Phần 5 - Chương 7: Nhân Quả Xuất Thế Gian - Xuất Gia


Số từ: 2375
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo
Nguồn: sachvui.com
(Lấy ý trong Pháp Cú truyện tích)
Sumangala, là một nông dân nghèo khổ cô độc. Tài sản của chàng chỉ là cây cuốc mòn, manh áo và chiếc chòi với ít vật dụng sơ sài. Có những lần trông thấy các Tỳ Kheo đi khất thực được sự đối xử ưu ái của các cư sĩ, chàng có ý định đổi nghề, bèn gần gũi tìm hiểu và xin xuất gia. Chàng được Trưởng lão chấp nhận cho vào Tăng đoàn và được thọ giới. Nhưng không ngờ đời sống xuất gia quá nhiều giới luật ràng buộc, vật thực xin được bữa nhiều bữa ít thất thường, những cơn tọa thiền đằng đẵng đau chân quá độ. Sau nhiều lần chán nản, chàng hoàn tục.
Đời sống cư sĩ nghèo khổ trở lại với chàng cũng những nỗi lo âu tính toán bất an khiến chàng nhớ đến đời sống xuất gia tuy thanh bần nhưng mà thư thái. Chàng xin xuất gia như trước.
Các tâm trạng mâu thuẫn cứ kéo chàng vào rồi lại kéo chàng ra đến lần thứ sáu. Sau khi nhận thức nỗi khổ của trần gian, tính cách vô thường của dục lạc, chàng tìm trở lại Tinh Xá, vừa đi vừa tư duy về giáo lý. Vừa đến cổng Tinh xá thì chàng đắc Pháp nhãn thanh tịnh, chứng quả Dự Lưu. Trong lần xuất gia thứ sáu này, chàng chuyên cần tinh tấn tọa thiền, nương theo sức ngộ, chàng đạt được tam thiền. Thích thú với thánh quả, chàng thường xen vào lý luận về sự tu tập với các vị trưởng lão. Các trưởng lão có ý trách chàng thì các Tỳ Kheo trẻ khác bênh vực.

Tôn giả Sumangala có quyền trình bày những kinh nghiệm đã có.

Một trưởng lão lên tiếng:

Những sở đắc của Sumangala chưa hẳn đã giữ người này ở lại đây lâu.

