Hồi 15: Vì chữ công danh, anh hùng chịu gian khổ; Tưởng tình chị em, Hoàng hậu cố tâu bày


Dịch giả: Nguyễn Đỗ Mục
Nguồn: NXB Văn Hóa Thông Tin
Chỉ một lát sau, hai ông bà nhạc của Hùng Hiệu đến, Hùng Hiệu tiếp vào, lễ phép mời ngồi rồi hối gia nhơn pha trà dâng lên.
Từ Nhơn Thiện hỏi:
- Chẳng hay hiền tế mời hai ta qua đây có việc chi?
Hùng Hiệu liền trình bày ý định mình muốn tầm tiên học thuật và cậy nhạc phụ trông coi việc nhà hộ cho mình, đồng thời gởi gắm vợ nhà cho nhạc mẫu.
Từ Nhơn Thiện nghe xong chưa kịp mở lời thì vợ là Hồ thị đã vội nói:
- Hiền tế đã thi đậu võ cử nhơn rồi có lo gì không lập đặng công danh, cần gì phải đi học tiên thuật? Vả lại, cái sản nghiệp của hiền tế vô cùng lớn lao, khó mà chọn nguời quản lý được, hơn nữa lúc này vợ nhà đang có thai mà bỏ đi sao đành, cứ như ý nghĩ của ta thì hiền tế nên ở nhà an dưỡng phú quí thì hơn.
Hùng Hiệu phân trần:
- Nhạc mẫu chưa rõ đó thôi chứ cái công danh trong nghề khoa cử thật khó nỗi hiển vinh, may mà con đi bình được giặc Phiên thì chẳng những bản thân cùng thân quyến được vinh hiển mà thôi, người đời lại xem con là bậc trượng phu có tài kinh thiên vĩ địa vậy.
Hồ thị nói:
- Nếu hiền tế đã quyết định như vậy thì để ta bàn với con gái ta xem ý nói thế nào đã.
Hùng Hiệu nghe nói liền lui ra, Hồ thị gọi con gái mình đến hỏi:
- Chồng con có ý định như thế, ý con nghĩ sao?
Từ thị thưa:
- Thưa mẹ, theo con nghĩ thì việc làm của chồng con là một việc làm vẻ vang cho tổ tiên, nên để cho chàng đi mới phải.
Hùng Hiệu nghe vợ nói mừng rỡ đi gọi gia nhơn dọn rượu thịt lên mời vợ chồng Từ Nhơn Thiện ăn uống.
Từ Nhơn Thiện vừa nhắp rượu vừa nói:
- Hiền tế đi tìm dị nhơn, may ra có gặp được, học tiên thuật rồi nên trở về ngay đặng lập công danh, chớ nên chậm trễ.
- Dạ, con xin vâng lời nhạc phụ.
- Thế con định lúc nào lên đường?
- Nay công việc nhà đã sắp đặt xong thì chỉ ít hôm nữa chúng con lên đường.
Cơm nước xong, vợ chồng Từ Nhơn Thiện kiếu từ ra về. Trước khi đi, ông bà nhạc không quên chúc rể mình thượng lộ bình an và hứa sẽ trông coi việc nhà chu đáo.
Khi vợ chồng Từ Nhơn Thiện về rồi, Hùng Hiệu mới định chắc năm ngày sau sẽ khởi hành. Trong thời gian này, Hùng Hiệu lo phân công cho từng người trong gia đình, sắp đặt đâu vào đó rồi sáng hôm ấy Hùng Hiệu cùng Hoàng Phủ Thiếu Hoa khăn gói lên đường thật sớm.
Đi chẳng mấy ngày đã đến thành Võ Xương; khi hai người qua khỏi Nam môn chừng trăm dặm thì đến đồng quê quạnh quẽ, không một hàng quán nào cả, hai người phải vào trong xóm để xin ngủ nhờ, đồng thời dọ xem tin tức dị nhơn.
