Chương 24 - Cải trang đạo sĩ gạt Lý-mạc-Thu
-
Thần Điêu Hiệp Lữ
- Kim Dung
- 7030 chữ
- 2020-05-09 09:44:03
Số từ: 7023
Nguồn : sưu tầm
Đoàn người cứ đi mãi, chẳng bao lâu đến một vùng rừng núi thâm u hiểm trở. Đường đi hẹp dần, thêm gồ ghề mà giốc nữa. Những phu khiêng kiệu phải đi chầm chậm, gặp những chỗ giốc quá phải lấy tay níu vào cây cỏ mà lên. Ai nấy đều mệt bùng tai, mồ hôi nhễ nhại, nhưng vì sợ oai Dương-Qua cứ bặm môi đi mãi chẳng dám nói một lời. Thế là một đêm qua.
Nhìn từng đàn quạ đen bay lượn trên đầu đèo hóc núi, cô dâu chú rể thở dài mến tiếc một đêm qua. Đáng lẽ cái đêm đầu tiên đầy hạnh phúc bắt đầu cuộc tình duyên son trẻ, nào ngờ lại một đêm vất vả phải lội núi băng rừng.
Nhưng dầu sao họ vẫn mừng thầm vì bọn cướp này không hề xâm phạm đến người hay tiền của. Đoàn đám cưới vừa vượt qua khỏi đèo, thình lình trong hốc núi có tiếng người vang lên:
- Cô nàng hãy dừng lại. Muốn đi qua phải biếu lại một mũi hay một cái tai mới được.
Lục-vô-Song giật mình xanh mặt than thầm:
- Lại bọn ăn mày đến sanh sự nữa đây.
Tức thì có ba người cao lớn vạm vỡ từ trong ấy bước ra đón đường, so với bọn hôm trước có vẻ hùng dũng mạnh bạo hơn nhiều.
Dương-Qua để ý thấy người nào bên vai cũng có đeo bảy cái túi. Cứ như số túi nhiều hơn, chắc bọn này phải lợi hại hơn và quyết đến đây ăn thua với bọn mình một phen nữa.
Đoàn người sửng sốt nhìn ba người chẳng biết xử ra sao. Một người trong số phu kiệu, cầm cây gõ nhẹ vào đầu một tên bảo nhỏ:
- Hãy tránh ra cho mau.
Người nọ chẳng hề né tránh, đưa tay chụp lấy chiếc cây, đập một cái, làm người phu kiệu té nhủi đập mặt xuống đất chảy máu mũi đỏ lòm.
Ai nấy cũng muốn xông lại đánh cho bọn ăn mày một trận nên thân, nhưng vì nhớ lại trận Dương-Qua làm dữ nên lo ngại không hiểu bọn này ra sao, có phải cùng bọn với Đại-Vương kia chăng.
Vì vậy không ai bảo ai, cùng lùi ra sau mấy bước nhìn.
Một đứa trong ba người ăn mày nói:
- Bà con có chuyện vui mừng, xin bố thí cho chúng tôi một bữa ăn.
Lục-vô-Song nói nhỏ với Dương-Qua:
- Này cậu, ta đang bị đau chưa lành, cậu làm ơn ra tay giúp hô nhé.
Dương-Qua gật đầu, thúc ngựa trờ tới hét lớn:
- Bọn ăn mày, khôn hồn mua tránh ra xa cho người ta đưa đâu, nếu cãi lệnh thì không toàn tánh mạng.
Ngày hôm qua, bọn sáu túi có bị Dương-Qua phun xương điểm huyệt nhưng chúng không ngờ, cứ đinh ninh là do Lục-vô-Song, vì vậy nên lôi về báo cáo lại với các sư thúc và sư bá cấp bảy túi không nói về tài nghệ của Dương-Qua.
Một tên xốc tới bất thình lình khiến con ngựa của chàng hoảng sợ nhảy thụt lùi ra sau. Dương-Qua giả vờ lúng túng muốn té, một chập mới gượng ngồi lại được.
Bọn ăn mày thấy chú rể nhút nhát quá nên tránh ra xa hơn.
Nguyên những tên ăn mày trong Cái bang tuy đi ăn xin nhưng hành động rất quang minh quân tử, chuyên cứu khổn phò nguy chứ không bao giờ hà hiếp kẻ yếu. Hôm nay họ đến đây là cốt gây chuyện cùng Lục-vô-Song chứ không có ác ý cùng Dương-Qua hay những người khác.
Thấy Dương-Qua tay không, chẳng có khí giới, lại có vẻ nhút nhát hoảng sợ ngồi lảo đảo muốn té nên họ bước lại đỡ họ.
Dương-Qua hỏi:
- Mấy người cần tiền ta sẽ cho tiền, chứ tại sao đi cản đường ngăn nẻo như vậy?
Rồi chàng ném cho mấy đồng tiền.
Ba người theo lệ của Cái Bang cúi xuống lấy và tỏ lời cám ơn.
Dương-Qua thích chí nói với Lục-vô-Song:
- Tôi đã vâng lời cô dẹp đường yên rồi đấy.
Lục-vô-Song gật đầu rồi nhìn ba người ăn xin hỏi lớn:
- Các người tại sao cứ đi theo ngăn đường ta mãi như vậy?
Một người đáp:
- Anh em trong bang chúng tôi được biết cô nương bản lãnh cao cường nên phái chúng tôi lại xin lãnh giáo vài ngón tuyệt diệu của phái Cổ-Mộ.
Lục-vô-Song đáp:
- Hiện nay ta chẳng may bị nội thương nặng, tay chân đau nhức không cử động mạnh được. Nếu các ngươi muốn thử sức xin chờ một dịp khác, khỏi đau rồi ta sẽ lãnh giáo ít hiệp. Ta nghĩ rằng, theo tôn chỉ tốt đẹp của bang Khất Cái xưa nay, có lẽ các ngươi cũng không bao giờ đi bức bách một phụ nữ đang lúc bị thương chưa khỏi tin rằng những người có địa vị trong Cái Bang sẽ hành động theo đường lối quân tử.
Tuy là ăn xin, nhưng cả thảy là những người khá trong bang, biết điều xử sự. Khi nghe Lục-vô-Song phân trần, họ cũng cho là hữu lý nên cùng suy nghĩ.
