CHƯƠNG I.2


Số từ: 4290
Chưa bao giờ em xứng với anh. Chưa bao giờ em vươn tới được tầm cao của anh. Chắc anh hiểu rõ điều đó và em nghĩ rằng chỉ vì lòng tốt mà bao giờ cũng không để lộ cho em biết, song chính điều đó đã đè nặng lên em và giày vò em nhiều hơn cả. Anh đã vây bọc quanh em những xa hoa và những người thuộc về thế giới của anh. Anh rắc lên đầu em những quà tặng xiết bao quý giá. Nhưng hẳn là em không được sinh ra để sống một cuộc đời như thế. Em mệt mỏi bởi cái thế giới kỳ vĩ của anh, bởi tài sản của anh, vinh quang của anh và bởi sự hèn mọn của em bên cạnh anh.
Bây giờ, em đang đi một cách có ý thức vào cuộc đời mới, nơi chờ đợi em có thể là cảnh bần hàn cùng cực nhất, hay chí ít cũng là cuộc đấu tranh gay gắt nhất vì một mẩu bánh mỳ. Nhưng em sẽ tham gia vào cuộc đấu tranh đó, sát cánh cùng người mà em yêu thương vô bờ bến. Nếu như bằng hành động này em không giết chết sự cao thượng trong trái tim anh, nếu anh có thể, thì xin anh hãy quên em đi. Chắc hẳn chẳng bao lâu anh sẽ bình tâm, anh vốn thông minh đến thế, chắc chắn anh sẽ gặp được một người con gái khác, trăm lần tốt đẹp hơn em. Với cả tấm lòng em cầu chúc anh hạnh phúc, niềm hạnh phúc mà chính em cũng có được một cách đầy đủ khi được biết rằng anh sung sướng.
Em mang theo bé Ma-ri-ô-la, bởi thiếu con em không thể sống nổi. Anh biết rõ hơn ai điều ấy. Xin anh chớ nghĩ rằng em cướp đi của anh kho báu quý giá nhất, tài sản chung của chúng ta. Vài năm nữa, khi cả hai ta có thể bình tĩnh nhìn lại quá khứ, em sẽ báo tin cho anh.
Vĩnh biệt anh, anh Ra-phao. Xin anh đừng nghĩ rằng em nhẹ dạ, và cũng đừng hy vọng rằng sẽ có gì có thể làm em thay đổi quyết định của mình. Em chưa bao giờ biết nói dối anh, xin anh hãy biết cho rằng em vẫn trung thành với anh cho đến phút chót. Vĩnh biệt anh, xin anh hãy rủ lòng thương và đừng tìm kiếm em.
Bê-a-ta
T.B. Tiền nong và toàn bộ nữ trang em để lại trong két. Chìa khóa két em để trong chỗ kín ở bàn làm việc của anh. Em chỉ mang theo đồ đạc của bé Ma-ri-ô-la. "
Giáo sư Vin-tru-rơ buông thõng bàn tay đang cầm lá thư và lau mắt. Trong tấm gương đối diện, ông nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của mình trong bộ trang phục kỳ dị. Ông dứt bỏ tất cả các thứ ấy khỏi người và đọc lại bức thư lần nữa.
Ngọn đòn giáng vào ông hoàn toàn bất ngờ, đến nỗi ông vẫn cảm thấy nó là điều không thực, mới chỉ là một lời đe dọa hay báo trước mà thôi.
Ông đọc:
... tiếc thay, em chưa bao giờ yêu anh...
Rồi tiếp đó nữa:
...Em mệt mỏi bởi cái thế giới kỳ vĩ của anh, bởi tài sản của anh, bởi vinh quang của anh...
- Sao lại thế được? - ông rên lên. - Tại sao?... Tại sao chứ?...
Ông cố sức mà không sao hiểu nổi. Trong ý thức của ông chỉ còn có một điều: nàng bỏ đi rồi, bỏ ông mà đi, mang theo con bé, nàng đã yêu người khác. Không một nguyên do nào len nổi vào óc ông. Ông chỉ nhìn thấy một sự thật trần trụi, dã man và lố bịch không tưởng tượng nổi.
