MỘT KẺ VÔ ĐẠO Ở KARS


Số từ: 5679
Người dịch: Lê Quang
NXB: Văn học
Nguồn: Sưu tầm
Sợ bị ăn đạn

Vừa rời khỏi quán trà, đột nhiên Ka sững lại trước mặt Muhtar.
Đang tư lự đi ngoài đường, Muhtar đã thấy nhưng không nhận ra mặt ông ngay trong mưa tuyết dày đặc. Còn Ka thì thoạt tiên định tránh qua một bên. Rồi họ cùng tiến một bước lại gần nhau và ôm nhau như hai bạn cố tri.
"Cậu có chuyển lời tôi nhắn đến Ipek không?"Muhtar hỏi.Cô ấy bảo sao? Mình vào quán đi, và cậu kể cho tôi biết."
Trông Muhtar không có vẻ bi quan chút nào, mặc cho vụ đảo chính xảy ra, bản thân bị cảnh sát đánh và hoãn tranh cử ghế thị trưởng. "Tại sao người ta không bắt giữ tôi ấy hả? Khi nào hết tuyết đường lại thông và quân lính rút đi thì sẽ tiến hành bầu cử:lý do thế đấy! Cậu hãy nói cho Ipek biết thế nhé!" Muhtar nói khi hai người ngồi vào quán trà. Ka nói là ông sẽ chuyển tin cho Ipek và hỏi Muhtar có nghe tin gì về Lam không.
"Tôi là người đầu tiên mời anh ta về Kars. Dạo trước anh ta toàn ở chỗ tôi mỗi lần về đây," Muhtar tự hào nói. "Nhưng từ khi bị báo chí Istanbul gọi là phần tử khủng bố thì khi về đây anh ta không bắt liên lạc với bọn tôi nữa để tránh làm hại đến đảng. Tôi chẳng biết anh ta làm gì cả. Ipek nói gì về chuyện tôi nhờ cậu nhắn lại?"
Ka nói là Ipek không trả lời rõ ràng về lời cầu hôn lặp lại của Muhtar.
Trên mặt Muhtar hiện lên một vẻ tựa như đang kể những điều rất khác thường; ông nói, Ka nên biết cô vợ cũ của ông là người nhạy cảm, tinh tế và đồng cảm đến mức nào. Giờ thì Muhtar hối tiếc sâu sắc đã đối xử không phải với vợ trong một quãng đời khủng hoảng. Rồi nói: "Về Istanbul cậu sẽ tự tay đưa Fahir những bài thơ mà tôi đã gửi cậu chứ?" Ka gật đầu và ánh mắt Muhtar trở nên thân thiện và buồn rầu như một ông già.
Thay vì ngượng ngập trước mặt Muhtar, Ka cảm thấy vừa thương hại vừa kinh tởm khi thấy Muhtar rút một tờ báo từ trong túi ra và nói với giọng đắc chí: "Ở địa vị cậu thì tôi sẽ không nhởn nhơ đi lại trong thành phố như vậy đâu."
Ka chộp lấy số báo Thành phốbiên giới của ngày mai còn chưa khô mực từ trong tay Muhtar và hấp tấp đọc: "Các nhà cách mạng đại thắng ở nhà hát... Những ngày hòa bình ở Kars... Hoãn bầu cử...Người dân đón chào cách mạng..." Rồi ông đọc trên trang nhất bản tin mà Muhtar lấy ngón tay chỉ vào:

KẺ ĐUỢC GỌI LÀ "NHÀ THƠ" KA ĐẾN THÀNH PHỐ CỦA CHÚNG TA LÀM GÌ TRONG NHỮNG NGÀY LOẠN LẠC NÀY?DÂN KARS BẤT BÌNH VÌ TIN ĐĂNG HÔM QUA VỀ "THI SỠI" ẤY.
