Truyện ngắn 1: Những quả táo Antonov(1)
-
Những Lối Đi Dưới Hàng Cây Tăm Tối
- Ivan Bunin
- 9034 chữ
- 2020-05-09 04:05:03
Số từ: 9054
Dịch giả: Hà Ngọc
Nguồn: tve-4u.org
I
...Tôi hồi tưởng lại một mùa thu sớm, đẹp trời, trong tháng tám đã có những trận mưa nhỏ ấm áp và những trận mưa này dường như cố tình rơi xuống cho dân cày cấy, rơi xuống đúng lúc, vào giữa tháng, khi sắp sửa có ngày lễ thánh Lavrenti(2). Mà
vào dịp lễ thánh Lavrenti nếu con nước êm và mưa nhỏ, thì mùa thu và mùa đông sẽ tốt trời
. Thế rồi dạo đầu thu lại có những ngày sáng sủa và ấm áp, có nhiều mạng nhện chăng trên cánh đồng. Đó cũng là điều lành:
Những ngày sáng sủa ấm áp đầu thu nếu nhiều nhện chăng tơ, thì mùa thu sẽ đẹp
... Tôi nhớ lại một buổi sớm sủa, tươi mát, yên tĩnh... Tôi nhớ một khu vườn lớn đã khô và thưa lá, toàn bộ màu vàng óng; nhớ những lối đi giữa hai hàng cây phong, mùi thơm nhẹ nhàng của lá rụng và cả mùi táo Antonov, mùi mật ong và mùi của tiết thu tươi mát. Không khí trong trẻo đến nỗi hệt như hoàn toàn không có nó nữa, khắp khu vườn âm vang tiếng người nói, tiếng xe ngựa tải kẽo kẹt. Ấy là những nhà tiểu thương, những thị dân trồng vườn đã thuê được những người nông dân trẩy táo xuống để đến đêm đưa về tỉnh, - và nhất định là phải đi vào ban đêm kia, bởi vì lúc bấy giờ, nằm trên xe, nhìn lên bầu trời đầy sao, nghe phảng phất mùi nhựa chưng trong không khí tươi mát và nghe cả một đoàn xe dài thận trọng kẽo kẹt trên con đường lớn trập trùng, thì thật tuyệt vời. Bác nông dân được giao việc đổ táo, cứ cắn rau ráu hết quả này đến quả khác, nhưng tục lệ xưa nay vẫn vậy, nên người thị dân chẳng hề ngăn lại, mà còn bảo:
- Đổ xuống, ăn cho no đi, không có việc gì làm nữa đâu! Đổ xong, mọi người sẽ uống mật ong.
Và bầu tĩnh mịch mát mẻ của ban mai chỉ bị náo động bởi tiếng hót no mồi của đàn sáo đậu trên cây thanh lương trà màu san hô trong khoảng rậm của khu vườn, bởi tiếng người nói và tiếng táo đổ rào rào vào những thưng, những thùng gỗ. Trong khu vườn thưa lá, có thể nhìn thấy con đường trải ra xa dẫn tới một mái nhà tranh rộng rãi, và nhìn thấy được cả ngôi nhà ấy, mà quanh đó trong vụ hè qua các thị dân đã gây nên cả một cơ ngơi. Đâu đâu cũng thơm phức mùi táo, ở đây lại càng như vậy. Trong căn nhà tranh có bố trí nhiều chỗ nằm, có một khẩu súng một nòng, một chiếc xamovar đã mốc xanh, còn bát đĩa đặt ở góc nhà. Bên cạnh nhà lăn lóc những chiếc chiếu gai, những hòm gỗ, những đồ đạc linh tinh đã cũ nát, và có một chỗ để đun bếp. Ở đây buổi trưa người ra nấu món cháo mỡ cực ngon, buổi chiều thì đun xamovar và một làn khói xanh lơ thường trải thành một vệt dài giữa những hàng cây trong toàn bộ khu vườn. Còn vào những ngày lễ tết thì bên cạnh mái nhà tranh này là cả một phiên hội chợ, và đằng sau những đám cây cối chốc chốc lại thấy thấp thoáng cả những trang phục màu đỏ. Những cô gái thuộc các hộ tiểu nông vẻ hoạt bát, mặc những tấm xiêm cụt tay nức mùi thuốc nhuộm đã tụ tập lại. Đã có mặt cả những người
quý tộc
trong các bộ quần áo tuy đẹp mà thô lậu và mông muội của họ, có mặt cả một bà lý trưởng trẻ măng, đang có chửa, mặt phèn phẹt, bơ phờ và bộ điệu quan trọng như một con bò cái vùng đồi núi. Đầu bà ta cũng có
sừng
- những búi tóc kết ở hai bên đỉnh đầu, bên trên lại trùm thêm mấy lớp khăn, thành thử đầu bà ta trông to tướng; đôi chân đi ủng ngắn có đóng cá sắt, đứng trên mặt đất có vẻ thộn nhưng vững chãi; chiếc áo gilê của bà ta bằng vải mịn, có vạt che dài, còn chiếc váy bằng len tự dệt thì màu hoa cà sẫm có sọc màu gạch, gấu váy đính một
vành đăng ten
rộng thêu kim tuyến...
- Một con bươm bướm(3) đảm đang! - người thị dân lắc đầu, bình phẩm về bà ta. - Bây giờ lại sinh ra những hạng người như thế đấy...
Trong khi đó những thằng bé con mặc những chiếc áo sơ mi kiểu cách và những chiếc quần ngắn cũn cỡn, đầu để trần, trắng hếu, xuất hiện mỗi lúc một nhiều. Chúng đi từng nhóm hai, ba đứa một, những bàn chân không giày dép bước lon xon, và đứa nào cũng đến sờ vào con chó becgiê lông xù buộc vào một cây táo. Dĩ nhiên là chỉ có một đứa mua hàng thôi, bởi việc mua bán của chúng chỉ vẻn vẹn là một kôpêch hoặc là một quả trứng, nhưng những người mua bán khác thì lại nhiều, việc buôn bán diễn ra nhộn nhịp, khiến cho một thị dân dáng như mắc bệnh ho lao, mặc chiếc áo kín cổ dài lụng thụng, đi đôi ủng hung hung đỏ, đã lộ vẻ vui mừng. Cùng thằng em trai, - một đứa dở ngu dở đần, nói ngọng nhưng lanh lẹn, mà ông ta nuôi
vì lòng nhân từ", - ông ta buôn bán với những lời đùa cợt, bông lơn, thậm chí đôi lúc còn
rờ tới
cả chiếc đàn gió sản xuất ở Tula(4). Và người ta họp chợ trong khu vườn ấy cho tới tận chiều tối, bên ngôi nhà tranh vang lên tiếng cười, nói, thỉnh thoảng lại có cả tiếng nhảy múa rậm rịch...
