Chương 38: Hồi thứ ba mươi tám


Số từ: 2886
Biên soạn: Đại Lân
Nguồn: NXB Đồng Nai
Tuy Tiết Cương vâng dạ nghe theo lời Ngụy Húc nhưng vốn tính hung hăng nóng nảy nên đêm ấy xông vào đánh giết băng hết năm tên quân canh cửa rồi mới chịu vào Thiết Ngưu phần bày lễ vật ra cúng tế. Tiết Cương đau lòng quá nên cũng chẳng thèm giữ gìn, khóc rống một hồi. Khi ấy có mấy tên quân đi tuần nghe tiếng khóc thì vội chạy đến. Khi thấy Tiết Cương đang cúng tế, phía ngoài la liệt xác chết quân sĩ thì bay hồn mất vía, lẳng lặng chạy về báo cho Đinh Điện, Trần Tiên và Võ Tam Tư biết.
Trương Quân Tả cũng nghe tin, lập tức dẫn quân Ngự lâm đến, hợp lực với các tướng vây phủ Thiết Ngưu phần trùng trùng điệp điệp. Tiết Cương tưởng đâu phen này chết chắc nhưng may mắn khi ấy Tần Hán và Điêu Nguyệt Nga được Lý Tịnh cho biết nên đằng vân đứng trên mây làm phép bảo hộ, vì thế Tiết Cương đánh giết không biết bao nhiêu mà chẳng hề bị thương tích.
Khi thoát ra ngoài thành, Tiết Cương lại bị Võ An Quốc mang quân thiết kỵ đuổi theo. Chẳng ngờ khi vừa đến gần con ngựa của Võ An Quốc chợt vấp phải mô đá, hất chủ tướng chúi nhủi. Tiết Cương cả mừng, đập cho Võ An Quốc một chùy nát óc rồi xông tới đánh giết tơi bời. Thấy quân sĩ sau khi bỏ chạy tán loạn, Tiết Cương như người tỉnh hồn, vội chạy về chùa tướng quốc từ giã sư ông, chờ đến tối chạy về Thiên Hùng sơn.
Chẳng ngờ trời quá tối, Tiết Cương đi lạc đến ngọn núi khác, bị Quý Long đại vương chặn đường đòi mãi lộ. Khi biết Tiết Cương, Quý Long vội xuống ngựa tạ tội, mời về sơn trại đàm đạo. Quý Long có một người em gái tên là Quý Loan Anh, nhan sắc xinh tươi, tính tình trung hậu, thấy Tiết Cương là con nhà công thần nên ngỏ ý muốn gả cho, cùng nhau hợp lực chiêu binh mãi mã báo thù. Tiết Cương đang lúc thân cô thế độc nên bằng lòng ngay, từ đó ở núi Quý Long mà tụ tập quân binh.
Khi ấy Võ hậu tuổi đã cao mà lòng dâm dục không giảm, cho cả hai tên hoà thượng Trương Xương Tông và Vương Hoài Nghĩa vào cung hưởng lạc, chẳng để ý gì đến triều chính. Một hôm Võ hậu muốn tỏ uy quyền, hạ lệnh cho muôn loài hoa phải nở ba ngày cho mình thưởng ngoạn. Tất cả hoa thần đều tuân chỉ, chỉ riêng hoa mẫu đơn không nở khiến Võ hậu hết sức tức giận, truyền chặt hết các gốc mẫu đơn rồi cho bày tiệc trên lầu Ngũ Phụng. Võ hậu bắt bá quan đem theo phu nhân, ngồi thành từng cặp gọi là hội Uyên Ương.
