Chương 23 - Thoát nạn ăn mày gặp lại Lý-mạc-Thu


Số từ: 7759
Nguồn : sưu tầm
Trong miếu, Lục-vô-Song đang nổi cơn đau gắt, bỗng nghe tiếng nói bên ngoài rõ ràng là của sư-phụ cùng sư tỷ nàng thất kinh hồn vía than thầm:
- Thôi, phen này chắc chết không tránh khỏi nữa!
Thình lình nghe soạt, một bóng vàng loang loáng từ cửa sổ bay vào. Lục-vô-Song ngước lên nhận rõ là Sư-tỷ Hồng-Lăng-Ba. Xưa nay Lục-vô-Song đối với Hồng-lăng-Ba một niềm kính trọng cho nên khi trông thấy không dám bỏ lễ, gắng gượng đứng lên vái chào. Hồng-lăng-Ba thấy Lục-vô-Song đã phạm kỷ luật sư môn, gây thành tội lớn, không thể nào nương tay được, cho nên quyết sát hại cho rồi. Nàng vừa vung kiếm lên định đâm một nhát đổ ruột tên học trò phản bội thì bỗng nghe "choeng" một tiếng, thanh gươm bị Lý-mạc-Thu gạt ngang rơi xuống đất. Hồng-lăng-Ba đang ngơ ngác thì Mạc-Thu đã mỉm cười bảo:
- Khoan giết đã, ta có chuyện cần hỏi nó.
Rồi đưa mắt nghiêm nghị ngó Lục-vô-Song khẽ hỏi một cách dịu dàng:
- Sao ngươi không làm lễ chào sư-phụ?
Lục-vô-Song thừa rõ tánh tình Lý-mạc-Thu vô cùng ác độc, phen này dù van xin khóc lóc cũng không hy vọng được hắn dung tha, cho nên quắc mắt nhìn lên trả lời:
- Mi là kẻ thù muôn đời đã sát hại cả gia đình ta, đâu có thầy trò gì mà hòng chào hỏi?
Lý-mạc-Thu chiếu cặp mắt sáng như gươm, lạnh như tiền, quét lên mặt Lục-vô-Song, chẳng hề lộ vẻ giận hờn hay bực tức. Hồng-lăng-Ba đứng một bên nhìn sư muội mà đem lòng thương hại, nhưng chẳng dám thốt lời gì.
Lục-vô-Song trừng mắt nhìn lại, luôn luôn giữ thái độ cương ngạnh không hề hoảng sợ.
Ba người trừng trừng ngó nhau không nháy mắt. Không khí căng thẳng, nặng nề, khó thở.
Một lúc sau, Lý-mạc-Thu chậm rãi hỏi:
- Sách của ta đâu, mi hãy giao nộp lại cho ta.
Lục-vô-Song đáp gọn mấy tiếng:
- Sách ấy bị một đạo sĩ cướp mất rồi.
Lý-mạc-Thu nghe nói rụng rời, băn khoăn lo ngại:
- Sách "ngũ độc bí truyền" mà để lọt vào tay một kẻ khác thì làm sao chiếm lại được. Thế là bao nhiêu điều bí mật bị chúng khám phá ra rồi còn chi nữa? Thật vô cùng nguy hiểm!
Lục-vô-Song thấy Lý-mạc-Thu chẳng trả lời, cười lạt một tiếng mặt lạnh như băng, thì biết hắn đang toan tính hại mình đây cho nên lăm le tìm mọi cách để tẩu thoát.
Tuy vậy nàng vẫn nghĩ tới Dương-Qua:
- Lúc này mạng ta như chỉ mành treo chuông, chết sống kể từng giây từng phút. Còn thằng Ngốc, không biết hắn trốn tránh xó nào rồi. Biết đâu hắn có mưu hay giải thoát cho mình được cũng nên.
Đang phân vân với điểm hy vọng cuối cùng như ánh đom đóm giữa đêm khuya, thình lình có tiếng bồm bộp rộn lên, và một con trâu to lớn bên ngoài hùng hổ lao vào như gió lốc.
Lý-mạc-Thu giật mình dòm lại thấy một con trâu mộng to lớn sừng trái có buộc một thanh đao sáng quắc, sừng phải có buộc một bó đuốc đang cháy rực rỡ, ầm ầm xông vào cúi đầu lia cặp sừng vào phía hai thầy trò, dáng điệu vô cùng dũng mãnh.
Hai người vội phi thân nhảy ra một bên né tránh.
Con trâu được thế lồng lên chạy quanh một vòng rồi trở lộn lại đâm sầm ra cửa lẹ làng như tên bắn.
Trong phút chốc trâu đã đi xa mất dạng chỉ còn le lói một điểm sáng sáng trên sừng.
Thấy con trâu dị kỳ như vậy, Lý-mạc-Thu cũng ngạc nhiên không hiểu trâu của ai, vì sao có đao va đuốc cột trên sừng và nguyên nhân nào đến đây một tý rồi lại quay đi ngay?
Khi trở lại chỗ cũ, hai người cùng kinh ngạc và đồng la lên một tiếng. Lục-vô-Song đã mất dạng từ bao giờ rồi.
Tức thì cả hai tung mình chạy ra ngoài nhảy lên nóc miếu, lùng khắp bụi cây nhưng vẫn không tìm thấy.
Lý-mạc-Thu đoán có lẽ con trâu tác quái vừa rồi là nguyên nhân của sự biến đổi nầy cho nên hai thầy trò nhắm hướng đó, nhìn ánh đuốc chập chờn le lói đàng xa mà phi thân theo miết.
Vừa chạy theo vừa suy nghĩ:
- Nhờ có ánh sáng ngọn đuốc ta thấy quả trên lưng trâu không có người ngồi. Hay là có kẻ nào tinh ý, cho trâu chạy vào gây náo loạn để mình sơ ý rồi giải cứu Lục-vô-Song đi một nẻo khác chăng?
Nàng gia tăng tốc độ mau hơn, quyết theo kịp con trâu xem thử. Trong phút chốc đã theo kịp, dùng khinh công lao vút lên mình trâu rồi đưa mắt quan sát trước sau, trên dưới không thấy một bóng hình ai hết.
Lý-mạc-Thu bực mình, nhảy xuống đất hú lên một hơi dài để ra dấu hiệu gọi Hồng-lăng-Ba lại.
Hai người giáp mặt, Lý-mạc-Thu bày tỏ ý nghĩ của mình cho đệ tử nghe và nói rõ ý định mới:
- Bây giờ chúng ta phân công, người đi một phía. Ta đi Bắc sang Nam và mi từ Đông sang Tây, thế nào cũng tìm được hắn.
Nguyên do lúc thầy trò Lý-mạc-Thu vừa bước chân vào miếu, Dương-Qua đã lẹ làng phóng qua cửa sổ nhẹ nhàng như tàu lá rụng, núp đó nhìn vào. Chàng lo lắng cho số mạng của Lục-vô-Song, phen này chắc Lý-mạc-Thu không tha thứ được. Nếu không cứu thoát kịp thời thì không thể nào sống nổi với thầy trò con ác phụ.
