Chương 39: Hồi thứ ba mươi chín
-
Tiết Đinh San chinh tây
- Khuyết Danh
- 2054 chữ
- 2020-05-09 04:32:33
Số từ: 2044
Biên soạn: Đại Lân
Nguồn: NXB Đồng Nai
Nhờ có sức mạnh kinh người, ba anh em đánh phá rất dữ dội khiến quân binh cả sợ, vẹt hẳn một đường để cho thoát ra. Ba anh em sợ Võ Tam Tư dùng đại pháo bắn theo nên cấp tốc vượt đường chạy về núi Đăng Vân là nơi trước kia của Ngô Kỳ và Mã Toán chiếm cứ. Khi ấy trên sơn trại chẳng còn bao nhiêu lâu la, bọn chúng mừng rỡ thưa:
- Từ khi hai trại chủ bỏ đi thì có hai tên đại vương ở Cửu Luyện sơn đến cướp sạch tài vật cùng lương thảo, hiện giờ chẳng còn gì.
Ba anh em nghe vậy nổi giận xung thiên tập họp hết lâu la, ngay đêm ấy kéo đến Cửu Luyện sơn gọi hai tên chủ trại ăn cướp ra đánh. Nguyên hai người này là Nam Kiến và Tưởng Thanh, được Lý Tịnh sai khiến đến núi Cửu Luyện sơn lập trại nên thu dọn hết lương thảo về núi chờ đợi. Khi ấy ba anh em đến thì liền mở cửa đón vào, thuật lại đầu đuôi. Ba anh em thấy Cửu Luyện sơn rộng rãi, rất tiện việc chiêu binh mãi mã, luyện tập quân tướng thì mừng rỡ vô cùng, kết nghĩa với Nam Kiến và Tưởng Thanh, cùng nhau ăn uống vui vầy.
Ngày hôm sau, Tiết Cương nhờ Mã Toán và Ngô Kỳ đến Thiên Hùng sơn mời Trình Giảo Kim và các tiểu anh hùng về sơn trại tụ họp. Trình Giảo Kim thấy địa thế Cửu Luyện sơn hiểm trở hơn hẳn Thiên Hùng có đến mấy cửa ải, giáo trường đầy đủ thì mừng lắm, truyền lệnh dựng cờ tuyển binh. Không bao lâu nhân dân cùng các anh hùng tứ xứ nghe tiếng kéo nhau đến đầu quân vô số.
Trình Giảo Kim lại còn lo đến lương thảo nên sai Ngô Kỳ và Mã Toán đến Phòng Châu xin Lư Lăng vương cung cấp cho một số, nếu tiện thì khuyên Lư Lăng vương đổi hiệu thành Đường Trung Tông như trước để có chính nghĩa hợp binh về đánh chiếm Trường An. Chẳng ngờ Lư Lăng vương rất kiên quyết, không chịu trái đạo bất hiếu nên chỉ bằng lòng cấp cho năm vạn thạch gạo chứ không xuất binh.
Nghe Mã Toán và Ngô Kỳ về báo, Trình Giảo Kim buồn bã than lớn:
- Nếu Lư Lăng vương không chịu hợp binh thì thanh thế của chúng ta không đánh nổi bọn gian thần, mà cũng chẳng có danh nghĩa gì hết thì làm sao mọi người tuân phục.
Trình Giảo Kim than xong ngồi chống tay suy nghĩ một hồi, chợt nhớ ra trước kia Tiết Nhơn Quý bắt sống được vua nước Tây Dương ở Nhạn Môn quan, không giết mà còn hậu đãi nên bây giờ đến đó mượn quân thì chắc chắn được. Vì thế Trình Giảo Kim lập tức sai Tiết Cương đi ngay. Tiết Cương tuân lệnh, cùng Mã Toán và Ngô Kỳ từ biệt các anh em rồi lên đường, nhắm hướng Nhạn Môn quan thẳng tiến.
Viên tướng trấn giữ Nhạn Môn quan là Châu Khôi, trước kia là thuộc hạ của Tiết Đinh San nên biết mặt Tiết Cương, lén mở cửa cho ba người đi thong thả. Khi đến Tây Dương, Tiết Cương nghe nói nhà vua đã đến giáo trường xem công chúa tỉ thí kén chọn phò mã thì cùng hai anh em đến đó xem sao. Khi ấy vua nước Tây Dương là Trương Thiên Bảo đang ngồi trên trướng còn Phi Châu công chúa cầm song kiếm giao đấu với các anh hùng hào kiệt, rất lâu mà chưa có ai đánh bại được công chúa.