Khi đã ngà ngà say, Võ hậu không giữ được lòng dâm, gọi các phu nhân lại hỏi rất tỉ mỉ về việc ái ân thường ngày. Ai nấy đều e thẹn, cho biết thoạt đầu không thấy hứng thúc nhưng dần dần đều vui vẻ khiến Võ hậu rất hài lòng. Võ hậu chợt thấy có một vị phu nhân mặt ủ mày chau, ngồi đứng ra vẻ rất mệt mỏi thì liền gọi tới hỏi như các phu nhân trước. Vị phu nhân này vừa thở vừa cho biết chồng mình là Tiết Phóng Tào làm chức Quyển Liêm đại sứ, vì thân hình to lớn sức lực mạnh bạo nên đêm nào cũng nài ép quá sức, chịu không nổi mới sinh ra bạc nhược như thế. Võ hậu nghe xong cả mừng, lập tức hạ chỉ gọi Tiết Phóng Tào vào cung thử sức với mình.
Qua một đêm, Võ hậu hết sức ưng ý phong cho Tiết Phóng Tào là Như Ý quân, ở luôn trong cung hầu hạ. Mấy năm sau Võ hậu hoài thai, tuy nhiên sinh ra một đứa bé có cái đầu giống đầu lừa nên rất hổ thẹn, sai cung nga vất sau vườn hoa. Tình cờ Tây Phiên Trương Tương tổ sư đằng vân bay qua liền đem về núi nuôi dưỡng, gọi là Lư Đầu thế tử.
Khi ấy Tiết Cương ở núi Quý Long chiêu mộ được rất nhiều lâu la, thanh thế lẫy lừng nên tin tức đến tai Trương Quân Tả, tên gian thần vội vào tâu với Võ hậu:
- Tiết Cương vốn là một đứa hung hăng, nếu để lâu ngày thế lực hùng mạnh thì thể nào cũng uy hiếp Trường An, xin bệ hạ xuống chỉ chi trừ diệt ngay mới được.
Võ hậu nghe theo, sai Võ Tam Tư làm nguyên soái, Khương Thông làm tiên phong, Võ Trạng Quách làm tập hậu, Trương Quân Hữu phụ trách vận lương, kéo đại binh đến vậy phủ núi Quý Long.
Ngay trận đầu Quý Long đánh bại quân triều khiến Võ Tam Tư hết sức lo sợ, vội điều toàn bộ quân tướng tới tiếp trợ. Vì thế ngày hôm sau Quý Long không sao địch lại nổi, luống cuống chân tay nên bị Khương Thông đâm trúng một giáo nhào xuống ngựa chết tốt. Vợ chồng Tiết Cương đóng cửa trại có thủ được ba ngày thì Võ Tam Tư dùng hỏa công phóng hỏa khắp bốn phía. Vợ chồng Tiết Cương biết ở lại không xong, cùng nhau lẻn theo đường nhỏ chạy trốn nhưng lạc mỗi người một hướng.
Khi ấy Loan Anh gần tới ngày sinh nở, cố lê bước chạy đến một gia trang thì chẳng còn đi nổi. Chủ nhân gia trang cũng họ Quý, hơn sáu mươi tuổi mà chưa có đứa con nào nên khi biết Loan Anh thì rất mừng nhận làm nghĩa nữ. Nhờ vậy Loan Anh mới có chỗ dung thân, sinh hạ được một đứa con trai mặt như thiên lôi, lông dài và vàng như vượn, đặt tên là Tiết Quỳ. Còn Tiết Cương lạc vợ thì chẳng biết đi đâu, chợt nhớ đến các tiểu anh hùng Ngũ Hổ khi trước thì tính qua Tây Liêu nhưng lại sợ mất thời thời gian, đành phải đến núi Thiên Hùng cho gần.
Chẳng ngờ khi ấy Ngũ Hùng bệnh gần chết còn Hùng Kỳ thì đi vắng nên Tiết Cương đành phải toan tính đến Đăng châu mượn quân của Tiết Ứng Cử. Gặp lại ân nhân, Tiết Ứng Cử thất kinh hồn vía, cố gượng nghênh tiếp nhưng lấy cớ binh mã Đăng Châu ít ỏi, xin Tiết Cương tạm ở ít ngày để mượn thêm binh mã của Thanh Châu và Lai Châu thì mới đủ.
