4.4. Lược sử đạo đức của bảo hiểm tính mạng


Số từ: 2913
Dịch giả: Nguyễn Diệu Hằng
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Trẻ
C
húng ta thường nghĩ bảo hiểm và cá cược chỉ là hai cách khác nhau để đối phó với rủi ro. Bảo hiểm là biện pháp giảm thiểu rủi ro, còn cá cược là tận dụng rủi ro. Bảo hiểm thể hiện tính thận trọng, còn cá cược là đầu cơ. Nhưng ranh giới giữa chúng luôn dao động [217].
Trong lịch sử, sự gần gũi giữa bảo hiểm tính mạng và đánh cược vào chính nó đã khiến nhiều người coi bảo hiểm tính mạng là đáng ghê sợ. Bảo hiểm tính mạng không chỉ tạo động lực cho các vụ giết người mà nó còn đưa ra mức giá thị trường sai cho tính mạng con người. Trong nhiều thế kỷ, bảo hiểm tính mạng bị cấm ở hầu hết các nước châu Âu. Một luật gia Pháp thế kỷ 18 đã viết:
Tính mạng con người không thể là đối tượng của hợp đồng mua bán, và thật đáng hổ thẹn khi cái chết lại trở thành thứ có thể đầu cơ
. Trước thời điểm giữa thế kỷ 19, nhiều nước châu Âu từng không có công ty bảo hiểm nhân thọ nào. Ở Nhật, mãi đến năm 1881 mới xuất hiện công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên. Vì không được coi là chính thống về đạo đức nên
ở hầu hết các nước, bảo hiểm nhân thọ không hề phát triển cho đến tận giữa hoặc cuối thế kỷ 19
[218].
Nước Anh là ngoại lệ. Bắt đầu là cuối thế kỷ 17, các chủ tàu, nhà môi giới, nhà bảo lãnh bảo hiểm thường tập hợp ở quán cà phê Lloyd’s ở Anh, một trung tâm bảo hiểm hàng hải. Có người đến mua bảo hiểm để được đảm bảo tàu và hàng của mình sẽ quay về an toàn. Người khác lại đến để đánh cược vào tính mạng, vào những sự kiện mà họ không liên quan gì trừ việc họ muốn cá cược. Nhiều người mua
bảo hiểm ngược
cho những con tàu mà họ không sở hữu, hy vọng kiếm được tiền nếu tàu bị chìm ngoài biển cả. Ngành bảo hiểm trộn lẫn với cá cược, trong đó người bảo lãnh đồng thời đóng vai nhà cái [219].
Luật pháp Anh không có quy định hạn chế với cả bảo hiểm và cá cược, hai thứ ít nhiều khó tách biệt. Vào thế kỷ 18, các
chủ hợp đồng
bảo hiểm từng đánh cược vào kết quả ai trúng cử, quốc hội giải tán hay không, vị quý tộc Anh nào sẽ bị giết, Napoleon sẽ chết hay bị bắt, nữ hoàng sống được bao lâu trong những tháng trước đại lễ kỷ niệm ngày lên ngôi.[220] Những chủ đề phổ biến khác trong cá cược, cái được gọi là khía cạnh thể thao của bảo hiểm, là kết quả những cuộc bao vây và chiến dịch quân sự,
tính mạng được bảo hiểm kỹ càng
của Robert Walpole [221], hay liệu vua George II có còn sống trở về sau cuộc chinh phạt không. Khi vua Pháp là Louis XIV đổ bệnh vào tháng 8/1715, đại sứ Anh ở Pháp cá cược rằng Thái Dương vương (biệt danh của vua Louis XIV) sẽ không sống được qua tháng 9. (Và vị đại sứ đã thắng cược).
Những người của công chúng thường là chủ đề để đem ra cá cược
, tức là một dạng sơ khởi của cá cược người chết trên mạng ngày nay [222].
Có một vụ cá cược bảo hiểm tính mạng đặc biệt tàn nhẫn liên quan đến 800 người tị nạn người Đức. Họ đến Anh vào năm 1765 và đã bị bỏ rơi, không lương thực, không chốn dung thân ở ngoại ô London. Những kẻ đầu cơ và nhà cái ở Lloyd’s đã đánh cược với nhau về số người sẽ chết sau một tuần [223].
Phần lớn mọi người sẽ thấy vụ cá cược này thật kinh khủng. Nhưng theo quan điểm của lập luận thị trường thì không có gì cho thấy nó đáng phản đối. Vì người đánh cược không phải chịu trách nhiệm về tình trạng tuyệt vọng của nhóm người nhập cư nên có gì sai khi họ cá cược với nhau bao giờ nhóm người nhập cư sẽ chết? Cả hai phía tham gia cá cược đều có lợi; nếu không thì như lập luận kinh tế đã chứng minh, họ sẽ không bao giờ tham gia cá cược. Có lẽ nhóm người nhập cư không biết gì về vụ cá cược, và họ cũng chẳng bị ảnh hưởng gì bởi kết quả đánh cá. Ít nhất, đây cũng là logic kinh tế của thị trường bảo hiểm nhân thọ tự do.