Lắm tin đồn thổi đã đến tai chúng tôi về kẻ được gọi là nhà thơ Ka, người đã phá hỏng buổi tối của người dân Kars bằng bài thơ ngớ ngẩn và nhố nhăng mà hắn ta trình bày giữa vở kịch mang tinh thần Atatürk do nghệ sĩ vĩ đại Sunay Zaim và đoàn kịch của mình trình bày thành công tối qua trước cử tọa phấn khích đồng thời cướp mất bình yên cho của thành phố Kars. Người dân Kars tự hỏi vì cớ gì mà nhân vật mờ ám từng trốn khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều năm nay sống ở Đức lại đột nhiên xuất hiện ở đây như một tên gián điệp - giữa những ngày này, khi người dân Kars từ bao lâu vẫn đoàn kết chung sống nay lại bị các thế lực bên ngoài lôi cuốn vào cuộc chiến huynh đệ tương tàn khiến xã hội chúng ta chia rẽ thành các khối thế tục và toàn thống, Kurd, Thổ và Azerbaijan, cũng như làm hồi sinh luận điệu về vụ thảm sát người Armenia mà lẽ ra chúng ta nên quên đi từ lâu rồi. Có đúng là trước đây hai hôm hắn đã gặp các học sinh trường tôn giáo ở ga - tiếc thay, họ là những người quá dễ bị kích động - và nói với họ rằng (xin Thượng đế tha tội!) "Tôi là người vô thần, tôi không tin vào Thượng đế, nhưng tôi cũng không tự sát; đằng nào Allah cũng không có thật"? Tự do tư tưởng ở châu Âu chẳng lẽ lại thể hiện trong sự phủ nhận Thượng đế, vì có kẻ cho rằng nhiệm vụ của người trí thức là làm vấy bẩn các giá trị thiêng liêng của nhân dân? Mi nhận tiền của các thế lực Đức, không có nghĩa là mi có quyền chà đạp lên tín ngưỡng của dân tộc này! Hay mi giấu danh tính thật của mi vì xấu hổ là người Thổ, và sử dụng cái tên bịa đặt là "Ka" bắt chước tên nước ngoài?Theo tin do các độc giả gọi điện đến tòa báo và bức xúc thông báo, kẻ theo đuôi phương Tây ấy đã tới thành phố chúng ta với mục đích gieo rắc bất hòa trong chúng ta giữa những ngày khó khăn này, đi gõ cửa các gia đình nghèo khó nhất ở khu ổ chuột và kích động nhân dân vùng dậy, thậm chí còn nói xấu Atatürk, người đã đem lại cho chúng ta tổ quốc này, nền cộng hòa này. Toàn thành phố Kars tha thiết muốn biết kẻ gọi là nhà thơ hiện đang ở khách sạn Lâu Đài Tuyết, đến thành phố thúng ta để làm gì. Giới trẻ của Kars tẩy chay những kẻ phỉ báng Thượng đế và Đức tiên tri Mohammed của chúng ta (xin Thượng đế tha tội!).
"Cách đây hai mươi phút, lúc tôi đi qua chỗ Serdar Bey thì hai con trai ông ấy đang in tờ này," Muhtar nói, không có vẻ như chia sẻ nỗi lo sợ của Ka mà như vui sướng thấy một chủ đề lý thú.
Ka cảm thấy rất cô đơn, ông chăm chú đọc lại bản tin một lần nữa.
Hồi còn mơ mộng đến sự nghiệp văn chương rực rỡ, Ka vẫn nghĩ đến chuyện bị công kích dữ dội vì các cải cách hiện đại ông sẽ đưa vào nghệ thuật thi ca Thổ (giờ đây Ka thấy đó là một kháiniệm mang tính dân tộc chủ nghĩa ngớ ngẩn và thảm hại), và thái độ thù nghịch hoặc ngu dốt ấy sẽ tạo ra một hào quang quanh mình. Mặc dù những năm về sau Ka cũng có ít tiếng tăm nhưng vì chưa bao giờ phải đối đầu với những lời phê bình hung hãn kiểu ấy nên lúc này ông thấy đau lòng nhất vì cái tên "thi sỡi".
Sau khi Muhtar khuyên ông không nên chạy đi chạy lại như tấm bia hứng đạn rồi bỏ mặc ông một mình ở quán trà, Ka thấy sợ mình có thể bị ăn đạn bất cứ lúc nào, ông rời quán trà và tư lự đi tiếp dưới những bông tuyết khổng lồ rơi hờ hững như trong phim quay chậm.
Ở tuổi thanh xuân, chết vì những nguyên nhân trí thức hay chính trị, hoặc chết vì những điều mình tự tay viết ra, đối với Ka là một trong những đỉnh cao tâm linh mà đời người có thể đạt được. Đến tuổi ba mươi, sau khi chứng kiến nhiều bạn bè và người quen bị tra tấn đến chết vì những nguyên tắc dại dột hay thậm chí xấu xa, bị những băng đảng chính trị hạ thủ ngoài phố hay ăn đạn trong các cuộc tấn công nhà băng, hoặc tồi tệ hơn, một quả bom tự tạo phát nổ ngay trong tay họ, thì Ka đã ly khai khỏi những tư tưởng ấy. Do đã sống lưu vong từ nhiều năm vì những lý do chính trị mà chính ông đã hết tin tưởng, trong đầu óc Ka chính trị và tinh thần hy sinh quên mình không còn dính dáng gì với nhau. Khi báo Thổ ở Đức đưa tin về một phóng viên nào đó bị giết hại - "rất có thể" bởi thủ phạm Hồi giáo chính trị - thì ông thấy căm phẫn, và ông kính nể người đã chết, song không hề thấy khâm phục phóng viên đó chút nào.
