4.6. Tính mạng người lạ


Số từ: 3041
Dịch giả: Nguyễn Diệu Hằng
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Trẻ
T
huốc kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân AIDS là may mắn của ngành y tế, nhưng lại là lời nguyền đối với ngành bảo hiểm bánh thánh. Nhà đầu tư nhận thấy họ bị mắc kẹt trong tình trạng phải nộp phí cho những hợp đồng bảo hiểm không kết thúc đúng thời hạn họ mong muốn. Nếu ngành bảo hiểm bánh thánh muốn tiếp tục tồn tại thì các nhà môi giới phải tìm ra bệnh chắc chắn gây tử vong hơn để đầu tư. Sau khi tìm hiểu các bệnh nhân ung thư và một số bệnh giai đoạn cuối khác, họ đi đến một ý tưởng bạo dạn hơn: Tại sao lại chỉ giới hạn đầu tư vào tính mạng những người bị bệnh? Tạo sao không mua hợp đồng bảo hiểm của những người cao tuổi khỏe mạnh nhưng sẵn lòng bán hợp đồng để lấy tiền?
Alan Buerger là nhân vật tiên phong trong ngành kinh doanh mới. Vào đầu thập niên 1990, ông chuyên bán bảo hiểm tạp vụ cho các doanh nghiệp. Khi Quốc hội xóa bỏ chính sách ưu đãi thuế cho bảo hiểm tạp vụ, Buerger xem xét chuyển sang kinh doanh bảo hiểm bánh thánh. Nhưng rồi ông nhận thấy những người cao tuổi khỏe mạnh, giàu có mới là thị trường lớn hơn, hứa hẹn hơn.
Tôi cảm thấy như bị sét đánh vậy
, Bueger kể với tờ Wall Street Journal
[243].
Năm 2000, ông bắt đầu mua lại hợp đồng bảo hiểm tính mạng của những người từ 65 tuổi trở lên và bán cho giới đầu tư. Hoạt động kinh doanh của ông giống bảo hiểm bánh thánh, trừ chỗ tuổi thọ kỳ vọng của người được bảo hiểm càng cao thì giá trị hợp đồng càng lớn, thường phải 1 triệu dollar trở lên. Nhà đầu tư mua lại hợp đồng bảo hiểm của những người không cần nó nữa, đóng phí và nhận trợ cấp tử vong khi người được bảo hiểm qua đời. Để tránh tiếng xấu vốn đã gắn với bảo hiểm bánh thánh, họ tự gọi công việc của mình là
mua đứt hợp đồng bảo hiểm tính mạng
. Công ty của Buerger – Coventry First – là một trong những công ty thành công nhất trong ngành [244].
Ngành mua đứt hợp đồng bảo hiểm tính mạng tự cho rằng họ là
một thị trường tự do trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ
. Trước kia, những người không muốn hoặc không cần đến hợp đồng bảo hiểm tính mạng nữa không có lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ mặc cho hợp đồng tự kết thúc, hoặc đôi khi họ thanh lý hợp đồng cho công ty bảo hiểm và nhận được số tiền đền bù không đáng kể. Giờ dây, họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách bán hợp đồng bảo hiểm của mình cho giới đầu tư [245].
Nghe có vẻ như đây là một thỏa thuận có lợi cho cả hai. Người được bảo hiểm được trả mức giá tương xứng cho hợp đồng mà họ không cần nữa, còn nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận khi hợp đồng đáo hạn. Nhưng thị trường thứ cấp trong lĩnh vực bảo hiểm tính mạng đã làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn và một loạt các vụ kiện tụng.
