“Ai hớt tóc không!” Hớt tóc vỉa hè Sài gòn
-
Sài Gòn Tản Văn – Hẻm Phố Thông Ra Thế Giới
- Nhiều Tác Giả
- 1345 chữ
- 2020-05-09 05:46:26
Số từ: 1325
Tác giả: Nhiều tác giả - Tạp chí Sai Gon CityLife
Phương Nam phát hành
NXB Hội Nhà Văn
Trần Tiến Dũng
Bạn đã xa quê hương bao lâu rồi? Trong ký ức mình có còn hình ảnh những ông già làm nghề hớt tóc dạo? Người Sài Gòn ngày nay cũng sắp mất hẳn hình ảnh những ông thợ hớt tóc trên chiếc xe đạp chở cái thùng đồ nghề ở yên sau, vào một buổi trưa nào đó đậu lại ở đầu góc hẻm. Và những chú nhóc được ba má dắt ra, ngồi trên cái ghế sắt xếp, giao phó
số phận
đầu tóc bờm xờm cho cái tông đơ lụt nhách, cái dao cạo được liếc qua liếc lại trên miếng da bò, cái chất nước thơm thơm xịt ra từ cái vỏ chai xá xị cáu bẩn. Nghề hớt tóc dạo đã chết rồi chăng!
Trong một con hẻm ở phường 9 quận Tân Bình, ông C. làm nghề bán bắp nấu ở lề đường nói:
- Tôi chỉ hớt tóc dạo. Ông bạn già của tôi cứ nửa tháng là đạp xe tới nhà hớt tóc cho tôi, cái đầu này đã hơn nửa đời giao cho ổng hớt. Có dặn ở nhà rồi, nếu tôi chết trước phải kêu ổng lại hớt tóc cho cái xác vô thường này, đừng chấp tiền đi điếu của ổng.
https://i.imgur.com/yjcs2Cy.jpg
Có người làm nghề cắt tóc tin rằng chính cụ Phan Chu Trinh mới là ông tổ nghề hớt tóc nhưng không dám nói ra vì tầm vóc của nhà ái quốc này cao cả quá. Họ biết khi cụ Phan hô hào dân ta cắt tóc, ý nghĩa ấy tương xứng với quy mô một cuộc cách mạng! Ngày nay mỗi tháng một hai lần những người đàn ông Việt Nam ngồi ở tiệm hớt tóc, dù ở tiệm sang trọng hay ở lề đường đều cảm thấy cái tiến trình canh tân cái đầu đã vượt qua khỏi phạm vi tập tục và cái đẹp của diện mạo mình được chính mình khám phá qua tấm gương, lúc nào cũng đầy sự hưng phấn!
Ông P. một nhà báo trước năm 1975 nói với một người bạn Việt kiều:
- Muốn biết tin tức nóng ở Việt Nam, ông phải đi hớt tóc vỉa hè.
Người bạn Việt kiều Mỹ tên H. nói:
- Tôi ớn cái khoảng cạo mặt với ráy tai quá. Có gan chơi bời dính xi đa đành chịu. Chớ từ Mỹ về ra vỉa hè hớt tóc rồi chết thì vô duyên quá.
Ở góc đường Lý Tự Trọng - Hai Bà Trưng xưa kia có một dãy ghế những người hớt tóc vỉa hè. Nay chỉ còn lại vài người thợ lì lợm quyết bám trụ. Anh T. chừng hai mươi lăm tuổi, cho biết:
- Khách quen rồi, chạy chỗ khác khó sống lắm. Gặp lúc có chiến dịch, mấy ngày liền ngồi ôm thùng đồ nghề mà rơi nước mắt.
Tôi ngồi vào ghế, mặt nhìn vào tấm gương treo trên vách tường. Buổi sáng, tàn cây me già trên đầu che mát rượi. Anh T. hỏi:
- Hớt kiểu gì đây ông?
Tôi nói đùa:
- Anh thấy đầu tôi dùng tông đơ bào láng cón, coi được không?
Anh T. rụt rè:
- Đầu trọc đang là mốt đó ông, bắt chước mấy thằng Tây, nhưng Tây trọc đầu coi ngầu còn mình trọc đầu giống thầy chùa, hiền quá, chẳng có phong cách phản kháng gì ráo trọi.
Tôi được biết thêm là những thợ tin dị đoan như anh không nhận cạo đầu cho khách bằng dao cạo. Họ nói làm vậy xui lắm, có khi dẹp tiệm luôn. Còn chuyện ráy tai anh T. nói:
- Tôi hớt tóc cho Tây ba lô hoài. Tụi nó tuyệt đối không lấy ráy tai, dân ngu thấy mẹ, đã ngứa, sướng mà không biết hưởng.
