4.7. Trái phiếu cái chết
-
Tiền không mua được gì?
- Michael Sandel
- 1154 chữ
- 2020-05-09 09:43:37
Số từ: 1144
Dịch giả: Nguyễn Diệu Hằng
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Trẻ
T
hị trường cá cược vào người chết chỉ còn một bước nữa là lên đến đỉnh cao – được Wall Street biến thành công cụ tài chính. Năm 2009, báo New York Times
đưa tin các ngân hàng đầu tư ở Wall Street có kế hoạch mua lại hợp đồng bảo hiểm đã được mua đứt,
gói
chúng lại thành trái phiếu và bán cho các quỹ hưu trí và các nhà đầu tư lớn khác. Thu nhập mà trái phiếu mang lại đến từ số tiền đền bù khi các hợp đồng bảo hiểm gốc đáo hạn, tức là người được bảo hiểm qua đời. Những gì Wall Street làm với cái chết giống như những gì nó đã làm với các khoản vay mua nhà suốt mấy chục năm qua [258].
Theo báo New York Times
,
Goldman Sachs đã xây dựng chỉ số thể hiện khả năng có thể mua bán của các hợp đồng bảo hiểm đã được mua đứt, dựa vào đó, nhà đầu tư có thể đánh cược liệu một người sẽ sống lâu hơn hay qua đời trước thời điểm dự kiến trong hợp đồng
. Còn Credit Suisse thì tạo ra
một dây chuyền lắp ráp hợp đồng để mua số lượng lớn các hợp đồng bảo hiểm tính mạng, gói chúng lại và bán đi – giống như các công ty ở Wall Street đã làm với những khoản vay dưới chuẩn
. Với số hợp đồng bảo hiểm tính mạng hiện có ở Mỹ trị giá tổng cộng 26 nghìn tỷ dollar, thị trường trái phiếu cái chết đem lại hy vọng về một loại sản phẩm tài chính mới, giúp bù đắp lại phần thu nhập mất đi sau khi thị trường các khoản vay được chứng khoán hóa sụp đổ [259].
Mặc dù còn phải thuyết phục thêm một số tổ chức xếp hạng công cụ tài chính nữa, nhưng ít nhất mọi người cũng đã tin rằng có thể tạo ra một trái phiếu từ các hợp đồng bảo hiểm đã được mua đứt với rủi ro tối thiểu. Tương tự như chứng khoán từ các khoản vay được hình thành từ nhiều khoản vay ở nhiều vùng trên khắp cả nước, trái phiếu hình thành từ các hợp đồng bảo hiểm đã được mua đứt là một gói gồm hợp đồng bảo hiểm của nhiều người
với đủ loại bệnh khác nhau – bạch cầu, ung thư phổi, tim, ung thư vú, đái tháo đường, Alzheimer
. Một trái phiếu dựa trên danh mục đủ loại bệnh như vậy sẽ cho phép nhà đầu tư yên tâm vì nếu con người có tìm ra thuốc chữa một bệnh thì cũng không thể làm cho trái phiếu giảm giá [260].
AIG, người khổng lồ trong lĩnh vực bảo hiểm, từng thực hiện những giao dịch phức tạp, góp phần gây ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cũng bày tỏ sự quan tâm đến loại chứng khoán mới này. Là công ty bảo hiểm, AIG luôn phản đối việc bán đứt hợp đồng bảo hiểm và đã từng ra tòa đấu tranh. Nhưng họ cũng thầm lặng mua lại số hợp đồng trị giá 18 tỷ dollar trong tổng giá trị 45 tỷ dollar hiện có trên thị trường, và họ hy vọng sẽ gói chúng lại thành các loại giấy tờ có giá và bán chúng dưới dạng trái phiếu [261].
Vậy thì trái phiếu cái chết là tốt hay xấu về mặt đạo đức? Xét trên góc độ nào đó thì nó cũng giống như hành vi cá cược vào người chết nằm ẩn sau nó. Nếu chúng ta nên phản đối hành vi cá cược vào tính mạng con người và kiếm tiền trên cái chết của người khác với lý do đạo đức, thì trái phiếu cái chết cũng tệ hại không kém với những hình thức đa dạng mà chúng ta đã xem xét: bảo hiểm tạp vụ, bảo hiểm bánh thánh, cá cược người chết và tất cả những vụ mua bán bảo hiểm thuần túy vì lý do đầu cơ. Có thể có ý kiến cho rằng việc không rõ một trái phiếu chứa trong nó bảo hiểm của những ai và là loại bảo hiểm gì sẽ làm giảm bớt hiệu ứng xói mòn đạo đức đi một mức độ nhất định. Một khi các hợp đồng bảo hiểm đã được sắp xếp thành các gói hợp đồng có giá trị khổng lồ, sau đó được cắt thành các gói nhỏ hơn và bán cho các quỹ hưu trí hay quỹ tài chính của các trường đại học thì không nhà đầu tư nào có lợi ích gắn liền với cái chết của một người nhất định nữa. Phải thừa nhận là giá hợp đồng trái phiếu cái chết sẽ giảm nếu chính sách y tế, tiêu chuẩn môi trường của nhà nước hoặc thói quen ăn uống, tập luyện của người dân giúp họ cải thiện được sức khỏe và sống lâu hơn. Nhưng đánh cược vào điều này có vẻ không tệ hại như đếm ngược những ngày cuối đời còn lại của bệnh nhân AIDS người New York hay một chủ trang trại già ở Idaho. Hay là chúng đều tệ hại như nhau?
Đôi khi chúng ta quyết định sẽ chung sống với một thị trường đã bị xói mòn về đạo đức vì nó cũng đem lại điều tốt đẹp cho xã hội. Bảo hiểm tính mạng là một trong những thỏa hiệp ấy. Để bảo vệ gia đình, công ty của người được bảo hiểm khỏi bị sụp đổ tài chính khi người đó qua đời, sau hai thế kỷ, xã hội đã miễn cưỡng đi đến kết luận rằng những người có quyền lợi được bảo hiểm liên quan đến tính mạng một người được phép cá cược vào cái chết. Nhưng khó mà cưỡng lại được sức hấp dẫn của đầu cơ.
Thị trường sống và chết khổng lồ ngày nay đã chứng tỏ rằng nỗ lực lớn lao để tách bảo hiểm khỏi cá cược đã không thành công. Khi Wall Street tăng tốc mua bán trái phiếu cái chết thì cũng là lúc chúng ta quay lại thế giới không bị ràng buộc về đạo đức trong quán cà phê Lloyd’s ở London, nhưng giờ đây quy mô của thị trường đã lớn hơn nhiều, khiến cho việc cá cược vào cái chết, vận xui của người lạ có vẻ kỳ quặc.
∞ ∞ ∞ ∞ ∞
[258] Jenny Anderson,
Wall Street tìm kiếm lợi nhuận từ gói các hợp đồng bảo hiểm
, New York Times
, 6/9/2009.
[259] Tài liệu đã dẫn.
[260] Tài liệu đã dẫn.
[261] Leslie Scism,
AIG nỗ lực bán trái phiếu đánh cược vào người chết
, Wall Street Journal
, 22/4/2011. 01B0