Quả nhiên trong một lần biến động, Tôn Giả Sumangala lại hoàn tục. Nhưng rồi Tôn Giả cũng trở lại Tăng đoàn đến lần thứ bảy, và nơi lần cuối cùng này, Tôn Giả chứng quả Alahán. Khi Thế Tôn xác nhận về thắng trí của Tôn Giả, các Tỳ Kheo khác ngạc nhiên hỏi Phật về nguyên cớ. Đức Phật cho biết, đời Đức Phật Kassapa, Sumangala cũng đã là người xuất gia. Một huynh đệ chán nản muốn hoàn tục đến tâm sự, Tôn Giả đã đồng ý khuyến khích cho người kia hoàn tục. Vì thế trong đời sống cuối cùng này, trước khi chứng đạt Niết Bàn, Tôn Giả phải chịu hơn sáu lần hoàn tục.
NHẬN XÉT:
Theo lời Phật, đời sống xuất gia là điều kiện thù thắng nhất để một người có thể chứng đạt quả vị Alahán. Đời sống các Tỳ Kheo thời Đức Phật tại thế rất là đơn giản và thánh thiện, đẹp như chuyện thần thoại và cao cả như trăng mùa thu. Những giới luật được giữ gìn chu đáo đã bảo vệ các Tôn Giả ra ngoài những bận tâm lo lắng. Điều kiện vô tư lý tưởng đó không làm cho những kiết sử trổi dậy và phát triển. Kiết sử đã thúc đẩy chi phối chúng sinh tạo nghiệp, nhưng cũng chính những tác nghiệp trở lại củng cố và phát triển cho kiết sử. Đời sống gia đình với vô số ràng buộc về ái trước, với vô số trách nhiệm phải lo âu, với vô số bất an và phiền muộn, khiến cho kiết sử một người có điều kiện khởi lên và phát triển. Còn đời sống xuất gia thời Đức Phật được qui định sắp xếp cặn kẻ để giữ một vị Tỳ Kheo trong thênh thang trơ trọi với tấm y hoại sắc phất phơ bay theo gió sớm, với đôi tay ôm bình bát nhỏ bé đơn sơ, với bước đi giữa trần gian ung dung phơi phới. Kiết sử của vị này không bị khơi động, trái lại, công năng của thiền quán sâu xa từng bước phá tan những rớt rơi còn lại.
Đời sống xuất gia lý tưởng như vậy, tuy nhiên không phải ai cũng đủ duyên để có được đời sống đó. Đời sống xuất gia được thành tựu bởi hai điều kiện, phước duyên từ quá khứ và nguyện lực của hiện tại.
Thật vậy, nếu không có duyên phước từ quá khứ, một người không thể được xuất gia làm Tăng. Và nếu đời này thiếu nguyện lực mạnh mẽ, việc xuất gia cũng không thành tựu.
Có người đời trước làm Tăng, không phạm giới trọng, những giới khinh có phạm đều được sám hối, thì đời này sẽ được làm Tăng trở lại. Nhưng thân Tăng đời này là cao Tăng hay liệt Tăng thì tùy theo công năng tu hành của đời trước. Nếu người, ngoài việc trì giới chu đáo, có tu định, tu huệ, tu phước, thì thân sau là vị Tăng có uy đức lớn. Ngược lại nếu người tuy có trì giới nhưng thiếu tu định, tu huệ, tu phước thì thân sau làm Tăng tầm thường. Đó là nói theo phương diện làm Tăng nối tiếp.
Có người chưa từng làm Tăng, nhưng do biết kính trọng Chư Tăng, biết giữ năm giới chu đáo, cũng có phước sẽ được làm Tăng. Nhưng muốn cho khi đã đủ phước làm Tăng, người này sẽ là vị Tăng khả kính, có uy đức thì những khi còn là cư sĩ họ phải tu thêm về Thiền Định, trí tuệ, thân cận cúng dường học hỏi với những vị Thánh Tăng. Không gì thành tựu Tăng phước nhanh chóng và lớn lao bằng thân cận cúng dường học hỏi với bậc chân sư đạt đạo. Người nào đã từng có cơ duyên hội ngộ với bậc Thánh và biết đem trọn lòng tin kính, người này sẽ nhanh chóng được phước làm Tăng.
Do giới hạnh trong hiện tại nên một vị xuất gia được sự cung kính cúng dường của cư sĩ. Tuy nhiên địa vị khả kính đó cũng xuất phát từ công đức cung kính mọi người, cung kính bậc Thánh nào đó trong quá khứ. Do phước phổ kỉnh đó nên người này thành tựu vị trí của vị Tăng đáng kính. Nhưng nếu ai chỉ lo gieo phước phổ kỉnh mà thiếu giới hạnh chân thật sẽ chỉ được phước mà kém đức. Đức của vị Tăng chính là giới hạnh trong đời sống hiện tại.
Khi đã được làm Tăng rồi, nếu vị này vuông tròn giới hạnh, tiến tu định huệ sâu xa, những cấu uế của tham, sân, tật đố, kiêu mạn, ích kỷ,... được kiểm soát để từ bỏ dần dần, vị này là vị Tăng sáng chói uy đức, đạo quả đang đợi chờ, nẻo ác đã đóng lại, lối thiện rất thênh thang.
Ngược lại, nếu đang được làm Tăng, nhưng vị này không học tập giới hạnh kỹ lưỡng, không kiểm soát để từ bỏ những cấu uế của tham, sân... lại có thói quen công kích kẻ này, chỉ trích kẻ kia, có khi chủ quan đả phá luôn những bậc tu hành chân chính. Người như vậy có thể mất phước làm Tăng trong hiện đời, bỗng nhiên tự khởi ý niệm hoàn tục.
Khi hỏi về Bình thị giả, Thiền sư Minh An (Đồng thời với Ngài Phần Dương Thiện Chiêu.) chỉ vào tim nói:

Vì trong này không tốt – rồi lấy tay chỉ vào hổ khẩu lòng bàn tay – nên về sau sẽ chết tại chỗ này.

Trước khi tịch, Minh An lại nói:

Ta mất đến mười năm không có việc gì, qua mười năm sẽ có Thái Dương Sơn đánh ta.

Minh An mất, Thái Dương Bình thị giả kế tiếp trụ trì. Mười năm sau, Bình đòi quật mồ Minh An lên. Chúng hết sức ngăn cản, Bình quyết thực hiện. Khai quan tài ra thì thi thể Minh An tươi tắn hồng hào như còn sống, dầu và củi đốt mãi không cháy. Bình tự tay cầm búa chẻ vỡ đầu Minh An, đổ thêm dầu vào đốt cho kỳ được. Chúng phẩn uất đến báo quan trấn sở tại. Quan truyền đuổi Bình ra khỏi viện, cởi pháp phục bắt làm người thường. Bình đổi tên là Hoàng Tú Tài, đi đâu cũng không được ai trọng dụng. Một hôm Bình đến ngã ba đường bị cọp vồ chết đúng như lời Minh An sấm ký.
Bình thị giả có kiến giải về thiền đạo rất sắc bén khiến cho các bạn đồng môn phải nễ phục và cả về sau đủ uy tín để nối tiếp trụ trì. Nhưng Bình không biết dùng sức sáng tỏ tỉnh giác của tâm để xoay lại trừ diệt những cấu uế của tâm. Trái lại, đã dùng sở đắc của tâm để tranh hơn với mọi người. Tâm trạng tranh hơn đó càng dữ dội khi Bình muốn gạt bỏ tháp của Minh An ra khỏi tự viện. Ác tâm quá mạnh khiến Bình đang tâm cầm búa chém vỡ đầu của thầy mình khi mà thân thể của Ngài Minh An sau mười năm vẫn tươi tắn không hoại.
Ngài Minh An đã thấy trước sự kiện này mấy mươi năm và đến khi xảy ra mọi người mới hiểu rõ.
Bình thị giả đã làm việc tổn phước nặng nề nên phước làm Tăng bị đoạn dứt liền ngay sau đó. Quảng tháng ngày còn lại là cô độc thất thời bị cọp vồ chết nơi đầu đường cuối ngõ.
Có một số người tu thiền được một chút phần triền cái tan vỡ, ngộ được một chút phần tâm sáng tỏ rỗng rang. Nhưng họ không khéo dùng sức tỉnh giác đó để kiểm soát những tập khí tham lam, sân hận, hơn thua và đoạn trừ hết hẳn, trái lại, họ dùng sức tỉnh giác đó để phô bày, để đối đáp thiền ngữ tranh hơn, tranh thua. Chưa có sở đắc thì còn dễ thương, khi có chút sở đắc rồi thì ngã mạn không ai chịu nổi người như vậy, sẽ không được làm Tăng, và nếu đã được làm tăng có khi phải lui lại thế tục.
Riêng Ngài Sumangala đã chứng quả Dự Lưu, đã đạt đến tam thiền, thế mà vẫn thêm một lần hoàn tục. Tôn giả không rơi vào trường hợp đã nói, chỉ bị một quả báo từ quá khứ xa xôi là đã tán đồng khi một huynh đệ muốn từ bỏ Tăng đoàn trở về thế tục. Để trả quả báo này, trong đời sống cuối cùng Tôn giả phải hơn sáu lần hoàn tục. Qua sự kiện này chúng ta thấy chẳng phải nghiệp chỉ đơn thuần chi phối hoàn cảnh hoặc thân thế, mà còn chi phối hướng dẫn cả tâm niệm của chúng ta. Một người đã chứng Dự Lưu, đã đạt Tứ Thiền mà còn khởi niệm hoàn tục là điều ngoài sức tưởng tượng của chúng ta, thế mà điều đó vẫn có.