Sau khi hỏi qua mấy người trong xóm, ai cũng bảo rằng
Câu chuyện về dị nhơn thì ai cũng có nghe nói, nhưng chúng tôi ở đây đã lâu mà không đời nào trông thấy dị nhơn cả
.
Một cụ già mỉm cười nhìn hai người, nói:
- Ta khuyên hai người nên lui gót là hơn, chớ nên đi tìm uổng công vô ích.
Hùng Hiệu và Hoàng Phủ Thiếu Hoa vẫn không nản chí đáp:
- Chúng tôi đã quyết chí đi cầu tiên thuật thì dù có hay không và khổ nhọc cách nào chúng tôi cũng không từ.
Mọi người thấy vậy đều cười rộ lên nói:
- Chúng tôi thấy hai ông làm một việc hoài công vô ích nên lấy lời thành thật khuyên hai ông mà hai ông không nghe thì tùy ý vậy.
Hùng Hiệu nói:
- Không phải tôi không tin lời các người, nhưng tấm lòng cầu đạo của anh em chúng tôi khẩn thiết lắm, không thể nào bỏ qua được.
Sáng hôm sau, hai người thức dậy thật sớm. Cơm nước xong, quảy gói lên đường, băng vào con đường vô cùng vắng vẻ, chỉ nghe xung quanh toàn là tiếng chim kêu vượn hú. Đi đến mỏi gối không gặp một bóng người và cũng không thấy thần tiên đâu cả.
Tuy vậy, hai người cũng bền chí đi mãi; hễ đói, giở cơm khô ra ăn, khát xuống khe uống, tối đến, tìm cội cây mà ngủ, dầu gặp phải hổ lang rắn rít cũng chẳng sờn lòng.
Hai người trèo đèo vượt núi chẳng biết bao nhiêu mà kể, chẳng tìm thấy hang động gì cả, chỉ thấy trước mặt mình toàn là cây đá, rừng hoang cỏ rậm mà thôi.
Trải qua tám, chín ngày trường, cả hai đã mỏi mệt, bước đi đã khó khăn. Bỗng một buổi trưa, hai người trông thấy trước mặt có một hòn núi cao lớn khác thường, lại thêm cây cối xinh tươi, bông hoa đua nở, phong cảnh đẹp đẽ vô cùng.
Hùng Hiệu mừng rỡ quay lại nói với Thiếu Hoa:
- Đã mấy ngày ròng hai ta không tìm thấy điều chi lạ, nay gặp quả núi này phong cảnh khác thường, có lẽ thần tiên đã cảm mến tấm lòng thành tầm tiên học đạo của ta mà hiển hiện ra đó chăng?
Hoàng Phủ Thiếu Hoa cũng phụ họa:
- Tôi xem núi này cảnh trí hữu tình chắc là nơi trú ngụ của bậc chân tu, vậy chúng ta hãy cố gắng lên đó xem, may ra có gặp dị nhơn không?
Hùng Hiệu gật đầu đồng ý hai người cố gắng nhảy từ gộp đá này sang gộp đá khác, đi riết hồi lâu xảy thấy một tên đạo đồng đứng giữa lưng chừng núi, trạc độ mười bốn, mười lăm tuổi, đầu cạo chừa hai miếng tóc, vẻ mặt tươi vui; vừa trông thấy hai người, hắn đã chúm chím miệng cười hỏi:
- Ai đó? Có phải Hùng Hữu Hạc và Hoàng Phủ Thiếu Hoa không?
Hai người nghe hỏi đích danh thì thất kinh, vội chắp tay và đồng thanh nói:
- Thưa phải! Chúng tôi chính là Hùng Hiệu và Hoàng Phủ Thiếu Hoa đây. Chúng tôi đã thành tâm lặn lội đến đây cầu tiên thuật xin người ra ơn chỉ giáo cho!
Tên đạo đồng liền chắp tay vái lại và nói:
- Xin nhị vị chớ nhận lầm! Tôi đây chỉ là tên đạo đồng đang hầu sư phụ tôi, người bảo tôi phải xuống núi đón tiếp nhị vị, vì vậy mới biết rõ danh tánh nhị vị, xin nhị vị hãy theo tôi lên núi yết kiến sư phụ.
