Chương III. EVIAN - 03
-
Tôi Có Quyền Hủy Hoại Bản Thân
- Young-Ha Kim
- 2146 chữ
- 2020-05-09 04:26:20
Số từ: 2133
Dịch giả: Võ Thị Lan Khanh
NXB Lao Động
Nguồn: Sưu Tầm
Cô thích Klimt à?
Nghe tôi hỏi, cô gái hơi sững lại nhìn tôi rồi cũng đáp lại bằng tiếng Anh,
Không.
Thế vì sao cô lại chỉ ngắm có mỗi tranh của Klimt?
Đó không phải là việc của anh.
Giọng cô phảng phất âm điệu tiếng Trung. Có lẽ cô đến từ Singapore, hoặc Hồng Kông, hoặc Macao. Cô uống nốt chỗ Coca còn lại trong cốc. Lúc này tôi đã được nhìn thấy gương mặt chính diện của cô. Trên gương mặt không trang điểm đầy những tàn nhang và da mặt ngăm ngăm rám nắng, vẻ mệt mỏi phủ đầy không thể nào giấu đi đâu. Tôi bỗng muốn trải qua một đêm cùng cô, muốn lấy tay mình làm gối cho cô gái đang mệt vì đường xa ấy ngủ rồi cùng nhau đón bình minh. Khi đi du lịch tôi chỉ tập trung vào chính mình. Cuộc sống ở Hàn Quốc của tôi đã được dành cả cho việc phân biệt giữa người có thể và người không thể trở thành khách hàng. Còn đã đến tận đây rồi thì không cần phải sống thế nữa.
Cô từ đâu đến?
Hồng Kông,
cô đáp gọn lỏn.
Còn anh?
Tôi hả? Tôi từ địa ngục tới.
Cô nhíu mày, rồi bật cười.
Thì ra anh sống ở một nơi thú vị thế?
Ở đó chán lắm. Không có gì thay đổi cả. Hình như cô đang du lịch thì phải, trước khi đến Vienna cô đã đi đâu?
Berlin. Mưa tầm tã suốt bốn ngày liền. Chỉ có thể ngắm khách sạn mà thôi.
Cô gập quyển cẩm nang du lịch lại và lôi một điếu Marlboro đỏ ra quẹt lửa châm.
Anh làm nghề gì?
Nghề của tôi ư? Đôi khi tôi nói mình là tư vấn viên và cũng lắm lúc tôi nhận mình là nhà văn. Nhưng mỗi khi nhận được câu hỏi thế này tôi lại cảm thấy bối rối.
Tiểu thuyết gia.
Thế anh có sách xuất bản bằng tiếng Anh hay tiếng Trung không?
Không.
Cô không tỏ ra quá hứng thú. Khi đi đây đi đó tôi đã nhiều lần gặp phải chuyện tương tự thế. Tiểu thuyết gia không có sách xuất bản bằng tiếng Anh thì tức là vẫn chưa làm nên trò gì cả và bị đối xử cũng như một gã vô gia cư thôi.
Còn cô?
Tôi làm nhiều việc lắm. Bán hàng ở trung tâm mua sắm chẳng hạn. Hồng Kông rất nhiều trung tâm mua sắm.
Tôi có được phép hỏi cô bao nhiêu tuổi không?
Hai mươi mốt.
Tôi hơi bất ngờ. Hai mươi mốt tuổi mà nhìn cô quá đỗi già dặn.
Lần đầu cô đến Vienna à?
Tôi hỏi.
Ừm. Ở Hồng Kông mà muốn thoát khỏi Hồng Kông không phải là một việc dễ. Đây là chuyến du lịch nước ngoài đầu tiên của tôi đấy.
Có những người cả đời chỉ sống tại một thành phố. Với những người sống tại Seoul, thật không dễ dàng gì khi tưởng tượng ra cảnh chôn chân tại đó trong suốt hai mươi năm. Tôi chăm chú nhìn cô gái đến từ Hồng Kông, một vùng lãnh thổ nửa thuộc Anh, nửa lại là Trung Quốc, là thành phố nhưng cũng là một quốc gia ấy. Cô vừa bảo tôi rằng cô đã sống ở Hồng Kông huyên náo suốt cuộc đời mình.
Cô đã tìm chỗ trọ chưa?
Nghe tôi hỏi, cô lôi bản đồ ra xem lại.
Nhà nghỉ tôi nằm trên đường Mariahilferstrasse.
Mariahilferstrasse là con đường nối trung tâm và mạn phía Tây Vienna. Đa số các khu trọ rẻ đều tập trung ở đây và nhà trọ của cô không xa chỗ tôi ở là mấy.
Ngày mai cô có muốn tham quan khu trung tâm thành phố với tôi không? Tôi đến đây lần thứ ba rồi.
Được thôi.
