Phần 11 - Chương 1: Họa dâm án (Những chuyện mắc họa vì dâm)


Số từ: 1399
Ấn Quang đại sư tăng đính
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
(theo bản in của Giai Phương Ấn Loát Hữu Hạn Công Ty, năm 1991)
Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến
Lý Đăng đỗ Giải Nguyên[1] lúc mười tám tuổi. Về sau, đến tuổi năm mươi, vẫn chẳng đỗ Tiến Sĩ. Đến chỗ Diệp pháp sư để nhờ Sư hỏi nguyên nhân. Sư thưa hỏi Văn Xương Đế Quân. Đế Quân sai thư lại cầm sổ đến, chỉ rõ:
Khi Lý Đăng sanh ra, được Thượng Đế ban ấn ngọc, [định rằng] mười tám tuổi đậu Giải Nguyên, mười chín tuổi sẽ đỗ Trạng Nguyên. Hai mươi tuổi sẽ làm Hữu Thừa Tướng. Chỉ vì sau khi thi đỗ [Giải Nguyên], ngấm ngầm dòm ngó [chòng ghẹo] gái hàng xóm. Tuy [chuyện tà hạnh] không thành công, lại ngược ngạo [kiếm cớ cáo giác], khiến cho cha cô ta bị tù. Do chuyện này, công danh bị chậm trễ mười năm, thứ hạng [từ Trạng Nguyên] bị giáng xuống hàng Nhị Giáp. Kế đó, lại lấn chiếm nền nhà của anh mình, dẫn tới chuyện kiện cáo. [Công danh] lại bị chậm trễ mười năm, thứ bậc đỗ đạt giáng xuống Tam Giáp. Sau đó, trong khách điếm tại Trường An, lại làm chuyện dâm bôn với một người đàn bà nhà lành, [công danh] lại bị chậm trễ mười năm. Nay lại lén lút tằng tịu với con gái nhà hàng xóm, làm ác chẳng hối cải, tài lộc hoàn toàn bị tước sạch, sắp tới hạn kỳ chết rồi!
Sư trở về thuật lại, ông Đăng xấu hổ, hối hận mà chết.
Nhận định: Lý Đăng đáng gọi là
kẻ tự chế tạo gông cùm lặp đi lặp lại
vậy. Nếu sớm sanh lòng hối hận, tu đức để chuộc oan khiên, ắt sẽ đậu Trạng Nguyên, làm Tể Tướng, có thể trả lại ngọc bích cho nước Triệu[2]. Nếu chẳng vậy, lỡ làm quấy một lần, về sau chẳng tái phạm nữa, ắt đối với chuyện đỗ đạt hiển vinh, hãy còn được hưởng một nửa. [Trạng Nguyên, Tể Tướng] là do trời đất vun bồi, do tổ tông tích lũy [âm đức], nay vì một mình ông ta [làm quấy mà bị] tước sạch! Phụ bạc [ân đức của trời đất, tổ tiên] quá đỗi!
Lại nữa, thú vui dâm tà so với khoa bảng chẳng bằng một phần vạn; thế mà đem đổi sự phú quý suốt cả một đời bằng niềm vui sướng trong chốc lát, há cũng chẳng phải là quá sức ngu muội ư! Ôi! Người đỗ Trạng Nguyên sẽ làm Tể Tướng, trong mấy trăm năm chỉ thấy một, hai người! Do tạo chuyện oan nghiệt ấy, mất sạch chẳng còn sót gì! Huống hồ vận mạng của người khác chẳng bằng một phần vạn Lý Đăng mà cùng tạo nghiệp giống như ông ta, tôi sợ rằng vị thần chưởng quản tài lộc chưa chắc đã chỉ phạt thứ bậc đỗ đạt thấp hơn, lại còn kéo dài thời hạn để mong ông ta sửa đổi! Nguy hiểm lắm thay! Những kẻ tài cao học rộng trong hiện thời, đến tận tuổi già vẫn nghèo túng, khốn đốn, hãy nên tự xét những chuyện đã làm để xem có phải là đã phạm vào loại tội nghiệt này hay chăng?
Từ sinh là con cháu nhà quan, tuổi trẻ đã nổi tiếng có tài, do lén lút ngấp nghé sắc đẹp của gái hàng xóm, bèn dụ vợ mua chuộc để chèo kéo cô ta đến nhà thêu thùa, khiến cho cô ta thường qua lại. Một hôm, sau khi Từ sinh đã nấp dưới gầm giường, vợ giả vờ ra ngoài trông coi bếp núc. Từ sinh cưỡng gian cô ta. Chuyện lộ ra. Cha mẹ cô gái ấy ép cô ta tự tử. Sau đấy, mỗi lần Từ sinh vào trường thi, đều thấy cô gái ấy mặc quần áo dính máu đi đến, chẳng hề thi đậu. Về sau, bị loạn quân giết chết!
