- 7 -
-
Ngày đẹp hơn sẽ tới
- Chetan Bhagat
- 2817 chữ
- 2020-05-09 03:22:39
Số từ: 2796
Dịch giả: Phạm Hồng Anh
C.ty Nhã Nam phát hành
Nhà xuất bản Văn học
✯✯✯
Số hóa và soát lỗi: VCTVEGROUP
tve-4u.org
Tôi ném cuốn sách giới thiệu lên giường rồi tháo giày tháo tất. Tôi đã dành cả ngày đến những trung tâm dạy thêm khác nhau. Đến ba giờ chiều, phòng tôi nóng đỉnh điểm.
Bác Soni gõ nhẹ cửa phòng tôi.
Bữa tối của cháu này,
ông nói và đặt hộp cơm tối lên bàn học của tôi.
Tôi gật đầu cảm ơn. Trời đang quá nóng cho những câu xã giao. Tôi đã sắp xếp ổn thỏa chuyện ăn ở. Tuy nhiên thách thức chính của tôi ở Kota, ngoài việc thường xuyên phải tranh đấu với những ý nghĩ về Aarti, là đăng ký một khóa luyện thi tốt. Tôi đã dành ba ngày đi tới tất cả các trung tâm bồi dưỡng. Tôi nghe những tuyên bố hùng hồn của họ về việc đưa được bất cứ con khỉ đột nào vào IIT. Tôi xem qua những cơ cấu học phí hết sức linh hoạt (nhưng cũng hết sức đắt đỏ) của họ. Bansal, Resonance và Career Path có vẻ như là lựa chọn hàng đầu của mọi người. Mỗi trung tâm này lại có các kỳ thi tuyển riêng, khá là khó. Trên thực tế, Kota bây giờ còn có cả những lò luyện nhỏ để luyện thi vào các lớp luyện thi hàng đầu. Từ đó bạn sẽ được luyện để thi vào đại học kỹ thuật. Một khi đỗ rồi bạn sẽ học để trở thành kỹ sư. Tất nhiên hầu hết các kỹ sư lại muốn học MBA. Vì thế, quy trình luyện thi lại bắt đầu lần nữa. Vòng xoáy phức tạp này của các kỳ thi, các lớp học, sự tuyển chọn và ôn tập là tất cả những gì mà mỗi học sinh Ấn Độ mạt hạng như tôi phải trải qua để có được một cuộc sống tươm tất. Nếu không, tôi luôn có thể làm gác cổng như Birju hoặc nếu muốn mọi chuyện đơn giản hơn, treo cổ tự tử như Manoj Dutta, người bạn quá cố từng thuê phòng này.
Tôi bật cái quạt trần đã giúp Manoj thoát khỏi kỳ thi tuyển có tên gọi cuộc đời. Những cánh quạt làm lưu thông khí nóng trong phòng.
Cậu gọi điện về nhà chưa?
Cháu gọi rồi,
tôi nói. Bác Soni hỏi tôi câu ấy ít nhất hai lần một ngày. Tôi đoán chắc Manoj Dutta không thường xuyên gọi điện về nhà, chính điều đó dẫn tới sự cô đơn và cái chết sớm của cậu ta.
Báo tin thường xuyên cho họ, được chứ? Không ai yêu cháu hơn bố mẹ đâu,
bác Soni nói khi ra khỏi phòng.
Tôi đóng cửa và cởi áo. Đã mười ngày tôi không chèo thuyền. Cánh tay tôi có vẻ nhão đi. Tôi muốn tập thể dục, nhưng trước hết tôi phải xem hết mười triệu cuốn sách giới thiệu này đã.
Thật ra tôi đã gọi cho bố hai lần. Ông có vẻ ổn. Tôi nói với ông rằng tôi đã bắt đầu chuẩn bị cho năm tới, dù tôi không thể nào chịu được việc mở sách giáo khoa ra lần nữa. Tôi chẳng quan tâm. Tôi có vào lớp luyện thi nào thì cũng sẽ bị bắt học ngày học đêm.
Tôi muốn nói chuyện với Aarti trước. Tôi đã gọi cho nàng bốn lần mà chưa nói chuyện được với nàng lần nào. Hai lần đầu mẹ nàng nhấc máy. Bà lịch sự nói với tôi là Aarti ra ngoài - một lần đi với bạn và một lần khác đi nộp đơn đăng ký thi đại học. Hôm sau tôi gọi lại hai lần nữa và lại là mẹ nàng nhấc máy. Tôi bỏ máy mà không nói gì. Tôi không muốn mẹ Aarti cằn nhằn
Sao anh chàng này từ nơi xa xôi lại gọi con nhiều thế?
