Lời nói đầu


Số từ: 1621
Dịch giả: Hà Ngọc
Nguồn: tve-4u.org
Tên tuổi của Ivan Bunin - nhà văn Nga đầu tiên được trao giải Nobel Văn học - từ lâu đã trở nên rất quen thuộc với bạn đọc Việt Nam.
Cuộc đời và sự nghiệp của ông khá độc đáo, nếu không nói là kỳ dị. Ivan Alecxeevits Bunin sinh ngày 10 tháng 10 năm 1870 tại Voronezh, trong một gia đình thuộc số những dòng quý tộc lâu đời nhất ở nước Nga, nhưng đã suy tàn. Ông chỉ học xong có bốn lớp trường trung học huyện Elex tỉnh Orlov, rồi ở sâu nơi làng quê, "trong bầu tĩnh mịch cực kỳ sâu lắng ruộng đồng" của huyện Elex cho tới năm mười chín tuổi. Chính thời gian này đã tạo nền móng cho sự nghiệp văn chương của ông, mà theo một nhà bình luận văn học Nga, "trên những vùng bán thảo nguyên bao la, giữa vùng đất đen cực kỳ màu mỡ và giữa những căn nhà gỗ nghèo nàn của nông dân, tâm hồn chàng thiếu niên đã cảm thụ vẻ đẹp và nỗi buồn của nước Nga, cảm thụ những bí ẩn bi thảm của lịch sử Nga và tính cách dân tộc Nga"(1). Ông đã bắt đầu viết văn, làm thơ trên cơ sở những cảm thụ ấy. Năm 1900, truyện ngắn Những quả táo Antonov cùng với một số truyện ngắn và các bài thơ khác đã khiến ông nổi tiếng. Đọc văn ông, trước khi qua đời ít lâu A. Tsekhov đã qua một người bạn nhắn với Bunin rằng ông "sẽ trở thành một nhà văn lớn". Sang những năm đầu thế kỷ XX, hai truyện vừa Nông thôn (1909-1910) và Xukhodol (1911) đã đưa Bunin lên bậc những nhà văn hàng đầu lúc bấy giờ. Thế rồi hàng loạt truyện ngắn, truyện vừa và thơ của ông nối đuôi ra đời, trong đó nổi bật là Cuộc đời tươi đẹp (1911), Một gia đình nông dân tươi vui (1911), Zakhar Vorobiov (1912), Cỏ gày (1913), Anh em (1914), Quý ông từ San Francisco đến (1914), Những giấc mơ của Tsang (1916)... Nhưng, sau năm 1917, cũng giống như một số nhà văn và nghệ sĩ lớn khác A.N. Tolstoy, A.I. Kuprin, l.X. Smelev, X.V. Rachmaninoff..., ông đã lưu vong ra nước ngoài, chủ yếu sống ở vùng Provence phía nam nước Pháp. Mặc dù vậy, bằng vốn sống được tích lũy một cách kỳ diệu, bằng những kỷ niệm cực kỳ sâu sắc và trí nhớ tuyệt vời, với lòng yêu nước nồng nàn và tâm tình cố quốc tha hương da diết, trong suốt ba mươi ba năm ở nước ngoài, ông vẫn tiếp tục viết nên những tuyệt tác, trong đó có cuốn tiểu thuyết duy nhất Cuộc đời Akxeniev (1927 -1929 -1933) - được coi như phản ánh thời niên thiếu của ông tại khu điền trang đổ nát Kamenka ở làng Oderki huyện Elex, và được ví như Bản giao hưởng số 3 thiên tài của Rachmaninoff trong văn học - và chủ yếu là các truyện ngắn và truyện vừa đặc sắc như: Mối tình của Mitin (1924), Say nắng (1925)... cùng một chuỗi truyện ngắn trong tập Những lối đi dưới hàng cây tăm tối (1938 - 1945) v.v.. Năm 1933 ông được tặng giải thường Nobel Văn học "vì nghệ thuật nghiêm ngặt mà với nó nhà văn đã phát triển nền văn xuôi cổ điển Nga". Trong suốt thời gian Thế chiến II sống tại Provence, ông đã đứng vững trước mọi thủ đoạn hăm dọa, mua chuộc của bè lũ phát xít, cực lực lên án những tội ác của bọn chúng, hàng ngày theo dõi tình hình chiến sự ở tổ quốc mình, tin tưởng ở sức mạnh vô biên của nhân dân Nga... Sau chiến tranh, nhiều lần ông đã có ý định về thăm quê hương, đất nước, nhưng tuổi quá già đã không cho phép ông thực hiện nguyện vọng đó, và năm 1953 ông qua đời ở Paris, được an táng tại nghĩa trang Nga ở Sainte-Genevieve-des-Bois gần đó. Người ta luôn nhớ tới lời ông nói trước khi chết: "Làm sao chúng ta có thể quên tổ quốc? Con người có thể quên tổ quốc được không? Tổ quốc ở trong tâm hồn mình. Tôi là một con người rất Nga. Điều đó dù bao nhiêu năm cũng không mất đi được...".