Hai người nghe nói mừng rỡ bước theo tên đạo đồng bén gót. Đường đi khúc khuỷu quanh co, hồi lâu mới đến một ngôi chùa phía trước có tấm biển đề ba chữ vàng lớn:
Hoàng Hạc Lâu
.
Qua khỏi cửa, tên đạo đồng dắt hai người qua một con đường lót toàn đá trắng, hai bên trông rất nhiều kỳ hoa dị thảo, mùi hương bay phảng phất khiến cả hai cảm thấy như mình đã lạc vào chốn bồng lai.
Đến đây, tên đạo đồng quay lại bảo hai người đứng chờ để hắn vào báo tin.
Một lát sau hắn chạy ra nói:
- Sư phụ cho mời nhị vị vào.
Nói rồi, đạo đồng dắt hai người vào trong. Bên trong, lầu cao vòi vọi sơn son thếp vàng rực rỡ, giữa nhà có một vị đạo nhơn cốt cách khác phàm đang ngồi trên một cái sập bát quái, đôi mắt sáng như sao, đầu đội mão thất tinh, mình mặc bạch hạc hào. Hai người liền quì xuống đồng thnah nói:
- Chúng tôi một lòng muốn lập công danh nên cố tâm tìm đến đây, mong sư phụ rộng lòng chỉ giáo.
Hoàng Hạc Đạo nhơn thong thả mời hai nguời ngồi rồi bảo:
- Hai người đã có lòng vì nước, ta vô cùng mến phục, vậy hãy ở đây cùng ta luyện tập ít ngày rồi ta trao bửu bối cho đặng về lập công danh. Nhưng ta rất cảm thương rồi đây sắt cầm biệt điệu.
(Sở dĩ Hoàng Hạc Đạo nhơn nói vậy là người đã biết rằng: rồi đây vợ của Hùng Hiệu bị chết yểu, tuy sanh đặng một đứa con trai là Hùng Khởi Phụng sau thi đỗ võ Trạng nguyên, nhưng khi lâm bồn, nàng tạ thế, không gặp mặt Hùng Hiệu trong giờ lâm chung, nên người mới nói câu
sắt cầm biệt điệu
).
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe Đạo nhơn nói vậy làm lạ vội hỏi:
- Sư phụ dạy như vậy chắc là vợ tôi sau này cải giá lấy người khác phải không?
Hoàng Hạc Đạo nhơn lắc đầu bảo:
- Không phải vậy đâu, họ Mạnh vốn người con gái bền lòng trinh liệt, ngươi chớ nên lo ngại.
Nghe vậy, Hùng Hiệu trong lòng nghi hoặc liền xen vào hỏi:
- Sư phụ nói vậy thì chắc vợ tôi ở nhà có việc chi bất trắc rồi chăng?
Hoàng Hạc Đạo nhơn nói:
- Ngươi cũng không nên đi sâu vào vấn đề ấy làm gì, vì thiên cơ bất khả lậu, để ngày sau rồi sẽ biết.
Từ đó, hai người an tâm ở lại chuyên cần học đạo và luyện tập võ nghệ.
Xin nhắc qua việc Lưu Tiệp âm mưu làm cho triều đình nghi kỵ sai quan đi bắt gia quyến Hoàng Phủ Kính đem về kinh gia hình, lão ta mừng lắm, vội viết thư về nhà tỏ cho con thứ mình là Lưu Khuê Bích biết.
Lưu Khuê Bích lòng mừng khấp khởi, liền đem việc này thuật lại cho cả nhà nghe. Giang Tam Tẩu nghe được tin ấy giựt mình kinh hãi, vội vã chạy thẳng đến Hiển Vân các cho Lưu Yến Ngọc hay và bảo:
- Lạ thật, không biết vì sao linh hồn thân mẫu của tiểu thơ lại báo mộng bảo tiểu thơ hãy kết duyên cùng Hoàng Phủ Thiếu Hoa mà bây giờ nhà Hoàng Phủ lại tan nát, làm cho lương duyên của tiểu thơ dang dở thế này?
