Chương 5
-
Reacher báo thù
- Lee Child
- 5078 chữ
- 2020-05-09 04:18:53
Số từ: 5064
Dịch giả: Trần Quý Dương
C.ty Nhã Nam phát hành
NXB Thời Đại
Finlay ngả người ra sau ghế. Hai cánh tay dài gập lại phía sau. Ông ta cao, lịch lãm. Học hành ở Boston. Có văn hóa. Có kinh nghiệm. Và ông ta đang tống tôi vào buồng giam vì việc gì đó mà tôi không làm. Rồi ông ta lại ngồi thẳng dậy. Đặt tay lên bàn, lòng bàn tay ngửa.
"Tôi lấy làm tiếc, Reacher," viên cảnh sát nói với tôi.
"Ông thấy tiếc hả?" tôi nói. "Ông tống hai người vô tội vào tù nên lấy làm tiếc hả?"
Finlay nhún vai. Trông có vẻ không vui vì chuyện ấy.
"Đồn trưởng Morison muốn thế," ông ta nói. "Anh ta nói đây là quyết định cuối cùng. Không cho chúng tôi thay đổi vào cuối tuần. Mà anh ta là sếp, phải không?"
"Chắc hẳn là ông đang đùa rồi," tôi nói. "Ông ta là tên khốn nạn. Ông ta gọi Stevenson là kẻ dối trá. Gọi người của chính ông ta như thế đấy."
"Không chính xác thế," Finlay nhún vai.
Ý đồn trưởng là có thể đó là một vụ cấu kết, ông biết đấy, có thể đúng thực là Hubble đã không có mặt ở đó, nhưng anh ta thuê ông làm việc ấy. Một vụ câu kết, hiểu không? Morrison nhận định rằng việc thú nhận bị làm quá lên có thể do Hubble e ngại ông và quá sợ ông đến nỗi không dám chỉ ra ông ngay. Morrison cho rằng ông đang trên đường tới nhà Hubble để thanh toán tiền thì bị chúng tôi tóm. Sếp tôi cho rằng đó là lý do ông đã chờ tới tám tiếng đồng hồ. Nhận định rằng đó là lý do hôm nay Hubble ở nhà. Không đi làm để đợi ông tới thanh toán tiền."
Tôi im lặng. Tôi thấy lo lắng. Đồn trưởng Morrison thật nguy hiểm. Giả thuyết của lão có sức thuyết phục. Cho tới tận khi Finlay hoàn thành việc xác minh. Nếu như viên thám tử làm việc đó.
"Thế nên tôi lấy làm tiếc, ông Reacher," viên đội trưởng thám tử nói. "Ông và Hubble phải ở trong buồng giam cho tới thứ Hai. Rồi các ông sẽ được chuyển đi. tới Warburton. Một nơi tồi tệ nhưng các buồng tạm giam thì ổn. Nếu ông bị tù thì còn tệ hơn thế. Tệ hơn nhiều. Trong khi các ông nằm ở đó, tôi sẽ xử lý việc này trước ngày thứ Hai. Tôi sẽ đề nghị sĩ quan Roscoe có mặt vào thứ Bảy và Chủ nhật. Cô ấy không chỉ là một phụ nữ đẹp. Cô ấy còn giỏi, người giỏi nhất mà chúng tôi có. Nếu điều ông nói là đúng, ông sẽ được tự do vào ngày thứ Hai, thế nhé!"
Tôi chằm chằm nhìn Finlay. Tôi đang nổi điên lên.
"Không, ông Finlay, không được", tôi nói. "Ông biết tôi chẳng làm điều chết tiệt nào hết. Ông biết kẻ đó không phải tôi. Chỉ là ông sợ phát khiếp lão béo vô dụng khốn nạn Morrison. Thế nên tôi sẽ phải nằm nhà giam chỉ bởi ông là một thằng hèn nhát bạc nhược khốn kiếp."
Đội trưởng thám tử rất ngấm điều tôi nói. Gương mặt ông ta đã tối lại càng tối hơn. Ông ta ngồi im một lúc lâu. Tôi hít một hơi sâu và quắc mắt nhìn Finlay. Cái quắc mắt của tôi giảm dần thành cái nhìn chăm chú khi tôi đã dịu lại. Trở lại trạng thái trong tầm kiểm soát. Đến lượt Finlay quắc mắt với tôi
"Có hai điều, ông Reacher," ông ta nói. Tuyên bố một cách rành rọt. "Thứ nhất, nếu cần thì thứ Hai tôi sẽ giải quyết chỗ đồn trưởng Morrison. Thứ hai, tôi không phải thằng hèn. Ông chẳng biết gì về tôi cả. Chẳng biết gì hết."
