Qua ổ cửa kính
-
Sài Gòn Tản Văn – Hẻm Phố Thông Ra Thế Giới
- Nhiều Tác Giả
- 1162 chữ
- 2020-05-09 05:46:25
Số từ: 1145
Tác giả: Nhiều tác giả - Tạp chí Sai Gon CityLife
Phương Nam phát hành
NXB Hội Nhà Văn
Quốc Bảo
Đấy là một sáng nắng
thật tươi hay một chiều thật xám. Đấy là một đám bạn bè hàn huyên to nhỏ hay đơn độc một kẻ ngồi. Có thể thế này và có thể thế kia. Nhưng quán thì vẫn thế, vẫn ngôi quán ấy, với những khung cửa kính vuông vức cách ngăn người trong - thường trầm ngâm và hơi ảm đạm - với thế giới ồn ã ngoài kia.
Quán có tên Givral. Một cái tên francophone đến khó ưa, vì người không biết tiếng Pháp rất kỵ đọc từ này.
Givral, quán của tôi. Một thời tuổi trẻ của tôi. Và hai mươi năm trước đó, một thời tuổi trẻ của cậu tôi.
https://i.imgur.com/JEKY1Mw.jpg
Tôi còn nhớ như in một buổi chiều tôi sáu tuổi, đấy là lần đầu tôi được bát phố với người cậu ruột, sinh viên Triết, với tư cách hai-người-đàn-ông-Sài-Gòn. Trong khi chờ đến xuất chiếu phim Le Petit Poucet
(Thằng bé Tí Hon) ở Rex, chúng tôi ghé Givral sau khi đảo một vòng nhà sách Xuân Thu để nhặt một cuốn R. Descartes mong mỏng giấy vàng cho cậu và vài số Astérix cho tôi. Tôi, sáu tuổi, vào quán cố ngồi thẳng lưng ra vẻ người lớn, gọi Coca thay vì ăn kem và khước từ món bánh choux-crème vốn rất mê. Góc phố Lê Lợi - Tự Do (Đồng Khởi ngày nay) khi ấy còn thênh thang, khách bộ hành lững thững ngó nghiêng chứ không cắm đầu rảo bước như bây giờ. Ít người bán báo, tuyệt nhiên không có nhân viên bảo vệ cũng như giữ xe máy. Hè phố rộng, nắng chiều xiên xiên ô kính và mưa bay nhẹ, tạo điều kiện cho một gã đàn ông lên sáu mơ có thật nhiều buổi chiều bát phố thế này suốt đời và tôi đã cố tập phát âm tên quán sao cho parisien nhất, với âm
g
và
r
đặc trưng. Coca thì hăng nồng ga đến mức gây sặc, còn quán thì mờ một màn sương khói thuốc Bastos Luxe. Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn có những giấc mơ ngắn về Givral thế kỷ trước, Givral quá khứ hơn ba mươi năm với nguyên vẹn hình ảnh và mùi vị sống động như một thước phim tư liệu.
Cậu tôi nói, Givral nguyên là một hiệu thuốc tây. Tôi không quan tâm lắm đến điều ấy, mãi hai năm gần đây mới để ý đến chi tiết lịch sử cậu đã kể khi tôi thấy bức vẽ trên tường quán lúc được sửa lại. Tôi chỉ cảm nhận rằng, Givral có một cái gì đó giả-lịch-sử, một thứ lịch sử vay; nó giúp người Sài Gòn xưa rót đầy giấc mơ Pháp - chẳng cần đến Paris vẫn thấy được ngồi cà phê Quartier Latin. Chắc là thế, vì cách đây khoảng mười năm, tôi đã nhiều lần gặp một ông khách tóc bạc trắng, chống can, kẹp nách một cuốn sách Pháp ngữ nhàu, vào quán chỉ gọi một cốc vang đỏ và ngồi cả buổi chiều. Ông hẳn đang mơ mình đi dạo với G. Apollinaire. Cũng có thể ông đang hồi tưởng những năm đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ trước, Givral đầy nhà báo ngoại quốc kéo sang từ khách sạn Continental bên kia đường. Ông khách có lẽ là một cựu giáo viên Pháp văn, hoặc công chức sở Pháp một thời.
