4.2. Bảo hiểm bánh thánh: đánh cược vào mạng sống


Số từ: 2758
Dịch giả: Nguyễn Diệu Hằng
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Trẻ
C
húng ta có thể tìm hiểu những lập luận phản đối nói trên bằng cách xem xét một cách sử dụng hợp đồng bảo hiểm tính mạng cũng rất gây tranh cãi về đạo đức, xuất hiện vào những năm 1980 và 1990, bắt nguồn từ bệnh AIDS. Nó được gọi là công nghiệp bảo hiểm bánh thánh, là một thị trường các hợp đồng bảo hiểm tính mạng cho người bị AIDS và người bị chẩn đoán là đang mắc bệnh giai đoạn cuối. Thị trường hoạt động như sau: Giả sử một người có hợp đồng bảo hiểm tính mạng trị giá 100.000 dollar, và anh ta được bác sỹ cho biết anh ta chỉ còn sống được thêm một năm. Và giả sử hiện tại anh ta cần tiền để chữa bệnh, hoặc đơn giản là để có cuộc sống sung sướng hơn trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại. Một nhà đầu tư đề xuất mua lại hợp đồng bảo hiểm của người bệnh với mức giá chiết khấu thấp hơn giá trị hợp đồng, ví dụ 50.000 dollar, và anh ta sẽ chịu trách nhiệm nộp phí bảo hiểm. Khi người chủ hợp đồng ban đầu qua đời, nhà đầu tư sẽ được hưởng 100.000 dollar [203].
Có vẻ như đây là một giao dịch có lợi. Người chủ hợp đồng sắp qua đời được hưởng số tiền mà anh ta đang cần, còn nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận kha khá – với điều kiện chủ hợp đồng qua đời đúng như dự kiến. Nhưng vẫn có rủi ro: mặc dù vụ đầu tư bảo hiểm bánh thánh đảm bảo người đầu tư sẽ nhận được tiền khi chủ hợp đồng chết (trong ví dụ này là 100.000 dollar), nhưng tỷ suất sinh lợi lại phụ thuộc chủ hợp đồng sẽ sống được bao lâu. Nếu anh ta chết sau một năm, đúng như dự đoán, thì nhà đầu tư trả 50.000 dollar để mua hợp đồng trị giá 100.000 dollar có thể nói là đã trúng lớn – tỷ suất sinh lợi là 100% trong một năm (nhưng phải trừ đi phí bảo hiểm phải nộp và phí môi giới phải trả cho người thu xếp vụ mua bán). Nếu anh ta sống thêm được hai năm, nhà đầu tư phải đợi lâu gấp đôi để kiếm được cùng số tiền đó, và tỷ suất sinh lợi mỗi năm giảm đi một nửa (đấy là chưa tính phí bảo hiểm phải nộp thêm làm cho tỷ suất sinh lợi còn giảm nữa). Nếu người bệnh hồi phục một cách thần kỳ và sống rất nhiều năm nữa thì nhà đầu tư sẽ chẳng thu được gì.
Đương nhiên là vụ đầu tư nào cũng có rủi ro. Nhưng với hợp đồng bánh thánh, rủi ro tài chính gây ra một vấn đề đạo đức, cái không có ở hầu hết các vụ đầu tư khác: nhà đầu tư phải hy vọng người chủ hợp đồng sẽ chết sớm. Người chủ hợp đồng sống càng lâu, tỷ suất sinh lợi của nhà đầu tư càng giảm.
Không nói chúng ta cũng biết ngành kinh doanh hợp đồng bánh thánh đã phải chịu đựng như thế nào để mọi người không còn chú ý đến khía cạnh tồi tệ trong nghề của họ nữa. Những người môi giới hợp đồng bánh thánh mô tả nhiệm vụ của họ là đem lại cho những người bệnh giai đoạn cuối một số tiền để sống những ngày cuối đời một cách tương đối thoải mái, đàng hoàng. (Hợp đồng bánh thánh, nguyên bản là
viatical
– con đường, từ Latin của
voyage
, chỉ khoản tiền và những vật dụng cần thiết mà chính quyền La Mã cấp cho quan chức của họ khi đi công tác [204]). Nhưng không ai chối bỏ được một điều là nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận khi người được bảo hiểm qua đời đúng lúc.
Đã từng có những khoản lợi nhuận khổng lồ, và đã từng có những câu chuyện tệ hại khi người ta sống lâu hơn
, William Scott Page, chủ tịch một công ty bảo hiểm bánh thánh ở thành phố Fort Lauderdale kể.