Tôi nhìn lại viên thám tử. Sáu giờ. Giờ xe tới.
"Tôi biết nhiều hơn ông tưởng đấy", tôi nói. "Tôi biết là ông đã tốt nghiệp sau đại học ở Harvard, ông đã ly dị và ông bỏ thuốc lá hồi tháng Tư."
Finlay nhìn trân trối. Baker gõ cửa, đi vào phòng thông báo rằng xe của nhà tù đã tới. Finlay đứng dậy bước vòng qua bàn. Bảo Baker rằng tự ông ta sẽ giải tôi ra. Baker trở lại giải Hubble.
"Làm thế nào ông biết những chuyện đó?" Finlay hỏi tôi.
Viên cảnh sát này thấy tò mò. Ông ta sắp thua trận.
"Dễ thôi", tôi đáp. "Ông là người thông minh, phải không? Ông bảo tôi rằng ông được học hành ở Boston. Nhưng hồi ông là sinh viên đại học, Harvard không nhận nhiều sinh viên da đen lắm. Ông thông minh nhưng ông chẳng phải nhà bác học về khoa học tên lửa, thế nên tôi cho rằng ông học xong bằng thứ nhất ở Đại học Boston, đúng chứ?"
"Đúng," Finlay thừa nhận.
"Và rồi đến Harvard để học sau đại học", tôi nói. "Ông đã học tốt ở Đại học Boston, cuộc sống cứ trôi, ông vào Harvard. Ông ăn nói như một tay tốt nghiệp Harvard. Tôi đoán ra ngay. Bằng tiến sĩ ngành Tội phạm học phải không?"
"Đúng," đội trưởng thám tử một lần nữa thừa nhận. "Ngành Tội phạm học."
"Và rồi ông nhận công việc này hồi tháng Tư," tôi tiếp. "Ông đã nói với tôi điều đó. Ông được nhận lương hưu của Sở cảnh sát Boston bởi ông đã làm việc hai mươi năm. Thế nên ông tới đây khi vẫn có tiền mặt để dành. Nhưng ông tới đây mà không có người phụ nữ nào đi cùng, bởi nếu có thì cô ta đã tiêu một phần số tiền mặt để dành ấy mua ít quần áo mới cho ông. Có lẽ cô ta ghét bộ quần áo tuýt xấu xí ông đang mặc. Cô ta sẽ ném nó vào thùng rác và cho ông mặc một bộ dành cho thời miền Nam nắng nóng để cuộc sống mới của mình được thuận lợi. Nhưng bây giờ ông vẫn đang mặc bộ com lê cũ khủng khiếp ấy, nghĩa là người phụ nữ đã ra đi. Hoặc cô ấy đã chết hoặc đã ly dị ông, khả năng là năm mươi - năm mươi. Xem ra tôi đã đoán đúng".
Finlay gật đầu vô hồn.
"Còn chuyện hút thuốc thì dễ", tôi nói. "Ông vừa căng thẳng và vỗ vỗ túi tìm thuốc lá. Thế có nghĩa là ông mới bỏ thuốc thôi. Dễ đoán là ông bỏ vào tháng Tư, cuộc sống mới, công việc mới, không thuốc lá nữa. Ông cho rằng bây giờ bỏ thuốc thì ông có thể tránh được bệnh ung thư."
Finlay quắc mắt nhìn tôi. Có chút lưỡng lự.
"Rất giỏi, Reacher," ông ta nói. "Những suy luận sơ đẳng, phải không?"
Tôi nhún vai. Chẳng nói gì.
"Vậy thì hãy suy luận xem kẻ nào đã giết người đàn ông ở khu nhà kho", viên cảnh sát lại nói.
"Tôi chẳng quan tâm kẻ nào giết ai ở đâu cả", tôi nói. "Đó là vấn đề của ông chứ không phải của tôi. Và đó là câu hỏi không phù hợp, ông Finlay ạ. Trước tiên ông phải xác định người đàn ông đó là ai đã, đúng không?"
