Chương 40: Hồi thứ bốn mươi
-
Tiết Đinh San chinh tây
- Khuyết Danh
- 2288 chữ
- 2020-05-09 04:32:33
Số từ: 2278
Biên soạn: Đại Lân
Nguồn: NXB Đồng Nai
Khi đại quân tiến đến Cửu Luyện sơn, Võ Tam Tư liền sai Khương Thông đến chân núi khiêu chiến. Tiết Cương lập tức điểm quân xông ra bày trận. Thấy mặt Tiết Cương, Khương Thông nói ngay:
- Ta nghe danh ngươi ba lần tế Thiết Ngưu phần, ba lần đại náo thì thật là anh hùng. Nếu ngươi chịu quy thuận triều đình đại Chu thì ta sẽ tâu xin xá tội vừa rồi, phong chức cho ngươi được vẻ vang.
Tiết Cương mắng lại ngay:
- Tặc tử! Ta và ngươi đều là tôi thần nhà Đường, há cúi đầu chịu lòn quần một đứa đàn bà hay sao? Ngươi ăn bổng lộc nhà Đường mà đem quân đi đánh nhà Đường thì còn để sống làm gì cho chật đất.
Mắng xong Tiết Cương múa côn đập tới tức thì. Khương Thông dùng siêu đao đón đỡ rồi giao tranh với Tiết Cương kịch liệt. Hơn ba mươi hiệp không phân được thắng bại, thấy trời đã tối, hai tướng đều dừng tay lui quân về nghỉ ngơi. Ngày hôm sau, Khương Thông dẫn quân tới chân núi bày trận Ngũ Hổ Bá Sơn, có năm cửa và năm tướng trấn giữ, cờ quạt cũng chia ra làm năm màu khác nhau.
Tiết Cương chưa hề phá trận bao giờ, vì thế sai Ngũ Hùng và Hùng Kỳ xông thẳng vào đánh rốt cuộc bị năm tướng đại Chu vây đánh dữ dội, đành phải bại trận chạy về. Khi ấy Tiết Quỳ và Tiết Giao giải lương về tới, thấy Khương Thông và các tướng đuổi theo Hùng Kỳ và Ngũ Hùng thì liền giục ngựa chạy lại ngăn chặn. Khương Thông thấy Tiết Quỳ còn nhỏ tuổi thì rất khinh thường, ngờ đâu khi đỡ đường chùy của Tiết Quỳ thì gần muốn gãy cả tay, kinh sợ bại tẩu.
Tiết Quỳ nhờ có con dị thú mình ngựa đầu trâu nên đuổi kịp, giơ chùy đập một nhát thật mạnh khiến Khương Thông cả người lẫn ngựa đều nát như tương. Quân đại Chu thấy chủ tướng chết thảm thì tự động bỏ chạy tán loạn.
Thừa cơ hội ấy, các tướng Cửu Luyện sơn xông lên một lượt, Tần Mộng đánh chết Hứa Kỳ, Uất Trì Cảnh đánh chết Thổ Siểu, còn những tướng khác đều bị La Xương, Trình Nguyệt Hiệu tiêu diệt hết. Võ Tam Tư thất kinh hồn vía lui quân vào trại toan cố thủ nhưng Tiết Quỳ đang lúc hăng máu, xông thẳng đến phá nát luôn cánh cửa khiến Võ Tam Tư sợ quá chạy thẳng về ải Lâm Đồng, đành phải viết sớ về triều xin cứu viện.
Võ hậu đọc sớ xong liền hỏi bá quan xem có kế sách gì không. Trương Quân Tả liền tâu:
- Hiện giờ trong triều vẫn còn nhiều tướng giỏi, nếu bệ hạ xuống chỉ sai Mã Thanh, Kim Ngô và Dư Vương thống lĩnh quân mã thì tất toàn thắng.