Hợp đồng bánh thánh có cái thú vị riêng. Không có môn khoa học nào dự đoán chính xác được thời điểm một người sẽ chết
[205].
Một vài
câu chuyện tệ hại
nói trên đã dẫn đến kiện tụng, trong đó những nhà đầu tư tức giận đã kiện người môi giới vì đã bán cho họ những hợp đồng bảo hiểm tính mạng không
đáo hạn
sớm như mong muốn. Việc tìm ra thuốc chống virus HIV vào giữa thập niên 1990 đã kéo dài cuộc sống của hàng chục nghìn người bị AIDS và làm đảo lộn các phép toán của ngành kinh doanh bảo hiểm bánh thánh. Tổng giám đốc một công ty kinh doanh bảo hiểm bánh thánh đã giải thích mặt trái của những loại thuốc giúp kéo dài sự sống:
Một người đang được kỳ vọng sống thêm 12 tháng hóa ra lại sống thêm 24 tháng thực sự sẽ tước đi lợi nhuận của bạn
. Năm 1996, thành tựu đột phá với liệu pháp kháng retrovirus (ARV) đã khiến giá cổ phiếu công ty Dignity Partners, Inc. – một công ty kinh doanh bảo hiểm bánh thánh ở San Francisco – rơi tự do từ 14,5 dollar xuống còn 1,38 dollar. Và công ty này đã phải đóng cửa nhanh chóng [206].
Năm 1998, báo New York Times
đăng câu chuyện về một nhà đầu tư giận dữ ở Michigan. Năm năm trước, anh ta mua hợp đồng bảo hiểm tính mạng của Kendall Morrison, một người New York bị mắc bệnh AIDS, và vào thời điểm đó, bệnh của Morrison đã diễn biến rất xấu. Nhưng nhờ loại thuốc mới, sức khỏe Morrison đã ổn định trở lại và khiến nhà đầu tư vô cùng thất vọng. Morrison nói:
Tôi chưa bao giờ cảm thấy có ai lại muốn tôi chết đến thế. Họ liên tục gọi điện và chuyển phát nhanh thư hỏi thăm đến cho tôi. Như thể họ muốn hỏi: ‘Thế ra anh vẫn sống à?’
[207]
Khi bệnh AIDS không còn bị coi là án tử hình thì các công ty kinh doanh hợp đồng bánh thánh phải tìm cách đa dạng hóa hoạt động với các hợp đồng bảo hiểm tính mạng cho người bị ung thư và các bệnh giai đoạn cuối khác. Không nản chí trước sự suy giảm của thị trường hợp đồng bánh thánh bệnh AIDS, William Kelley, tổng giám đốc Hiệp hội Bảo hiểm bánh thánh Mỹ vẫn lạc quan về thị trường hợp đồng cái chết tương lai:
So với số người bị AIDS thì số người bị ung thư, bệnh tim mạch nặng và các bệnh giai đoạn cuối khác vẫn đông hơn nhiều
[208].
Không như bảo hiểm tạp vụ, bảo hiểm bánh thánh phục vụ một mục đích xã hội rõ ràng - đó là đem lại nguồn tài chính trong những ngày cuối đời của người bị bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối. Hơn nữa, người được bảo hiểm đã đồng ý mua bảo hiểm từ đầu (mặc dù trong một số trường hợp, có thể người mắc bệnh hiểm nghèo không đủ quyền lực để đàm phán một mức giá hợp lý cho hợp đồng bảo hiểm của họ). Vấn đề đạo đức của hợp đồng bánh thánh không phải ở chỗ thiếu sự đồng thuận của người được bảo hiểm. Mà là ở chỗ nó là công cụ đánh cược vào cái chết của người mua bảo hiểm, và nó đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư khi những người này qua đời đúng thời điểm dự kiến.
Có người sẽ nói là hợp đồng bánh thánh không phải công cụ duy nhất đầu tư vào cái chết. Ngành bảo hiểm nhân thọ cũng biến sự sống chết của chúng ta thành hàng hóa. Nhưng vẫn có sự khác biệt: Với bảo hiểm tính mạng, công ty bán bảo hiểm cho tôi đang đánh cược vào sự sống chứ không phải cái chết của tôi. Tôi càng sống lâu, công ty bảo hiểm càng kiếm được nhiều tiền. Còn với hợp đồng bánh thánh, quyền lợi tài chính lại đi theo hướng ngược lại. Theo quan điểm của công ty bảo hiểm, tôi càng chết sớm càng tốt [209].