"Vậy ông có cách nào để làm điều đó không, người thông minh?" Finlay hỏi tôi. "Không giấy tờ tùy thân, không còn mặt, không thu được gì từ các dấu vân tay, Hubble thì có cạy răng cũng sẽ không hé ra nửa lời, đúng không nào?"
"Hãy kiểm tra lại các dấu vân tay," tôi nói. "Tôi nghiêm túc đấy, ông Finlay. Hãy yêu cầu Roscoe làm việc.
"Tại sao?"
"Ở đây có chuyện gì đó không ổn," tôi nhận xét.
"Chuyện đó là gì?" đội trưởng thám tử hỏi tôi.
"Hãy kiểm tra lại lần nữa, được chứ?" tôi nói. "Ông sẽ làm điều đó chứ?"
Finlay chỉ hầm hừ. Chẳng bảo có hay không. Tôi mở cửa phòng bước ra ngoài. Roscoe đã đi khỏi. Chẳng có ai ngoài Baker và Hubble ở buồng giam phía kia. Qua cửa trước tôi có thể trông thấy viên thượng sĩ làm văn phòng ở bên ngoài. Ông ta đang viết vào bảng ghi chép do người lái xe của nhà tù cầm. Phía sau hai người đó là xe tù. Nó đứng yên trong phần đường hình bán nguyệt nối với đường chính. Choán hết cả tầm quan sát qua lối vào rộng lắp cửa kính dày. Đây là một loại xe buýt chở học sinh sơn màu xám sáng. Trên xe in: Phòng Giam giữ và Cải tạo bang Georgia. Dòng chữ đó chạy hết chiều dài xe, bên dưới hàng cửa sổ. Dưới dòng chữ là một hình lưỡi liềm. Các cửa sổ đều được hàn lưới bên ngoài.
Finlay theo sau tôi ra khỏi phòng. Nắm lấy khuỷu tay tôi và giải về chỗ Baker. Ngón cái Baker đang ngoắc ba chiếc còng. Chúng đều sơn màu cam sáng. Lớp sơn có chỗ bị tróc. Để lộ ra chất thép hơi xỉn. Baker bập vào mỗi cổ tay tôi một còng riêng. Ông ta mở khóa buồng giam Hubble và ra hiệu cho anh chàng làm ngành ngân hàng đang sợ hãi kia bước ra. Hubble vô hồn, mụ mẫm nhưng vẫn bước ra. Baker túm lấy chiếc còng còn lủng lẳng ở cổ tay trái của tôi bập vào cổ tay phải Hubble. Viên cảnh sát bập chiếc còng thứ ba vào cổ tay còn lại của anh ta. Sẵn sàng lên đường.
"Giữ lấy đồng hồ của anh ta, ông Baker", tôi bảo. "Trong trại giam anh ta sẽ đánh mất đấy."
Baker gật đầu. Ông ta biết ý tôi thế nào. Người như Hubble có thể mất rất nhiều khi ở trong tù. Viên cảnh sát bật chốt tháo chiếc Rolex nặng trịch khỏi tay Hubble. Quai đeo của nó không thể trượt qua còng tay nên Baker phải chật vật tháo còng ra rồi lại bập vào. Người lái xe tù mở cửa và chằm chằm ngó vào trong. Một người cần tuân thủ lịch trình làm việc. Baker bỏ đồng hồ của Hubble xuống chiếc bàn gần nhât. Đúng nơi cô bạn Roscoe của tôi đã đặt tách cà phê xuống.
"Được rồi các bạn, ta lên đường thôi," Baker nói.
Ông ta giải chúng tôi ra cửa. Chúng tôi bước ra ngoài ánh nắng nóng sáng rỡ. Trong tình trạng bị còng tay vào nhau. Bước đi thật khó khăn. Hubble dừng lại, chưa đi tới chỗ chiếc xe vội. Anh ta nghển cổ cẩn thận ngó xung quanh. Anh chàng còn cảnh giác hơn cả Baker hay người lái xe tù. Có lẽ sợ láng giềng trông thấy mình. Nhưng xung quanh chẳng có ai. Chúng tôi cách thị trấn ba trăm mét về phía Bắc. Tôi có thể trông thấy tháp chuông nhà thờ phía xa. Chúng tôi bước tới chỗ chiếc xe vận chuyển trong bầu không khí ấm áp của buổi chiều tối. Má phải tôi ngứa ran lên dưới ánh nắng mặt trời đang hạ thấp xuống chân trời.
