Hồi 16: Vua Thành Tôn ngự bút tứ hôn; Mạnh Lệ Quân buộc lòng chịu đỡ
-
Tái Sanh Duyên
- Khuyết Danh
- 4025 chữ
- 2020-01-29 02:01:07
Dịch giả: Nguyễn Đỗ Mục
Nguồn: NXB Văn Hóa Thông Tin
Vua Thành Tôn suy nghĩ hồi lâu, gật đầu nói:
- Vừa rồi quan Khâm sai phụng mạng đi bắt gia quyến Hoàng Phủ Kính, ngờ đâu Hoàng Phủ Thiếu Hoa biết trước, trốn đi biệt tích, nên chỉ bắt được vợ và con gái y thôi. Nhưng khi giả về, đi ngang qua núi Xuy Đài lại bị một toán giặc cướp đón giết chết Khâm sai để cứu lấy mẹ con Doãn thị. Cái tội tày trời của Hoàng Phủ là như thế đó, thế mà họ Mạnh lại lầm gả con để đem tai họa đến cho con mình. Nếu nay trẩm giáng chỉ cho Lưu Khuê Bích được kết duyên cùng Mạnh Lệ Quân thì chẳng những Lưu Khuê Bích được thỏa lòng mà thôi, Mạnh Lệ Quân cũng khỏi mang tiếng xấu. Ngặt một nỗi hiện giờ Lưu Khuê Bích không có chút địa vị nào, nếu trẫm ngự bút tứ hôn thì cũng chẳng vẻ vang gì. Thôi, để trẫm phong cho hắn chức Trấn quốc Đại tướng quân rồi ngự bút tứ hôn mới xứng đáng.
Lưu Hoàng hậu tạ ơn và tâu:
- Bệ hạ có lòng tưởng đến như vậy, cả nhà tôi đội ơn vô cùng… Nhưng tôi e Mạnh Sĩ Nguyên vốn dòng thi lễ có thể người không nghe theo lời giáng của bệ hạ chăng? Vậy xin bệ hạ hãy sai một vị trọng thần phụng chiếu thơ đến nhà họ Mạnh thì họ Mạnh mới không thể từ chối được, và bệ hạ hãy ra lệnh truyền cho Lưu Khuê Bích sau khi kết hôn được mười hai ngày phải về kinh lãnh chức để cho chị em tôi được gần gũi nhau, ấy là ơn trọng của bệ hạ vậy.
Vua Thành Tôn gật đầu khen phải rồi bảo Thái giám y theo lời Lưu Hoàng hậu thảo ra một tờ chiếu thơ, sai quan tả Thừa tướng là Kỳ Thạnh Đức đi làm chủ hôn và dạy sau mười hai ngày phải đem Lưu Khuê Bích về trào lãnh chức.
Sau đó, Lưu Hoàng hậu vội viết một bức thư riêng sai nội giám đi báo tin cho Lưu Tiệp hay. Lưu Tiệp xem thư mừng vui khôn xiết, liền lấy ra sáu trăm lượng bạc mang đến dinh Kỳ Thạnh Đức.
Gia nhơn vào phi báo, Kỳ Thạnh Đức vội vã ra tận bên ngoài tiếp rước Lưu Tiệp vào nhà.
Lưu Tiệp nói:
- Chỉ vì chút lương duyên của tiện nhi mà phải phiền đến Thừa tướng, thật ơn ấy tôi không biết lấy chi báo đáp cho xứng đáng.
Kỳ Thạnh Đức nói:
- Nay tôi đã phụng thánh chỉ thì quản gì đến việc khó nhọc, vả lại tôi sắp làm một việc cho hai nhà được kết thân tất nhiên được uống rượu li bì vui biết mấy.
Lưu Tiệp nói:
- Tôi xem việc này vô cùng trọng yếu, xin Thừa tướng hãy lưu ý cho, vì rằng: Tuy Thừa tướng phụng thánh chỉ đi tứ hôn nhưng trước kia Mạnh Sĩ Nguyên đã hứa gả con cho nhà Hoàng Phủ rồi, bởi thế, tôi e va không bằng lòng chăng. Vì vậy, Thừa tướng cần phải gia tâm lắm mới có thể thành sự được.