Một người nói:
- Được, ta bằng lòng chờ nàng hết đau sẽ hay.
Nhưng một người khác ngăn lại nói:
- Khoan đã! Cô nói đau nhưng biết cô quả thật đau hay chỉ là lấy cớ để thoái thác. Chúng ta muốn được chứng minh cụ thể hơn. Nếu quả thật ta sẽ tha cho lần này.
Thật ra hắn không biết Lục-vô-Song bị thương nơi bụng nên mới yêu cầu vô ý như vậy.
Lục-vô-Song đã sẵn có tật nên khi nghe hắn nói thì nổi xung giận tím mặt, phát run cả tay chân, nhưng cố gắng nén cơn tức, một lát mới nói được:
- Người đời thường ca tụng Cái-Bang là một hội quang minh chính đại, người của Cái-Bang ai cũng là xử thế một cách anh hùng, nhưng không ngờ hôm nay ta mới được thấy rõ chỉ là lời đồn huyễn hoặc và bọn người chỉ là phường vô liêm sỉ.
Ba người ăn mày thấy Lục-vô-Song mắng đùa cả bọn mình, xúc phạm đến toàn thể Cái-Bang thì nổi giận vội vàng vung gậy đập nhầu vào kiệu hoa.
Dương-Qua thấy bọn chúng hành hung vội chạy ra trước kiệu dùng lời giả lả:
- Tôi thấy các ông toàn những người đàn ông, tướng mạo đàng hoàng đáng được kính nể, chẳng hiểu vì sao lại hùa nhau đi ăn hiếp một người đàn bà như vậy. Không sợ người đàn bà cười chê là phương thiếu giáo dục hay sao.
Lời chàng nói cũng nặng nhưng xét cũng hạp lý cho nên cả ba chưa biết đối đáp như thế nào.
Sao đó một người trong bọn mới phân trần:
- Anh em chúng tôi muốn gọi nàng ra cho thưởng thức một vài ngón võ tinh diệu của phái Cổ-Mộ, nàng lại nặng lời sỉ vả nên chúng tôi mới có thái độ vừa rồi chứ đâu phải cậy thế hiếp cô mà người gọi là phường thiếu học?
Nói rồi hắn đưa tay điểm một huyệt, Dương-Qua la ối một tiếng thật to rồi lăn ra đất ôm tay nhăn nhó rên siết dường như đau lắm.
Khi ấy trời đã nhá nhem nên ba người ăn mày không thấy rõ được vết thương của chàng nặng hay nhẹ. Hơn nữa theo quy tắc của Cái-Bang nhất thiết cấm không cho đánh một người không hiểu biết võ nghệ. Vì vậy nên người ấy bối rối lo đỡ dậy để an ủi.
Dương-Qua vừa rên vừa nói:
- Ba lão ăn mày sao mà ngang ngược như thế. Nếu muốn nói chuyện với người ta, họ mắc cỡ không đáp thì tìm cách khác hoặc nhờ ta nói lại chứ có lý đâu đi bức bách đàn bà như vậy.
Ba gã ấy cũng nghĩ bụng:
- Thằng này có dáng điệu ngốc ngốc tàn tàn, như lý sự không ngốc tý nào hết.
Người nhỏ tuổi nhất bước lại hỏi:
- Này, cô gái họ Lục nàng là đau thật hay đau giả vậy?
Thấy hắn nín thinh người lớn hơn nổi nóng trợn mắt hỏi:
- Sao mày có trả lời hay không?
Người thứ ba hỏi thêm:
- Mi và cô gái họ Lục có liên hệ gì với nhau không chú Ngốc?
Dương-Qua giả vờ ngớ ngẩn hỏi lại:
- ủa lạ nhỉ! Sao các ông lại biết rõ tôi đây tên Ngốc mà gọi như vậy?
Người lớn nhất nóng hét:
- Bọn ta đến đây không có mục đích gì hơn là hỏi bọn bây cho biết thế võ gì dùng để phóng lưỡi dao vành cung vào lưng của đồng bọn của ta.
Lục-vô-Song không muốn để Dương-Qua cãi lẫy dằng dai với họ nên thuận miệng đáp lớn:
- Thế võ ấy gọi là "Điêu Thuyền bái nguyệt".
Dương-Qua lớn tiếng cãi:
- Không phải đâu. Thế võ ấy không dài dòng mà chỉ có một tiếng mà thôi. Xem đây này.
Nói chưa dứt lời chàng vung tay đấm luôn mỗi đứa một đấm như búa bổ. Cả ba tên bất ngờ không đề phòng, lãnh mỗi người một thoi ngã bật ngửa ra sau. Lồm cồm đứng dậy, ba người vừa thẹn vừa tức hét lớn:
- ủa, thằng rể này can chi lại bênh hắn, đánh chúng ta?
Tên nóng tính nhất múa gậy xông vào nói:
- Mi muốn sanh sự, ta cho mi nếm miếng đòn cho biết.
Dương-Qua đáp:
- Các ngươi nằn nằn xin lãnh giáo chị dâu ta. Chị ấy đang bị bệnh thì ta đây thay thế để dạy bay vài ngón cũng được rồi. Thật ra ta đâu có bênh ai và cũng chẳng biết chi về câu chuyện nàng hết.
Người ấy nạt lớn:
- Chị dâu mày hay mày cũng được.
Dương-Qua cười cười quay về phía chiếc kiệu hỏi Lục-vô-Song:
- Chị ơi, bây giờ dạy cho chúng thế nào trước đây?
Lục-vô-Song thừa biết bản lãnh của Dương-Qua tuyệt vời đủ sức hạ ba đứa đó, nhưng nàng cũng muốn nhân dịp lòe với bọn chúng nên đáp lại:
- Chú cứ dạy trước thế "Điêu Thuyền chào trăng" đi.
Dương-Qua "vâng ạ" một tiếng rồi xoay mình lại. Lập tức một bàn tay đã vung ra lẹ như chớp đập mạnh vào giữa lưng của tên đứng xa nhất.
Cả ba tên ăn mày ngơ ngác trước lối xuất thủ thần tình của Dương-Qua nên cùng vũ lộng binh khí xông vào vây đánh một lượt.