Về đêm tiết trời rất lạnh và sương xuống nhiều. Sau khi đã tha hồ hít thở mùi lúa thơm ngát toả ra từ những đống rơm mới và những đống thóc lép trên sân phơi, ta sẽ sảng khoái đi bên cạnh bờ đất chung quanh vườn để về nhà ăn bữa tối. Vào lúc hoàng hôn giá buốt, tiếng người nói trong thôn xóm hay tiếng cửa cọt kẹt nghe sao rõ lạ thường. Trời tối dần. Và lại có hương vị mới xuất hiện: trong vườn có đống lửa nhen lên, thế là mùi khói thơm nức của những cành anh đào toả ra nồng nặc. Trong bóng tối ở cuối khu vườn là một cảnh huyền diệu: giống như dưới âm ti địa ngục, bên cạnh ngôi nhà tranh bừng bừng một ngọn lửa đỏ ối giữa tăm tối trập trùng, và có những hình dạng đen thui của ai đó, hệt như được tạc ra từ một loại gỗ đen kịt, đang xoay vòng quanh đống lửa, còn những bóng khổng lồ của họ thì lại lấp loáng trên những cây táo. Trên toàn bộ một cây táo, lúc thì hiện ra một cánh tay đen to tới vài arsin(5), lúc thì lại nổi rõ lên đôi chân như hai chiếc cột nhà đen ngòm...
Rồi bỗng nhiên tất cả biến mất khỏi cây táo và một bóng đen trải dài trên suốt lối đi, từ ngôi nhà tranh ra mãi đến tận cổng...
Đêm khuya, khi thôn xóm đã tắt hết đèn lửa, khi trên trời cao đã long lanh bảy ngôi sao trong chòm Đại Hùng Tinh sáng như những viên kim cương, ta lại chạy ra vườn chơi. Giẫm trên lớp lá khô sột soạt, ta lần mò tới tận túp nhà tranh như một anh mù. Ở đó là khoảng rừng thưa nên trời có sàng lên đôi chút và trên đầu ta trắng xoá dải Ngân Hà.
- Cậu đấy ư, cậu? - có ai đó từ trong bóng tối khẽ gọi ra.
- Tôi đây. Thế bác vẫn chưa ngủ à, bác Nikolai?
- Lão không sao ngủ được. Chắc là khuya lắm rồi đấy nhỉ? Kìa, hình như chuyến tàu khách đã đến...
Chúng tôi lắng nghe hồi lâu và đã nhận ra mặt đất đang rung chuyển lên nhè nhẹ. Sự rung chuyển dần thành tiếng động, lớn dần lên và rồi nhịp bánh xe quay ầm ầm đổ đến mỗi lúc một nhanh, nghe như ngay sau vườn, đoàn tàu phóng đến rầm rầm, xình xịch... mỗi lúc một gần, gần hơn và mỗi lúc một ồn ã, giận dữ hơn... Rồi tất cả bỗng lắng dần, im bặt đi, hệt như chui tọt cả xuống đất..
- Thế khẩu súng của bác đâu rồi, bác Nikolai?
- Ở ngay cạnh hòm gỗ kia ạ.
Tôi bèn giương khẩu súng một nòng nặng như chiếc xà beng, chĩa lên trời, bắn ngay một phát. Cùng với tiếng nổ đinh tai, một ngọn lửa đỏ ối phụt lên trời, làm lóa mắt ta trong giây lát và xóa nhoà những ngôi sao, còn dư âm hùng dũng của nó thì vang rền vòng quanh ta, lan theo đường chân trời, rồi lắng dần ở xa xa trong bầu không khí trong sạch và thính nhạy.
- Ái chà, cừ đấy! - người thị dân sẽ nói. - Cứ bắn đi: cứ bắn đi, cậu ạ, kẻo không thì tai họa đấy chứ chả chơi đâu! Toàn bộ cây lê trên bờ đất đã lại bị chúng nó rung lấy hết quả rồi...
Trong khi đó, những vì sao đổi ngôi rạch bầu trời đen bằng những vệt lửa. Và ta nhìn mãi vào cái khoảng sâu xanh thẳm của bầu trời đầy những chòm sao, kỳ cho tới khi chóng mặt mới thôi. Lúc bấy giờ ta mới thấy rùng mình, đút vội tay vào những ống tay áo, chạy nhanh theo con đường giữa những hàng cây mà trở về nhà... Sao lạnh và nhiều sương đêm đến thế, và sống ở trên đời sung sướng biết bao!...
II
Táo Antonov mẩy, cả năm thảy đều vui
. Nếu táo Antonov sai quả thì công việc nông thôn sẽ tốt vì có nghĩa là lúa cũng sẽ được mùa... Tôi hồi tưởng lại một năm được mùa ấy.
Vào lúc mới tinh mơ, khi gà còn đang gáy và những ngôi nhà gỗ còn đang toả khói mờ đen, ta sẽ mở toang cửa sẽ trông ra một khu vườn mát mẻ đầy sương mù tím nhạt mà đây đó ánh nắng ban mai rọi qua màn sương đã ánh lên rạng rỡ, - và không cầm được lòng nữa, ta sẽ ra lệnh mau chóng thắng yên cương cho ngựa, còn bản thân thì chạy ra ao để rửa ráy. Đám lá nhỏ lăn tăn trên những cây liễu bên bờ ao đã hầu hết bay đi, chỉ còn lại những cành trơ trụi trên bầu trời xanh ngắt. Làn nước dưới rặng liễu trở nên trong vắt, lạnh như băng và dường như nằng nặng. Vẻ lười nhác của ban đêm đã bị làn nước ấy xua tan trong nháy mắt, và sau khi rửa ráy xong lại đã hòa mình với những người làm trong căn nhà dành riêng cho họ, cùng họ ăn sáng với những củ khoai tây nóng bỏng, với bánh mỳ đen rắc những hạt muối to mà ướt, ta sẽ cưỡi ngựa đến vùng Vưxenki(6) để săn bắn, khoái trá cảm thấy da yên ngựa trơn tru dưới chỗ mình ngồi. Mùa thu là mùa của những ngày hội lớn của các thánh, nên lúc bấy giờ nhân dân thường ăn mặc tề chỉnh và hài lòng, quang cảnh làng quê hoàn toàn không giống như những thời buổi khác. Nếu như năm ấy mà lại được mùa và trong các sân kho đều ngồn ngộn những đống ươm vàng, còn ở ngoài sông sáng sáng lại có tiếng ngỗng quang quác kêu vang, thì tình hình nông thôn lúc ấy lại là rất khả quan. Hơn thế nữa, vùng quê Vưxenki nơi chúng tôi từ xửa từ xưa, từ thời ông bà ông vải đã từng nổi tiếng là vùng
trù phú
. Các cụ ông cụ bà ở Vưxenki đều rất cao tuổi thọ, - đây là dấu hiệu trước hết của một vùng quê giàu có, - ai nấy đều cao, to và đầu bạc trắng như tuyết. Đến đây ta sẽ thường chỉ nghe thấy:
Phải, - bà Agaphia kia kìa, bà ấy đã ngoại tám mươi ba rồi đấy!
, - hoặc là những câu chuyện đại loại như sau:
- Thế bao giờ thì lão mới chết cho đây, lão Pankrat? Có dễ lão đến trăm tuổi rồi chắc?
- Dạ thưa ngài dạy gì ạ, thưa ngài?
- Ta hỏi lão bao nhiêu tuổi rồi?
- Bẩm ngài, con cũng chẳng biết đâu ạ.
- Thế lão có nhớ Platon Apollonưts không?
- Có chứ ạ, thưa ngài, con nhớ rõ chứ ạ.