Trương Minh Tam theo cha đến chỗ trấn nhậm ở vùng Quỳnh Nhai[3], thông gian với hai cô con gái viên quan Chỉ Huy Sứ gần đó, lén mang hai cô gái vượt biển. Cha họ gấp rút đuổi theo, Minh Tam hết cách, đẩy hai cô xuống nước cho chết đuối. Mười năm sau, Minh Tam bị đau thắt lưng, đón thầy thuốc họ Tôn đến chữa trị. Bệnh hơi bớt, tối hôm ấy, ông Tôn mộng thấy hai cô gái lôi ông ta xuống nước, bảo:
Thiếp vốn là người Quỳnh Nhai, đến đòi mạng họ Trương, cớ sao ông ngăn trở chúng tôi báo thù?
Ông Tôn kinh hãi, tỉnh giấc, kể lại với Minh Tam. Minh Tam đấm ngực than thở:
Oan nghiệt đã tới rồi! Ta nguy mất rồi!
Một tháng sau bèn chết!
Lưu Nghiêu Cử ở huyện Long Thư thuê một chiếc thuyền chở mình đi thi. Chủ thuyền có một cô con gái, họ Lưu mấy lượt ve vãn, nhưng không có dịp nào ra tay. Tới vòng thi thứ hai, họ Lưu ra khỏi trường thi rất sớm, nhằm đúng lúc chủ thuyền vào chợ mua bán, bèn thông dâm với cô gái ấy. Đêm hôm ấy, cha mẹ của ông Lưu mộng thấy thần bảo:
Cậu nhà lẽ ra đỗ đầu, nhưng vì làm chuyện bất nghĩa, bảng trời đã xóa tên rồi!
Đến khi yết bảng, mới biết quan chủ khảo vốn đã tính lấy họ Lưu đỗ đầu, nhưng do thấy [bài văn có chỗ] phạm trường quy bèn loại bỏ. Họ Lưu hết sức hối hận; sau đấy, suốt đời chẳng đỗ đạt gì!
Ở huyện Thường Thục có một tay viên ngoại lang họ Tiền, cậy vào tiền tài, thế lực, ức hiếp kẻ khác. Trong làng, có một phụ nữ xinh đẹp, nhà nghèo, họ Tiền bèn cho chồng cô ta mượn tiền để buôn vải ở Lâm Thanh hòng nhờ dịp đó, tư thông với người vợ. Một hôm, chồng cô ta ra khỏi cửa, do thủy triều cạn, không thể đi được, lại quay về, thấy họ Tiền đang ôm vợ mình, chè chén khoái trá. Chồng vừa thẹn vừa giận, quay về thuyền. Họ Tiền ngầm mưu tính với vợ anh ta, đến đêm sai người giả làm cướp giết chết. Họ hàng biết chuyện, thưa lên quan. Đã nhận tội rồi, họ Tiền lại rải tiền bạc để chạy chọt, thoát khỏi xử phạt. Vừa ra tới cửa thành, bỗng dưng giông tố ùa tới, hai kẻ đó đều bị sét đánh chết tươi!
Nhận định: Đã dâm vợ lại còn giết chồng, thiên lý khó dung, oan hồn chẳng nguôi cừu hận được! Vì thế, tuy con người mưu mô xảo quyệt, trời lẫn thần đều báo ứng. Thử xem hạng người như vậy mà được bình yên không bị báo ứng, trăm kẻ chẳng được một, cũng chẳng khác gì vung đao tự giết mình vậy!
Đời Minh, Lục Trọng Tích sanh ra đã có tài lạ. Khi mười bảy tuổi, theo thầy là ông Khâu lên sống ở kinh đô. Nhà đối diện có một cô gái rất đẹp. Hai người lén ngấp nghé nhau, đều động tâm. Thầy xui:
Thành Hoàng ở kinh đô thiêng nhất, ngươi hãy thử cầu khẩn, may ra được thỏa nguyện
, bèn đến cầu khấn. Đêm ấy, chàng Lục mộng thấy mình và thầy đều bị Thành Hoàng truy bắt, quở trách nặng nề. [Thành Hoàng] sai thuộc hạ tra xét tài lộc, địa vị. Kiểm sổ sách, thấy dưới tên họ Lục có ghi chú:
Đỗ Trạng Nguyên năm Giáp Tuất
, còn dưới tên họ Khâu chẳng có gì hết. Thần bảo:
Ta sẽ tấu sớ lên Thượng Đế, gạt bỏ tên ngươi khỏi sổ, rút ruột họ Khâu
. Vừa mới tỉnh mộng, thằng hầu trong quán trọ gõ cửa, báo tin:
Khâu tiên sinh bị nghẽn ruột, sa đì chết mất rồi
. Sau này, Trọng Tích nghèo hèn suốt đời!
[1] Giải Nguyên (解元): Người đỗ đầu khoa thi Hương.
[2] Thời Chiến Quốc, nước Triệu sở hữu viên ngọc Biện Hòa, vua Tần đem mười thành đòi đổi, nhưng vua Triệu từ khước. Về sau, Triệu bị Tần áp bức quá mức phải hiến ngọc. Thành ngữ
hoàn bích quy Triệu
được sử dụng với ý nghĩa
sẽ trở lại tốt đẹp như ban đầu
.
[3] Quỳnh Nhai là một vịnh biển tại đảo Hải Nam.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Thọ Khang Bảo Giám.