Võ hậu nghe vậy liền phong cho Mã Thanh làm tả nguyên soái, Dư Vương làm hữu nguyên soái, điểm hai muôn binh đến ải Lâm Đồng phụ giúp Võ Tam Tư một tay. Trình Giảo Kim nghe tin này thoáng lo lắng, nói với chư tướng:
- Mã Thanh và Dư Vương là hai danh tướng, không thể xem thường được. các tướng ra trận nhớ đề phòng cẩn thận.
Hai tướng Tây Liêu là Lý Đại Nguyên và Châu Thính chưa biết danh hai tướng, nghe vậy rất tức giận, xin Trình Giảo Kim cho ra trận trổ tài. Chẳng ngờ Võ Tam Tư đã cho mai phục sẵn, cả hai tướng Tây Liêu đều bị loạn tên mà chết.
Tiết Cương thấy hai tướng của mình chết thảm thì đau xót vô cùng, bàn với Trình Giảo Kim tìm kế báo thù. Trình Giảo Kim liền nói:
- Hiện giờ quân dịch ỷ thắng trận nên chắc sẽ không đề phòng cẩn mật, nếu dùng kế cướp trại thì thắng được ngay.
Tiết Cương nghe theo, đêm ấy sai Tần Hồng và Uất Trì Cảnh dẫn quân đánh vào bên tả, La Xương và Vương Tông Lập đánh vào bên hữu. Còn bao nhiêu theo mình đánh thẳng vào trại, tiếp ứng cho hai đạo quân khi cần.
Quả nhiên đêm ấy quân đại Chu không hề có phòng bị, khi nghe tiếng pháo nổ vang mới hoảng sợ chạy đi tìm võ khí. Mã Thanh vừa kịp lên ngựa thì từ đâu Uất Trì cảnh xông vào như gió lốc, đập cho một thiết tiên vào ngực, nhào xuống ngựa chết tốt. Tần Hồng nhân dịp ấy thúc quân tràn cào đánh phá tơi bời.
Phía bên hữu La Xương tả xông hữu đột như chỗ không người. Dư Vương vừa chạy ra định đánh với La xương thì Tiết Quỳ bất ngờ chạy đến ban cho một chùy biến thành đống thịt vụn. Quân Đường đánh giết thẳng tay, đoạt được lương thảo, võ khí không biết bao nhiêu mà kể, còn đuổi theo truy kích Võ Tam Tư hơn ba mươi dặm mới chịu quay trở về.
Võ Tam Tư không nghe quân địch reo hò nữa mới dám dừng lại, kiểm điểm tổn thất tám muôn quân, Mã Thanh, Dư Vương và các tướng chết hơn hai chục thì bay hồn mất vía, chạy thẳng về ải Lâm Đồng viết sớ cầu cứu. Võ hậu nhận được sớ thì ngửa mặt than dài, chẳng biết phải làm sao chống cự. Trương Quân Tả thấy vậy bước ra cúi đầu tâu:
- Theo thiển ý của hạ thần thì Trung Tam vương vì sơ suất không đề phòng nên mới bại trận chứ không phải địch quân giỏi giang. Nay bệ hạ phong cho Triệu Nhân làm tiên phong, Thành Quốc công Thượng Quan Nghĩa làm đại tướng, Giao Nguyên làm phó tướng, Thành Khôi và Tiền Thông làm tả chi hữu dực, võ thám hoa Tùng Bành làm hậu tập, Tề Quốc công Mã Lương vận chuyển lương thảo thì lo gì không bắt được Tiết Cương?
Võ hậu chuẩn tấu, xuống chiếu cho các tướng được tiến cửa theo đó mà thi hành. Khi ấy Tiết Cương đang định cho quân về Phòng châu vận thêm lương thực thì nghe tin đại quân triều Chu kéo quân đến, vội vào phi báo cho Trình Giảo Kim biết, bàn bạc cách đối phó. Trình Giảo Kim nói ngay:
- Trong số các tướng ấy đều là tay tầm thường. Ta chỉ lo Triệu Nhân và Bá Tùng Bành mà thôi.