- Ờ, có thế chứ. Nghĩa là lão không dưới trăm tuổi đâu.
Ông già đang đứng dướn thẳng người trước mặt nhà quý tộc, mỉm cười hiền lành và ra vẻ có lỗi. Làm thế nào được nhỉ, hoá ra ông già có lỗi vì là đã sống quá lâu. Và chắc chắn cụ sẽ còn sống lâu hơn nữa nếu không ních đầy hành tây vào bụng trong tuần chay trước ngày lễ thánh Piotr(7).
Tôi còn nhớ được cả bà lão của ông già ấy nữa. Thường là bà lão vẫn ngồi trên một chiếc ghế dài nhỏ ngoài bậc thềm, lưng cúi gập, đầu lắc lư, thở chẳng ra hơi, hai tay bíu chặt lấy ghế, - và bà lão luôn nghĩ ngợi một điều gì đó.
Chắc lại nghĩ đến của nả của mình đấy thôi
, - các bà các cô bảo vậy bởi vì trong các hòm rương,
của nả
của bà lão quả là có nhiều thật. Thế nhưng bà lão tưởng như chẳng nghe thấy gì, vẫn hơi nhướng đôi mày lên một cách buồn bã mà nhìn vào đâu xa xa như kiểu người thong manh, lắc lư mái đầu và hệt như đang cố nhớ lại một điều gì. Đó là một bà lão to lớn, toàn thân tăm tối thế nào ấy. Chiếc váy len tự dệt của bà lão hầu như là từ thế kỷ trước, đôi giày bện bằng dây thì như đôi giày của người chết, cổ bà lão vàng khè và khô khẳng, chiếc áo sơ mi có băng chéo bằng vải kẻ sọc lúc nào cũng trắng tỉnh trắng tinh, -
hệt như để bỏ vào săng vậy
. Thế còn ở bên cạnh bậc thềm thì có một phiến đá to tướng, phiến đá mà bà lão đã tự mua để xây mồ cho mình, cũng như là đã mua cả khăn liệm nữa, một chiếc khăn liệm tuyệt đẹp có các vị thiên thần, có các thánh giá và cả một bài kinh cầu nguyện in ở các mép khăn.
Nhà cửa của các hộ gia đình ở Vưxenki cũng hệt như các cụ già ấy vậy, tất cả đều bằng gạch, và đều được xây từ đời ông bà ông vải. Còn nhà gỗ của các nông dân giàu có, như của bác Xaveli, bác Ignat, bác Dron, thì đều là hai, ba gian, bởi lẽ ở Vưxenki lúc bấy giờ còn chưa có luật lệ chia nhà chia cửa. Ở những gia đình như vậy người ta nuôi ong, người ta tự hào về con ngựa đực kéo khỏe, màu sắt xám, và người ta cai quản khu đất vườn có nền nếp. Trong các sân phơi đều đen ngòm những đống gai dầu rậm rạp và mập mạp, có cả nhà hong lúa và lán chứa lúa lợp hai mái; trong các kho chứa cỏ và kho thóc nhỏ đều có cửa sắt để chứa giữ vải gai, xa quay sợi, những chiếc áo lông cộc mới, các yên cương còn đủ bộ, các loại thưng đấu đóng đai đồng. Trên các cánh cổng và trên các xe trượt tuyết đều đóng dấu thánh giá bằng sắt nung. Và tôi còn nhớ rằng hồi ấy đôi khi mình tưởng chừng làm người nông dân là một điều hấp dẫn hiếm có. Mỗi khi cưỡi ngựa đi trong vùng nông thôn vào buổi sáng chói chang ánh nắng, ta luôn nghĩ rằng nếu được gặt lúa, đập lúa, nếu được ngủ trên những đống rơm ngoài sân phơi, còn như vào ngày lễ nếu được dậy sớm cùng với mặt trời trong hồi chuông khai lễ rộn rã và du dương từ trong làng vọng đến, nếu được rửa mặt ngay bên cạnh thùng nước, mặc chiếc áo sơ mi kiểu cách và sạch sẽ, bận bộ quần áo hệt như người nông dân và cũng được đi đôi ủng đóng cá sắt kiên cố như vậy, thì sẽ thú vị biết bao. Tôi còn nghĩ, nếu thêm vào đó, còn có một cô vợ khỏe mạnh và đẹp đẽ, ăn vận xiêm áo ngày hội, và lại có một chuyến đi dự ngày lễ trọng đại, sau đó đến ăn trưa ở nhà ông bố vợ có râu dài, một bữa ăn có thịt cừu nóng sốt để trong cái đĩa gỗ, có cả bánh mì bằng tinh bột, có cả mật ong tầng và bia nhà làm, - như thế thì không thể còn mong muốn gì hơn được nữa! ểVí dụ như: đó là trường hợp khu điền trang của dì Anna Gheraximovna ở cách Vưxenki khoảng mười hai verxta(8) chẳng hạn. Có lần khi ta tới được điền trang đó thì trời đã sáng bạch. Tuy đi ngựa, nhưng phải dùng dây để giong đàn chó săn thì cũng chỉ đi thủng thẳng được thôi, vả chăng ta cũng chẳng muốn vội vã làm gì, - đi giữa cánh đồng trong một ngày nắng và mát mẻ thì vui vẻ biết bao! Vùng đất bằng phẳng, có thể nhìn thấy rất xa. Bầu trời nhẹ nhõm, và sao nó bao la, sâu thẳm đến thế. Mặt trời long lanh chiếu xiên khoai, và, sau những trận mưa, con đường rị xuống do có nhiều xe đi lại, trơn như đổ mỡ và láng bóng lên như những đường ray. Tứ phía trải ra rộng rãi những vạt lúa thu non xanh thắm, tươi mát. Một chú diều hâu từ đâu đó vút lên bầu không trong vắt rồi lặng đi, cứ đứng yên một chỗ mà vỗ đôi cánh nhỏ nhọn hoắt. Còn những cột dây thép(9) mà ta trông rõ nét thì chạy tít về một phương xa quang đãng, với những đường dây giống như những sợi dây đàn bằng bạc lơ lửng treo ngang lưng chừng trời quang đãng. Những con chim cắt nâu đậu trên những đường dây đôi y hệt như những nốt nhạc đen trên một trang chép nhạc.