Tưởng tượng ra một nòng súng vô hình nào đó thò qua lỗ thủng bám đầy băng tuyết trong một bức tường ở góc phố Halit Paşa cắt phố Kâzim Karabekir, nhằm vào mình, và đột nhiên mình trúng đạn, nằm giãy chết trên vỉa hè ngập tuyết, ông cố hình dung xem báo chí Istanbul sẽ viết gì về sự kiện này. Có lẽ văn phòng thống sứ và đại diện địa phương của Bộ an ninh quốc gia sẽ lờ đi khía cạnh chính trị của vụ việc để khỏi gây bê bối và tránh né trách nhiệm của mình, còn báo thí Istanbul - nếu không định bình tán về chuyện nạn nhân là một thi sĩ - có thể sẽ đưa tin này - cũng có thể không. Ngay cả khi các nhà thơ đồng nghiệp của ông và phóng viên tờ Cộng hòa có gắng sức bới ra quy mô chính trị của vụ này (ai sẽ viết bài này nhỉ? Fahir? Hay Orhan?) thì điều đó cũng đủ làm giảm thiểu ý nghĩa vị thế của ông trên văn đàn, còn nếu người ta có coi ông là một nhà thơ tên tuổi đi nữa, thì cái chết của ông sẽ được đăng vào trang văn hóa chẳng ma nào đọc.
Giả sử thực sự có một nhà báo Đức tên là Hans Hansen tồn tại trên đời này và giả sử Ka có quen ông ta thì tờ Frankfurter Rundschau sẽ đưa tin này, và sẽ là tờ báo phương Tây duy nhất. Mặc dù ông tự an ủi trong tưởng tượng là thơ mình có thể sẽ được dịch sang tiếng Đức và in trong Akzente, Ka biết rõ rằng đó là một cái chết thảm hại nếu nguyên nhân của nó là bài báo nhố nhăng này trong tờ Thành phố biên giới. Và đáng sợ hơn cả là chết vào đúng thời điểm đang trỗi lên hy vọng được hạnh phúc bên Ipek ở Frankfurt.
Một loạt văn sĩ nạn nhân của phe Hồi giáo chính trị trong những năm qua hiện ra trước mắt ông, và mặc dù lòng thương cảm khiến ông trào nước mắt, Ka vẫn thấy tất cả khá ấu trĩ: niềm phấn khích của một nhóm đã bỏ đạo và trở thành vô thần, và cố gắng vạch ra các "mâu thuẫn" trong kinh Koran (ông bị hành quyết bằng một viên đạn vào gáy), cơn thịnh nộ của một tổng biên tập gọi phụ nữ trùm đầu và đeo mạng che mặt trong các bài báo của mình là "quạ đen" (một buổi sáng, một băng đạn đã kết liễu tính mạng cả ông ta và lái xe), và kỳ vọng của một nhà báo muốn điều tra quan hệ giữa phong trào Hồi giáo chính trị và Iran (khi xoay chìa khóa khởi động ôtô, ông đã bị nổ tan thành từng mảnh). Ka không hẳn giận báo chí Istanbul và phương Tây hoàn toàn không quan tâm đến các phóng viên bị một viên đạn vào đầu trong một ngõ hẻm tỉnh lẻ, mà ông căm tức vì xã hội của chính mình đã quên phắt ngay đám nhà văn nạn nhân của các cuộc ám sát máu me. Ông ngạc nhiên nhận ra rằng điều tốt nhất là hãy lẩn vào một xó và cố mà sống hạnh phúc.
Khi đi ngang qua tòa báo Thành phố biên giới ở phố Faikbey, Ka thấy số báo ngày mai được dán bên trong một tấm cửa kính đã cạo sạch băng. Ông đọc lại bài báo viết về mình một lần nữa rồi bước vào. Anh con trai cả của Serdar Bey đang buộc dây một tập báo vừa in xong. Ka bỏ mũ xuống để anh ta nhận ra mình và phủi tuyết đọng đầy trên vai áo xuống.
"Bố tôi không có nhà." cậu em trai nói, tay cầm giẻ lau máy đi từ buồng sau ra. "Ông uống trà nhé?"