Dương-Qua đứng yên không nhúc nhích dùng hai tay đưa ra đỡ gạt.
Lục-vô-Song nhìn thấy thế đỡ của hắn thất kinh nghĩ bụng:
- ủa, ai dạy thằng này mà hắn xuất thủ quả đúng theo nghệ thuật của phái "Cổ-Mộ" rồi.
Nàng nhắc thêm:
- Bây giờ dùng thế "Tây Thi ôm bụng" mà tấn công đi.
Dương-Qua dạ lớn rồi quay mình phóng tay nghe "bịch" một tiếng ngay miệng một tên té nhào ra xa gần hai trượng.
Hai đứa khác thấy chàng lợi hại quá nên cố sức tấn công lanh hơn nữa.
Dương-Qua vừa đánh vừa hỏi nữa:
- Chị ơi, còn thế nào nữa, chỉ mau lên chứ!
Lục-vô-Song đáp:
- Đánh luôn thế "Chiêu Quân quá ải" và tiếp theo thế "Tiên cô chúc thọ".
Dương-Qua vòng cánh tay như đang ôm đàn, rồi xòe cả năm ngón tay phải điểm nhẹ vào huyệt nơi thái dương bên trái khiến cho một tên ăn mày ngã nhào ra, toàn thân bủn rủn, không cử động được nữa.
Xong thế "Chiêu quân quá ải" chàng bước sang bên phía mặt, hai tay nắm chặt vào nhau sụp ngồi xuống thật nhanh, nhoài người ra phía trước hất mạnh một đòn ngay hạ bộ của tên ăn mày đang đứng phía ấy bay bổng lên cao, cách đất gần hai trượng rồi cười lớn bảo:
- Cho mi nếm sơ sơ thế "Tiên cô chúc thọ". Ta nhơn đức nương tay chứ nếu đánh đúng miếng thì mi đã theo ông bà rồi.
Nguyên tất cả các thế võ này đều do Lâm-Triều-Anh sáng chế riêng cho giới đẹp để truyền cho phái Cổ-mộ. Tất cả đệ tử phái Cổ-Mộ đều là đàn bà cho nên cái thế võ cũng phải có tên đẹp, lối múa uyển chuyển dịu dàng hợp với bản chất người đẹp.
Những thế ấy không bao giờ truyền cho đàn ông. Nhưng vì Tiểu-long-Nữ thấy Dương-Qua trung thành với mình cho nên mới đặc biệt đem ra dạy cho chàng.
Dương-Qua đem mấy ngón ra cốt để biểu diễn cùng Lục-vô-Song và thị uy với ba người trong Khất Cái chứ không hề có ác tâm. Vì vậy cho nên các tên ăn mày tuy bị đánh trúng nhưng không ai bị thương nặng.
Nhưng họ nào rõ dụng tâm của Dương-Qua, cứ đinh ninh rằng chàng chưa đủ sức nên có ý xem thường cứ lăn sả vào đánh ráo riết.
Dương-Qua giả bộ nhảy đông nhảy tây, lánh né lăng xăng, miệng la ó:
- Chị ơi, sao lặng thinh mất rồi? Muốn ở góa hay sao mà không chịu nhắc cho vài thế nữa để chống cự với người ta.
Lục-vô-Song bảo:
- Hãy dùng thế "Văn quân hơ tay" và "Quý phi say rượu" đi.
Dương-Qua đưa tay lên cao như người đang rót rượu, chọi trúng đầu tên nóng tính rồi ngồi xụp xuống thấp tung luôn hai đòn liên tiếp vào giữa bụng tên thứ hai.
Cả ba vừa lo sợ vừa bực tức và hổ thẹn, đem hết tàn lực ra đánh ráo riết nhưng cũng không thể nào động được một đòn nào vào mình của Dương-Qua.
Dương-Qua lách mình tránh né các đòn của ba người như trò đùa, thỉnh thoảng khẽ đập vào chúng như để chọc ghẹo cho vui chứ không làm đau hay gây thương tích.
Lục-vô-Song thấy chàng biểu diễn tất cả các ngón một cách quá sức tài tình thì khoái chí quá, nhắc luôn hai thế "Lộng ngọc thổi tiêu" và "Thần nữ vượt sóng". Nói đến đâu Dương-Qua biểu diễn đến đó một cách hoàn toàn, khiến cho nàng phải đem lòng thán phục.
Sau cùng muốn thử tài chàng đúng mức, nàng nhắc đến một thế thật khó "Võ-hậu buông rèm".
Chẳng ngờ nàng vừa nói dứt lời Dương-Qua đã vận sức vào hai tay xỉa tới trước vẹt ra như vén màn, gạt cả ba đối thủ văng ra xa lắc.
Lục-vô-Song phục quá sức, hứng chí nói thêm:
- Diễn luôn thuật "Cười dòn dã" xem thử thế nào?
Nguyên thuật này cho phái Cổ mộ đặc biệt chế biến ra theo câu "người đẹp cười nghiêng nước đổ thành" nếu luyện đến chỗ tinh vi, sẽ khiến cho địch thủ vỡ mật ngã quay ra đất. Đó là một nghề tuyệt diệu một phần dựa theo "Ngọc nữ tâm kinh" và một phần theo "Cửu-âm chơn-kinh".
Dương-Qua vận sức đầy đủ cất tiếng cười khan. Lúc đầu giọng cười như nước chảy ngọc reo, dần dần đổi khác như ma gào quỷ ré, tiếng cười lộng kêu như xoáy vào màng nhĩ khiến cho ba cao thủ bảy túi của Cái Bang chịu không nổi, bay hồn mất vía, nhào lăn ra đất cả.
Lục-vô-Song bước lại đỡ họ dậy.
Dương-Qua vừa dứt tiếng cười, ba người ăn xin cũng hoàn hồn hoảng kinh tìm đường chạy mất.
Tất cả mọi người trong đám cưới thấy cặp này tài ba lỗi lạc, bản lãnh cao cường quá nên càng sợ hơn nữa, nhất nhất nghe theo ý muốn chẳng dám cãi lại.