Kỳ Thạnh Đức tự tất:
- Tôi đã phụng thánh chỉ đứng ra làm chủ hôn thì làm sao Mạnh Sĩ Nguyên dám trái mạng? Hơn nữa hiện nay cả nhà Hoàng Phủ mang trọng tội nên Thiên tử giáng chỉ tứ hôn để cho họ Mạnh kia khỏi mang tiếng cải giá thì lẽ nào họ Mạnh lại không ưng?
Lưu Tiệp gật đầu:
- Thừa tướng nói phải lắm, nhưng dù sao tôi cũng e ngại nên chỉ trông cậy vào tài năng của Thừa tướng đó thôi.
Dứt lời, Lưu Tiệp lấy sáu trăm lượng bạc ra trịnh trọng để giữa bàn nói:
- Chút của mọn này gọi là lòng cảm tạ tấm thịnh tình của Thừa tướng. Nếu sau khi hai trẻ thành thân được rồi mà Thừa tướng chịu phiền đem tiện nhi về kinh để lãnh chức thì ơn ấy ví bằng sông biển.
Kỳ Thạnh Đức nói:
- Việc ấy xin Quốc trượng chớ lo, thế nào tôi cũng phải đem lịnh lang về kinh, còn lễ vậy này thiệt tình tôi không dám nhận.
Lưu Tiệp cứ nài nỉ mãi. Cực chẳng đã, Kỳ Thạnh Đức phải nhận sáu trăm lượng bạc, Lưu Tiệp từ giã ra về.
Về đến nhà, Lưu Tiệp viết một phong thư, sai người thông tin cho Lưu Khuê Bích hay đặng Lưu Khuê Bích chuẩn bị sẵn sàng tiếp chiếu.
Hôm ấy, Kỳ Thạnh Đức vâng thánh chỉ ra đến Vân Nam, các quan địa phương hay tin đều kéo ra nghinh tiếp.
Kỳ Thạnh Đức nói:
- Ta ra đây với mục đích mang thánh chỉ đến phụ Lưu Quốc trượng đặng đọc lên cho Lưu Khuê Bích biết, vậy các quan hãy sai người đi báo trước cho Khuê Bích hay để chuẩn bị tiếp chiếu.
Các quan địa phương vâng lời, sai quân đi báo tin lập tức. Một lát sau, Kỳ Thạnh Đức mới đến dinh Lưu phủ, Lưu Khuê Bích ra tận bên ngoài nghinh tiếp vào.
Kỳ Thạnh Đức mở chiếu ra đọc, các quan mới hay trong chiếu gia phong cho Lưu Khuê Bích làm Trấn quốc Đại tướng quân và được kết duyên cùng Mạnh Lệ Quân.
Lưu Khuê Bích hớn hở cúi đầu lạy tạ rồi lập tức thay y phục thường, mặc áo mão Tướng quân, hối gia nhơn pha trà để thiết đãi Kỳ Thạnh Đức cùng các quan địa phương.
Uống xong chung trà, Kỳ Thạnh Đức đặt chén xuống nói:
- Tôi không thể ở lâu được, vậy Quốc cựu hãy chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ kết hôn cùng họ Mạnh rồi theo tôi về triều.
Lưu Khuê Bích vâng lời nhưng tỏ ý muốn bày tiệc thết đãi Kỳ Thạnh Đức.
Kỳ Thạnh Đức nói:
- Hãy lo việc lễ cưới cùng họ Mạnh cho xong xuôi rồi việc ăn uống hãy bày biện sau cũng chẳng muộn.
Nói rồi lập tức từ giã sang nhà họ Mạnh.
Xin nói qua Mạnh Sĩ Nguyên, từ khi hay tin gia quyến nhà Hoàng Phủ bị bắt, lòng hằng lo lắng, sợ Mạnh Lệ Quân phiền não nên căn dặn hết thảy người nhà đều giấu nhẹm không cho nàng hay. Nhưng linh cảm của Mạnh Lệ Quân đoán biết thế nào cũng có hung tính nên nàng thường hỏi thăm cha về việc Hoàng Phủ Nguyên soái đi đánh giặc ra thế nào? Mạnh Sĩ Nguyên cứ nói là vì giao chiến ở ngoài mặt biển, sự dọ thám rất khó khăn nên không có tin nào đích xác cả.