Nếu chúng ta đã tạo ác nghiệp thì bây giờ phải chịu hậu quả, điều đó ai cũng chấp nhận. Nhưng do đâu chúng ta lại khởi tâm niệm muốn tạo ác? Do thói quen tạo ác đời trước chăng? Do mối thù với đối tượng thuở xưa chăng? Có thể như vậy, nhưng còn một nguyên nhân không kém phần quan trọng, đó là chỉ trích kẻ ác quá đáng! Thật vậy, nếu chúng ta chỉ trích lỗi lầm của ai một cách quá đáng, về sau chúng ta sẽ mắc phải những lỗi lầm giống hệt như thế. Ông Edgar Casey đã tìm thấy nguyên nhân của bệnh đồng tính (Homo sexuel) nơi một người chỉ vì trong quá khứ, khi làm họa sĩ, người này đã vẽ những bức tranh khôi hài để châm biếm những kẻ bị bệnh đồng tính.
Ngược lại cũng vậy, nếu chúng ta thường tán thán ca ngợi sự cao thượng Thánh thiện của bậc vĩ nhân nào đó, chúng ta sẽ lần lượt thành tựu những đức tính đáng quí kia. Tôn Giả Sumangala đã tán đồng hành vi hoàn tục của người huynh đệ nên đời này tự mình khởi niệm hoàn tục. Nhưng cũng do công đức tu tập sâu dày của quá khứ nên Tôn Giả chiến thắng được ý niệm trước và... xuất gia đến bảy lần để lần cuối cùng đoạn tận khổ đau.
Tuy nhiên vấn đề cần phải đặt lại, đạo Phật không bao giờ cố định một chiều. Nếu mọi tâm niệm đều là sản phẩm của nghiệp quá khứ mà hiện tại chúng ta đành xuôi tay chấp nhận thì không thể có sự tu hành giải thoát. Aùi quá khứ sẽ tiếp tục sinh ra ái hiện tại và nối tiếp mãi đến vị lai. Những duyên nợ vợ chồng ràng buộc, những thù hận đấu tranh sẽ mãi mãi tái diễn để chúng ta phải chìm sâu trong vũng bùn sinh tử. Nhưng may mắn thay, nguyên nhân của đau khổ thuộc về triết lý chứ không (hẳn) thuộc về Nghiệp báo. Nghiệp quá khứ có thể trổi dậy để chi phối tâm niệm chúng ta, nhưng chúng ta có sức mạnh của giáo lý, có sức mạnh của chánh tư duy, của chánh kiến, chánh định... để có thể TỰ TẠI làm chủ tâm niệm đó. Gặp lại kẻ thù tiền kiếp, tâm niệm sân hận và ganh ghét sẽ trổi dậy ngự trị tâm ý chúng ta, nhưng công năng của Thiền Định khiến chúng ta đủ sức chế ngự nó, kiểm soát nó và hóa giải nó. Gặp lại người mến thương nhiều đời tâm chúng ta sẽ trổi dậy niềm ưu ái quyến luyến khó xa. Nhưng sức mạnh của chánh kiến, chánh tinh tấn, chánh định, sẽ đủ sức giúp chúng ta vượt bỏ nó, chiến thắng nó. Như thế, nơi tâm niệm, giáo lý có thể thắng được Nghiệp báo, và phải như vậy mới có sự tu hành giải thoát.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Luận Về Nhân Quả.