Vậy hẹn cô mười giờ gặp nhau trước nhà hát lớn nhé.
Tôi chỉ vào vị trí nhà hát lớn trên bản đồ cho cô. Cô mở to đôi mắt hí nhìn bản đồ, rồi đứng dậy. Tôi về chỗ nghỉ thu dọn hành lý rồi xuống bar uống bia. Bà bartender mập mạp khéo léo rót bia còn đầy những bọt cho tôi. Tôi lấy tấm bưu thiếp in bức Judith mua ở bảo tàng ra xem.
Cô có đặc biệt muốn làm theo một cách nào đó không?
Hôm cuối cùng tôi đã hỏi Judith như thế. Judith ngồi thừ người ra một hồi lâu như thấy việc suy nghĩ thật là phiền phức rồi đẩy quả bóng quyết định sang tôi. Những việc tương tự vẫn thường hay xảy ra nên tôi cũng không ngạc nhiên mấy.
Theo anh thấy thì phương pháp nào phù hợp với tôi?
Ta bắt đầu từ việc loại bỏ các phương pháp mà cô ghét trước nhé?
Tôi lấy máy tính xách tay ra và bắt đầu mở các file hình ảnh dành cho khách hàng xem.
Cô không muốn bị treo cổ, phải không?
Tôi mở file thứ nhất lên: hình một người treo cổ chết dưới một cây trên đồi.
Vâng, cảm giác cổ bị siết lại chắc là khó chịu lắm.
Cô lấy tay phải xoa xoa vào gáy.
Nhưng mà thực tế thì rất đơn giản. Người ta thường nghĩ nếu thắt cổ thì phải chịu đau đớn khoảng ba bốn phút rồi mới chết, nhưng không hẳn vậy. Nếu cô tròng thòng lọng quanh cổ rồi đá cái ghế thì thòng lọng sẽ đột ngột siết chặt lấy cổ cô khiến nó gãy luôn. Tại khoảnh khắc đó, hầu hết mọi người đều mất hết ý thức chẳng còn biết gì nữa. Vậy cho nên có người chết khi chân vẫn chạm đất ấy. Nên sao có thể bảo rằng phải vùng vẫy khoảng ba bốn phút rồi mới chết được.
Dù sao thì tôi cũng ghét cách này.
Tôi mở file tiếp theo. Đó là hình ảnh của một thanh niên đang thả mình trong bồn tắm. Nước trong bồn lan tỏa một màu hồng.
Đây là cách phổ biến ở phương Tây. Giới quý tộc La Mã rất chuộng cách này. Khi ngâm mình trong nước ấm thì máu sẽ chảy nhanh hơn nên người ta cũng sẽ đạt được mục đích nhanh hơn họ tưởng nhiều. Cắt động mạch là việc khó, nhưng chỉ cần làm mỗi việc đó xong thì trong chốc lát sẽ được thư thái ngay. Chỉ cần đầm mình trong làn nước đẫm máu đỏ tươi là có thể chết. Lúc này do mất máu nên cơ thể rơi vào trạng thái sốc rồi trở nên yếu dần và dần mất ý thức. Nhưng tôi không khuyến khích cô cách này đâu.
Sao vậy?
Tôi từng gặp vô khối khách hàng khăng khăng chọn biện pháp này nhưng tới lúc làm thì lại yêu cầu tôi cắt cổ tay giúp. Tôi vốn ghét vấy máu vào tay mình lắm. Và chủ động tham gia cũng làm tổn hại đến ý nghĩa công việc của tôi.
Cũng phải. Vậy là anh không giúp họ?
Việc không được làm thì tôi tuyệt đối không làm.
Thế những người đó phải chọn cách khác?
Không, cuối cùng thì họ cũng tự mình làm thôi. Nhưng cũng phải trò chuyện với tôi nhiều hơn nữa thì họ mới đến mức ấy được.
Ra thế.
Vẻ mặt Judith khi ấy đã khắc sâu trong ký ức tôi. Cô đang cho tôi thấy một diện mạo khác hẳn so với lần đầu gặp mặt. Sức sống. Từ sau khi gặp tôi, lần đầu tiên vẻ mặt cô toát lên sức sống.
Hứng thú thật đấy. Đối với tôi cuộc sống lúc nào cũng là một đống hỗn độn không thể kiểm soát. Lúc nào tôi cũng ở những nơi mình không muốn. Nhưng bây giờ thì khác rồi,
cô nói, trong thoáng chốc bỗng hơi cao giọng.
Sự phấn khích của Judith là bằng chứng cho ý nghĩa của việc tôi đang làm. Cô đã thôi mút kẹo Chupa Chups, gí mắt vào màn hình laptop của tôi như đứa trẻ lần đầu học vi tính.