Ngoài sân, hoàng hôn sớm của mùa thu đã bắt đầu buông xuống. Ông bước lại gần cửa sổ và đọc lại bức thư của Bê-a-ta, không biết là đến lần thứ mấy.
Đột nhiên giáo sư Vin-tru-rơ chợt rùng mình. Có tiếng gõ cửa. Trong một thoáng, bừng lên trong ông niềm hy vọng mê cuồng.
- Đó là nàng! Nàng đã trở lại!...
Nhưng chỉ ngay giây sau, ông ông đã hiểu rằng đó là điều không thể.
- Xin mời, - ông cất giọng khàn khàn.
Người bước vào là Zich-mun-tơ Vin-tru-rơ, người anh họ xa của ông, chủ tịch tòa thượng thẩm. Họ có quan hệ khá thân mật với nhau và thường xuyên có mặt ở nhà nhau. Việc ông Zich-mun-tơ xuất hiện đúng vào thời điểm này chắc hẳn không phải là chuyện tình cờ và giáo sư lập tức hiểu ra là bà Mi-kha-lô-va đã gọi điện thoại cho ông đến.
- Chú có khỏe không, Ra-phao? Ông Zich-mun-tơ cất tiếng hỏi, nhiệt thành và chân tình.
- Chào anh, giáo sư chìa tay.
- Sao chú ngồi trong bóng tối vậy? Chú cho phép? - không đợi trả lời, ông xoay công tắc. - Phòng chú lạnh thế, mùa thu quái quỷ thật. Ồ, cái gì thế này? Củi đã xếp vào lò sưởi rồi ư? Không có gì hay bằng lò sưởi. Để bảo lão Brô-nhi-xoáp nhóm lò lên...
Ông hé cửa và gọi to: - Brô-nhi-xoáp đâu rồi! Nhóm lửa trong lò sưởi ở đây nhé. - Người lão bộc bước vào, liếc qua ông chủ, cầm chiêc áo choàng lông ném vật vã dưới sàn lên, nhóm lửa, rồi bước ra. Ngọn lửa chẳng mấy chốc đã bén vào củi khô. Giáo sư vẫn đứng im lìm bên cửa sổ.
- Đến đây chú, ta cùng ngồi trò chuyện một chút nào, - ông Zich-mun-tơ kéo giáo sư đến chiếc ghế bành đặt trước lò sưởi. - Nào thế, thế. Hơi ấm quả là một thứ tuyệt vời. Chú còn trẻ nên chưa đánh giá hết cái đó đâu. Nhưng với bộ xương già của tôi... À, hôm nay chú không đến bệnh viện à? Vô công rồi nghề thế?
- Mọi sự nên sắp đặt thế.
- Thế mà tôi lại gọi điện đến bệnh viện - ngài chủ tịch trổ tài hùng biện. - Tôi muốn đến đấy để xin chú một lời khuyên. Cái chân trái bắt đầu hành hạ tôi. Tôi lo rằng đó là chứng thần kinh tọa...
Giáo sư im lặng lắng nghe, song chỉ vài từ đứt đoạn lọt tới tri giác ông. Tuy nhiên, giọng nói đều đều bình tĩnh của ông Zich-mun-tơ cũng đã khiến cho tư tưởng ông bắt đầu tập trung lại, nối với nhau, liên hệ với nhau thành một bức tranh gần với thực tại. Ông rùng mình khi người anh họ chợt đổi giọng hỏi:
- Thế Bê-a-ta đâu rồi?
Mặt giáo sư dài thượt ra, ông cố gắng trả lời:
- Đi rồi... Vâng... Cô ấy đã ra đi... đã đi ra...nước ngoài.
- Hôm nay à?
- Hôm nay.
- Hình như đó là một kế hoạch hoàn toàn mới mẻ phải không - Ông Zich-mun-tơ nhận xét vẻ như vô tình.
- Vâng... vâng. Tôi bảo cô ấy đi... Anh cũng biết... có một vài việc và vì thế...