Cả đoàn nghỉ ngơi một chặp rồi tiếp tục đi lại. Qua canh hai đêm đó vừa tới một thị trấn có vẻ sầm uất.
Dương-Qua cho đoàn đám cưới về làng rồi cùng Lục-vô-Song bước vào một quán rượu, gọi thức ăn.
Vừa ngồi lại bàn định ăn, bỗng có một bóng đen chạy vụt vào. Nhưng vừa thấy hai người thì bóng ấy vội chạy ra rồi biến mất.
Dương-Qua ngạc nhiên phi thân đuổi theo.
Ra khỏi cửa ngõ một chặp, thấy có hai người đạo sĩ dáng điệu quen quen. Hai đạo sĩ vừa nhìn thấy mặt Dương-Qua vội bỏ chạy trốn. Dương-Qua sực nhớ lại hai tên đạo sĩ này quả là Cơ-Thanh-Hư và Bì-Thanh-Huyền đã cùng bọn Triệu Hàn... vây đánh Lục-vô-Song tại Sài-Lang cốc bữa nọ.
Chàng đứng suy nghĩ:
- Tại sao bọn này cứ theo dõi mình hoài. Hay chúng có dự mưu gì đây chẳng sai. Ta nên nói lại và bàn cách đối phó cùng Lục-vô-Song mới được.
Chàng chạy vào tiệm ghé tai thuật lại cho Lục-vô-Song nghe. Thuật chưa hết chuyện lại thấy bóng hai đạo sĩ thấp thoáng phía trước nữa.
Kế đó có tiếng nhạc Loan linh reo vang cách quán chẳng bao xa. Hai tên đạo sĩ nghe tiếng nhạc bỗng lộ vẻ đớn đác lo sợ, vội vàng chạy vào phòng bên đóng cửa lại.
Dương-Qua thấy thái độ ấy cũng lấy làm lạ, tự nghĩ:
- Hai đứa này có liên hệ gì Lý-mạc-Thu hay sao mà xem bộ hớt hải sợ sệt tìm đường trốn tránh như vậy?
Lục-vô-Song thì buồn buồn, gục đầu nghĩ kế chẳng ra, ngước mắt hỏi Dương-Qua:
- Sư phụ ta đã đến nữa đây. Chúng mình phải xử trí bằng cách nào bây giờ?
Dương-Qua điềm nhiên đáp:
- Nếu cần ta cũng cứ đánh chứ sợ gì nữa?
Tiếng lạc reo vang phía cửa trước, có tiếng Lý-mạc-Thu nói:
- Ba con, con hãy lên đứng trên nóc nhà xem chừng đi.
Tiếp đó người chưởng quỳ lễ phép thưa:
- Kính thưa lão gia, có phải có kẻ nào vừa vô lễ làm xúc phạm đến quý thể nên lão gia muốn tìm bắt để trị chăng?
Lý-mạc-Thu tự cho mình còn trẻ và đẹp lắm. Vì vậy nàng rất kỵ và oán hận những kẻ nào gọi mình là "gia" hay dùng danh từ "lão" để gọi mình.
Hôm nay nghe tiếng "lão gia" từ miệng người chưởng quỹ thốt ra, nàng phừng phừng nổi giận khẽ dùng phất trần phẩy nhẹ trên đầu, khiến hắn ngã lăn ra chết tốt.
Tên Tiểu-nhị lấm lét đứng đầu phòng nhìn ra thấy nàng chỉ phẩy sơ một cái giết một mạng người, hồn vía đều bay lên mây, hết đứng tại chỗ.
Lý-mạc-Thu hỏi hắn:
- Mi thấy có một đứa con gái thọt chân vào trong tiệm này không?
Tiểu-nhị điếng hồn đứng há miệng ấp úng mãi nói chẳng ra lời.
Lý-mạc-Thu hự một tiếng rồi rảo bước đi thẳng vô phòng bên cạnh ở mé phía Tây. Phòng này là nơi ẩn nấp của bọn đạo sĩ.
Dương-Qua cho rằng nếu lúc này đi trốn là thuận tiện nhất. Nếu cỡi ngựa đi ra quán, Hồng-lăng-Ba đứng trên mái ngói sẽ trông thấy ngay. Nhưng với tài nghệ của hắn cũng không ngại lắm.
Chàng hỏi Lục-vô-Song:
- Bây giờ bọn mình nên trốn ngay là hơn, cô nghĩ sao?
Lục-vô-Song liếc mắt nhìn ra bên ngoài, lòng chưa dám quyết định ra sao cả và nghĩ thầm:
- Nếu mi lại giải thoát cho ta thêm lần nữa thì quả là ơn sâu như trời cao biển rộng.
Trong khi hai người còn phân vân bàn kế thoát thân thì có một bóng người từ phòng phía Tây chạy vụt qua, đến cạnh bàn nói nho nhỏ đủ nghe:
- Hai người mau mau theo tôi để chạy trốn.
Vừa dứt câu, người ấy đã vụt lao mình vào đêm tối.
Dương-Qua chưa nhìn được mặt người ấy, chỉ nghe tiếng nói có vẻ thanh tao nhưng cương nghị, bóng người thanh thanh không cao không thấp, nhỏ hơn Lục-vô-Song chút ít, mặc áo rộng tay màu xanh biên biếc.
Ngay khi ấy, tiếng nhạc lại reo vang, Dương Qua hoảng hốt đưa tay kéo Lục vô Song chạy gấp về hướng Bắc.
Bỗng đâu có tiếng Hồng lăng Ba báo động từ trên mái ngói vọng cuống:
- Có người đang cưỡi lừa chạy về hướng Bắc đấy, sư phụ ơi!
Lục vô Song quýnh lên, bảo nhỏ:
- Trời ơi, chạy mau lên, nguy quá rồi.
Nhưng Dương Qua lại nghĩ khác:
- Đối với một kẻ có tài khinh công tuyệt thế, đời này mấy kẻ dám sanh tày thì việc chạy trốn không có gì bảo đảm.
Huống chi ngay sau khi Hồng lăng Ba gọi, đã có một bóng trắng lấp loáng đuổi theo từ phía xa xa. Nếu Lý mạc Thu chạy theo thì nhất định không thoát khỏi, hơn nữa Lục vô Song lại bị tật, tập tễnh nơi chân phải dùng kế khác mới được.
