Phần 6 - Chương 6: Nhân Quả Bồ Tát Đạo - Các Vị Bồ Tát Trong Kinh Đại Thừa


Số từ: 1623
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo
Nguồn: sachvui.com
Lẽ ra chúng tôi dành đề tài này cho luận bản Nguyên Thủy và Đại Thừa. Nhưng ở đây đang bàn về Nhân Quả Bồ tát đạo, nếu không nêu rõ vai trò của Đại Bồ tát quen thuộc như Quan Âm, Văn Thù, Phổ Hiền... thì không giải quyết được các nghi vấn hiện nay. Chúng tôi theo lời dạy của thầy trụ trì, thượng Thông hạ Lạc, đặt vấn đề này để hóa giải những thiên kiến của những vị học giả Nguyên Thủy và học giả Đại Thừa. Chúng tôi muốn nhấn mạnh từ ngữ học giả để xác nhận rằng chỉ có những bậc hành giả chứng ngộ mới hiểu đúng giáo lý của Đức Phật thời Nguyên Thủy. Thiếu sự chứng ngộ viên mãn, người Nguyên Thủy sẽ hiểu giáo lý theo ngoại đạo.
Những vị học giả Nguyên Thủy cực lực phủ nhận các Đại Bồ tát như Quán Thế Âm, Văn Thù Sư Lợi (Manjusri), Phổ Hiền, Đại Thế Chí... vì các vị này không được đề cập tới trong kinh tạng Nguyên Thủy. Còn những vị học giả Đại thừa thì một bề công kích quả vị Alahán là tiêu nha bại chủng, trầm không trệ tịch, và thụ động tiêu cực, không thể đi đến Phật quả. Những thiên kiến của cả hai bên như thế đều hết sức sai lầm và tai hại, đưa Phật giáo thành hai mối riêng biệt khó thể hàn gắn lại được. Trước hết chúng ta nói đến thiên kiến sai lầm của Đại Thừa.
Quả vị Alahán được Đức Phật xác nhận là vô minh đã hết, lậu hoặc đã sạch. Nếu người nào nghe như vậy liền hiểu rằng hết vô minh chỉ là hết vô minh, không còn có gì nữa, phải biết người như vậy chưa chứng ngộ đã đành mà còn kém cỏi về lý luận triết học. Khi bóng đêm đã qua nghĩa là ánh sáng đã trùm chiếu, khi vô minh đã hết có nghĩa là trí tuệ đã viên mãn. Thế nên ở một số chứng Alahán khác, Đức Phật gọi là
khởi lên thắng trí
, hoặc gọi là
minh đã sanh
. Như vậy dù nói là hết vô minh, hay nói là
đủ trí tuệ
, cũng chỉ là hai cách nói của một vấn đề duy nhất như lưng và lòng của một bàn tay không thể tách rời.

Tâm ta nay sáng chói
hơn ngàn ánh mặt trời

(Tiểu Bộ Kinh)
Ai bảo rằng quả vị Alahán là trầm không trệ tịch kẻ đó đã hiểu lầm quá đáng.
Tôn giả Cullapanthaka vừa mới chứng Alahán xong liền lập tức có thể hóa hiện thành một ngàn thân khác nhau đầy cả vườn xoài. Diệu dụng vĩ đại như thế không thể xuất phát từ một nội tâm trầm trệ được, mà phải xuất phát từ một nội tâm chân không diệu hữu cùng cực phi thường. Các thiền sư tự nhận ngộ được Phật tánh diệu hữu tối thượng thừa, thật ra vẫn chưa đủ năng lực để thể hiện chỗ diệu hữu siêu việt như các vị Alahán.
Lại nữa, quả vị Alahán được Phật ấn chứng là vô ngã hoàn toàn, trong khi các vị Đại Thừa đả kích Alahán tuy không còn chấp ngã nhưng vẫn còn chấp pháp, chưa thành tựu Đại bi tâm. Lời đả kích như thế chỉ xuất phát từ một tâm hồn thiếu bao dung, chưa chứng ngộ và kém lý luận. Ngã và pháp là hai sự kiện đối lập với nhau, cái này lập nên các kia lập. Ngã đã hết thì pháp cũng không. Chỉ cần nói hết chấp ngã tức là đã ngầm nói hết chấp pháp. Ai hiểu rằng vô ngã chỉ là vô ngã mà pháp vẫn còn, kẻ đó cần được chỉnh đốn lại kiến giải.
Vô ngã cũng có nghĩa là không còn vị kỷ, mà không còn vị kỷ tức là tâm vị tha đã tràn đầy. Chỉ cần nói không vị kỷ, chúng ta phải hiểu là vị tha trọn vẹn, chỉ cần nói vô ngã, chúng ta phải hiểu là đại bi vô biên. Như vậy nói vô ngã hay nói đại bi cũng chỉ là hai cách nói khác nhau của một vấn đề duy nhất như lưng và lòng của một bàn tay không thể tách rời.
Trong kinh Nguyên Thủy Đức Phật nói rằng vị Alahán nhập Niết Bàn không còn trở lui lại trong trạng thái này nữa. Các vị học giả Đại Thừa (Có lẽ cả Nguyên Thủy) liền hiểu rằng Niết Bàn như là một cảnh giới tù túng mới, giam chặt vị Alahán ấy trong hư vô buồn tẻ không còn hay biết gì nữa. Hiểu như vậy thật là đáng thương!
Niết Bàn là giải thoát, không phải là ràng buộc.
Niết Bàn là có năng lực làm chủ, không phải không có năng lực làm chủ.
Niết Bàn là trí tuệ sáng suốt, không phải là hư vô mờ mịt.
Niết Bàn là Đại bi, không phải là vị kỷ.