Một hôm Mạnh Lệ Quân buồn bã nói với Tô Yến Tuyết:
- Ta sợ Hoàng Phủ Nguyên soái đi đánh giặc lần này có thể xảy việc không may cho nên phụ thân ta không chịu nói thật, mỗi lần hỏi đến thì người cứ trả lời bằng giọng úp mở. Vậy chẳng hay ngươi nghĩ gì về cuộc nhơn duyên của ta sao này?
Tô Yến Tuyết cũng không rõ nên lại khuyên giải:
- Phàm người lương thiện thì luôn luôn có trời giúp, xin tiểu thơ chớ nhọc lòng lo lắng.
Hôm ấy Mạnh Sĩ Nguyên đang đứng ở trên lầu, bỗng có con tỳ nữ chạy vào báo:
- Nay có quan địa phương sai người đến báo tin rằng: có quan Thừa tướng họ Kỳ phụng thánh chỉ đến, bảo lão gia phải sửa soạn ra nghinh tiếp.
Mạnh Sĩ Nguyên nghe báo, giựt mình lật đật xuống lầu. Mạnh Gia Linh liền kề tai cho nói nhỏ:
- Không biết Kỳ Thạnh Đức phụng thánh chỉ đến có việc chi, hay là đến bắt Mạnh Lệ Quân nữa chăng?
Mạnh Sĩ Nguyên lắc đầu:
- Không có lý nào như vậy đây, hãy để coi thử việc gì đây.
Dứt lời, hai cha con sửa soạn áo mão để chờ nghinh tiếp. Kỳ Thạnh Đức và các quan lục tục kéo đến. Mạnh Sĩ Nguyên tiếp rước vào nhà rồi truyền gia nhơn thiết đãi trà nước.
Kỳ Thạnh Đức nghiêm giọng nói với Mạnh Sĩ Nguyên:
- Hôm nay lão phu đến đây để báo tin mừng cho lịnh ái. Hiện có chiếu thơ đây xin tiên sanh hãy mở xem để rồi lo sắm sửa tư trang cho lịnh ái.
Mạnh Sĩ Nguyên tiếp lấy chiếu thơ mở ra xem. Mạnh Gia Linh cũng bước đến cùng xem. Xem xong, Mạnh Sĩ Nguyên vô cùng căm tức, liền nói với Kỳ Thạnh Đức:
- Việc này xin Thừa tướng hãy cho phép tôi thương nghị đôi lời.
Kỳ Thạnh Đức nghe nói có ý bất bình vội nói:
- Chẳng hay tiên sanh định thương nghị điều chi?
Mạnh Sĩ Nguyên nói:
- Trước đây tôi đã kén rể bằng một cuộc thi tiễn, nhưng Lưu Khuê Bích chỉ bắn trúng có hai phát tên cho nên tôi mới nhận sính lễ của nhà Hoàng Phủ, không ngờ Lưu Quốc trượng lại binh con, âm mưu tiến cử Hoàng Phủ Kính đi đánh giặc Phiên, làm cho nhà Hoàng Phủ phải tan nát. Nay lại ỷ thế Lưu Hoàng hậu tâu cùng Thánh thượng đặng sai Thừa tướng ra đây làm chủ hôn, bắt buộc tiện nữ phải kết duyên cùng Lưu Khuê Bích. Tôi lấy làm hổ thẹn vì đã con dòng thi lễ thì không khi nào gả con đến hai lần.
Kỳ Thạnh Đức nghe qua biến sắc mặt nói:
- Tôi cùng tiên sanh đều là những bậc đại thần trong triều đình, nay Hoàng thượng đã ngự bút tứ hôn, lẽ nào lại đi trái mạng sao? Tiên sanh nên suy sau nghĩ kỹ, thuận tình làm lễ cưới cho chúng mới phải đạo làm tôi.