Tôi không biết và chưa được thấy chế độ nông nô, nhưng tôi nhớ được rằng tôi đã cảm biết được chế độ đó khi tôi đến chỗ dì Anna Gheraximovna. Cứ bước chân vào trang trại này là ta lập tức cảm thấy ngay rằng chế độ đó còn đang sống nguyên vẹn. Khu điền trang không lớn, nhưng thảy đều cũ kỹ, vững vàng, chung quanh bao bọc bởi những cây bạch dương và miên liễu cổ thụ. Những công trình xây dựng trong trang trại rất nhiều, không đồ sộ, nhưng rất tiện lợi cho việc nhà, và hệt như tất cả đều được gắn bó với nhau bằng những thân gỗ sồi sẫm màu dưới những mái rơm. Nổi bật lên do to tát, hay nói đúng hơn do chiều dài của nó, chỉ là căn nhà đen nhẻm của những người đầy tớ, mà từ trong đó người ta thấy ngó ra những đại diện cuối cùng của đẳng cấp tôi đòi, - những ông bà già lụ khụ nào đó, một cụ đầu bếp đã về hưu già lọm khọm, trông giống như Don Kihote. Khi ta cưỡi ngựa vào đến nơi thì tất cả các cụ ấy đều kéo nhau ra, cúi rạp cả người xuống mà chào. Một cụ xà ích đầu bạc từ trong lán xe ngựa chạy ra để giữ ngựa cho ta, ngay từ lúc bước ra khỏi lán cụ đã ngả mũ và cứ để đầu trần như thế mà đi ngang qua toàn bộ khu sân nhà. Trước đây cụ làm xà ích cưỡi ngựa để giong xe(10) cho bà dì tôi, còn bây giờ thì cụ chở xe cho bà đi dự các buổi lễ trọng, -mùa đông bằng xe thổ mộ, mùa hè thì bằng một chiếc xe ngựa không mui vững chãi, bịt sắt, đại để giống như những chiếc xe mà các cha cố thường đi. Khu vườn của dì tôi nổi tiếng là rậm rạp, có nhiều chim hoạ mi, chim gáy và nhiều táo, còn ngôi nhà của dì thì nổi tiếng vì cái mái nhà. Ngôi nhà ấy ở ngay đầu sân, sát cạnh vườn, được ôm ấp bởi những cành gia. Nhà không đồ sộ mà lại thấp lè tè, nhưng ta có cảm tưởng là nó không thể dưới trăm tuổi được, bởi lẽ ta thấy nó đàng hoàng ngó ra từ phía dưới một mái rơm cao và dày dặn khác thường, một mái rơm đã đen nhẻm và cứng chắc lại với thời gian. Tôi có cảm giác là mặt trước của ngôi nhà này bao giờ cũng rất sống động, hệt như một bộ mặt già nua dưới một chiếc mũ kếch xù đang nhìn ra bằng những con mắt hõm sâu, - những khung cửa sổ với những ô kính đã ánh lên màu xà cừ do dầm mưa dãi nắng. Còn ở hai bên những con mắt đó là những bậc thềm, - hai bậc thềm cũ kỹ, rất to, có nhiều cột. Trên mi cao của những mái thềm này bao giờ cũng đậu đầy những con bồ câu được ăn no, trong khi đó hàng ngàn con chim sẻ bay rào rào như mưa từ mái nhà này sang mái nhà khác... Và khách sẽ cảm thấy ấm cúng xiết bao trong cái tổ ấm dưới bầu trời thu xanh ngắt ấy!
Bước chân vào nhà, trước hết là nghe có mùi táo, rồi sau đó mới đến các mùi vị khác: mùi đồ đạc cũ bằng gỗ đỏ, mùi hoa gia khô mà người ta thường phơi ở cửa sổ từ tháng sáu trở đi... Tất cả các buồng phòng - buồng người hầu, phòng lớn, phòng khách, - thảy đều lạnh lẽo và tối tăm; đó là do nhà có vườn bao bọc chung quanh, mà các ô kính phía trên của các cửa sổ lại đều là kính màu, màu xanh sẫm và màu hoa cà. Trong nhà đâu đấy đều yên tĩnh và sạch sẽ, mặc dù những chiếc ghế bành, những chiếc bàn khảm và những tấm gương viền những khung bằng vàng chật hẹp và xoắn tròn kia hình như chưa bao giờ xê dịch đi đâu cả. Và kìa, đã nghe có tiếng ho thúng thắng: bà dì tôi bước ra. Vóc bà không cao lớn, nhưng bà cũng chắc nịch như mọi người chung quanh vậy. Bà choàng trên vai một chiếc khăn san lớn kiểu Ba Tư(11). Bà bước ra một cách trang trọng nhưng niềm nở, và trong khi diễn ra những câu chuyện liên miên bất tuyệt về thời xưa, về gia tài và các của thừa tự, đã lập tức thấy bắt đầu xuất hiện các đồ ăn thức uống để đãi khách: đầu tiên là lê
đulia
, các loại táo, - táo Antonov, táo
bel barưnia
(12), táo
borovinka"(13) , táo
plodovitka
(14) - rồi sau đó là một bữa trưa kỳ thú: giăm bông màu hồng tuyền ăn với đậu côve, gà nhồi thịt, gà tây, các món ngâm dấm và nước kvax đỏ - đậm men và ngọt ơi là ngọt... Các tấm cửa sổ nhìn ra vườn được nâng lên, và từ đó ta thấy phả vào khí mát mẻ sảng khoái của mùa thu...
III
Những năm gần đây có một thú vui nâng đỡ tinh thần đang kiệt quệ cho các nhà địa chủ, - đó là thú đi săn.
Trước đây, những điền trang giống như điền trang của dì Anna Gheraximovna chẳng phải là hiếm. Cũng có cả những điền trang bao gồm một lãnh địa bát ngát, với một khu vườn rộng tới hai chục dexiatina(15), tuy đang suy tàn nhưng vẫn còn rất phong lưu. Thật vậy, một vài điền trang loại đó vẫn còn sót lại cho tới nay, nhưng ở đó đã không còn có sự sống nữa rồi... Không còn có xe ba ngựa, không còn có những con ngựa Kirghizia chuyên đế cưỡi(16), không còn những con chó bécgiê và chó borzoi(17), không còn có nô bộc và không còn có cả chính cái người chiếm hữu tất cả những cái đó nữa, nghĩa là người địa chủ thích đi săn, đại loại như mồ ma ông anh vợ tôi là Akxeni Xemenưts chẳng hạn.
Từ cuối tháng chín, vườn tược và sân phơi ở vùng chúng tôi đều trống trải cả, thời tiết luôn biến đổi đột ngột theo thường lệ. Gió thường lay giật cây cối suốt cả ngày, còn mưa thì dội xối xả từ sáng cho đến tận đêm. Đôi khi tới xế chiều mới thấy có ánh vàng lung linh của một mặt trời thấp len lỏi qua những đám mây thấp u ám ở đằng tây, bầu không khí trở nên tinh khiết và quang đãng, ánh nắng chói loà giữa những chòm lá và những cành cây đang rung rinh, rập rờn theo chiều gió như một tấm lưới sống động. Còn ở phía Bắc, một bầu trời xanh loang loãng toả sáng lạnh lẽo và rạng rỡ trên những áng mây màu chì nặng nề, và từ phía sau những đám mây ấy ta thấy từ từ ló ra những đám mây trắng giống như những đỉnh núi phủ tuyết Ta đứng bên cửa sổ và nghĩ bụng:
Biết đâu nhờ ơn Chúa trời sẽ lại chẳng nắng ráo lên
. Nhưng gió vẫn thổi mãi không thôi. Nó khiến khu vườn dợn sóng, thổi bạt làn khói liên tục tuôn ra từ ống khói trên căn nhà của những người đầy tớ và lại còn dồn đen những đám mây bù xù màu tro chẳng tốt lành gì. Những đám mây này bay thấp và nhanh, và chẳng mấy chốc làm cho mặt trời mờ mịt đi như bị một làn khói che phủ. Ánh sáng mặt trời phụt tắt, ô cửa sổ nhỏ nhìn lên bầu trời xanh đã đóng lại, cảnh trong vườn trở nên hoang vắng và đìu hiu, rồi mưa lại bắt đầu rơi... mới đầu còn nhẹ nhàng, thận trọng, về sau mỗi lúc một dày, và cuối cùng, biến thành một trận mưa to kèm theo gió táp và bóng tối mù mịt. Một đêm dài và xao động đã bắt đầu...