Ông nói khó nhọc, và vẻ đau khổ hiện rõ trên nét mặt, khiến ông Zich-mun-tơ vội khẳng định bằng giọng bạn bè ấm áp nhất mà ông có thể thốt lên:
- Tôi hiểu, tôi hiểu. Dĩ nhiên rồi. Có điều, chú thấy đấy, cô chú đã gửi giấy mời mọi người đến dự vui buổi tối nay. Có lẽ nên gọi điện cho tất cả mọi người báo hoãn... Chú cho phép tôi lo việc ấy chứ?...
- Vâng, xin anh...
- Nào tuyệt lắm. Tôi chắc Mi-kha-lô-va có danh sách những người được mời. Tôi sẽ bắt đầu từ bà ấy vậy. Còn chú, tốt nhất có nhẽ nên đi nằm. Hả?... Tôi sẽ không quấy rày chú thêm nữa đâu. Tạm biệt nhé...
Ông chìa tay ra, nhưng giáo sư không nhận thấy cử chỉ đó. Ông Zich-mun-tơ vỗ vào vai giáo sư, dừng một lát trong khung cửa sổ rồi bước ra.
Giáo sư Vin-tru-rơ chợt định thần khi nghe tiếng khóa cửa kêu lách cách. Ông thấy mình đang xiết chặt trong bàn tay bức thư của Bê-a-ta. Vò nó thành một cục nhỏ, ông ném vào đống lửa. Ngọn lửa nuốt ngay lấy nó, sáng bừng lên thành một nụ hoa màu đỏ rồi biến thành tro. Rất lâu sau, khi không còn một dấu vết nào của bức thư, rất lâu sau, khi củi trong lò sưởi biến thành một đống than đỏ, ông mới đưa tay lau mắt và đứng dậy. Ông chậm rãi đẩy lui chiếc ghế và, nhìn quanh.
- Ta không thể, không thể ở ở lại đây nữa, - ông thì thào không thành tiếng rồi lao ra ngoài.
Ông Brô-nhi-xoáp nhổm dậy khỏi ghế ngồi.
- Ngài giáo sư ra ngoài ạ?... Áo khoác mùa thu hay bành tô ấm ạ?...
- Gì cũng được.
- Ngoài trời chỉ có năm độ. Tôi nghĩ là ngài nên mặc càng ấm càng tốt, - người lão bộc quyết định đưa bành tô cho ông. - Còn găng tay nữa ạ! - lão kêu lên, chạy theo giáo sư ra hiên, nhưng Vin-tru-rơ không còn nghe thấy nữa. Ông đã ra đến ngoài phố.
Những ngày cuối tháng mười năm ấy sao mà lạnh lẽo và nhiều mưa đến thế. Gió bấc mạnh dứt dứt những chiếc lá sớm úa vàng còn sót lại khỏi những cành cây. Nước lép nhép trên vỉa hè. Vài người bộ hành thưa thớt bước đi, cổ áo dựng cao, đầu cúi gằm để che mặt tránh những giọt mưa nhỏ li ti nhọn sắc, hoặc hai tay ghì chặt lấy chiếc ô, chốc chốc lại bị gió lật nghiêng ngả. Từ dưới bánh của những chiếc ô-tô thảng hoặc mới chạy qua, tóe ra những vạt nước bẩn, những con ngựa khách lười nhác lội ì ọp, những chiếc mui bạt giương lên, ướt rượt nước mưa, ánh lên mờ mờ trong ánh đèn đường vàng vọt.
Tiến sỹ Ra-phao Vin-tru-rơ bất giác cài lại khuy áo bành tô và cứ bước đi vô định.
- Sao nàng có thể hành động như thế? Sao lại có thể như thế được? - Ông cứ lặp đi lặp lại câu hỏi ấy trong đầu óc.
Phải chăng nàng không hiểu rằng nàng đã cướp đi của ông tất cả, nàng đã lấy đi của ông ý nghĩa và mục đích tồn tại?... Và tại sao kia chứ?... Tại vì nàng gặp một kẻ nào đó... Giá như ông quen biết hắn, giá như có thể tin chắc rằng hắn đánh giá đúng nàng, rằng hắn không làm hại đến nàng rằng điều ấy mang lại cho nàng hạnh phúc. Nàng chỉ viết có cái tên của hắn thôi: Ja-nếch.