Ngô Kỳ và Mã Toán cũng ngứa ngáy nhảy ra giao đấu nhưng đều thất bại. Tiết Cương không nghĩ đến việc lấy vợ nhưng thấy vậy tức giận chạy vào cùng với Phi Châu công chúa giao chiến kịch liệt, không phân được thắng bại. Về sau Tiết Cương phải dùng sức đánh bay song kiếm của công chúa rồi mới thừa cơ bắt sống nổi. Trương Thiên Bảo thấy vậy cả mừng, truyền nổi trống kết thúc tỉ võ, hỏi han mới biết đó là Thanh Thành Hổ Tiết Cương đi mượn quân, lập tức phong làm phò mã, thành thân ngay đêm hôm ấy.
Ngày hôm sau, Tiết Cương nhắc lại việc mượn quân thì Trương Thiên Bảo bằng lòng, sai Ngô Kỳ và Mã Toán về trước báo tin, còn Tiết Cương phò mã thì ở lại kiểm điểm cho đủ số, sẽ về sau. Trình Giảo Kim nghe báo lại thì cả mừng, lập tức cho người báo với Lư Lăng vương cho đúng lễ trước khi phát pháo xuất binh.
Khi ấy Ngụy Húc ở Trường An có ý muốn dời gia quyến về Phòng Châu, nên đến từ giã Từ Hiền. Ngụy Húc chợt thấy một đứa nhỏ chừng mười ba tuổi rất giống Tiết Giao thì hỏi ngay đó là ai. Từ Hiền hoảng sợ đáp là cháu mình tên là Từ Thanh nhưng biết không thể giữ được nữa, sau khi Ngụy Húc về rồi liền gọi Tiết Giao lại thuật hết đầu đuôi. Tiết Giao nghe xong khóc ngất một hồi xin dưỡng phụ cho mình cúng tế Thiết Ngưu phần trước khi đi tìm các anh em toan tính việc báo thù.
Đêm ấy Tiết Giao lén mở cửa Thiết Ngưu phần vào khóc lạy, chẳng ngờ bọn quân canh nghe được vội vàng chạy đi báo với Võ Tam Tư và Trương Quân Tả. Hai tên gian thần vội dẫn quân tới vây phủ khiến Tiết Giao chẳng còn đường nào chạy trốn. Tiết giao túng thế quá vừa toan tự tử để khỏi ô nhục thì có một vì thần mặc áo nhật nguyệt hiện ra nói Tiết Giao nhắm mắt lại rồi nổi gió đưa khỏi vòng vây.
Khi Tiết Giao mở mắt ra, thấy mình ở trong một hoa viên xinh đẹp thì rất ngạc nhiên, vào thẳng trong nhà hỏi han tạ lỗi. Hoa viên ấy vốn là của Ngân Bình công chúa, vợ của Tần Hoài Ngọc nên khi biết đó là con cháu của Tiết Nhơn Quý thì giúp đỡ ngay. Ngày hôm sau, Ngân Bình công chúa giả đi dâng hương ở ngoại thành, cho Tiết Giao trà trộn vào đám a hoàn thoát khỏi hang hùm ổ rắn.
Tiết Giao từ trước tới giờ chưa ra khỏi phủ bao giờ nên dầm sương dãi nắng muôn vàn khổ cực thì chịu không xiết, chỉ muốn nhào đầu xuống chết cho rảnh nợ. May sao Lý Tịnh biết được hiện ra khuyên nhủ đưa về Hương Sơn làm đệ tử truyền dạy võ nghệ. Thấy Tiết Giao còn nhỏ tuổi, Lý Tịnh liền cho ăn một quả đào tiên, tự nhiên sức mạnh trở nên phi thường đầu óc nhanh nhẹn hẳn ra nên chẳng bao lâu đã thành thuộc thập bát môn võ nghệ.
Lý Tịnh thấy thời cơ đã tới, gọi Tiết Giao vào nói:
- Ngươi hãy giả làm đạo đồng mà đến Phòng châu tìm họ hàng, khi nào gặp mặt thì ta sẽ cho người mang võ khí cùng ngựa đến cho.
Tiết Giao tạ ơn sư phụ, lần mò tìm đường mà đi. Một hôm Tiết Giao vào một gia trang xin cơm ăn, được một thiếu phụ xin đẹp cho gạo và vài đồng tiền. Tiết Giao cả mừng, vừa cầm gạo tiền ra khỏi gia trang thì chợt có một đứa bé tuổi cũng khoảng mười mấy chạy lại, quát hỏi:
- Đạo đồng kia! Ngươi vào nhà lấy cắp gạo tiền của mẫu thân ta phải không?
Tiết Giao cãi lại, lời qua tiếng lại khiến thiếu phụ nghe thấy chạy ra can ngăn, hỏi han mọi điều. Khi biết đó là Tiết Giao, thiếu phụ mừng rỡ nói:
- Tiết Cương với ta có họ hàng, còn đây là Tiết Quỳ, em của ngươi đó.