Mâu thuẫn thứ nhất xuất hiện trong lý thuyết kinh tế học bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm không thích
hợp đồng bảo hiểm được mua đứt
. Khi đưa ra phí bảo hiểm, họ giả định rằng có một số người nhất định sẽ từ bỏ hợp đồng trước khi qua đời. Người được bảo hiểm thường ngừng nộp phí, bỏ mặc cho hợp đồng tự kết thúc khi con cái họ trưởng thành, bạn đời của họ được đảm bảo cuộc sống. Thực tế là công ty bảo hiểm không phải chi trả tiền đền bù cho 40% hợp đồng bảo hiểm. Nhưng khi có ngày càng nhiều người bán hợp đồng bảo hiểm tính mạng của họ cho giới đầu tư thì sẽ có ngày càng ít hợp đồng được bỏ ngang giữa chừng, và công ty bảo hiểm sẽ phải bỏ ra nhiều tiền đền bù hơn (cho nhà đầu tư, người vẫn đóng phí bảo hiểm đến khi kết thúc hợp đồng và cuối cùng sẽ nhận được tiền đền bù) [246].
Mâu thuẫn thứ hai liên quan đến tính bất ổn về mặt đạo đức của việc cá cược vào tính mạng con người. Với nghề mua đứt hợp đồng bảo hiểm tính mạng, cũng giống như bảo hiểm bánh thánh, tỷ lệ sinh lời của một vụ đầu tư phụ thuộc vào thời điểm người được bảo hiểm qua đời. Năm 2010, tờ Wall Street Journal
đưa tin: Life Partners Holdings, một công ty chuyên mua đứt hợp đồng bảo hiểm tính mạng đã mắc sai lầm hệ thống là ước tính quá thấp tuổi thọ kỳ vọng của người được bảo hiểm trong các hợp đồng mà họ bán cho nhà đầu tư. Ví dụ, họ bán cho nhà đầu tư hợp đồng bảo hiểm tính mạng của một chủ trang trại chăn nuôi 79 tuổi ở bang Idaho với giá 2 triệu dollar, giả định ông này chỉ sống được từ hai đến bốn năm nữa. Nhưng hơn năm năm sau, ở tuổi 84, ông vẫn rất mạnh khỏe, vẫn tập chạy trên máy chạy bộ, nâng tạ, chẻ củi.
Tôi vẫn khỏe như trâu
, ông cho biết.
Sẽ có vô số nhà đầu tư phải thất vọng
[247].
Wall Street Journal
phát hiện ra rằng ông chủ trang trại khỏe mạnh không phải người duy nhất khiến nhà đầu tư thất vọng. Trong 95% số hợp đồng mà Life Partners làm trung gian mua bán, người được bảo hiểm sống lâu hơn ước tính của công ty. Tỷ lệ tử vong cao quá mức do một bác sỹ ở Reno, bang Nevada – người được Life Partners thuê làm việc này – đưa ra. Ngay sau khi bài báo xuất hiện, Life Partners đã bị Ủy ban chứng khoán bang Texas và Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch liên bang điều tra vì ước tính tuổi thọ không rõ ràng [248].
Một công ty kinh doanh hợp đồng bảo hiểm tính mạng được mua đứt khác ở Texas đã bị chính quyền bang buộc phải đóng cửa vào năm 2010 vì đã định hướng sai cho nhà đầu tư về tuổi thọ kỳ vọng. Họ nói với Sharon Brady, cán bộ tư pháp đã nghỉ hưu ở Fort Worth rằng nếu đầu tư vào tính mạng của những người cao tuổi thì tỷ lệ sinh lời mỗi năm của bà là 16%.
Họ lấy ra một cuốn sách và cho tôi xem ảnh và tuổi của một số người. Một bác sỹ giải thích với tôi mấy người ấy bị bệnh gì, họ sẽ sống được bao lâu nữa
, Brady kể.
Không nên mong có người chết, nhưng nếu có thì anh sẽ kiếm được tiền. Tức là anh thực sự đang cá cược khi nào người ta chết
.
Brady nói bà
cảm thấy chuyện này hơi kỳ lạ. Anh thu được lợi nhuận rất cao trên số tiền đầu tư ban đầu
. Một tình huống không ổn, nhưng rất hấp dẫn về mặt tài chính
. Brady và chồng đầu tư 50.000 dollar chỉ để về sau họ biết rằng con số người chết ước tính phải nói là quá đẹp, không thể có thật.
