Phần 5 - Chương 8: Nhân Quả Xuất Thế Gian - Hòa Hợp Tăng
-
Luận Về Nhân Quả
- Vân Họa , Thích Chân Quang
- 1820 chữ
- 2020-05-09 03:59:12
Số từ: 1843
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo
Nguồn: sachvui.com
(Trích Tăng Chi 33, tr 76)
Bạch Thế Tôn, phá hoại hòa hợp Tăng đem lại kết quả gì?
Này Ananda, đem lại tội ác kéo dài đến một kiếp.
Bạch Thế Tôn, Tội ác gì kéo dài một kiếp?
Này Ananda. bị nung nấu trong địa ngục một kiếp.
– Kẻ phá hòa hợp Tăng
Bị rơi vào đọa xứ
Bị rơi vào địa ngục
Kéo dài đến một kiếpƯa thích sự bất hòa
An trú trên phi pháp
An ổn các khổ ách
Lại xa lìa, từ bỏ
Ai phá sự hòa hợp
Của Tăng chúng Tỳ Kheo
Trong một kiếp người ấy
Bị nung nấu địa ngục.
Bạch Thế Tôn, với chúng tăng bị phá, làm cho hòa hợp lại, đem đến kết quả gì?
Này Ananda, đem đến Phạm công đức!
Bạch Thế Tôn thế nào là Phạm công đức?
Này Ananda, trong một kiếp, được sống hoan hỷ ở thiên giới.
Sống an lạc là người
Làm hòa hợp chúng Tăng
Sống an lạc là người
Giúp chúng Tăng hòa hợp
Ưa thích sự hòa hợp
An trú trên chánh pháp
Ai khiến cho chúng Tăng
Được sống trong hòa hợp
Trong một kiếp người ấy
Sống hoan hỷ Thiên giới.
NHẬN XÉT:
Tăng là đoàn thể đệ tử xuất gia trong đạo Phật. Cùng quy y Phật pháp, cùng giữ chung giới bổn và sống theo tinh thần lục hòa.
Thân hòa đồng trú
Khẩu hòa vô tránh
Ý hòa đồng duyệt
Giới hòa đồng tu
Kiến hòa đồng giải
Lợi hòa đồng quân
Từ những nguồn gốc sai biệt về giai cấp, dòng dõi, gia đình,... nhưng khi đã bước vào đời sống xuất gia, các Tỳ Kheo đều phải hòa hợp với nhau như nước với sữa. Sự hòa hợp của chúng Tỳ Kheo là điều kiện vô cùng quan trọng để Tăng bảo tồn tại lâu dài trong thế gian, mà Tăng bảo tồn tại tức là Tam bảo tồn tại. Như thế, sự phá hòa hợp Tăng đồng nghĩa với phá hoại Tam bảo, và quả báo của việc phá hoại Tam bảo thì khó lường hết nổi thê thảm của nó.
Kẻ phá hòa hợp Tăng có thể dùng thủ đoạn nói hai luỡi, đến nơi này nói thế này, đến nơi kia nói thế khác để gây sự hiểu lầm ác cảm giữa chúng Tăng với nhau.
Rất nhiều những thủ thật để gây ly gián chia rẻ nơi một đoàn thể đông người. Còn Đề Bà Đạt Đa đã công kích Phật, tôn xưng mình để lôi kéo một số Tỳ Kheo về phe của mình. Cộng với tội làm thân Phật chảy máu, Devadatta bị đọa địa ngục ngay trong hiện đời.
Tuy nhiên tất cả những lối chia rẻ chúng Tăng như thế không có nguy hại và ảnh hưởng lâu dài bằng sự độc tôn về pháp môn. Thời Đức Phật tại thế, nhiều pháp môn tu hành được chính Phật hướng dẫn nên sự sai khác về pháp môn, không đưa đến sự chia rẻ. Sau khi Phật nhập diệt, tệ độc tôn pháp môn càng lúc càng trở nên gay gắt. Ai sở trường pháp môn nào thì chỉ tán dương pháp môn mình và cực lực bài xích pháp môn của nơi khác. Mình chống báng người thì người chống báng mình, cuối cùng Tăng đoàn chia năm xẻ bảy với sự ác cảm đối với nhau. Quần chúng phật tử bênh vực theo thầy tổ của mình nên cũng chia rẻ chống báng lẫn nhau. Sự chia rẻ bởi độc tôn pháp môn để lại nguy hại và ảnh hưởng lâu dài hơn cả.