Tiết Cương nghe vậy cũng bớt lo lắng, chỉnh đốn quân mã chờ giao chiến. Ngày hôm sau, thấy có Triệu Nhân, Thành Khôi và Tiền Thông đến khiêu chiến, bốn anh em Ngô Kỳ, Mã Toán, Nam Kiến và Tưởng Thanh đồng xin ra trận lập công. Tiết Cương biết Triệu Nhân rất lợi hại nên không bằng lòng, tuy nhiên bốn anh em năn nỉ quá thì đành phải ưng thuận. Trình Giảo Kim cũng hơi lo, vì thế sai luôn cả Tần Hồng và Uất Trì Cảnh ra lượt trận.
Các tướng kéo quân ra bày trận, nhìn sang bên kia thì thấy Triệu Nhân mình cao chín thước, râu đỏ mắt lồi, cầm thương Thái Dương hết sức uy dũng. Triệu Nhân liền quát lớn:
- Mấy tên thảo khấu kia thấy ta tới đây mà chưa chịu xuống ngựa đầu hàng hay sao?
Tưởng Thanh nghe vậy nổi giận múa thương xông ra đánh. Được một lúc Tưởng Thanh đuối tay, Nam Kiến liền thúc ngựa chạy lên tiếp trợ nhưng Triệu Nhân chẳng hề nao núng, múa thương Thái Dương càng lúc càng nhanh. Một lúc sau cây Thái Dương tỏa ánh hào quang chói lòa khiến hai tướng tối tăm mặt mũi, không nhìn thấy đường đón đỡ nên bị Triệu Nhân đâm chết cả hai.
Trước đó Ngô Kỳ và Mã Toán cũng xông ra tiếp trợ nhưng bị Tiền Thông và Thành Khôi chặn lại, giao đấu kịch liệt. Hai tướng vốn đánh cầm đồng nhưng khi thấy Nam Kiến và Tường Thanh chết thì thất kinh, sơ hở bị Tiền Thông và Thành Khôi lấn lượt chém chết. Tần Hồng và Uất Trì Cảnh thấy vậy vội xông ra đánh với Triệu Nhân cho quân sĩ cướp xác mang về.
Uất Trì cảnh trổ thần lực quất trúng roi vào vai khiến Triệu Nhân hoảng sợ bỏ chạy.
Tiết Cương nghe tin bốn tướng chết một lúc thì liền nổi chiêng thu binh về kiểm điểm, hết sức thương xót cho bốn anh em kết nghĩa.
Triệu Nhân tuy bị trúng một roi nhưng nhờ có tiên dược nên chẳng hề hấn gì, vào báo công được Võ Tam Tư ban thưởng rất hậu. Ngày hôm sau, Triệu Nhân lại đến khiêu chiến nhưng Tiết Cương sợ các tướng thiệt mạng vì cây thương Thái Dương nên không cho ai ra đối chiến.
Về phần Tiết Giao và Tiết Quỳ giải lương về gần tới Cửu Luyện sơn thì chợt thây Lý Tịnh hiện ra nói:
- Sở dĩ Triệu Nhân thắng được ngươi là vì có cây thương Thái Dương tỏa hào quang làm lóa mắt địch nhân. Nay ta ban cho ngươi một cây trâm Thái Dương để đối phó với hắn.
Lý Tịnh đưa bảo vật cho Tiết Giao xong liền hóa gió bay mất. Hai tướng về tới chân núi, thấy Triệu Nhân đang đứng dương oai diện võ, lớn tiếng mắng chửi thì nổi giận. Tiết Giao thúc ngựa công đến mắng lại. Triệu Nhân thấy Tiết Giao còn nhỏ tuổi thì khinh thường, múa thương đánh luôn.
Hai tướng đánh được chừng hai mươi hiệp thì cây thương Thái Dưong bắt đầu tỏa hào quang ra chói mắt, Tiết Giao liền lấy trâm Thái Dương cài lên tóc, bao nhiêu hào quang đều biến mất hết. Triệu Nhân thấy phép của mình bị phá thì nổi giận, xông đánh đánh nhầu với Tiết Giao. Thành Khôi và Tiền Thông thấy vậy thúc ngựa tiếng lên toan trợ lực cho Triệu Nhân nhưng bị Tiết Quỳ chặn lại.