Một vị ở trong Niết Bàn vẫn biết rõ tình trạng của Phật pháp, của thế gian và khi cần phải độ thì lập tức trở lại liền

(Lời của thầy Chơn Như)
Phật không muốn tiết lộ công hạnh Bồ tát của một vị Alahán, ngại chúng sinh nghe rồi tô điểm tưởng tượng, chỉ để cho ai đến rồi sẽ tự biết. Công hạnh Bồ tát chỉ là giai đoạn phía sau của một vị Alahán, từ lâu vẫn được dấu kín. Mãi đến mấy trăm năm sau Phật nhập diệt, kinh Đại Thừa lần lượt xuất bản, thì công hạnh Bồ tát mới được tiết lộ đủ điều trên Bản thể giải thoát thì Alahán và Phật hoàn toàn đồng nhau với tam minh lục thông. Còn sự sai biệt sẽ được đề cập ở mục kế tiếp.
Chúng ta trách các học giả Đại Thừa hiểu không trọn vẹn lời dạy của Đức Phật thời Nguyên Thủy để rồi chê bai chỉ trích đủ cách, và vô tình chê bai luôn những vị Bồ tát của mình đang tôn thờ vì các vị Bồ tát ấy không ai khác hơn chính là những đại đệ tử Alahán thời Đức Phật. Chúng ta cũng trách các nhà học giả Nguyên Thủy không nhìn thấy công hạnh Bồ tát của một vị Alahán nên đã vội vàng phủ nhận sự có mặt của các Bồ tát trong kinh điển Đại Thừa! Họ đã bị danh từ che đậy để không thấy được thực chất giấu đằng sau những danh từ ấy. Họ chỉ biết Xá Lợi Phất mà không biết gì đến Văn Thù Sư Lợi. Hai tên gọi khác nhau khiến họ cho rằng một là thực và một là bịa đặt. Họ chỉ biết tỳ kheo ni Đại Ái Đạo (Kiều Đàm Di mẫu) là Đại Aùi Đạo mà không biết gì đến Quán Thế Âm. Họ cho rằng một là thực và một là bịa đặt. Nếu họ không nhận thức rõ công hạnh Bồ tát của Alahán, họ cũng giống như các học giả Đại thừa đã không hiểu sâu sắc lời dạy Nguyên thủy của Đức Phật.
Có một câu hỏi:
– Không tham lam nghĩa là gì?
Một người đáp lập tức:
– Là không xâm phạm đến tài vật của người khác.
Một người trầm ngâm giây lâu rồi đáp:
– Là rộng rãi bố thí.
Cũng một câu nói ban đầu
không tham lam
, nhưng người hiểu cạn, người hiểu sâu.
Cũng vậy, không khéo các học giả của cả Nguyên thủy và Đại thừa hiểu lời dạy của Đức Phật mới được phân nửa rồi sinh nhiều thành kiến. Giáo lý Nguyên thủy là cội gốc. Tiểu thừa và Đại thừa là hai cách hiều về giáo lý Nguyên thủy. Chúng ta phải công nhận rằng Đại thừa hiểu giáo lý Nguyên thủy sâu sắc hơn Tiểu thừa. Tiểu thừa hiểu giáo lý Nguyên thủy mới được phân nửa. Thời đại hôm nay các Bộ phái Tiểu thừa đã vắng bóng chỉ còn lại phái Theravada đại diện cho những người trung thành với giáo lý Nguyên thủy và phái Đại thừa đại diện cho những người ủng hộ giáo lý phát triển. Nhưng chúng ta đang e ngại một điều là nếu không khéo, hoặc chúng ta sẽ hiểu giáo lý Nguyên thủy thành Tiểu thừa, hoặc hiểu giáo lý Đại thừa thành ngoại đạo.
Nếu không hiểu công hạnh Bồ tát của một vị Alahán, chúng ta đã hiểu Alahán theo Tiểu thừa.
Nếu trông đợi một sự cứu rỗi từ quyền năng của một Đức Phật, chúng ta đã hiểu đạo Phật thành ngoại đạo.
Chúng ta nêu mục này ra để nói rằng:
– Sự hiện diện của các vị Bồ tát trong kinh Đại thừa như Quán Thế Aâm, Văn Thù, Phổ Hiền, Di Lặc... không phải là vô lý. Đôi khi các Ngài bộc lộ thân phận như Bố Đại Hòa Thượng, Hàn Sơn, Thập Đắc.. Hoặc dấu diếm thân phận như bà lão bán bánh cho Đức Sơn, ông già Ngũ Đài Sơn (xem Thiền Sư Trung Hoa, HT Thích Thanh Từ).
– Và Bồ tát có nghĩa là HẠNH của một vị Alahán mà thôi. Đứng trên khía cạnh giải thoát thì gọi là Alahán, đứng trên khía cạnh lợi ích chúng sinh thì gọi là Bồ tát. Dù nói Alahán hay Bồ tát thì đó cũng chỉ là hai khía cạnh của một vấn đề duy nhất như lưng và lòng của một bàn tay không thể tách rời.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Luận Về Nhân Quả.