Anh cho biết nếu không bị chuyện dọn lòng lề đường quấy rầy thì một ngày hớt tóc, anh kiếm được trung bình một trăm ngàn. Chắc thấy tôi giả đò ngờ nghệch nên dù chỉ làm có hai món hớt với ráy mà chém giá mười lăm ngàn; tay này chặt giá đó đúng là mắc hơn cả ở tiệm lớn thuộc khu lao động.
Ở đường Sư Vạn Hạnh nối dài, chúng tôi thấy có hơn một chục cái ghế hớt tóc vỉa hè. Đặc biệt khu này có hai cô gái làm chủ một cái ghế hớt tóc. Cô M.T. nói:
- Em ra nghề gần hai năm nay. Đứng ở đây vừa cực lại kiếm ít tiền hơn chịu vô làm ở tiệm hớt tóc máy lạnh nhưng thấy vui vì không gặp khách dơ.
Tôi bạo miệng hỏi:
- Dơ là sao em?
Cô cười thành tiếng:
- Thôi đi ông, biết rồi mà còn hỏi. Ở đây em có sắm máy đấm bóp đàng hoàng, còn đòi chuyện chơi dơ, mát xa cái
đầu nhỏ
của anh thì miễn.
Cô cho biết cả khu này thợ hớt tóc đều là dân Quảng Ngãi, hai cô tuy là dân đẻ ở Sài Gòn nhưng lại nhờ họ bảo vệ mới đứng vững được hai năm nay ở chốn vỉa hè đầy rẫy dân giang hồ tứ xứ này. Cô M.T. đang ôm mộng thuê nhà mở tiệm hớt tóc nữ đứng đắn mà sang trọng. M.T. nói:
- Hễ nghe con gái làm nghề hớt tóc là ai cũng nghĩ bậy bạ. Họ thành kiến là phải nhưng đâu phải ai cũng vì đồng tiền mà bất chấp.
Nhìn cái mớ đồ nghề sạch sẽ tươm tất của cái ghế hớt tóc này, ai cũng muốn đồng tình với chuyện giữ gìn danh giá nghề nghiệp của cô M.T.; nhưng chỉ cần tính lại rằng, một ngày cô cực khổ ở vỉa hè, dù gặp ngày hên có đầu khách để hớt mỏi tay đi nữa thì thu nhập của cô chắc gì bằng số tiền bo của một cô hớt tóc thanh nữ ôm khách trong tiệm gắn máy mát rượi và thơm phức. Chúng tôi muốn nói với M.T. rằng ma lực cám dỗ của đồng tiền không giỡn mặt được M.T. ơi. Cố lên nghe!
Hớt tóc ở vỉa hè Sài Gòn hôm nay đang là một nghề kiếm sống được. Không chỉ vì nghề này có được số khách hàng là dân nhập cư đông đảo mà còn vì dân Sài Gòn chính cống xưa nay vẫn khoái ra vỉa hè ngồi hớt tóc. Cái thú ngồi choàng khăn, hửi mùi phấn rôm, mắt nhìn ông đi qua bà đi lại trên đường, tai nghe thợ hớt tóc phát lại tin của thông tấn xã
vỉa hè.
Quả là thú vị khi vừa được chăm chút làm đẹp cái đầu, vừa không phải tốn tiền khi liên tục được nghe
báo nói vỉa hè
.
Nghề hớt tóc vỉa hè từ xưa đến nay vốn là nghề kiếm sống được nên cánh thợ trẻ ai cũng muốn bỏ quê, bỏ tiệm nhào ra lề đường. Thật ra học và làm nghề này không khó. Những kiểu tóc, cách cạo mặt, cạo râu, nghệ thuật lấy ráy tai của các ghế hớt tóc vỉa hè xưa đến nay vẫn y vậy. Nếu có
sáng kiến
phục vụ thêm chỉ là chuyện đắp keo hút mụn cám, thoa kem trắng sạch da mặt, cắt móng tay. Ngày nay Sài Gòn lắm chuyện thay đổi. Nghề hớt tóc ở vỉa hè đang đối diện hàng ngày với nghịch cảnh bị dẹp tiệm. Có khi để sinh tồn, trong tương lai nghề này sẽ phải hóa thân trở lại kiếp hớt tóc dạo chăng! Nghe nói dân trong nghề đang tính chuyện gom đồ nghề vô thùng, cột thêm cái ghế vào chiếc xe Honda - Trung Quốc; cứ vậy mà lang thang khắp đầu đường xó chợ, gân cổ rao: Hớt tóc, hớt tóc đây!
Tháng 6.2006