Phần IV - Chương 3


Số từ: 3323
Nguồn: downloadsach.com
Mặt trăng hiền từ lên cao dần từ cửa sông, tỏa ánh sáng dịu dàng, ngọt ngào cho thế gian. Mặt sông lăn tăn sóng gợn, đón nhận ánh trăng như được tráng kim… Trăng lên dần, khoan thai - Vạn vật như nín thin, sợ rằng động đậy có làm trăng rụng mất. Thiên nhiên chìm đắm, mơ màng.
Lúc này đây, Liêu và Hiền đang bên nhau ngồi ngắm cảnh trăng lên bên bờ sông Bạch Đằng, thì ở nơi xa kia, làng Phước Sơn, một miền quê đã trở lại yên ả sau chiến tranh, những bánh xa quay tơ, xe chỉ cũng đang cần mẫn quay tròn theo đôi tay dẻo mềm của các cô gái… Hoa, Thìn, cùng các chị em vẫn có thói quen xem nhau cùng kéo sợi vào những đêm trăng sáng. Vừa làm việc, vừa hát ví, âu cũng là một nét sinh hoạt văn hóa của thôn làng. Bỗng trăng rọi qua vườn cây đan hoa lên tà áo nhiều màu của các cô gái…
Cách mảnh sân kéo sợi của các cô đội vài ba khoảnh vườn, có một tốp thanh niên ngồi gốc mít, tay cầm quạt mo cau phe phẩy, cất giọng ví:
-
Nói rằng, trăng sáng, sao thưa…

Công anh nay đón mai chờ…

Nên chăng em cũng nói, đừng làm ngơ, cực lòng…

Các cô gái kéo sợi đáp lại ngay:

Thuở xuân xanh, anh không gắn bó

Hỏi bây giờ, em có chồng rồi
anh mới đón ngõ trao thư

Thôi thôi nhân ngãi chi giờ

Em có chồng rồi như đạo… bùa trừ dán tay…

Câu hát giọng hò đêm nay của các cô gái phải chăng cũng là tình cảm thủy chung của họ khi đã nhận lời với ai, ít ra thì cũng là tâm trạng của Hoa trong ngày tháng chờ mong da diết này…
Bên bờ sông Bạch Đằng, trăng rọi tỏ vào hai gương mặt Hiền và Liêu. Liêu liếc nhìn Hiền, không rõ đang có những suy nghĩ gì sau vừng trán nhỏ dưới lớp tóc con mềm mại rủ xuống?...
- Đôi mắt bồ câu của Hiền với hai hàng mi dài sẫm lại trên gò má, đang đăm đắm nhìn về đâu?
Rồi đột nhiên, đôi môi mọng của Hiền hé cười:
- Sao người ta hay thề nguyền với nhau dưới trăng anh Liêu nhỉ?
Liêu lúng túng:
- Tôi… cũng không hiểu. Núi có thể đổ, sông có thể thay dòng, còn trăng, hết vơi lại đầy, chẳng bao giờ cạn… có lẽ là vì thế.
- Vậy, anh Liêu từng thề với ai chưa?
Liêu nhìn ra xa về phía trước, cả một khung trời sâu thẳm. Đầy núi đá chạy từ Bãi Cháy về nhấp nhô, nhấp nhô, kéo dài tựa một con tàu khổng lồ chạy không ngừng qua bao nhiêu thế kỷ. Cây hải đăng ở cửa biển vẫn lập lòe tắt đỏ…
Liêu trả lời hơi lấp lửng:
- Tôi chưa thề với ai, mà cũng chưa ai thề với tôi.
Hiền ngồi làm thinh.
Liêu cảm thấy mình như vừa nói dối nên phải tâm sự cho bạn hiểu thêm mình:
- Trước đây vài ba năm, tôi có yêu một cô gái ở làng Phước Sơn tên là Hoa. Mối tình đầu ấy khá đẹp và tôi tưởng sẽ bền vững. Nhưng không ngờ, lần ra trận tôi ghé lại Phước Sơn để thăm Hoa, chính là lần mà tôi gặp Hiền trên goòng đó thì làng không còn nữa, bom đạn đã phá nát, gia đình cô ấy cũng đã dời đi nơi khác.
Hiền rõi theo câu chuyện khá chặt chẽ, lên tiếng ngay:
- Rồi anh ngại không đi tìm.
- Điều đáng ngại là chỗ này, nói là đau khổ mới đúng, tôi đã gặp được một người làng, họ cho hay tin cô ấy đã lấy chồng, sắp có con…!
Liêu hắt một hơi dài, lòng bỗng bồn chồn cứ như chuyện vừa xảy ra.
Hiền hỏi:
- Do đó, anh không dám tìm đến gia đình cô ấy nữa chứ gì?
Liêu gượng cười.
- Đến làm gì nữa. Khéo không lại vớ được mấy cán chổi của chồng cô ấy.
Hiền kêu lên:
- Anh quá lắm! Nói năng tàn nhẫn cả với mình!- Hiền trở lại mạch câu chuyện, giọng có vẻ khích kháy – Hèn chi… tôi nhớ, dạo đó anh kiêu căng, cao đạo hình như để giữ thủy chung với cô ấy…
Liêu chua chát:
- Có chuyện thủy chung thật sao, Hiền?
- Sao lại không! Nhưng thôi, đừng buồn nữa. Chẳng qua vì hoàn cảnh. Chiến tranh, ai biết thế nào mà đợi, mà chờ anh…
Hiền cúi xuống, bứt một nụ hoa cỏ đưa lên ngắm qua ánh trăng, rồi như thế cô chỉ trò chuyện với Hoa.
- Còn tôi, cũng như anh, trước đây đã đem lòng yêu một người, là chiến sĩ khá đẹp trai…
Liêu trở lại nhìn Hiền trong khi Hiền vẫn nhìn vào nụ hoa cỏ, trò chuyện:
- … Tôi cũng chỉ gặp anh ấy mới một lần, thậm chí chưa biết tên nhau, cho tới nay…
Liêu:
- Như thế đã là tình yêu?
- Vâng… là một tình yêu đơn phương… chỉ là yêu trộm, nhớ thầm, mình biết lấy mình.
- Vậy bây giờ, anh ấy đang ở đâu?
- Gần đây, đã được gặp lại nhau. Song… trước mặt tôi, anh ta vẫn cứ làm thinh…
Liêu càng nhìn rõ kỹ gương mặt Hiền, như cố đọc trong đôi mắt bồ câu đầy mơ mộng ấy cái điều bán tín bán nghi vừa nảy sinh trong lòng mình.
Hiền lại lên tiếng:
- Anh Liêu, kể tiếp chuyện về anh nữa đi, từ đấy anh mang mãi
vết thương lòng
chưa được ai băng bó? - Hiền tựa hẳn mình vao Liêu, đầu như nghiêng vào vai Liêu…
Liêu nóng ran, một sự thôi thúc đối với anh. Liêu lên tiếng:
- Hiền!
- Anh nói đi!
Liêu đánh bạo:
- Hiền có thể giúp tôi…
- Băng bó lại
vết thương lòng
- Hiền tiếp. Và, sau đó giọng trở nên bâng quơ - Tiếc rằng, anh nói với tôi điều đó hơi muộn… tôi đã. - Một cảm giác kỳ lạ dâng lên trong tâm hồn Hiền, lâng lâng…
Liêu thở dài, buột miệng:
- Tôi lại vẫn là người không may mắn.
Hiền gần ở tư thế ngồi ngả hẳn vào Liêu, nhẹ đưa tay lên, mân mê ở ngực áo Liêu, cài lại cái khuy, vuốt cho ngay ngắn cái nắp túi áo… Cô ngước nhìn lên thấy rất rõ nét mặt anh đang buồn. Dưới mái tóc quăn rủ xuống trán, đôi mắt sáng của Liêu giờ trở nên sâu thẳm và đang nhìn và tận đâu đâu ấy, vô định… Hiền choàng cả hai tay mà ôm lấy khổ vai rộng của Liêu thầm nói:
Con người rừng
của em ơi, sao anh thật thà đến thế?
.
Bỗng một anh bộ đội từ bến đò đi lên, băng qua bãi dâu, dáng vội vã đi vào làng. Thìn và Hoa đang cắt cỏ ở mé gò cao. Vừa lúc Thìn ngừng tay, trông thấy bóng anh bộ đội nọ, liền nhìn theo, gọi to:
- Hoa ơi! Ai giống anh Liêu về kia kìa!
Hoa đứng lên, đưa tay che nắng nhìn về hướng tay Thìn trỏ:
- Đâu, đâu nào?
- Kia, quá bãi dâu, sát bìa làng ấy…
Hoa nao nao trong lòng, chớp chớp mắt, bán tín bán nghi nhìn theo bóng anh bộ đội, cũng cao cao, mảnh khảnh tựa Liêu, đi hút vào làng.
Cùng lúc Hoa và Thìn quay lại nhìn nhau. Hoa đỏ mặt, cảm thấy xấu hổ. Thìn tự quẹt tay vào má mình, có ý nói với Hoa:
- Thẹn này! Thẹn này!
Hai người trở lại cắt cỏ. Có thể Thìn không còn nghĩ gì thêm về anh bộ đội đi vội vào làng ấy! Còn Hoa, lòng dạ càng xốn xang, tay cắt cỏ, mắt cứ chốc chốc lại nhìn về phía làng như thể nhìn thấu anh bộ đội bước chân vào ngõ nhà ai.
Hoa bỗng ngừng tay, gọi to lên:
- Thìn ơi, mình bị đứt tay, có gì băng được không?
Thìn bỏ liềm, chạy ngay tới, xé chiếc khăn mùi soa buộc tóc rịt chặt ngón tay Hoa đang chảy máu:
- Tôi biết mà, hồn vía để cả vào anh bộ đội kia rồi…
Hoa đưa tay phải đấm đấm mấy cái vào vai Thìn:
- Này! Này!
- Thôi cô ạ - Thìn vừa băng tay cho Hoa, vừa đùa – Nhanh lên, về mà bóc bánh người đi phép. Nhớ cất phần mình với nhé.
Không cần phải dấu bạn phút giây sốt ruột của mình, cỏ chưa đầy gánh, Hoa đã vội vàng:
- Thìn ơi! Đầy cỏ chưa? Về đi thôi!
Thìn thông cảm:
- Hoa về trước, cẩn thận không hai chân lại vấp nhau đấy!
Thìn đứng lên, nhìn theo Hoa gánh cỏ lóc xóc chạy trên đường về làng.
Hoa đặt cỏ xuống sân, bước vội vào nhà, đảo mắt nhìn quanh, hỏi mẹ:
- Mẹ ơi, có anh bộ đội người làng mình về phải không?
Tiếng bà mẹ từ trong nhà vọng ra:
- Thằng Bình chứ ai! Nó về phép. Nó hẹn sẽ lại chơi ngay có chuyện gì đó nói với mày ấy!
Hoa vứt nón vào bên góc nhà, ngồi phịch xuống giường, vẻ mặt bơ phờ, mồ hôi tứa ra trên trán chẳng buồn quạt.
- Người ta về đông về tây, sao chẳng thấy anh Liêu về? – Hoa nói một mình.
Bà Nhương từ nhà trong đi ra, thương con, chép miệng:
- Lời nói đổ xuống sông, xuống bến, không hiểu nó có còn không?
Hoa tái mặt:
- Sao mẹ nói gở thế! Anh Liêu không chết! Nhất định anh ấy sẽ về nay mai…
Bà Nhương đứng tựa cột, thở dài:
- Mẹ cũng tin như thế.
Ngoài sân, Bình đã đến đúng hẹn, chững chạc trong bộ quần áo bộ đội, túi quần dắt cái khăn mặt bông trắng tinh, ra chiều lịch sự.
Hoa hớn hở ra sân đón Bình, giật cái mũ lưới trên tay đội vào đầu mình, học đòi làm bộ đội.
Bình cười:
- Xin cô, thích lính lắm sao! Tôi thì bở hơi tai rồi.
- Không thích mà yêu lính?
Bà Nhương đón ở cửa, vuốt từ mái tóc hoe đỏ đến cái gân áo bộ đội trên mình Bình, khen:
- Dạo này cháu tao lớn lên nhiều, ngấm cơm cụ Hồ có khác.
Hoa hỏi:
- Bình ơi! Trông mình có thay đổi gì không?
- Vẫn là cái Hoa năm nào, lấy chồng vững rồi đó!
Bình ngồi vào phản, nhìn quanh nhà. Hoa ngồi xuống cạnh Bình, quạt cho Bình bằng quạt lá cọ, lòng đắn đo. Không biết nên nói chuyện gì đây? Có nên nói đến tin tức anh Liêu chưa? Có thể cậu ấy biết!
Vừa lúc, bà Nhương hỏi:
- Dạo nào bảo là cháu đi thanh niên xung phong sao bây giờ lại là bộ đội, mũ sao đàng hoàng?
- Chuyện rắc rối lắm ạ, để rồi cháu kể bác nghe sau – Bình sực nhớ - Hoa, lần ở mặt trận có tìm được anh Liêu không?
- Không phải, là một ông già cấp dưỡng khác cũng tên là Liêu.
Bình gãi gãi đầu:
- Chán quá. Mình trông thấy anh ta rõ ràng. Chắc là đã đi rồi hoặc Hoa nhầm đơn vị - Bình bưng bát nước bà Nhương mời, tu một hơi, nói tiếp - chuyện là thế này: Cháu đang làm nhiệm vụ giữ kho ở Thà - khẹt, khi địch tấn công chiếm lại, bộ đội bảo đốt kho để rút lui, cháu không nghe. Sau đó cháu thấy anh Liêu đến. Anh ta không biết cháu. Anh ta ra lệnh nộp chìa khóa để bộ đội chuẩn bị đốt kho, cháu cũng không nghe. Thế là anh ta hạ lệnh cho bộ đội trói cháu lại bên gốc cây để tiến hành công việc. Sợ quá, cháu phải chịu thua và xin đi theo bộ đội luôn.
Hoa vui thích câu chuyện, hỏi:
- Anh Liêu cấp dưỡng mà cũng ra lệnh cho bộ đội à? Bình bịa rồi!
- Nói phét thì mình chết. Dạo này anh ấy tiến bộ lắm, lại đại đội trưởng hẳn hoi.
Đôi mắt đen của Hoa chớp chớp:
- Giỏi nhỉ. Đại đội rồi?
Bà mẹ hỏi:
- Thế bây giờ anh Liêu ở đâu? Sao cháu về mà không rủ anh ấy về cho bác luôn.
- Đánh nhau mãi, gần hòa bình thì anh ấy bị thương, phải nằm viện mặt trận. Cháu được bổ sung về đơn vị khác, chưa kịp trò chuyện được gì với anh ấy. Anh ấy đánh giặc giỏi, cả trung đoàn đều khen. Trận Thà-khẹt nhờ anh ta, cả đại đội đã ra khỏi vòng vây của mười hai tiểu đoàn địch.
- Khiếp! – Hoa lo lắng - vậy anh Liêu bị thương có nặng không?
- Nặng. Nhưng nghe tin nay đã bình thường rồi, đang nghỉ ở đoàn an dưỡng, vừa mổ lại vết thương lấy đạn ra.
Hoa buồn nghĩ đến Liêu:
- Trách gì mà không thấy về. Hòa bình rồi chứ phải đâu… tội nghiệp!
Mọi người lắng lại một lúc.
Bình cúi xuống nhìn đôi chân mình đang đung đưa, đế giầy vải cọ vào nhau, phát ra tiếng kêu
cót két
, bỗng Bình ngước lên hỏi một câu làm Hoa và bà Nhương đến điếng cả người:
- Hoa cũng chưa có đám nào?
- Chờ anh Liêu, chứ còn đám nào nữa!
Hoa tỏ ra vô cùng lúng túng trước câu hỏi của Bình, làm cứng mà trả lời vậy thôi. Nhưng, chính câu trả lời của Hoa lại đã làm Bình bối rối. Anh ta như định nói ra một điều gì thật là khó nói…
Nhưng rồi cuối cùng, thương bạn, Bình cứ phải nói thật với bạn cái điều mình vừa nghe được.
- Cháu nghe tin, chưa thật đích xác, hình như anh Liêu đã yêu một cô văn công ở đoàn an dưỡng rồi.
Hoa tái mặt:
- Thật không Bình?
Bà Nhương gượng nhẹ hơn:
- Cháu nghe ai nói, lâu chưa?
- Cũng mới thôi ạ. Đơn vị cháu có người an dưỡng ở chỗ anh Liêu mới về, vui mồm ngồi kể chuyện o văn công xinh đẹp nào đó lại bật ra chuyện anh Liêu, cũng chỉ là tình cờ.
Hoa không còn giữ được bình tĩnh nữa, toàn thân run lên bần bật. Định mở miệng nói điều gì đó, cô lại bật khóc:
- Anh Liêu!
Không kìm nổi xúc động, đau khổ. Hoa bỏ Bình ngồi lại với mẹ, chạy vào trong nhà, nằm ấp mặt xuống giường, nấc lên từng chặp, cứ như đứa trẻ bị đòn oan.
Bà Nhương cũng chỉ biết ngồi lặng, lắc đầu, thở dài…
Bình nói thêm với bà Nhương:
- Cháu sẽ bàn với Hoa, gửi thư ngay cho anh Liêu xem hư thực ra sao?
Những nếp nhăn trên gương mặt già nua của bà Nhương như càng dày thêm, có điều gì cay đắng thì phải.
- Bác cũng không hiểu thế nào nữa. Một, hai, nó cứ nói là chờ đợi anh ấy. Bây giờ… theo bác, cháu nên vào nói với nó, hãy bình tĩnh… khuyên nó một lời. Bác thương nó quá… Bà Nhương cũng trào nước mắt ra.
Bình vào nhà trong, dè dặt đến đứng cạnh giường Hoa đang nằm nức nở. Anh giữ cho giọng nói của mình không lây buồn:
- Hoa ạ, tôi biết địa chỉ anh Liêu. Anh ta đang ở đoàn 90 an dưỡng ở Quảng Yên, Hoa hãy thật bình tĩnh mà biên ngay cho anh ấy một lá thư…
Hoa càng nấc lên:
- Bình ơi! Lẽ nào lại như vậy… Bình có tin như thế không? Anh ấy từng… bảo tôi chờ… Tôi vẫn chờ anh ấy về… lẽ nào..? Sao có chuyện như thế được? Bình nghe ai nói? Không!
Bình lúng túng:
- Cũng chỉ là tình cờ… tôi biết tin đó…
Hoa như muốn nói to lên:
- Tôi không tin như vậy! Anh Liêu…! Em vẫn đang chờ anh…!
Câu chuyện khổ đau của Hoa đã có một số người trong làng biết. Và kẻ thính tai nhất lại là bà Thành. Vào ngày hôm sau, bà Thành đã lân la sang chơi nhà bà Nhương, trong khi Hoa không còn nghĩ gì đến ăn uống, nằm lì trong nhà khóc sưng cả mắt, không dám bước ra khỏi cửa.
Nghe bà Thành tìm cách hỏi han mãi, bà Nhương đành trả lời:
- Cũng chỉ mới nghe thằng Bình về phép nói, hình như anh Liêu mà con Hoa từng hẹn chờ đợi, giờ đã tìm hiểu một chị văn công rồi.
Bà Thành chép miệng, làm bộ thương cảm:
- Người thiên hạ, người tứ xứ là thế đó,
thân anh như con chuồn chuồn, nơi mô vui thì đậu, nơi mô buồn thì bay
. Vui mồm thì họ hứa yêu thương. Đi ra thiếu chi nơi hơn mình…
Bà Nhương sầu muộn:
- Cha mẹ không ép được con, nên tôi đã thuận cho nó chờ anh Liêu. Tôi nghĩ rằng, anh ấy đã cứu sống nó, lại có ý định xây dựng với nó. Con Hoa thì cũng tỏ ra thương yêu anh ấy. Lứa đôi như thế là đẹp, tình nên tình, nghĩa nên nghĩa. Ai ngờ, chuyện cứ như mía có sâu giữa đốt!
Bà Thành nong hai bàn tay vào tà áo, rồi bước vào nhà trong, ngồi xuống cạnh giường, tìm lời an ủi Hoa:
- Thôi cháu ạ, con không nghe mẹ nghe cha là thế đó. Nhưng chuyện đã rồi có khỏe than mấy thì anh ta cũng chẳng biết mà trở lại. Không lấy được họ, mình cũng chẳng ế!
Hoa vẫn nằm quay mặt vào vách. Tóc rối xõa trên gối.
Bà Thành nhẹ đưa tay vuốt vuốt mái tóc rối của Hoa: - Bán buồn mua vui, cháu ạ. Không lấy chồng xa, ta lấy chồng gần, càng vui cửa vui nhà, tắt lửa tối đèn có mẹ có con, có chị em làng xóm…
Bà Thành định tranh thủ lúc Hoa đau khổ, có thể dễ yếu lòng
tấn công
thêm một lần nữa, mong kéo Hoa gần lại với Luyến, con cưng của bà. Thấy đôi vai Hoa như đang rung rung, kìm dần tiếng khóc, bà Thành đắc ý, hy vọng:
- Kể ra cũng tủi thân… Công lao cháu mấy năm trời chờ đợi... Anh ta thật là giả dối, bạc bẽo… Nhưng chẳng cần, cháu ạ. Mình có danh dự của mình. Con trai làng này thiếu chi đứa vừa đôi phải lứa cháu. Thằng Luyến nhà bà sắp về nghỉ đấy. Nó cũng đang hy vọng ở cháu…
Nghe bà Thành tìm lời
an ủi
mà cứ như cầm dao bầu chọc vào ruột, không chịu thấu nữa, Hoa liền ngồi phắt dậy, nét mặt trở nên giận dữ:
- Tôi cấm bà nói xấu anh Liêu. Bà không có quyền nói gì về anh ấy! Bà thôi kiểu nói năng ấy đi, xin bà để cho tôi được yên thân!
Bà Thành cụt hứng, nhếch mép cười một nụ cười nhạt hơn nước ốc. Bà lại nong đôi bàn tay vào thân áo, lê đôi guốc lẹp kẹp đi ra khỏi chỗ Hoa ngồi…
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Mùa Hoa Dẻ.