Lưu Yến Ngọc nghe qua ngồi chết điếng hồi lâu, đôi dòng lệ tự nhiên tuôn xuống như mưa, nàng khóc tức tưởi nói:
- Không dè mẹ tôi báo mộng để hại đời tôi!
Giang Tam Tẩu thấy thế tỏ lời khuyên nhủ:
- Thôi, tiểu thơ cũng không nên lo lắng làm gì, vì việc này ngoài mẹ con tôi ra thì không ai hay biết cả. Thế nào sau này Cố Phu nhơn cũng kén chọn cho tiểu thơ một nơi nương tựa xứng đáng.
Lưu Yến Ngọc lại khóc lớn lên nói:
- Nhũ mẫu nói như thế là lầm rồi! Tôi đây cũng có học sách thánh hiền há lại không biết câu
tùng nhứt nhi chung
hay sao? Vả lại, tôi đã vâng lời mẫu thân tôi kết duyên cùng Hoàng Phủ Công tử, mà nay công tử rủi ro bị hại, tôi không chết theo người được cũng là bất nghĩa lắm rồi, sao lại đi lấy người khác? Nhứt định tôi nguyện thủ tiết thờ chồng nhưng không biết Mạnh Tiểu thơ có thủ tiết đặng hay không?
Giang Tam Tẩu nói:
- Sao Tiểu thơi lại ví mình với Mạnh Tiểu thơ? Vả chăng, Mạnh Tiểu thơ đính uớc kết thân với Hoàng Phủ Thiếu Hoa giữa công thiên, còn tiểu thơ chẳng qua đính ước với nhau trong bóng tối mà thôi. Nếu sau này Lưu Quốc trượng cùng Cố Phu nhơn gạn hỏi tại sao tiểu thơ lại thủ tiết thì tiểu thơ sẽ trả lời ra sao?
Bằng một giọng đanh thép, Yến Ngọc nói:
- Cùng cực mà song thân tôi có gạn hỏi thì nhất định tôi chịu chết chứ không đời nào tôi chịu thất tiết.
Giang Tam Tẩu thấy Yến Ngọc là kẻ khí tiết như vậy, sợ nàng có thể liều mình tự tử nên tỏ lời khuyên giải:
- Tiểu thơ đã có lòng chung thủy như vậy thì lẽ nào trời lại không giúp đỡ. Biết đâu Hoàng Phủ Thiếu Hoa may mắn biết trước trốn đi được rồi sau này cùng tiểu thơ hội ngộ, xin tiểu thơ chớ nên phiền não mà hao tổn tấm thân.
Lời nói của Giang Tam Tẩu như một liều thuốc hồi sinh, khiến Lưu Yến Ngọc đặt bao nhiêu hy vọng ở tương lai. Từ đó nàng cầu trời khẩn phật phò hộ cho Thiếu Hoa được bình yên để cho toại lòng mong đợi.
Cách ít lâu sau, nhân ngày Nguyên đánh, các quan đến chúc thọ Cố Phu nhơn rất đông. Khi các quan về hết, Cố Phu nhơn sực nghĩ một việc, nhìn Lưu Khuê Bích lắc đầu than:
- Năm nay con đã mười bảy tuổi đầu mà không biết gì cả, mẹ nghĩ rất buồn.
Lưu Khuê Bích ngạc nhiên hỏi:
- Mẫu thân nói như vậy là nghĩa gì, thật con không hiểu nổi.
Cố Phu nhơn giải thích:
- Nhà ta vốn là nhà công hầu hiển đạt, mấy năm trước con còn nhỏ chẳng nói làm chi, chứ bây giờ con đã trưởng thành, lại sắp đến tiết Nguyên tiêu, sao con không kêu thợ mả làm đèn để tổ chức cuộc hoa đăng mua vui cho rỡ ràng thiên hạ? Con vẫn mặc nhiên làm lơ, tức là con không biết gì cả?