Tài xế đẩy cửa xe vào phía trong. Hubble bước lên xe. Tôi theo sau anh ta. Lóng ngóng xoay thân người vào lối đi. Chiếc xe trống trơn. Người lái xe chỉ chỗ ngồi cho Hubble. Ông ta kéo tấm vải vinyl xuống che cửa sổ. Tôi bị kéo ngồi kế bên. Người lái xe quỳ xuống chiếc ghế phía trước và bấm hai cổ tay còn lại của chúng tôi vào thanh crôm gắn trên chiếc ghế. Rồi ông ta lần lượt lắc từng chiếc còng. Để biết chúng đã chắc. Tôi không trách gì người lái xe. Tôi đã từng làm việc ấy. Chẳng gì tệ hơn việc chở những tù nhân được tự do chân tay.
Người lái xe bước về ghế của mình. Ông ta mở máy xe với tiếng bình bịch khá to của động cơ diesel. Cả xe rung lên. Không khí nóng. Phát ngộp. Không có điều hòa nhiệt độ. Không cửa sổ nào mở. Tôi có thể ngửi thấy mùi khói dầu. Tiếng bánh răng nghiến vào nhau ken két và chiếc xe chuyển động. Tôi liếc sang phải. Không có ai đưa tiễn.
Chúng tôi chạy theo hướng Bắc ra khỏi đồn cảnh sát, lưng xây lại phía thị trấn, hướng về phía quốc lộ. Sau nửa dặm, chúng tôi chạy qua tiệm ăn Eno. Cửa hàng của ông ta chẳng có ai. Chẳng ai đi ăn tối sớm. Xe chạy về phía Bắc một lát. Rồi chúng tôi ngoặt trái khá gấp ra khỏi tỉnh lộ và chạy về phía Tây theo một con đường xuyên qua cánh đồng. Chiếc xe trở nên ồn ào. Vô số bụi cây thấp vụt qua. Vô số đụn đất đỏ nằm giữa các bụi cây ấy. Phía trước tôi, mặt trời đang xuống thấp dần. Như một quả cầu đỏ khổng lồ hướng về phía cánh đồng. Người lái xe đã kéo màn chắn nắng xuống. Trên đó có những dòng hướng dẫn của nhà sản xuất về cách vận hành chiếc xe.
Hubble lắc lư, nhấp nhô bên cạnh tôi. Anh ta chẳng nói gì. Người anh ta đã sụm xuống, mặt song song với sàn xe. Tay trái Hubble giơ lên bởi nó bị còng vào thanh crôm phía trước chúng tôi. Cánh tay phải anh ta thả yên giữa hai người. Hubble vẫn khoác vai chiếc áo len đắt tiền. Nơi chiếc Rolex từng nằm bây giờ là một vệt da tái. Sức sống gần như thoát sạch khỏi con người này. Anh ta đang nằm trong sự bủa vây của nỗi sợ hãi khiến cả người tê liệt.
Chúng tôi lắc lư và nhấp nhô khoảng một giờ đồng hồ nữa qua những khu vực rộng lớn. Một khóm cây nhỏ lướt qua phía bên phải tôi. Rồi ở phía xa, tôi trông thấy một công trình. Nó đứng một mình trên một khu đất canh tác phẳng diện tích vài ngàn acre. Dưới bóng mặt trời đỏ đã hạ thấp, trông nó cứ như một thứ gì đó từ địa ngục trồi lên. Thứ gì đó bị đẩy lên qua vỏ trái đất. Đó là một tổ họp các tòa nhà. Trông như nhà máy hóa chất hay điện hạt nhân. Các boong ke bê tông khổng lồ và các lối đi bằng kim loại lấp lánh. Các đường ống chạy từ nơi này đến nơi khác đang tỏa hơi. Toàn bộ đều được rào kín, điểm xuyết các vọng gác. Khi tới gần, tôi có thể trông thấy nhiều đèn cao áp và hàng rào dây thép gai. Trên tháp là đèn quét và súng trường. Các lớp hàng rào cách nhau một khoảng đất đỏ được cày lên. Hubble không ngước lên. Tôi chẳng lay anh ta. Phía trước có phải Xứ sở Thần tiên đâu.