Việc đó không tạo ra ấn tượng tốt. Aarti nói là nàng sắp có điện thoại di động. Tôi mong là nàng có. Bây giờ có vẻ như ai cũng có điện thoại di động, hay ít nhất là những người giàu có.
Aarti không có số để gọi tôi. Ngày mai tôi sẽ thử lại lần nữa.
Tôi nhặt một cuốn sách giới thiệu màu xanh lá. Trên bìa có ảnh của vài người xấu xí nhất quả đất. Đó là hình của những người đứng đầu IIT từ trung tâm luyện thi này. Họ có những nụ cười rộng hơn nụ cười của người mẫu quảng cáo thuốc đánh răng, chỉ có điều hàm răng lại khác hẳn.
Vì sở thích của tôi là lãng phí thời gian nên tôi đã dành cả buổi chiều để so sánh những cuốn sách giới thiệu. Không, tôi không so sánh khóa học, tỉ lệ thành công hay cơ cấu học phí. Dẫu sao thì ai cũng tuyên bố rằng mình tốt nhất trong những lĩnh vực đó. Tôi so sánh ảnh những ứng cử viên thành công của họ; chỗ nào có anh chàng xấu trai nhất, chỗ nào có cô gái xinh nhất, nếu có. Việc này chả có ý nghĩa gì, nhưng ngay cả việc tôi đến Kota cũng chẳng có ý nghĩa gì cả.
Tôi xem cuốn sách giới thiệu của Bansal, chiếc chén thánh của vùng đất Kota. Học sinh của Bansal đeo phù hiệu trên vai, cho dù nói đúng ra họ vẫn chưa vào đại học. Học sinh Bansal là những người nổi tiếng ở Kota. Tôi phải qua được kỳ thi của họ. Tuy nhiên tôi không còn nhiều thời gian ôn tập cho kỳ thi sau ba ngày nữa. Thực tế là nhiều lớp luyện thi bắt đầu thi tuyển trong một tuần nữa. Đợt thi tiếp theo là sau một tháng. Tôi phải vào ngay một lớp nào đó. Lười biếng sẽ khiến tôi phát điên nhanh hơn cả người thuê phòng này trước đây.
Mỗi cơ sở luyện thi yêu cầu bạn nộp một ngàn đô tiền đơn đăng ký. Dù họ có tuyển bạn hay không, dù bạn có vào học hay không thì khoản phí này vẫn cứ phải nộp. Tôi có năm mươi ngàn rupi, bố hứa sẽ gửi thêm tiền sau sáu tháng nữa. Tôi không có nhiều tiền nên phải đăng ký có lựa chọn.
Tôi chọn ra năm cơ sở luyện thi - Bansal, Career Path, Resonance và hai cơ sở mới, rẻ hơn có tên là AimIIT và CareerIgnite.
Sách giới thiệu của AimIIT nói:
Chúng tôi tin vào quyền dân chủ được luyện thi của mỗi học sinh, vì vậy chúng tôi không tổ chức thi tuyển.
Điều này có nghĩa là họ không cùng đẳng cấp với những cơ sở hàng đầu để có thể tuyển chọn. Họ có thể viết cách khác như sau:
Nếu bạn có tiền, xin được chào mừng.
Cả buổi chiều hôm đó tôi điền những mẫu đơn nhàm chán giống nhau, tôi tự khuyến khích mình bằng cách nói tôi sẽ gọi cho Aarti một lần nữa trước bữa tối.
Tôi ra ngoài đi dạo lúc 7 giờ tối. Ngoài phố đầy bọn học sinh mọt sách ra ngoài để hưởng khẩu phần không khí trong lành hằng ngày của mình.
Tôi tìm thấy một bốt điện thoại đường dài.
Tôi nghe?
ông Pradhan nói giọng nghiêm nghị. Tôi bỏ điện thoại theo phản xạ. Đồng hồ tính cước trong bốt điện thoại rít lên.
Cậu vẫn phải trả tiền đấy,
chủ cửa hiệu khó chịu nói. Tôi gật đầu.
Tôi cần phải nói chuyện với ai đó. Tôi đã gọi cho bố sáng nay rồi. Tôi gọi cho Raghav.
Raghav, là tớ đây. Gopal. Gọi từ Kota,
tôi nói, những từ cuối nhỏ nhẹ.
Gopal! Ôi, trời, bọn mình vừa nhắc đến cậu,
Raghav nói.
Tớ? Thật à? Với ai?
tôi hỏi.
Aarti đang ở đây. Cậu thế nào? Kota thế nào? Bọn tớ nhớ cậu.
Aarti ở nhà cậu à?
tôi hỏi, ngạc nhiên.
Ừ, cô ấy muốn nhờ tớ chọn khóa học. Cô ấy không chắc chắn lắm về Tâm lý học.
Aarti cướp điện thoại từ Raghav giữa chừng.
Gopal! Anh ở đâu?
