Phần 6 - Chương 5: Nhân Quả Bồ Tát Đạo - Nghịch Hạnh


Số từ: 1140
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo
Nguồn: sachvui.com
Trong suốt những bài kinh Bổn sinh, Devadatta luôn luôn xuất hiện như một chướng ngại quấy phá Bồ tát. Đến khi Bồ tát ra đời thành tựu đạo quả vô thượng, Devadatta vẫn còn đeo đuổi để gây trở ngại cho Ngài. Devadatta đã chia rẽ lôi kéo tăng chúng về phe với mình, đã cấu kết với vua Ajatasattu thả voi say toan dẫm đạp Đức Phật, đã xô đá từ núi cao làm thân Phật chảy máu. Cuối cùng trong hiện đời, Devadatta bị đọa vào địa ngục Avici (A tỳ).
Nhưng kỳ lạ thay, về sau kinh Pháp Hoa đã ca ngợi Devadatta hết lời và còn thọ ký cho Devadatta sẽ thành Phật hiệu Thiên Vương Như Lai!
Cho đến hôm nay thì ai ai cũng đã rõ rằng tất cả kinh Đại thừa không phải do chính Đức Phật thuyết khi còn tại thế. Có những vị Tổ vô danh nào đó đã âm thầm biên soạn và đưa vào kinh tạng dần dần. Kinh Đại Bát Nhã (600 quyển) xuất hiện sớm nhất vào khoảng 200 năm sau Phật nhập diệt. Đa phần các kinh còn lại xuất hiện vào thời ngài Long Thọ. Các kinh Mật tông xuất hiện trễ nhất. Cũng có vài bản kinh xuất hiện ở Trung Hoa mà trong tạng Sancrit không có như Đại thừa Kim Cang kinh luận, Tam Thế Nhân Quả kinh...
Tuy nhiên, không phải vì kinh Đại thừa không được chính Đức Phật tuyên thuyết mà chúng ta phủ nhận giá trị của nó. Kinh Đại thừa có một giá trị lớn trong nền văn học của Phật giáo. Chúng ta sẽ bàn kỹ với nhau về ý nghĩa và vai trò của kinh Đại thừa trong một chuyên đề khác sau này, ta sẽ thấy rằng kinh Nguyên thủy là cội nguồn vững chắc mà kinh Đại thừa là sự trình bày một cách hiểu về kinh Nguyên thủy. Hoàn toàn không có hai Phật giáo riêng rẽ.
Ở đây kinh Pháp Hoa đã nêu ra mật hạnh của Bồ tát Devadatta! Đúng vậy, chỉ cần vài đời quấy phá Bồ Tát Thiện tuệ, một kẻ phàm phu sẽ đọa vào ác đạo khó có ngày ra khỏi. Nhưng Devadatta có những nguồn phước vô hạn nào đó khiến ông đủ sức đeo đuổi Đức Phật từ đời này sang đời khác và luôn luôn ở vào một vị trí tương đương với Phật. Bồ tát sinh làm người thì ông cũng sinh làm người, Bồ tát sinh làm thú thì ông cũng sinh làm thú, Bồ tát sinh vào địa vị vua chúa thì ông cũng sinh vào địa vị vua chúa. Trong đời sống cuối cùng Bồ tát sinh vào cung thành Kapilavathu với 32 tướng tốt, Devadatta cũng sinh vào đấy làm anh em chú bác với Thái tử và cũng có một dung nghi đẹp đẽ vô cùng dù không bằng Phật.
Devadatta đã trợ duyên cho Đức Phật từ vô luợng kiếp, không phải bằng sự cung kính thừa sự, sự tán dương tôn vinh, nhưng bằng sự chống đối quấy rầy, sự mưu hại ác độc.