Tiết Cương không nhìn ra ác tâm của Tiết Ứng Cử, vui vẻ ở lại chờ đợi. Đêm hôm đó, Tiết Ứng Cử vào bàn với Vương thị bắt Tiết Cương nộp cho triều đình lãnh thưởng. Vương thị kinh hãi nói ngay:
- Tướng công vong ân phụ nghĩa như thế chẳng sợ trời tru đất diệt hay sao? Nếu không có Tiết Cương giải cứu rồi nhường chức tổng binh cho thì tướng công đâu có phú quý như ngày hôm nay.
Tuy Vương thị hết lời khuyên can nhưng Tiết Ứng Cử nhất định không nghe, giận dữ bỏ ra ngoài sắp xếp việc phục binh để bắt Tiết Cương. Thấy chồng quá tàn nhẫn, Vương thị chán nản tự thắt cổ mà chết. Tiết Ứng Cử không thèm nhìn nhỏi gì tới, còn lớn tiếng mắng nhiếc vợ là người vô phúc không được hưởng giàu sang vinh hiển. Quả nhiên đêm ấy Tiết Ứng Cử bắt được Tiết Cương rất dễ dàng.
Khi ấy có bộ tướng của Phàn Lê Huê trước kia là Tiết An, thấy Tiết Ứng Cử vong ân bội nghĩa, Vương thị chết thảm thì nổi bất bình, lén vào ngục thuật lại mọi việc, khuyên Tiết Cương nên tìm người cứu giúp cho mau. Tiết Cương liền đưa sợi dây lưng làm tín vật, nhờ Tiết An lên núi Thiên Hùng báo cho Ngũ Hùng biết đến giải cứu. Khi ấy Võ Tam Tư đã biết tin, vào tâu với Võ hậu rồi điểm quân tướng kéo đến Đăng Châu áp giải Tiết Cương về hành tội.
Về phần Trình Giảo Kim và các tiểu anh chờ mãi không thấy Tiết Cương đến Tây Liêu thì rất nóng lòng, nhờ có Lý Tịnh nên mới biết Tiết Cương đang gặp nạn ở Đăng Châu, vội vàng dẫn quân đi ngay. Khi đến núi Thiên Hùng, Trình Giảo Kim và các tiểu anh hùng gặp Tiết An cầm tín vật thì họp nhau kéo lên núi bàn việc giải cứu. Ngũ Hùng nóng nãy muốn kéo róc quân tướng đánh thành Đăng Châu đánh ngay hôm ấy nhưng Trình Giảo Kim ngăn lại nói:
- Thành Đăng Châu hào rộng tường cao không dễ gì phá nổi, lại còn có quân mã của Lai Châu và Thanh Châu tiếp ứng thì chẳng làm gì được, có khi còn khiến Tiết Ứng Cử giết Tiết Cương cho mau nữa là khác. Bây giờ phải dùng nội công ngoại kích mới xong: Ngũ Hùng giả làm hòa thượng; Uất Trì Cảnh giả làm người bán thuốc; La Xương. Tần Hồng dẫn lâu la đánh cửa thành nam và đông; Vương Tông Lập đánh cửa thành bắc; Trình Nguyệt Hiệu đánh cửa thành tây, còn Tiết An làm hướng đạo.
Các tiểu anh hùng tuân lệnh, điểm quân kéo đi, chờ đến đêm thì nổi pháo hiệu cùng xông vào một lúc. Tiết Ứng Cử chưa kịp mắc giáp thì Ngũ Hùng và Uất Trì Cảnh đã áp lại bắt sống, sau đó phá ngục thả Tiết Cương ra. Tiết Cương đang sẵn tức giận hợp cùng với Uất Trì Cảnh mở toát cửa thành cho ba đạo quân tiến vào giết sạch gia quyến của Tiết Ứng Cử rồi lấy hết lương thảo đem về núi Thiên Hùng.