Nghĩ xong, chàng kéo Lục vô Song chạy qua hướng Tây, chui vào một căn phòng.
Trong phòng này bọn Cơ thanh Hư và Triệu bất Phàm dang ngồi cạnh vách tường, mặt mày láo liên không còn chút máu. Cơn sợ hãi đã lên tới cực độ.
Trong lúc gấp rút quá, Dương Qua chẳng nói một tiếng, lẹ làng điểm luôn mấy huyệt, hai người ngã quay ra liền. Đoạn chàng kéo Lục vô Song chạy thằng vào phòng gài cửa cẩn thận và hối Lục Vô Song rối rít:
- Mau mau cởi hết quần áo ra!
Lục vô Song mắc cỡ quá, nạt nhỏ:
- Bảo gì lạ vậy hở Ngốc?
Dương Qua vội vã nói luốn:
- Cô bằng lòng cởi hết không tùy ý, tôi lo cởi phần tôi cho rồi. Gấp lắm, gấp lắm!
Vừa nói hán lanh lrj tuột hết áo quần rồi lấy y phục của Triệu bất Phàm mặc lên người.
Lục vô Song trông thấy nghĩ thầm:
- ồ hay quá! Thật là diệu kế!
Nàng khẽ đá vào Cơ thanh Hư bảo:
- Hãy nhắm mắt lại đừng nhìn ta nhé. Bọn bay không nghe ta giết ngay.
Cơ thanh Hư và Triệu Bát Phàm đã bị điểm huyệt toànd thân bất ôộng nhưng trí não vẫn còn sáng suôts. Thấy nàng bảo và đe dọa cũng sợ nên cả hai vâng lời nhắm kỹ mắt lại.
Lục vô Song quay lại bảo Dương Qua:
- Chú mi cũng vậy, hãy quay mặt vô tường một tý cho ta thay áo quần chứ.
Dường Qua cười hì hì đáp:
- Còn lạ lùng gì nữa mà kiêng. Hôm dùng thuật " tiếp cốt " tôi cũng đã... đã hiểu qua cả rồi, cô còn ngại ngùng chi nữa.
Tuy nói vậy nhưng chàng cũng tự xét thiếu đứng đắn nên không nói nữa và quay mặt vào vách ngay.
Lục vô Song nguýt một cái, lấy tay khẽ dí đầu Dương Qua vào tường rồi thay quần áo.
Dương Qua liếc qua, thấy thân hình nàng lồ lộ, bỗng liên tưởng đến Tiểu long Nữ, lòng tràn gập một niềm vui cảm xúc quá mạnh nên gục xuống tường.
Lục vô Song ngỡ mình xô đầu chàng quá mạnh nên gục như thế bèn lấy tay xoa đầu chàng mấy cái hỏi:
- Tôi lỡ tay đầy. Đau lắm không? Đừng buồn nhé!
Dương Qua cười khì khì rồi ngước mắt lên nhìn.
Lục vô Song thấy nóng ran cả người nhưng cũng cố nói cho đỡ mắc cỡ:
- Cậu xem ta có giống đạo sĩ tý nào không?
Dương Qua đáp:
- Có thấy đâu mà biết được.
Nàng bảo:
- Thì cứ thử nhìn đi.
Dương Qua quay lại ngẫm nghĩ: Lục vô Song thân hình nhỏ bé nên bộ đồ vừa rộng vừa dài, mặc xùng xình xem tức cười lắm. Định nói mấy câu pha trò cho vui bỗng nàng hót hoàng đưa tay chỉ lên nóc nhà.
Nhìn lên phía ấy Dương Qua thấy rõ ràng là Bì thanh Huyền, tên đạo sĩ cùng đánh nhau với Lục vô Song ở Sài Lang Cốc độ nọ đang lom khom nhìn xuống.
Lục vô Song nổi giận nói:
- Quả đồ khốn nạn! Thằng này đã núp sẵn từ lâu, cứ nhìn ta thay quần áo. Ta quyết...
Vừa nói đến đây nàng nín bặt vì nghe tiếng nhạc " Loan lịch " của Lý mạc Thu đến gần quá rồi.
Cả hai hốt hoảng nhìn nhau. Dương Qua bỗng nghĩ một cách, vội bồng Cơ thanh Hư đặt nằm vào lò sưởi. Nguyên vùng này trời lạnh lắm, nhà nào cũng có lò sưởi riêng để chụm lửa cho ấm mới chịu nổi sức lạnh của mùa đông. Lò sưởi này hiện không dùng nhưng khá rộng, đầy cả tro và than.
Cơ thanh Hư bị đặt vào đấy, mặt mày lem luốc, quần áo cũng dính cả tro than.
Tiếng nhạc reo lên trước cửa, Dương Qua khẽ bảo:
- Cô nương cũng tạm thời nằm vào đây lánh thân nghe.
Lục vô Song nhăn mặt vùng vằng:
- Bọn này hôi hám dơ dáy quá nằm một bên chịu sao nổi.
Chàng cười hì hì dỗ ngọt;
- Chịu khó tạm một chốc thôi mà!
Miệng nói, tay bồng luôn cả Triệu bất Phàm đặt vào lò sưởi, để chỗ cho Lục vô Song nằm.
Rồi chàng cũng leo lên nằm ké một bên ngáy lớn, giả bộ đang ngủ say.
Thỉnh thoảng có một mùi thơm thoang thoamngr từ thân hình nàng bốc ra làm cho Dương Qua thấy khoan khoái vô cùng, muốn trò kịch này cứ kéo dài lâu thêm mãi.
Lý mạc Thu xuống lừa bước vào phòng, nhìn lò sưởi thấy hai đạo sĩ chan nhau nằm, mặt mày lem luốc trông rất tức cười và trên giường có hai đạo sĩ khác nằm đấu lưng vào nhau ngủ mê chứ không thấy hình dáng Lục vô Song đâu cả.
Lục vô Song thấp thỏm trong lòng lo sợ quá mức. đến lúc Lý mạc Thu bỏ đi, nàng mới thấy nhẹ cả người và thầm phục mẹo hay của Dương Qua cứ mình một lần nữa.