Tiết Cương ở trên núi nghe quân sĩ báo tin thì liền dẫn các tướng chạy xuống trợ chiến. Khi ấy Tiết Quỳ đã trổ thần lực đập chết Tiền Thông và Thành Khôi, đang xông vào tiếp tay với Tiết Giao nên Tiết Cương thừa cơ hội vây đánh luôn để báo thù cho bốn anh em kết nghĩa. Triệu Nhân không sao chống nổi với ba hổ tướng, luống cuống chân tay nên rốt cuộc bị Tiết Giao đâm cho một thương, nhào xuống ngựa chết tốt.
Quân Đường thấy vậy hết sức phấn khởi, tràn vào trại quân đại Chu đánh giết. Thấy bốn tướng giữ cửa thiệt mạng, Thượng Quan Nghĩa vội xông ra, vừa gặp lúc hai tiểu anh hùng Uất Trì Cảnh và Tần Hồng phóng ngựa tới nơi. Thượng Quan Nghĩa bị hai tiểu anh hùng vây đánh thì không sao dỡ gạt được hết, bị La Xương thừa cơ từ phía sau đâm cho mộ thương chết tốt. Tiết Giao tiến thẳng vào trung quân tìm kiếm nhưng khi ấy Võ Tam Tư biết thân đã trốn chạy từ lâu. Trận này quân Đường chiếm được không biết bao nhiêu lương thảo.
Võ Tam Tư chạy trối chết, đến khi không còn nghe tiếng quân đuổi theo thì mới dám dừng lại, may mà còn được hai tướng là Giao Nguyên và Bá Tùng Bành theo kịp. Võ Tam Tư còn than thở chưa biết làm sao thì chợt có một đạo nhân đến xin ra mắt. Võ Tam Tư cả mừng, mời vào hỏi han danh tính thì được đạo nhân cho biết:
- Bần đạo hiệu là Tịnh Sơn, tu hành ở động Vô Tâm núi Thanh Hư. Vừa rồi bần đạo biết đệ tử là Triệu Nhân bị Tiết Giao đâm chết nên quyết xuống báo thù.
Võ Tam Tư nghe vậy cả mừng, bày tiệc thiết đãi Tịnh Sơn rất trọng hậu. Ngày hôm sau, Võ Tam Tư cho quân trở lại Cửu Luyện sơn, cho Tịnh Sơn đến trước trại khiêu chiến. Tiết Cương định xuất quân nhưng Trình Giảo Kim cản lại sai các tiểu anh hùng theo Tần Hồng ra trận.
Tần Hồng thấy đạo nhân gầy ốm như con ma đói thì bật cười, xông vào đánh đánh ngay. Tịnh Sơn vốn võ nghệ rất kém, thấy vậy liền lấy vòng Liên Hoàn ném ra. Tần Hồng bị trúng vào đầu nhào xuống ngựa tức thì. Thấy Tịnh Sơn định xông lại giết chết Tần Hồng, Uất Trì Cảnh vội thúc ngựa tiến ra ngăn cản, rốt cuộc cũng bị vòng Liên Hoàn đánh bất tỉnh.
Tiếp theo các tiểu anh hùng như Ngũ Hùng, La Xương, Hùng Kỳ lần lượt xông ra đều bị Tịnh Sơn dùng vòng Liên Hoàn đánh bất tỉnh bằng hết. Tiết Quỳ nổi giận, tận lực đánh một chùy rất mạnh khiến Tịnh Sơn đón đỡ gần muốn gạy tay, vội vàng quay ngựa bỏ chạy. Tiết Quỳ đuổi theo liền bị Tịnh Sơn dùng vòng Liên Hoàng ném ngược trở lại, cũng nhào xuống ngựa bất tỉnh. Tiết Giao cho quân mang các tướng về trại cứu chữa, còn Tịnh Sơn cũng sợ hại lui về trại.
Thấy các tướng đều thoi thóp, chẳng thuốc thang nào cứu được, Tiết Cương bất đắc dĩ phải sai quân treo miễn chiến bài.