Trong lúc đang băn khoăn lo nghĩ, Dương-Qua thấy bóng con trâu đang cúi đầu gặm cỏ ngoài xa xa, bèn nghĩ ra một kế, buộc đao và đuốc lên đôi sừng. Truyền chân lực thêm cho nó rồi giục thẳng vào miếu.
Chàng dùng thuật sà hình bám sát dưới bụng trâu, trong bóng tối mơ hồ không thể nào nhận thấy nổi.
Nhân lúc ấy thày trò Lý-mạc-Thu tránh qua một bên cho trâu lồng trong miếu, Dương-Qua đã lẹ làng kẹp Lục-vô-Song theo rồi giục trâu chạy ra cửa tẩu thoát.
Về sự việc xảy ra quá bất ngờ và cấp bách cho nên một kẻ tinh tế như Lý-mạc-Thu cũng không đề phòng nổi.
Trâu chạy một đỗi, đến một vùng hẻo lánh rậm cây. Dương-Qua bồng Lục-vô-Song nhảy vào một đám cỏ cao để trốn, con trâu cứ mang đuốc tiếp tục giông đi như cũ. Nhờ vậy cho nên Lý-mạc-Thu đuổi kịp cũng không trông thấy người nào cả.
Lục-vô-Song trải qua một cơn kinh hoàng đã mê man không biết gì hết. Một chập sau nàng cựa mình mờ mắt ú ớ muốn nói.
Dương Qua vội vàng bụm miệng nói nhỏ vào tai:
- Lặng im... đừng nói... nguy lắm.
Ngay lúc ấy có tiếng chân người giẫm lên cỏ khô xào xạc, có tiếng Hồng lăng Ba nói lớn;
- Lạ quá, đệ tử tìm khắp nơi mà không thấy gì hết.
Bỗng đằng xa có tiếng Lý mạc Thu vọng lại:
- Chắc bọn nó chạy trốn xa rồi. Thôi chúng ta đi nơi khắc tìm kiếm vậy.
Lắng nghe tiếng chân Hồng lăng ba đi xa dần rồi mất hẳn. Rừng đêm lắng đọng dưới màn sương âm u cô tịch như cũ.
Lục vô Song đã hồi tỉnh, tình thần sáng suốt, mở mắt nhìn trăng, thở dài một tiếng não ruột.
Dương Qua vội vàng đưa tay bụm miệng ra dấu bảo giữ im lặng.
Lục vô Song dáo dác ngó quanh, thấy mình nằm gọn trong lòng Dương Qua thì thẹn quá vội vàng đưa tay đẩy chàng ra lồm cồm toan đứng dậy. Dương Qua khẽ nói nhỏ vào tai nàng:
- Nằm im, không cực cựa, sư phụ cô sắp đến đây ngay bây giờ.
Kế đó có tiếng Lý mạc Thu vàng lên rõ rệt cách đó không bao xa:
- ủa, cũng chẳng có nó ở đây, lạ quá!
Lục vô Song hết hồn nghĩ:
- Nếu thằng Ngốc này không tinh ý thì mạng mình nguy rồi.
Thì ra Lý mạc Thu vốn con người ranh mãnh xảo quyệt vô cùng. Miệng thì bảo đệ tử đi nơi khác nhưng kỳ thật nàng thì triển tài khinh công lướt trên mặt cỏ đảo lại mấy vòng để tìm nữa.
Chỉ một ly nữa là Lục vô Song lầm quỷ kế của nàng, nếu không được Dương Qua che đậy và ngăn cản kịp lúc.
Lúc bấy giờ Dương Qua đưa mắt nhìn quanh thật kỹ, lắng tai nghe ngóng thêm lần nữa, chắc chắn thầy trò Lý mạc Thu đã đi xa rồi mới thôi bịt miệng Lục vô Song rồi phủi tay áo đứng dậy vừa cười vừa bảo:
- Thoát nạn rồi, hú vía!
Lục vô Song nguýt chàng và nũng nịu nói:
- Sao không ôm nữa đi? Rõ khéo thừa cơ!
Dương Qua mỉm cười đáp:
- Bấy giờ cô để cho tôi " tiếp cốt" để chữa lành vết thương, ngày mai còn đi trốn. Lỡ hắn đến tìm nữa làm sao trốn thoát được. Bằng lòng không?
Nàng gật đầu ưng chịu.
Dương Qua ngại nếu dùng thuật "tiếp cốt " hơi đau, lỡ nàng la lên động đến Lý mạc Thu nghe được tìm lại thì nguy lắm, nên dùng cách điểm huyệt " ma nhuyễn " thay thế.
Chàng suy tính xong đưa tay cởi áo bày ngực nàng rồi tháo luôn lớp vải băng ngang nơi vúi, miệng lẩm bẩm:
- Ngàn vàng chưa quý bằng đôi quả tuyết lê của mỹ nhân.
Khi hai nhũ hoa của Lục vô Song vừa lộ ra, Dương Qua bỗng thấy tim đập từng hồi, tai run, mặt nóng, ngồi thần thờ như người mất trí, không cử động gì đựoc nữa.
Lục vô Song chờ mãi không thấy chàng làm gì thêm sẽ hé mắt nhìn thử, thấy mặt mày Dương Qua ngơ ngác như người mất trí, mắt mở mày dựng, hình như đang suy tính một điều gì vô cùng quan trọng nên e ngại vội nhắm mắt không ngó nữa.
Trong giấy phút yên lặng huyền ảo thiêng liêng ấy, Dương Qua cảm thấy từ thân hình nàng có một mùi hương thơm ngát toả ra thoảng như mùi hoa lài khiến tâm hồn chàng đê mê muốn thoát tục. Chàng lẩm bẩm:
- Phải chăng đây là hương thơm trinh nữ, ta mới thưởng thức lần đầu?
Toàn thân chàng rạo rực như nhắp ly rượu mạnh. Lục vô Song cũng thấy cõi lòng xao xuyến, đôi mắt lờ đờ ngước nhìn lên hỏi nhỏ:
- Xong chưa? Sao lâu vậy?
Hỏi xong, nàng nhắm mắt lại ngay, nghiêng đầu qua nới khắc, mắt lim dim.
Nghe nhắc, Dương Qua sực tỉnh vội vàng đưa tay gạt tấm bắng lụa. Tay vừa chạm trúng thớ thịt hồng hồng trên làn ngực trắng phau của nàng trinh nữ, chàng bỗng cmả thấy như một luồng điện giật nên rụt lại ngay.
Lục vô Song nằm ngửa, phơi ngực dưới trăng. Làn gió mát mơn man thoáng qua khiến nàng có cảm giác như bàn tay ai đang mơn trớn, hé mắt ra nhìn nữa. Thấy Dương Qua cứ ngồi yên, đôi mắt ngơ ngác nhìn ngực mình như phỗng đá không làmgìcả, nàng bực mình quá khẽ gắt:
- Làm gì mà đờ người ra như vậy hở Ngốc?