Sau một cơn vùi dập như thế, khu vườn hầu như lõa lồ, phủ đầy lá ướt và có một vẻ gì như lắng dịu và nín chịu. Thế nhưng nó lại đẹp đẽ biết bao khi trời đã quang, mây đã tạnh, khi đã bước vào những ngày trong trẻo và lạnh lẽo đầu tháng mười, vào dịp lễ từ biệt của mùa thu! Những chiếc lá còn sót lại giờ đây vẫn sẽ đeo đẳng trên cây cho tới những trận rét đầu mùa. Khu vườn sẽ hiện ra đen đủi trên nền trời xanh lạnh lẽo và sẽ tạm sưởi mình trong ánh nắng mà ngoan ngoãn chờ đợi mùa đông. Còn những cánh đồng thì đã đen nhẻm đi vì những luống cày và xanh mướt lên với những vạt lúa thu non đang trổ lá dày dặn... Đây chính là lúc để đi săn.
Và đây, tôi đã thấy mình trong khu điền trang của Akxeni Xemenưts, trong một ngôi nhà lớn, trong một căn phòng lớn đầy ánh nắng và đầy khói toả ra từ những chiếc tẩu và những điếu thuốc lá. Trong phòng đông người, toàn là những người da rám nắng, mặt dầu dãi gió mưa, mặc áo bành tô chẽn thân và đi ủng dài. Họ vừa ăn rất no xong, mặt đỏ bừng và ai nấy đều hưng phấn bàn tán ầm ĩ ve cuộc đi săn sắp tới, mặc dầu vẫn không quên uống nốt chỗ vodka còn lại, dù là đã sau bữa ăn. Còn ở ngoài sân đã có tiếng tù và rúc lên và cả tiếng chó rú rít đủ giọng khác nhau. Một con chó borzoi đen được Akxeni Xemenưts cưng chiều đang leo lên bàn và bắt đầu ngốn nốt món thỏ nấu giấm còn lại trong đĩa. Nhưng nó bỗng rú lên một tiếng kinh hoàng và bứt ra khỏi bàn, đánh đổ cả đĩa lẫn ly rượu. Thì ra Akxeni Xemenuts vừa cầm roi và súng ngắn bước ra khỏi phòng, đã thình lình nổ một phát làm tất cả mọi người trong căn phòng lớn đều phải đinh tai nhức óc. Khói trong căn phòng lại càng thêm mù mịt, còn Akxeni Xemenưts thì cứ đứng mà cười:
- Tiếc quá, ta bắn trượt mất rồi! - ông nói, cặp mắt đung đưa.
Người ông cao, xương xương, nhưng vai rộng và cân đối, còn khuôn mặt là khuôn mặt tuấn tú của người Zigan. Đôi mắt ông ánh lên vẻ hoang dã, ông rất lanh lẹn, mặc một chiếc áo sơmi lụa màu huyết dụ, một chiếc quần rộng ống bằng nhung và đi một đôi ủng dài. Sau khi đã khiến cho con chó và các khách khứa phát hoảng lên vì phát súng ngắn, ông cất giọng nam trung, nửa đùa nửa thật ngâm lên:
Đã đến lúc thắng yên cương con tuấn mã,
Và chiếc tù và tốt giọng, ta hãy khoác lên vai!
đoạn nói to:
- Nhưng thôi, chẳng tội gì bỏ phí thời giờ vàng ngọc!
Cho tới bây giờ tôi vẫn còn cảm thấy được rằng lúc ấy lồng ngực trẻ đã hít thở háo hức và nhiều nhặn biết bao nhiêu khí lạnh của một ngày quang tạnh và ẩm ướt về chiều, khi ta đi cùng với đoàn người huyên náo của Akxeni Xemenưts, khi lòng ta hưng phấn bởi cái cảnh om sòm đầy chất nhạc của đàn chó được xua vào trong rừng cây lá bản, vào những nơi gọi là Gò Đỏ hay Chòm Vang gì đó mà chỉ nghe tên gọi là người đi săn cũng đã xốn xang trong lòng. Ta cưỡi một con ngựa Kirghizia hung dữ, mạnh mẽ và lùn tè, và khi phải siết chặt dây cương để ghìm bớt nó lại, ta cảm thấy hầu như ta đã cùng nó hoà vào làm một. Con ngựa khịt phì, đòi chạy nước kiệu, vó giẫm soàn soạt lên những bức thảm sâu mà nhẹ của đám lá rụng đen ngòm, và mỗi tiếng động đều truyền lan vang dội cả khoảng rừng vắng vẻ, ẩm ướt và tươi mát. Một con chó sủa ăng ẳng ở đâu xa xa, có tiếng con chó thứ hai, rồi thứ ba đáp lại một cách tha thiết và ai oán, - sau đó toàn bộ khu rừng bỗng vang rền hệt như thảy đều bằng thuỷ tinh, do tiếng chó sủa, tiếng người hò hét sôi động. Có một tiếng súng nổ đanh giữa cảnh huyên náo ấy, thế là mọi chuyện đã được
nhen lên
rồi lan đi mãi tận đâu ở xa xa.
- Vây lâ - â - ấy nó! - có ai đó gào lên một giọng tuyệt vọng vang khắp khu rừng.
À, vây lấy nó!
, - một ý nghĩ say sưa thoáng hiện trong đầu. Ta bèn quát con ngựa, và như tháo cũi sổ lồng, ta sẽ phóng như bay trong rừng, không còn phân biệt đường lối gì nữa cả. Chỉ còn thấy cây cối loang loáng trước mắt và thấy vó ngựa tung bùn tới tấp vào mặt. Khi vọt ra khỏi rừng, ta thấy đàn chó kéo thành một vệt dài sặc sỡ trên cánh đồng lúa non và ta lại càng hối thúc con ngựa Kirghizia xông vào chặn ngang đường con thú, - băng qua những cánh đồng lúa non, những luống cày vỡ và những ruộng rạ, kỳ cho tới khi đàn chó cùng với những tiếng sủa, những tiếng rên rỉ điên cuồng của chúng đã chuyển sang một chòm rừng khác và mất hút mới thôi. Lúc bấy giờ toàn thân ta đã ướt đẫm và run lên vì căng thẳng, ta bèn ghìm con ngựa sùi bọt mép và thở phì phò lại mà háo hức hớp lấy làn khí ẩm lạnh giá của khu thung lũng giữa rừng. Tiếng la hét của những người đi săn và tiếng sủa của đàn chó đã im bặt ở đằng xa, chung quanh ta đã lặng như tờ. Khu rừng gỗ đang được khai phá dở chừng này đứng im phăng phắc, và ta tưởng chừng như mình lọt vào một nơi cung cấm thâm nghiêm nào đó. Từ các khe vực xông lên mùi ẩm ướt của nấm, mùi lá rữa và mùi vỏ cây khi củi còn tươi. Và khí ẩm ướt từ các khe vực toả ra càng đậm, thì rừng càng lạnh hơn, tối tăm hơn... Đã đến lúc phải nghỉ qua đêm. Nhưng sau một buổi săn, tập hợp lại được đàn chó là một việc vất vả. tiếng tù và rúc buồn bã và tuyệt vọng hồi lâu trong rừng, tiếng la hét, chửi rủa và tiếng chó ăng ẳng kêu cũng vang lên hồi lâu... Cuối cùng, khi trời đã tối mịt, đoàn săn mới vớ được khu điền trang của một điền chủ độc thân nào đó mà họ hầu như không quen biết, làm om sòm cả sân của khu điền trang này lên, và trong sân lúc này sáng lòa ánh đèn ló, ánh nến và ánh đèn cầy được đưa từ trong nhà ra để đón họ...