Mạnh Sĩ Nguyên thấy thái độ Kỳ Thạnh Đức sợ y bảo tấu với triều đình buộc tội khi quân nên dịu giọng đáp:
- Không phải là tôi dám trái mạng, nhưng tôi sợ thế gian chê cười, cho rằng kẻ vô gia giáo nên mới có con gái mà nhận hai lần sính lễ.
Kỳ Thạnh Đức nghe nói, vẻ mặt đang bực bỗng tưoi hẳn lên, nói:
- Tiên sanh nghĩ như thế là lầm rồi! Vả chăng nay nhà Hoàng Phủ bị tội phản nghịch, nếu có thủ tiết cũng chỉ làm lỡ duyên cho lịnh ái mà thôi. Chớ như Lưu Quốc cựu tài mạo song toàn, lại được Thánh thượng ngự bút tứ hôn thì còn ai dám dị nghị? Thôi bây giờ tôi xin lui về công quán đặng đợi bên họ Lưu chọn ngày làm lễ cưới. Sau ngày cưới độ mười hai hôm thì Lưu Quốc cựu phải theo tôi về kinh để lãnh chức. Vậy tiên sinh hãy lo sắm đồ tư trang cho lịnh ái gấp mới kịp.
Mạnh Sĩ Nguyên cực chẳng đã phải y theo lời, rồi cũng xin thết tiệc đãi Kỳ Thạnh Đức, nhưng Kỳ Thạnh Đức một mực chối từ rồi lui về công quán.
Khi Kỳ Thạnh Đức về rồi, Mạnh Sĩ Nguyên trở vào nhà trong. Hàn Phu nhơn cùng gia quyến đều xúm lại hỏi thăm, Mạnh Sĩ Nguyên gọi Mạnh Lệ Quân đến, nói:
- Con ơi! Xưa nay cha chẳng dám nói đến việc nhà của Hoàng Phủ vì sợ con lo phiền, nay việc đã sắp đến nơi rồi nên cha phải tỏ bày cho con biết.
Dứt lời, Mạnh Sĩ Nguyên đem hết việc của nhà Hoàng Phủ bị tai nạn nói rõ cho con nghe. Mạnh Lệ Quân nói:
- Thế mà con đinh ninh rằng thế nào Lưu Tiệp cũng tâu với triều đình cho con là dâu của nhà Hoàng Phủ nên cho Kỳ Thạnh Đức đến bắt và con đã lập tâm bằng lòng chịu chết cho trọn đạo.
Mạnh Sĩ Nguyên nói:
- Không phải thế đâu con ạ! Nguyên vì Lưu Hoàng hậu tậu với Thánh thượng xin người ngự bút tứ hôn cho con kết duyên cùng Lưu Khuê Bích, vì vậy triều đình mới sai Kỳ Thừa tướng đến làm chủ hôn. Cha thiết nghĩ tài mạo của Lưu Khuê Bích cũng chẳng kém gì Hoàng Phủ Thiếu Hoa, lại được Thiên tử phong làm Trấn quốc Đại tướng quân, nếu con ưng thuận thì rồi đây con sẽ đường đường là một vị mạng phụ của triều đình. Cha khuyên con nên nghe theo lời cha để tránh khỏi tội khi quân, và sau nữa lương duyên của con cũng đặng hoàn hảo.
Mạnh Lệ Quân nghe qua mấy lời, cảm thấy bầm gan tím ruột, xây xẩm mặt mày, chỉ rú lên được một tiếng
trời ôi
rồi ngã lăn ra đất bất tỉnh.
Tô Yến Tuyết thấy thế, nghĩ thầm:
Đối với ta thì đã đính ước cùng Hoàng Phủ Thiếu Hoa trong giấc mộng rồi, nay công tử rủi ro mang tai họa, nhất định ta ở vậy thủ tiết trọn đời!
Tô Yến Tuyết nghĩ vậy nên hai hàng nước mắt tự nhiên chảy xuống như mưa, rồi cùng mọi người trong nhà chạy đến đỡ Mạnh Lệ Quân dậy thoa bóp, hồi lâu nàng mới tỉnh.