Tiết Quỳ nghe vậy vội tạ lỗi cùng Tiết Giao. Ngay khi ấy chợt có người đem thương mã tới, Tiết Giao biết là của sư phụ ban tặng thì nhận ngay, thuật lại cho hai mẹ con Loan Anh biết. Nghe xong Tiết Quỳ liền khoe:
Tôi cũng có võ khí rồi. Năm trước có người nhờ tôi bắt giùm con cọp, tôi vừa nắm lấy đuôi thì con cọp bỗng nhiên biến thành song chùy, trên cán đề sức nặng là một trăm cân. Sau đó có ông đạo nhân đến dạy cho tôi võ nghệ và cho một con thú mình ngựa đầu trâu rất quý.
Tiết Giao nghe vậy liền xin Loan Anh cho Tiết Quỳ theo mình đến Phòng Châu tìm kiếm phụ thân. Được Loan Anh bằng lòng, hai anh em đi hớn hở rất mau, chẳng bao lâu đã đến Phòng Châu, tình cờ gặp Ngô Kỳ và Mã Toán nên mới biết Tiết Cương hiện đang làm Trung Hiếu vương ở đó.
Tiết Giao và Tiết Quỳ định vào phủ, chẳng ngờ khi đi ngang qua ngự hoa viên thì Tiết Giao trúng nhằm trái cầu của công chúa, bị bọn a hoàn thể nữ chạy ra níu vào ra mắt Lư Lăng vương. Khi biết thân phận của hai người, Lư Lăng vương cả mừng phán:
- Tiết Giao là cháu của Trung Hiếu vương, được công chúa gieo tú cầu thì làm phò mã, còn Tiết Quỳ giữ chức đô đốc. Nghe đồn Trung Hiếu vương làm phò mã bên Tây Dương nên chưa về kịp, nay hai ngươi ở đây dự lễ thành thân rồi đón phu nhân Trung Hiếu vương về sum họp.
Tiết Giao và Tiết Quỳ đồng quỳ xuống tạ ơn. Đêm ấy Tiết Giao và công chúa kết duyên, động phòng hoa chúc vui vầy khôn xiết. Ba ngày sau Tiết Giao và Tiết Quỳ mới rảnh rỗi đi đón Loan Anh. Giữa đường vì không có quá xá nào nên hai tướng phải vào am đạo sĩ ngủ nhờ. Nơi đây có lâu la trên sơn trại dò xét khách đi đường rất kỹ, nghe Tiết Giao xưng tên họ thì liền chạy về báo cho Châu Lâm và Tiết Cường biết. Tiết Cường cả mừng, đón hai cháu về sơn trại bàn việc đón Loan Anh lên Cửu Luyện sơn rồi ba chú cháu sẽ lên đường qua Tây Dương tìm Tiết Cương, đến Nhạn Môn quan thì gặp rắc rối.
Khi ấy Tiết Cương cùng với Phi Châu công chúa đã điểm binh xong, rầm rộ kéo vào đất Trung Nguyên. Tướng trấn giữ ải này là Ngô Trung không chịu cho Tiết Cương kéo quân qua, đóng cửa thành kín mít mà cố thủ. Vì thế quân tướng của Tiết Cương không qua được mà ba chú cháu Tiết Cường cũng chẳng vượt xong. tướng quân thấy vậy nổi giận, xông tới đập cho một chùy vỡ nát cửa thành. Ngô Trung kéo quân ra đánh bắt cũng bị Tiết Quỳ ban cho một chùy vỡ óc, chết ngay tại trận.
Tiết Cương nhân dịp ấy cho quân tràn vào ải, khi gặp nhau mới nhận ra chú cháu anh em, mừng rỡ vô cùng. Tiết Quỳ lạy phụ thân rồi cùng nhau kéo thẳng về Cửu Luyện sơn mở tiệc ăn mừng. Hôm sau Tiết Cương sai Ngô Kỳ và Mã Toán đến Phòng Châu dâng biểu cho Lư Lăng vương. Nhà vua hết sức vui mừng, phong cho Tiết Cương làm đại nguyên soái, Trình Giảo Kim làm quân sư. Từ đó thanh thế của Tiết Cương càng ngày càng hùng hậu, nhân dân và quan quân đều căm ghét Võ hậu theo về rất đông.
Tin tức chẳng bao lâu về tới Trường An. Võ Tam Tư kinh hãi chạy vào hoàng cung tâu lại với Võ hậu cho xuất binh ngăn chặn. Võ hậu chuẩn tấu, phong cho Võ Tam Tư làm đại nguyên soái, Khương Thông làm tiên phong, Mã Lập làm hậu tập, điểm năm mươi muôn binh tiến đánh Cửu Luyện sơn.