Tại sao tôi phải quan tâm chuyện đâu đó có một nhà đầu tư đang mong tôi chết? Có lẽ tôi không cần quan tâm, với điều kiện anh ta không làm gì để biến hy vọng thành hiện thực hay thường xuyên gọi điện cho tôi hỏi thăm sức khỏe. Chuyện này có thể chỉ đáng kinh sợ chứ không đáng phản đối về mặt đạo đức. Hoặc có thể vấn đề đạo đức không nằm ở chỗ nó có gây tổn thương cho cơ thể tôi hay không, mà là nó sẽ làm xói mòn phẩm cách của nhà đầu tư. Bạn có muốn kiếm tiền bằng cách đặt cược rằng một người sẽ chết sớm?
Tôi ngờ rằng ngay cả những người nhiệt tình ủng hộ thị trường tự do cũng ngần ngại, không dám hoàn toàn thừa nhận rằng đánh cược vào cái chết của người khác cũng là một ngành kinh doanh. Hãy xem: Nếu ngành bảo hiểm bánh thánh không khác gì bảo hiểm tính mạng về mặt đạo đức thì tại sao họ không có quyền vận động hành lang vì quyền lợi của họ? Nếu ngành bảo hiểm tính mạng có quyền vận động hành lang cho những chính sách nhằm kéo dài cuộc sống của người khác (ví dụ bắt buộc đeo dây bảo hiểm khi đi ô tô hay cấm hút thuốc) thì tại sao ngành bảo hiểm bánh thánh không có quyền vận động cho những chính sách thúc đẩy cái chết (ví dụ, giảm chi ngân sách cho nghiên cứu bệnh AIDS hoặc ung thư). Theo như tôi biết thì ngành bảo hiểm bánh thánh chưa vận động hành lang. Nhưng nếu về mặt đạo đức, mọi người được phép đầu tư vào khả năng những người bị AIDS hoặc ung thư sẽ chết sớm thì hẳn họ cũng được phép vận động cho những chính sách thúc đẩy con người chết sớm.
Có một nhà đầu tư bảo hiểm bánh thánh tên là Warren Chisum, ông đồng thời là nghị sỹ bảo thủ bang Texas và
một tín đồ phản đối đồng tính nổi tiếng
. Ông đã lãnh đạo thành công nỗ lực vận động quy định truy tố hình sự với hành vi quan hệ tình dục đồng tính nam ở bang Texas; ông phản đối giáo dục giới tính; và bỏ phiếu chống các chương trình hỗ trợ bệnh nhân AIDS. Năm 1994, Chisum tự hào tuyên bố ông đã bỏ 200.000 dollar để mua hợp đồng bảo hiểm tính mạng của sáu bệnh nhân AIDS. Ông tuyên bố với báo Houston Post
:
Tôi đánh cược rằng tôi sẽ lãi ít nhất 17%, có thể còn cao hơn nhiều. Nếu họ chết trong vòng một tháng thì anh biết đấy, [vụ đầu tư này] sẽ thực sự tuyệt vời
[210].
Một số người buộc tội Chisum vì đã bỏ phiếu cho những chính sách giúp ông thu được lợi ích cho bản thân. Nhưng lời buộc tội này không đúng; ông kiếm được tiền vì ông tin vào việc người ta chết chứ không phải ngược lại. Đây không phải trường hợp xung đột lợi ích điển hình. Thực tế, nó còn tệ hơn – một dạng chiến lược đầu tư có trách nhiệm với xã hội nhưng đã bị bóp méo đạo đức. Niềm vui thô thiển của Chisum trước khía cạnh đáng sợ của hợp đồng bánh thánh là ngoại lệ. Rất ít người đầu tư vào hợp đồng bánh thánh vì lý do thù địch. Hầu hết mọi người đều muốn bệnh nhân AIDS được mạnh khỏe, sống lâu, trừ những bệnh nhân nằm trong danh mục đầu tư.