Giáo sư Vin-tru-rơ bắt đầu kiểm tra lại trí trong nhớ những người quen xa gần. Không có ai cả. Có thể đó chỉ là một kẻ hèn mọn, một thằng lừa đảo, một tên phiêu lãng nào đó, hắn sẽ bỏ rơi nàng ngay khi có dịp thận lợi đầu tiên. Một kẻ phỉnh nịnh chuyên mê hoặc, đánh lừa Bê-a-ta không mang theo đồ nữ trang riêng?... Đó chắc chắn phải là một thằng đểu cáng và lọc lõi... Đúng, phải đuổi theo hắn, phải chặn đứng sự lừa lọc hày khi còn có thể. Phải đòi chính quyền, cảnh sát, phải tìm bắt cả đôi. Phải gửi lệnh truy nã, phái các thám tử đi...
Nghĩ thế, ông dừng lại và nhìn quanh, nhận ra mình đang ở trung tâm thành phố. Ông chợt nhớ ra rằng đâu đó gần đây, sau ngã tư thứ hai hay thứ ba gì đấy, đã có lần khi đi ngang qua, ông thấy tấm biển đồn cảnh sát. Ông bước lại phía đó, nhưng chỉ mười bước lại quay trở lại.
"Nhưng tìm được nàng rồi thì sao? Chẳng bao giờ nàng đồng ý trở lại với ta."
Nàng viết rõ ràng rằng nàng không yêu ông, nàng bị dày vò khổ sở bởi cái tầm cao vớ vẩn kia, bởi tài sản, bởi vinh quang của ông... và chắc hẳn bởi cả tình yêu của ông nữa. Nàng quá tế nhị để không nói rõ với ông điều đó. Ông có quyền gì mà buộc tội nàng, có quyền gì mà định đoạt cuộc đời nàng? Và một khi nàng đã chọn kiếp đọa đày bên con người kia?... Có thể viện ra những những lý lẽ gì để thuyết phục người phụ nữ đó trở về với một kẻ mà cô ta không yêu, trở về với... người chồng đã bị căm ghét? Vả chăng, có thể là ông đã quá ư vội vàng khi tin rằng con người kia là một kẻ bị xã hội xua đuổi và là một thằng khốn nạn tham lam?... Bê-a-ta không bao giờ thích những người đàn ông loại ấy, bao giờ nàng cũng bị thu hút bởi những người mơ mộng, những người lý tưởng... nàng đọc cho bé Ma-ri-ô-la nghe hàng giờ liền những bài thơ tình mà một đứa trẻ bảy tuổi không tài nào hiểu nổi. Nàng đọc cho chính mình.
Người mà nàng theo phải là một người trẻ trung nhưng nghèo khổ và thiếu kinh nghiệm. Nàng quen với y bằng cách nào, vào lúc nào?... Sao nàng chưa hề có một lời nào nói về y cả... Và bỗng nhiên nàng bỏ đi, nàng hành động với một sự cương quyết tuyệt đối, với một sự nhẫn tâm nhường ấy. Nàng từ bỏ con người đã dành cho nàng tất cả... như một con chó, như một thằng nô lệ... - Và vì sao? Vì sao?!...
Phải chăng ông đã có lỗi với nàng, đã chống lại tình yêu của mình? Không bao giờ! Thậm chí trong ý nghĩ! Nói chung, nàng là người phụ nữ đầu tiên mà ông yêu. Chuyện đó diễn ra non mười năm về trước. Ông vẫn còn nhớ rất rõ mọi việc. Ông quen nàng một cách ngẫu nhiên. Và cho đến ngày hôm nay, ông vẫn cầu nguyện cho sự ngẫu nhiên ấy được ban phước, cầu sáng và tối, cầu từng giờ, mỗi khi nhìn ngắm nàng, hay vui sướng với ý nghĩ được ngắm nhìn nàng. Hồi ấy ông hãy còn là phó giáo sư, ông đang có bài thực tập trong viện giải phẫu thì ông của nàng bị một chiếc xe ngựa chở hàng đè phải ngoài đường. Ông đã cấp cứu cho ông cụ. Cả hai chân của ông cụ đều bị gãy khá phức tạp. Cụ già xin ông hãy thận trọng khi báo tin cho bà vợ đang bị đau tim cùng đứa cháu gái. Chính Bê-a-ta là người mở cửa căn hộ bé nhỏ ở Thành cổ để đón ông.