Nếu phản đối cá cược người chết thì lý do phải nằm ngoài logic thị trường, ở thái độ vô nhân đạo mà vụ cá cược thể hiện. Với bản thân người tham gia cá cược, sự bàng quan trước cái chết hay đau đớn là dấu hiệu của cái xấu. Với cả xã hội, thái độ ấy cộng với hệ thống khuyến khích nó thể hiện tính thô lỗ, mục nát. Như chúng ta đã thấy trong nhiều ví dụ khác về thương mại hóa, bản thân việc các chuẩn mực xã hội bị xói mòn hoặc bị lấn át có thể không phải là lý do chính đáng để phản đối thị trường. Nhưng việc đánh cược vào tính mạng của người lạ không đem lại điều gì tốt đẹp cho xã hội ngoài tiền và thú vui giải trí nên chính đặc điểm xấu của cá cược đã là lý do chính đáng để kiểm soát chặt chẽ nó.
Tình trạng cá cược người chết diễn ra phổ biến ở Anh đã làm xã hội dấy lên sự phản đối hành vi xấu. Và còn một nguyên nhân nữa khiến chúng ta phải hạn chế nó. Bảo hiểm nhân thọ ngày càng được coi là một giải pháp khôn ngoan dành cho trụ cột gia đình để bảo vệ người thân khỏi cảnh nghèo túng, nhưng giá trị đạo đức của nó đã bị xói mòn vì nó có liên quan đến cá cược. Để bảo hiểm nhân thọ có thể trở thành một ngành kinh doanh chính đáng, cần phải tách nó khỏi hoạt động đầu cơ tài chính.
Cuối cùng nước Anh cũng làm được điều ấy với Đạo luật Bảo hiểm có hiệu lực năm 1774 (còn được gọi là Đạo luật Cá cược). Luật cấm cá cược vào tính mạng của người lạ và hạn chế bảo hiểm tính mạng chỉ áp dụng cho những người có
quyền lợi được bảo hiểm
từ người được bảo hiểm tính mạng. Vì thị trường bảo hiểm nhân thọ tự do đã dẫn tới
những trò cá cược độc hại
nên quốc hội quyết định cấm mọi hình thức bảo hiểm tính mạng,
trừ trường hợp người mua bảo hiểm có quyền lợi liên quan đến việc sống chết của người được bảo hiểm
. Nói một cách đơn giản, như nhà sử học Geoffrey Clark,
Đạo luật Cá cược đã đưa ra giới hạn những trường hợp nào có thể coi tính mạng con người như hàng hóa
[224].
Ở Mỹ, bảo hiểm tính mạng được chấp nhận một cách chậm chạp. Nó chỉ được phát triển từ cuối thế kỷ 19. Mặc dù từ thế kỷ 18, đã có vài công ty bảo hiểm ra đời, nhưng chủ yếu họ chỉ bán bảo hiểm hàng hải. Bảo hiểm tính mạng
bị phản đối dữ dội về mặt văn hóa
. Như Viviana Zeilizer viết:
Biến cái chết trở thành hàng hóa trên thị trường là hành vi làm tổn hại đến hệ giá trị đang bảo vệ sự thiêng liêng cũng như tính quý giá, không thể so sánh của tính mạng con người
[225].
Đến thập niên 1850, bảo hiểm tính mạng bắt đầu phát triển, nhưng chỉ nhấn mạnh vào mục đích bảo vệ và lờ đi khía cạnh thương mại:
Cho đến tận cuối thế kỷ 19, ngành bảo hiểm tính mạng vẫn tránh sử dụng các thuật ngữ kinh tế, thay vào đó, họ phủ quanh mình các biểu tượng tôn giáo và quảng cáo về các giá trị đạo đức mà bảo hiểm mang lại hơn là lợi ích bằng tiền. Bảo hiểm tính mạng được tiếp thị dưới hình thức một công cụ thể hiện tính vị tha, quên mình chứ không phải một khoản đầu tư sinh lợi nhuận
[226].
