Dấu xưa ở Sài Gòn


Số từ: 1141
Tác giả: Nhiều tác giả - Tạp chí Sai Gon CityLife
Phương Nam phát hành
NXB Hội Nhà Văn
Yên Ba


Paris hấp dẫn
không chỉ vì có tháp Eiffel, Nhà thờ Đức Bà, mà còn bởi những hiệu sách cũ dọc sông Seine
, câu nói ấy của một nhà văn cứ ám ảnh tâm trí mỗi khi tôi có dịp vào Sài Gòn. Bởi vì với tôi, sức hấp dẫn của Sài Gòn cũng nằm ở những hiệu sách cũ.
Tôi còn nhớ lần đầu tiên một mình theo tàu lửa vào Sài Gòn là vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước, sau giải phóng vài năm. Một trong những động lực thôi thúc tôi thực hiện chuyến độc hành ấy chính là lời đồn đại của những người có dịp ghé qua Sài Gòn những năm đầu sau giải phóng. Không chỉ tủ lạnh, xe máy, những thứ mà ở miền Bắc hồi ấy rất thiếu, một trong những nguồn cơn hấp dẫn tôi nhất chính là câu chuyện về một chợ sách cũ của Sài Gòn. Hấp dẫn ghê gớm!
https://i.imgur.com/73WxjoQ.jpg
Bởi vậy nên vào Sài Gòn hôm trước, hôm sau, theo lời chỉ dẫn của người anh họ, tôi nhào ra ngay chợ Bến Thành. Từ cổng chợ đi chếch sang phía bên kia bùng binh, qua đường Calmet một đoạn ngắn tới phố nhỏ nằm ngang, tôi bất chợt thấy mình lạc vào một thiên đường sách cũ. Chợ sách Đặng Thị Nhu.
Những ai đã chót vướng phải cái thói mê sách hẳn là hiểu được cái cảm giác hạnh phúc khi đứng trước một kho tàng sách cũ ẩn chứa bao điều bí mật. Mà đây lại là cả một chợ sách, một biển mênh mông những điều bí ẩn. Trên suốt dọc con phố hẹp, những quầy sách chia thành từng ô san sát nhau. Trong mỗi ô, người chủ hàng ngồi lọt giữa những chồng sách cao lút đầu người. Sách còn treo lủng lẳng trên các lối đi. Đấy mới chỉ là bề nổi của chợ sách. Bởi nếu bạn có bất cứ một yêu cầu gì (tất nhiên là trừ những cuốn sách in ở miền Bắc còn khá hiếm), người chủ hàng chạy đi đâu đó và dăm phút sau đã quay lại với cuốn sách mà bạn cần! Bạn sẽ dễ dàng có được cái cảm giác sung sướng rờn rợn ở sống lưng khi tìm được một cuốn sách quý hiếm, một điều không khó khăn lắm ở cái chợ sách cũ Đặng Thị Nhu này.
Nhưng khốn khổ cho cái thằng tôi, một thân một mình vào đất Sài Gòn hoa lệ, nào có rủng rỉnh tiền bạc trong túi. Bởi vậy tôi chỉ có thể mê mải đi từ đầu tới cuối chợ sách cũ, thèm thuồng ngắm nhìn những gáy sách cũ sờn theo thời gian, rồi cuối cùng cắn răng bỏ những đồng bạc eo hẹp ra để mua cuốn... Kinh Thánh, một ấn phẩm còn khá hiếm ở miền Bắc lúc bấy giờ.
Cái ấn tượng về chợ sách cũ Sài Gòn ấy, tôi sẽ chẳng bao giờ quên được.
Những năm sau này, khi vào Sài Gòn, tôi cảm thấy hụt hẫng khi chợ sách Đặng Thị Nhu đã biến mất, trả lại cho thành phố một con đường vắng hoe, buồn bã... Chẳng hiểu sao, cái cảnh tượng hiu quạnh ấy cứ làm cho tôi nhớ đến câu thơ cũ theo thời gian:

Những người muôn năm cũ


Hồn ở đâu bây giờ.


Nhưng khi đã mê sách như một người tình si thì Sài Gòn bây giờ vẫn còn những hiệu sách cũ đủ để mời gọi tôi trở lại.
Dãy phố có nhiều quán bán sách cũ nhất ở Sài Gòn hiện nay là Trần Huy Liệu. Nhưng để tìm được một cuốn sách ưng ý ở dãy phố này, bạn sẽ phải mất rất nhiều công sức do lẽ sách cũ ở đây chủ yếu là nguồn trôi nổi, chủ hàng mua từ người bán dạo, những người túng tiền mang sách đi bán... Nói cách khác, đây là một
chợ sách
tương đối bình dân, khó có thể tìm được những cuốn sách quý hiếm.
Nơi tôi bao giờ cũng lui tới mỗi khi có dịp ghé Sài Gòn là dãy cửa hàng sách cũ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, chỗ gần đối diện với bệnh viện Từ Dũ. Khoảng mươi cửa hàng liền kề nhau. Nhiều chủ hàng ở đây làm đúng kiểu những người mua bán sách cũ
thứ thiệt
vẫn làm: tới tận nhà mua sách từ các tủ sách gia đình. Bởi vậy mà sách khá đa dạng, phong phú. Nếu gặp may, bạn vẫn có thể mua được những cuốn sách quý hiếm như một tác phẩm của Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của hay những ấn bản báo chí tưởng đã thất truyền từ lâu vô cùng hiếm mà người chơi sách thèm thuồng: Nam Phong, Phụ nữ tân văn, Đông Dương tạp chí... Đôi khi, lọt ra đây có cả những ấn bản trong các tủ sách đã trở thành huyền thoại như của ông Nguyễn Ngọc Thơ, Vương Hồng Sển hay tủ sách của cụ Hoàng Xuân Việt, một trí thức Sài Gòn cũ...
https://i.imgur.com/J2XTWEP.jpg
Sài Gòn có nhiều hiệu sách cũ nên cũng có nhiều
cao thủ
chơi sách cổ nức võ lâm. Lang thang nhiều ở những chợ sách cũ Sài Gòn, tôi có cơ duyên được gặp gỡ, làm quen với một vài cao thủ. Một trong số đó mà giới chơi sách Sài Gòn hầu như ai cũng biết là ông Tuấn, biệt danh Tuấn
sách
, nhà ở đường Trần Huy Liệu. Đây là người thuộc vào diện nhìn thấy sách quý thì
rụng rời chân tay
, một kho từ điển sống mà dân chơi sách muốn tham khảo hoặc lùng tìm những cuốn sách quý không thể không đến
thỉnh thị
.
Hay như anh Gia ở Điện Biên Phủ, anh Đức chủ hiệu Kỳ Thư trên đường Võ Văn Tần, anh Cầu
béo
ở cửa hiệu Minh Ngọc trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, nay mới mở thêm một cửa hàng nữa cũng ở Võ Văn Tần... Họ mua bán sách để sinh nhai, nhưng đồng thời cũng là những người có một vốn hiểu biết trác tuyệt về sách cũ Sài Gòn, một thế giới bí ẩn mà nếu như không có nhiều năm lăn lộn và sống cùng nó thì khó có thể hiểu hết được. Tiếp xúc với họ, tôi biết có một Sài Gòn xưa cũ qua những trang sách ố màu thời gian, một thế giới của những người vẫn nuôi lòng đam mê với sách bất chấp những dâu bể và đời sống tất tả mưu sinh.
Những người như thế, cùng với các quán sách cũ, là những dấu xưa Sài Gòn.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Sài Gòn Tản Văn – Hẻm Phố Thông Ra Thế Giới.