Vài tháng sau, họ hứa hôn. Nàng mười bảy tuổi. Nàng gầy và nhợt nhạt, thường mặc những chiếc váy rẻ tiền đã vá mạng. Gia đình nàng thật nghèo. Trong thời gian chiến tranh, cha mẹ Bê-a-ta bị mất sạch cơ nghiệp. Cho đến cái ngày bị tai nạn chết người ấy, ông nàng vẫn nuôi dưỡng bà vợ già và cô cháu gái bằng những bài ngoại ngữ giảng tại nhà người ta. Trước khi theo gót chồng đến khu mộ gia đình ở nghĩa trang Pô-vông-đơ-ki, tài sản tài sản tuyệt vời duy nhất còn lại trong số những gia sản ngày xưa - bà nàng thường ngồi hàng giờ liền kể lại cho đứa cháu gái và chàng hôn phu của cháu nghe về những vinh quang một thời vang bóng của dòng họ Gô-tưn-xki, về những lâu đài, những cuộc đi săn, những vũ hội, những đàn ngựa nòi, cùng những đồ nữ trang, cùng những quần áo là lượt sắm sanh tận Pa-ri... Bê-a-ta ngồi lặng, lắng nghe say sưa, và trong ánh mắt mơ màng của nàng dường như lóng lánh nỗi nhớ tiếc quá khứ đã mất, giống như một câu chuyện cổ tích không bao giờ trở lại.
Chính trong những giờ phút ấy ông đã xiết chặt bàn tay gầy nhỏ của nàng và bảo:
- Anh sẽ giành lại cho em tất cả các thứ đó. Rồi em sẽ thấy, Bê-a-ta! Cả những đồ nữ trang, những quần áo là lượt mua tận Pa-ri, cả vũ hội và cả gia nhân! Anh sẽ mang lại cho em tất cả!
Bản thân ông hồi đó cũng chẳng có gì ngoài mấy chiếc va-li trong căn buồng độc thân, mấy tủ sách chuyên môn và cương vị khiêm tốn của một phó giáo sư.
Nhưng ông còn có một ý chí sắt thép, một lòng tin to lớn và một ước mơ cháy rực như lửa: giữ bằng được lời hứa với Bê-a-ta. Ông bắt đầu cuộc chiến đấu, để giành lấy địa vị, giành quyền chữa bệnh, giành những con bệnh giàu có. Tri thức lớn, tài năng bẩm sinh, tính cách cứng rắn và một sự lao động say sưa điên cuồng đã làm nên tất cả. Bên cạnh những điều may mắn hỗ trợ. Vinh quang của ông lớn dần lên, tài sản của ông lớn dần lên. Năm ba mươi bảy tuổi ông đã đảm nhận chức chủ nhiệm khoa và vài tuần sau đó ông đón nhận một hạnh phúc còn to lớn hơn: Bê-a-ta sinh cho ông một mụn con gái.
Chính họ đặt tên cho con là Ma-ri-ô-la Jô-lan-ta để tưởng nhớ bà cụ vinh quang thuộc dòng họ Gô-tưn-xki, và họ cũng gọi con bằng cái tên âu yếm là Ma-ri-ô-la, như tên gọi thân mật của cụ.
Nhớ đến con, một nỗi đau đớn mới lại bóp chặt trái tim giáo sư Vin-tru-rơ, đã bao lần, ông đã cân nhắc thử xem ông yêu ai hơn: vợ hay con gái... Khi con gái ông bắt đầu tập nói, một trong những câu đầu tiên nó thốt ra là:
- Bơ...