"Ai viết bài báo về tôi trong số báo ngày mai?"
"Có bài báo về ông ạ?" cậu em trai ngạc nhiên hỏi.
"Đúng đấy", người anh mỉm cười hài lòng và thân thiện.Anh ta có cặp môi dày như em mình. "Hôm nay tất cả các bài đều do bố tôi viết."
"Nếu báo ngày mai được phát hành..." Ka nói, ông nghĩ một lát: "thì sẽ có hậu quả không lành cho tôi."
"Tại sao ạ?" người anh hỏi. Anh ta có làn da rất mềm mại và đôi mắt cực kỳ ngây thơ, nhìn người khác một cách ấu trĩ và chân thành. Ka nhận ra rằng ông chỉ có thể moi được tin gì đó từ hai anh em này bằng những câu hỏi thân mật và đơn giản như của trẻ con. Và ông được biết là cho đến bây giờ mới chỉ có ba người mua báo là Muhtar Bey, một cậu bé do trụ sở đảng Tổ quốc cử đến, và cô giáo dạy văn về hưu Nuriye Hanim - tối nào bà cũng ghé qua đây. Nếu đường thông thì báo này sẽ được đưa ra xe buýt chở đi Ankara và Istanbul, nhưng bây giờ còn phải đợi cùng các bưu kiện của hôm qua, số còn lại sẽ được hai con trai Serdar Bey giao đi khắp Kars; nghĩa là nếu ông bố muốn thì cho đến sớm mai chắc chắn họ sẽ ra được một ấn bản mới; Serdar Bey vừa ra khỏi văn phòng và sẽ không quay lại ăn tối. Ka nói là ông không ở lại uống trà được, mua một số báo rồi bước ra ngoài bóng đêm lạnh lẽo chết chóc của Kars.
Thái độ vô ưu và trong trắng của hai chàng trai khiến Ka tương đối yên tâm. Những bông tuyết vẫn chầm chậm rơi trong khi ông tự hỏi với mặc cảm tội lỗi, liệu mình có hèn quá mức không. Nhưng trong đáy lòng ông biết rằng rất nhiều văn sĩ đã phải từ giã thế giới này chỉ vì sa vào ngõ cụt mang tên tự hào và dũng cảm, họ đã rủi ro đón một nắm đạn chì vào đầu và ngực, hoặc nhầm tưởng bưu kiện đựng bom là một gói quà của người hâm mộ. Ví dụ như thi sĩ Nurettin trước đây mấy năm, một người hâm mộ châu Âu nhưng không quan tâm lắm đến chính trị; khi một bài viết thời bồng bột mang chút hơi hướng"khoa học" mà thực ra khá ngô nghê của ông bị một tờ báo Hồi giáo chính trị moi ra và trích đăng lệch lạc cho là "phỉ báng tôn giáo" thì Nurettin - chỉ vì không muốn mang tiếng hèn - đã hăng hái bênh vực những ý tưởng cũ mèm nọ. Rồi thì bầu nhiệt huyết Atatürk của ông được báo chí thế tục thân quân đội nâng lên vị trí người hùng - cũng rất hợp ý Nurettin, rốt cuộc có một hàng dài đầy ấn tượng nối đuôi theo chiếc quan tài trống rỗng: Nurettin bị xé thành hàng nghìn mảnh vụn bởi một quả bom bọc trong túi chất dẻo gắn vào bánh trước ôtô ông. Khi mở mấy tờ báo Thổ ở thư viện Frankfurt, qua những dòng tin vắn ở trang cuối Ka biết được kết thúc của loại sự việc như thế này ở tỉnh lẻ: đối với các nhà báo địa phương, các bác sĩ theo chủ nghĩa duy vật và các nhà phê bình tôn giáo to mồm, mê muội vì ý tưởng chứng tỏ lòng dũng cảm và lo bị người ngoài cho là hèn, hoặc hy vọng có thể thu hút mối quan tâm của dư luận thế giới "cứ như Salman Rushdie" thì đâu cần đến một khẩu súng ngắn bình thường, nói gì đến một quả bom tinh vi như ở thành phố lớn! Những thanh niên cuồng tín thịnh nộ có thể bóp cổ nạn nhân bằng tay không trong một ngõ tối hay đâm chết họ bằng dao găm. Do vậy Ka bóp óc nghĩ xem sẽ phát biểu gì, nếu ông có điều kiện trả lời trên báo Thành phốbiên giới, một mặt tránh nhận một lỗ xuyên qua ngực áo, mặt khác cũng cứu vớt được danh dự của mình ("Tôi là người vô thần, nhưng chắc chắn không sỉ nhục Đấng tiên tri"? "Tôi không theo tín ngưỡng nào, nhưng tôi tôn trọng tôn giáo"?) Khi rùng mình nhìn lại đằng sau vì nghe tiếng chân bước của ai đó đang lội tuyết lại gần mình, ông thấy ông giám đốc công ty xe buýt mà ông đã biết mặt khi đến bí thất của trưởng lão Saadettin vào giờ này hôm qua. Ka nghĩ ngay đến chuyện nhờ ông này chứng minh là mình không phải vô thần, và thấy xấu hổ bởi ý nghĩ đó.
