Phần 5 - Chương 9: Nhân Quả Xuất Thế Gian - Dễ Ngộ


Số từ: 910
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo
Nguồn: sachvui.com
(Trích Tùng Lâm tuyển tập)
Dưới pháp hội của Ngài Trí Khải có một vị cư sĩ công quả nấu cháo cho đại chúng. Một hôm ngồi nhìn lửa cháy bập bùng và củi tàn lụi dần dần, ông suy nghiệm về lý vô thường, thoát nhiên ông đốn ngộ và ngồi nhập định luôn tại đấy ngót hai ngày. Sau khi xuất định ông đến trình sở đắc với Ngài Trí Khải. Trong khi đang trình bày thì sở chứng lại vượt cao hơn trước đó. Ngài Trí Khải bảo:
– Ông nói đoạn đầu thì giống chỗ ta đến. Còn phần sau thì ta không biết. Nhưng hãy gát lại, ông có được túc mạng chăng?
– Bạch Hòa Thượng, có mà không sâu.
– Ông có biết vì túc duyên nào mà đời này dễ ngộ nhưng lại phải hầu chúng chăng?
– Bạch Hòa Thượng, đời trước con lấy rau của chúng Tăng đem cho khách, nên đời này phải làm người hầu chúng đền trả. Nhưng công phu tu hành luôn gắng giữ gìn không để mất, nên đời này con dễ ngộ.
NHẬN XÉT:
Nơi ông cư sĩ này chúng ta bắt gặp hai nhân duyên đi theo hai hướng khác nhau. Một thuộc về Nghiệp báo thế gian, hai thuộc về nhân duyên xuất thế gian.
Vì ông lấy đồ trong chúng Tăng đem cho khách nên trở lại làm người thấp kém hầu hạ chúng Tăng để đền trả quả trước. Chúng ta không biết rõ ông đã làm việc này rất nhiều lần hay chỉ một lần, chỉ biết rằng xâm phạm tài vật của chúng Tăng thì bị tổn phước rất nhiều. Có người thiếu công đức Thiền Định trí tuệ, xâm phạm tài vật chúng Tăng liền đọa vào ác đạo mất hẳn thân người. Ông cư sĩ này có công đức Thiền Định trí tuệ nên không bị đọa vào ác đạo.
Riêng ông cư sĩ đã thúc liễm tu hành không để lơi lỏng nên nhân duyên Thiền Định rất sâu dày, đời này chỉ qua một lúc quán vô thường liền có sở đắc sâu xa. Với sự kiện này chúng ta cũng giải đáp được vì sao mãi đến thế kỷ thứ 6 (Hơn một ngàn năm sau Phật Niết Bàn) mới bắt đầu thịnh hành lối trực chỉ của Thiền tông Trung Hoa. Các thiền khách là những người đã từng có sở đắc nhiều đời, đời này gặp thiền sư gợi ý chớp nhoáng liền thấy lại trình độ quá khứ. Từ đây chỉ việc tinh tấn đi tiếp đoạn đường còn lại. Chẳng những Thiền tông có phương tiện hay hơn các tông phái khác, chỉ vì người học đã thuần thục nhiều đời. Nếu lối trực chỉ là hay thì tại sao áp dụng cho người này có kết quả mà áp dụng cho người khác lại không có kết quả? Cũng cùng một vị thầy, nhưng đệ tử thì người ngộ người không. Nếu đời này chúng ta tu tập dễ dàng, tâm sớm vào định được ngộ, thì phải biết do nhân duyên tinh tấn của đời quá khứ và những thiện nghiệp trong lành. Chúng ta đừng theo đoạn kiến (thấy có một khúc ngắn) rồi cho rằng phương tiện này hơn, phương tiện kia kém, độc tôn nơi mình mà chống báng nơi người. Dù chúng ta thành tựu nhờ pháp môn này, nhưng cũng đừng cho đó là tuyệt đối. Pháp môn chúng ta tu tập là nhân duyên riêng của chúng ra, không phải của tất cả mọi người.
Sự độc lập về Nghiệp báo thế gian và Nghiệp báo xuất thế gian được thể hiện rõ nơi trường hợp ông cư sĩ này. Có thể có người phước tướng đẹp đẽ trang nghiêm, đạt được những danh vọng địa vị đáng kể, nhưng chưa chắc là sẽ dễ dàng thành tựu Thiền Định trí tuệ.
Ngược lại, người dung mạo tầm thường xoàng xĩnh, danh vọng uy quyền ít ỏi, nhưng vẫn có thể là người mau chóng vào sâu các tầng bậc Thiền Định và quả vị. Và khi người này đạt được quả vị thì bất hạnh cho những kẻ nào lấy dung mạo bên ngoài để xem thường vị ấy.
Người ở trong chúng Tăng được giữ địa vị lớn tức là người đã từng làm lợi ích cho chúng Tăng với nhiều cách thức của vật chất và tinh thần. Ngược lại người làm tổn hại chúng tăng thì sẽ trở thành kẻ có địa vị nhỏ. Nhưng địa vị lớn hay nhỏ của người này không liên hệ gì đến công phu Thiền Định bên trong. Nếu chúng ta biết kính trọng một đại đức với phước và uy quyền của vị ấy thì chúng ta cũng phải biết kính trọng một vị khác với công đức tu hành ẩn một bên trong. Chúng ta dễ bị hình tướng chinh phục để đạt đến niềm kính trọng nông nổi hơn là tìm hiểu công phu nội tại để gởi gấm một niềm tin bền vững lâu dài.
Tuy nhiên trong tất cả, chúng ta khéo léo vừa làm lợi ích chúng Tăng, vừa tinh tấn Thiền Định thì phước huệ cùng thành, thân sau ra đời dễ giáo hóa chúng sinh. Đức Phật là một tấm gương tiêu biểu về sự cụ túc viên mãn cả phước và huệ.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Luận Về Nhân Quả.