Nếu chúng ta trách họ tại sao độc tôn pháp môn thì họ sẽ chứng minh đủ cách về sự hợp lý cao siêu của họ và về sự vô lý kém cõi của các pháp môn khác. Ngày nay đọc lại các luận bản của các vị đại sư của một số tông phái, chúng ta cũng còn thấy lối lập luận khen mình chê người như thế. Phật giáo vì thế nhuốm màu sắc chia rẻ phân hóa lâu dài. Đây cũng rơi vào lỗi phá hòa hợp tăng mà không hay biết.
Chúng ta sở trường pháp môn tu hành của mình nhưng phải cố gắng thông cảm các pháp môn khác, tìm ra điểm tương đồng với các pháp môn khác để giữ gìn sự hòa hợp đoàn kết trong chúng tăng Phật giáo với nhau. Nếu ngay trong Phật giáo mà sự đoàn kết còn lỏng lẻo rời rạc thì làm sao chúng ta có thể tự cho mình là con đường cứu độ tất cả chúng sinh.
Tuy chủ trương hòa hợp và thông cảm pháp môn, nhưng không có nghĩa chúng ta chấp nhận những pháp môn của tà giáo ngoại đạo xen lẫn vào làm mất đi tính cách giải thoát của đạo Phật.
Đại dương chỉ có một vị duy nhất là vị mặn.
Chánh pháp của Như Lai chỉ có một vị duy nhất là vị giải thoát
Tất cả pháp môn nào thực tế, đặt trên căn bản giới định huệ, không mang vẽ thần bí huyền hoặc, hướng về sự giải thoát, đều được chúng ta chấp nhận là của đạo Phật. Còn những pháp môn nào bộc lộ rõ tính chất mê tín, không đặt trên nền tảng giới định huệ, không chú trọng giải trừ tham sân si, không hướng về sự giải thoát, chúng ta không xem đó là của đạo Phật. Những pháp môn tu hành trong đạo Phật rất nhiều, thích hợp với các căn cơ sai biệt của chúng sinh, ưu về khía cạnh này mà khuyết ở khía cạnh khác. Không bao giờ có một pháp môn đầy đủ mọi ưu điểm. Ai xưng tán một pháp môn nào đó là toàn vẹn về mọi công năng, đó là kẻ cạn cợt thô thiển. Đừng áp đặt người khác, với căn cơ sai biệt của họ, lại phải thực hành theo pháp môn của mình.
Chẳng những chúng ta không chống báng mà cần phải có tâm tùy hỉ với pháp môn khác khi thấy họ giáo hóa được thịnh hành. Sự chia rẻ đa số đều bắt đầu bằng sự ganh tỵ. Nếu ít người nghe theo sự giáo hóa của ta thì chúng ta phải xét lại mình. Có khi vì đức độ mình chưa đủ. Có khi vì trong nhiều đời chúng ta ít duyên với chúng sinh. Tuy chúng ta không có duyên giáo hóa chúng sinh, nhưng người khác làm được việc đó thì cũng quá tốt rồi. Tại sao chúng ta phát nguyện độ tất cả chúng sinh để cho chúng sinh bớt khổ, mà không vui vẽ khi chúng sinh được hóa độ dù bởi bất cứ vị Tăng nào khác? Đâu phải sự giáo hóa là độc quyền của chúng ta. Nếu chúng ta không gạn lọc bản chất anh hùng cá nhân thì thế nào chúng ta cũng sẽ trở thành thủ phạm chia rẻ trong Phật giáo.