Có nhiều khi đoàn đi săn ở nhờ nhà ông láng giềng hiếu khách ấy đến vài ngày. Cứ sáng tinh mơ, mặc cho gió lạnh giá và tuyết đầu mùa ẩm ướt, họ đi vào rừng và ra cánh đồng để đến sẩm tối mới về, ai nấy đều lấm bùn bê bết, mặt mũi đỏ gay, hôi hám mùi mồ hôi ngựa và mùi lông con thú mà họ săn được, - và thế là bắt đầu một cuộc đánh chén lu bù. Trong căn nhà sáng sủa và đông người ấy, thật là ấm áp sau cả một ngày rong ruổi ngoài trời. Mọi người ai nấy đều cởi phanh áo bành tô, đi từ phòng nọ sang phòng kia mà uống, mà ăn một cách hỗn độn, trao đổi om sòm với nhau cảm tưởng về con chó sói già kếch xù bị bắn chết đang nằm ềnh giữa phòng lớn, nhe răng ra, mắt trợn ngược, cái đuôi đầy lông tơ vật sang một bên, vấy ra sàn những dòng máu đã lạnh và nhợt nhạt. Sau khi đã uống rượu vodka và ăn xong bữa, ta sẽ cảm nhận được một nỗi mệt mỏi ngọt ngào, một tình trạng mơ màng êm ái đến nỗi lời nói chung quanh chỉ như xuyên qua một làn nước mới đến tai ta. Bộ mặt dày sương dạn gió của ta nóng bừng lên, và khi ta nhắm mắt lại thì toàn bộ mặt đất như bồng bềnh trôi dưới chân ta. Còn khi ta nằm vào giường, nằm lên chiếc nệm lông chim ở đâu đó trong một căn buồng cổ kính với một dãy tượng thánh và một dãy đèn thờ ở phía góc nhà, trước mắt ta sẽ thấp thoáng hiện ra những bóng ma chó lông sặc sỡ và đỏ như lửa, trong toàn thân ta sẽ nhức nhối trở lại cái cảm giác ngồi trên ngựa, và ta sẽ không nhận biết được rằng ta đang cùng với những hình tượng và cảm giác đó chìm đắm vào một giấc ngủ ngọt ngào và khỏe khoắn, thậm chí quên bẵng rằng căn buồng này hồi nào đấy đã từng là buồng nguyện của một ông già nổi tiếng với những huyền thoại nông nô bi thảm, và rằng chính cụ ấy đã chết trong căn buồng nguyện này, rất có thể là chết trên chính chiếc giường này cũng nên.
Thảng có hôm ta ngủ quên không kịp đi săn thì việc nghỉ ngơi ấy mới càng đặc biệt dễ chịu. Ta sẽ tỉnh giấc và cứ nằm ườn mãi trong giường. Toàn bộ căn nhà đều tĩnh mịch. Ta nghe thấy tiếng chân bác làm vườn rón rén trong từng buồng để nhóm các lò sưởi lên, và cả tiếng củi nổ lép bép, bập bùng. Trước mắt ta là cả một ngày yên tĩnh trong khu điền trang đã im lìm trong những ngày đông. Ta sẽ thong thả mặc quần áo, đi dạo trong vườn, vớ được trong đám lá ẩm một quả táo, ngẫu nhiên bị bỏ quên, đã ướt lạnh và không hiểu tại sao ta lại thấy quả táo này ngon khác thường, hoàn toàn không giống như những quả táo khác. Rồi sau ta xoay ra đọc sách, -những quyển sách do cha ông để lại, đóng bìa da dày cộp, có hình những ngôi sao nhỏ mạ vàng đóng ở gáy sách bằng da dê. Những quyển sách giống như những quyển kinh dâng lễ trong nhà thờ ấy với những trang giấy dày, ram ráp và đã ố vàng của chúng sao thơm một cách kỳ lạ! Đó là một mùi mốc meo chua chua dễ chịu nào đó, mùi nước hoa thời xưa... Có những dòng nhận xét viết bằng lông ngỗng chữ viết to, nét tròn, mềm mại, ghi ở bên lề các trang sách, và cả những nhận xét này cũng là rất hay. Giở một quyển sách ra, ta đọc thấy:
Một ý xứng đáng với các triết gia cổ kim, tinh hoa của lý trí và của tình cảm chân thành
... Và thế là ta bất giác say mê với ngay chính quyển sách ấy. Đó là cuốn Triết gia quý tộc, một cuốn sách viết theo lối phúng dụ, được xuất bản từ cách đây khoảng một trăm năm với sự bảo trợ của
một vị đã được ân tứ nhiều huy chương
và được in trong một nhà in của một hội từ thiện. Cuốn sách kể chuyện
một triết gia quý tộc, khi có thời giờ và có khả năng suy luận tới mức mà trí tuệ của con người có thể vươn tới, có lúc đã mong muốn xây dựng một kế hoạch xã hội trên khoảng đất rộng rãi của làng mình
... Sau đó ta lại đụng phải
những trước tác trào phúng và triết lý của ông Vontaire(18)
và ta đã thưởng thức hồi lâu một cách khoái trá cái kiểu cách cầu kỳ đáng yêu của bản dịch viết rằng:
Thưa các quý vị! Vào đệ thập lục thế kỷ, Erasmus(19) đã làm văn để ngợi khen sự ngu xuẩn (đến đây có ngắt giọng một cách cầu kỳ bằng chấm phẩy); còn các quý vị lại lệnh cho tôi tán dương trí tuệ hầu các quý vị...
. Sau đó, từ đời nữ hoàng Ekaterina(20) ta chuyển sang thời kỳ lãng mạn, sang các tập hợp tuyển thơ văn, sang những cuốn tiểu thuyết tình cảm bay bướm trường thiên... Con chim cu từ trong đồng hồ nhảy ra và cúc cu trên đầu ta với giọng vừa buồn vừa giễu cợt trong căn nhà vắng vẻ. Và rồi một nỗi sầu muộn ngọt ngào và kỳ dị bắt đầu thoáng hiện trong lòng ta...
Đây là cuốn Những điều bí ẩn của Alekxis, còn đây là cuốn Victor, hay đứa con ở trong rừng: "Chuông nửa đêm đã điểm! Bầu tĩnh mịch thiêng liêng đã thay thế cho cảnh náo nhiệt ban ngày và cho những bài ca vui vẻ của dân làng. Thần Mộng đã giương đôi cánh tăm tối ra để bao phủ bán cầu của chúng ta, và từ đôi cánh ấy Thần gieo rắc cảnh tối tăm và gieo rắc mơ tưởng... Mơ tưởng... Chúng thường chỉ tiếp tục đem lại biết bao điều đau khổ bất hạnh mà thôi!...