Khi tới nơi, chiếc xe chạy chậm lại. Lớp hàng rào ngoài cùng nhô ra chừng một trăm mét, tạo thành một đường cong khổng lồ. Đó là một lớp rào lớn. Cao chừng bốn mét rưỡi, dọc theo hàng rào là những đôi đèn cao áp natri. Mỗi đôi có một đèn được điều chỉnh cho hướng vào phía trong, tỏa ánh sáng trùm hết khoảng đất đỏ rộng chừng một trăm mét đã được cày lên. Một đèn được chỉnh hướng ra ngoài, bao quát hết khu đất canh tác xung quanh đó. Tất cả đèn cao áp đều bật sáng. Toàn bộ tổ hợp sáng rực ánh đèn vàng. Ở tầm gần, nơi này sáng rực. Ánh sáng vàng biến lớp đất đỏ thành màu nâu vàng ma quái.
Chiếc xe vận chuyển lạch cạch dừng lại. Động cơ vẫn nổ bình bịch nên xe bị rung. Hệ thống thông gió ngừng lại. Phát ngộp. Cuối cùng Hubble cũng ngước lên. Anh chàng hé mắt nhìn ra qua cặp kính gọng vàng. Anh ta nhìn xung quanh rồi nhìn ra ngoài cửa sổ. Rên lên. Đó là tiếng rên của sự khổ đau tuyệt vọng. Hubble gục đầu xuống.
Người lái xe đang đợi tín hiệu từ người gác cổng đầu tiên. Tay gác đang nói vào máy bộ đàm. Người lái rồ ga vào số. Lính gác dùng chiếc bộ đàm vẫy vẫy chúng tôi qua. Chiếc xe bò lên phía trước vào một cái cũi. Chúng tôi chạy qua một tấm biển dài bên rìa đường ghi: Trại Cải tạo Warburton, Phòng Giam giữ và Cải tạo bang Georgia. Phía sau chúng tôi, cánh cổng từ từ khép lại. Chúng tôi bị nhốt trong một cái cũi bằng dây thép. Mái cũng được lợp bằng dây thép. Ở đầu kia, một cánh cổng bật mở. Chiếc xe bò qua đó.
Chúng tôi chạy hết một trăm mét tới hàng rào tiếp theo. Có một cái cũi khác. Chiếc xe bò vào, chờ đợi và lại chạy ra. Xe chúng tôi chạy vào tới trung tâm nhà tù. Rồi dừng trước một boong ke bê tông. Khu tiếp đón. Tiếng ồn của động cơ đập vào những lớp bê tông bao quanh chúng tôi. Rồi máy tắt, xe ngừng rung và ngừng kêu, nhường cho cho sự im lặng. Người lái xe bật ra khỏi ghế ngồi, bước theo lối đi, khom xuống kéo người như đang trèo qua lưng ghế.
Ông ta lôi chùm chìa khóa ra mở chiếc còng cột chúng tôi vào ghế phía trước.
"Được rồi các chàng trai, đi thôi," ông ta nhăn nhở. "Đến giờ vui chơi rồi."
Chúng tôi lôi người khỏi ghế lập cập xuống xe. Cánh tay trái tôi bị Hubble kéo lại. Lái xe bắt chúng tôi dừng lại ở đầu xe. Ông ta tháo cả ba chiếc còng ném vào cái thùng cạnh ca bin. Tì vào một thanh đòn và mở tung cửa. Chúng tôi xuống xe. Phía trước, cửa mở và một lính gác bước ra. Gọi chúng tôi tới. Anh ta đang ăn bánh rán và nói khi trong miệng vẫn đầy bánh. Đường bám đầy trên môi. Anh ta là một tay rất tự nhiên. Chúng tôi qua cửa đi vào một phòng bằng bê tông. Nơi này bẩn thỉu. Những chiếc ghế gỗ thông xếp quanh một chiếc bàn sơn. Một tay gác khác ngồi trên bàn đọc tấm bảng ghi chép méo mó.
"Ngồi xuống được chứ?" anh ta nói. Chúng tôi ngồi. Tay gác đứng dậy. Tay đồng sự nhai bánh rán khóa cánh cửa ngoài rồi đến bên anh ta.