Suốt đêm đó, thấy trò Lý mạc Thu lùng khắp các nhà, các nẻo trong thị trấn để tìm Lục vô Song. Trái lại Lục vô Song điềm nhiên ngủ trên giường tại quán trọ một cách ngon lành.
Dương Qua nằm bên cạnh Lục Vô Song, nghe tiếng chó sủa vang rân xong xóm, lòng thấy khoan khoái mừng thầm. thỉnh thoảng mùi thơm trong người nàng cứ toát ra khiên chàng không thể nào ngủ được.
Lục vô Song cũng cảm thấy cõi lòng xao xuyến rạo rực. Nằm bên Dương Qua, bao nhiêu ý nghĩ vừa vừa thú vị cứ quay cuôpngf trong óc mãi.
Chàng này đâu phải ngốc. Có ngốc chằng cũng do chàng cố ý tạo ra mà thôi. với tài nghệ tuyệt luân, với bộ óc thông mình nhiều sáng kiến mưu mô kỳ diệu, chàng phải là một kẻ phi thường. Những hành động của chàng đượm nhiều tánh chất tuy ương gàn nhưng nhân hậu, đôi khi khùng khùng nhưng nhiều tình cảm thiết tha. Lạ một điều là đã lắm lần thân tựa vai kề, hoa gần bên bướm nhưng bướm chẳng thiết hoa, gái gần trai nhưng trai hờ hững mãi.
Đến đây nàng cảm thấy một luồng nhiệt khí từ mình chàng toát ra chuyền vào người nàng như sưởi ấm.
Nàng run run nhưng thấy thích thú, muốn nhích lại gần hơn. Nghĩ lại thêm thẹn, cố nghìm cơn bồng bột bằng cách cắn mạnh nơi môi thật đau để lấy lại mức bình tĩnh của lòng mình.
Sáng hôm sau, Dương Qua thức dậy sớm lắm. nhìn vào lò sưởi thấy Cơ thanh Hư nằm ngủ mê man, nhó lại một bên, Lục vô Song đưa mặt ra ngoài ngáy đều. Chàng ngắm kỹ thấy đôi mát nàng nhắm kín dưới hai hàng mi cong như vòng nguyệt trên chiếc mũi cao dọc dừa. Hai làn má phính phính ửng hồng như đôi chiếc bánh mật, làn môi tươi thắm như san hô.
Dương Qua thấy tim hồi hộp, lòng rạo rực một cảm giác mới lạ, muốn đưa tay rờ thử xem nàng có biết hay chăng.
Là một trai tơ đang lúc sung sức, nằm bên một cô gái đào non hơ hớ, nhất là giữa lúc bình minh vừa lên, xuân tình của nam giới cực thịnh, chàng thấy cõi lòng rào rạt, bao nhiêu sự ham muốn yêu đương cuộn dâng hơn cả lúc đang " tiếp cốt " cho nàng trong khu rừng vắng.
Dương Qua cố bặm môi ngó đi nơi khác và dùng nghị lực chống lại dục tình đang trào lên bồng bột.
Nhưng lửa tình đang lên khó bề kiềm hãm nổi. Toàn thân chàng như bốc chay, tay chân mất cả tự nhiên, cặp mắt trừng trừng nhìn sát mặt Lục vô Song đang nằm như đoá hoa hàm tiếu. Không dằn tâm được, chàng muốn đặt sẽ trên đôi môi đỏ mọng một chiếc hôn như thình lình một ám khí của ai vừa phóng ra bay vút qua đầu đem chàng trở vè thực tại.
Dương-Qua giật mình nhìn ra thấy tấm vách cửa bị ai phá tung một khoảnh và có một vật gì nửa quỷ, nửa người vừa mới thụt ra biến mất.
Chàng tung người nhảy lại, đưa đầu nhìn qua lỗ hổng chẳng thấy gì hết. Muốn phóng ra ngoài đuổi theo xem thử, nhưng e ngại trúng kế "điệu hổ ly sơn" của quân địch nên chẳng dám đuổi theo, chàng quay trở vào trong quan sát xem có gì lạ chăng.
Thấy trong góc nhà có một cuộn giấy nhỏ, bóc ra xem có mấy chữ:
"Liệu hồn, chớ bày trò khốn nạn mà chết!"
Lục-vô-Song vừa thức giấc, cũng vội chạy lại nhìn xem.
Tuồng chữ ghi trên mảnh giấy, giống y những chữ đã viết trong bức thư do đứa bé kèm vào bó hoa trao dọc đường hôm nọ.
Dương-Qua đọc xong thấy thẹn thùng và xấu hổ. Chàng đoán có lẽ đây là một nhân vật nào có hảo ý đeo đuổi giúp đỡ mình và cũng cảnh cáo mình để khỏi làm điều bậy bạ.
Càng nghĩ càng xấu hổ, mặt mày đỏ gay, đứng lặng người không nói năng gì hết.
Lục-vô-Song thấy vậy hỏi:
- Sao đứng thừ người như vậy, cậu có phải bị cô nương quở trách gì chăng?
Dương-Qua không đáp suy nghĩ:
- Người này nhất định không phải cô nương ta, vì nét chữ không phải của nàng. Theo dáng điệu kỳ quái, nửa quỷ nửa người hiện trên lỗ hổng, chưa hiểu đây là kẻ nào, quen hay lạ, gái hay trai. Thật là khó đoán.
Đang ngẩn ngơ suy tính lại có tiếng nhạc "loan linh" từ phía Tây Bắc vọng lại nữa.
Lý-mạc-Thu tìm không ra Lục-vô-Song đã bỏ đi nơi khác, nhưng lúc nào cũng lo nghĩ về cuốn "Ngũ độc bí truyền" đang còn ở trong tay Lục-vô-Song chưa lấy lại được cho nên nóng lòng sốt ruột, ăn chẳng được ngủ chẳng yên.
Sau khi tìm các chỗ khác không có, nàng quày lừa trở lại kiếm nữa.
Dương-Qua bảo Lục-vô-Song:
- Hắn đi một đêm qua, nay trở lại nữa, chả nghi ngờ bọn mình còn ở nơi đây nên cố tìm nữa. Vì cô còn mang thương tích nặng, nếu không chỉ cần chọn hai con ngựa hay chạy đi là thoát nạn.