Gặp được khách hàng như Judith là một niềm hạnh phúc. Nghĩ về cô là lòng tôi lại thấy ấm áp. Tôi gọi bà bartender mang ra thêm một ly bia rồi uống liền một mạch. Sau đó tôi lên phòng tắm rửa nghỉ ngơi.
Sáng hôm sau khi tôi tới nhà hát lớn Vienna thì cô gái Hồng Kông đã đợi sẵn. Cô mang kính mát đen và tay đang cầm một lon Coca Cola.
Anh sẽ dẫn tôi đi đâu?
Cô hỏi.
Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật nhé.
Đi thôi.
Cô uống nốt chỗ Coca còn lại trong lon rồi đi theo tôi. Từ nhà hát lớn đi bộ theo hướng Tây, ta có thể bắt gặp cả Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên. Vienna tháng Tư vẫn còn giá lạnh. Gió thổi rét buốt, đến mức chúng tôi vừa đi vừa phải co rúm người.
Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật là nơi trưng bày bộ sưu tập mỹ thuật của Hoàng gia Habsburg. Đối diện nó là Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, nghe nói xưa nó từng là một hoàng cung. Đứng giữa quảng trường Maria Theresa, chiêm ngưỡng phong cách kiến trúc Phục hưng hùng vĩ, chúng tôi nhất trí rằng so với chúng thì bộ sưu tập quý bên trong bảo tàng khá là vô vị. Nhưng do bên ngoài gió thổi ào ào nên chúng tôi đành quyết định vào trong bảo tàng ấm áp. Gửi lại áo choàng và đồ đạc bên ngoài, chúng tôi đi dọc lối hành lang mà xưa kia bao quý tộc đã từng dạo bước.
Đúng như chúng tôi đoán, những thứ được trưng bày chẳng có gì hay: xác ướp của các pharaoh Ai Cập, các pho tượng canh giữ xác ướp, những chiến binh Hy Lạp bị cắt mất tay chân.
Chúng tôi nán lại trước bức tượng Kuros được khai quật từ thế kỷ 5 trước Công nguyên.
Cũng đẹp đấy chứ nhỉ?
Không. Những tác phẩm điêu khắc lực lưỡng vậy nhìn kinh lắm.
Cô lắc đầu.
Chúng tôi lên tầng hai, nơi chủ yếu trưng bày các tác phẩm thời kỳ hậu Phục hưng. Chúng tôi lang thang trong bảo tàng như thể đang đi ngắm phong cảnh. Trong góc phòng triển lãm có một gian trưng bày đặc biệt.
Những kiệt tác của chủ nghĩa huê tình.
Chúng tôi bước vào mà không hề để ý.
Tại đó trưng bày tranh của Titian hay Rubens, Caravaggio, với các nhân vật như Mars, Eros, Venus, Zeus. Tôi thấy thương cho những họa sĩ không thể miêu tả tình yêu thật sự giữa hai con người thật mà chỉ có thể biểu hiện cái huê tình thông qua lăng kính thần thoại. Tôi chẳng thấy hứng thú dù có cố gắng cảm thụ đến đâu. Cái huê tình trong các bức tranh này quá tinh tế và tách biệt nên chẳng mấy tác động đến tôi. Tôi chộp tay cô kéo đi.
Đủ rồi, ra ngoài thôi.
Cô gật đầu.
Bụng cũng đói rồi.
Chúng tôi vào quán cà phê trong bảo tàng mua sandwich ăn. Tôi uống chai nước khoáng mang theo còn cô uống Coca. Trông cô có vẻ còn mệt mỏi hơn cả khi mới gặp.
Nghe nói Hồng Kông về đêm đẹp lắm?
Tôi hỏi.
Thì cũng phải đẹp hơn địa ngục chứ.
Cả hai cùng cười.
Mà câu hỏi đó ngốc thật. Không có ai bảo rằng nơi mình đang sống là đẹp cả.
Cô nói đúng. Tôi uống thêm một ngụm Evian rồi lấy thuốc ra châm.
Sau Vienna anh sẽ đi đâu?
cô hỏi.
Đến nơi mà cô sẽ đến.
Cô tròn mắt hỏi lại,
Nơi tôi sẽ đi là đâu?
Florence.
Vì cô đã bảo cô đến Vienna từ Berlin nên tôi đoán cô sẽ đi tiếp về phía Nam. Thành phố phía Nam mà từ đây có thể đi tới trong đêm chỉ có thể là Florence. Nếu có ý định sang Đông Âu thì đã đi ngay từ Berlin rồi.
Làm sao mà anh biết được thế?
Trực giác mà. Ai đến từ địa ngục cũng đọc được suy nghĩ của người khác.
Florence chắc là ấm áp hơn. Berlin và Vienna lạnh quá đi mất.
Với người sống ở một nơi ấm áp như Hồng Kông thì thời tiết thế này cũng khiến người ta thấy cóng. Tối hôm ấy cô không về lại nơi trọ.