Phần 6 - Chương 7: Nhân Quả Bồ Tát Đạo - Phật Quả


Số từ: 2250
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo
Nguồn: sachvui.com
Khi một vị Alahán đã viên mãn Bồ tát đạo rồi thì thành tựu Phật quả. Vị này hiện thân tối hậu, xuất gia, tọa thiền, thành đạo, thuyết pháp và nhập diệt. Ở địa vị Alahán ban đầu, vị này không bị nghiệp lôi kéo trở lại tam giới, nhưng sẽ theo nguyện lực đại bi mà đi vào tam giới làm lợi ích chúng sinh. Còn một vị Phật đã nhập Niết Bàn rồi thì vĩnh viễn trở lại theo nghiệp hay nguyện nữa, chỉ ở yên trong Niết Bàn trợ duyên cho các Bồ tát khác làm Phật sự mà thôi.
Nơi Bản thể giải thoát, một vị Alahán bình đẳng với Đức Phật như Tam minh Lục thông. Nhưng Đức Phật có công dức vĩ đại từ vô lượng kiếp giáo hóa chúng sinh nên sai khác với vị sơ địa Alahán trên những phương diện: Trí tuệ – Hùng lực – Thần lực – Uy đức – Dung mạo.
Trí tuệ của Phật vượt xa một vị sơ địa Alahán. Phật thấu rõ mọi nguyên lý vận hành của vũ trụ, thấu rõ căn cơ sai biệt của chúng sinh, khéo khởi những phương tiện giáo hóa được lợi ích tối đa mà tai hại tối thiểu. Một thiền sư, đôi khi nói một lời làm lợi ích cho người trước mặt, nhưng để lại tai hại cho người sau. Còn Đức Phật có những giáo pháp ích lợi cho người trước mặt mà vẫn ích lợi cho người về sau. Một vị Alahán không thể biết được hành trạng của các Đức Phật quá khứ, nhưng Đức Phật thì biết rõ điều đó Đức Phật Thích Ca có thể biết cả trong quá khứ khi tôn giả Culla Panthaka đang làm vua đã khởi một niệm nhận thức lý vô thường, để dạy Culla một pháp môn tu hành thích hợp. Điều này các vị Alahán khác không tìm thấy. Phân tích chỗ vi diệu của Phật trí thì suốt đời không thể hết. Bốn mươi chín năm (hoặc 45 năm) giáo hóa của Phật đã chứng tỏ một trí tuệ phi thường mà mọi tính từ (adjective) của ngôn ngữ thế gian không đủ để diễn tả trọn vẹn.
ABHIBHÙ
(Tăng Chi Bộ kinh 1, 259)
Rồi tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn đảnh lễ và ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn:

Con đã từng được nghe Thế Tôn nói rằng Abhibhu, đệ tử Đức Phật Sikhi, đứng ở Phạm Thiên giới, có thể làm cho ngàn thế giới nghe tiếng của mình. Nhưng bạch Thế Tôn, Thế Tôn, bậc Alahán Chánh Đẳng Giác, có thể làm cho tiếng nghe xa như thế nào?


Nó chỉ là một đệ tử, này Ananda, còn các Như Lai là vô lượng.

Tôn giả Ananda ba lần muốn tìm hiểu về thần lực của Phật. Đức Phật bèn hỏi:

Này Ananda, ngươi có được nghe nói đến Tiểu thiên thế giới không?


Nay đã đến thời, bạch Thế Tôn! Nay đã đến thời, bạch Thiện Thệ! để Thế Tôn nói về vấn đề này. Sau khi nghe Thế Tôn, các Tỳ Kheo sẽ thọ trì.

Vậy này Ananda, hãy nghe và khéo tác ý, ta sẽ nói!


Thưa vâng, bạch Thế Tôn!


Xa cho đến mặt trăng, mặt trời chạy trong quỹ đạo của chúng và chói sáng khắp bốn phương với ánh sáng của chúng, xa như vậy là một ngàn thế giới. Trong ấy có 1000 mặt trăng, 1000 mặt trời, 1000 núi Sineru (Tu di), 1000 Jambudipa (Diêm phù đề), 1000 Apatagoyana (Tây ngưu hóa châu), 1000 Utarakura (Bắc câu lô châu), 1000 Pubhavidehà (Đông thắng thần châu), 4000 biển lớn, 4000 Đại dương, 1000 cõi trời Tứ thiên vương, 1000 cõi trời Ba mươi ba, 1000 Dạ ma thiên, 1000 Tusita (Đẩu xuất), 1000 Hóa lạc thiên, 1000 Tha hóa tự tại thiên, 1000 Phạm thiên. Này Ananda đây gọi là một tiểu thiên thế giới. Này Ananda cho đến một ngàn lần Tiểu thiên thế giới được gọi là hai Trung thiên thế giới. Cho đến một ngàn Trung thiên thế giới được gọi là ba Đại thiên thế giới. Này Ananda, Như Lai có thể làm cho tiếng mình nghe xa đến ba ngàn Đại thiên thế giới hay xa hơn nữa nếu muốn
(!)