"Việc thế này đây", tay gác cầm tấm bảng nói. "Các anh là Reacher và Hubble. Được gửi từ Margrave tới. Chưa có kết tội. Bị giam giữ chờ điều tra. Không áp dụng bảo lãnh đối với người nào trong hai anh. Hiểu những gì tôi nói chứ? Chưa có kết tội. Đó là điều quan trọng. Miễn cho các anh rất nhiều việc khốn nạn ở đây, ổn chứ? Không áo tù, không phải trải qua các quy trình, không chuyện gì to tát, các anh hiểu chứ? Nơi nghỉ ngơi ngon lành ở tầng trên cùng."
"Phải", tay ăn bánh rán nói. "Vấn đề là nếu các anh bị kết tội, chúng tôi sẽ chọc, quất, đánh các anh, các anh sẽ nhận quần áo tù, và chúng tôi sẽ đẩy các anh lên các tầng dành cho những kẻ bị kết tội, cùng với lũ súc vật khác, rồi chúng tôi chỉ việc ngồi xem trò vui, phải không?"
'Phải", đồng sự của anh ta chêm vào. "Vậy nên những điều chúng tôi muốn nói là thế này. Chúng tôi ở đây không phải để gây khốn khổ cho các anh, thể nên các anh bạn cũng đừng làm khó cho chúng tôi, các anh hiểu chứ? Cơ sở chết giẫm này chẳng có nhân lực đâu. Thống đốc bang đã sa thải khoảng một nửa nhân sự, hiểu không? Phải phù hợp với tình hình ngân sách, đúng không? Phải cắt giảm thâm hụt, đúng chứ? Thế nên chúng tôi không có người để thực hiện công việc theo đúng cách phải làm. Ca nào cũng cố gắng hoàn thành công việc với số nhân sự bằng một nửa, hiểu không? Thế nên điều tôi nói là chúng tôi đẩy các anh vào chỗ kia, và chúng tôi không muốn trông thấy các anh cho tới lúc chúng tôi lôi các anh ra vào ngày thứ Hai. Đừng có mà gây rắc rối, hiểu chứ? Chúng tôi không có nhân lực giải quyết rắc rối. Chúng tôi không có nhân lực để giải quyết rắc rối ở các tầng dành cho phạm nhân chứ đừng nói tới rắc rối ở tầng tạm giam, các anh hiểu chứ? Ê, Hubble, anh hiểu chứ?"
Hubble ngước nhìn tay gác và gật đầu một cách vô hồn. Chẳng nói gì cả.
"Reacher?" tay cầm bảng ghi hỏi. "Anh hiểu chứ?"
"Chắc chắn rồi," tôi nói. Tôi đã hiểu. Tay này không có đủ người. Có vấn đề do ngân sách thiếu. Còn bạn bè của anh ta thì nhận tiền hỗ trợ thất nghiệp. Chẳng khác gì tôi cả!
"Tốt," tay gác cầm bảng ghi nói. "Vậy nên thống nhất thế này. Hai chúng tôi hết ca trực lúc bảy giờ. Tức là sau khoảng một phút nữa. Chúng tôi sẽ không vì các anh bạn mà làm việc muộn đâu. Chúng tôi không muốn thế và kiểu gì thì công đoàn cũng không để cho chúng tôi làm. Thế nên các anh sẽ được ăn, sau đó các anh bị giữ ở đây cho tới khi có người đến đưa các anh lên tầng. Phải tới lúc tắt điện mới có người, có lẽ tầm 10 giờ, được chứ? Nhưng dù gì thì cũng chẳng lính gác nào áp giải tù nhân đi sau khi đèn đã tắt, đúng không? Công đoàn sẽ không để họ làm thế. Thế nên Spivey sẽ tự đến nhận các anh. Trợ lý giám sát. Người có trách nhiệm cao nhất đêm nay. Chừng 10 giờ, được chứ? Còn nếu không thích chuyện ấy thì đừng nói với tôi, đi mà nói với thống đốc ấy, được chưa?"
