Lời Cảm Ơn


Số từ: 1167
Dịch giả: Nguyễn Diệu Hằng
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Trẻ
Ý
tưởng ban đầu về cuốn sách này đã có từ rất lâu. Từ hồi còn là sinh viên đại học, tôi đã có ý muốn nghiên cứu tính chuẩn tắc của kinh tế học. Ngay lúc bắt đầu giảng dạy ở Harvard năm 1980, tôi đã nghiên cứu chủ đề này khi giảng dạy cho sinh viên đại học và sau đại học về mối quan hệ giữa thị trường và đạo đức. Trong nhiều năm, tôi đã giảng môn Đạo đức, Kinh tế học và Luật pháp – khóa học của trường Luật Harvard dành cho sinh viên ngành luật và nghiên cứu sinh các ngành chính trị, triết học, kinh tế học và lịch sử. Bài giảng của tôi liên quan đến hầu hết các chủ đề trong cuốn sách này, và tôi học được rất nhiều từ những sinh viên xuất sắc từng tham gia khóa học.
Tôi cũng thu nhận được rất nhiều kiến thức khi tham gia cùng giảng dạy với các đồng nghiệp ở Harvard về các chủ đề liên quan đến nội dung cuốn sách. Mùa xuân năm 2005, tôi và Lawrence Summers cùng giảng một môn cho sinh viên đại học có tên Toàn cầu hóa và những lời phê phán. Khóa học cuối cùng lại trở thành một chuỗi những cuộc tranh cãi căng thẳng về ưu điểm liên quan đến đạo đức, chính trị và kinh tế của học thuyết thị trường tự do khi áp dụng vào toàn cầu hóa. Trong một vài chủ đề, chúng tôi còn mời được Thomas Friedman, một người bạn của tôi đến tham gia. Tom thường xuyên có chung quan điểm với Larry. Tôi rất biết ơn họ cũng như David Grewal, lúc đó là học viên sau đại học ngành khoa học chính trị và hiện là ngôi sao đang lên của trường Luật Yale. Grewal đã dạy tôi rất nhiều về lịch sử các tư tưởng kinh tế, giúp tôi tham gia các cuộc tranh luận học thuật với Larry và Tom. Mùa xuân năm 2008, tôi cùng tham gia giảng môn Đạo đức, Kinh tế học và Thị trường dành cho học viên sau đại học với Amartya Sen và Philipe van Parijs, triết gia thuộc Đại học Catholique de Louvain, giáo sư thỉnh giảng tại Harvard. Tuy chúng tôi có cách nhìn khá tương đồng về chính trị, nhưng quan điểm về thị trường lại khác biệt, và tôi học được rất nhiều từ những lần ba chúng tôi tranh luận với nhau. Mặc dù chưa từng giảng cùng Richard Tuck, nhưng trong nhiều năm, tôi và ông cũng hay thảo luận với nhau về các học thuyết kinh tế và chính trị, và tôi luôn có thêm kiến thức, hiểu thêm nhiều điều từ đó.
Khóa học về công lý dành cho sinh viên đại học mà tôi giảng cũng đem lại cho tôi những cơ hội để tìm hiểu thêm về chủ đề cuốn sách. Vài lần tôi có mời N. Gregory Mankiw, giáo sư giảng nhập môn kinh tế học ở Harvard đến cùng thảo luận về lập luận thị trường và lập luận đạo đức. Tôi rất biết ơn Greg – sự có mặt của ông đã giúp cả tôi và các sinh viên hiểu được các cách tư duy khác nhau của các nhà kinh tế, các triết gia chính trị về các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị. Vài dịp khác, bạn tôi, Richard Posner, nhân vật tiên phong áp dụng lập luận kinh tế vào luật pháp, cũng tham gia vào lớp Công lý để tranh luận về giới hạn đạo đức của thị trường. Vài năm trước, Dick có mời tôi đến dự một buổi trong chuỗi hội nghị chuyên đề về lựa chọn hợp lý cùng ông và Gary Becker ở Đại học Chicago – nơi khởi sinh của cách tiếp cận kinh tế vào mọi lĩnh vực. Với tôi, đó là một cơ hội đáng nhớ để kiểm nghiệm lập luận của mình trước những khán giả mà niềm tin của họ vào thị trường với tư cách là chìa khóa giải thích hành vi của con người còn lớn hơn cả của tôi.
Lần đầu tiên tôi trình bày những lập luận làm nên cuốn sách này là ở chuỗi bài giảng Tanner về Giá trị Nhân văn ở trường Brasenose, Đại học Oxford năm 1998. Khoản tiền trợ cấp nghiên cứu từ Chương trình học giả Carnegie 2000 – 2002 của tập đoàn Carnegie, New York là khoản hỗ trợ vô cùng quan trọng trong giai đoạn đầu dự án này. Tôi vô cùng biết ơn Vartan Gregorian, Patricia Rosenfield và Heather McKay vì tính kiên nhẫn, lòng ân cần và sự giúp đỡ trước sau như một của họ. Tôi cũng biết ơn hội thảo mùa hè của trường Luật Harvard, nơi tôi đã thử nghiệm một vài phần trong dự án với một nhóm các đồng nghiệp rất thú vị. Năm 2009, đài BBC Radio 4 đã mời tôi tham gia chuỗi bài giảng Reith, và đây là thách thức buộc tôi phải chuyển những lập luận về giới hạn đạo đức của thị trường thành những câu chữ thông thường mà khán giả không thuộc giới hàn lâm cũng có thể hiểu được. Chủ đề chung của chuỗi bài giảng là
Tinh thần công dân mới
, nhưng hai trong bốn bài giảng lại liên quan đến thị trường và đạo đức. Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn tới Mark Thompson, Mark Damazer, Mohit Bakaya, Gwyneth Williams, Sue Lawley, Sue Ellis, và Jim Frank, những người đã giúp trải nghiệm với BBC trở nên vô cùng thú vị.
Trong cuốn sách thứ hai này của tôi với nhà xuất bản FSG (Farrar, Straus and Giroux), một lần nữa, tôi phải cảm ơn Jonathan Galassi và đội ngũ nhân sự tuyệt vời của ông, gồm Eric Chinski, Jeff Seroy, Katie Freeman, Ryan Chapman, Debra Helfand, Karen Maine, Cynthia Merman, và hơn cả là biên tập viên xuất sắc của tôi, Paul Elie. Vào thời điểm sức ép của thị trường đang phủ bóng đen lên ngành xuất bản, những người ở FSG đã coi làm sách là nghiệp, là sự thôi thúc, chứ không phải chỉ là làm ra một hàng hóa. Esther Newberg, người đại diện của tôi cũng vậy. Tôi biết ơn tất cả bọn họ.
Tôi muốn dành lời cảm ơn sâu sắc nhất cho gia đình. Trên bàn ăn tối hay trong mọi chuyến đi du lịch của cả nhà, các con trai tôi, Adam và Aaron đều luôn tỏ ra sắc sảo, đưa ra câu trả lời đầy cân nhắc về đạo đức cho mọi tình huống khó về thị trường mà tôi đặt ra. Và lần nào chúng tôi cũng hướng đến Kiku để phân xử xem ai đúng. Tôi dành cuốn sách này cho cô ấy, với rất nhiều tình yêu.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tiền không mua được gì?.