Thực tế là họ sống lâu gấp đôi thời gian mà tay bác sỹ kia nói
[249].
Một đặc điểm nữa còn gây tranh cãi nhiều hơn là cách thức tìm hợp đồng bảo hiểm để bán. Vào giữa những năm 2000, thị trường bảo hiểm nhân thọ tính mạng đã phát triển lên quy mô lớn. Các quỹ phòng ngừa và các định chế tài chính khác như Credit Suisse hay Deutsche Bank đã chi hàng tỷ dollar để mua các hợp đồng bảo hiểm tính mạng của người giàu cao tuổi. Khi cầu hợp đồng tăng lên, một vài nhà môi giới bắt đầu trả tiền cho những người cao tuổi chưa có bảo hiểm để họ mua bảo hiểm tính mạng với giá trị cao rồi bán lại hợp đồng bảo hiểm cho giới đầu cơ. Chúng được gọi là những hợp đồng bảo hiểm phục vụ đầu cơ [250].
Năm 2006, báo New York Times
ước tính quy mô thị trường các hợp đồng bảo hiểm phục vụ đầu cơ lên tới 13 tỷ dollar một năm. Tờ báo cũng mô tả các nhà môi giới điên cuồng tìm kiếm hợp đồng mới như thế nào:
Các vụ mua bán hợp đồng đem lại lợi nhuận cao đến mức giới đầu tư đeo đuổi người cao tuổi bằng mọi giá. Ở Florida, các nhà đầu tư còn tài trợ tiền mời những người cao tuổi lên du thuyền để kiểm tra thể lực và mua bảo hiểm tính mạng ngay tại đó
[251].
Ở Minnesota, một cụ ông 82 tuổi đã mua bảo hiểm tính mạng với tổng giá trị là 120 triệu dollar từ bảy công ty bảo hiểm khác nhau rồi bán cho giới đầu cơ với lợi nhuận cao. Các công ty bảo hiểm đều kêu trời, phàn nàn rằng việc sử dụng bảo hiểm thuần túy với mục đích đầu cơ là đi ngược với mục tiêu cơ bản của bảo hiểm tính mạng - giúp gia đình người được bảo hiểm tránh được sụp đổ tài chính – và hợp đồng bảo hiểm phục vụ đầu cơ sẽ làm tăng chi phí bảo hiểm của những khách hàng bảo hiểm đích thực [252].
Một vài hợp đồng bảo hiểm phục vụ đầu cơ đã dẫn đến kiện tụng. Trong một số vụ, công ty bảo hiểm từ chối chi trả tiền đền bù tử vong vì cho rằng nhà đầu cơ không có quyền lợi được bảo hiểm. Về phần mình, công ty kinh doanh hợp đồng bảo hiểm được mua đứt cho rằng rất nhiều công ty bảo hiểm, trong đó có người khổng lồ AIG rất ưa thích hợp đồng bảo hiểm phục vụ đầu cơ vì nó đem lại mức phí cao, nhưng đến lúc phải trả tiền thì lại kêu ca phàn nàn. Một số vụ kiện khác lại là người được bảo hiểm kiện nhà môi giới ra tòa vì nhà môi giới đã bán lại hợp đồng bảo hiểm của họ [253].
Một trong những khách hàng của hợp đồng phục vụ đầu cơ cảm thấy bất mãn là người dẫn chương trình trò chuyện trên truyền hình Larry King. Ông đã mua hai hợp đồng bảo hiểm tính mạng cho mình với tổng giá trị 15 triệu dollar và bán ngay sau đó. Ông được trả 1,4 triệu dollar, nhưng ở tòa, ông buộc tội đại lý bảo hiểm đã nói không đúng sự thật với ông về tiền hoa hồng, phí bảo hiểm và thuế. Larry King cũng cho biết ông không thể tìm ra hiện ai là người được hưởng tiền đền bù khi ông qua đời.