Tay ăn bánh rán bước ra ngoài hành lang, một lúc lâu sau thấy bưng khay lại. Trên đó là vài chiếc đĩa được đậy lại, vài chiếc cốc giấy và một bình giữ nhiệt. Anh ta đặt khay lên bàn rồi cả hai theo hành lang bước ra. Khóa cửa từ phía ngoài. Bầu không khí trở nên yên lặng như trong mồ.
Chúng tôi ăn. Cơm với cá. Đồ ăn dành cho ngày thứ Sáu. Cà phê trong bình giữ nhiệt. Hubble chẳng nói gì. Anh ta nhường hầu hết chỗ cà phê cho tôi. Một điểm ghi cho Hubble. Tôi cho đồ ăn thừa vào khay rồi đặt khay xuống sàn. Còn ba giờ nữa để phung phí. Tôi ngả ghế ra phía sau và gác chân lên bàn. Không thoải mái, nhưng cũng tàm tạm. Một buổi tối ấm áp. Tháng Chín ở Georgia.
Tôi nhìn qua phía Hubble chẳng chút tò mò. Anh ta vẫn im lặng. Tôi chưa bao giờ nghe thấy anh chàng nói gì trừ lúc nghe qua loa điện thoại của Finlay. Hubble nhìn lại tôi. Gương mặt anh ta đầy sự khổ đau và sợ hãi. Anh chàng nhìn tôi như thể tôi là sinh vật từ thế giới khác tới vậy. Người này chằm chằm nhìn tôi cứ như tôi khiến anh ta lo lắng. Rồi Hubble nhìn đi nơi khác.
Có lẽ tôi sẽ không quay trở lại Vịnh. Nhưng giờ đã là thời điểm quá muộn trong năm để đi về phía Bắc. Ở đó quá lạnh. Có khi nên bỏ qua đó để đi thẳng tới các đảo. Có khi là Jamaica. Nhạc ở đó tuyệt vời. Một túp lều trên bãi biển. Sống qua mùa đông trong một túp lều trên bãi biển Jamaica. Một tuần hút chừng nửa cân cỏ (cần sa, bồ đà)
. Làm bất kỳ điều gì người Jamaica làm. Có lẽ một tuần hút một cân cỏ và sống chung với một người khác. Roscoe liên tục bước vào khung cảnh tôi mường tượng ra. Bộ sắc phục của cô tươi tắn tuyệt vời.
Chiếc áo bó màu xanh tươi tắn. Tôi chưa bao giờ trông thấy chiếc áo nào đẹp hơn. Dưới ánh nắng trên bờ biển Jamaica cô sẽ chẳng cần mặc áo. Tôi không nghĩ đó là chuyện gì nghiêm trọng.
Cái nháy mắt của nữ cảnh sát mới là vấn đề với tôi. Cô cầm tách cà phê lên. Cô bảo rằng tôi có đôi mắt đẹp. Và Roscoe nháy mắt. Phải có ý gì đó, đúng không? Chuyện về đôi mắt thì trước đây tôi từng nghe rồi. Một cô gái Anh từng có một quãng thời gian hạnh phúc bên tôi, cô thích đôi mắt tôi. Lúc nào cũng nói thế. Chúng màu xanh. Gần như người nào nhận xét cũng bảo rằng chúng trông như các núi băng ở biển Bắc cực. Nếu tập trung, tôi có thể làm họ ngừng chớp mắt. Tạo sức mạnh uy hiếp cho cái nhìn chằm chằm. Hữu ích. Nhưng cái nháy mắt của Roscoe là khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong ngày, thực sự là khoảnh khắc duy nhất của ngày, trừ món trứng ở tiệm ăn Eno - vốn cũng không đến nỗi tệ. Trứng thì ở đâu cũng kiếm được. Còn Roscoe thì không. Tôi nhớ cô ấy. Và tôi bay bổng hết cả buổi tối.
Hơn mười giờ một chút, cánh cửa hành lang được mở khóa. Một người đàn ông mặc sắc phục bước vào. Người này cầm một tấm bảng ghi. Và một khẩu súng trường. Tôi nhìn về phía anh ta. Một tay người miền Nam. Nặng nề, đầy thịt. Làn da đỏ ửng. Cái bụng to và chắc cùng chiếc cổ to. Mắt ti hí. Bộ đồng phục chật nhăn nheo phải vất vả mới trùm nổi cơ thể anh chàng này. Có lẽ được sinh ra ở ngay đây, khu nông trại người ta đã thu hồi để xây nhà tù. Trợ lý giám sát Spivey. Người có trách nhiệm cao nhất trong ca này. Thiếu lực lượng và khó chịu. Tự giải hai vị khách tạm trú. Với khẩu súng trường trong bàn tay nông dân to lớn.
