Không biết thì hỏi sư phụ xe ôm
-
Sài Gòn Tản Văn – Hẻm Phố Thông Ra Thế Giới
- Nhiều Tác Giả
- 2225 chữ
- 2020-05-09 05:46:26
Số từ: 2213
Tác giả: Nhiều tác giả - Tạp chí Sai Gon CityLife
Phương Nam phát hành
NXB Hội Nhà Văn
Nam Đan
Đến một thành phố lạ
, muốn biết nơi nào cảnh đẹp, nhà hàng nào ăn ngon, khách sạn nào tiện nghi và giá cả phải chăng... thì nên hỏi các hướng dẫn viên du lịch. Nhưng nếu muốn lặn sâu vào những ngõ ngách tối tăm nhất của đời sống ở thành phố, thì có lẽ nên hỏi các bác tài xe ôm.
Với kinh nghiệm từng trải trên yên ngựa sắt cho sinh kế hằng ngày, các bác tài thường rất lão luyện về những chuyện giang hồ. Ngày nay, theo qui luật đào thải của nền kinh tế thị trường, xe ôm dần dà thay thế xích lô trong các dịch vụ vận chuyển, đi lại cá nhân. Còn bao giờ thì đến phiên các bác tài xe ôm phải bỏ nghề? Ngày ấy chắc còn xa. Nhưng với tình trạng giá xăng dầu bất ổn và tăng nhanh như hiện nay, các bác cũng phải gánh chịu sự khó khăn, cùng chịu ảnh hưởng của các cuộc chiến ở tận xứ Trung Đông xa lơ xa lắc.
Các bác xe ôm ở Sài Gòn và các tỉnh miền Nam khác hẳn các đồng nghiệp ở ngoài Hà Nội. Ít ra cũng khác ở bề ngoài. Ngoại trừ một số là thành viên của các nghiệp đoàn ở các bến bãi phải mặc đồng phục kaki có in tên nghiệp đoàn và bảng tên đeo trước ngực ra, các bác tài còn lại thường ăn mặc giản dị, có khi xộc xệch lam lũ. Ngược lại, các bác tài xe ôm ngoài Bắc thường bảnh chọe hơn, xoàng xoàng cũng áo sơ mi đóng thùng, chân đi giày da. Thậm chí có bác còn chơi hẳn áo vest và cà vạt hẳn hoi. Người ở xa không biết khi nghe hỏi,
Xe ôm không anh giai?
có thể phát run vì ngỡ rằng ông thầy ký, hay thầy giáo lịch sự này đang đùa với mình chăng!
Đại ca nào hùng cứ khu vực này? Dân chích choác hay tụ tập ở đâu? Nơi nào bán
hàng trắng
, nơi nào bán
hàng đen
? Bao nhiêu một
tép
?
Gà
bao nhiêu một
dù
? Bia ôm nơi nào tươi mát? Ghế gội đầu tiệm nào thư giãn cho qua một buổi trưa? Ở đâu cơm 4.000 đồng một đĩa? Ở đâu cháo 2.000 đồng một tô? Quán nào khách có thể ngồi thâu đêm chờ sáng? Đi đâu cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất[5]?
Những thắc mắc đại loại như thế, người ta nên hỏi bác tài xe ôm. Có người bạn của tôi cho rằng câu tục ngữ:
Biết thì thưa thì thốt không biết dựa cột mà nghe
có thể sửa thành:
Biết thì thưa thốt không biết thì hỏi xe ôm
. Xe ôm cái gì cũng biết, biết một cách uyên bác và thấm thía chuyện đời. Và đừng ngộ nhận rằng xe ôm chỉ làm mỗi công việc chở người, thật ra có khi các bác còn làm đủ thứ chuyện oái oăm kỳ dị khác.
[5] Mượn tựa một cuốn sách của nhà văn Phạm Công Thiện.
Lân la ngồi quán với các bác tài xe ôm, tôi được nghe nhiều chuyện ly kỳ quanh đời sống. Một sáng bác Tư -râu-quặp kể:
Có lần đang
hẻo
, nợ nần vây phủ
tứ giăng
, rầu thúi ruột, thì một thằng bé khoảng 16 tuổi vẫy tôi lại. Tôi hỏi:
Cậu cần đi đâu?
. Nó trả lời:
Chào sư phụ, sư phụ giúp đệ tử chuyện này, chuyện đơn giản thôi, đệ tử sẽ chung chi đầy đủ. Đệ tử bị giáo viên chủ nhiệm đuổi học, không dám về nói với ‘ông via’, ổng mà biết thì ổng ‘đục’ hết. Nhờ sư phụ giả dạng làm phụ huynh đến nhà ông chủ nhiệm xin cho đệ tử vào học lại
. Nhìn cái đầu tóc đinh nhuộm hoe, một bên tai có đeo khoen, tôi hỏi:
Sao lại bị đuổi?