Lục-vô-Song giận dỗi nói:
- Cậu có ỷ mạnh thì cứ đi một mình cho khỏe. Ta bị thương cứ để ở lại đây mặc ta, cần gì phải lo cho mệt.
Dương-Qua thấy nàng hay gắt gỏng vô lý nên nghĩ bụng:
- Nếu nàng ưa gắt gỏng giận hờn, ta làm cho nàng gắt luôn cho đã nư.
Đoạn chàng nói:
- Vậy cô không định về Giang-nam nữa sao? Tôi có vất vả cũng vì cô cần đến, nếu không, tôi tội gì mang cực vào thân như thế này.
Lục-vô-Song tức quá trợn mắt thét lớn:
- Chẳng cần mi nữa đâu! Muốn đi đâu bước đi cho khuất mắt, chết sống mặt kệ thân ta.
Dương-Qua không muốn chọc thêm, sợ nàng quá tử liền có hại nên chỉ cười hề hà rồi đi thẳng lại phía bàn giấy của người chưởng quỹ bưng nghiên mực chạy lại bôi lên khắp mặt nàng.
Vì bôi bất ngờ không tránh kịp. Lục-vô-Song bị mực dính lấm lem nổi giận hét lớn:
- Thằng quỷ, sao mi bôi lọ vậy?
Dương-Qua làm thinh không đáp, điềm nhiên thấm mực bôi luôn vào mặt mình nữa.
Lúc ấy Lục-vô-Song mới chợt hiểu: Té ra hai người ăn mặc áo quần đạo sĩ chỉ có thể che mắt người ngoài, chứ đối với Lý-mạc-Thu, thứ bản mặt mày gạt hắn sao được. Vì vậy nên Dương-Qua cầm lấy mực thoa đen cho khác đi, may ra tránh thoát được.
Cải trang xong xuôi, Dương-Qua lại bên lò sưởi đưa tay giải huyệt. Hai đạo sĩ lồm cồm ngồi dậy ngó quanh rồi tìm ngỏ cút mất.
Lục-vô-Song thấy nghệ thuật giải huyệt của chàng rất thán phục, nghĩ thầm:
- Tài ba của hắn thật là xuất chúng, thế mà mình cứ gọi là ngốc thật quá vô lý. Cũng lạ là hắn cũng không tỏ ý gì giận mình.
Đến nay thương tích của Lục-vô-Song đã khỏi hẳn, nên chàng cỡi riêng một con ngựa khác.
Hai người cỡi ngựa một lừa, song song đi về hướng Đông-Nam.
Ngồi trên lưng ngựa, Dương-Qua cứ phân vân thắc mắc nghĩ về hàng chữ trên bức thư, chẳng biết kẻ viết cho mình hai bận là ai?
Lục-vô-Song thấy chàng tư lự chẳng nói năng gì nên hỏi:
- Sao có vẻ buồn rầu như vậy Ngốc?
Dương-Qua đột nhiên vỗ đùi hoảng hốt nói:
- Nguy quá, ta hồ đồ quá, có lẽ hỏng mất!
Lục-vô-Song hỏi:
- Chuyện gì mà nguy hiểm, hồ đồ?
Dương-Qua đáp:
- Ba tên đạo sĩ đã thấy bọn ta cải trang rồi. Nếu chúng đem mặt lại cùng Lý-mạc-Thu thì nguy mất.
Lục-vô-Song đáp:
- Tưởng gì chứ vụ ấy đâu đáng lo. Bọn chúng tuy trông thấy ta cải trang làm đạo sĩ nhưng đâu biết ta đi về hướng nào mà điểm chỉ. Hơn nữa đã chắc chi bọn chúng còn nhớ.
Dương-Qua cười hì hì đáp với một giọng đùa cợt:
- Sao không nhớ? Bọn chúng đã nhìn thấy một việc lạ lùng ngay trước mắt, dẫu ngàn năm cũng khó quên được.
Lục-vô-Song biết Dương-Qua nhạo mình thay áo quần để cho bọn đạo sĩ nhìn thấy nên thẹn đỏ mặt, chỉ hứ một tiếng và nguýt dài.
Ngay khi ấy con lừa của nàng nhảy lồng lên rồi dậm chân hí lớn.
Ghìm cương lại được, Lục-vô-Song nhìn thấy có mấy người ăn xin đang đứng chận mất lối đi.
Dương-Qua đưa mắt ngó sang bên kia đồi thấy thấp thoáng bóng của hai người, rõ ràng là Cơ-Thanh-Hư và Triệu-Bất-Phàm. Chàng nổi giận nghĩ bụng:
- Thật đáng ghét cho bọn đạo sĩ khốn nạn. Chúng đã đi khách với bọn hành khất. Cái Bang tìm đến phá rối mình nữa đây.
Nghĩ xong chàng nhảy xuống ngựa, đến trước mặt mấy người ăn mày, chắp tay nói:
- Các bạn đi xin khách thập phương bố thí, còn bần đạo đây cũng sống về sự giúp đỡ của đồng bào, làm gì có dư cơm dư tiền chia cho các bạn mà đi đón nhau rầy rà như vậy.
Một đứa trong bọn cất tiếng sang sảng đáp lớn:
- Bọn mi đâu phải là kẻ tu hành, đừng khoát áo cà sa mà xưng là hòa thượng, không che nổi mắt bọn ta đâu.
Muốn yên lành thì mau mau bó tay theo anh em ta đi yết kiến Bang chủ cho rồi.
Nghe nói, Dương-Qua nghĩ thầm:
- Theo Cô nương và Tôn bà ngày còn sanh tiền kể lại, thì Bang Khất-cái có một vị Bang chủ là Cửu-chỉ Thần-cái Hông-thất-Công, võ nghệ có một không hai, trên đời không ai sánh kịp. Bọn này tuy chẳng ra gì, nhưng nếu Bang-chủ của họ là Hồng-thất-Công có mặt nơi đây thì làm sao trốn thoát nổi.