Làm sao, bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể làm cho tiếng mình nghe xa cho đến ba nghìn Đại thiên thế giới hay xa hơn nữa nếu muốn?


Ở đây, này Ananda, Như Lai chiếu ánh sáng cho đến ba ngàn Đại thiên thế giới, cho đến khi các chúng sinh nhận thức được ánh sáng ấy.

Rồi Thế Tôn phát âm và làm cho tiếng mình được nghe rền vang như sấm lan vào vô tận.

Như vậy, Này Ananda, Như Lai làm cho tiếng mình được nghe, xa cho đến ba ngàn Đại thiên thế giới, hay xa hơn nữa nếu muốn.

Khi nghe như vậy, Tôn giả Ananda nói với Tôn giả Udayi:

Được lợi thay cho tôi! Được lợi thay cho tôi! Có được bậc Đạo sư có thần lực như vậy, có uy lực như vậy!

Tôn giả Udayi nói:

Này hiền giả Ananda, ở đây bản thân hiền giả có được gì nếu bậc Đạo sư của hiền giả có đại thần lực như vậy, có đại uy lực như vậy?

Thế Tôn bảo Udayi:

Chớ có nói vậy, này Udayi! Chớ có nói vậy, này Udayi! Nếu dù rằng Ananda chưa đoạn tận vô minh và mệnh chung, nhưng với tâm tịnh tín của mình (về thần lực của Như Lai). Ananda có thể bảy lần ngự trị trên thế giới Chư Thiên, có thể bảy lần ngự trị trên cõi Jambudipa này. Nhưng này Udayi, Ananda ngay trong hiện tại sẽ được Bát Niết Bàn

Đoạn kinh này nói lên sự sai biệt muôn trùng giữa thần lực của một vị Alahán và một Đức Phật.
Đồng là Alahán mà Tôn giả Xá Lợi Phất thì trí tuệ đệ nhất, Tôn giả Mục Kiền Liên thì thần thông đệ nhất. Dụng lực khác nhau bởi vì tác nhân khác nhau. Nhiều đời Tôn giả Xá Lợi Phất thường dùng trí tuệ làm lợi ích chúng sinh, Tôn giả Mục Kiền Liên thường dùng thần thông làm lợi ích chúng sinh nên quả báo về dụng lực thù thắng khác nhau. Còn một Đức Phật thì viên mãn trên mọi phương tiện hóa độ chúng sinh nên tất cả dụng lực đều tựu thành vô hạn.
Ở thân tối hậu thành Chánh Đẳng Giác, Đức Phật chói ngời uy đức như ngàn ánh mặt trời. Uy đức của Phật vừa thể hiện một cách hữu hình, vừa cảm ứng một cách vô hình. Mỗi ánh mắt, cử chỉ, dáng đi, điệu đứng của Phật đều toát ra vẻ trầm hùng đường bệ khiến cho chúng sinh trông thấy đều phát tâm kính mến. Ngoài ra uy đức vô hình của Đức Phật luôn luôn trùm phủ mọi loài, thẩm thấu trong tâm tư thầm kín của chúng sinh. Uy đức này tồn tại lâu dài đủ để cho những đệ tử Phật về sau luôn luôn được cúng dường cung kính (dĩ nhiên kết hợp với công đức riêng của mỗi người).
Khi Đức Phật vừa mới đản sinh, phụ vương Tịnh Phạn (Sudodana) nhìn thấy dung nghi của Ngài rực rỡ như cả tòa núi châu báu, bất giác không kềm mình được đã cúi xuống lạy Ngài. Một lần Ngài đi ra ngoài chơi, ngồi nghỉ trưa dưới bóng cây trong tư thế kiết già và tâm nhập vào Sơ thiền. Mặt trời ngã dần về tây mà nơi chỗ Ngài ngồi bóng râm không xê dịch như để che mát cho Ngài. Trông thấy cảnh tượng lạ thường đó và hình dáng tọa thiền uy nghi cũa Ngài, Phụ vương lại sụp xuống lạy Ngài lần nữa.
Khi đạo Phật lan sang các quốc gia khác, tùy theo phong tục tập quán của địa phương mà đạo Phật cũng thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh để có thể gần gũi giáo hóa quần chúng. Việc này có hay mà cũng không hay. Sự tùy thuận nhân tình có thể gây được tình cảm với dân bản xứ nhưng làm lỗng mất phong thái siêu thoát của đạo Phật. Những nghi lễ tụng tán rườm rà của tập quán địa phương đã xâm nhập dần dần vào sinh hoạt của đạo Phật khác với một đạo Phật thuở ban đầu rất đơn sơ bình dị. Đạo Phật chinh phục quần chúng nhưng cũng bị tập quán của quần chúng chinh phục trở lại. Sở dĩ như vậy vì người truyền bá giáo pháp không đủ uy đức cuốn hút quần chúng theo mình trọn vẹn, phải tùy thuận tâm tình của họ rồi mới đưa kèm theo Phật pháp. Và như vậy đạo Phật tại đấy đã pha lẫn nhiều hình thức của ngoại đạo địa phương. Còn Đức Phật với uy đức và trí tuệ trùm phủ đã giữ vững phong thái độc lập siêu thoát trước toàn thể án độ từ lâu chìm trong nghi lễ tán tụng rườm rà của Bà La Môn giáo.