Các nhà đầu tư vào bảo hiểm bánh thánh không phải những người duy nhất kiếm sống trên cái chết của người khác. Nhân viên điều tra cái chết bất thường, người làm dịch vụ tang lễ, phu đào huyệt đều như vậy, và chưa ai phê phán họ là vô đạo đức cả. Vài năm trước, báo New York Times
đưa tin về Mike Thomas, một anh chàng 34 tuổi người Detroit, làm nghề
thu nhặt thi hài
cho nhà xác địa phương. Nhiệm vụ của anh là thu nhặt, vận chuyển thi hài những người đã qua đời về nhà xác. Anh được trả thù lao theo đầu người chết, có thể nói như vậy – cứ mỗi thi hài anh được trả 14 dollar. Nhờ tỷ lệ giết người ở Detroit khá cao mà anh kiếm được khoảng 14.000 dollar mỗi năm từ công việc đáng sợ này. Nhưng khi bạo lực giảm, Thomas phải đối mặt với một thời kỳ khó khăn.
Tôi biết điều này nghe có vẻ kỳ quái
, anh nói.
Tôi phải đợi có ai đó chết. Mong chờ có người chết. Nhưng đúng là thế. Đấy là cách tôi kiếm tiền nuôi con
[211].
Trả thù lao cho người thu nhặt thi hài theo đầu người chết có vẻ kinh tế, nhưng cũng làm phát sinh chi phí đạo đức. Việc một người kiếm được tiền trên cái chết của đồng loại có vẻ sẽ làm mất đi nhận thức về đạo đức của anh ta – và cả của chúng ta nữa. Về khía cạnh này, nghề thu nhặt thi hài cũng giống nghề kinh doanh hợp đồng bảo hiểm bánh thánh, nhưng có một điểm khác biệt cũng liên quan đến đạo đức: người thu nhặt thi hài sống nhờ cái chết của đồng loại, nhưng anh ta không cần phải hy vọng một người cụ thể sẽ chết sớm, mà ai chết lúc nào cũng được.
∞ ∞ ∞ ∞ ∞
[203] Tôi viết phần này dựa trên bài báo của tôi có tên
Đánh cược mạng sống của bạn
, New Republic
, 7/9/1998.
[204] Từ tiếng Latin
viaticum
vừa có nghĩa là tiền ăn đường của quan chức La Mã cổ đại, vừa có nghĩa là bánh thánh ban cho người hấp hối (ND).
[205] William Scott Page, trích trong Helen Huntley,
Kiếm tiền, giúp người sắp chết
, St.Petersburg Times
, 25/1/1998.
[206] David W. Dunlap,
Thuốc điều trị bệnh AIDS làm thay đổi tính toán của cả một ngành kinh doanh: Tính toán lại các giao dịch liên quan đến bồi thường tử vong
, New York Times
, 30/7/1996; Marcia Vickers,
Với các ‘hợp đồng cái chết tương lai’, sân chơi ngày càng khó
, New York Times
, 27/4/1997.
[207] Stephen Rae,
Bệnh AIDS: Vẫn đang chờ đợi
, New York Times Magazine
, 19/7/1998.
[208] Phát biểu của William Kelley được trích trong
Bản tin đặc biệt: Nhiều giao dịch hợp đồng bánh thánh được miễn thuế liên bang
, Hiệp hội Bảo hiểm bánh thánh Mỹ, 10/1997, trích trong Sandel,
Đánh cược mạng sống của bạn
.
[209] Niên kim trọn đời hoặc lương hưu – khoản tiền nhất định một người được nhận hàng tháng cho đến khi qua đời – là những hình thức hưởng lợi giống bảo hiểm bánh thánh hơn bảo hiểm nhân thọ. Công ty trả niên kim sẽ có lãi khi người nhận qua đời sớm. Nhưng đầu tư vào niên kim thường có rủi ro lớn hơn và vô danh (nhà đầu tư không biết đang đầu tư vào ai) hơn so với đầu tư vào bảo hiểm bánh thánh, vì vậy, nếu người được bảo hiểm qua đời sớm thì tiền lãi nhà đầu tư nhận được cũng ít hơn. Hơn nữa, các công ty bán bảo hiểm nhân thọ thì thường cũng bán cả niên kim nên rủi ro người được bảo hiểm sống lâu cũng được bù đắp lại.
[210] Molly Ivins,
Chisum thấy có lợi nhuận khi kinh doanh người chết vì AIDS
, Austin American- Statesman, 16/3/1994. Xem thêm Leigh Hop,
Bệnh nhân AIDS đổi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ lấy tiền tiêu ngay
, Houston Post
, 1/4/1994.
[211] Charles LeDuff,
Người thu nhặt thi hài ở Detroit trả lời khi có người chết
, New York Times
, 18/9/2006.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tiền không mua được gì?.