Đầy cảm kích trước vẻ đẹp của những bông tuyết lớn như sự lặp lại vô tận của một điều kỳ diệu bình dị, Ka thậm rãi đi xuôi phố Ataturk. Sau này Ka sẽ tự hỏi vì sao mình luôn giữ trong tâm trí vẻ đẹp của tuyết ở Kars, những cảnh tượng mà ông thấy như trên một tấm bưu ảnh u sầu và vĩnh cửu trong khi đi lang thang trên vỉa hè ngập tuyết (ở cuối phố ba đứa trẻ kéo xe trượt tuyết lên ngược đốc, trong cửa kính hiệu ảnh Hừng Sáng phản chiếu ánh sáng xanh của cây đèn giao thông duy nhất ở Kars).
Trước cửa vào hiệu may ngày xưa mà Sunay chọn làm trụ sở chính, Ka thấy một xe tải quân sự và hai lính gác. Mặc dù ông nói đi nói lại với hai người lính gác đứng trên ngưỡng cửa để tránh tuyết rằng ông muốn gặp Sunay, song họ huých ông bắn ra như một thằng nhà quê ngớ ngẩn định vào mè nheo với lãnh đạo bộ tổng chỉ huy. Ka muốn nhờ Sunay ngăn phát hành tờ báo.
Người ngoài muốn hiểu nỗi bực dọc và hoảng sợ của Ka cần chứng kiến ông thất vọng ra sao. Thực ra ông đã muốn về khách sạn thật nhanh, nhưng trước khi bước đến góc phố đầu tiên thì ông lại rẽ vào quán trà Thống Nhất bên tay trái. Ông ngồi xuống bàn giữa lò sưởi và gương treo trên tường, viết bài thơ"Bị bắn chết".
Sau này ông ghi chú rằng động lực chính của bài thơ là "Nỗi sợ hãi tinh tuyền", và bố trí bài đó vào giữa trục TUỞNG TUỢNG và trục HỒI ỨC trên tinh thể tuyết sáu cánh, song khiêm nhường lờ đi lời tiên đoán hàm chứa trong đó.
Đồng hồ chỉ bảy giờ hai mươi khi Ka viết xong bài thơ và ra khỏi quán trà Thống Nhất trở về khách sạn Lâu Đài Tuyết. Ông nằm ra giường, quan sát những bông tuyết chầm chậm rơi trong ánh sáng từ đèn đường và từ chữ T màu hồng, hình dung sẽ hạnh phúc với Ipek ở Đức ra sao và cố gắng tự trấn an. Mười phút sau ông xuống tầng dưới vì ước muốn được gặp lại Ipek ngay lập tức quá mạnh mẽ, thấy Zahide đặt nồi xúp vào giữa bàn và xung quanh bàn là cả gia đình cùng một người khách quây quần, thấy cả mái tóc nâu đỏ của Ipek sáng bừng lên. Khi ông ngồi vào chỗ được mời, cạnh Ipek, trong phút chốc ông tự hào cảm thấy cả bàn biết đến tình yêu giữa mình và Ipek. Sau đó ông mới nhận ra rằng vị khách ngồi đối diện mình là Serdar Bey, chủ bút báo Thành phố biên giới.