, nó trả lời:
Hút thuốc trong lớp búng tàn làm cháy áo con gái, nó thưa, thế là bị đuổi
. Tôi ra giá:
Tiền xe, tiền làm diễn viên, tiền làm luật sư bênh vực 200.000đ. Đưa tiền trước
. Nó búng tay đồng ý. Để chắc ăn tôi nói thêm:
Đến nhà thầy tay không thì kỳ quá. Phải mua một ít trái cây biếu thầy
. Nó trả lời:
Chuyện nhỏ! Mua thì mua, lựa thứ chiến nhất đi
. Thỏa thuận xong, tôi chở nó về nhà tôi. Trút bỏ bộ áo quần xe ôm, tôi diện bộ oách nhất, áo bỏ trong
thùng
đoàng hoàng. Đứng trước gương tôi thấy mình cũng đường hoàng ra dáng đại gia lắm. Sau khi mua một ký trái cây, tôi chở nó đến nhà ông giáo viên chủ nhiệm.
Ông thầy từ chối món quà, ông nói:
Tôi cũng muốn gặp ông từ lâu. Nó không học hành gì cả, chỉ tụ tập băng đảng, có vào lớp cũng chỉ quậy phá. Nó còn nói với mấy đứa trong lớp rằng nếu bị đuổi, nó sẽ cho giang hồ thanh toán tôi
. Tôi kính cẩn trả lời:
Thưa thầy, con dại cái mang. Nó là con một, tôi trót nuông chiều nó từ nhỏ nên bây giờ rất khó dạy. Xin thầy bỏ qua, tôi sẽ răn dạy cháu. Nó là máu thịt của mình. Chân dẫm dơ thì rửa, chẳng lẽ chặt chân đi? Xin thầy xem con tôi cũng như con thầy...
.Trong khi tôi muối mặt tuôn ra những lời giả dối, thì nó cúi mặt xuống để giấu nụ cười, may mà ông thầy không nhìn thấy. Xong việc, ra khỏi nhà ông giáo, nó khen tôi:
Sư phụ diễn hay lắm, bo thêm 50 ngàn nè!
. Nhận tiền nhưng tôi không vui, lòng đầy hổ thẹn, nhưng chuyện đã rồi, tôi không thể và cũng không đủ can đảm làm khác được. Tôi nhớ đến tuổi nhỏ của mình, nhà nghèo phải bỏ học, nên cay đắng hỏi nó:
Sao mày không chịu học? Thất học, mai sau khổ lắm, chỉ làm thân xe ôm như tao
. Nó hỏi lại giọng ông cụ non:
Dịch cúm gia cầm sắp tiêu diệt loài người, vũ khí hạt nhân sắp làm nổ tung trái đất. Học làm cái quái gì? Đưa tui tới Trần Quang Khải hành hiệp Võ Lâm Truyền Kỳ đi. Thôi sư phụ đừng lên giọng dạy đời nữa, hôm nào có phi vụ khác đệ tử sẽ hú
. Không đợi câu trả lời, nó nhét vào túi tôi thêm nửa gói 555 rồi khinh khỉnh bỏ đi.
https://i.imgur.com/84VVGA7.jpg
Một câu chuyện khác, không chỉ làm diễn viên, làm luật sư, xe ôm đôi khi còn làm vật tế thần cho bọn lừa đảo nữa. Anh Quý-thầy-mo kể:
Tôi đang chở khách thì xe bị đinh đâm lủng ruột. Trong khi đợi vá xe, anh khách mời tôi uống cafê lề đường. Anh có vẻ hiền lành, lịch sự. Anh tâm sự rằng anh ở Long An, gia đình con đông, vợ bệnh rề rề, còn anh thì làm nghề nông thất bát, hiện nay thất nghiệp mãn tính. Chuyến này lên thành phố vay mượn họ hàng được chút tiền, anh tính mua chiếc xe đặng chạy xe ôm kiếm sống qua ngày. Anh hỏi tôi về nghề xe ôm. Cảm động trước hoàn cảnh thất cơ lỡ vận của anh, tôi cũng an ủi khuyên giải đôi lời. Rồi nói về chuyện nghề, về tính cạnh tranh gay gắt với đồng nghiệp, đôi khi phải sử dụng chân tay với nhau để giành giật khách, phải thuộc đường sá, phải có điện thoại di động, có nhiều số điện thoại của gái làng chơi để phòng khi cần đến, những mánh lới để vòi tiền khách và nhất là phải đề phòng bọn cướp xe...
Càng nói chuyện tôi càng có cảm tình với anh ta, khi xe sửa xong thì hai đứa tôi đã trở thành đôi bạn thân thiết. Thả anh xuống Gò Vấp, tôi chỉ lấy tiền xăng tượng trưng, còn hẹn nhau mai sẽ gặp lại. Thế rồi hôm sau tôi làm tài lanh chở anh đi mua xe. Sau khi so kè cả buổi, tôi chọn cho anh ấy một chiếc Wave Tàu cũ, nhưng có vẻ bền, ít hư hỏng lặt vặt.