Lưu Khuê Bích lại nói:
- Con cũng đã nghĩ đến việc ấy. Nhưng con chỉ sợ người ta chê cười rằng nhà ta không xứng đáng bày cuộc hoa đăng đó thôi.
Cố Phu nhơn nghe nói lửa giận bốc lên, bà hằn học:
- Đã nhiều lần ta muốn hỏi vợ cho con mà chỗ nào con cũng không bằng lòng cho nên mãi đến nay vẫn chưa có dâu, thật là hổ thẹn, nay con lại tự hạ giá trị nhà mình như vậy nữa, thật là kẻ bất trị.
Lưu Khuê Bích phân trần:
- Thưa mẹ, không phải con không muốn cưới vợ, song con đã quyết chí, nếu chẳng được cùng Mạnh Lệ Quân kết duyên cầm sắt thì thà con bỏ quá một đời xuân xanh chứ không thèm đi cưới nơi nào nữa cả.
Cố Phu nhơn nghe con nói cũng muốn chiều lòng con, nhưng lại nghĩ thầm:

Nay gia quyến của Hoàng Phủ Kính bị hại, nhưng Mạnh Sĩ Nguyên vốn dòng thi lễ, đời nào chịu cải giá cho con? Mà nếu người không bằng lòng cải giá thì làm khổ cho đời con ta biết bao
.
Rồi bà lại nghĩ:

Chi bằng ta tâu phứt với triều đình, nhờ triều đình giáng chỉ tứ hôn cho Mạnh Lệ Quân kết duyên cùng con ta thì họ Mạnh kia cũng tránh khỏi được tai tiếng
.
Nghĩ đoạn, bà nói với Lưu Khuê Bích:
- Con đã mến nhan sắc của Mạnh Lệ Quân và quyết lấy nàng thì mẹ cũng chiều lòng con. Thôi để mẹ bảo chị con tâu xin Hoàng thượng ngự bút tứ hôn cho Mạnh Lệ Quân được kết duyên cùng con chẳng biết con nghĩ sao?
Lưu Khuê Bích mừng rỡ đáp:
- Nếu con cưới được Mạnh Lệ Quân thì còn gì mãn nguyện cho bằng, nhưng thân mẫu co dâng biểu về triều thì chớ nên nói đến việc bắn sai của con mà mất thể diện. Thân mẫu cứ bảo rằng con và Thiếu Hoa đều bắn trúng đích cả ba phát, song Mạnh Sĩ Nguyên lại sợ oai phong của Hoàng Phủ Kính nên đem gả con cho nhà Hoàng Phủ, và nhờ triều đình đứng trên lẽ công bằng mà giải quyết cho.
Cố Phu nhơn gật đầu rồi theo lời Lưu Khuê Bích thảo ra một tờ biểu đồng thời viết một bức thư riêng gởi cho Lưu Tiệp, dặn Lưu Tiệp bảo con gái là Lưu Hoàng hậu tâu với Thiên tử.
Bà ta viết biểu xong, Lưu Khuê Bích xem qua lấy làm hả dạ, liền gọi tên gia đinh Lưu Thăng vào trao cho hắn tiền lộ phí rất nhiều và căn dặn:
- Ngươi hãy lãnh biểu và thư này lập tức đến kinh đô trao cho phụ thân ta và nhớ khi vào yết kiến người, ngươi hãy nói rằng ta cùng Hoàng Phủ Thiếu Hoa cả hai đều bắn trúng đích ba mũi tên mà Mạnh Sĩ Nguyên lại hứa gả con cho nhà Hoàng Phủ, chớ đừng nói thật ra nhé!
Lưu Thăng lãnh mạng rồi lên ngựa ra roi chạy thẳng về kinh.
Khi Lưu Thăng đến kinh thành, tìm đến Lưu phủ xin vào yết kiến cùng Lưu Tiệp. Lưu Tiệp cho vào, Lưu Thăng vào quì lạy rồi dâng biểu và thư lên.
Lưu Tiệp tiếp lấy xem qua hồi lâu rồi hớn hở bảo:
- Ừ, phải làm như vậy mới rõ cái thế lực của nhà hầu tước chứ!