Và tiếng gọi đó được giữ nguyên như thế. Bao giờ con gái ông cũng gọi ông là Bơ. Năm lên hai, nó bị sốt phát ban nặng, đến khi nó khỏi bệnh, ông đã thề rằng, từ đây ông sẽ chữa bệnh không lấy tiền cho tất cả trẻ em nghèo. Trong cái bệnh viện tư đắt giá của ông, nơi bao giờ cũng thiếu chỗ, luôn có vài phòng dành riêng cho trẻ em - những bệnh nhân không phải trả tiền. Tất cả những cái đó chỉ vì đứa con gái, vì cầu mong cho con khỏe mạnh.
Thế mà giờ đây, người ta cướp mất con ông. Điều đó thật quá ư phi nhân đạo, điều đó thật vượt quá mức của sự ích kỷ.
- Cô phải trả con cho tôi. Phải trả! - Ông chợt thốt to lên, xiết chặt nắm tay.
Những người khách bộ hành nhìn theo ông, nhưng ông không hề nhận thấy điều đó.
- Luật pháp sẽ bênh vực tôi! Cô bỏ tôi thì bỏ, nhưng tôi sẽ bắt buộc cô phải trả Ma-ri-ô-la cho tôi. Luật pháp sẽ bênh vực tôi. Cả luật đạo đức nữa. Cô phải thừa nhận điều đó, đồ tệ bạc, tệ bạc, tệ bạc!... Đồ khốn nạn, phải chăng cô không hiểu rằng cô đã phạm tội! Liệu có còn tội ác nào lớn hơn nưa không, tự cô hãy nói xem!... Tiền tài và nọi thứ khiến cô kinh tởm. Nhưng cô còn thiếu thứ gì không nào? Chắc cô không thể thiếu tình yêu, vì không ai có thể yêu cô hơn tôi được! Không một ai! Trên khắp thế gian này!
Ông bị vấp, suýt nữa ngã. Ông không còn đi trên đường phố lát đá nữa, mà lội trong bùn ngập đến mắt cá. Đây đó lổn nhổn bừa bãi những tảng đá to mà cư dân của những ngôi nhà bé nhỏ trong khu phố này làm chỗ để giữ chân khô ráo khi đi về nhà. Những ô cửa sổ đã tắt đèn. Vài ngọn đèn đường thưa thớt thắp bằng khí đốt tỏa một thứ ánh sáng xanh lơ mờ ảo. Một đường phố lớn hơn, nhiều nhà hơn, ngoặt về bên phải. Giáo sư Vin-tru-rơ rẽ vào đó và lê chân mỗi lúc một chậm hơn.
Ông không cảm thấy mệt, nhưng chân ông ngày càng cảm thấy nặng nề hơn, nặng nề quá đỗi. Chắc ông đã bị ướt đến tận áo sơ mi, vì mỗi cơn gió cứ ào qua, ông cảm thấy mình như đang ở trần.
Đột nhiên, có một người nào đó chắn ngang đường ông.
- Thưa tôn ông quý báu, - một giọng nói khàn khàn cất lên, - xin tôn ông cho vay mà không cần có nhà băng bảo đảm năm "zéttê" (1), để cầm cố Công ty độc quyền rượu cồn Ba Lan. Chắc chắn và tin cẩn.
- Cái gì? - Giáo sư không hiểu.
- Chớ có hỏi, nếu anh không muốn bị hỏi, kinh thánh dạy rằng: mày đối xử với người anh em của mày như thế nào, thì người ta sẽ đối xử với mày thế ấy, hỡi vị công dân của thủ đô một quốc gia ba mươi triệu dân có đường thông ra biển ạ.
- Ông muốn gì?
- Muốn có sức khỏe, hạnh phúc và mọi sự như ý. Ngoài ra, tôi cầu chúc cho mình được điền đầy cái dạ dày trống rỗng bằng dung dịch bốn mươi phần trăm độ cồn, có pha thêm một liều lượng nhất định của thứ thịt lợn đã phân rã gọi là xúc xích.
