Phần 11 - Chương 70: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên và những câu chuyện


Số từ: 819
Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Hội Biên
Việt dịch: Cư Sĩ Vô Tri
KHINH MẠN TIÊN LINH. VI NGHỊCH THƯỢNG MỆNH. TÁC VI VÔ ÍCH. HOÀI HIỆP NGOẠI TÂM.
Khinh thường Tổ Tiên đã khuất. Vi phạm mệnh lệnh của bề trên. Làm chuyện tầm phào vô ích.Âm thầm sinh lòng khác.
1. Tiên Linh là anh linh của Tổ Tiên. Có Tổ Tiên mới có ta, uống nước phải nhớ nguồn, tuy người trước đã không còn nhưng anh linh vẫn tồn tại, nên trong ngày giỗ hay những ngày lễ, tết… bổn phận làm con cháu phải có lòng thành thờ kính Tổ Tiên.
Đức Khổng Tử nói:
Sự tử như sự sinh. Thờ phụng linh hồn của người quá cố như thời lúc còn sống, đó là đạo hiếu.
Đã là người đều tránh không khỏi cái chết, một khi thân nhân từ giã cõi đời, bổn phận làm con cháu phải tìm một chỗ tốt để an táng, quan quách cũng không thể sơ sài, để người quá cố được yên lòng dưới suối vàng. Nếu vì tranh giành tài sản, hay vì mê tín tin vào phong thủy mà bỏ hoang quan quách, thì là một sự khinh mạn đối với người quá cố.
2. Vào niên hiệu Đại Quan đời Tống có một Thái học sinh La Củng, cha mẹ đều bất hạnh liên tục qua đời.
Hai anh em thối thác trách nhiệm lẫn nhau. La Củng cho rằng việc chôn cất cha mẹ là bổn phận của người anh cả, còn người anh lại cho là cha mẹ là của chung, người em cũng có phần nên linh cữu của song thân quán tại nhà đã ba năm mà vẫn chưa chôn cất.
Về sau La Củng lên Kinh ứng thí, nơi Kinh Thành có miếu Quan Đế rất linh, sĩ tử trước khi dự thi thường hay đến miếu này cúng vái xin xỏ. La Củng cũng đến miếu Quan Đế cầu cúng. Trong tối hôm đó, La Củng mơ thấy Đức Quán Thánh Đế Quân đến, chỉ vào cặp quan tài mà trách:
Đức Khổng Tử nói về đạo hiếu là chết phải dùng lễ để mai táng, dùng lễ để tế. Nay cha mẹ ngươi chết đã lâu mà vẫn chưa chôn cất, đó là một điều đại bất hiếu, Minh Ty đã ghi lục tội ác của ngươi, khó tránh cho khỏi, cầu cúng vô ích, hãy tìm đường về nhà đi.
La Củng không phục đáp rằng:
Tôi còn một người anh, trách nhiệm của anh cả lớn sao Minh Ty toàn ghi tội của tôi, chẳng lẽ anh tôi không có lỗi hay sao?
Đức Quán Thánh giận:
Anh ngươi cũng có tội, nhưng anh ngươi là người không có học, còn ngươi là người đọc sách Thánh Hiền, phải hiểu lễ nghĩa, biết mà không làm, tội nặng gấp đôi.
La Củng tỉnh dậy, mồ hôi đẫm ướt đầy mình, lòng rất lo sợ, bèn đáp thuyền về nhà. Trên đường về, thuyền gặp sóng gió bị đắm, La Củng cũng chịu chung số phận với chiếc thuyền, chết chìm giữa lòng sông.
3. Bề dưới đối với bề trên, như con cái đối với cha mẹ, em đối với anh, học trò đối với thầy, thuộc hạ đối với thượng cấp đều phải có lòng phục tùng. Trong trường hợp bậc trên có chỗ sai, thuận theo sự trái thì không đúng nhưng can gián sự trái là một lẽ phải, nếu không can gián, để bậc trên mang tiếng bất nghĩa. Hay là xem bậc trên như người thù, đều đi nghịch với lý.
4. Đức Thái Thượng Lão Quân nói:
Người quân tử phải lập đức trước, kế là lập ngôn và sau cùng là lập công. Đó là tam bất hủ của người quân tử để lại cho đời. Còn như dùng tinh thần và sức lực để làm điều vô ích thì là một sự hoang phí. Những người viết sách báo khiêu dâm, sáng tác nhạc ủy mị, chẳng những không có ích cho đời, mà còn di hại cho thế hệ sau.
Thị Nại Am là người có học vấn uyên bác, vì không hợp với quan lại đương thời nên viết truyện Thủy Hử, trong đó mô tả cảnh dâm dật của Phan Kim Liên và Tây Môn Khánh, con cháu ba đời đều bị câm. Vương Nguyên Mỹ, tác giả của cuốn Kim Bình Mai, lấy hai nhân vật trong truyện Thủy Hử là Phan Kim Liên và Tây Môn Khánh để viết truyện dâm mà bị mù. Có tài mà dùng vào chỗ không đúng, tội thay.
5. Hoài là ẩn tàng không để lộ, hiệp là ôm ấp trong lòng không người hay, ngoại tâm là lòng khác (hai lòng). Bạn bè mà hoài hiệp ngoại tâm thì tình bạn không bền, vợ chồng ăn ở với nhau mà hai lòng thì tình nghĩa không lâu.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Thái Thượng Cảm Ứng Thiên.