Rồi truyền cho Lưu Thăng ra hậu dinh nghỉ ngơi, đoạn vào tỏ lại sự tình cho Ngô Thục nương nghe và bảo Ngô Thục nương phải vào cung nói với Lưu Hoàng hậu. Ngô Thục nương vâng lời, sáng hôm sau mang tờ biểu vào cung. Lưu Hoàng hậu ân cần chào hỏi và tiếp đãi trà nước vô cùng trọng hậu.
Hoàng hậu hỏi:
- Gia đình mình độ này có bình an không? Tôi ở trong này nhớ nhung lắm nhưng không thể ra thăm được.
Ngô Thục nương nói:
- Cả nhà đều được bình yên cả, duy chỉ có nhị đệ quốc cựu chưa chốn định hôn nên Cố Phu nhơn phải bảo tôi vào đây nhờ Hoàng hậu tâu cùng Thiên tử, cậy người ngự bút tứ hôn cho.
Vừa nói, Thục nương vừa lấy tờ biểu ra trao cho Hoàng hậu. Hoàng hậu tiếp lấy, vừa xem qua một đoạn đầu đã cau mày hỏi:
- Sao thân mẫu tôi không sớm lo liệu để cho nhị đệ đã mười bảy tuổi đầu mà chưa định nhơn duyên?
Ngô Thục nương nói:
- Xin Hoàng hậu hãy bình tĩnh xem cho hết tờ biểu sẽ rõ chơn tình.
Hoàng hậu xem xong, ra vẻ nghĩ ngợi. Với trí thông minh, Hoàng hậu cũng đoán chắc rằng Lưu Khuê Bích không bắn đích đủ ba phát tên cho nên Mạnh Sĩ Nguyên mới hứa gả con cho nhà Hoàng Phủ.
Tuy nghĩ vậy nhưng Hoàng hậu thương hại cho em mình, bèn nói với Ngô Thục nương:
- Ta đoán chắc việc này do nhị đệ ta quá mê cái nhan sắc của con gái nhà họ Mạnh, nhưng nay Hoàng Phủ Kính đã đầu hàng quân giặc, cả nhà phải mang trọng tội. Mạnh Sĩ Nguyên đã hứa gả lầm làm dang dở cho cuộc đời con gái mình, vậy để tôi tâu cùng Thiên tử ngự bút tứ hôn cho Mạnh Lệ Quân kết duyên cùng nhị đệ, cho nhị đệ ta thỏa lòng.
Ngô Thục nương thấy Hoàng hậu đã bằng lòng, liền cáo từ lui gót. Hoàng hậu nói:
- Hãy ở nán lại đây dự yến tiệc với tôi cho vui sao lại về vội thế?
Ngô Thục nương đáp:
- Tôi rất cảm tạ tấm lòng trọng đại của Hoàng hậu, song chỉ sợ ở lâu Quốc trượng ở nhà trông đợi.
Nói rồi giã từ ra về ngay.
Hôm ấy, khi vua Thành Tôn bãi triều về cung, Lưu Hoàng hậu niềm nở ra tiếp rước vào rồi khiến thế nữ dâng trà. Vua vừa bưng chén trà, Hoàng hậu đã nhìn vua mở miệng cười chúm chím, vua lấy làm lạ hỏi:
- Chẳng hay Hoàng hậu cười chi vậy?
Lưu Hoàng hậu đứng dậy nói:
- Vừa rồi lão mẫu tôi ở Vân Nam có dâng biểu về tâu xin bệ hạ một việc nhưng tôi lại e ngại không dám dâng lên, nên chỉ biết cười mà thôi.
Vua Thành Tôn nói:
- Việc gì, Hoàng hậu cứ nói cho trẫm biết xem nào.
Lưu Hoàng hậu lại nói:
- Nếu bệ hạ vui lòng xá tội thì thần thiếp mới dám tâu.
- Được rồi, không bao giờ trẫm bắt tội Hoàng hậu đâu.
