Chương III. EVIAN - 02


Số từ: 1446
Dịch giả: Võ Thị Lan Khanh
NXB Lao Động
Nguồn: Sưu Tầm
Vienna là một thành phố quyến rũ. Nhiều con người và tư tưởng từng chảy qua đây để tới những nơi khác. Cải cách tôn giáo, chủ nghĩa Biểu hiện và tư tưởng Quốc xã cũng đều thông qua thành phố này mà lan truyền khắp thế giới. Bây giờ người ta gọi đây là cửa ngõ giữa Đông và Tây Âu. Hầu hết khách du lịch đều nhận visa đi Cộng hòa Séc và Hungari tại đây. Tại Vienna, Hitler từng mơ thành họa sĩ.
Nếu vận mệnh không chọn tôi làm Quốc trưởng thì tôi đã trở thành Michelangelo rồi,
Hitler từng tự mãn dõng dạc tuyên bố. Mozart cũng đã theo học tại đây. Hitler đã thể hiện năng lực đặc biệt trong việc xây dựng chủ nghĩa phát xít và điều khiển tâm lý đám đông còn Mozart đã ghi dấu tên tuổi mình trong sáng tác và biểu diễn. Cả hai đều có tài năng thu hút quần chúng bẩm sinh. Nhưng ngày đó rất dễ làm người ta động lòng, như kiểu cuốn Nhật ký của Anne Frank đã gây xúc động lớn chỉ vì viết về vụ thảm sát người Do Thái. Ngày nay thì không dễ dàng như vậy nữa. Ngày nay, tin tức về chết chóc trở thành một dạng phim khiêu dâm được phát trực tiếp trên ti vi. Những vụ thảm sát trước đây chỉ được biết đến qua tin đồn thì giờ đã được tường thuật chi tiết và nhanh chóng thông qua vệ tinh.
Ở Vienna có nhiều thứ cùng song song tồn tại. Các dấu vết của đế chế La Mã thần thánh, các di tích của Đức Quốc xã tồn tại cùng ánh hào quang của cung điện hoàng gia Habsburg. Nhiều người coi thủ đô của quốc gia trung lập lâu đời nhỏ bé này là một điểm dừng chân, một nơi cần đi qua trên đường đến nơi nào đó khác. Tại Vienna, tôi cảm thấy như mình có thể ngủ với bất cứ ai. Tôi tưởng tượng mình gặp một người, cùng người đó đi xem hòa nhạc, vở Bóng ma trong nhà hát chẳng hạn, uống một cốc bia, làm tình trên chiếc giường cọt kẹt trong một nhà nghỉ rẻ tiền, rồi sáng hôm sau đường ai nấy đi trên hai chuyến tàu ngược hướng.
Tôi tới Vienna cũng là vì Judith, khách hàng của tôi. Ngay sau khi bắt đầu thực thi hợp đồng với cô, tôi cảm thấy một thôi thúc muốn đến quê hương của danh họa Gustav Klimt, người đã vẽ nên chính nàng Judith. Gustav Klimt vẽ suốt giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Ông là một người am hiểu thẩm mỹ, một nghệ sĩ fin de siècle[7] điển hình. Nàng Judith của Klimt đã thể hiện đỉnh điểm của sự suy đồi, được làm nổi bật thêm nhờ mảng nền hoa văn trang trí rực rỡ phía sau.


Anh ta gọi tôi là Judith,
Judith bảo tôi.

Vì sao?


Anh ta bảo tôi giống với cô Judith trong tranh của ông họa sĩ nào đấy.

Vào đêm cuối cùng, khi nghe cô kể chuyện này, tôi đoán biết ngay
ông họa sĩ nào đấy
là ai.
Là Gustav Klimt.

Lấy cảm hứng từ Kinh Thánh, rất nhiều họa sĩ đã vẽ Judith, nhưng cô gái này không giống Judith của một ai khác, mà chỉ là Judith của Klimt.

Tôi chẳng quan tâm họa sĩ đó là ai. Nhưng biết được tên ông ấy thì cũng vui. Mặc dù thể nào tôi cũng quên béng cho xem.
Judith cười.