Serdar Bey lắc tay ông với nụ cười thân mật đến nỗi Ka thoáng nghi ngờ những gì mới đọc trong báo. Ông đưa đĩa ra xin xúp đặt tay dưới bàn lên đùi Ipek, ghé đầu lại gần đầu côđón nhận mùi hương và sự hiện diện của cô, rỉ tai cô rằng rất tiếc không được tin gì về Lam. Ngay sau đó ánh mắt ông giao nhau với ánh mắt Kadife ngồi ngay cạnh Serdar Bey và hiểu rằng trong tích tắc đó Ipek đã chuyển cho cô thông tin nọ. Ông bực mình và hơi cáu, song vẫn nghe Turgut Bey phàn nàn về cuộc họp mặt tại khách sạn Châu Á. Ý Turgut Bey cho rằng cuộc họp mặt ấy chỉ là một vụ khiêu khích, rồi ông nói thêm, dĩ nhiên cảnh sát đã biết hết mọi chuyện. "Nhưng tôi hoàn toàn không hối hận đã có mặt trong hội nghị lịch sử này," ông nói. "Tôi rất mừng khi được tận mắt chứng kiến rằng số người tiềm năng có quan tâm chính trị ít ỏi ra sao, bất kể già hay trẻ. Tôi đến đó kỳ thực để phản đối cuộc đảo chính quân sự, và ở đó tôi đã có ấn tượng rằng người ta hoàn toàn không thể làm chính trị với lớp người thảm hại nhất, kém trình độ nhất và thiếu tổ chức nhất thành phố này được, và bên quân sự đã có lý khi không trao tương lai thành phố vào tay lũ này. Tôi kêu gọi tất cả, trước tiên là Kadife, hãy suy tính lần nữa cho kỹ trước khi dây dưa vào chính trị ở đất nước này. Thêm nữa, trước đây ba mươi lăm năm ở Ankara người ta đã biết người đàn bà bự phấn quá thì mà các bạn vẫn thấy đứng quay chiếc nón kỳ diệu trong tivi là nhân ngãi của ngoại trưởng đương nhiệm Fatin Rüştü Zorlu. Ông này về sau bị xử tử."
Sau hơn hai mươi phút ngồi cùng mọi người bên bàn, Ka rút tờ báo Thành phố biên giới trong túi ra. Máy vô tuyến vẫn chạy nhưng quanh bàn im hẳn.
"Tôi cũng định nhắc tới chuyện ấy, nhưng không rõ nên làm thế nào để ông khỏi hiểu nhầm và khó chịu," Serdar Bey nói.
"Serdar, Serdar, ông lại nhận lệnh từ đâu vậy?" Turgut Bey hỏi. "Vị khách của chúng ta có đáng bị thế đâu. Ông đưa cho ông ấy tờ báo đi, bảo ông ấy đọc lên xem ông ấy đã làm trò gì."
"Tôi muốn mọi người biết rằng tôi không tin lấy một lời trong bài tôi viết." Serdar Bey nói và cầm tờ báo Ka trao cho. "Các vị sẽ xúc phạm tôi nếu nghĩ là tôi tin vào bài báo ấy.Xin ông Turgut Bey hãy nói cho ông khách đây biết rằng chuyện này không phải nhằm vào cá nhân, và nhà báo ở Kars buộc phải viết những bài như vậy."
Serdar luôn theo lệnh của văn phòng thống sứ trát bùn lên người khác," Turgut Bey nói. "Giờ thì đọc lên đi!"
"Nhưng tôi không tin lấy một câu nào trong đó," Serdar Bey tụ hào phát biểu. "Cả các độc giả của chúng tôi cũng không tin.Vậy nên không việc gì phải sợ cả."
Serdar đọc to bài báo, nhấn mạnh vài đoạn một cách linh tính hoặc mỉa mai. "Thấy chưa, chẳng việc gì phải sợ cả!" ông kết luận.
"Ông là người vô thần?", Turgut Bey hỏi Ka.
"Bố ơi, vấn đề không phải ở đó,"Ipek giận dữ nói. "Nếu báo này được phát hành thì ngày mai người ta sẽ bắn anh ấy ngay giữa phố."
"Chẳng có gì xảy ra cả đâu, cô bé ơi," Serdar Bey nói. "Quân đội đã thu gom hết các phần tử Hồi giáo chính trị và phản động ở Kars rồi."Ông quay sang Ka: "Tôi đọc được trong mắt ông là ông không khó chịu, ông cũng biết tôi kính trọng nghệ thuật và nhân cách của ông, ông đừng đánh giá oan tôi bằng thước đo của châu Âu vì nó không hợp với chúng tôi! Những kẻ ngu xuẩn tưởng rằng chúng ở Kars là ở châu Âu, trong vòng ba ngày chúng sẽ bị bắn chết hết và quên luôn, ông Turgut Bey cũng biết rõ đấy! Báo chí ở Đông Anatolia đang có vấn đề lớn. Dân Kars không mua và đọc báo của chúng tôi. Có mỗi các cơ quan chức trách của nhà nước đặt mua dài hạn báo này. Tất nhiên chúng tôi phải cung cấp loại tin tức mà người đặt mua báo muốn đọc. Mọi nơi trên trái đất này, thậm chí cả ở Mỹ, trước tiên báo phải đăng các tin tức mà độc giả mong muốn. Nếu độc giả đòi ông đưa tin dối trá thì không ai trên đời này lại viết sự thật để bị giảm số lượng phát hành. Giả sử phải viết sự thật thì việc gì mà tôi lại không làm, nếu nhờ đó tăng lượng báo bán ra? Ngoài ra, cảnh sát cũng không cho phép chúng tôi viết sự thật ở Ankara và Istanbul chúng tôi có một trăm rưởi người đọc xuất thân từ Kars. Chúng tôi phóng đại thêm là những người ở đó thành đạt và phú quý ra sao và tô vẽ ra thêm để họ tiếp tục đặt báo.Một lúc nào đó chính họ cũng tin vào lời dối trá ấy, nhưng đólạilà chuyện khác."Ông ta cười phá lên.