Dương Qua giật mình, lấy cam đảm, đưa tay lấy tấm dải trắng lên rồi xoa bóp nắn lại các khớp xương cho nàng.Tay chàng xoa đến đâu hình như da nàng toát ra một luồng điệm âm ấm dịu dịu khiến chàng phải e dè không dám bóp mạnh.
Khi bóp lần xuống dưới, Lục vô Song nói:
- Thôi đi.Mắc cỡ quá, chịu không được. Hay là... nhắm bớt mắt đi để... ta cởi bớt phía dưới, kỳ quá...
Thẹn qúa, nói đây nàng xúc động nấc lên khóc rấm rứt.
Dương Qya lo lắng vội an ủi:
- Cô nín đi, tôi xin nhắm mắt lại để cô được tự nhiên.
Thấy chàng thật tình chặt nhắm đôi mắt, ngước mặt nhìn lên trăng, Lục vô Song vội vàng co đùi lên trút hết y phục phía dưới ra tạm giữ một mảnh xiêm che từ rốn đến đầu gối và thúc gục:
- Rồi đấy, mau len chứ!
Dương Qua định tĩnh tâm thần, lại bụi gần đấy bẻ bốn cành láa. Hai cành che nơi bụng, hai cành lót bên dưới lưng rồi dùng vỏ cây xoa bóp khắp người nàng cho nóng, nắn lại hết mấy đầu xương rồi đưa tay điểm vào huyệt đạo.
Lục vô Song khẽ mở mắt nhìn thử. Dưới ánh trăng tá sáng bạc mặt Dương Qua lồ lộ rất tuấn tú khôi ngô. Hai mắt chang sáng trưng, đôi má hồng hào, môi cắn chỉ, tươi như son, luồng nhỡn tuyến quét lên người nàng như hai ánh điện. Nàng có cảm giác đê mê thích thú và nhìn thấy chàng có vẻ dễ yêu mến hơn là một thằng ngốc như mình thường gọi.
Nàng nhắm mắt lại, lắng tai nghe máu chảy rần rật thịt xương bốc nóng, chuyển động khắp châu thân, có lúc tăng tăng như kiến bò, có khi đau nói như ong cắn, sinh lực bỗng trở lại dồi dào hơn, tay chân cảm thấy khẻo hơn, những sự mỏi mệt đau nhức lúc trước dần dần tiêu tan hết.
Lục vô Song thấy hối hận:
- Thằng Ngốc này có bản lĩnh vô cùng cao sieu tinh diệu. nếu không có hắn thì mạng ta đã mất mấy lần rồi chứ đâu sống sót tới giờ phút này được. Một tay phi thường như vậy mà mình cứ một ngốc, hai ngốc, hết mi đến ta thật là lố bịch.
Nghĩ xong, nàng dịu dàng hỏi:
- Này cậu, bây giờ cuậ định đi về đâu đây?
Dương Qua hỏi:
- Cô muốn hỏi gì?
Lục vô Song đáp:
- Cậu định đi nơi khác, về một chốn nào?
Dương Qua đáp:
- Còn cô, cô định đi về đâu chưa?
Lục vô Song đáp:
- Tôi muốn về Giang Nam thăm quê nhà nên không thể đi quá xa được.
Lục vô Song rầu rầu đáp:
- Như vậy, cậu cứ đi đi, tuỳ ý. Còn về phần tôi, để tôi nằm chết nơi đây cũng được.
Lời nói em đềm, vừa lẩy vừa trách khiến Dương Qua cảm động, chưa biết đối đáp hay xử trí thế nào cho hợp. Liếc mắt nhìn nàng thấy vẻ mặt u sầu, đượm đầy nước mắt, môi mím, mắt nhắm tỏ vẻ dỗi hờn giận dữ. Sắc diện nàng lúc này giống hệt như Tiểu long Nữ khiến Dương Qua cảm thấy cõi lòng rào rạt, không đành dứt khoát bỏ đi.
Trong giây phút phân vân bỗng chàng có ý nghĩ;
- Hay là mình cứ đưa nàng đến Giang Nam. biết đâu làm ơn cho người rồi trời sẽ nhỏ phước khiến xui gặp được Tiểu Long Nữ cũng nên. Cũng có thể lúc này cô nương mình đi về xứ Giang Nam rồi càng thuận tiện.Tuy nghĩ thế Dương Qua cũng chứa dám tự ý đưa chân vào một cuộc phiêu lưu không cần thiết trong lúc mình ra đi đã có một định hướng nhất định là tìm Tiểu Long Nữ.
Nhưng trước lời nài nỉ thiết tha của Lục-vô-Song chàng cũng không thể từ chối được.
Sau một lúc phân vân, tranh chấp chàng lắc đầu thở ra một cái rồi cúi xuống bồng nàng đứng dậy.
Lục-vô-Song ngơ ngác hỏi:
- Bây giờ cậu định bế mình đi đâu đây.
Dương-Qua cười đáp:
- Đi sang Giang Nam về thăm quê nhà chứ còn đi đâu nữa.
Lục-vô-Song cười lớn đáp:
- Từ đây đến Giang Nam xa cách lắm bế đi sao nổi.
Tuy miệng nói thế nhưng thâm tâm nàng vẫn muốn chàng cứ bế mãi mình vào lòng.
Vì ngại thầy trò Lý-mạc-Thu bắt gặp nên cứ bồng Lục-vô-Song theo nẻo đường vắng vẻ đi hoài. Chàng trổ tài khinh thân chạy lướt trên mặt đất mau hơn ngựa sải, nhưng Lục-vô-Song vẫn thấy nằm êm ru không bị dằn xốc đau đớn tí nào.
Lục-vô-Song lơ đễnh nhìn hai bên đường thấy cây cối xua nhau chạy dặt về phía sau liên tiếp, hai bên tai gió lộng vù vù. Nếu so với Lý-mạc-Thu, khinh công của chàng không kém sút tý nào. Bất giác nàng tự nhủ:
- Không ngờ chàng ngốc mà bản lãnh khinh người như vậy?
Hắn còn trẻ lắm mà làm sao đã có một nghệ thuật quá ư siêu phàm như vậy nhỉ. Âu cũng là một sự tình cờ may mắn cho mình, mới gặp được một tay điêu luyện dường ấy.
Lúc bấy giờ phương Đông đã ửng đỏ, vừng Thái dương sắp mọc, ánh ban mai đã dần dần le lói trên cành cây. Chim rừng đã kêu nhau ríu rít.
Lục-vô-Song hé mắt nhìn lên thấy Dương-Qua tuy bị sạm đi vì nắng gió phong trần, nhưng mày thanh, mắt sáng, mũi cao, cằm vuông, trán rộng, rõ ràng là một trang anh tuấn nam nhi, càng trông càng đẹp. Nàng bỗng thấy một cảm giác dìu dịu chuyền khắp cơ thể rồi từ từ nhắm mắt ngủ thiếp đi từ lúc nào không hay.