Để xem bức Judith của Klimt, tôi hướng đến Bảo tàng Nghệ thuật ứng dụng ở Cung điện Belvedere. Tôi bắt tàu điện vào trung tâm thành phố, đánh đường vòng về phía Nam, chẳng mấy chốc đã thấy cung điện hiện ra. Tôi thong thả vào bảo tàng. Đông nghẹt bọn trẻ đi tham quan và đám du khách lia camera quay phim khắp chốn. Những chiếc máy ảnh Nhật Bản một thời từng tràn ngập những nơi như thế này giờ đây đã được thay bằng máy quay phim cầm tay. Như hố đen vũ trụ, một chiếc máy quay phim có thể nuốt trọn toàn bộ cung điện và hút cạn cả hồ nước phía trước nó. Trong tâm trí của đám du khách này, cung điện Belvedere bị rút xuống chỉ còn là một khuôn hình vuông vuông không điểm nhấn, phảng phất ánh tím xanh. Tái tạo hiện tại để bất tử hóa ký ức. Thật thảm hại, nhưng khuynh hướng của loài người bây giờ là thế đấy.
Trên phòng triển lãm ở tầng hai, phần lớn khách tham quan đều đang tập trung tại bức tranh Nụ hôn của Klimt. Thật may, bức Judith khá vắng người xem. Mái đầu đen của nàng được phóng to và phóng đến phi thực. Phía sau nàng, những hoa văn màu vàng kim khiến bức tranh hoa mỹ càng thêm phần rực rỡ. Và đôi mắt. Má nàng ửng hồng, nhưng đôi mắt nàng lại đang nhìn xuống, lim dim. Dường như nàng đang chào đón cảm giác ngay trước khi đạt cực khoái, say sưa trong khoảnh khắc ấy. Đôi môi hé mở, thảnh thơi. Phần ngực lộ ra không phải là màu da mà lại tỏa ánh tím xanh. Cái màu tím xanh ấy, rõ ràng một cách tinh tế, một cách ngột ngạt, chính là báo hiệu của chết chóc. Trông Judith như đã chết, mặc dù nàng quá hấp dẫn chẳng hề giống thây ma (hoặc cũng có thể do trông giống cái xác nên nàng hấp dẫn hơn chăng?). Tay trái nàng cầm cái đầu của Holofemes, cái đầu đích thân nàng đã cắt lấy. Cái đầu đen của hắn, mắt nhắm, đã chết.
Judith đã quyến rũ rồi ngủ với tên tướng địch Holofemes và cắt cổ hắn. Nhưng chuyện còn chưa rõ là sau khi hạ sát hắn liệu nàng có còn cảm thấy chút dư âm khao khát nào với tên tướng giặc, hoặc có phải nàng đã đạt được cực khoái đúng vào lúc chặt đầu hắn hay không.
Tôi đang chìm đắm trong bức tranh thì có một cô gái chen vào đứng trước mặt. Là một người châu Á thấp bé, tóc thẳng cắt ngắn để tự nhiên. Cô gái ấy che mất phần dưới bức tranh nên tôi nhẹ nhàng tránh sang bên cạnh. Từ góc nhìn nghiêng, đường nét khuôn mặt và mắt cô gái đều chỉ ra cô có nguồn gốc Đông Nam Á. Khi ấy cũng vừa đúng lúc một đoàn khách du lịch cùng hướng dẫn viên ùa vào đứng trước bức tranh Judith nên tôi rời khỏi phòng trưng bày. Cơn khát kéo đến dữ dội. Hình ảnh cô nàng khách hàng Judith của tôi, và Judith của Klimt cứ chập chờn trước mắt khiến tôi váng vất. Tôi xuống quán cà phê dưới tầng hầm gọi một chai nước khoáng Evian và một phần xa lát thịt xông khói kiểu Pháp. Nước khoáng Evian, được khai thác tại nguồn trên dãy Alps, có phần hăng hơn so với các loại nước khoáng của đất nước tôi. Nhưng tìm được Evian đã là may lắm rồi. Xui rủi thì biết đâu chừng tôi đã phải uống loại nước có ga.
Tôi nhớ có lần đã từng tới tận Praha cùng một cô gái người Hà Lan. Trước khi chia tay ai về phòng nấy chúng tôi hẹn nhau ngày hôm sau sẽ cùng nhau uống trà tại quán cà phê của khách sạn. Khoảng mười một giờ trưa, chúng tôi cùng xuống đó. Quán được bài trí rất sang trọng, có cả ban tứ tấu đàn dây đang chơi một bản cover. Tôi đã giật mình khi cô gái chỉ gọi nước khoáng ở một nơi cao cấp như thế.
Khi tôi sắp ăn hết đĩa xa lát thì cô gái Đông Nam Á cùng xem bức Judith khi nãy bước vào. Cô gọi một Coca và hai cái bánh sừng bò rồi bắt đầu ăn từ từ. Tôi nhìn cô thật kỹ. Tôi chắc ở cô có gì đó giống Judith, nhưng không thể tìm ra.
Ăn xong, cô chăm chú xem quyển cẩm nang du lịch mua ở bảo tàng khi nãy. Ánh nhìn vẫn chưa rời khỏi những tác phẩm của Klimt. Tôi bắt chuyện với cô. Vienna, đặc biệt là trong một bảo tàng mỹ thuật tại Vienna, là nơi thích hợp để con người chia sẻ với nhau.

Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tôi Có Quyền Hủy Hoại Bản Thân.