Mạnh Lệ Quân gạt lệ nói:
- Hoàng Phủ Nguyên soái là một vị trung thần, đời nào lại chịu đầu hàng quân giặc để lụy đến vợ con? Theo ý con nghĩ thì Lưu Tiệp nói âm mưu với quan Tuần phủ Sơn Đông cố tình hãm hại nhà Hoàng Phủ đặng tranh mối nhơn duyên này. Nay Lưu Tiệp lại ỷ thế Lưu Hoàng hậu nên bảo tấu với triều đình giáng chỉ tứ hôn. Ôi! Nếu suy ra cho cùng thì phận nữ lưu không đủ tài để cầm dao đâm chết cha con Lưu Tiệp hòng trả mối thù cho chồng, đời nào con chịu thất thân với phường gian nịnh ấy. Thôi để con liều mình tự tử đặng tỏ lòng trinh liệt làm gương cho giới nữ lưu.
Mạnh Sĩ Nguyên không biết nói sao, đành bước tới dịu giọng khuyên nhủ:
- Con chớ nên nghĩ vẩn vơ, vì nay Thánh thượng đã ngự bút tứ hôn thì trong thiên hạ ai dám dị nghị đâu mà con ngại?
Mạnh Lệ Quân khóc tức tưởi, thưa:
- Thân phụ ơi! Con cũng biết thân phụ nói vậy chỉ vì quá thương con, nhưng chẳng lẽ con không biết câu
phụ nhơn tùng nhứt
hay sao? Con sẽ có mưu hay, quyết không để nhục nhã đến tổ tiên đâu.
Dứt lời nàng khóc rống lên vô cùng bi thảm. Hàn Phu nhơn thấy vậy liền kêu Tô Đại nương đến căn dặn:
- Mụ và Tô Yến Tuyết hãy đưa Mạnh Lệ Quân về phòng an nghỉ, và nên tìm lời khuyên giải cho hắn bớt cơn phiền não.
Mẹ con Tô Đại nương vâng lời, vội dắt Mạnh Lệ Quân về U Hương các.
Mạnh Gia Linh thấy em mình đi rồi, nói nhỏ với Mạnh Sĩ Nguyên:
- Con thiết tưởng nhà Hoàng Phủ bị tan nát đây là bởi cha con Lưu Tiệp âm mưu ám hại để tranh hôn, nếu nay mình vì chúng phải vâng lời, có phải chuốc lấy cái hổ nhục cho tổ tiên không! Vậy thì ta nên dâng biểu tâu về kinh nói rõ đầu đuôi cho Thánh thưởng hiểu rằng Lưu Khuê Bích đã phóng hỏa tại Tiểu Xuân đình quyết hại Hoàng Phủ Thiêu Hoa, nhưng hại không được mới nhờ thân phụ y tiến cử Hoàng Phủ Nguyên soái đi dẹp giặc để rồi vu tấu với triều đình, ám hại nhà Hoàng Phủ. May ra Hoàng thượng thấu rõ chơn tình, không biết chừng người thâu hồi đạo chiếu này lại cũng nên.
Mạnh Sĩ Nguyên lắc đầu đáp:
- Việc ấy không được đâu. Ta xem thế lực của Hoàng Phủ Nguyên soái lớn lao biết dường nào, thế mà còn bị Lưu Tiệp nó âm mưu tan hại cả gia sản, huống chi nay ta cả gan dâng biểu không khéo sẽ mang tội khi quân. Vả lại, tài mạo của Lưu Khuê Bích cũng chẳng kém chi Hoàng Phủ Thiếu Hoa, nay lại được gia phong quan tước nữa, nếu con có trao thân gởi phận cũng không lấy làm gì nhục nhã, sao lại đi làm một việc nguy hiểm như thế?
Mạnh Gia Linh lấy làm bất bình, nói:
- Phụ thân dạy vậy thì thà rằng ta cáo quan về ẩn dật chốn lâm tuyền cho được sạch còn hơn.
Mạnh Sĩ Nguyên thở dài nói:
- Đây chẳng qua là hoàn cảnh thúc ép nên vạn bất đắc dĩ phải tùy theo mà thôi, con chớ nói chi nhiều lời.
Mạnh Gia Linh thấy cha không bằng lòng nên không dám nói thêm nữa. Hàn Phu nhơn xen vào nói:
- Thôi, để tôi có tình khuyên nhủ xem nó bằng lòngk hông, rồi sẽ sắm đồ nữ trang, chớ tôi xem ý nó thật khó lắm đấy.