Chúng tôi không biết người đang giữ hợp đồng bảo hiểm là một quỹ phòng ngừa ở Wall Street hay một tay trùm Mafia
– lời luật sư của ông [254].
Cuộc chiến giữa các công ty bảo hiểm và những người chuyên mua đứt hợp đồng bảo hiểm còn diễn ra ở cơ quan lập pháp khắp các bang trên cả nước. Năm 2007, Goldman Sachs, Credit Suisse, UBS, Bear Stearns và nhiều ngân hàng khác đã thành lập Hiệp hội Thị trường bảo hiểm tính mạng để thúc đẩy thị trường hợp đồng bảo hiểm được mua đứt và vận động hành lang chống lại những nỗ lực hạn chế ngành kinh doanh này. Nhiệm vụ của hiệp hội là: tạo ra
giải pháp mới dựa vào thị trường
cho
thị trường liên quan đến tuổi thọ và tử vong
[255]. Đây là cách gọi lịch sự cho thị trường cá cược người chết mà thôi.
Năm 2009, phần lớn các bang đều thông qua luật cấm hợp đồng bảo hiểm phục vụ đầu cơ hay
hợp đồng bảo hiểm nhân thọ do người lạ khởi xướng
(STOLI) – như thuật ngữ trong luật. Nhưng các bang đều cho phép nhà môi giới tiếp tục mua bán hợp đồng bảo hiểm tính mạng của người ốm hoặc người già, những người tự nguyện mua bảo hiểm chứ không phải mua để phục vụ giới đầu cơ. Để chặn trước các quy định hạn chế mạnh hơn, ngành kinh doanh hợp đồng bảo hiểm được mua đứt đã đưa ra nguyên tắc phân biệt giữa
hợp đồng bảo hiểm tính mạng thuộc sở hữu người lạ
(cái mà luật cho phép) với
hợp đồng bảo hiểm tính mạng do người lạ khởi xướng
(cái mà luật cấm) [256].
Xét về mặt đạo đức thì chúng không khác nhau lắm. Việc nhà đầu cơ thuyết phục người cao tuổi mua bảo hiểm nhân thọ rồi bán đi để kiếm lợi nhuận nhanh chóng có vẻ đặc biệt tệ hại. Rõ ràng nó đi ngược lại mục đích chính của bảo hiểm tính mạng là bảo vệ gia đình và công ty khỏi bị sụp đổ tài chính khi người trụ cột gia đình hoặc lãnh đạo cao cấp của công ty qua đời. Nhưng mọi giao dịch kinh doanh hợp đồng bảo hiểm tính mạng được mua đứt đều tệ hại như vậy cả. Đầu cơ vào tính mạng người khác là hành vi đáng nghi vấn về đạo đức, bất kể ai khởi xướng việc mua bảo hiểm.
Trong phiên điều trần về bảo hiểm ở bang Florida, Doug Head, phát ngôn viên của ngành kinh doanh mua đứt hợp đồng bảo hiểm đã lập luận rằng cho phép mọi người bán hợp đồng bảo hiểm tính mạng cho giới đầu cơ là hành động
thể hiện quyền tài sản và cho thấy ưu thế của kinh tế thị trường tự do cạnh tranh
. Khi một người có quyền lợi hợp pháp cần được bảo hiểm ký hợp đồng bảo hiểm, anh ta có quyền bán lại hợp đồng cho người trả giá cao nhất.
Công cụ ‘Hợp đồng bảo hiểm tính mạng thuộc sở hữu người lạ’ là kết quả tự nhiên của việc người chủ sở hữu hợp đồng bán hợp đồng trên thị trường mở - hành vi thể hiện quyền tài sản cơ bản của họ
. Head khẳng định hợp đồng bảo hiểm tính mạng do người lạ khởi xướng lại khác. Chúng không hợp pháp vì nhà đầu cơ, người khởi xướng ra việc ký hợp đồng, không hề có quyền lợi cần được bảo hiểm [257].