Khi ấy Tiết Cương quỳ xuống tạ ơn, Trình Giảo Kim cười ngất nói:
- Cũng vì các ngươi mà ta mất hết công danh chức tước, đâu còn là Lỗ Quốc công nữa. Bây giờ cần gì phải cám ơn, cứ lo việc báo thù rửa hận là được rồi.
Tiết Cương liền sai giải Tiết Ứng Cử ra, chỉ mặt mắng lớn:
- Ta không ngơi ngươi mặt người dạ thú như thế. Hôm nay ta phải xem lòng dạ ngươi như thế nào mới được.
Nói xong, Tiết Cương lấy dao nhọn mổ bụng Tiết Ứng Cử ra làm tế vật. Quân sĩ Đăng Châu chạy về kinh thành, nửa đường thì gặp đạo quân của Võ Tam Tư. Nghe vậy tên gian thần cũng không dám liều lĩnh, vội quay về tâu cho Võ hậu biết xin thêm quân của Lai Châu và Thanh Châu mới đủ sức đánh phá Thiên Hùng. Võ hậu chuẩn tấu, sai cả Trương Quân Tả hợp binh, rầm rộ kéo tới vây phủ ngọn Thiên Hùng. Trình Giảo Kim nghe tin vẫn bình tĩnh như không, hội các tướng lại phân công việc:
- Ngũ Hùng và Hùng Kỳ chặn đánh quân Lai châu.
- Tần Hồng và Uất Trì Cảnh đánh với quân mà của Thanh Châu. Còn lại bao nhiêu tướng theo mình tiếp ứng. Các tiểu tướng quân vừa cứu được Tiết Cương nên rất hăng hái, hùng hổ kéo binh xuống núi. Quách Đại Trung thống lãnh quân mã Lai Châu không sao cự nổi với hai tướng, kinh hoảng bỏ chạy trối chết. Thanh Châu tổng binh là Lôi Bằng cũng bị Tần Hồng và Uất Trì Cảnh đánh cho một trận tơi bời, chạy thẳng về Thanh Châu viết sớ cầu cưú.
Tuy thấy đại thắng nhưng Trình Giảo Kim không kiêu ngạo, bàn với các tướng:
- Thể nào bọn chúng cũng xin thêm quân binh báo thù, vì thế Tiết Cương phải qua Phòng Châu đầu phục Lư Lăng vương, lấy danh nghĩa phục hưng nhà Đường thì mới gây thành thanh thế chống trả bọn chúng được.
Tiết Cương vâng lời, từ giã ra đi. Chẳng ngờ khi đi qua một ngọn núi bị bọn thảo khấu giăng dây bắt sống. Hai chủ trại núi này là Ngô Kỳ và Mã Toán có sức mạnh kinh người, quen biết rất nhiều trong giới giang hồ, vì thế cũng có nghe tên Tiết Cương. Khi lâu la dẫn giải về trại, hai vị đại vương hạch hỏi, biết đó là Hắc tam gia lừng lẫy Trường An thì vội bước xuống mở trói, mở lời xin lỗi. Khi biết Tiết Cương đang trên đường đi đến Phòng Châu phò tá Lư Lăng vương thì Mã Toán và Ngô Kỳ cả mừng xin đi theo để lập công danh. Tiết Cương cũng mừng, kết nghĩa đồng sinh đồng tử với hai chủ trại rồi ngày hôm sau khăn gói lên đường.
Khi ấy Lư Lăng vương vẫn có tâm muốn hưng phục nhà Đường nên sai nguyên soái là Vương Kinh Châu hằng ngày dẫn quân đến giáo trường luyện tập. Vương Kinh Châu đặt một cái bia ở giữa giáo trường, truyền cho ai bắn trúng hồng tam thì được thưởng, lại để một cây siêu đao nặng hơn một trăm hai mươi cân, bất cứ ai cầm được thì ban thưởng. Ngoài ra còn có một lư hương bằng đồng nặng hơn hai trăn cân, hễ ai cách lên nổi thì được phong làm tướng.