Khi mặt trời lên cao độ một sào, Dương-Qua cũng vừa đến một gốc cây cao tàn lá mát mẻ, nên dừng lại se sẽ đặt nàng nằm trên bãi cỏ rồi ngồi khích một bên nghỉ sức.
Lục-vô-Song mắt nhìn chàng, mỉm cười hỏi:
- Anh có đói không, tôi thấy đói quá.
Dương-Qua đáp:
- Đói chứ! Thôi, để chúng ta cùng đi một vòng nơi đây thử may ra có hàng quán nào tìm thức ăn đã dạ nhé.
Không cần nàng đáp, chàng đứng dậy liền. Vì phải bồng suốt đêm, tay đã mỏi, nên lần này Dương-Qua để nàng ngồi trên vai mình rồi bước đi.
Lục-vô-Song ngồi trên vai Dương-Qua, một chân trước, một chân sau như cỡi ngựa. Nàng tung tăng đôi chân, vui vẻ cười vang và hỏi lại:
- Anh ơi, tên họ là gì, cho biết đi để tiện xưng hô, chẳng lẽ nơi chỗ đông người cứ thằng ngốc mà réo thì nghe sao cho được.
Dương-Qua đáp:
- Tôi chỉ có tên "Ngốc", ngoài ra không còn họ tên nào khác nữa. Xưa nay thiên hạ đã gọi "Ngốc" quen rồi, đâu phải chỉ một mình cô dâu mà e ngại.
Lục-vô-Song thấy chàng cố giấu tên cũng bực mình nhưng chẳng biết nói sao, hỏi thêm:
- Anh không muốn nói tên, giấu họ cũng được. Nhưng Sư phụ của anh là ai, có cho biết được không?
Xưa nay Dương-Qua kính trọng nhất là Sư phụ. Vừa nghe Lục-vô-Song nhắc tới danh từ thiêng liêng khả kính ấy, dạ chẳng vui nhưng vẫn đáp cộc lốc:
- Sư phụ tôi là Cô nương tôi chứ ai?
Lục-vô-Song suy nghĩ:
- à, sư phụ chàng là một người đàn bà! Nếu vậy võ nghệ của môn phái này phải tinh diệu lắm.
Nàng hỏi thêm:
- Cô nương của anh thuộc môn phái nào vậy?
Dương-Qua chỉ đáp vớ vẩn cho qua chuyện.
Sư-phụ tôi không khi nào đi đâu xa và cũng không rõ thuộc môn phái nào hết.
Lục-vô-Song thấy cứ đáp lần khần mãi, phát cáu lên gắt:
- Ngốc ơi, sao giấu mãi thế, sở dĩ ta muốn hiểu môn phái chàng là vì thấy võ công chàng kỳ diệu quá.
Dương-Qua cũng gắt lại:
- Tôi học ai kệ xác tôi, hỏi mãi ích gì? Tôi học cây học đá đấy!
Lục-vô-Song không bực tức nữa mà suy nghĩ:
- Chàng này giả bộ ngơ ngốc, chứ người bản lãnh như vậy làm sao ngốc được, vì đã ngốc làm sao học được võ công? Cứ xem riêng thuật điểm huyệt cũng có thể đoán chàng đã được danh môn chính phái chân truyền võ thuật không sai.
Nàng ôn tồn hỏi thêm:
- Này cậu, còn chuyện này, đừng quanh co dối ta nữa nhé. Ta muốn biết tại vì sao cậu lại tận tình giúp đỡ và cứu ta mấy lần như vậy?
Dương-Qua cũng chẳng biết trả lời thế nào cho xuôi. Nghĩ suy một chập rồi trả lời:
- Vì Cô nương tôi bảo vậy nên tôi mới phải cứu giúp cô tận tình.
Lục-vô-Song ngạc nhiên quá hỏi nữa:
- Vậy cô nương cậu là ai, tên gì?
Dương-Qua đáp:
- Tôi đã nói rõ cô nương tôi là Cô nương mà sao cứ hỏi đi hỏi lại hoài như vậy?
Lục-vô-Song ngán quá, chỉ biết thở dài rồi làm thinh, vẻ mặt rầu rầu.
Dương-Qua hỏi:
- Tại sao cô có vẻ buồn bã vậy?
Lục-vô-Song chép miệng rồi làm thinh.
Dương-Qua hỏi nữa:
- Sao buồn vậy cô?
Lục-vô-Song gắt:
- Người ta không muốn nói mà cứ hỏi hoài. Ta chẳng có gì buồn hết. Hỏi làm chi?
Mỗi lần nàng nóng giận thì đẹp lắm và giống Tiểu-long-Nữ quá. Chàng muốn ngắm một tý cho thỏa lòng, nhưng chẳng lẽ ngửa người lên mà nhìn cho nên đành làm thinh ngó xuống đất bước đi hoài.
Chẳng bao lâu đến thị trấn nhỏ. Mọi người thấy một trai một gái vác nhau đi lạ đời quá nên tò mò kéo nhau lại xem, bàn tán om cả lên.
Hai người làm lơ đi thẳng vào một quán ăn, gọi hai phần cơm và ngồi đối diện nhau để ăn. Lục-vô-Song ngửi mùi hôi hám từ trong người Dương-Qua bốc ra khó chịu quá nên bảo chàng:
- Này cậu, qua bên bàn kia ăn riêng đi. Để đây mặc ta.
Dương-Qua lẳng lặng bưng bát cơm và một tô canh sang bàn bên cạnh ngồi ăn.
Thấy Dương-Qua cứ chập chập lại nhìn mình say đắm. Lục-vô-Song thấy ngượng quá nói thêm:
- Cậu đi lại bàn xa kia kia. Ngó ra ngoài mà ăn. Nhìn hoài ai nuốt cho trôi.
Dương-Qua cười và làm theo.
Chàng lẳng lặng ngồi ăn, nhìn thẳng ra cửa sổ.
Lục-vô-Song thấy miệng đắng quá nuốt không vô, ngồi để đũa ngó mông ra ngoài.
Bỗng đau có tiếng ăn xin thưa bẩm rối rít ở phía trước:
- Nhờ bà con bố thí cho chút cơm cặn, canh thừa để đỡ đói.
Rồi lại có tiếng nói:
- Xin Cô nương ra ơn bố thí cho một bữa ăn.
Ngay trước tiệm ăn, có bốn người ăn xin, vai mang bị, tay xách gậy hướng vào phía nàng xin nữa.
Lục-vô-Song nhớ lại trước đây đã dùng lưỡi dao vành cung đâm vào lưng một lão ăn mày. Hôm nay lại gặp chúng, thế nào họ cũng nhận diện ra, nên chưa biết tìm cách nào để lẩn trước.