. Và rồi trước mắt ta thấp thoáng ẩn hiện những từ cổ xưa yêu quý: những vách đá và những rừng sồi, mặt trăng tê tái và nỗi cô đơn, những bóng ma và những con ma, những đóa
erota
, những bông hồng và bông bách hợp,
những trò tinh quái và hiếu động của bọn nhóc nghịch ngợm
, bàn tay trắng muốt như hoa huệ, những Liudmila và Alina... Còn đây là những tạp chí mang tên Giukovski(21), Batiuskov(22), tên của chàng sinh viên Puskin(23). Và ta buồn rầu nhớ tới bà nội ta, nhớ tới những điệu polonaise mà người dạo trên chiếc đàn dương cầm cổ kính, nhớ tới lúc người ngồi thẫn thờ đọc những câu thơ trong Evgheni Oneghin(24). Và cuộc sống mơ màng xa xưa lại hiển hiện trước mắt ta... Hồi nào đó đã từng có những cô gái và những người đàn bà xinh đẹp sống trong những điền trang quý tộc này! Những bức chân dung của họ đang nhìn vào tôi từ trên tường, những mái đầu nhỏ nhắn, đẹp một cách quý phái, được chải búi theo kiểu cổ xưa, đang cụp những làn mi dài một cách thùy mị và yểu điệu xuống những cặp mắt buồn và dịu dàng...
IV
Trong trang trại của các điền chủ nay đã không còn mùi thơm của táo Antonov nữa rồi. Những ngày ấy mới chỉ cách đây không lâu, mà sao tôi tưởng chừng như từ bấy đến nay hầu như đã qua cả một thế kỷ. Các cụ già ở Vưxenki đã chết cả rồi, dì Anna Gheraximovna đã qua đời, Akxeni Xemenưts đã tự sát bằng súng ngắn... Giờ đây là vương quốc của những người có ít đất đai, nghèo đi đến cùng cực!... Nhưng ngay cả cái cuộc sống ít đất đai, nghèo khó ấy cũng vẫn đẹp!
Này đây, tôi lại thấy mình trở lại thôn quê vào độ cuối thu. Đó là những ngày xanh xao, u ám. Sáng ra tôi ngồi lên yên rồi đi ra cánh đồng với một con chó với khẩu súng và chiếc tù và. Gió reo vang và vi vút nơi miệng súng, gió phần phật thổi ngược chiều, đôi khi cuốn theo cả tuyết khô. Tôi lang thang trên những đồng bằng vắng vẻ cả một ngày trời... Bụng đói cật rét, sẩm chiều tôi trở lại điền trang, và trong lòng sao bỗng ấm áp và hân hoan khi thấy Vưxenki đã thấp thoáng ánh lửa và từ điền trang đã thấy toả ra mùi khói, mùi gia cư. Tôi còn nhớ trong nhà tôi vào lúc đó mọi người thường thích
nói mò
, không thắp đèn lên mà cứ nói chuyện với nhau trong cảnh chạng vạng. Vào nhà, tôi thấy cửa rả đã được đóng thêm khung nẹp mùa đông cả rồi, và điều đó lại càng khiến cho tôi thêm yên trí với cảnh mùa đông. Trong buồng của những người hầu hạ, một bác người làm đang ngồi đốt lò, và, như thời thơ ấu, tôi ngồi xổm xuống cạnh đống rơm giờ đây đã ngát toả mùi tươi mát của ngày đông, lúc thì nhìn vào bếp lò rực cháy, lúc thì nhìn ra những khung cửa sổ mà ngoài trời đã xanh lên với cảnh hoàng hôn buồn đang lịm tắt. Rồi tôi sang buồng của những kẻ ăn người làm. Ở đó sáng đèn và đông người: các cô gái đang băm bắp cải, những lưỡi dao phay loang loáng, tôi nghe tiếng dao lách cách đều đều, nhịp nhàng, cùng với những bài hát nông thôn trầm bổng, vừa vui lại vừa buồn... Đôi khi cũng có ông điền chủ nhỏ láng giềng nào đó ghé thăm và chở tôi về nhà ông ta ở chơi lâu lâu... Cuộc sống ít đất cũng vẫn cứ đẹp!
Vị điền chủ nhỏ ấy dậy sớm. Vươn mạnh người, ông ta cất mình khỏi giường rồi cuốn một điếu thuốc to bằng thứ thuốc lá đen rẻ tiền hoặc có khi chỉ bằng thuốc lá vườn nhà. Ánh sáng nhợt nhạt của một buổi sáng tháng mười một sớm sủa rọi vào một thư phòng đơn sơ với những bức tường trần trụi, rọi vào những tấm da cáo thô kệch, vàng vọt treo bên trên giường và rọi vào một thân hình vạm vỡ với chiếc quần rộng ống và chiếc áo cổ chéo buông lơi, trong khi đó tấm gương phản ánh một gương mặt ngái ngủ có dáng dấp người Tatar(25). Căn nhà ấm áp, tranh tối tranh sáng, im lặng như tờ. Ngoài cửa, ở hành lang đang khò khè ngáy một bà già nấu bếp đã từng sống trong căn nhà của những kẻ ăn người làm từ hồi còn là một cô bé con. Thế nhưng điều đó vẫn không ngăn cản ông chủ quý tộc hét váng nhà bằng một giọng khàn:
- Bà Lukeria! Cho ta xamovar!
Đoạn ông ta đi ủng, khoác lên vai chiếc áo bành tô chẽn thân và chẳng buồn cài cúc áo sơ mi, bước ra bậc thềm cửa. Nơi buồng ngoài, cửa còn đóng và có mùi của bầy chó săn: chúng uể oải vươn mình, rít lên mà ngáp, đoạn niềm nở ra quây lấy ông chủ.
- Xê ra! - ông chậm rãi nói bằng một giọng trầm khoan dung, đoạn qua vườn mà đi ra sân phơi lúa. Ngực ông nở ra để hít thở làn không khí gay gắt của bình minh và mùi vị của khu vườn trần trụi, rét mướt trong đêm. Những chiếc lá quăn lại và thâm sì vì giá rét đang sột soạt dưới những gót ủng nện trên lối đi giữa hai hàng bạch dương đã bị phạt ngang một nửa. Trên nóc lán chứa lúa, những con quạ xù lông ngủ đang hiện rõ nét trên nền trời thấp và mờ tối... Ngày hôm nay đi săn thì thật tuyệt vời! Rồi, dừng bước giữa lối đi ông chủ quý tộc đưa mắt nhìn hồi lâu ra cánh đồng mùa thu, ra những vạt lúa thu non mướt xanh và hiu quạnh, chỉ còn có những con bê đang thả bước nhởn nhơ. Hai con chó cái đang rít lên dưới chân ông, còn con Dalivai thì đã ra khỏi vườn: nó nhảy qua chồm lại trên những gốc rạ lởm chởm, như mời chào, như đòi được băng ra cánh đồng. Nhưng làm gì được với loại chó săn này bây giờ? Con thú giờ đây đang ở ngoài đồng, ở những luống cây vỡ, ở lối đi giữa hai bờ tuyết phủ, chứ còn ở trong rừng thì nó sợ, bởi vì trong rừng gió thổi lá cây kêu xào xạc... Ôi, giá như có được loại chó borzoi!