Mười năm trước, bàn ghế Givral kiểu khác, nhỏ gọn, ít tiện nghi hơn, không cho phép ngồi lâu, nhưng dường như khi ấy không khí quán êm hơn, từ ô kính nhìn ra phố thấy con người hiền lành và nhẫn nại hơn. Givral chỉ mới mở nhạc dạo sau này và nhạc đã phá vỡ hết tinh túy. Quán bỗng nhiên phải chịu đựng những bản hòa tấu vụng về và Celine Dion chói tai. Hình như quán chỉ có một đĩa nhạc mở đi mở lại, nên nếu cần, khách dùng nhạc để biết thời gian. Ta có thể quyết định ngồi ba lần Celine Dion hay hai lần
Có phải em mùa thu Hà Nội
tùy ý.
Khi con trai tôi mười ngày tuổi, tôi đưa nó vào Givral, nằm trong một cái giỏ. Đây đó, những đứa trẻ sơ sinh Tây phương cũng được
đi cà phê
cùng bố mẹ và chúng nằm như những ổ bánh mì xinh xinh trong xe nôi. Đi cà phê, tiếng vậy song cà phê và những thức uống khác của Givral không hề thu hút. Đã bao nhiêu lần, tôi phân vân đọc thực đơn vốn đã thuộc lòng mà không thể nghĩ nổi một thứ đồ uống vừa miệng. Cái thu hút người ta đến Givral, là ở chính Givral. Một Givral đầy lịch sử (hay giả-lịch-sử) và hơn thế, lại có quá nhiều may mắn để đắp dày lớp áo lịch sử của chính nó. Phim Người Mỹ Trầm Lặng
là một ví dụ. Khách đến Givral đông hẳn từ khi biết
Phượng đã ngồi đây
. Mà đâu chỉ Phượng! Trịnh Công Sơn, francophone điển hình, đã ngồi đây suốt những năm cuối đời - nơi mà như anh nói,
qua ô kính thấy phố đẹp và hiền từ
.
https://i.imgur.com/7KBgzys.jpg
Nhưng bản thân Givral chẳng hề francophone
thuần thành
như ta thường gán cho nó. Nó Việt, nó Sài Gòn vì những người khách mới ồn ào và chuông điện thoại di động, vì hủ tiếu Nam Vang và lẩu. Nếu hòa vào dòng ấy, bạn sẽ thấy Givral chẳng khác gì những quán tạp nham ở bất cứ ngõ ngách Sài Gòn nào. Còn muốn bảo lưu không khí Pháp-nhiệt-đới xưa, hãy chọn lúc vắng khách, vào uống tách cà phê đậm và nhấm nháp chút bánh ngọt, ngắm khách bộ hành lầm lũi rảo bước, ngắm những người giữ xe máy nhỏ bé vắt vẻo trên yên xe khách, ngắm nắng xiên ô kính và mưa mờ bay những buổi chiều muộn. Chẳng ai bắt ta phải đọc tên quán đúng giọng Pháp! Thì đấy, Givral đã đón những Trung Nghĩa guitarist, Jun Nguyen-Hatsushiba nghệ sĩ tạo hình gọi quán bằng cách phát âm Mỹ; Ngô Thanh Vân ca sĩ gọi giọng Na Uy và vô số khách quen giọng Việt. Đã sao? Givral không khước từ ai, vì nó vốn biết những người đến trong suốt mấy mươi năm nay đã làm nên lịch sử cho nó. Lịch sử thật. Lịch sử lồng trong lịch sử Sài Gòn, lịch sử của những người vốn hướng ngoại và lạc quan song lại sẵn lòng dành một phần ba đời mình cho những hồi ức niên thiếu.
Givral, quán của tôi, quán của cậu tôi, quán của con trai tôi.
Cũng chẳng phải. Quán của dân Sài Gòn.