Đang lúc phân vân, bỗng tên cao nhất đứng giữa nói lớn:
- à, hắn đây rồi. Phen này mi đừng hòng trốn thoát khỏi tay bọn ta.
Người phía sau hết cũng nói tiếp:
- Nơi đây lên trời không được, xuống đất cũng không xong, con ơi!
Nàng đưa mắt nhìn thấy người nào cũng kè kè sáu cái túi, tay lăm lăm một cây gậy to tướng với một cái bát xin cơm. Ai nấy cũng hầm hầm đều bước sấn tới.
Khi xưa, Lục-vô-Song đã có lần được Hồng-lăng-Ba kể chuyện trong Cái Bang và phân tách tài nghệ từng loại ăn xin. Những kẻ mang đến 6 túi đã thuộc vào hạng cao, có bản lãnh khá lắm.
Khi ấy trong tiệm có vẻ xôn xao. Người chủ tiệm thấy bốn vị cao cấp trong phái "Sáu túi" cùng đến đây gây sự, biết chuyện chẳng lành, vội đưa mắt ra hiệu cho bọn tửu bảo tìm cách chiều chuộng đừng khiêu khích họ làm gì.
Lục-vô-Song còn đau chưa mạnh, sức lực đâu chống cự lại với bốn người nên chỉ lo tìm kế thoát thân. Nếu cùng lắm, nàng chỉ trông cậy vào tài lực của Dương-Qua may ra cứu thoát được mình chăng.
Dương-Qua điềm nhiên ăn uống như chẳng có việc gì xảy ra. Thỉnh thoảng nhìn sang hỏi:
- Cô nương ăn đi chứ, sao có vẻ bơ phờ vậy? Cá ngon lắm ăn đi cô!
Lục-vô-Song chẳng đáp lại, cố cúi mặt nhìn xuống mâm cơm như để tránh thoát tám con mắt xoi bói của bốn người ăn mày sáu túi đang chiếu thẳng vào mình và nói lớn:
- Sao, cô nương không bố thí cho một bát cơm hay tô canh? Nếu không thì xin Cô nương một lưỡi dao cũng được.
Lục-vô-Song thấy đáp không tiện mà làm thinh cũng chẳng yên thân.
Một tên khác nói:
- Bọn ta tuy mang danh ăn mày nhưng xử sự lúc nào cũng đường đường chánh chánh chứ không bao giờ ỷ đông hiếp ít đâu. Vậy để tùy cô liệu định trước.
Lục-vô-Song biết bọn này đã cố tình gây chuyện, chẳng lẽ cứ làm thinh hoài nên gắng gượng đứng dậy thủ thế phòng chúng tấn công.
Ngay lúc đó Dương-Qua bước lại hỏi lớn:
- Chuyện gì vậy cô?
Bốn tên ăn mày nhất tề vung gậy xáp đến. Dương-Qua chúm miệng, phì ra một cái, cả nắm xương cá từ miệng chàng bắn tung vào đúng huyệt "khúc trì" của bốn người ăn mày.
Bị điểm huyệt bất ngờ, cả bốn người cảm thấy toàn thân tê tái tay chân rời rã, buông rớt cả gậy lẫn bát đứng không vững, lảo đảo tìm chỗ để bám khỏi ngã.
Dương-Qua lập tức bồng Lục-vô-Song để lên vai nói gấp:
- Chạy mau, kẻo nguy lắm!
Lục-vô-Song run run hỏi ngập ngừng:
- Bây giờ... biết chạy đâu... đây?
Khi Dương-Qua để nàng lên vai, phi thân chạy đi Lục-vô-Song quay đầu nhìn lại thì lạ quá cả bốn tên ăn mày đã đi đâu mất chỉ thấy bốn chiếc gậy và mấy cái bát bể nằm ngổn ngang trên mặt đất.
Nàng vội hỏi Dương-Qua:
- Bọn họ đi đàng nào mất rồi?
Dương-Qua đáp:
- Có lẽ họ đánh cô không được đã kiếm ngõ khác đi rồi, hoặc gọi thêm đồng bọn cũng chưa biết chừng.
Nàng ngẫm nghĩ mãi không hiểu vì sao, bèn đưa một đinh bạc cho Dương-Qua bảo:
- Hay chúng mình tìm mua cho một con lừa đi đỡ chân, chả lẽ cứ cõng nhau hoài họ bàn tán khó chịu quá.
Mua được lừa rồi, trả tiền cơm cho tiệm, Dương-Qua bảo nàng lên lưng lừa ra đi.
Lục-vô-Song gượng đau trèo lên lưng lừa, mặt mày nhăn nhó.
Dương-Qua nói:
- Tiếc vì người tôi hôi hám dơ dáy quá chừng, nên không tiện ngồi phía sau để đỡ cô được.
Lục-vô-Song gắt lớn:
- Thôi đi, lúc này đừng nói lắm chuyện nữa.
Nói rồi giật cương cho lừa chạy.
Con lừa chưa thuần tánh, tung bốn vó nhảy tới, hất nàng lăng xuống đất.
Lục-vô-Song còn đau bỗng bị té bất ngờ rêm cả mình mẩy giận quá nạt:
- Ta té mi thích lắm sao, cứ đứng ngó không thèm lại đỡ hộ.
Dương-Qua cười nói:
- Tôi dơ dáy, hôi hám lắm, đâu tiện đứng gần cô mà nâng với đỡ?
Nàng tức quá nên phải dịu giọng:
- Thôi phủi hộ áo quần ta đi.
Dương-Qua cười cười, bước lại phủi.
Lục-vô-Song lại nói:
- Đỡ hội ta lên lưng lừa chứ.
Dương-Qua bồng nàng đặt lên yên. Con lừa thấy có người ngồi lại dợm chân muốn chạy lồng như lần trước.
Nàng nhìn xuống bảo:
- Thôi, dắt hộ nó đi cho rồi.
Dương-Qua đáp:
- Tôi lại gần sợ nó đá lắm.
Lục-vô-Song bực trí quá nhưng cũng tức cười, nghĩ thầm:
Thằng này quá quắt lắm chứ có ngu ngốc tý nào đâu. Hắn muốn trả đũa mình xua đuổi khi nãy đây mà.
Phải ngọt với hắn mới được.
Nàng bảo nho nhỏ:
- Thôi cậu lên ngồi chung với tôi vậy.
Dương-Qua lắc đầu đáp:
- Tôi cũng muốn lắm. Nhưng vì mình mẩy hôi hám quá, e rồi cô không bằng lòng, lại xua đuổi nữa xấu hổ lắm.
Lục-vô-Song giả lả:
- Thôi mà, đừng làm bộ nữa. Sao mà lắm lời thế, ta đã yêu cầu mà còn xua đuổi gì nữa. Sao mà giận dai quá.
Dương-Qua nhoẻn miệng cười rồi nhảy phóng lên phía sau, hai tay ôm nơi vai Lục-vô-Song, đôi chân thúc nhẹ vào hông lừa, khiến nó tung vó chạy nước kiệu mau như gió.