Anh ta vừa ý lắm, móc thuốc ra mời, rồi nói với chủ tiệm
Ông anh tôi ở đây chờ với anh nhé, để tôi chạy thử một vòng
. Chủ tiệm đồng ý. Nhưng ngay lúc đó, tôi thấy một thoáng nhìn rất nhanh của anh ta về phía tôi. Cái liếc nhìn rất lạ, nhanh đến độ đáng sợ. Tôi tỉnh ngay cơn mê, bản lĩnh và kinh nghiệm của một gã xe ôm nhiều năm trên đường phố Sài Gòn vụt trở lại. Tôi vội nói với ông chủ tiệm:
Tôi chỉ là xe ôm, không quen biết gì với ông anh này đâu nghe!
Ông chủ tiệm hiểu ngay, lên xe ngồi sau lưng anh ta, rồi mới cho xe chạy thử.
Khoảng một giờ sau ông chủ tiệm chạy xe một mình về tức tối
Thằng khốn nạn chạy lòng vòng khoảng vài trăm thước, khen xe tốt. Qua chợ hắn dừng lại, nói vào chợ bán vàng trả tiền xe, bảo tôi đợi, tôi đợi đến bây giờ đấy. Nó định lừa lấy xe của tôi để ông xe ôm lại làm ‘vật tế thần’. May mà ông nhanh trí không thì... Thế nó trả tiền xe ôm cho ông chưa?
Tôi nói:
Chưa
nhưng lòng vừa mừng vừa giận. Nhờ trời thương, hú vía. Xém nữa vô đồn công an vì tội đồng lõa lừa đảo.
Còn câu chuyện này tôi được nghe bên tô bún bò Huế. Từ sáu năm nay, bạn tôi là khách quen của quán bún bò nổi tiếng nằm ở góc phố quận Nhất này. Ông chủ quán da sạm nắng, dáng đậm người mà chắc lụi, giọng Huế rặt, ra rả điều động năm nhân viên bưng bê và tính tiền. Sáng ra, hàng trăm khách ngồi kín cả hai bên vệ đường, vậy mà ông nhớ mặt nhớ tên, nhớ luôn thói quen của khách. Vợ chồng bạn tôi ghé tháng đôi lần, vậy mà họ chỉ cần kéo ghế là ông chủ đon đả chào rồi quay vào trong la lớn:
Một giò nạc không chả, một đuôi bò ít bánh, rau trụng bàn số bảy
. Chừng hai phút là có ngay hai tô bún nóng hổi. Riết rồi từ khách quen
thành khách ruột
. Và cũng đủ lâu để biết vợ chồng chủ quán có ba đứa con, hai trai một gái; và ba căn nhà khá bự nằm ở ba khu vực khác nhau trong thành phố, trong đó có một căn lầu ba tấm mặt tiền ngay trung tâm quận Nhất, đang gợi ý cho bạn tôi thuê mở văn phòng với giá gần 2.000 USD/tháng.
Một chiều nọ, chị bạn tôi lang thang kiếm xe ôm. Khi đứng trên lề đường vẫy tay gọi xe thì nhác thấy ông tài có cái dáng quen quen, tới gần, chị suýt té ngửa: chính là ông Tư Huế chủ quán bún bò. Vẫn nụ cười và giọng nói ngọt sắc như món nước lèo không chê vào đâu được, chỉ thêm chiếc nón lưỡi trai, cặp kiếng mát và chiếc Dream Tàu
.
Trời, làm vậy sao được cha nội. Cho thiên hạ kiếm với chứ!
.
Khách
làm bộ chọc quê. Nhưng
bác tài
thì tỉnh queo. Ông nói rằng sáng bán hết hàng, chiều
quởn
không biết làm gì, ở không sợ sanh tật nhậu nhẹt, nên chạy vài cuốc xe kiếm thêm.
Đây là nghề kiếm sống của tui hơn hai mươi năm nay, từ khi mới chân ướt chân ráo vô Sài Gòn. Bớt khó khăn rồi có khi cũng muốn bỏ. Mà kỳ, bỏ thì nhớ, mà bỏ răng đặng hè, coi mệt rứa mà vui! Tiền chạy xe dành cho mấy đứa nhỏ đóng học phí. Cũng là cách để dạy tụi hắn biết quý đồng tiền
.
Trời đất, bài học làm người mà ông bố này dạy con thiệt là dễ nể. Không biết người đàn ông đặc biệt này sẽ áp dụng biện pháp
khổ nhục kế
này đến khi nào, nhưng ông cho biết, hiện tại tụi nhỏ rất chăm học, ngoan ngoãn, không đua đòi tệ nạn, cả ba đứa đều đặt mục tiêu kiếm học bổng để cha sớm... thoát kiếp xe ôm. Mà mục tiêu này coi bộ còn khá là xa.
Sài Gòn có hàng ngàn ngã tư, ngã ba. Ngã nào cũng có vài bác xe ôm túc trực và mỗi bác là chiếc máy quay phim luôn ở chế độ turn-on
, ghi nhận lại đủ mọi góc độ của trần gian, những đoạn phim đời này bao giờ cũng phong phú và rất đỗi ly kỳ.
Vậy đấy, tôi tin rằng nếu chúng ta tốt nghiệp đại học này đại học nọ, chúng ta chỉ biết được một nửa cuộc đời. Nửa còn lại, phải thọ giáo các sư phụ xe ôm.
https://i.imgur.com/Gm2keNH.jpg