Người Bà La Môn đến hỏi Phật:
– Thưa tôn giả Gotama, khi một người mệnh chung, các tu sĩ Bà La Môn lập đàn tế lễ để cầu nguyện cho người chết được sinh về cõi trời. Việc này đúng chăng?
Đức Phật bảo:
– Này Bà La Môn, ví như một hòn đá to quăng xuống hồ nước và các tu sĩ Bà La Môn đi quanh bờ hồ đọc kinh cầu nguyện cho hòn đá nổi lên. Nhưng hòn đá cũng không thế nào nổi lên được.
Cũng vậy, khi một người với ác nghiệp cực trọng mạng chung, dù cho các thầy cúng có tụ hội đọc nhiều kinh cầu nguyện thì người này vẫn rơi vào đọa xứ.
Lại, ví như có chiếc ghe chở đầy dầu bị vỡ, dầu nổi lênh láng trên mặt nước và các thầy cúng đi quanh nguyền rủa cho nó chìm xuống. Nhưng dầu kia không thể nào chìm xuống được.
Cũng vậy, khi một người với thiện nghiệp thuần thục mạng chung, dù cho các phù thủy đọc lời nguyền rủa thì người này vẫn sinh về thiên giới. Sau những lời này người Bà La Môn tán thán và xin quy y Đức Phật.

(Nikaya)
Đức Phật không tùy thuận một chút xíu nào với tập quán đã in sâu vào lòng dân tộc Ấn độ vốn đã từng chịu ảnh hưởng của Bà La Môn giáo. Ngài giữ vững phong thái độc lập của mình mà vẫn cảm hóa được quần chúng ngoại đạo. Chúng ta ngày nay phải tùy thuận nhân tình mới đưa Phật pháp đến với họ được thì biết rằng chúng ta kém uy đức và trí tuệ so với Đức Phật và các Tỳ kheo ngày xưa thời Nguyên thủy. Uy đức rộng lớn của Phật được kết thành bởi công đước làm lợi ích chúng sinh trong vô lượng kiếp.
Công đức vô hạn của Đức Phật cũng đưa đến một dung nghi tuyệt diệu nơi Đức Phật mà các kinh thường diễn tả bằng 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp.

Đức Phật ngồi lặng lẽ mà uy nghi như chói ngời ánh sáng. Gương mặt Người sáng tỏ đẹp đẽ như ánh trăng rạng rỡ giữa trời không. Dáng Người toát ra sự bình an vô hạn, từng ngón tay sợi tóc cũng giải thoát mênh mang. Làn da Phật từ đầu đến chân đều bóng sáng như màu hoàng kim. Đôi tai to và trái tai dài buông thỏng đến gần vai. Nhưng kỳ diệu nhất vẫn là đôi mắt. Đôi mắt Phật dịu dàng từ ái, xanh biếc như biển cả, lấp lánh như sao trời, điềm đạm như hư vô, như bao phủ và thấu suốt tâm hồn người đối diện

(trích Tạp bút Cuối Hàng Dương)
Âm thanh Phật vang vang như sóng biển, thanh tao như chuông ngân, trong vắt như ngọc vỡ, êm ái mà xác quyết, thong thả mà tung bay, khiến chúng sinh một lần nghe qua liền cảm thấy hân hoan an lạc.
Chúng sinh cõi người trông thấy hào quang Phật tỏa xa một tầm mà trên cõi đời này không người nào có được. Chư thiên tử có hào quang sáng chói lại trông thấy hào quang của Phật vượt hơn mình gấp bội lần. Những Thiên tử ở các tầng trời cao hơn, có hào quang rực rỡ hơn, vẫn trông thấy hào quang Phật thù diệu hơn mình nhiều lần. Mặc dù Đức Phật hiện thân thành Chánh Đẳng Giác ở cõi người, nhưng uy đức và dung mạo của Ngài vượt thắng mọi chúng sinh trong tam giới.
Bồ tát (nghĩa là vị Alahán đoạn tận lậu hoặc) từ sơ địa lên đến thập địa rồi thành tựu Phật quả không có thêm gì nơi Bản thể giải thoát, chỉ có năm điều trên (Trí tuệ, Hùng lực, Thần lực, Uy đức, Dung mạo) tăng trưởng mà thôi. Trong đó, nơi Phật quả, năm điều trên được xem là vô hạn.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Luận Về Nhân Quả.