Kẻ ăn mặc rách rưới ấy hơi lắc lư trên đôi chân và từ bộ mặt lởm chởm râu như rễ tre đã nhiều ngày không cạo của y toát ra mùi rượu vốt-ca nồng nặc.
- Đây.
Giáo sư thọc tay vào túi và đưa ra cho y vài đồng tiền.
- Bis dat, qui cito (2) - kẻ say khướt thốt lên đầy hàm ý. - Thank you, my darling (3). Song hỡi người ban ơn rộng lượng, hãy cho phép tôi đây cũng được dâng hiến lại cho người một chút cỏn con đầy giá trị. Ấy là tôi muốn nói đến sự tháp tùng của tôi. Đúng thế. Thính giác không đánh lừa anh đâu, hỡi con người tốt bụng kia. Anh có thể đón nhận niềm vinh hạnh ấy. Noblesse oblige (4). Tôi xin chỉ: Anh bị ướt như chuột lột rồi, sir (5), đã bị cóng tê vì lạnh, xin hãy ghé vào túp lều riêng tư đâu, song tôi lại có tri thức. So với tri thức thì nhà cửa có ra quái gì đâu kia chứ?... Nhưng tôi rất vui lòng được chia sẻ tri thức ấy cùng ông, mon prinee (6). Tri thức của tôi rất mênh mông. Tạm thời tôi chỉ đề cập dến phần dư địa chí học của nó mà thôi. Tôi biết rất rõ nơi đâu có cái tửu quán duy nhất mà vào giờ này con người có thể vào được, không cần phải bẻ khóa hay bẻ chấn song. Chỉ một lời thôi: Đrô-giơ-giức. Ngay đây, góc phố Pô-a-nhe-xca và Vi-tep-xka.
Giáo sư Vin-tru-rơ nghĩ thầm rằng quả thực rượu sẽ có tác dụng tốt đối với ông. Thực tình, ông bị nhiễm lạnh. Hơn nữa, tính lắm lời đơn điệu của người say rượu mà ông vừa gặp có tác dụng trấn an. Bất giác, ông cố gắng hiểu chút gì đó có nghĩa trong những lời tràng giang đại hải của y và điều đó đã dập tắt bớt ý thức quá đậm về nỗi bất hạnh vừa giáng xuống ông, cái ý thức đang làm quay cuồng trong óc ông những xoáy lốc suy nghĩ đau xót nhất.
Trời bắt đầu rạng sáng lờ mờ đằng đông khi mà rốt cuộc, sau một hồi lâu gõ mãi vào cái khung cửa sổ đã đóng kín, họ đã vào được một cửa hiệu nhỏ bé sặc mùi hôi hám của những thùng chứa cá trích muối cùng mùi bia và dầu hỏa hăng hắc. Trong căn phòng đằng sau cửa hiệu, rộng hơn nhưng còn hôi hám hơn, mù mịt mùi khói thuốc lá rẻ tiền chua loét, có vài người đàn ông say mềm đang ngồi trong một góc. Chủ quán, một tay tầm thước, một người vuông chằn chặn, có vẻ mặt của một con chó nòi bulldoge ngái ngủ, mặc chiếc áo sơ mi bẩn thỉu và chiếc gi-lê phanh cúc, không thèm hỏi một lời, đặt luôn chai vốt-ca cùng chiếc đĩa cóc cáy chứa một thứ thịt vụn gì đó lên chiếc bàn còn trống. Nhưng nơi đây thật ấm áp, ấm áp một cách dễ chịu và những bàn tay tê cứng bắt đầu mềm mại như tan chảy dần trong cảm giác đến đau đớn. Cốc vốt-ca thứ nhất làm cổ họng và dạ dày nóng ran. Người bạn rượu ngẫu nhiên vẫn không ngừng nói. Đám say rượu trong góc phòng hoàn toàn không để ý gì tới những người mới vào. Một người ngáy to, ba người còn lại chốc chốc lại bật ra những tiếng lúng búng không sao hiểu nổi. Hình như họ cãi nhau về chuyện gì đó.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook THẦY LANG.