Nhìn kỹ hai người ăn mày mang tám túi, thuộc cấp bực cao hơn và bản lãnh cũng trội hơn những bọn đã gặp trước. Hai người này thấy Dương-Qua còn trẻ tuổi nhưng đã có tài cao đánh bị được cả mấy người hạng bảy túi nên có kiêng nể chưa dám ra tay vội.
Hai bên đứng đối diện nhìn nhau chờ dịp ra tay thì từ phía Bắc lại văng vẳng vang lên tiếng nhạc "loan linh" của Lý-mạc-Thu sắp tới nơi.
Lục-vô-Song lo sợ quá nghĩ rằng:
- Tuy ta đã cải trang nhưng bỗng dưng bị bọn ăn mày chận lại thì làm sao dấu nổi được sư phụ, nguyên do cũng vì ta quá nông nổi gây thương tích cho một tên, đến nay bọn chúng cứ bám theo báo đời hoài, bây giờ nghĩ ăn năn cũng đã muộn.
Nhạc "loan linh" mỗi lúc càng đến gần.
Dương-Qua nghĩ:
- Nếu chờ Lý-mạc-Thu đến đây mới trở tay sẽ không kịp nữa. Chi bằng ta tìm cách tẩu thoát ngay từ bây giờ may ra được.
Tuy e ngại lo lắng, nhưng ngoài mặt vẫn làm tỉnh như chẳng có việc gì bận trí, hai chân lướt tới miệng hỏi:
- Sao, bây giờ chư vị có bằng lòng nhường đường cho đạo hay vẫn quyết tâm cản trở.
Nhìn lối bước của Dương-Qua xông tới quá nhanh nhẹn lẹ hai người thừa rõ đây là một tay có bản lãnh phi phàm, tuy nhiên họ vẫn gan lỳ đứng yên, đưa tay ngăn lại.
Dương-Qua đưa tay gạt ngang qua thật mạnh. Cả ba cánh tay bám chặt vào nhau như ba con rắn quấn nhau. Nhưng chỉ trong nháy mắt, Dương-Qua đã đẩy hai người lùi qua một bên trên mấy bước.
Hai người này vốn thuộc hạng 8 túi, công phu luyện tập trên vài chục năm, ai cũng có dõng lực ghê gớm, và trên giang hồ không dễ gì có người chống cự nổi với họ.
Mặc dầu công phu họ có phần lớn hơn nhưng về căn bản võ thuật Dương-Qua học được nhiều. Hồng-thất-Công, Bang chủ khất cái, tuy võ nghệ quán quân, tài năng tuyệt diệu, nhưng tánh ông ta ưa ăn uống nhậu nhẹt nên ít thì giờ truyền dạy lại cho học trò. Đệ tử đắc ý nhất đã được Hồng-thất-Công chân truyền vũ thuật là Đại hiệp Quách-Tỉnh.
Sau khi đẩy lui được hai người, Dương-Qua muốn thừa cơ thoát chạy nhưng cả hai vẫn cố tình bám riết không rời.
Thế rồi sáu mắt nhìn nhau lườm lườm như ba mãnh hổ giành mồi chỉ chờ dịp là tấn công nữa.
Vừa lúc ấy Lý-mạc-Thu và Hồng-lăng-Ba đi đến nơi, dừng chân lại xem.
Hồng-lăng-Ba cất tiếng hỏi thăm:
- Này các người, ở đây có thấy một người con gái thọt một chân đi tập tễnh qua đường này không?
Hai người ăn mày đang lo đánh nhau với Dương-Qua thấy có kẻ lạ mặt xen vào làm rộn, thì trong bụng đã ghét rồi, tuy nhiên họ vẫn cố nén bụng làm thinh, vì theo luật của cái Bang không cho phép được vô cớ để gây chuyện cùng kẻ khác.
Họ chẳng đáp chỉ lắc đầu ra dấu không thấy.
Lý-mạc-Thu nhìn dáng điệu của Dương-Qua và Lục-vô-Song thấy có nhiều nét quen quen hình như đã gặp đâu đôi lần rồi nhưng nghĩ không ra.
Định bước ra đi, nhưng thấy ba người đứng ngó gờm nhau giữ miếng để tranh tài hơn thua, Lý-mạc-Thu nghĩ bụng:
- Hay là ta nán lại xem bọn chúng đánh nhau một chặp thử tài hai tên ăn mày tám túi ra sao, và hai cậu đạo sĩ trẻ tuổi này thuộc môn phái nào cho biết.
Thấy Lý-mạc-Thu đứng lại xem đấu, Dương-Qua nghĩ bụng:
- Hắn cố tìm hiểu gốc gác sư muội mình đây. Ta phải làm lạc hướng hắn mới được.
Thế rồi chàng chạy thẳng lại phía Hồng-lăng-Ba lễ phép cúi đầu chào và nói:
- Xin kính chào đạo hữu.
Hồng-lăng-Ba tuy ngạc nhiên nhưng cũng phải chắp tay đáp lễ cho đúng phép xã giao.
Dương-Qua lễ phép nói:
- Bần đạo tình cờ đi qua chốn này, bỗng nhiên gặp hai người ăn mày đón đàng sinh sự. Chỉ vì bần đạo không màng theo khí giới tùy thân nên mong đạo hữu bẩm lại cùng bề trên cho bần đạo tạm mượn thanh kiếm dùng đỡ để thử tài cùng bọn ấy.
Hồng-lăng-Ba thấy người đạo sĩ trẻ tuổi tuy mặt mày đen đúa xấu xa nhưng nói năng có lễ độ chẳng lẽ chối từ. Hơn nữa trong phép xã giao trên võ lâm, khi người ta nhớ đến mình phải tận tình giúp đỡ.
Nàng rút kiếm khỏi vỏ đưa mắt nhìn sư phụ để thỉnh ý.
Thấy Lý-mạc-Thu gật đầu đồng ý. Hồng-lăng-Ba trao thanh kiếm cho Dương-Qua.
Dương-Qua nhận kiếm cúi đầu bái lễ tạ ơn và thưa nhỏ:
- Nếu rủi vì tài hèn sức mọn không cự nổi với bọn chúng, xin đạo hữu nghĩ tình cùng đạo phái vui lòng giúp đỡ một tay thật là vạn hạnh.