Mạnh Gia Linh trởi về phòng nói với vợ là Phương thị:
- Thân phụ ta nhát gan quá, chớ lâm cảnh như ta thì nhất định phen này đối chọi với Lưu Tiệp một phen, dầu có bị cách chức đi nữa cũng không cần, miễn cho Lưu Tiệp nó rõ mặt mình thì thôi.
Thấy chồng ra vẻ tức giận, Phương thị tỏ lời khuyên nhủ:
- Nay thân phụ ta hành động như vậy chỉ vì việc bất đắc dĩ mà thôi, vả lại Mạnh Tiểu thơ vốn người khí khái, nếu nghe lời phu quân thì chắc nàng liều mình, vậy phu quân có thương em thì nên khuyên giải mới phải chớ.
Mạnh Gia Linh nghe vợ đề cập đến tánh mạng của em mình nên chỉ biết than vắn thở dài chứ không biết nên giải quyết sao cho phải.
Nói về Mạnh Lệ Quân từ khi trở về U Hương các cứ việc khóc hoài. Mẹ con Tô Đại nương đã hết lòng khuyên nhủ mà nàng vẫn không nguôi. Thật ra, trong lòng Tô Yến Tuyết cùng Tô Đại nương cũng căm hận cha con Lưu Tiệp vô cùng nên vẫn thường âm thầm khóc lóc, cả haiu đều bỏ ăn bỏ uống, cảnh tình rất bi thiết.
Vợ chồng Mạnh Sĩ Nguyên thấy thế mười phần lo lắng, lại sợ Mạnh Lệ Quân có thể lén tự tử nên gọi con tớ Vinh Lang vào bảo:
- Tiểu thơ ngươi vốn con người khí khái, nên ta sợ hắn có thể liều mình tự tử, vậy đêm nay ngươi hãy ráng thức coi chừng, nếu tiểu thơ ngươi được bình an vô sự thì công lao của ngươi không nhỏ.
Con Vinh Lang vâng lời rồi vào phòng yên giấc để tối có thể thức canh chừng tiểu thơ.
Chiều hôm ấy, người ta thấy Mạnh Lệ Quân không chịu ăn cơm, Tô Đại nương theo khuyên giải hết lời mà không làm cho nàng xiêu lòng được. Đến tối, mẹ con lén giao cho Vinh Lang canh giữ rồi trở về phòng an nghỉ. Con Vinh Lang cứ mãi theo sát Mạnh Tiểu thơ không rời một bước. Qua đến canh ba, con Vinh Lang thỏ thẻ nói:
- Đêm đã khuya lắm rồi, xin mời tiểu thơi đi nghỉ kẻo tổn hại đến tinh thần.
Mạnh Lệ Quân bảo:
- Ta có chút việc khổ tâm không thể nào ngủ yên được, mi hãy đi ngủ trước đi.
Vinh Lang nói:
- Nếu tiểu thơ chưa đi ngủ thì không bao giờ tôi có thể đành lòng đi ngủ trước được.
Mạnh Lệ Quân lại nghĩ thầm:
Nếu bây giờ ta có quyên sinh cũng uổng mạng chớ không ích gì. Chi bằng ta hãy gom góp một ít vàng bạc rồi cùng con Vinh Lang cải dạng nam trang trốn đến kinh thành, sẵn năm nay có kỳ thi hương, nếu ta thi đậu thì sang năm ta vào thi hội, may ra chiếm được Trạng nguyên, được vào làm quan tại triều, chừng ấy lập kế trừ cha con Lưu Tiệp để báo thù cho chồng và cứu đặng cả nhà Hoàng Phủ thì tiếng thơm sẽ phưởng phất muôn đời, khỏi thẹn với tấm lòng nhi nữ
.
Nhưng rồi nàng lại nghĩ:
Ta ra đi còn sợ Lưu Khuê Bích nó có thể bảo tấu với triều đình rằng thân phụ ta bất tuân vương mạng nên đem giấu ta đi chăng? Chừng ấy triều đình khép cho người về tội khi quân thì khổ biết bao nhiêu
.