Ngồi trên lưng lừa, Dương-Qua hỏi Lục-vô-Song:
- Bây giờ cô muốn đi về xứ nào đây?
Lục-vô-Song thừa hiểu hễ đi về phía Đông đến ải Đồng-Quan rồi đi theo đại lộ tiến về hướng Nam dễ dàng yên ổn lắm. Ngặt vì lối này bị mấy tên ăn xin chận đường phá rối, nếu bây giờ đi theo đường cũ tất nhiên bè đảng của hắn sẽ chận đường gây sự khó bề đối phó được.
Thà đi theo tiểu lộ qua Trúc-lâm-quan, đến Long-cầu trại rồi theo lối Tử-kinh-quan về thẳng phía Nam cũng được. Lối này tuy phải đi vòng, đường xa thêm mấy đoạn, nhưng không ngại bọn ăn mày đón đường phá rối thuận tiện hơn.
Vì vậy nên nàng đáp:
- Chúng ta nên đi về hướng Đông-Nam thì hơn.
Dương-Qua giục lừa bon bon chạy về phía ấy.
Lừa đến một chỗ chợ đang họp, thình lình có một đứa bé có vẻ con nhà nông dân, đứng chực sẵn đầu đường, đưa tay đón lừa lại, đon đả nói:
- Lục cô nương. Có thư của người gửi cho cô nương đây này.
Nói xong hắn tung lên một bó hoa tươi.
Lục-vô-Song bỡ ngỡ đưa tay đón lấy bó hoa, thì đứa trẻ cũng kiếm đường lánh mất. Nàng nhìn lại thấy bó hoa gồm một số hoa thông thường, chính giữa có cài một bức thư.
Nàng vội bóc ra thấy bên trong viết trên một mảnh giấy vàng, đề vội mấy dòng chữ:
"Tôn-Sư sẽ đến ngay bây giờ.
Hãy tìm lối lánh đi, Gấp lắm".
Chữ viết vô cùng sắc sảo, nét bén như gươm, có lẽ do một bàn tay cự phách văn chương chứ chẳng phải tầm thường.
Xem xong, Lục-vô-Song bồi hồi lo sợ run lập cập nghĩ thầm rằng:
- Vì sao đứa bé này biết được họ của ta? Vì sao kẻ viết thư chắc chắn sư phụ ta sắp đuổi đến?
Thật hết sứ huyền hoặc lạ lùng!
Nàng băn khoăn hỏi Dương-Qua:
- Cậu có biết đứa bé vừa rồi con cháu mà ai, hay là người của cô nương cậu sai đến chăng?
Nãy giờ ngồi sau, Dương-Qua nhìn qua vai nàng đã đọc xong bức thư rồi. Chính chàng cũng hết sức ngạc nhiên về hành tung của đứa bé và lời lẽ trong phong thư. Chàng suy nghĩ:
- Thằng bé xem có vẽ lam lụ chất phác, có lẽ do kẻ nào thuê hay mượn và dặn nó đưa thư dùm chứ không can hệ chi cùng người viết thư. Còn người viết thư thì thật hoàn toàn bí mật. Kể ra họ cũng có hảo tâm mách dùm. Nếu quả thật Lý-mạc-Thu sắp đến đây thì cũng nguy hiểm lắm. Biết tính sao đây cho ổn.
Mặc dầu Dương-Qua đã học được bộ đệ nhất kỳ thư của võ Lâm là "Ngọc nữ tâm kinh" và "Cửu âm chơn kinh" nhưng ngặt vì thời gian quá ít chưa tập luyện được thuần thục thành thử nếu bây giờ có gặp thì hẳn vẫn chưa phải là đối thủ của Xích-luyện Tiên tử.
Vừa suy tư, bỗng nghe Lục-vô-Song gạn hỏi. Dương-Qua đáp liền:
- Tôi không hề quen biết hắn. Chắc hắn không phải là người của cô nương tôi đâu.
Trong lúc đang nghĩ ngợi chưa biết làm gì cho đúng, thình lình có tiếng ca nhạc, sáo đàn từ xa vọng lại. Phía trước lô nhô một đám đông trên mấy chục người, ăn mặc tề chỉnh, cũng rước một cỗ kiệu hoa từ từ đi đến. Có lẽ đây là một đám cưới của nhà ai, đang rước dâu đón rễ gì đây.
Cứ nghe tiếng đàn tấu thì chỉ những bản thông thường trong các đám rước bình dân chẳng có những bài du dương réo rắt của những đám rước xa hoa của các hạng phong lưu quý phái. Tuy nhiên nhạc điệu trầm bổng nghe cũng rất trang nhã êm tai. Kẻ qua đường ai cũng dừng chân đứng lại để nghe.
Dương-Qua thấy trong lúc ban ngày, thanh thiên bạch nhật chốn đồng hoang đường vắng, nếu Lý-mạc-Thu đến đây, biết chỗ nào ẩn nấp cho tiện.
Bỗng chàng nảy ra một sáng kiến và quay sang hỏi nhỏ Lục-vô-Song.
- Lục cô nương, hay là cô tạm chun đỡ vào kiệu cô dâu lánh mặt đi nhé!
Lục-vô-Song đang băn khoăn lo lắng chưa biết tính sao, bỗng nghe hỏi đột ngột có vẻ nửa đùa nửa thật thì phát cáu gắt:
- Ngốc, sao hay đùa bậy bạ vậy.
Dương-Qua cười bảo:
- Không bậy đâu. Tôi thiết nghĩ nếu cô thay đổi áo cưới của cô dâu, may ra sẽ che mắt được Sư-phụ Lý-mạc-Thu. Ngoài ra không còn cách nào hay hơn nữa.
Lục-vô-Song suy nghĩ một lát rồi hỏi:
- Ta giả cô dâu, còn mi trốn đi đàng nào cho người ta khỏi nghỉ?
Dương-Qua khúc khích đáp:
- Tôi sẽ cải trang làm chú rể.
Lục-vô-Song nghĩ:
- Hắn tinh như vậy mà hay đấy, không ngờ thằng ngốc mà có lắm mưu mẹo hay đáo để!
Nghĩ rồi ôn tồn hỏi lại:
- Nhưng làm sao cải trang giả dạng thành cô dâu chú rể bây giờ?
Dương-Qua lặng thinh không đáp. Giục lừa bước mau về phía ấy.
Phàm những con đường làng phần nhiều chật hẹp. Đám rước có kiệu kềnh càng người lại đông, chen lấn nhau đi thành hàng dài, không thể bước qua hai bên vì có nhiều bụi gai, hốc đá. Thấy lừa xăm xăm chạy về hướng ấy, mọi người hết sức sợ hãi vội kêu lớn:
- Xin nhị vị dừng bớt lại kẻo nguy hiểm lắm.
Dương-Qua chẳng đáp, cứ cho lừa đi mau hơn nữa.