Trong lán chứa lúa người ta bắt đầu đập lúa. Cái thùng của máy tuốt lúa từ từ quay, kêu lên kèn kẹt. Những con ngựa kéo máy loạng choạng bước đi, dấn vó trên đường vòng đầy phân, uể oải kéo căng những chiếc dây truyền. Ngồi chính giữa, xoay tròn trên chiếc ghế băng nhỏ, người ruổi ngựa đều giọng thét lác lũ ngựa và lúc nào cũng chỉ chăm chăm lấy roi quất vào một con ngựa đực màu nâu lười lĩnh hơn cả và đúng là vừa đi vừa ngủ, bởi lẽ mắt nó đã bị bịt kín mất rồi.
- Nào, nào, các cô gái, các cô gái! - một bác chuyên trách việc đưa lúa vào máy, đã đứng tuổi, mặc chiếc áo sơ mi bằng vải gai rộng thùng thình, thét lên nghiêm khắc.
Các cô gái vội vàng đi quét sân đập lúa, mang cáng, cầm chổi chạy đi.
- Lạy Chúa! - bác chuyên trách tuốt lúa nói, đoạn người ta thấy bó rơm đầu tiên được đưa vào máy để thử đã rít lên, rào rào bay vào thùng máy rồi từ trong thùng máy nhô lên, xòe ra như một cái quạt. Còn thùng máy cứ rú lên mỗi lúc một da diết hơn, công việc sôi nổi dần lên, và chẳng mấy chốc các thứ âm thanh hoà thành một tiếng ầm ầm chung của việc đập lúa nghe rất dễ chịu. Ông chủ đứng ở cổng lán nhìn vào thấy trong bóng tối thấp thoáng những chiếc khăn trùm màu đỏ và vàng, thấp thoáng những bàn tay, những chiếc bừa cào, những rơm rạ, và tất cả những cái đó chuyển động đều đặn, tíu tít lên trong tiếng quay ầm ầm của thùng máy, trong tiếng thét độc điệu và tiếng huýt gió của bác chuyên trách tuốt lúa. Bổi lúa bay từng đám từng đám ra cổng. Ông chủ đứng đó, toàn thân sạm đi vì bổi lúa. Ông luôn đưa mắt nhìn ra cánh đồng... Các cánh đồng sắp trắng xoá đến nơi rồi, chẳng bao lâu nữa chúng sẽ chìm ngập trong trận tuyết đầu mùa...
Cơn rét đầu mùa, trận tuyết đầu mùa! Chó borzoi không có, chẳng đi săn bằng cái gì được trong cái tháng mười một này. Nhưng mùa đông đã đến, đành bắt đầu
công việc
với những con chó săn thường vậy. Thế là, lại như những thời buổi trước đây, các vị điền chủ nhỏ lại cưỡi ngựa đến thăm nhau, tiền còn bao nhiêu đem ra uống hết, hôm nào cũng biệt tăm biệt tích suốt ngày trong những cánh đồng tuyết phủ. Còn chiều đến, ở một thôn xóm hẻo lánh nào đó, từ xa người ta đã thấy những ô cửa sổ chái bên của ngôi nhà đã loé sáng lên trong đêm đông tăm tối. Ở đó, trong cái chái của ngôi nhà nhỏ bé ấy, người ta thấy những làn khói tròn bay chơi vơi, những cây nến mỡ lợn cháy lờ mờ, một cây đàn ghita đang được lên dây...
Hoàng hôn xuống, gió chiều lộng thổi
Cánh cổng kia ta mở toang hoang, -
Một giọng nam cao cất lên từ lồng ngực của ai đó. Và những người khác rời rạc, làm ra vẻ đùa cợt bắt giọng hát theo với điệu ngang tàng ủ dột và tuyệt vọng:
Cánh cổng ta mở toang hoang
Để cho tuyết trắng phủ đường ta đi...
1. Táo Antonov là một loại táo giữ được lâu, màu vỏ xanh phớt vàng.
2. Phiên âm theo từ ngữ Công giáo ta là thánh Lorenso.
3. Trong tiếng Nga, từ babotska vừa có nghĩa là một thiếu phụ nông thôn, vừa có nghĩa là con bươm bướm.
4. Một thành phố lâu đời ở trung tâm nước Nga, nổi tiếng về chế tạo vũ khí và các đồ công nghệ.
5. Đơn vị đo chiều dài cũ của Nga, bằng 0,71 mét.
6. Có nghĩa là:
thôn xóm mới
.
7. Ngày lễ các thánh tông đồ Piotr (tức Pier) và Pavel (tức Paul) trong Chính giáo Nga (29 tháng 6 theo lịch Nga cũ). Phiên âm theoCông giáo ta là thánh Phê-rô và thánh Phao-lô.
8. Đơn vị đo chiều dài cũ của Nga, bằng 1,06km.
9. Đây là những cột điện báo. Ngày xưa, đánh điện báo hay gửi điện tin đều phải qua hệ thống dây và cột, do đó gọi là "đánh dây thép".
10. Có hai loại xà ích, một loại ngồi trên ghế, một loại cưỡi lên một trong những con ngựa phía trước để giong xe.
11. Tức nước Iran ngày nay.
12. Một loại táo vỏ trắng.
13. Một loại táo muộn.
14. Một loại táo rất sai quả.
15. Đơn vị đo diện tích cũ của Nga, bằng 1,092 ha.
16. Ngựa để cưỡi của vùng Kirghizia, một nước Cộng hoà ở phía Tây Nam Nga, nay là Kirghistan.
17. Loại chó săn mõm dài, bụng thót, chân thon.
18. Vontaire (tên thật là Francois Marie Arouet, 1694-1778): nhà văn, nhà tư tưởng Pháp theo khuynh hướng tự do, báo hiệu cho cuộc cách mạng tư sản Pháp sau này.
19.Erasmus (1469-1536): nhà văn, nhà tư tưởng Hà Lan, viết bằng tiếng Latin nên được mệnh danh là "Vontaire Latin".
20. Thường là chỉ "Ekaterina II vĩ đại" (1729-1796): nữ hoàng Nga (1762-1793), nổi tiếng trị vì có công tích và sáng suốt, có một số cải cách và có liên hệ thư từ với các nhà tư tưởng tiến bộ Pháp đương thời như Vontaire, Diderot...
21. V.A. Giukovski (1783-1852): nhà thơ Nga, mở đầu trào lưu văn học hiện thực và tiến bộ Nga.
22. K.N. Batiuskov (1787-1855): nhà thơ tiến bộ Nga.
23. Puskin đã theo học lycée (một loại trường cao đẳng thời Nga hoàng) Novoxenski, do đó được gọi là sinh viên, người học lycée.
24. Kịch thơ, tác phẩm nổi tiếng của Puskin.
25. Dân tộc thiểu số gốc Mông cổ hoặc Thổ khoảng vài triệu người sống ở Nga (có nước Cộng hòa Tatarstan).