Nghĩ đến đây, nàng Mạnh Lệ Quân cảm thấy ruột gan rối bời, sửng sốt giây lâu, bỗng nhớ đến Tô Yến Tuyết, nàng lại nghĩ:
Hiện nay Tô Yến Tuyết đã xinh đẹp lại giỏi nghề văn thơ không kém gì ta, vả lại nàng chưa gá duyên nơi nào, thôi để ta ra đi sẽ viết một phong thư để lại dặn phụ thân ta đem Tô Yến Tuyết trá hôn thì công việc mới vẹn toàn. Còn ta cũng nên đợi gần đến ngày cưới hãy đi để nàng không một lý do gì chối từ được
.
Mạnh Lệ Quân trù tính như vậy nên yên trí nói với con Vinh Lang:
- Vinh Lang ơi! Lâu nay ta rất tin yêu mi, hôm nay ta lâm nạn, nếu có việc gì bí mật ta muốn mưu tính với mi chắc mi cũng vui lòng giữ kín chứ?
Con Vinh Lang nắm tay nàng, rơi lụy thưa:
- Tiểu thơ ôi! Lâu nay tiểu thơ đối đãi với tôi như tình cốt nhục, vậy nếu tiểu thơ có tính mưu gì chẳng lẽ tôi lại dám tiết lộ sao?
Mạnh Lệ Quân nói:
- Ta sẽ bàn với mi một việc nhưng nếu mi tiết lậu thì nhất định ta phải tự tử đấy, mi cần phải hết lòng vì ta mới phải.
Lời Bình:
- Lúc này vua Thành Tôn vừa xem xong tờ biểu của Cố Phu nhơn thì biết ngay là dối trá, không tin Lưu Khuê Bích bắn trúng cả ba phát tên, cũng khá khen cho Thành Tôn thông minh đấy; song lúc trước gian thần sàm tấu rằng Hoàng Phủ Kính đầu giặc phản quốc, sao không chút xét suy? Nếu vua nhìn lại quá trình hoạt động của vị Nguyên soái họ Hoàng Phủ kia thì ít ra cũng có chút ngờ vực, chớ có đâu lại buộc tội một cách mù quáng oan uổng cho người như vậy!
- Hoàng hậu vì thương em mà tâu vua xin giáng chỉ tứ hôn, còn vua Thành Tôn thì vì vợ, đứng ra tác hợp lương duyên cho Lưu Khuê Bích, việc này cũng không đáng trách, vì lúc này nhà họ Hoàng Phủ đối với vua là kẻ thù rồi thì bảo vua đoái tưởng đến sao được. Nếu ta có trách thì trách cho Lưu Khuê Bích ỷ thế cậy thần, ganh hiền ghét ngõ, âm mưu ám hại bạn thân mình. Sâu sắc hơn nữa là trách cả một chế độ phong kiến nó tạo cho kẻ có quyền thế hà hiếp mọi người, buộc tất cả phải cung phụng mình, và thấy ai giỏi hơn mình, thì tìm cách làm hại để nâng cao giá trị của mình, thật không gì tồi bại cho bằng.
Ngày nay chế độ ấy đã cáo chung, nhưng tư tưởng phong kiến vẫn còn tồn tại, vì vậy mới có những tranh giành địa vị, đánh đỗ lẫn nhau, nếu quan niệm được làm cán bộ là công bộc của nhân dân thì đâu đến nỗi xảy ra tình trạng nói trên!
- Việc Mạnh Sĩ Nguyên chấp thuận gả con gái mình cho Lưu Khuê Bích quả là việc làm vạn đắc dĩ, nhưng không thể không thuận, vì đây là lệnh của nhà vua, mà phận làm tôi vua bảo chết một cách vô cớ cũng phải chết thay, huống hồ việc buộc phải gả con có nghĩa gì? Nhưng làm thân con gái như Mạnh Lệ Quân, từ khi nhận sính lễ của Hoàng Phủ Thiếu Hoa chưa thấy mặt chồng mình ra sao mà đã thủy chung như thế, thật là thế gian ít có. Gẫm lại đời nay tưởng không thể tìm cho ra một cô gái như Mạnh Lệ Quân!