Ba anh em đi qua giáo trường thấy người nhộn nhịp mà chẳng ai bắn trúng hồng tâm thì ngứa ngáy cả chân tay, đồng chạy vào một lượt: Mã Toán giương cung bắn ba mũi tên đều trúng hồng tâm cả ba, Ngô Kỳ thì múa siêu đao như gió thổi, còn Tiết Cương giở lư hương đồng lên chạy quanh mấy vòng mới để xuống. Thấy vậy ai nấy đều hoan hô rầm lên, Vương nguyên soái nghe tiếng liền khen ngợi rồi dẫn vào ra mắt Lư Lăng vương, tiến cử làm tướng quân. Khi hỏi đến họ tên, Tiết Cương cúi đầu nói:
- Nếu đại vương bằng lòng ban cho kim bài miễn tội chết thì tôi mới dám tỏ thật.
Lư Lăng vương rất ngạc nhiên nhưng cũng bằng lòng. Khi biết đó là Tiết Cương, Lư Lăng vương ứa nước mắt nói:
- Tổ phụ của khanh phơi sương trải mật mới giúp nhà Đường hoàn tất việc chinh Đông, chinh Tây. trẫm nghĩ công lao ấy nên phong cho khanh là Trung Hiếu vương, Mã Toán và Ngô Kỳ làm đô đốc. Bao giờ lập xong vương phủ sẽ đón Trình thiên tuế và các anh em về chung hưởng phú quý.
Tiết Cương nhân dịp ấy tâu xin đem quân về đánh Trường An nhưng Lư Lăng vương thở dài, nói:
- con chẳng lẽ đánh mẹ. Vì thế trẫm định khi nào mẫu hậu qua đời thì mới phế bỏ nhà đại Chu lập lại nhà Đường.
Tiết Cương biết không thể thuyết phục được ngay nên không nói nữa, cùng hai anh em bái tạ nhận chức.
Trong khi ấy ở triều đình Võ hậu được tâu báo Dương châu đô đốc Từ Kính Nghiệp và Nam Đường Tiêu đại vương trọng dụng Lạc Tân vương rồi truyền hịch khắp nơi, mượn tiếng phò Lư Lăng vương để đánh phá thì rất kinh hãi, nói ngay:
- Bọn giặc ở Thiên Hùng không đáng kể, riêng Từ Kính Nghiệp là tay lợi hại thì phải trừ diệt ngay. Vì thế trẫm phong cho Lý Tồn Dật làm nguyên soái, Ngụy Nguyên Tông làm tham mưu, Võ Huấn là hậu tập dẫn năm mươi muôn binh xuống Giang Nam mà tiễu trừ.
Các tướng tuân lệnh, điểm binh xong liền kéo ra khỏi Trường An. Khi ấy vào tiết trung thu nên Lư Lăng vương cho tế lễ tổ tiên rất trọng hậu. Tiết Cương nhìn thấy thì tủi thân vô cùng, quyết định về Trường A tế Thiết Ngưu phần lần nữa. Lư Lăng vương không tiện ngăn cản nên sai cả Ngô Kỳ và Mã Toán theo Tiết Cương để đề phòng bất trắc.
Ba người đi qua các ải rất thong thả vì việc đại loạn cách đây đã ba năm, chẳng ai còn nhớ tới mặt mũi. Khi tới Trường An, Tiết Cương và hai anh em vào một quán trọ cơm nước no say, Nhìn thấy nấm mồ chôn gần ba trăm người trong gia quyến, Tiết Cương không sao nhịn được đau thương nên cất tiếng khóc ngất. Bọn quân sĩ đi tuần nghe tiếng khóc thì liền cấp tốc phi báo cho Võ Tam Tư biết. Lần này Võ Tam Tư đã có kinh nghiệm, chỉ cho quân bao vây rồi đặt đại pháo bắn vào chứ không dám xông xáo như trước.
Tiết Cương tế lễ xong, cùng hai anh em ngồi bày rượu thịt ra ăn uống no say rồi mới tính đến việc phá vòng vây mà chạy.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tiết Đinh San chinh tây.