ Kheo tinh tấn vĩ đại đến khi chứng Niết Bàn?
Chính tâm trạng cung kính bậc giải thoát đã biến thành tâm trạng khát khao giải thoát cho chính chúng ta. Thật vậy, chúng ta đã kính phục phong cách điềm đạm vô biên của bậc giải thoát, chúng ta đã xúc cảm trước lòng từ vô hạn, ngưỡng mộ trước trí tuệ sâu thẳm, nghiêng mình trước sự vô nhiễm thuần tịnh của bậc thánh nào đó. Chính sự kính trọng tột độ này đã xuất khởi thành sự khát khao giải thoát tha thiết cho chúng ta. Nếu mức độ kính trọng đạt đến tuyệt đối, nghĩa là không còn chút nghi ngờ, chúng ta sẽ thành tựu quả vị Alahán viên mãn. Nếu mức độ kính trọng vừa phải, trong cái tin còn có chút nghi, chúng ta sẽ thành tựu những quả vị thấp hơn là A Na Hàm, Tư Đà Hàm và Tu Đà Hoàn. Rồi từ ba quả vị này chúng ta mới đạt được niềm kính tin tuyệt đối bất thối chuyển nơi Tam Bảo, và niềm tin tuyệt đối này hứa hẹn quả vị Alahán ở vị lai.
Nhưng nếu thật sự là niềm kính ngưỡng, tất nó sẽ biểu hiện ra ngoài bởi bốn hành vi:
– Đảnh lễ.
– Tán thán.
– Cúng dường.
– Làm theo lời dạy.
Đầy đủ bốn hành vi công đức này, sự kính tin được gọi là viên mãn. Hành vi cúng hoa nơi tháp Phật Kassapa, của tiền thân Ngài Khandasumana là một trong bốn hành vi công đức. Chúng ta sẽ ngạc nhiên tại sao hành vi cúng hoa bình thường dễ làm như vậy lại được công đức quá lớn lao, tám ức năm nơi cõi trời và quả vị Alahán sau đó! Điều chắc chắn là Khandasumana đã thuần thục trong thiện nghiệp, như một ly đầy nước chỉ nhỏ thêm ít nước vào lập tức tràn ra ngoài, cũng vậy Ngài chỉ thêm một công đức nhỏ liền thành tựu đại phước báo. Hơn nữa, Ngài gan dạ bất chấp lệnh cấm của Vua không cho ai hái hoa, đã hái cành hoa lài cung kính đặt nơi tháp Phật. Sự gan dạ này nói lên lòng kính trọng tột độ của Ngài đối với Đấng Chánh Giác Kassapa. Niềm kính trọng tuyệt đối đó quả thật đã hứa hẹn quả vị Alahán cho Ngài vào hôm nay. Hơn nữa, một phước báo phụ đã bày tỏ khi Ngài sinh ra là hoa lài quanh vườn trổ rực rỡ thơm ngát!
Đảnh lễ là hành vi công đức đơn giản đầu tiên nói lên lòng kính trọng. Chúng ta quỳ xuống cúi đầu dưới chân bậc giác ngộ để tỏ ra rằng vị ấy là đấng cao cả còn chúng ta thì nhỏ bé như cát bụi ở dưới chân. Nơi hành vi này chúng ta xuất hiện được hai lợi ích. Một là sự khát khao giác ngộ, hai là diệt trừ được ngã mạn. Ngoài phước báo tâm linh, ở đời sau chúng ta sẽ được thân tướng cao ráo.
Tán thán là dùng lời nói, văn chương, hoặc âm nhạc để ca ngợi sự cao cả của Đấng giác ngộ cho những người khác được biết. Qua hành vi này, chúng ta lan truyền niềm kính trọng của mình sang những chúng sinh khác. Và khi niềm kính tin Đấng giác ngộ đã gieo vào lòng họ, sự bất hạnh của họ sẽ được đẩy lùi để nhường chỗ cho phúc lạc hiện hữu. Còn nơi chúng ta xuất hiện một đức tính quý báu: Tâm tùy hỷ. Kẻ biết tán thán tức là biết vui mừng trước sự thành tựu của người khác. Còn kẻ tật đố sẽ im lặng khi nghe người khác thành công. Ngoài phước báo tâm linh, ở đời sau chúng ta sẽ được những nét khả ái nơi miệng và nơi lời nói.
Không còn gọi là kính trọng nếu chúng ta không tuân thủ triệt để những lời dạy của chân sư. Tất cả những nghiệp công đức từ trước như đảnh lễ, tán thán, cúng dường chỉ để chuẩn bị cho nghiệp công đức thứ tư: Làm theo lời dạy. Và chính hành vi thứ tư này quyết định đạo quả của chúng ta. Trong một pháp hội, người đệ tử làm đúng hoàn toàn theo lời dạy của chân sư rất ít, đa số sơ sót điểm này điểm khác. Nếu ai gắng làm tròn lời dạy của chân sư, đạo quả thù diệu là kết quả gần kề.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Luận Về Nhân Quả.