Lưu Hoàng hậu thấy vậy, liền lấy biểu dâng lên và làm ra vẻ ngại ngùng. Vua Thành Tôn tiếp lấy mở ra xem rồi cười gằn nói:
- Lời lẽ trong biểu văn này không thật thà chút nào cả, vì Mạnh Sĩ Nguyên đã ra làm quan đến chức Binh bộ Thượng thơ há lại không biết rõ cái oai phong của Lưu Quốc trượng to lớn đến bực nào sao, sao lại đem con gả cho Hoàng Phủ Kính? Nếu Lưu Khuê Bích mà bắn trúng đích cả ba phát thì nhất định Mạnh Sĩ Nguyên phải gả con cho Lưu Khuê Bích rồi… Căn cứ theo biểu văn này thì trẫm hiểu ngay Lưu Khuê Bích không tài nào bắn đích cả ba phát. Vì vậy, Mạnh Sĩ Nguyên mới dám đem con gái gả cho Hoàng Phủ. Quả thật lời tâu trong biểu văn này dối trá!
Lưu Hoàng hậu nghe vua nói, sợ hãi tâu:
- Bệ hạ nói vậy quả thật là một bực thánh minh, chính lúc nãy thần thiếp vừa tiếp được bức biểu văn của lão mẫu cũng có ý nghi ngờ, nhưng thần thiếp trộm nghĩ, thật đáng thương cho Mạnh Lệ Quân vì lầm mà đính hôn với Hoàng Phủ Thiếu Hoa là dở dang một đời con gái. Vậy nay bệ hạ hãy thương tình cho đứa em của tôi quá say mê nàng họ Mạnh mà hạ bút tứ hôn cho kết duyên cùng Mạnh Lệ Quân thì cả nhà thần thiếp vô cùng đội ơn.
Lời Bình:
- Tâm lý của người đàn bà không gì làm cho họ khổ tâm cho bằng trong lúc họ mang thai mà chồng phải bỏ đi xa, nhất là lúc lâm bồn mà vắng mặt chồng lại làm cho họ đau đớn hơn nữa. Chỉ có những bực gái phi thường như Từ thị mới quan niệm được sự quan trọng trong việc ra đi của chồng, nên mới đành lòng hy sinh hoàn cảnh của mình cho chồng đó thôi.
- Hoàng Hạc Đạo nhơn là một vì tiên đã từng xuất hiện chốn trần gian để chỉ bảo cho bậc trung lương thật lòng vì nước, vì vậy kẻ nào có chí lắm mới có thể gặp được. Những cảnh trí trong hồi này là do vì tiên Hoàng Hạc Đạo nhơn tự tạo ra chứ không phải thực cảnh, cho nên Hùng Hiệu và Hoàng Phủ Thiếu Hoa đã thành tâm tìm sự học đạo thì dù đi một hướng khác cũng có thể gặp tiên ông được, chứ không nhất thiết phải đến Võ Xương.
- Ở đời con gà ghét nhau vì tiếng gáy, con người ghét nhau vì thua sút chút tài ba. Lưu Khuê Bích là con nhà quyền quí cao sang lại thêm đẹp trai hiếm có thì đi tìm vợ đẹp có khó chi? Thế mà y nhất định cưới Mạnh Lệ Quân cho bằng được, mà thật ra Khuê Bích chưa từng trông thấy mặt vị tiểu thơ họ Mạnh kia như thế nào, chỉ có trong lúc thi tiễn chàng thoáng thấy Tô Yến Tuyết thôi, nhưng cũng chỉ nhìn thấy bóng gương lấp ló trong mành, thế mà chàng yêu mê yêu mệt. Do đó, ta hiểu rằng không phải Khuê Bích yêu Mạnh Lệ Quân mà là ganh tị anh chàng Hoàng Phủ kia thôi.
Cho hay làm thân con gái muốn kén chồng không nên bày cuộc tranh giành để chạm lòng tự ái kẻ khác, ngược lại con trai cũng đừng nên sao vào vòng ấy mà gây thù kết hận rất nguy hiểm.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tái Sanh Duyên.