"Ai đặt viết tin này? ông nói toạc ra đi!" Turgut Bey nói.
"Thưa ông, ai cũng rõ việc bảo vệ nguồn tin là quy định quan trọng nhất của ngành báo ở phương Tây."
"Các con gái tôi rất mến vị khách này." Turgut Bey nói. "Nếu ngày mai ông phát hành tờ báo này,chúng sẽ không bao giờ tha thứ cho ông. Và nếu những kẻ toàn thống phát rồ mà hạ sát vị khách của chúng tôi thì ông có cảm thấy phải chịu trách nhiệm không?"
"Ông sợ đến thế hay sao?" Serdar Bey hỏi và mỉm cười nhìn Ka. "Nếu sợ đến thế thì tốt nhất ngày mai ông đừng ra đường!"
"Thay vì vị khách của chúng tôi, có lẽ không nên cho tờ báo ra đường thì hơn," Turgut Bey nói. "Ông đừng phát hành nữa!"
"Các khách đặt báo sẽ bực mình."
"Được." Turgut Bey nói như theo một gợi ý chợt nảy ra. "Bất cứ ai đã đặt báo này thì ông cứ gửi cho họ. Ông in bản mới cho những người còn lại, nhưng bỏ phần tin dối trá và kích động nói về vị khách của chúng tôi đi!"
Ipek và Kadife cũng ủng hộ ý này. "Tôi tự hào khi thấy báo mình được coi trọng như vậy," Serdar Bey nói. "Nhưng ông phải nói cho tôi hay, ai sẽ đảm nhận phí tổn cho ấn bản mới?"
"Bố tôi sẽ mời ông và hai con trai của ông ăn tối ở nhà hàng Đất Xanh,"Ipek nói.
"Đồng ý, nếu tất cả các vị cùng đi," Serdar Bey nói. "Nhưng phải đợi đến khi đường thông trở lại và chúng ta thoát được đám diễn viên ấy! Kadife Hanim cũng phải có mặt đấy. Kadife Hanim, cô có thể điền vào chỗ trống trên báo một bài tuyên bố ủng hộ vụ đảo chính ở nhà hát không? Có lẽ độc giả của chúng tôi sẽ rất thích đọc bài ấy đấy!"
"Kadife không viết đâu, nhất định không." Turgut Bey nói. "Ông chưa biết tính con gái tôi hay sao?"
"Kadife Hanim, cô có thể nói là sau vụ đảo chính ở nhà hát số người tự sát ở Kars sẽ giảm đi không? Độc giả của chúng tôi sẽ rất hài lòng. Ngoài ra cô vẫn luôn phản đối các thiếu nữ Hồi giáo tụ tử mà."
"Tôi không phản đối tự sát nữa," Kadife ngắt lời ông.
"Thế thì cô đã thành người vô thần rồi hay sao?" Serdar Bey hỏi. Ông định nhờ đó mà chuyển sang đề tài khác, nhưng còn đủ tỉnh táo nhận ra mọi người quanh bàn bắt đầu khó chịu với mình.
"Được tôi hứa sẽ không phát hành tờ báo này," ông nói.
"Ông in bản mới?"
"Ngay sau khi tôi rời khỏi đây, trước khi về nhà !"
"Chúng tôi cảm ơn ông,"Ipek nói.