Bỗng có hai người tráng đinh vạm vỡ xông đến nắm chặt dây cương thì lừa lại.
Dương-Qua đưa chân đá cho mỗi người một đá té ngửa bên đường xa mấy thước, rồi chạy thẳng tới trước, miệng bảo Lục-vô-Song.
- Tôi cải trang làm chú rể đây này.
Độ mươi thước, chàng gặp một thanh niên tác độ 17, 18 tuổi ăn mặc áo quần mới, đội mũ có kết hoa vàng, ngồi trên con bạch mã vừa chờ tới.
Dương-Qua đưa tay nắm lấy, ném bổng lên cao hai trượng chờ rơi xuống hứng lấy đặt đứng một bên lề. Mọi người hoảng kinh thất vía. Tuy có nhiều trai tráng vạm vỡ nhưng nhìn thấy sức lực và bản lĩnh của Dương-Qua quá cao siêu nên chẳng một ai dám hó hé lời nào. Trong đám có mấy vị bô lão mặc áo rộng xanh vội vàng chạy đến trước mặt chàng chắp tay vái dài thưa rằng:
- Tâu đại-vương, nếu Đại-vương cần dùng bao nhiêu bạc vàng hay của cải, chúng tôi xin dâng nạp để Đại-vương lòng tha cho chú rể một phen.
Dương-Qua ngước mặt lên trời cười ngất và nói với Lục-vô-Song:
- Cô thấy không? Họ gọi tôi bằng Đại-vương. Tôi có làm vua to, chúa lớn nào đâu mà họ gọi thế nhỉ?
Lục-vô-Song lộ vẻ lo âu bảo khẽ:
- Thôi, cậu đừng đùa nữa, tính điều gì thì làm phúc cho mau tiếng nhạc "Loan-linh" trên cổ lừa của Lý-mạc-Thu đã reo vang có lẽ cũng gần đến đây trong chốc lát.
Dương-Qua đứng yên, lặng tai nghe thử. Quả thật đã nghe tiếng nhạc "Loan linh" trên cổ lừa Lý-mạc-Thu reo lên văng vẳng. Xưa nay chỉ có lừa của Xích-luyện Tiên tử mới có buộc loại lục lặc này mà thôi. Chàng cũng thất kinh, bắt đầu lo ngại.
Nguyên Lý-mạc-Thu vốn hay tự cao tự đại cho mình là tay võ nghệ tuyệt luân, trên đời không ai cự lại. Hễ nàng muốn hạ sát kẻ nào chỉ cần in trước một bàn tay máu để cảnh cáo rồi đương nhiên đến giết sau, không thể nào thoát nổi. Để áp đảo tinh thần nạn nhân, nàng dùng máu bôi trên vàng, đúc thành những lục lạc đặt tên "Loan-linh" tiếng kêu lảnh lót, vang đi rất xa, ai nghe tiếng cũng biết nàng sắp đến. Đối thủ của nàng nghe tiếng nhạc "Loan-linh" reo lên chẳng khác nào nghe tiếng hú của tử thần, nên hồn phi phách lạc.
Dương-Qua nghe nhạc rung nghĩ thầm:
- Quả đúng là hắn đã đến gần tới nơi rồi!
Tuy vậy chàng vẫn giữ nét mặt tỉnh khô, cười cười nói đùa cùng nàng:
- Nhạc chi đâu? Chẳng qua tiếng chuông reo của bọn bán kẹo chứ có gì mà lo ngại.
Dương-Qua nhìn mấy cụ già nghiêm nghị nói:
- Ta có một việc yêu cầu. Nếu các người đồng ý thì mọi việc đều yên. Nếu không thì cứ xem đây mà làm gương.
Lập tức chàng đưa tay nắm hai giò chú rể quăng tuốt lên trời rồi đưa tay hứng bắt như khi nãy. Lúc được đặt xuống đất đứng run như cầy sấy, mặt không còn chút máu, rồi sụp xuống lạy cố mạng.
Mấy cụ già, bọn phù dâu phù rể đứng sắp hàng trước mặt chắp tay thưa:
- Đại-Vương cần sai khiến điều gì xin cứ chỉ dạy, chúng con xin tuyệt đối tuân theo.
Dương-Qua cười lớn rồi đưa tay chỉ Lục-vô-Song nói:
- Chị ta đi ngang qua đây thấy đám cưới linh đình, cô dâu chú rể có vẻ đầy đủ hạnh phúc, nên có ý muốn giả dạng thử xem thế nào.
Lục-vô-Song vội gắt:
- Thằng Ngốc, cứ nói bậy hoài. Dương-Qua không thèm cãi, cứ nói tiếp:
- Các cô hãy đem y phục cô dâu mặc vào cho nàng, mau lên. Còn ta thử đóng vai chàng rể xem thế nào.
Cả bọn tuy khiếp sợ nhưng cũng thấy lạ lùng, cùng suy nghĩ:
- Xưa nay chỉ có trẻ em con nít mới giả làm chú rể cô dâu để cùng nhau nô đùa. Ngờ đâu bọn ăn cướp mà cũng thích đóng tuồng này, lạ thực. Chắc chắn họ có dụng ý gì đây.
Họ chẳng biết chuyện đùa hay thật, cứ đứng nhìn trân. Hơn nữa thấy đôi nam nữ, người nào cũng xinh tươi duyên dáng, quả xứng lứa vừa đôi, nếu mặc áo cô dâu chú rể thật quả là đôi vợ chồng lý tưởng.
Nhưng chẳng hiểu hai người muốn đóng kịch để làm chi.
Ai nấy cứ đứng trố mắt ra nhìn, thì tiếng nhạc rung cũng gần sắp đến.
Dương-Qua lật đật nhảy xuống, xách chú rể đặt lên lưng lừa, bỏ Vô-Song coi chừng đó rồi chạy đến kiệu hoa vẹt màn kéo nàng dâu ra.
Cô dâu cũng hoang mang bỡ ngỡ chưa rõ chuyện gì nhưng vì thấy mọi người yên lặng cũng ríu rít đi theo không một lời chống cự. Tấm khăn hồng vừa kéo xuống lộ ra vẻ mặt phúc hậu, đầy đặn của một thiếu nữ khá đẹp.
Thấy Dương-Qua bước lại nhìn mình cười cười miệng khen đẹp đẹp, xinh xinh. Cô dâu sợ quá run rẩy, chẳng dám hở môi.
Dương-Qua bảo:
- Muốn bảo toàn tánh mạng, mau mau cởi cho mượn bộ y phục cô dâu ngay lập tức.
Lục-vô-Song càng nghe nhạc "Loan-Linh" reo gần tới, dạ nóng như bốc lửa, mà thấy Dương-Qua cứ đứng cà rà đùa dỡn mãi cũng nổi tức vội hét lớn:
- Mau lên chứ ngốc!
Mọi người chẳng hiểu nàng nạt ai là Ngốc, thảy đều lo sợ vội vàng thúc cô dâu:
- Cởi áo ra mau dâng cho Đại-Vương đi con.