Đất nước Việt Nam đang có sự đối diện của hai hệ thống lớn: Nguyên thủy và Đại thừa. Nguyên thủy công kích Đại thừa là ngoại đạo Bà La Môn, Đại thừa công kích nguyên thủy là tiểu thừa, là hạt giống lép. Sự phân hóa lớn lao này kéo dài ngót mấy nghìn năm lịch sử mà chưa được giải quyết. Hiện nay nhiều học giả Phật giáo đang tìm cách hàn gắn lại sự phân hóa này. Thật ra đầy dẫy những bằng chứng để chúng ta có thể chứng minh sự duy nhất của hai hệ thống nếu chúng ta có thực hành tu tập, có cố gắng khách quan thông cảm lẫn nhau. Các vị Nguyên thủy trung thành với kinh điển chánh thống từ thời Phật tại thế cũng nên khách quan thông cảm những đóng góp của giáo lý Đại thừa như là sự phát triển về lý luận của Phật giáo. Có những sự thật mà Phật không cần nói trước, chỉ ai chứng đến sẽ tự biết, ví dụ như tâm Đại bi của vị giải thoát, hoặc như công hạnh đi vào sanh tử để giáo hóa chúng sinh sau khi việc mình đã xong... Sau này các tổ Đại thừa tiết lộ và tán dương cực lực những nét tích cực của một vị đã đạt đến Niết Bàn. Nét tích cực của kinh điển Đại thừa và phong thái trầm mặc ung dung của kinh điển Nguyên thủy chỉ là hai khía cạnh của một vấn đề duy nhất: Niết Bàn!
Chỉ có người chưa thực chứng mới phản đối để thấy có sai biệt mà thôi. Nếu ai cố gắng ủng hộ sự thống nhất của hai hệ thống này, người đó có được công đức vĩ đại về việc làm thành hòa hợp Tăng.
Sự đoàn kết hòa bình luôn luôn được những người có lương tâm ca ngợi trên khắp thế giới. Chẳng riêng gì đạo Phật mà cả loài người đều cần được đoàn kết hòa hợp với nhau. Người nào đoàn kết mọi người với nhau sẽ cảm báo quyến thuộc đông vầy, niềm vui thường hiện hữu. Phật biểu tượng niềm vui đó là sống ở Thiên xứ lâu dài. Những người đấu tranh tìm hòa bình cho thế giới, dù thất bại hay thành công, cũng đều là những người đáng kính.
Sự phân biệt chủng tộc cũng là điều chia xẻ lớn lao của loài người, và những kẻ có lương tâm đều đau lòng vì việc này.
Stop apartheid
(Chấm dứt phân biệt chủng tộc) là tiếng kêu gọi thống thiết từ lâu.
Rồi các tôn giáo và lòng cuồng nhiệt với niềm tin nơi giáo chủ của mình cũng từng là nỗi đau đớn cho lịch sử nhân loại. Nhân danh tôn giáo họ đã giết hại đồng loại không thương tiếc. Họ bảo vệ cái thiện
của tôn giáo họ
bằng cách làm việc cực ác. Ngày nay chúng ta cần bình tĩnh khách quan nhìn lại mọi vấn đề, đừng quá độc tôn nơi tôn giáo mình và mạt sát tôn giáo người. Bên nào cũng có những điểm dễ thương của nó. Ngày xưa nhóm Soufi của đạo Hồi tìm cách nối giáo lý đạo Hồi với giáo lý đạo Phật. Ông Eckhart người Đức tìm cách giải thích Thiên Chúa theo quan điểm Tự Tánh của Đông phương. Thiền tông Trung Hoa Việt Nam cố gắng dung hòa Phật, Lão, Khổng. Nói chung những ai có lương tâm đều yêu quí sự đoàn kết của con người. Sự chia rẻ đã gây ra đau thương mất mát nhiều quá.
Ác báo chờ đợi cho những ai muốn tiếp tục đào thêm hố sâu chia rẻ giữa nhân loại, và ngược lại, hạnh phúc đã sẵn cho những ai hàn gắn được tình thân ái giữa mọi người.