Một Đức Phật vượt hơn một vị Alahán về phương diện hùng lực và trí tuệ. Khi một vị Alahán đi vào sinh tử để hành Bồ tát đạo, thì những sự chướng ngại chống đối là điều kiện cần thiết để các Ngài tăng trưởng đại hùng đại lực, và viên mãn công đức nhẫn nhục Ba la mật. Devadatta đã can đảm chấp nhận tổn phước để gây chướng ngại cho Bồ tát, giúp Bồ tát vượt lên trên phương diện hùng lực này. Đến khi Đức Phật thành tựu Phật quả thì nghịch hạnh của Devadatta có công năng làm tăng thêm giá trị cho nhân cách siêu phàm của Phật.
Đối với những vị Alahán còn phải tu tập, nếu thiếu những trở ngại trên đường tu, họ sẽ tắt mất ý chí. Đây là một qui luật khách quan. Chính vì muốn giúp cho một hành giả tăng trưởng ý chí nên những bậc đại Bồ tát luôn luôn tìm cách gây ra những trở ngại cho họ. Đối diện với những trở ngại, hành giả được khơi dậy sức tinh tấn mạnh mẽ hơn. Và Bồ tát cũng biết khi nào phải tạm dừng nghịch hạnh để cho hành giả thuận tiện tiến nhanh trên đường tu tập.
Muốn thị hiện nghịch hạnh, Bồ tát phải đủ hai điều kiện:
Biết khả năng chịu đựng của hành giả đến mức độ nào.
Chính mình có nguồn phước vô hạn để hóa giải quả báo do nghịch hạnh gây ra.
Dù nghịch hạnh đó xuất phát từ một tâm đại bi, nhưng trên hiện tướng nó vẫn có quả báo tương ứng. Bậc nghịch hạnh Bồ tát có phước rất lớn. Có khi đang thị hiện nghịch hạnh với người này, nhưng Bồ tát vẫn đang dùng thuận hạnh với những chúng sinh khác để phước không bị vơi.
Có những giai đoạn Phật giáo được xem là cực thịnh tại các quốc gia như Trung Hoa, Việt Nam, Triều tiên, Nhật bản, Miến điện, Campuchia... Khi Phật giáo được tôn trọng quá sức thì bắt đầu xuất hiện tệ kiêu tăng! Sẽ có những kẻ xuất gia không cầu giải thoát mà chỉ cầu lợi dưỡng danh văn. Khi chí nguyện giải thoát vắng bóng thì tâm tham dục không bị đoạn trừ. Khi tâm tham dục không bị đoạn trừ thì những lỗi lầm về giới luật có mặt, dù lộ liễu hay kín đáo. Lúc đó sẽ có những đại Bồ tát thị hiện vào ngôi quốc vương, đại thần thẳng tay ra lệnh đàn áp tiêu diệt Phật giáo. Chùa bị đập phá, tăng bị cởi y, kinh sách bị đốt... Những kẻ ngụy tâm xuất gia sẽ lẹ làng giả biệt Phật pháp. Đến khi nghịch hạnh tạm đủ, vị vua liền hiện tướng bịnh hoạn rồi mất, để lại trách nhiệm khôi phục cho những vị chân tu về sau.Bù đắp cho một nghịch hạnh kinh khủng này, Bồ tát phải tích lũy vô vàn công đức nơi khác.
Tuy nhiên bạn đừng tưởng tượng rằng mọi việc đập phá đều là tác phẩm của Bồ tát. Bồ tát đập phá để xây dựng, còn ma vương đập phá để hủy diệt. Nếu Bồ tát thị hiện thuận hạnh thì mới dùng đến hình tướng Tỳ Kheo. Nếu dùng nghịch hạnh ác độc ngang tàng thì Bồ tát không bao giờ dùng đến hình tướng Tỳ Kheo. Nếu vị Tỳ Kheo nào dùng nghịch hạnh phá hủy giới cấm thì hãy tự biết mình chưa phải Bồ tát, mà đã được cấp bằng khen danh dự bởi ma vương.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Luận Về Nhân Quả.