Một sự im lặng kỳ dị kéo dài. Ka hài lòng: đây là lần đầu tiên từ nhiều năm qua ông có cảm giác là thành viên của một gia đình. Ông nhận ra rằng, cái mà người ta gọi là gia đình dựa trên niềm vui sướng được cùng nhau bám trụ, mặc cho mọi bất hạnh và vấn đề không có giải pháp. Và ông tiếc rằng đã bỏ lỡ chuyện đó trong đời. Liệu ông có sống hạnh phúc với Ipek được đến cuối đời không? Nhưng hạnh phúc không phải thứ ông tìm kiếm, ông cảm nhận rõ điều ấy sau ly Raki thứ ba, thực tế có thể nói là ông ưa sự bất hạnh hơn. Cốt lõi ở đây là sự hàn gắn vô vọng, là một tế bào tạo ra từ hai con người, cách biệt với toàn bộ thế giới. Ông cảm thấy có khả năng cùng Ipek xây dựng một cộng đồng như thế, chỉ cần họ ngủ với nhau liên tục vài tháng liền. Tối nay ngồi cùng bàn với hai chị em, cảm nhận sự hiện diện của họ và sự mềm mại của cơ thể họ, biết được mỗi tối về nhà không còn cô đơn, chờ đón niềm thỏa mãn nhục cảm và tin tưởng rằng ngày mai báo không được phát ra - tất cả khiến Ka hạnh phúc vô biên.
Trong cơn hưng phấn ấy Ka nghe những mẩu chuyện và tin đồn kể ra bên bàn không như tin dữ, mà chỉ như những truyện cổ tích rợn người: một thằng bé làm ở nhà bếp kể cho Zahide nghe có nhiều người bị bắt đưa đến sân vận động, cửa vào sân ngập quá nửa trong tuyết, họ bị bắt ở ngoài trời cả ngày nhằm khiến họ phát bệnh càng nhiều càng tốt và thậm chí chết cóng. Để cảnh cáo, vài người bị bắt dựa vào tường trong lối đi tới phòng thay đồ và bắn tới nhũn cả người. Các nhân chứng của không khí kinh hoàng mà Z. Tay Sắt và đồng bọn gieo rắc khắp thành phố còn kể lại nhiều chuyện có thể là cường điệu: trụ sở hội Lưỡng Hà, nơi thanh niên Kurd theo chủ nghĩa dân tộc tập tành văn chương và văn nghệ dân tộc bị tấn công, do không ai có mặt nên chúng đánh đập tàn nhẫn ông già chuyên nấu trà và ngủ qua đêm ở đó, mặc dù ông ta không dính gì đến chính trị. Hai thợ cắt tóc và một người thất nghiệp cách đây mấy tháng bị thẩm vấn vì nghi lấy sơn bôi bẩn tượng Atatürk ở cửa vào khu thương mại Atatürk, nhưng không bị bắt giam, sau khi bị đánh suốt đêm đến sáng hôm sau đã thú tội và khai thêm các vi phạm khác nữa: họ dùng búa đập gẫy mũi tượng Atatürk trong sân trường trung cấp công nghiệp, viết bậy lên áp phích Atatürk treo trên tường quán trà Mười Lăm Người, lập kế hoạch dùng rìu phá hủy tượng đài Atatürk đối diện sở thống sứ. Trong hai thanh niên người Kurd, nghe nói đã viết khẩu hiệu chính trị lên tường ở phố Halit Paşa sau vụ đảo chính ở nhà hát. Một người bị bắn chết, người kia sau khi bị bắt đã ăn đòn cho đến khi bất tỉnh. Một thanh niên thất nghiệp khác bị lôi đến bắt xóa khẩu hiệu trên tường trường tôn giáo, đã bị bắn vào chân khi định bỏ trốn. Tất cả những ai nói xấu quân lính và diễn viên hoặc loan các tin đồn thất thiệt trong các quán trà đều bị mật thám chỉ điểm, vậy mà vẫn cứ lưu truyền nhiều tin đồn cường điệu, giống như trong mọi thời kỳ của thảm họa và chết chóc; người ta kể về mấy thanh niên Kurd bị chết khi quả bom đang cầm trong tay phát nổ, về các thiếu nữ trùm khăn tự sát để phản đối cuộc đảo chính quân sự, hay về một xe tải chở đầy thuốc nổ bị chặn lại khi đang lao về phía đồn cảnh sát Inönü.
Trước đó Ka cũng đã nghe chuyện đánh bom cảm tử bằng xe tải chở thuốc nổ nên ông chú ý nghe chuyện này, ngoài ra thì suốt buổi tối ông chỉ tận hưởng sự thanh thản trong khi ngồi cạnh Ipek.
Đêm đã khuya, sau Serdar Bey là cả Turgut Bey và hai cô gái đứng dậy về phòng. Lúc ấy Ka thoáng nghĩ đến chuyện mời Ipek về phòng mình. Nhưng vì sợ một câu từ chối làm vẩn đục cảm giác hạnh phúc của mình nên ông ra khỏi phòng mà không hề nhìn sang Ipek.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tuyết.