Lập luận của Head không thuyết phục. Trong cả hai trường hợp, nhà đầu cơ, người cuối cùng nắm trong tay hợp đồng bảo hiểm, đều không có quyền lợi được cần bảo hiểm từ việc người được bảo hiểm qua đời, dẫn tới công ty bảo hiểm phải chi trả tiền đền bù. Trong cả hai trường hợp, nhà đầu cơ đều có lợi nhuận khi một người họ không quen biết qua đời. Nếu như Head nói, tôi có quyền mua bán hợp đồng bảo hiểm tính mạng của chính bản thân tôi thì việc tôi thực hiện quyền ấy theo ý mình hay gợi ý của người khác có gì khác nhau? Giá trị của việc bán đứt hợp đồng bảo hiểm tính mạng là ở chỗ nó
đem lại giá trị bằng tiền mặt
từ hợp đồng bảo hiểm mà tôi đang sở hữu. Còn giá trị của hợp đồng bảo hiểm phục vụ nhà đầu cơ là ở chỗ nó
đem lại giá trị bằng tiền mặt
từ những năm cuối đời của tôi. Dù là cách nào đi nữa thì vẫn sẽ có một người tôi không quen biết được hưởng lợi khi tôi chết, còn tôi kiếm được ít tiền khi tự đặt mình vào tình thế đó.
∞ ∞ ∞ ∞ ∞
[243] Liam Pleven và Rachel Emma Silverman,
Tiền mặt trao tay: Một nhà kinh doanh bảo hiểm đã tạo ra một ngành kinh doanh cái chết rất sôi động
. Wall Street Journal, 26/11/2007.
[244] Tài liệu đã dẫn; www.coventry.com/about-coventry/index.asp
[245] www.coventry.com/life-settlement-overview/secondary-market.asp.
[246] Xem Susan Lorde Martin,
Cá cược vào tính mạng người lạ: giải quyết hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của người lạ (STOLI) và chứng khoán hóa
, University of Pennsylvania Journal of Business Law
13 (Mùa thu 2010): 190. Tỷ lệ hợp đồng bị bỏ ngang năm 2008 là 38%, theo Thống kê bảo hiểm nhân thọ ACLI
(ACLI Life Insurers Fact Book), 8/12/2009, trang 69, được trích dẫn trong bài báo của Martin.
[247] Mark Maremont và Leslie Scismti,
Tỷ lệ đánh cược gây bất lợi cho những người đầu tư vào tính mạng người lạ
, Wall Street Journal
, 21/12/2010.
[248] Tài liệu đã dẫn; Mark Maremont,
Life Partners bị kiện ở Texas
, Wall Street Journal
, 30/7/2011.
[249] Maria Woehr,
‘Trái phiếu cái chết’ tìm kiếm cuộc sống mới
, The Street, 1/6/2011, www.thestreet.com/story/11135581/1/death-bonds-look-for-newlife.html.
[250] Charles Duhigg,
Về cuối đời, tìm vận may từ bảo hiểm nhân thọ
, New York Times
, 17/12/2006.
[251] Tài liệu đã dẫn.
[252] Tài liệu đã dẫn.
[253] Leslie Scism,
Công ty bảo hiểm kiện hành vi cá cược người chết
, Wall Street Journal, 2/1/2011; Leslie Scism,
Công ty bảo hiểm và nhà đầu tư mâu thuẫn nhau vì cá cược người chết
, Wall Street Journal, 9/7/2011.
[254] Pleven và Silverman,
Tiền mặt trao tay
.
[255] Tài liệu đã dẫn. Trích dẫn được lấy từ trang chủ của Hiệp hội Thị trường bảo hiểm nhân thọ, www.lifemarketassociation.org.
[256] Martin,
Cá cược vào tính mạng người lạ
, trang 200-06.
[257] Điều trần tại Văn phòng Quản lý Bảo hiểm bang Florida của Doug Head, giám đốc điều hành Hiệp hội kinh doanh giải quyết hợp đồng bảo hiểm tính mạng, 28/8/2008, www.loir.com/sideDocuments/LifeInsSettlementAssoc.pdf.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tiền không mua được gì?.