Ở Kota, tất nhiên rồi. Anh đã gọi cho em,
tôi nói. Tôi muốn hỏi nàng vì sao nàng lại đến nhà Raghav. Tuy nhiên đấy có vẻ không phải là cách tốt nhất để mở đầu câu chuyện.
Sao anh không gọi lại? Em còn không biết cả số để gọi cho anh nữa,
nàng nói.
Anh sẽ hỏi chủ nhà xem có được nhận điện thoại không. Nói anh biết bao giờ em về nhà. Anh sẽ gọi cho em. Anh muốn nói chuyện.
Nói ngay bây giờ đi. Có chuyện gì thế?
Sao anh có thể nói bây giờ được?
Tại sao?
Em đang ở với Raghav mà,
tôi nói.
Thì sao?
Em làm gì ở nhà Raghav thế?
Chẳng làm gì. Nhìn chung là thế.
Khi con gái dùng những câu lấp lửng như
nhìn chung là thế
, đó lại là lý do gây ra những mối lo cụ thể. Hoặc cũng có thể không phải. Có thể đó chỉ là do đầu óc phản ứng quá mức của tôi.
Em phải chọn khóa học. Em nên đi học Tâm lý hay làm cử nhân Khoa học Gia đình?
nàng hỏi.
Em muốn làm gì?
tôi hỏi lại.
Em phải tốt nghiệp trước khi trở thành tiếp viên hàng không. Đấy là lý do duy nhất khiến em đi học. Em muốn học khóa nào dễ dễ thôi.
Ồ, thế là kế hoạch tiếp viên hàng không của em vẫn chưa chết,
tôi nói.
Ừ, Raghav nói ta không nên dễ dàng từ bỏ giấc mơ của mình. Có thể cử nhân Khoa học Gia đình sẽ tốt hơn nhỉ? Có vẻ như liên quan đến ngành khách sạn. Hay là em đi Agrasen học quản lý khách sạn nhỉ?
Tôi im lặng. Raghav tư vấn cho nàng? Nó là ai mới được chứ? Chuyên viên tư vấn sự nghiệp à? Hay là giờ nó được phép rao giảng chỉ vỉ nó đã thi đỗ kỳ JEE khốn kiếp?
Nói em nghe nào, Gopi,
Aarti nói.
Em đang bối rối quá.
Sau đó tôi nghe tiếng cười khúc khích của nàng.
Có gì vui thế?
tôi hỏi.
Raghav đang giả vờ làm tiếp viên hàng không. Cậu ấy có một cái khay với đủ thứ,
nàng nói, rất thích thú.
Anh sẽ nói chuyện với em sau,
tôi nói.
Được rồi, nhưng nói em biết nên theo khóa nào,
nàng nói, giọng cuối cùng đã tỏ ra nghiêm túc.
Hỏi Raghav ấy. Cậu ấy học giỏi hơn,
tôi đáp.
Thôi nào Gopi. Đừng nói vớ vẩn.
Hãy nói chuyện khi em ở một mình,
tôi nói.
Gọi em giờ này ngày mai nhé.
Được rồi, tạm biệt.
Tạm biệt,
Aarti nói.
Anh nhớ em,
tôi nói, chậm mất một giây. Tôi chỉ nghe thấy một tiếng cạch trả lời.
Tôi về phòng mình, bữa cơm hộp tối và những cuốn sách giới thiệu đang đợi tôi. Tôi hình dung ra Aarti ở nhà Raghav, đầy tiếng cười vui. Ruột gan tôi sôi sùng sục.
Tôi nhặt một cuốn sách giới thiệu lên với vẻ chán ghét. Tôi lấy lưỡi dao cạo từ hộp cạo râu, cắt tấm ảnh bìa có những học sinh đỗ IIT và xé chúng tan nát.
Các lớp học ở Bansal không giống những trung tâm luyện thi nhỏ tổ chức trong những căn hộ bé xíu ở Varanasi. Nó giống một học viện hay một văn phòng công ty lớn. Tôi đứng trong một khu sảnh khổng lồ, tự hỏi mình sẽ làm gì tiếp theo. Học sinh và thầy giáo đi lại với vẻ quả quyết, như thể họ đang chuẩn bị phóng vệ tinh lên vũ trụ. Giống với nhiều lớp luyện thi khác ở Kota, học sinh mặc đồng phục để loại bỏ sự bất bình đẳng xã hội. Ở đây có những đứa trẻ giàu có từ Delhi, tiền tiêu vặt bố mẹ cho chúng còn nhiều hơn tiền cha tôi làm ra cả một năm. Mặt khác, ở đây cũng có cả những kẻ thất bại như tôi từ Varanasi, những kẻ không có tiền cũng chẳng đủ thông minh cần có để được ở đây.
