5.8. Tách biệt giàu nghèo


Số từ: 1028
Dịch giả: Nguyễn Diệu Hằng
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Trẻ
K
hông phải cái gì bị thương mại hóa thì cũng bị hủy diệt. Vòi nước cứu hỏa có biểu tượng của KFC vẫn phun được nước để dập lửa. Toa tàu điện ngầm được phủ kín bởi quảng cáo một bộ phim của Hollywood vẫn đưa được hành khách về nhà ăn tối. Trẻ em vẫn học được toán bằng cách đếm kẹo Tootsie Rolls. Người hâm mộ thể thao vẫn ủng hộ được đội nhà trên sân Bank of America, AT&T Park hay Lincold Financial Field, cho dù khi đọc những cái tên ấy thì rất ít người biết đội bóng nào là chủ sân.
Tuy nhiên, in biểu tượng của các công ty lên mọi thứ sẽ làm thay đổi ý nghĩa của chúng. Thị trường có để lại dấu ấn trên những nơi nó đi qua. Gài quảng cáo vào nội dung sách làm mất đi tính chân thực của lời văn và làm hỏng mối quan hệ giữa tác giả và độc giả. Quảng cáo bằng hình xăm trên cơ thể biến người được trả tiền để mang chúng trở thành đồ vật, làm mất giá trị con người họ. Quảng cáo trong lớp học làm xói mòn mục tiêu giáo dục.
Tôi cũng phải thừa nhận rằng đây là những phán xét gây tranh cãi. Mọi người bất đồng ý kiến với nhau về ý nghĩa của sách vở, của cơ thể người, của trường học cũng như cách đánh giá giá trị của chúng. Trong thực tế, chúng ta còn không thống nhất được chuẩn mực nào phù hợp với những lĩnh vực mà thị trường đã xâm chiếm – cuộc sống gia đình, tình bạn, giới tính, sinh con, y tế, giáo dục, môi trường tự nhiên, nghệ thuật, trách nhiệm công dân, thể thao, và cách thức tranh luận về cái chết. Nhưng quan điểm của tôi là: nếu chúng ta đã thấy được thị trường, thương mại làm thay đổi tính chất của những sự vật, hiện tượng mà nó tác động vào thì chúng ta phải đặt câu hỏi thị trường nên thuộc về đâu cũng như không nên thuộc về đâu. Và chúng ta không thể trả lời câu hỏi ấy nếu không suy xét thận trọng ý nghĩa, mục đích của từng sự vật, hiện tượng cũng như những chuẩn mực chi phối chúng.
Việc suy xét cẩn trọng lại càng không thể tránh được phải đụng chạm đến những quan niệm khác biệt về thế nào là một cuộc sống tốt đẹp. Đây là lĩnh vực mà đôi khi chúng ta không muốn đặt chân vào. Vì sợ bất đồng ý kiến nên chúng ta ngần ngại, không dám đem niềm tin về đạo đức và tinh thần của mình ra tranh luận công khai. Nhưng chúng ta trốn tránh các câu hỏi ấy không có nghĩa là chúng không có câu trả lời. Mà đơn giản là thị trường sẽ trả lời giúp chúng ta. Đây là bài học rút ra được từ ba thập kỷ qua. Kỷ nguyên tôn vinh thị trường lại chính là thời kỳ mà các cuộc tranh luận công khai thiếu vắng nền tảng giá trị đạo đức và tinh thần. Cách duy nhất buộc thị trường ở đúng chỗ của nó là chúng ta phải tranh luận công khai, cởi mở về ý nghĩa của những hàng hóa, những hành vi mà chúng ta coi trọng.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần đặt ra một câu hỏi lớn hơn: chúng ta muốn sống trong một xã hội như thế nào. Khi quyền đặt tên và marketing chính quyền trở nên phổ biến thì chúng cũng làm xói mòn tính chất vì cộng đồng của các công trình công cộng và của chính quyền. Ngoài những tổn hại mà chúng gây ra đối với một số loại hàng hóa nhất định thì thương mại hóa còn gây ảnh hưởng đến cả xã hội. Tiền càng mua được nhiều thứ thì người dân từ các tầng lớp xã hội khác nhau càng có ít cơ hội được gặp gỡ, giao tiếp với nhau. Chúng ta đã thấy điều này khi đến một trận bóng chày và nhìn ngắm phòng có ghế thượng hạng ở trên cao, hoặc lên trên đó và nhìn xuống khán đài bên dưới. Khi ở sân bóng, mọi người từ các tầng lớp khác nhau không còn ngồi lẫn lộn với nhau nữa thì đây là mất mát không chỉ của những người ngồi dưới mà cả của những người được ngồi trên cao.
Khắp nơi trong xã hội chúng ta đang diễn ra chuyện tương tự. Khi bất công gia tăng thì thị trường hóa mọi thứ cũng có nghĩa là người giàu sẽ có cuộc sống càng tách biệt với người nghèo. Họ sẽ sống, làm việc, mua bán, vui chơi ở những nơi khác nhau. Con cái họ sẽ đi học ở những ngôi trường khác nhau. Bạn có thể gọi đây là tình trạng phân biệt giàu nghèo – tách biệt hóa trong đời sống xã hội Mỹ. Nó không có lợi cho nền dân chủ, và càng không phải lối sống mà chúng ta mong muốn.
Dân chủ không đòi hỏi xã hội phải công bằng tuyệt đối, nhưng vẫn cần các công dân chia sẻ cách sống với nhau. Điều quan trọng là người dân có trình độ khác nhau, vị trí xã hội khác nhau vẫn có thể gặp gỡ nhau, va chạm, cạnh tranh với nhau trong mọi hoạt động của đời sống hằng ngày. Nhờ vậy, chúng ta mới học được cách thỏa hiệp và tôn trọng sự khác biệt, và biết cách quan tâm đến lợi ích chung.
Vì vậy, nói cho cùng, câu hỏi về thị trường chính là câu hỏi chúng ta muốn sống với nhau như thế nào. Chúng ta có muốn một xã hội mà cái gì cũng đem ra mua bán được hay không? Hay phải có những giá trị đạo đức, giá trị công dân mà thị trường không thể chạm đến và không thể mua được bằng tiền?
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tiền không mua được gì?.