Chưa đợi nàng dâu cởi xong, một vị bô lão xáp lại cởi gấp chiếc áo gấm đem đưa cho Lục-vô-Song liền.
Dương-Qua lột hết áo quần chú rể mặc vội mặc vàng vào người miệng thúc hối Vô-Song:
- Mau sang ngồi trên kiệu đi chứ.
Lục-vô-Song vội vàng leo lên kiệu ngồi yên, buông rèm xung quanh xuống.
Dương-Qua định gọi bảo thay luôn đôi hài nữa nhưng vì nghe nhạc reo quá gần đâu đây rồi, nhắm chẳng kịp nữa nên thét bọn phu kiệu:
- Cứ tự nhiên khiên về phía Đông-Nam, đờn sáo cứ lên như thường lệ, ai lo phận nấy tự nhiên như thường. Nếu tên nào hó hé lộ tình ý gì khác, đừng trách ta độc ác đây nhé.
Nói rồi phóc lên mình bạch mã, đủng đỉnh theo phía sau kiệu.
Mọi người từ mấy cụ già, cô bác đôi bên, các cô phù dâu, mấy chú phụ rể nghe lệnh thảy răm rắp làm theo.
Kiệu đổi hướng đi được một đoạn đường. Bỗng tiếng nhạc "Loan-Linh" đã tới nơi, có hai nữ lang kẻ mặc đồ trắng, người mặc áo vàng, cỡi ngựa đi tới và vượt qua phía trước.
Lục-vô-Song ngồi trong kiệu hoa, nghe nhạc Loan-Linh rung dòn bên tai ruột gan muốn rã rời, thần trí muốn bấn loạn trong dạ nghĩ thầm:
- Phen này thật khó thoát nổi.
Dương-Qua giả bộ thẹn thùng ngồi trên ngựa cúi gầm đầu xuống đất, tay mân mê bờm ngựa.
Lý-mạc-Thu hỏi lớn:
- Mấy người có gặp một cô gái thọt chân đi khập khễnh qua lối này không?
Mấy ông lão cùng vòng tay lễ phép đáp:
- Thưa cô nương không ạ.
Nàng hỏi tiếp:
- Các người cũng không thấy có thiếu nữ nào, nước da ngâm ngâm, mặt đẹp, cỡi lừa đi ngang đây không?
Mấy cụ cũng đồng thanh đáp:
- Dạ, thưa không thấy nốt. Chúng tôi không gặp một người nào hết.
Lý-mạc-Thu giục lừa muốn vượt qua kiệu hoa, bỗng tò mò dừng lại đưa cán phất trần khều bức rèm vẹt ra đưa mắt nhìn vào rồi à một tiếng lớn.
Dương-Qua thất kinh, vội thúc ngựa gần, định bụng nếu rủi chuyện bị lộ sẽ ra tay trước.
Dương-Qua thất kinh, vội thúc ngựa gần, định bụng nếu rủi chuyện bị lộ sẽ ra tay trước.
Nhưng Lý-mạc-Thu chỉ à một tiếng và khen lớn:
- Cô dâu đẹp quá!
Rồi nhìn lại phía Dương-Qua, tươi cười nói:
- Chàng rể khéo đường tu mới được một cô vợ phúc hậu như vậy. Ta có lời mừng cho đấy.
Dương-Qua giả dò e lệ, cuối gầm mặt xuống, mân mê tà áo gấm.
Khi lắng tai nghe tiếng nhạc rung xa, Dương-Qua lạnh lùng tự hỏi:
- ủa, sao không có Lục-vô-Song trong kiệu, nếu có sao hắn nhận diện chẳng ra?
Nghĩ xong giục ngựa chạy tới, kéo rèm nhìn trong kiệu.
Chàng hoảng hốt mặt mày tái xanh, run run nhìn cô dâu đang bỡ ngỡ ngó mình, còn Vô-Song đi đâu mất, chàng gọi:
- Cô đâu rồi?
Có tiếng cười khúc khích, phía dưới chân cô dâu đống áo quần rung động, Vô-Song ló đầu lên, vừa cười vừa đáp:
- Ta đây nè! Thế mà không thấy, dở quá!
Thì ra lúc Lý-mạc-Thu đang hỏi chuyện, Lục-vô-Song biết ý hắn vô cùng tinh tế, không bao giờ chịu bỏ đi ngay cho nên chun dưới chân cô dâu, dùng áo quần che lên trên thật kín.
Nghe nàng thuật lại, Dương-Qua cười hì hì khen có tài tháo vát, đoạn bảo cô dâu:
- Thôi cô em xuống đây dùng lừa đỡ một khúc đường nhé.
Lục-vô-Song cũng xã giao nói thêm:
- Chị vui lòng hy sinh một tý cho trót nhé.
Cô dâu ngoan ngoãn tuân theo chẳng dám nói lời nào, chạy lại leo lên lừa ngồi chung phía trước chú rể.
Đám rước dâu với hai cặp dâu rể cứ hướng cũ thẳng tiến, chẳng bao lâu mặt trời đã xế bóng.
Mấy ông già vội vàng chạy tới trước mặt Dương-Qua lễ phép thưa:
- Xin Đại-Vương tha cho để hai cháu về nhà làm lễ tơ hồng kẻo trễ giờ mất.
Dương-Qua trợn mắt hét:
- Không được kêu nài gì hết, im mồm!
Ai nấy thất kinh nín thin thít.
Ngay lúc đó, Dương-Qua thấy trước mặt loang loáng một cái bóng đen nhảy vụt ra rồi chạy thật mau vào khu rừng kề đó.
Giục ngựa đuổi theo gần kịp, thấy đó là một tên ăn xin, áo quần rách rưới.
Dương-Qua nghĩ bụng;
- Chẳng hiểu bọn này lại muốn kiếm chuyện gây rối gì nữa đây? Mặc kệ hắn, mình nên trở lại tốt hơn.
Quay ngựa về đến gần kiệu hoa, Lục-vô-Song đã vén rèm thò đầu nhìn ra hỏi gấp:
- Có chuyện gì lạ không?
Dương-Qua nói đùa:
- Có chứ, tại cô vô ý mà hỏng cả chuyện rồi, có lẽ hắn đã biết bọn mình rồi cũng nên.
Lục-vô-Song thất sắc hỏi dồn dập;
- Lỗi ta chỗ nào, nói mau.
Dương-Qua nghiêm mặt nói:
- Phàm cô dâu mới về nhà chồng phải âu sầu, khóc lóc sụt sùi tỏ vẻ thương nhớ mẹ cha, chứ cô mặt mày lúc nào cũng tươi rói như người được ăn cỗ. Như thế bảo người ta, nhất là hắn, không hoài nghi sao được.
Lục-vô-Song nguých chàng một cái mắng khẽ:
- Im mồm đi, Ngốc!
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Thần Điêu Hiệp Lữ.