Cuối cùng, nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm tính mạng cũng bớt ngần ngại khi chào bán bảo hiểm như một công cụ đầu tư. Khi ngành bảo hiểm tính mạng phát triển lên thì ý nghĩa, mục đích của nó cũng thay đổi. Từng được thận trọng quảng cáo là một cơ chế tốt nhằm bảo vệ những người vợ góa và con cái, nhưng giờ đây bảo hiểm tính mạng đã trở thành công cụ tiết kiệm và đầu tư, một cách kiếm tiền bình thường. Khái niệm
quyền lợi được bảo hiểm
đã mở rộng, không chỉ cho người thân trong gia đình và người phụ thuộc mà còn bao gồm cả đối tác kinh doanh và nhân sự chủ chốt trong công ty. Các công ty có thể mua bảo hiểm cho ban điều hành (chứ không phải cho nhân viên văn thư, tạp vụ). Đến cuối thế kỷ 19, việc thương mại hóa bảo hiểm nhân thọ
đã làm gia tăng hiện tượng mua bảo hiểm thuần túy vì mục đích kinh doanh
, quyền lợi được bảo hiểm được áp dụng mở rộng cho cả
người lạ không có liên quan gì đến người được bảo hiểm ngoài lợi ích kinh tế
[227].
Nhưng nỗi lo ngại về đạo đức khi thương mại hóa cái chết vẫn phảng phất. Zelizer đã chỉ ra một dấu hiệu cho thấy nỗi lo ngại ấy: sự cần thiết phải có các nhân viên đại lý bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm đã sớm biết rằng mọi người không tự cảm thấy cần mua bảo hiểm. Ngay cả khi xã hội chấp nhận bảo hiểm tính mạng thì cũng
không thể đưa cái chết vào các giao dịch thương mại bình thường được
. Nên cần có nhân viên đại lý bảo hiểm để tìm kiếm khách hàng, giúp họ vượt qua được bản tính ngần ngại và thuyết phục họ về tính ưu việt của sản phẩm bảo hiểm [228].
Điểm bất thường của giao dịch thương mại liên quan đến cái chết còn giải thích tại sao nhân viên bán bảo hiểm ít được tôn trọng. Không đơn giản vì công việc của họ gắn với cái chết. Bác sỹ, thầy tu cũng vậy, nhưng họ không bị suy đồi đạo đức. Nhân viên đại lý bảo hiểm trở thành người xấu vì anh ta
bán cái chết, kiếm sống trên bi kịch tồi tệ nhất của người khác
. Nghề bán bảo hiểm vẫn bị mang tiếng xấu đến tận thế kỷ 20. Mặc dù rất nỗ lực chuyên nghiệp hóa công việc, nhưng các đại lý bảo hiểm vẫn không làm cho xã hội mất đi ấn tượng xấu rằng họ coi
cái chết là đối tượng mua bán
[229].
Quy định về quyền lợi được bảo hiểm khiến bảo hiểm nhân thọ chỉ được áp dụng cho những người có quyền lợi gắn bó với tính mạng người được bảo hiểm từ trước, có thể là người thân hoặc lợi ích tài chính. Như vậy mới tách biệt được bảo hiểm ra khỏi cá cược – không ai được phép cá cược vào tính mạng người lạ đơn thuần chỉ để kiếm tiền nữa. Nhưng sự tách biệt này không rõ ràng như ta tưởng. Nguyên nhân: các thẩm phán đã phán quyết rằng khi bạn có hợp đồng bảo hiểm tính mạng (với cơ sở là quyền lợi được bảo hiểm), bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn với hợp đồng, kể cả bán cho người khác. Quan điểm
chuyển nhượng
này – như người ta thường gọi – có nghĩa là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là một tài sản giống như các tài sản khác [230].
Năm 1911, Tòa án Tối cao Mỹ xác nhận quyền bán, hay thường gọi là
chuyển nhượng
hợp đồng bảo hiểm tính mạng. Trong biên bản tại tòa, Thẩm phán Oliver Wendell Holmes, Jr. có nhận thấy vấn đề là ở chỗ: cho phép mọi người được bán hợp đồng bảo hiểm tính mạng của mình cho bên thứ ba sẽ vi phạm quy định về quyền lợi được bảo hiểm. Nhà đầu cơ sẽ có cơ hội tái tham gia thị trường:
Nếu hợp đồng bảo hiểm tính mạng của một người không đem lại cho người được bảo hiểm hưởng quyền lợi gì thì hợp đồng đó thuần túy là công cụ cá cược, khiến người được bảo hiểm gặp bất lợi tồi tệ khi chết
[231].
Đây chính là vấn đề bảo hiểm bánh thánh gặp phải vài thập niên trước. Hãy nhớ lại hợp đồng bảo hiểm của Kendall Morrison – bệnh nhân AIDS người New York – được bán cho bên thứ ba. Với nhà đầu tư, hợp đồng thuần túy là công cụ cá cược Morrison sẽ sống bao lâu. Khi Morrison không qua đời đúng như dự kiến, nhà đầu tư nhận thấy mình đã rơi vào tình huống
gặp bất lợi tồi tệ khi [người được bảo hiểm] chết
. Những cú điện thoại gọi đến, những lá thư hỏi han được chuyển phát nhanh chính là vì lý do ấy.