Di sản văn học do I.A. Bunin để lại không phải đồ sộ cho lắm, Nhà xuất bản Văn học nghệ thuật Maxcơva xuất bản toàn tập tác phẩm gồm 9 tập của ông vào các năm 1965, 1966, 1967, trong đó chỉ có một tiểu thuyết, còn chủ yếu là truyện ngắn, truyện vừa và thơ. Nhưng rõ ràng "Văn hay chẳng lọ là dài", di sản văn học này là "cả một chương của sự phát triển văn học Nga trong thế kỷ chúng ta"(2), các tác phẩm của nghệ sĩ Bunin thường ngắn và tuyệt vời, độc đáo cả về nội dung và hình thức thể hiện.
Những truyện ngắn và truyện vừa, - bộ phận cốt lõi trong di sản văn học của ông, - mới đọc tưởng chừng như đơn giản về cốt truyện, nhưng thực ra lại cực kỳ sâu sắc, chúng bao la cả về thời gian lẫn không gian, bao gồm cả một thế giới đủ loại nhân vật, có khi chỉ trong một truyện vừa mà có tới hơn một trăm nhân vật (Nông thôn), động chạm tới hàng loạt lĩnh vực trong đời sống con người (sinh hoạt và lịch sử, triết học và chính trị, kinh tế và đạo đức, tôn giáo và văn hóa, cuộc sống và tâm lý, gia đình và cách làm ăn, giáo dục và pháp luật), lại được thể hiện một cách rất hấp dẫn với đủ loại màu sắc, âm thanh, hương vị, vừa chân thực cao độ, vừa thơ mộng, cảm động, lại vừa sâu lắng với tinh thần phân tích, suy tư, vừa bi thảm, quyết liệt, lại vừa đầy lạc quan yêu đời. Người ta cho rằng sau Tsekhov, Bunin đã đem lại sự đổi mới cho thể loại truyện ngắn Nga, mỗi truyện ngắn của ông vừa là một áng văn xuôi lại vừa là một bài thơ, ông đã viết chúng với trí tuệ và trái tim của một nhà tư tưởng, một nhà triết học và một nhà thơ, và do đó, "đọc tác phẩm của Bunin không những phải đọc chăm chú, mà còn phải có văn hóa rộng, phải tập trung cả trí tuệ và tâm hồn, phải có khả năng suy nghĩ về nước Nga, về quá khứ, hiện tại và tương lai của nó, về mối liên quan của cuộc sống hàng ngày, của cuộc sống "riêng" với những sự kiện xã hội - lịch sử có quy mô"(3).
Bunin nói: "Đất nước và con người bao giờ cũng khiến tôi rung động". Ngay từ khi bắt đầu cầm bút, ông đã luôn day dứt về ý nghĩa của sinh tồn, của cuộc sống khổ sở, rối rắm và thường là vô ích của con người Nga, trước hết là những người nông dân, những nhà qúy tộc nông thôn nghèo và giới tri thức tự do. Ông cho rằng qua người nông dân, ông đã phát hiện được tâm hồn Nga. Trong các nhà qúy tộc, đặc biệt là đông đảo các qúy tộc nghèo, ít ruộng đất, ông cũng tìm ra tính cách Nga, và ông cho rằng Turgheniev, L Tolstoy mới chỉ miêu tả tầng lớp trên của giới quý tộc Nga mà thôi. Nhưng bất kỳ loại nhân vật nào cũng được Bunin đặt trong những khung cảnh thiên nhiên, đời sống xã hội, lịch sử cụ thể, sinh động, sâu xa và đa dạng của họ, và thật ra qua họ, ông đã đi sâu nghiên cứu cuộc sống hàng ngày, nếp sống Nga và những "nền tảng của tâm hồn", nghiên cứu tâm lý, tâm tình và những động cơ kín đáo trong xử sự của con người, thái độ của họ đối với thế giới bên ngoài và đối với bản thân... Chính vì vậy, cũng hệt như những thiên tài văn học khác, tuy không trực tiếp thể hiện chính trị - xã hội, nhưng bằng sức cảm thụ và phản ánh thực tại siêu việt của mình, Bunin vô hình chung đã phản ánh chân thực xu thế khách quan của xã hội và lịch sử, phơi bày những mối mâu thuẫn và sự bế tắc của xã hội đương thời, thấy trước được cái tai họa và sự sụp đổ của nó, và dẫn tới những kết luận mà chính ông cũng không ngờ tới. Đấy chính là ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn của các tác phẩm Bunin. Chính vì vậy mà L. Tolstoy cũng đã phải thốt lên: "(Bunin) viết hay đến nỗi cả Turgheniev cũng không viết được như thế chứ đừng nói gì tôi". Còn M. Gorki luôn có quan hệ khăng khít qua thư từ với Bunin, thì nhận xét rằng: "Về nông thôn (Nga), chưa có ai viết sâu sắc được đến thế, có tính chất lịch sử đến thế", và cho rằng Bunin là "bậc thầy hàng đầu trong văn học Nga hiện đại".
HÀ NGỌC
1. L. Krulikova, I. A. Bunin, Nông thôn, Truyện vừa và truyện ngắn. Nhà xuất bản Văn hóa nghệ thuật, Maxcơva, 1981.
2. O. Mikhailov, I. A. Bunin, Cuộc đời Akxeniev, Tiểu thuyết và truyện ngắn, Nhà xuất bản Nga Xô Viết, Maxcơva, 1982.
3. Xem chú thích 2.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Những Lối Đi Dưới Hàng Cây Tăm Tối.