Viên trợ lý giám sát xem tấm bảng ghi.
"Ai trong số hai anh là Hubble?" anh ta hỏi.
Người này có giọng the thé. Ngược với tấm thân bồ tượng. Hubble luống cuống giơ hai tay lên, như học sinh phổ thông. Đôi mắt ti hí của Spivey quét qua Hubble. Lên rồi xuống. Như mắt rắn. Anh ta hầm hừ rồi dùng tấm bảng ghi làm hiệu. Chúng tôi xếp thành hàng đi ra. Hubble thất thần cam chịu. Như một người lính kiệt sức.
"Rẽ trái rồi đi theo vạch đỏ", Spivey nói.
Anh ta dùng khẩu súng vẩy tay về phía trái. Có một đường màu đỏ sơn trên tường cao tầm ngang hông. Đó là đường chỉ dẫn thoát hiểm khi xảy ra cháy. Tôi cho là nó dẫn ra ngoài, nhưng chúng tôi lại đi ngược hướng. Vào trong tù chứ không phải ra ngoài. Chúng tôi theo đường đỏ qua các hành lang, lên gác và vòng qua các góc. Hubble đi đầu rồi tới tôi. Theo sau là Spivey cùng khẩu súng trường. Bên trong rất tối. Chỉ có ánh sáng mờ mờ của đèn khẩn. Đến một chiếu nghỉ, Spivey lệnh dừng lại. Anh ta lấy chìa mở một khóa điện tử. Loại khóa này sẽ mở tung cửa thoát hiểm khi chuông báo động kêu.
"Không được nói chuyện," Spivey lệnh. "Quy định ở đây là phải tuyệt đối im lặng sau khi đã tắt đèn. Buồng giam ở phía cuối, bên tay phải".
Chúng tôi bước qua cửa ngoài. Mùi hôi thối của nhà tù xộc vào mũi tôi. Hơi thở ra của vô số kẻ tuyệt vọng. Tối như hũ nút. Một bóng đèn mờ mờ nhấp nháy. Tôi chỉ có thể cảm nhận được chứ không trông thấy sự hiện diện của các dãy buồng giam. Tôi nghe tiếng lảm nhảm của những âm thanh trong đêm. Tiếng thở và ngáy. Thì thầm và rên rỉ. Spivey giải hai chúng tôi tới cuối dãy. Chỉ một buồng giam trống. Hai chúng tôi len vào. Spivey kéo cửa song sắt đóng lại sau lưng chúng tôi. Nó tự động khóa lại. Anh ta bước đi.
buồng giam rất tối. Tôi chỉ có thể trông thấy một chiếc giường tầng, một chậu rửa và một bồn cầu. Sàn không rộng lắm. Tôi cởi áo khoác ném lên giường trên. Với tay dọn lại giường, để gối ở phía xa song sắt. Tôi thích thế này hơn. Ga và chăn cũ nhưng ngửi cũng vẫn còn sạch sẽ.
Hubble ngồi yên lặng ở giường dưới. Tôi đi vệ sinh và rửa mặt ở chậu rửa. Lê người lên giường. Cởi giày ra. Bỏ ở chân giường. Tôi muốn biết giày của mình nằm ở đâu. Giày có thể bị đánh cắp, mà đây lại là giày tốt. Mua phải được mấy năm ở Oxford, Anh. Một thành phố có trường đại học nằm gần căn cứ không quân tôi đóng. Một đôi giày nặng có đế cứng và mũi dày.
Chiếc giường quá ngắn so với tôi, nhưng hầu hết giường đều thế. Tôi nằm trong bóng tối lắng nghe âm thanh không ngừng nghỉ của nhà tù. Rồi tôi nhắm mắt lại phiêu du tới Jamaica cùng Roscoe. Chắc chắn tôi đã ngủ thiếp đi với nàng bên cạnh bởi điều tiếp theo tôi nhận thức được là hôm nay là thứ Bảy. Tôi vẫn ở trong tù. Và một ngày còn tồi tệ hơn đang bắt đầu.