Holmes thừa nhận rằng bắt buộc [người thụ hưởng] phải có quyền lợi được bảo hiểm hoàn toàn là để tránh biến bảo hiểm tính mạng thành cá cược vào người chết,
một trò cá cược độc hại
. Nhưng theo ông, lý do này chưa đủ để ngăn chặn sự hình thành thị trường thứ cấp trong lĩnh vực bảo hiểm tính mạng với sự tham gia của các nhà đầu cơ. Và ông kết luận:
Ngày nay, bảo hiểm tính mạng đã trở thành một trong những hình thức đầu tư và tự bắt buộc tiết kiệm phổ biến nhất.
Do đó, trong chừng mực an toàn được phép, cũng nên cho rằng hợp đồng bảo hiểm có những đặc điểm của một tài sản thông thường
[232].
Một thế kỷ sau, tình thế mà Holmes gặp phải còn khó xử hơn. Ranh giới giữa bảo hiểm, đầu tư và đánh bạc đã biến mất. Bảo hiểm tạp vụ, bảo hiểm bánh thánh và cá cược người chết xuất hiện đầu những năm 1990 mới chỉ là khởi đầu. Ngày nay, thị trường sống và chết đã đi quá xa mục tiêu xã hội và những chuẩn mực đạo đức từng chi phối nó.
∞ ∞ ∞ ∞ ∞
[217] Geoffrey Clark, Đánh cược vào cuộc sống: Văn hóa bảo hiểm nhân thọ ở Anh, 1695-1775 (Betting on Lives: The Culture of Life Insurance in England, 1695-1775), (Manchester: Manchester University Press, 1999), trang 3– 10; Roy Kreitner, Lời hứa có tính toán: Sự nổi lên của học thuyết khế ước Mỹ hiện đại (Calculating Promises: The Emergence of Modern American Contract Doctrine), (Stanford: Stanford University Press, 2007), trang 97– 104; Lorraine J. Daston,
Thuần hóa rủi ro: xác suất toán và bảo hiểm 1650-1830
, in trong Lorenz Kruger, Lorraine J. Daston và Michael Heidelberger biên tập, The Probabilistic Revolution, quyển 1 (Cambridge, MA: MIT Press, 1987), trang 237– 60.
[218] Clark, Đánh cược vào cuộc sống, trang 3-10; Kreitner, Lời hứa có tính toán, trang 97-104; Daston,
Thuần hóa rủi ro
; Viviana A. Rotman Zelizer, Đạo đức và Thị trường: Sự phát triển của bảo hiểm nhân thọ ở Mỹ (Morals & Markets: The Development of Life Insurance in the United States), (New York: Columbia University Press, 1979), trang 38 (trích lời luật gia người Pháp Emerignon).
[219] Clark, Đánh cược vào cuộc sống, trang 8-10, 13-27.
[220] Kreitner, Lời hứa có tính toán, trang 126-29.
[221] Robert Walpole (1676-1745), người được coi là thủ tướng Anh đầu tiên dù chức danh này chưa tồn tại vào thời điểm đó vì ông có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong chính phủ Anh đương thời (ND).
[222] Clark, Đánh cược vào cuộc sống, trang 44-53.
[223] Sách đã dẫn, trang 50; Zelizer, Đạo đức và Thị trường, trang 69, trích dẫn lời John Francis, Biên niên sử, giai thoại và huyền thoại (Annals, Anecdotes, and Legends), (London: Longman, Brown, Green, and Longmans, 1853), trang 144.
[224] Đạo luật Bảo hiểm nhân thọ 1774, chương 48 14 Geo 3, www.legislation.gov. uk/apgb/Geo3/14/48/introduction; Clark, Đánh cược vào cuộc sống, trang 9, 22, 34– 35, 52– 53.
[225] Zelizer, Đạo đức và Thị trường, trang 30, 43. Xem thêm các trang 91-112, 119-47.
[226] Sách đã dẫn, trang 62.
[227] Sách đã dẫn, trang 108.
[228] Sách đã dẫn, trang 124.
[229] Sách đã dẫn, trang 146-47.
[230] Sách đã dẫn, trang 71-72; Kreitner, Lời hứa có tính toán, trang 131-46.
[231] Vụ kiện Grigsby chống Russell, 222 U.S. 149 (1911), trang 154. Xem Kreitner, Lời hứa có tính toán, trang 140– 42.
[232] Vụ kiện Grigsby chống Russell, trang 155– 56.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tiền không mua được gì?.