Bình đẳng trang phục không có nghĩa là Bansal tin rằng tất cả các học sinh đều bình đẳng. Tại đây tồn tại một hệ thống đẳng cấp, tùy theo cơ hội đỗ kỳ thi đầu vào của bạn.
Một nhân viên phòng tiếp nhận hồ sơ cầm lấy tờ khai của tôi.
Có phải học sinh giỏi không?
ông ta hỏi.
Tôi tự hỏi mình phải trả lời câu hỏi này như thế nào.
Xin lỗi?
Nếu cậu đạt tổng 85% ở lớp 12, hoặc cậu được xếp hạng AIEEE trên 40.000 thì cậu được giảm giá ba mươi phần trăm,
quý ông đeo kính ngồi ở quầy giải thích cho tôi.
Cháu được 79%. AIEEE xếp thứ 52,043,
tôi nói.
Ồ. Trong trường hợp này cậu phải đăng ký vào chương trình trả đủ phí,
nhân viên tiếp nhận nói. Tôi không nhận ra rằng thứ hạng AIEEE có thể được quy đổi trực tiếp thành tiền.
Cháu có được giảm giá gì không ạ?
tôi hỏi, băn khoăn không hiểu người ta có được mặc cả ở đây không?
Tùy kết quả thi tuyển của cậu,
nhân viên đó nói và đóng dấu vào tờ khai của tôi. Ông ta đưa tôi tờ hóa đơn kiêm thẻ dự thi tuyển.
Cháu có phải học ôn gì cho kỳ thi tuyển không ạ?
tôi hỏi.
Cậu sẽ ôn được gì trong vòng hai ngày? Dẫu sao thì xét theo điểm số trông cậu cũng không có vẻ gì thông minh sáng láng cho lắm. Tôi khuyên cậu nên đăng ký vào những cơ sở khác,
ông ta trả lời.
Cảm ơn, cháu sẽ đăng ký,
tôi nói.
Người nhân viên nhìn quanh để chắc chắn không ai nghe được chúng tôi.
Anh họ chú vừa lập một cơ sở. Chú có thể giảm giá cho cháu năm mươi phần trăm ở đó,
ông ta thì thầm.
Tôi im lặng. Ông ta đẩy cho tôi một tấm danh thiếp: Dream IIT.
Phí tiền làm gì? Tài liệu học như nhau cả. Anh họ chú là giảng viên cũ của Bansal đấy.
Tôi xem tấm danh thiếp.
Đừng nói với ai, được chứ?
ông ta nói.
Tôi cũng có kinh nghiệm tương tự tại các cơ sở khác. Những bức tường được phủ kín bởi những tấm hình cỡ con tem của những thí sinh thi JEE thành công, gợi nhớ những tên khủng bố bị truy nã, chào đón tôi khắp nơi. Tôi cũng nhận ra rằng những cơ sở có uy tín thường ầm ĩ hơn về những kẻ
thi lại
. Dẫu sao thì chúng tôi cũng đã thất bại một lần và các cơ sở thì không muốn làm hỏng các con số thống kê của họ. Những cơ sở hàng đầu tuyên bố rằng mỗi năm họ đưa được tới năm trăm sinh viên mới vào IIT. Tất nhiên là những cơ sở này không bao giờ tiết lộ rằng họ thu nhận cả chục ngàn học sinh, và trong số đó chỉ có năm trăm người thành công. Điều đó có nghĩa là tỉ lệ thi đỗ chỉ là năm phần trăm. Tuy nhiên JEE có tỉ lệ đỗ chung nhỏ hơn hai phần trăm và các cơ sở ở Kota tuyên bố họ có thể đánh bại tỉ lệ đó. Việc sàng lọc trước các ứng cử viên có thể là lý do duy nhất lý giải tỉ lệ đỗ cao hơn trung bình. Tuy nhiên, những học sinh như tôi vẫn lao đến từ khắp đất nước, xếp hàng nộp tờ khai đăng ký.
AimIIT và CareerIgnite có ít người xếp hàng hơn. Thực tế là họ đưa ra cho tôi vài đề nghị liền ngay tại chỗ. Cơ sở thứ hai thậm chí còn đề nghị giảm giá hai mươi phần trăm.
Chỉ giảm giá nếu cậu đăng ký ngay bây giờ, sẽ không còn nếu cậu quay lại,
một nhân viên bán hàng kiêm tiếp tân hùng hổ nói với tôi.
Nhưng cháu vẫn chưa quyết định,
tôi phản đối.
Cậu đến đây để vào Bansal đúng không?
anh ta nói và ném cho tôi cái nhìn biết tuốt.
Tôi im lặng.
Tôi là học sinh cũ của Bansal,
anh ta nói.
Có ai ở Kota mà không phải không?
tôi hỏi và ra khỏi nơi đó.